Thường là ngày thứ sáu, hoặc hai ngày cuối tuần tôi mới rời khỏi building với bốn bức tường giáp mặt để ra phố. Tạt quán cafe quen dưới Queen st, Gloria J và Miann ở Britomart.
Tôi thích ngày thứ sáu hơn thứ bảy và chủ nhật. Thời gian của cuối tuần sẽ được kéo dài ra thêm một chút. Mọi người cũng sẽ bớt bận rộn hơn. Tôi thích cảm giác khi thấy những người thân quen của mình nở bừng sự sung sướng trên khuôn mặt. Tiếp tục đọc →
Ngay buổi sáng tôi đã có mặt trước dãy nhà trên thông lộ Westminster thuộc thành phố Garden Grove, trong đó có một căn là tòa soạn báo Mai của Hoài Điệp Tử, bị đốt cháy trong đêm. Anh tên thật Phạm Văn Tập, sinh 1942 ở Bạc Liêu. Bên phải căn phố là tiệm bán sách cũ của một phụ nữ Mỹ. Không khí còn đượm mùi khói. Khung cửa sắt và tấm biển Tuần Báo Mai nám đen. Giải băng màu vàng của cảnh sát không cho chúng tôi tới gần, nhìn quanh thấy bạn hữu trong làng báo, có Nguyễn Tú A từ thuở ở Sài gòn. Ngọn lửa bắt xăng được cho biết là cháy bùng vào sau nửa đêm; xác Hoài Điệp Tử đã được mang đi. Mấy ngày trước, Hoài còn ngồi với chúng tôi trong quán Thiên Thanh bên cạnh, còn nhớ là có khá đông bạn hữu trong làng báo gốc người miền Nam như Trọng Viễn, Trần Xuân Thành, Lâm Tường Dũ… Không khí vẫn vậy: nói đủ thứ chuyện, tiếng chai cốc va chạm lanh canh, mùi khói thuốc lá, tiếng cười đùa, giọng phóng sự tâm tình và cả triết lý.
Khi nói đến trái cà pháo, người ta thường nghĩ ngay đến hũ cà pháo muối ăn với mắm tôm, như thể nó là đặc sản của người Bắc. Nhưng với tôi, cà pháo luôn là món thuần Quảng Nam với cách chế biến khác hẳn người Bắc.
Cà pháo xét ra là loại cây dễ trồng. Hễ ăn cà muối, vắt hột rồi đổ hắt ra đất là ít lâu sau mọc lên đám cà con. Cứ vậy, chẳng ai chăm sóc. Như đám con nít nhà quê, nó cứ lớn lên tự nhiên cho tới ngày ra bông, ra trái. Bông cà pháo tím nhạt, màu mà người ta gọi là tím Huế. Bông hình sao, chúc xuống, nấp dưới tán lá. Rồi từng trái cà non trắng nõn, lớn dần bằng đầu ngón tay cái, có trái to bằng đầu ngón chân cái. Nhằm bận mùa gặt lúa, cà pháo bị bỏ quên đến chín vàng cả cây. Nếu cà pháo miền Bắc ngâm muối, ăn với mắm tôm, cắn một phát là hột tràn trong miệng thì cà pháo miền Trung lại chế biến khác. Trái cà sau khi cắt cuống được chẻ làm đôi hoặc làm tư, để dính phần đít rồi ngâm muối. Chừng hai ngày sau, trái cà ngả màu nâu thì lấy ra, vắt sạch hột, chỉ giữ phần vỏ mỏng. Lý tưởng nhất của món này là ngâm với mắm cái ớt tỏi. Cắn một miếng cà pháo giòn rụm, thấm mùi mắm, ăn với cơm trắng thì ngon không chi bằng! Nhưng có lẽ, không có cách ăn cà pháo nào giống cách ăn cà pháo của dượng Sáu Củi.
