(Tiếp theo 1 -2)
CHƯƠNG 3
Chuyện kể của nhà thơ:
Lưỡi dao đã được rèn từ sắt trong bụng con Rồng và ngâm trong máu của ngàn trinh nữ.
Vùng đất nơi xảy ra cái chết của Tư Ngồng, trước kia, có nghĩa là từ xa xưa lắm rồi, là lãnh thổ của một vương quốc cực kỳ văn minh và hùng mạnh. Con người ở xứ này biết buôn bán giao lưu với các nước lân bang, bên cạnh sự phồn thịnh và giàu có họ còn sở hữu những bí quyết luyện các pháp thuật và họ biết sử dụng những điều thần bí vào đời sống. Nhà thơ khẳng định họ cũng là người Việt, trong nhóm Bách Việt di dân từ Tây Tạng đợt đầu tiên xuống phương Nam và lập ra vương quốc ở đây. Bao biến động lịch sử làm thay đổi vùng đất này, nhưng những người dân vẫn là dân Việt, chứ không phải đến khi Trần Tướng quân đến đây vùng đất này mới có người Việt.
Công của Trần Tướng quân là đã tạo ra một thương cảng sầm uất. Dân Việt không coi trọng chuyện buôn bán, những người Hoa theo chân Trần Tướng quân đến đây đã nhanh chóng khai thác nhược điểm của dân địa phương. Mua một bán mười, những người Hoa phất lên như diều.
Một người ngoại quốc đến xứ này từ những ngày đầu hình thành cù lao đã mô tả cách buôn bán đầy gian xảo của người Hoa:
Nếu có cơ hội lường đảo là họ lường đảo ngay, khó có thể đối phó với những mánh khóe của họ. Khi người ta bán cho họ cái gì mà họ thấy thị trường không có lợi, họ sẽ trả bằng loại bạc kém chất lượng, thế là toi công chở hàng đến đây mà không bán được. Thật ít thấy nơi đâu trên thế giới có hạng lái buôn tinh ma như vậy.
Với nhiều mánh khóe trước đám dân địa phương thật thà nên họ nhanh chóng giàu có. Có tiền lập tức thành người cai trị, những người dân địa phương bắt chước đám dân chúng của Trần Thượng công, nên họ tỏ ra sùng kính, họ không dám mặc màu áo của ông ta, họ không dám làm khác điều ông ta đã làm.
Những người dân đi theo Trần Tướng quân đã mang tới xứ này rất nhiều nghề thủ công, trong đó có một số người giỏi nghề đục và tạc những pho tượng bằng đá.
***
Buổi sáng, khi mặt trời vừa lên khỏi ngọn núi Hắc Long, Trần Thượng công gỡ cánh tay nuột nà của người vợ mới, một cô gái trẻ dân bản xứ mà ông vừa cưới, sau gần hai mươi năm đến cù lao. Ba người vợ cưới tại cố quốc, mà ông mang theo đều không có con trai. Ông vươn vai choàng lên người chiếc áo màu đỏ quen thuộc và bước ra sân. Bữa điểm tâm đã được dọn sẵn. Tráng miệng xong bằng múi bưởi đường ngọt lịm, ông ra lệnh:
– Hãy mang ngựa đến cho ta!
– Bẩm ông đã sẵn sàng.
