Thứ sáu, Gloria J
Thường là ngày thứ sáu, hoặc hai ngày cuối tuần tôi mới rời khỏi building với bốn bức tường giáp mặt để ra phố. Tạt quán cafe quen dưới Queen st, Gloria J và Miann ở Britomart.
Tôi thích ngày thứ sáu hơn thứ bảy và chủ nhật. Thời gian của cuối tuần sẽ được kéo dài ra thêm một chút. Mọi người cũng sẽ bớt bận rộn hơn. Tôi thích cảm giác khi thấy những người thân quen của mình nở bừng sự sung sướng trên khuôn mặt.
Mỗi lần đến Gloria J, tôi hiếm khi gọi cafe, bởi vì cách pha chế không hợp khẩu vị. Ở Gloria J, tôi chỉ có một mình. Không ai cả, ngoài những chú chim sẻ thi thoảng ghé đến làm bạn và xin bánh. Tuy nhiên, tôi có thể làm được khá nhiều việc trong khoảng thời gian không có ai bên cạnh, chẳng hạn, cắm mắt vào dăm chục trang sách trong danh mục sách tôi cần phải đọc. Hoặc viết, viết gì cũng được, miễn là tôi phải viết. Tôi cũng chẳng có nhu cầu viết để đăng báo, để gom tập bản thảo trong năm. Mọi thứ tuỳ duyên đi. Viết và in ấn cũng thế. Đôi khi, tôi nghĩ, viết là để cho chính tôi, không phải cho nhu cầu của người đọc.
Ở Gloria J, tôi không gọi cafe, chỉ một cốc hot chocolate. Nhưng, tôi vẫn có thể viết được vài ba thứ linh tinh gì đó cho thứ sáu không phải ngày mười ba. Trước đây, cafe là đồ uống không thể thiếu được của tôi mỗi buổi sáng thức dậy. Nó khiến trí não tôi thăng hoa, sáng tạo nhiều hơn. Hiện tại, tôi có thể tiết chế đối với thứ thức uống đó. Tôi tập thói quen mới. Dù sao, thói quen vẫn do con người tạo lập nên. Nghĩa là, tôi vẫn có thể thức dậy bắt đầu một ngày sáng tạo mới, bằng thứ năng lượng tinh thần, không cần đến café.
Thỉnh thoảng tôi nghĩ, nếu không thể sáng tạo được, tôi cảm thấy con người dù có vươn đến tầm danh vọng nào cũng đều vô nghĩa, kém cỏi.
Những tuần gần đây, tôi không đến Gloria J vào thứ sáu. Nhưng, người khác thì có. Dĩ nhiên rồi. Vắng tôi, Gloria J vẫn xôn xao những cuộc hẹn hò khác.
Thứ bảy và chủ nhật với Miann
Cuối tuần, điểm hẹn của tôi là Miann cùng với những người bạn thân thiết mới. Quanh đi quẩn lại cũng chừng đó mặt mũi, ở xứ lạ. Ba cậu nghiên cứu sinh và tôi. Hai, đã có gia đình. Một cậu kiến trúc sư tài ba, đẹp trai, lãng tử có tâm hồn nhạy cảm, vẫn lênh đênh tìm kiếm nửa còn lại.
Miann thì luôn luôn ổn. Có nhiều sự lựa chọn hơn cho tôi. Và nó khá quen thuộc với thứ cafe tôi vẫn thường uống cùng những người bạn thân thiết ở nhà. Thêm nữa, Miann rất tinh tế trong việc chăm chút cho những góc bàn. Mỗi tuần Miann chọn một loại hoa, cắm vào từng chiếc bình cổ nhỏ, thấp, từ một đến hai bông. Vừa đủ làm đẹp cho không gian bên trong. Vừa khiến cho những đứa ham hố cái đẹp như tôi, không nỡ rời bỏ Miann và một góc ngồi ấm cúng. Riêng với các cậu trai đi cùng, tụi nó chỉ kết Miaan bởi ở đó thường xuyên xuất hiện gái tàu, hàn xinh đẹp. Riêng tôi, tôi cần ra khỏi bốn bức tường để hít thở không khí. Gloria J hay Miann đều được. Người ta không thể sống mãi trong những bức tường. Chúng sẽ khiến con người bị mắc kẹt và ngộp thở.
