Khương Hà – Chuyện đám ma

Ảnh: Khương Hà

Đọc sách, tới đoạn kể về đám ma, tự dưng nhớ chuyện hồi xưa, kể nghe chơi cho vui.

Cái đám ma đầu tiên trong đời mà tôi biết, là đám ma ông nội. Ông bị ung thư bao tử (sau này lớn tôi mới hiểu như thế nghĩa là gì). Năm đó tôi sáu tuổi. Tôi cứ nhớ mãi có lần theo ông vào rẫy, thường những lúc ông đi tưới cây thì tôi thơ thẩn đi bắt châu chấu hoặc nhặt cành cà phê về chất thành đống bên hông lều. Bữa đó tôi cũng đang nhặt thì tự nhiên ông quay về lều, gọi tôi và hỏi “Có biết cạo gió không?” Tôi bảo không, ông nói “Dễ lắm, để ông chỉ cho”. Ông đưa cho tôi cái thìa, một ly nước và bảo đổ dọc theo xương sườn ở sau lưng, rồi chỉ cách cạo. Tôi làm theo lời ông. Cạo xong ông nằm ngửa ra vẻ rất mệt mỏi. Sau đó hai tuần thì ông nhập viện.

Mỗi lần hai anh em tôi theo bố vào bệnh viện thăm ông, tôi chẳng biết làm gì, ngồi nhổ tóc sâu cho ông rồi cầm nguyên một chùm tóc ra lan can dính lại thành hàng dài như bộ râu, bày trò cho đỡ chán vậy thôi. Một thời gian sau thì bệnh viện trả ông về nhà. Ông nằm một chỗ, không tự đi lại được. Nhà có cái mâm cơm phần chia ngăn tử tế bằng sứ màu nâu đất, bữa cơm nào cô Thủy cũng lấy đầy thức ăn vào đó rồi mang lên nhà cho ông ăn. Sau khi về nhà được hai tuần thì ông mất.

Nửa đêm, má gọi tôi dậy, bảo “Ông chết rồi”. Tôi ngơ ngác. Hồi đó tôi không hiểu được chết nghĩa là gì. À không. Tôi hiểu chết nghĩa là người ta sẽ không quay lại nữa, nhưng mức độ “nghiêm trọng” của việc một ai đó vĩnh viễn không quay lại nữa thì tôi chưa thể hiểu được. Hôm sau, nhà phát tang, bà con chòm xóm kéo đến rất đông. Ông nội nằm trên giường, mặc bộ vest xám xanh mà ông hay mặc, hai tay ôm quyển Kinh Thánh đặt trên ngực. Anh trai tôi đứng khóc thút thít ở góc nhà. Tôi cứ đực mặt ra nhìn tất cả mọi người. Má tôi nói nhỏ vào tai tôi: “Khóc đi! Khóc đi!” Tôi vẫn nghệt mặt ra nhìn. Sau này nghĩ lại, tôi đoán có lẽ má cũng phần nào bị áp lực, sợ mọi người nhìn vào thấy tôi chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào tiếc thương ông nội, người luôn rất yêu thương và cưng chiều hai anh em tôi, thì sẽ trách má tôi. Thực ra ngay lúc đó tôi cũng lờ mờ nhận ra được là mình nên khóc khi tất cả mọi người chung quanh đều khóc lóc rất thảm thiết, nhưng tôi không thực sự cảm thấy gì cả. Tối hôm đó về nhà, má trách nhẹ tôi: “Cái con này ông chết mà chẳng chịu khóc gì cả!”

Hôm đám ma ông, anh trai tôi sau một chặp khóc lóc thê thảm thì lại chợt nhớ ra rằng, giờ sẽ không còn ai đánh đòn mỗi khi trèo hái ổi nữa. Vậy là tranh thủ lúc cả nhà đang nhốn nháo, anh lẻn ra vườn trèo lên cây ổi. Ai dè đâu đang trèo thì thình lình bị đau như roi vụt, anh kêu toáng lên, khóc hu hu rồi tụt xuống. Má tôi chạy ra quát “thằng Quăm vào đây tao bảo”. Vào nhà, má chửi anh một trận cái tội trèo cây, rồi hỏi sao mà khóc. Anh bảo “Ông nội đánh con.” Má nói “Cái thằng này bậy bạ, ông chết rồi ai mà đánh mày nữa.” Anh tôi hồi đó chín tuổi, chắc cũng chưa nghĩ ngợi gì nhiều, vẫn bảo “Con đang trèo thì ông nội đánh thật mà, đau quá nên con xuống”. Má hỏi “Ông đánh ở đâu?” anh bảo “Ở đằng sau.” Má tôi vạch áo anh tôi lên coi, thì thấy có một vết roi hằn mờ mờ ở lưng, hai vết ngang mông. Vậy là cả nhà lại xôn xao nhốn nháo. Sau đó thì anh tôi trở thành trung tâm của rất nhiều câu chuyện, và hình như anh cũng có hơi tự hào vì bị ông nội “về” đét cho một trận, nên vênh váo hẳn lên với lũ trẻ con hàng xóm.