Gã người hầu mặc áo chẽn màu lục vừa khúm núm trả lời vừa phẩy tay ra lệnh cho gã mã phu đang đứng chờ sẵn ngoài sân. Con ngựa đực còn tơ với bộ lông màu tía, đã được đóng yên cương hướng về phía mặt trời hí một tràng dài. Trần Tướng quân lên ngựa, con ngựa rảo những bước chân êm ái đi về phía dòng sông. Khi còn ở trên thuyền ông đã nhìn thấy vùng đất này có thế đất hình con rồng. Dọc bờ sông những bụi gừa buông rễ trắng xóa, lũ chim tranh nhau ăn trái chín, cá quẫy ì oạp tạo ra âm thanh hiền hòa và dịu ngọt. Ông nhớ những ngày khói lửa trên quê hương ông. Từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, ông luôn sống trên lưng ngựa. Khi còn nhỏ xíu ông được cha mang theo ra chiến trường, dạy cho ông đánh trận, tập cho ông đối diện với sự chém giết, ông chẳng thích thú gì những cảnh tượng ấy. Nhưng sinh ra thời chiến mà không biết cách chiến đấu sẽ khó mà sinh tồn. Quê ông nghèo, đồi núi trập trùng, lương thực chủ yếu là những bụi cao lương cằn trên sườn núi. Dân chúng phải nhọc nhằn mang từng gùi đất lên bỏ vào hốc đá để trồng cao lương. Những hạt cao lương làm thành những cái bánh bao nhỏ và đen. Chỉ có những gia đình quý tộc như gia đình ông mới có cơm ăn, còn dân chúng chủ yếu là ăn cháo và bánh bao đen. Đến phương Nam ông ngạc nhiên với sự phung phí lương thực của dân chúng, họ nấu những nồi cơm to tướng, ăn không hết trộn với rau nuôi gia súc, họ sử dụng đôi đũa khá thành thạo. Ông nhớ ngày xưa cha ông nói; việc phát minh ra đôi đũa là một trong những tiến bộ trong đời sống ẩm thực của người Trung Quốc. Điều này cần xem xét lại – ông nghĩ vậy – Tại sao người Trung Quốc cần phải phát minh đôi đũa để làm gì trong khi những thức ăn của họ không cần đến đôi đũa. Không! Đôi đũa chính là phát minh của các dân tộc có nền văn minh lúa nước ở phương Nam. Quá trình đô hộ một ngàn năm thì không có phát minh nào có thể còn thuộc về các dân tộc bị đô hộ. Từ lý thuyết về đôi đũa ông nghiệm ra điều ấy, có lẽ người Việt không chỉ mất có đôi đũa. Suy tư về xứ sở này, ông cay đắng nhớ lại sự cai trị của người Mãn trên đất nước ông. Cho dù các ông vua của nền văn minh du mục, trên các thảo nguyên mênh mông phía Bắc có tài giỏi đến mấy, thì cách sống của họ cũng khác xa Hán tộc, ông không thấy cái bím tóc có gì là đẹp. Rồi đây khi những kẻ tiếm quyền hùng mạnh thì những phát minh của Hán tộc sẽ thành của Mãn tộc, đó là quy luật xâm lăng. Ở miền đất khoáng đạt mà ông đặt chân đến không quá câu nệ những tiểu tiết trong đời sống. Họ kiếm lương thực quá dễ dàng nên trong cuộc sống họ đối xử với nhau rất dễ dãi. Trai gái đùa giỡn ngoài đồng, trong những căn chòi giữ vịt bên sông. Thậm chí họ có thể qua đêm với nhau một cách hồn nhiên. Họ dễ dàng tiếp nhận cái mới, ông dạy họ những lễ nghi của dân tộc ông, họ nghe nhưng không làm theo hoàn toàn, họ chỉ thực hành những điều chính yếu mà họ cảm thấy hợp với phong thổ và tập tục. Ông yêu mến lòng hiếu khách và sự hồn nhiên của họ.
Lẽ ra ông có thể hưởng cuộc sống an nhàn ở cái xứ đẹp đẽ này, nếu trong đầu ông không nóng bỏng ý nghĩ phục thù. Ông không thể nào chịu nổi bọn mọi rợ phương Bắc lại có thể cai trị đất nước ông, cai trị dòng dõi chính thống của ông. Xứ sở này quá đẹp, ông không hiểu sao Chúa Thượng phương Nam lại bỏ hoang và sẵn sàng ban cho ông. Ông nhớ lại những ngày đặt chân đến, ông đã tốn bao nhiêu xương máu của những tên cận vệ trung thành để chiến đấu với thú dữ và bọn thổ dân. Ông còn nhớ những người dân địa phương hát rằng:
Đến đây xứ sở lạ lùng,
dưới sông sấu lội trên giồng cọp um.
Rất nhiều cọp, chúng nhởn nhơ ngoài đường như lũ mèo hoang, vồ người nhẹ nhàng như vồ con chuột nhắt.
Ông còn nhớ lời viên cận thần trẻ tuổi của vị Chúa phương Nam, khi ông xin tá túc xứ này:
– Tâu Chúa Thượng! Họ đến đây rất đông người và tàu chiến. Người Hoa vốn không đáng tin cậy. Tuy nhiên nếu không chấp nhận họ dễ nổi loạn sẽ làm ta hao binh tổn tướng. Xin Chúa Thượng hãy cho họ đến khai phá vùng đất mới rồi ta sẽ đến cai quản sau.