Bạn, lâu quá tôi không nghe tin gì từ bạn. Tôi lo lắm. Quan hệ của chúng ta không thể vô cớ mà đứt đoạn như thế. Bạn không thể vô tình mà bỏ tôi, tôi giận bạn đấy. Nếu bạn muốn tôi hết giận, tôi chỉ cách cho bạn. Chúng ta nói chuyện lại nhé, và sẽ nói như thế này:
Này bạn, sao hôm nay bạn im lặng quá? Sao bạn không trò chuyện với tôi? Bạn không được khỏe à? Bạn có cần tôi ôm bạn thật chặt không? Hiệu quả chứ? Người khác chữa bệnh bằng nhân điện, tôi chữa bệnh bằng tình yêu, chắc cũng giông giống nhau. Bệnh từ nhiều căn nguyên mà ra, nhưng có thể dùng tình yêu để chữa trị tất cả. Rất nhiều căn bệnh không cần thiết phải xẩy ra nếu có sự hiện diện của tình yêu từ lúc ban đầu. Mình yêu mình có rất nhiều dược tính. Người khác yêu mình cũng là một loại thuốc hay. Hôm nào mà tôi thấy bạn im lìm như thế này, tôi lo lắng vô cùng, vì lỡ như bạn bệnh, không còn đến đây trò chuyện với tôi, tôi biết trò chuyện với ai, nên những lúc tôi thấy bạn im lìm như thế này, tôi e bạn bệnh, và muốn ôm chầm bạn vào người, vuốt ve và hôn hít bạn, để bạn được ngâm mình trong tình yêu của tôi như đang ngâm trong bình rượu thuốc. Chốc thì bạn sẽ tỉnh táo và huyên thuyên với tôi như thường.
Tháng chín năm con cọp, tôi vô lớp một. Ngày nhập học đầu tiên, tôi ôm cột nhà khóc ướt mèm bộ đồng phục mới. Cô giáo không có cây roi mây như chị Hai vẫn dọa, nhưng cô còn nghiêm khắc đáng sợ hơn cây roi mây. Tôi bị bắt ngồi im một chỗ, bị bắt nhận mặt chữ cái và bị bắt đánh vần ê a.
Bốn giờ rưỡi chiều, ngại ngùng điện thoại ông Nghiễm lần đầu, không chắc ông sẽ tiếp. Không ngờ ông vui vẻ bảo lúc nào đến chơi cũng được, bây giờ đến cũng được. Lên xe ôm đi ngay, vào tìm nhà ông khá dễ. Ngôi nhà hẹp nhưng sâu, ngăn nắp, nơi cửa phơi những bức sơn mài đang làm dở. Ông ở trần, mặc quần soóc, dáng tầm thước, trẻ hơn so với tuổi, một phần vì mái tóc cắt ngắn. Đôi mắt tinh anh, khi cười nheo lại, răng còn đều. Ông nói chuyện từ tốn, cởi mở. >>>
Bạn bè tôi thường hỏi: “Sài Gòn có gì hay ngoài bụi bặm, kẹt xe, một cuộc sống đầy bon chen áp lực?” “Chẳng lẽ mày chôn đời ở đó hả P.?” Có khi, bạn không-sống-ở-Sài Gòn nói với tôi những câu vu vơ: “Tao thích sống chậm, Sài Gòn quá nhanh!” “Tao thích Đà Nẵng thanh bình!” “Hay mày về Đà Nẵng với tụi tao!” Tôi không biết phải nói sao cho bạn hiểu, rằng Sài Gòn đẹp và quyến rũ như thế nào! Sài Gòn cuốn hút như cô nàng gypsy trong phim của Tony Gatlif, vừa phóng khoáng, tự do, vừa dơ bẩn, bất an, lại vừa điên cuồng và tha thiết. Nếu bạn muốn biết Sài Gòn đẹp ra sao? Hãy ngồi lên xe máy, chạy ra đường, và ngó!