Ông chết, con chó ông nuôi là con Cốc cũng biếng ăn rồi chết theo sau đó vài tuần, cây ổi ông trồng rất sai trái cũng chết sau đó vài tháng. Mọi người đều nói vì cả hai vật đều do một tay ông chăm sóc, ông chết chúng buồn nên đi theo ông cho có bạn.

Thỉnh thoảng nghĩ lại chuyện này, tôi đều ráng lục soát trí nhớ xem sau đó mình có cảm thấy buồn vì nhớ ông nội không. Hình như không. Nhưng chẳng hiểu sao sau đám ma tôi hay vào thăm mộ ông, như đi chơi vậy. Buổi chiều 4 giờ tan học, tôi thường rủ con Hiếu cùng lớp vào nghĩa địa thăm mộ ông. Nghĩa địa cách trường một cây số, cứ đi thẳng sâu vào trong là tới. Lần đầu tiên ra mộ ông, tôi bảo “Cháu chào ông,” rồi tha thẩn quanh đó chẳng biết làm gì. Con Hiếu có vẻ sợ, giục tôi về. Những lần sau, con Hiếu không dám đi nữa, tôi đành đi một mình.

Ông mất vài tuần thì có một bác hàng xóm cũng bị tai nạn giao thông và mất. Bác hàng xóm này có họ hàng với nhà tôi, tôi gọi bằng bác họ. Vùng Gia Kiệm tôi ở là dân Công Giáo di cư vào từ năm 54, gần như bê nguyên các xứ đạo miền Bắc vào trong miền Đông Nam bộ này mà dựng lại. Xứ nào ngoài Bắc có những ai thì vào đây cũng dựng lại cùng tên giáo xứ, cũng chia thành từng khu với những gia đình cũ, tóm lại y như ta bứng một cái bàn cờ sắp sẵn quân từ bàn này sang bàn khác vậy. Vì thế nên từ đầu đến cuối xóm tôi, cả gần một trăm gia đình, nhà nào cũng có anh em họ hàng dây mơ rễ má với nhau cả, mỗi lần đám ma hay đám cưới đều đông nghịt, mỗi người một tay, một việc.

Bác hàng xóm chết thì tôi khóc. Tôi khóc vì chiều hôm bác chết, tôi nghe một bà chị của bác vật vã gào lên rằng “Chúa ơi, có phải cái chết là tận thế của mỗi người không?” Tự nhiên lúc đó tôi hiểu ra mọi thứ. Tôi hiểu tận thế, tôi hiểu cái chết, tôi hiểu sự mất mát và sự “không bao giờ quay lại” của một ai đó. Vậy là tôi đứng khóc.

Bây giờ, khi đã phải dự rất nhiều đám ma, rất nhiều mất mát, tự nhiên tôi nhận ra một điều: cái chết thực sự mang lại yên nghỉ. Một nhát cắt đoạn tuyệt, và tất cả mọi người đều thống nhất với nhau rằng ở nhát cắt đó, mọi thứ chấm dứt. Không ai còn hy vọng gì vào người đã chết, không còn chuyện gì xảy ra khi người đã chết, và người còn sống sẽ nguôi ngoai dần nỗi đau mất mát, theo thời gian.

Nhưng có những cái chết không mang lại sự yên nghỉ. Đó là những cái chết trong suy nghĩ về nhau. Ở cái chết đó, người chết trong tâm tưởng của người khác thì không biết, nhưng cái “người khác” kia, kẻ phải mang cảm giác đó, thì chết dần chết mòn vì cái chết của người này. Đó là một cái chết ở trong cái chết, khi tất cả vẫn còn đang sống, đang thở. Mỗi lần có một cái chết xảy ra trong suy nghĩ như vậy, tôi lại mất đi vài thứ trong lòng mình. Nếu như cái chết ngoài đời thực làm con người ta trở nên bao dung hơn, độ lượng hơn và thấm thía tình thương nhân loại hơn, thì những cái chết trong suy nghĩ lại làm con người ta trở nên hẹp hòi hơn, hoài nghi hơn và hèn nhát hơn. Người ta sống cùng mớ hỗn loạn đó ngày qua ngày, và đợi đến khi nó nuốt chửng mình. Ta sẽ không còn gì bên trong, chỉ còn là cái xác tồn tại chẳng biết để làm gì, và thừa thãi đến độ không biết giấu vào đâu cho hết.

Khi đó, ta sẽ phải làm gì?