– Chuẩn tấu!
Vị Chúa phương Nam gương mặt cương nghị và hiền từ nói với viên cận thần trẻ tuổi:
– Khanh thông dịch lại cho họ rằng, ta rất vui lòng đón tiếp họ, nhưng đất kinh thành quá chật hẹp, cho phép họ vào định cư tại miền đất mới ở phương Nam. Họ cần phải giữ lòng trung thành với triều đình.
Viên cận thần dịch xong, tấu trình bằng tiếng phương Nam:
– Muôn tâu Chúa Thượng, họ rất vui lòng và biết ơn chúng ta, họ hứa sẽ trung thành.
Anh ta biết rõ là ông biết tiếng Nam, đủ để hiểu lời tấu trình. Anh ta tấu trình bằng lời lẽ khá trịch thượng, ông buồn, nhưng tự an ủi, dù sao ông cũng chỉ là kẻ “ăn nhờ ở đậu”, ông chẳng sợ gì gian khổ hay bị coi thường. Trước khi tiễn ông lên tàu ra khơi, viên cận thần trẻ tuổi mời ông về tư dinh để cùng ông đàm đạo văn thơ và địa lý, ông kinh ngạc với kiến thức uyên bác của anh ta. Ông có thiện cảm khi hiểu được lời tấu trình của vị cận thần, có thiện ý muốn Chúa Thượng chấp nhận ông. Trước khi ông cập bến với đoàn quân vài ngàn con người, Chúa Thượng tỏ ra không hài lòng, dân tộc này và dân tộc của ông vốn có mối thù truyền kiếp. Viên cận thần kể cho ông nghe, mỗi khi có vị Chúa mới lên ngôi, dân chúng làm lễ ăn thề rất lớn và trong lời thề của họ là kề vai sát cánh với Chúa để chống lại kẻ thù chung là Trung Quốc. Họ không coi Đàng Ngoài là kẻ thù, dù hàng năm hai bên vẫn có chiến tranh. Đối với họ, chỉ có quân xâm lược mới là kẻ thù đáng sợ nhất, chứ những cuộc nội chiến chỉ là sự bất hòa giữa anh em trong nhà với nhau. Sau mỗi lần tranh chấp hai bên đều làm lễ cầu siêu cho những người lính cả hai bên đã ngã xuống.
Ông còn nhớ, cha ông đã kể cho ông nghe về xứ này:
“Ngày xưa tại vương quốc cổ phía Nam Đại Việt do một nữ hoàng cai trị. Nữ hoàng sở hữu lưỡi dao kỳ dị do một thuật sĩ từ xứ Thiên Trúc qua, lưỡi dao được rèn từ sắt trong lòng của con Rồng đất và ngâm trong máu của ngàn trinh nữ, đó là lưỡi dao mang đến quyền lực bí mật cho chủ nhân của nó.”
Lưỡi dao nằm đâu đó trên dải đất rộng mênh mông và cong như hình hài của một mỹ nữ, ông mỉm cười vì sự so sánh đẹp đẽ này. Giá như ông có thể tìm được lưỡi dao ấy, ông sẽ quay về phục quốc.
Đang miên man suy nghĩ, ngọn núi Hắc Long đã hiện sừng sững ra trước mắt, gương mặt ông thoáng buồn vì ngọn núi như đầu con rồng lại hướng về phương Nam. Như vậy có lẽ nghiệp phục quốc của ông sẽ khó mà thực hiện. Ông cột ngựa vào gốc cây bằng lăng và chậm rãi trèo lên đỉnh núi. Cuộc truy hoan với người vợ mới làm cho gối ông hơi run khi ông cố rướn lên mỗi khi trèo. Dưới chân núi là cả rừng tre, đám dân địa phương chặt tre chan chát, họ vừa chặt vừa hát:
Tre xanh,
tre xanh xanh,
anh chặt,
anh đốn,
anh đan mành, phơi bánh nuôi quân,
tre xanh xanh,
tre đánh giặc,
tre làm nhà…
Họ hát say sưa bài hát với lời lẽ ngô nghê khiến ông mỉm cười. Ông lên đến đỉnh núi, từ trên cao nhìn xuống, dòng sông mà dân địa phương gọi là Bù Cháp đang uốn lượn như thân của con rồng, ôm dọc sườn núi. Ngọn núi sừng sững, trên đỉnh, dòng thác tung bọt trắng xóa là đầu rồng, ông phát hiện bên cạnh rừng tre có núi đá nhỏ nhấp nhô như đám vảy bạc dưới cuống họng của con rồng. Ông đưa mắt nhìn về phía cù lao, nơi đoàn quân, dân của ông đang buôn bán tấp nập. Ông khẽ rùng mình, cù lao như hình lưỡi dao chọc thẳng vào tim con rồng, hèn gì dân địa phương gọi là cù lao Dao.