Những ngày này, nếu bạn đi lòng vòng khu Thủ Thiêm, bạn sẽ thấy những bức tường nham nhở, gạch ngói đổ nát bên cạnh cái tủ bán bánh cuốn buổi sáng. Những cây nhàu vẫn bền bỉ ra trái, trổ đọt mới bên những chiếc máy xúc nện ầm ầm. Có thể bạn sẽ chợt thấy trên đống gạch đổ nát đó, vài dòng chữ nguệch ngoạc: “Tạp hóa A. dời về…”, “Tiệm sửa xe B. chuyển về…” và bên cạnh đó là một tấm bia loang lổ, trước có cắm hương, bên trên để vỏn vẹn một chữ: “ĐỤ”. Từ bến phà cũ Thủ Thiêm, đi vòng qua hầm Thủ Thiêm mới, băng qua những đôi tình nhân, băng qua đám săn ảnh hoàng hôn đang lặn sau những tòa nhà ở quận 1, bạn sẽ gặp một khu đồng trống. Đừng dừng xe, đi tiếp đi, băng qua một bãi rác, lướt qua những ngôi miếu Ngũ Hành, những mái đình nằm chỏng chơ, bạn sẽ đến bến cảng. Mấy thằng nhỏ người nhem nhuốc dầu nhớt, ngồi trên đò ngó ra sông, làm xị rượu mà nhậu. Một thằng khác ngồi chồm hổm trên bờ, tay cầm đoạn cây nhàu chừng 1m đang ngồi câu bên cái hố nước chỉ lớn hơn cái xô một tí. “Em câu cá bống, câu tôm chị ạ. Tụi cá bống ngoài sông chui vô đây hết à! Nhậu với tụi em không?”
Đừng nghĩ chỉ có sự hoang liêu, điêu tàn của Thủ Thiêm mới là đẹp. Qua cầu Sài Gòn, nếu rẽ trái thì sẽ gặp Thảo Điền. Ở đây thì Tây ta lẫn lộn, nhôm nhựa, sắt vụn, trộm cướp, sinh viên, bán rau, đại gia, chân dài, Thái Lan, da đen, da trắng các thể loại đều tụ họp về đây. Chỉ khác nhau là người nghèo thì chường mặt ra đường, người giàu thì chui trong nhà với bức tường cao 2m, sau đó chui tiếp vô cái xe có dán phim đen thui. Thảo Điền trong tôi có hai thứ đáng thăm: một là cái hồ tiểu cảnh rộng chừng 1m2 bên hàng rào một nhà giàu có. Cái hồ này có hai con hạc trắng bằng xi măng, con ngó lên trời, con thọt mỏ xuống hồ. Còn cây bông súng trong hồ cứ ra hết cái bông này đến cái bông khác, cái thì núp dưới cổ con hạc ngó lên, cái thì đè lên cổ con hạc chúi xuống. Thứ hai là con chó đen ở gần cái hồ đó. Con chó đen này kỳ lắm, nó giống như một con Husky cao to lai với một con chó Phú Quốc màu đen, sau đó bỏ lên cái thớt, dùng cái chai cán qua cán lại nên nó vừa cao, vừa đen, lông bám vào người, xoáy chạy dài sau lưng, còn mình nó thì dẹp lép. Mỗi một chiều, nó làm cái trò hết sức đãi bôi là ra đứng bên cái hồ, cứ thấy người đến là nhào vô, quấn lấy, cứ như thể tình yêu từ kiếp trước giờ mới tao ngộ vậy. Lúc đầu, tôi tưởng mình đáng yêu đến mức chó cũng mê, hổng dè, ai nó cũng mê chứ không riêng gì tôi.