Trước mặt Miann là quảng trường Britomart. Có rất nhiều sự kiện diễn ra vào những mùa hè. Có rất nhiều hoạt động diễn ra ở những quảng trường như thế. Ngoài việc đến công sở từ đầu tuần, cuối tuần là thời gian cho họ hưởng thụ cuộc sống.
Ở Miann, tôi không thể viết. Thời gian thường dành cho những cuộc trò chuyện phiếm, hoặc quan sát thế giới bên ngoài. Dù vậy, tôi và những người bạn vẫn không muốn rời khỏi Miann để chọn một địa điểm mới. Những kẻ có tâm hồn hướng nội, thường thích đến nơi quen thuộc, thường gọi những món quen thuộc, và thường ít khi muốn thay đổi.
Không gian và thời gian, sức mạnh và tình yêu đều mở rộng ở phía bên trong.
Một nơi ít đến nhưng không muốn rời đi. [giá có thể đến thường xuyên và không phải rời đi trong nuối tiếc]
Thời gian này, mùa hè đã khiến cho ánh sáng quên việc ẩn nấp. Chín giờ tối, trời vẫn lung linh mời gọi người ta bước chân ra khỏi bốn bức tường. Không phải là thứ sáu, hay thứ bảy, chủ nhật. Thỉnh thoảng tôi ghé nơi này vào một ngày đẹp khác. Chẳng để uống hot chocolate hay cafe. Ngày mà thành phố sống động hơn, nhộn nhịp hơn sau giờ trưa công sở. Người ta tranh thủ dăm phút nghỉ ngơi của một ngày làm việc giữa tuần để đến đó. Cửa hiệu sách Unitybooks.
Đa phần, như tôi thấy là những người đang làm việc tại các công sở, trường học. Tôi có thể nhận ra điều đó qua cách ăn mặc, các bộ trang phục. Họ vẫn đeo thẻ làm việc ở trước ngực. Họ vội vàng chen lấn trong số đông để tìm được quyển sách ưng ý cho mình. Chỉ một vài người già hứng khởi điềm nhiên, chậm rãi chọn sách. Họ có thời gian. Họ không phải vội.
Việc đọc khá quan trọng. Tôi nghĩ, nếu không thể sáng tạo, thì nên đọc sách. Đọc cũng là cách để người ta cùng sáng tạo với người viết, để hỗ trợ người viết có tinh thần sáng tạo. Thế giới thiếu đi sự sáng tạo, thường rất nhàm chán.
Dăm ba lần ghé Unitybooks, tôi chỉ dám rước một vài quyển mà tôi thích có giá hợp lý. Sách khá đắt ở đây. Những tác giả có tên tuổi vượt thời gian, lại càng có giá khá cao. Chẳng hạn, Camus, Dostoyevsky, Borges, hay các tác giả đương đại khác vậy.
Unitybooks là một hiệu sách nhỏ nằm ở High St. Nhưng thế giới bên trong thì thật khổng lồ. Chỉ cần lướt qua một vài gian sách tôi cũng đã cảm thấy choáng váng với số lượng tác phẩm và những tên tuổi lớn được xếp theo thứ tự abc. Chưa kể những mục từ khác mà tôi quan tâm.
Ở Unitybooks, tôi không hề muốn rời đi. Thế giới đó vẫn hấp dẫn tôi kinh khủng. Nhìn số lượng tác phẩm của những tác giả mà tôi thích, tôi cảm thấy thật đáng hổ thẹn. Tôi chỉ là một cái cây bé nhỏ trong rừng cây của sự sáng tạo vô biên; tôi chỉ là một hạt bụi giữa sa mạc mênh mông này.