Rừng tre lấp lóa nắng, bỗng xuất hiện một kỵ sĩ áo trắng thắt chẽn màu lục đeo thanh kiếm sáng lóa, thả nước kiệu giữa hai hàng tre, gương mặt trắng trẻo, trông chàng giống như một thư sinh hơn là chiến binh. Khi người ấy lại gần Trần Tướng quân giật mình, ông nhận ra ngay đó là viên quan trẻ đã kết bạn với ông, khi ông diện kiến nhà Chúa. Viên quan đó là Trương Phước, đồn rằng chàng là cháu của khai quốc công thần Trương Nhân, chàng đã từng đi học khoa địa lý bên Tàu. Chàng là người giỏi thơ phú nên khi tâm sự cùng ông trong buổi tiệc tại kinh thành, chàng muốn từ quan để rong chơi trên khắp đất nước. Trần Tướng quân đi lần xuống núi, lại gần chàng trai. Gặp Trần Tướng quân, Trương Phước cung tay:
– Kính tướng quân, tiện dân rong ruổi trên đường thiên lý, không ngờ lạc bước đến địa phận của tướng quân.
– Thật vinh hạnh được đón tiếp quý quan tại nơi bĩ lậu này, chẳng hay cớ sao quý quan lại chỉ có một mình đến đây?
– Tiện dân đã từ quan!
“Sao lại từ quan?” – Trần Thượng công tự hỏi, ông đến đất này đã lâu chưa thấy người dân Nam nào mà không thích làm quan, bởi tại đây đối với người dân làm quan là mục đích cao nhất của đời người. Nhiều nhà ky cóp cả đời, sẵn sàng dốc tài sản để mua chức quan nho nhỏ. Chính vì lẽ ấy mà khi làm quan họ lại ra sức vơ vét để bù lại gấp nhiều lần những gì đã bỏ ra. Dân chúng xứ này rất lầm than nhưng lại kính trọng quan chức, họ dạy con phấn đấu làm quan, cái vòng lẩn quẩn ấy hành hạ dân tộc Việt suốt mấy ngàn năm. Ông khá ngạc nhiên khi chàng trai trẻ từ quan, lặn lội đến tận xứ khỉ ho cò gáy này Dù không tin thì ông cũng phải tiếp đón chàng như thượng khách. Trần Tướng quân chắp tay:
– Quý hóa quá! Kính mời quý quan đến tệ xá của lão gia.
– Xin tuân lệnh tướng quân!
Không khách sáo, Trương Phước đáp lễ.
Gã mã phu nhanh chóng mang con ngựa đến cho Trần Tướng quân, hai người, một già, một trẻ sóng bước dưới rừng tre xanh biếc, kẽo kẹt khúc hát đồng quê, một khúc hát buồn như thân phận của dân tộc. Trương Phước cũng không thể thoát khỏi tình yêu cây tre, từ thuở nhỏ chàng đã nghe nhịp điệu của cây tre, giữa trưa hè ở quê nhà. Chàng không biết trên thế giới này có điệu nào buồn như điệu buồn cây tre trên đất nước của chàng. Bà ngoại chàng cho rằng điệu hát của người Chàm còn buồn hơn. Từ khi họ mất nước, đêm đêm những người đàn bà cất tiếng than não ruột, hỡi hời… Vì vậy mà người Việt gọi họ là dân Hời. Bà ngoại chàng còn cho rằng ca dao lục bát là của người Chàm. Trước khi các vua chinh phục Chiêm Thành, không ai tìm thấy dấu vết của lục bát trong các bài thơ Nôm. Ông ngoại của chàng không tin điều ấy, ông bảo sở dĩ mãi đến thời cụ Nguyễn Trãi vẫn chưa xuất hiện lục bát trong thơ Nôm của các sĩ phu, bởi dù gì thì đó cũng là thể thơ của giới bình dân nên dân Nho học không quan tâm. Nhưng ông ngoại của chàng tin rằng người Chàm có chôn vàng trong các tháp mà dân Nam gọi là vàng Hời. Cha chàng đã đi tìm vàng Hời, trong các ngọn tháp của người Chàm và cũng vì chuyện ấy mà ông phải bỏ mạng nơi thâm sơn cùng cốc. Lần này chàng vào miền Nam, không phải từ quan để rong chơi, mà để thực hiện một sứ mệnh…
– Quý quan đang ưu tư điều gì?