Sài Gòn cho tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Người Sài Gòn năng động, cái gì mới họ cũng đều thử, muốn kinh doanh, muốn thu hút người khác, họ làm tất cả những gì có thể gây bất ngờ. Cách đây bốn năm năm, phong trào hát hò bán kẹo kéo bắt đầu. Nhiều người gắt gỏng, đưa tờ mười ngàn rồi đuổi đi, người thì hào hứng, nhào vô hát phụ. Cứ vậy, phong trào càng lúc càng nổi, cứ chập tối chừng 8 giờ, những chiếc xe máy chở bộ ampli phía sau, chàng trai cầm lái, còn cô gái hoặc chàng trai khác thì nhét dẹp lép chính giữa như con Husky-Phú Quốc ở Thảo Điền, chạy vù vù từ quán nhậu này đến quán nhậu khác. Chừng vài năm lại sau, có lẽ hát hò không đủ cuốn hút thì Sài Gòn lại xuất hiện hàng loạt Micheal Jackson. Bề ngoài thì đa phần các chàng bán kẹo kéo không giống MJ như chàng Diego Luna trong phim Mr. Lonely nhưng các chàng cũng nhảy nhót hết mình lắm. Trước tiên là nhấc gót, đá chân, ngả mũ, quăng lên quăng xuống, cả màn hốt chim giật giật băng qua đầu xe tải, băng qua đầu xe taxi, len lỏi giữa hàng xe máy để tiếp cận khách hàng. Có lẽ kẹo kéo ít người ăn nên giờ các chàng chỉ bán Happydent White thôi. Tìm mấy chàng MJ kẹo kéo ở Sài Gòn không khó, chỉ cần ngồi ở quán Sài Gòn Xưa và Nay trên đường Nguyễn Trung Trực từ khoảng tám đến mười giờ đêm, bạn sẽ thấy con đường này giống như một sân khấu tạp kỹ. Đầu tiên là một anh MJ, đầy đủ các màn hất mũ, đá chân, ôm chim giật giật. Sau đó là một cô khác đứng ưỡn ẹo, lại giật giật theo nhạc dưới gốc me tây từ phía đường Lý Tự Trọng hướng về phía Nguyễn Du. Sau đó nữa là một thằng nhỏ nuốt lửa, hò hét, nhét con rắn vô miệng, kéo ra đàng lỗ mũi. Khán giả kẻ ngồi nhâm nhi bia, kẻ ngó mông cô phục vụ bàn, người thì vỗ tay bẹt bẹt. Vài đứa Tây ba lô dòm thằng nhỏ kéo con rắn ra đàng lỗ mũi thì rụt vai, mặt dúm dó như xem phim kinh dị của Mỹ.
Cái điên ban đêm ồn ào, hào nhoáng bao nhiêu, thì cái điên ban ngày lại lặng lẽ nhưng không kém phần rực rỡ bấy nhiêu. Bởi chưng, ban ngày thì xe cộ nhiều, việc ồn ào có lẽ không đủ thu hút. Sáng nay ngồi ở cà phê Vy, tôi lại mắt chữ O, miệng cũng chữ O khi thấy một ông thần tài đội mũ mão ngũ sắc, râu đen, áo dài thêu rồng phượng và đeo hia đính kim tuyến vàng chói lóa. Ông thần tài cầm xấp vé số, lững thững đi, không chào, không mời. Đó, bán vé số là phải có style. Có lẽ kiểu cầm xấp vé số, khóc khan không nước mắt bên miệng ống cống của nhiều người đã là style cũ. Ông thần tài đã thành công trong việc tạo ấn tượng và xây dựng hình ảnh khá chuyên nghiệp. Ông cứ đi, kẻ nào muốn may mắn vào nhà thì phải rước ông chớ, làm thần tài sao lại phải năn nỉ kẻ khác mua cái may mắn chớ.
Nhích từ cà phê Vy sang một chút bên công viên 23/9, bạn sẽ thấy một cuộc sống khác. Ở đó, trong những ngôi chòi kia, người người dìu nhau nhảy tango, chachacha, rumba… với cái loa rè rè. Những con nghiện ngồi lừ đừ nhìn đám người nhảy nhót như những xác ướp. Công an, bảo vệ công viên đi lòng vòng, dòm đám con nghiện, gái bán dâm với cái nhìn lúc soi xét, lúc thờ ơ. Người ngồi trong New World nhìn xuyên lớp kính, ngó ra cái công viên với đám người nhảy nhót, con nghiện, gái điếm, cướp giật, công an, bảo vệ như thể đang xem tivi. Những thứ đó tồn tại bên ngoài New World.