Trương Phước giật mình khi nghe Trần Tướng quân lên tiếng.
– Thưa tướng quân, phong cảnh nơi đây thật hữu tình, đi giữa rừng tre tôi bỗng nghĩ về dân tộc của tôi.
– Dân tộc của ngài là dân tộc vĩ đại và anh hùng.
Trương Phước khẽ mỉm cười trước câu đãi bôi của Trần Tướng quân, chàng nhìn thấy sự giễu cợt trong đôi mắt ông. Chàng biết dân tộc nào cũng tự tạo cho mình niềm kiêu hãnh để mà yêu nước và chẳng có dân tộc nào thừa nhận sự vĩ đại của dân tộc khác, tất cả chỉ là xã giao. Chàng quay lại trao đổi với Trần Tướng quân về tình hình đời sống của vùng đất mới. Càng nói họ càng thân thiện hơn. Chẳng mấy chốc họ ra tới bờ sông. Chàng nhận ra con sông Bù Cháp mà Trần Tướng quân gọi là dòng Thanh Long, rất hiền hòa, độ lượng. Tìm hiểu về địa lý, chàng nhận ra tính cách con người mỗi vùng miền như tính cách của dòng sông mà họ đang sống. Nhưng con sông Đàng Ngoài khó lường, khi thì hung hãn nhấn chìm tất cả, khi thì hiền hòa dịu dàng như thôn nữ ngây thơ và tính cách của người Đàng Ngoài cũng khó lường. Những con sông miền Trung quê chàng thì dại dột, khốc liệt và eo hẹp, tính cách người Trung cũng vậy. Còn con sông vùng đất mới này thật bao dung, con người ở đây cũng vậy. Bất cứ người ở đâu đến đây cũng được đón nhận, chở che và chỉ một thời gian ngắn họ thay đổi tính cách theo đặc thù thổ nhưỡng. Trần Tướng quân cũng vậy. Ông là quan chức, là kẻ sĩ của nước lớn, sự khắt khe đã thành máu thịt mà bây giờ ông trở nên phóng khoáng.
Chẳng mấy chốc vùng đất sầm uất hiện ra trước mắt chàng. Trương Phước thầm nghĩ: “Công lao của Chúa thật to lớn, không biết đời sau con cháu sinh sống trên những vùng đất trù phú này có nhớ ơn của các vị không?”
CHƯƠNG 4
Con người không dễ dàng quên được quá khứ của mình. Quá khứ đôi khi như lưỡi dao bén ngót cứa vào trái tim đau buốt để lại vết thương mãi mãi không lành miệng.
Ni cô Diệu Lan đứng tần ngần dưới gốc ngọc lan, nhiều đêm rồi mùi hương quyến rũ của nó dẫn cô ra vườn, ngôi chùa Thanh Long chìm dưới ánh trăng bàng bạc, chìm trong mùi hương ngọc lan, một cây cau sau chùa cô độc vươn lên buồn bã dưới ánh trăng. Nhiều lần sư bà đã có ý định chặt bỏ cây cau, nhưng ni cô đã thuyết phục bà để lại, mỗi lần như vậy sư bà nhìn cô với ánh mắt hiền từ và lắc đầu.
– Con vẫn chưa thoát nợ hồng trần.
Ni cô biết ơn sư bà, sau những tháng ngày hoảng loạn tìm đến ngôi chùa nằm ngay vùng đất cô ở, nơi thời tuổi thơ cô có những giây phút yên bình hiếm hoi. Diệu Lan đã trở thành nữ tu mà sư bà yêu quý nhất bởi ngộ tính cao, cô tiếp nhận đời sống tu hành nhanh chóng. Nhưng con người không dễ dàng quên được quá khứ của mình. Quá khứ Diệu Lan như lưỡi dao bén ngót cứa vào trái tim đau buốt để lại vết thương mãi mãi không lành miệng. Vào những đêm trăng sáng như thế này cô không tài nào ngủ được. Những cơn ác mộng hiện về hành hạ cô, những giấc mơ màu máu đỏ quạch, trùm lên cô và cô bật dậy đi lang thang trong vườn suốt đêm.
Những giấc mơ… và đó cũng là chuyện thật, những chuyện thật trong quá khứ luôn hiện về trong những giấc mơ.
Bục… hú… hú… hú. Những quả đại bác từ trên chi khu Lộc Hòa rót xuống nổ sau vườn, đất đá văng tung tóe rớt lộp độp trên mái nhà. Tạch… tạch… tạch đạn trung liên, tiểu liên vãi như trấu xuống cánh đồng cù lao. Lâu lâu viên đạn lửa xé bầu trời đen kịt bằng vạch vòng cung đỏ lòm. Lại đánh nhau, bom rơi đạn nổ, dân chúng phải chui ra, chui vào trong hầm không biết bao nhiêu lần. Lính ngoại quốc kéo đến, hành quân về các vùng lân cận thành phố Lộc Hòa. Những cuộc chạm trán thường xuyên giữa quân ngoại quốc và đoàn quân giữ nước, không ít người dân vô tội ngã xuống, máu loang đỏ những cánh ruộng. Lúa đang thì con gái dập nát, tanh nồng tử khí. Sự yên ắng tạm thời từ lúc gà gáy.
Buổi sáng thật đẹp, những đám mây trắng như bông gòn, nhởn nhơ giữa bầu trời cao lồng lộng, trong xanh. Sau mùa gặt, cánh đồng trơ gốc rạ, những con trâu hững hờ gặm cỏ trên bờ, những chú mục đồng chơi trò đánh trận giả, lâu lâu có tiếng súng nổ phía chiến khu. Trên con đường đất hun hút bụi mù, năm người lính ngoại quốc vừa đi vừa vung vẩy máy rà mìn. Dân cù lao nhận ra đó là lính công binh sư đoàn Châu Á, đội quân đồng minh của quân đội Sài Gòn, những người lính xuất thân từ xứ sở thích ăn tỏi, ớt, các thức ăn cay và nóng nên tính tình nóng nảy và khá tàn bạo. Dân rất sợ đụng phải họ, nên khi họ chuẩn bị hành quân cánh đồng vắng ngắt, đàn cò cũng ủ rũ trốn trên những bụi gừa ven sông, bọn trẻ vội vã lùa bầy trâu về chuồng. Ông Mân đưa tay che mắt nhìn về phía con đường, ánh nắng vẩn đục bởi đám bụi mờ do máy rà mìn sục xuống đất. Ầm… Ầm. Hai tiếng nổ lớn của mìn plâymo, đây là loại mìn do người bấm nút điều khiển, năm người lính tung lên trời, xương thịt bay lả tả. Ông Mân hốt hoảng, kinh nghiệm cho ông biết những người lính này tử trận, sẽ có cuộc trả thù khủng khiếp diễn ra trên cù lao, ông ôm con gái lao về phía bờ sông nhảy lên chiếc xuồng và chèo vun vút qua làng Vĩnh Thanh. Dân làng nháo nhào tìm đường trốn khỏi cù lao, nhưng đã trễ. Chỉ nửa giờ sau, cả sư đoàn Mãnh Hổ đóng bên Lộc Hòa tràn qua cù lao. Những gương mặt đằng đằng sát khí, đoàn quân lùng sục vào trong các ngôi nhà tranh, đàn ông, đàn bà, trẻ con lếch thếch đi sau những họng súng đen ngòm…
Tạch tạch tạch, khẩu đại liên khạc đạn trên đầu họ, bất kể già trẻ trai gái…
Buổi sáng đẫm máu, cánh đồng tanh tưởi, xác chết ngổn ngang chồng chất trên những gốc rạ.
Những người lính ngoại quốc rút đi với gương mặt lầm lì.
Ông Mân ôm Lan trở về, mặt trời chìm dần xuống phía sau lưng, đặt con trên cánh võng treo giữa nhà, ông vác cuốc ra đồng. Những người đàn ông lặng lẽ đào huyệt. Tiếng khóc ri rỉ lẫn vào tiếng côn trùng uất nghẹn, cù lao đặc quánh mùi tử khí.