Và như thế, mỗi sáng, tôi lại ngó Sài Gòn, khi thì bên bờ sông Vàm Thuật hôi thúi ở Gò Vấp, tiếng máy bay át tiếng hát Cẩm Ly, lúc thì bệt ngoài công viên 23/9 mà trò chuyện với mấy cô gái điếm, khi thì chạy dông dông băng qua cầu Nguyễn Văn Cừ, qua tận quận 8 để cà phê. Và để ngó Sài Gòn của tôi! Với một người yêu cá tính, điên cuồng, rồ dại, tuyệt vọng, đớn đau như Sài Gòn, sao tôi có thể bỏ đi!
Tôi đang ngồi ở thư viện, và sẽ viết ra tất cả những gì tôi có trong đầu, trong 20 phút.
Tôi thích ngồi ở đây, một cái bàn gỗ tròn có phần khoét giữa lót kính trong suốt, gần với dãy giá sách Văn chương / Thơ, mã thư mục PS 3553 .R48. Bây giờ là mùa cao điểm, cuối học kỳ, nhưng cũng chẳng có mấy sinh viên ở đây. Có một em da ngăm tóc xù đơ đang ngồi cách tôi năm mét, chéo bên tay phải. Phía trước góc 45 độ cũng bên tay phải là cầu thang lên tầng hai. Các hướng còn lại toàn sách là sách.
Hôm nay tôi kể bạn nghe về những buổi gặp gỡ buồn tẻ. Những cuộc gặp đã thành một thói quen. Mỗi thứ Sáu, sau giờ làm việc, họ đến quán cà-phê ở góc đường, mỗi người đến từ phía khác nhau, người đàn ông mở cánh cửa nhỏ, người đàn bà lẳng lặng bước vào, đi qua những tấm đá lót sàn, đến cái bàn ở góc quán. Họ chuyên lục tìm những cái góc để ngồi – góc xó là nơi yêu đương của họ. >>>
Đọc sách, tới đoạn kể về đám ma, tự dưng nhớ chuyện hồi xưa, kể nghe chơi cho vui.
Cái đám ma đầu tiên trong đời mà tôi biết, là đám ma ông nội. Ông bị ung thư bao tử (sau này lớn tôi mới hiểu như thế nghĩa là gì). Năm đó tôi sáu tuổi. Tôi cứ nhớ mãi có lần theo ông vào rẫy, thường những lúc ông đi tưới cây thì tôi thơ thẩn đi bắt châu chấu hoặc nhặt cành cà phê về chất thành đống bên hông lều. Bữa đó tôi cũng đang nhặt thì tự nhiên ông quay về lều, gọi tôi và hỏi “Có biết cạo gió không?” >>>
Hôm qua, phải công nhận hôm qua là ngày của thời kỳ lạ. Hôm nay lạ khác. Hôm nay đã tóm được những chiếc váy màu sắc rực rỡ, sẽ gửi bạn xem. Rực rỡ hơn mùa xuân nữa bạn ạ. >>>
Tôi có một người bạn thân. Bạn ấy mất vào tháng tư. Tháng tư trong tôi luôn là mùi nóng ẩm của mặt đường Sài Gòn sau cơn mưa 4h chiều. Màu nắng vàng chanh pha chút mật và những >>>
Hồi nhỏ (trung học đệ nhị cấp) lúc khởi sự đọc vài bài xô-nê của “nhà thơ thiếu niên” (Sensation, Le mal, Le dormeur du val, Au cabaret vert, Ma bohème, Voyelles) và biết đôi điều về huyền thoại “người đàn ông với đế giầy gió”, tôi có mơ trở thành một Rimbaud mắt nâu tóc đen của văn minh miệt vườn sáu tỉnh lỵ Nam Kỳ Cục không nhỉ? >>>