Nông thôn luôn là chiến trường cho các cuộc chiến tranh, những người dân hiền lành cam chịu, hứng trọn những đau thương do chiến tranh mang lại. Ngày xưa cũng thế, bây giờ cũng thế và chắc là sau này cũng thế. Không chỉ hứng chịu sự chết chóc mà họ còn gánh vác cả việc nuôi quân. Họ khổ ngay từ khi lọt lòng mẹ. Những đứa trẻ ở thành phố lớn lên trong nhung lụa với đủ loại sữa. Những đứa trẻ nông thôn uống nước cơm và ngủ trên những manh chiếu rách, nhầy nhụa ruồi nhặng. Lan đã lớn lên như thế, từ ngày mẹ cô chết đi, cha mang cô đi bú nhờ hàng xóm. Những hôm đi làm ruộng ông treo chiếc võng dưới gốc cây duối để cho cô nằm. Những tia nắng len qua tàn duối rọi gương mặt bé bỏng của cô. Khi cô khóc, ông nâng cô trên đôi bàn tay thô ráp vụng về và hờ hờ thay cho lời ru, những tiếng hờ phát ra cùng với hơi thở nặng nhọc, như tiếng gừ của con chó cái đang cho con bú. Ông nhét những muỗng nước cơm nhạt thếch vào miệng cô. Những tiếng hờ của ông làm cho cô nhớ đến những giọt sữa của con chó cái. Con chó đã cho cô bú cùng với hai đứa con của nó. Khi ông ra vườn ông đặt cô nằm trên manh chiếu rách, cô đã bò lại bên bầu vú của con chó, bằng phản xạ tự nhiên cô ngoạm vào bầu vú căng tròn của nó. Con chó thoáng giật mình rồi nằm xuống, nhẹ nhàng vuốt ve cô bằng cái lưỡi đỏ và thô ráp. Bú no, cô ngủ ngon lành trong lòng con chó đến khi cha cô vào và ẵm lên. Giữa cô và con chó đã hình thành tình mẫu tử thiêng liêng. Một sợi dây vô hình ràng buộc khiến cô yêu thương nó vô hạn. Cha cô cũng yêu quý và biết ơn con chó, nên cho phép nó ngồi ăn cùng mâm như một thành viên của gia đình. Ông nhặt được nó hom hem bên vệ đường ngày cô vừa chào đời. Nó đã được mẹ cô nặn sữa để nuôi, bà âu yếm gọi con chó là bé, nó lớn lên bằng dòng sữa của mẹ cô và sau này, khi đã trở thành chú chó to lớn, nó đã trả ơn mẹ cô!
Ni cô Diệu Lan giật mình thoát khỏi dòng hồi ức đau buồn, khi nghe có tiếng vỡ của lá khô trong vườn.
– Bạch thầy!
Ni cô chắp tay cung kính đón sư bà. Vị sư già phúc hậu tay lần tràng hạt tiến về phía cô:
– Mô Phật, con đang nghĩ về chuyện ngày xưa ư?
– Thưa thầy, thật khó quên quá khứ!
– Quá khứ của mỗi con người chứa đựng nỗi buồn và thân phận của tất cả chúng sinh.
– Thưa thầy, giá mà con có thể quên được!
– Mô Phật!
Sư bà chậm rãi đi vào chùa. Ni cô Diệu Lan bước theo thầy. Mùi hương ngọc lan và ánh trăng tiễn chân họ. Sư bà chợt rùng mình, khi nhìn thấy vẻ đẹp u buồn của Diệu Lan dưới ánh trăng. Một vẻ đẹp tiềm ẩn nghiệp chướng nặng nề…
Ngôi chùa Diệu Lan đang tá túc là ngôi chùa cổ nhất của người Việt, sư bà kể cho cô nghe một câu chuyện tình vào thuở xa xưa, một chuyện tình buồn của một thiền sư:
Thiền sư trụ trì xưa kia của chùa là người có kiến thức Phật học uyên thâm. Danh tiếng vang tận kinh thành, Vua vời ông về kinh để giảng dạy cho hoàng tộc. Tại kinh đô, bà cô ruột của vua thọ giới Bồ Tát. Trong những ngày theo học đạo bà yêu say đắm nhà sư. Khi sư phụ của ông viên tịch, ông trở về cù lao chịu tang rồi ở lại chùa luôn. Những tưởng tránh được oan tình ràng buộc, nào ngờ vị hoàng cô si tình tìm đến tận nơi. Ông quyết định nhập thất hai năm, tránh không gặp mặt người đàn bà si tình, nhưng hoàng cô quyết liệt xin được nắm tay ông. Cảm động trước tấm tình ấy, ông đưa tay ra cửa sổ cho bà hôn. Đêm ấy ông tự thiêu sau khi ghi lại bài kệ trên vách để bày tỏ tấm lòng trong sạch của mình. Điều lạ là mọi thứ cháy hết nhưng bài kệ ông ghi trên vách vẫn còn. Ba ngày sau khi an táng thiền sư, hoàng cô cũng uống độc dược quyên sinh tại chùa.
Ngôi chùa này có tên là Chùa Tượng, sư bà giải thích: Chữ “tượng” ở đây không phải là tượng Phật mà là voi, vì ngày xưa có vị vua lưu lạc tá túc trong chùa, khi phục quốc ngài đã cho đàn voi đến chở đất đắp sân xây lại chùa, khi công trình hoàn thành ngài cho thợ tạc pho tượng Phật Di Đà bằng gỗ quý cao gần hai mét đến nay vẫn còn thờ tại chính điện.
Trong bầu đoàn thê tử của ngài có công chúa Ngọc Lan là người uyên thâm về Phật học, công chúa xuất gia đầu Phật và ở đây cho đến khi vua cha lên ngôi và triệu hồi về kinh. Đó cũng là lý do tại sao chùa này luôn trồng cây ngọc lan.
Từ nhỏ Diệu Lan hay vào chùa này chơi, cô tha thẩn nhặt hoa ngọc lan, những ngày hiếm hoi không có bom rơi đạn nổ, mỗi khi bước chân vào chùa cô cảm giác thế giới này không hề có chiến tranh, cô không ngờ cuộc đời cô gắn liền với ngôi chùa cổ trên đất cù lao.
CHƯƠNG 5
Văn hóa khai khẩn, con người sống rộng rãi, độ lượng, không lễ nghi rườm rà.
Tư Ngồng chết, chuyện đó cũng tất yếu thôi, ai mà chả đến lúc phải chết, nhưng vì cái chết của ông quá khó hiểu nên người ta mới bàn tán. Vùng quê mang nặng nền văn hóa khai khẩn, con người sống rộng rãi, không lễ nghi rườm rà. Người ta biết nhau rất rõ. Đất ở đây thế, bao dung và độ lượng, dân chúng đối xử với nhau như người thân.
Tư Ngồng đã chết vào đêm trăng sáng, đó là đêm trăng huyền hoặc nhất trên cù lao, bầu trời vằng vặc và liêu trai, mặt trăng chập chờn dưới những đám mây lãng đãng bay qua. Trẻ con còn quả quyết rằng trong những đám mây ấy có đám giống y hệt gương mặt ông Tư Ngồng.
Lúc sinh thời ông là người có quyền lực. Với trang trại rộng hàng chục mẫu đất bên sông trồng toàn bưởi, cùng với một chức vụ trong chính quyền, Tư Ngồng sống ung dung, nhàn nhã và phong lưu. Mỗi khi chiếc xe hơi lăn bánh qua những con đường đã được bê tông hóa giữa những vườn bưởi ngào ngạt hương thơm, mấy đứa trẻ chạy theo để ngửi mùi khói xăng.
Cù lao hình lưỡi dao nằm giữa hai nhánh sông Thanh Long, đi bộ từ đầu này qua đầu kia phải mất nửa ngày đường, vùng đất rộng ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Đi trên cù lao không ai nghĩ vùng đất này đang nằm giữa sông nước và nếu đứng chót mũi cù lao, nhắm mắt lại sẽ có cảm giác đất dưới chân mình chuyển động nhẹ và dựng dần lên ngược chiều dòng chảy của con sông Thanh Long. Đầu nhọn của “lưỡi dao” là cánh đồng, mỗi năm hai mùa lúa xanh tốt mà chẳng cần phân tro. Đi hết cánh đồng, màu xanh ngút ngàn của những vườn bưởi tiếp nối nhau, mùi thơm dịu nhẹ trùm lên không gian ngây ngất, thấp thoáng sau những tàng cây, lấp lóa nụ cười của các thôn nữ. Những trái bưởi tròn căng lúc lỉu trên các cành cây khỏe mạnh như cánh tay lực sĩ. Mùi hương bưởi chưa kịp tan vào những cơn gió từ dòng sông mơn man, thì cù lao ngập tràn với mùi mật mía ngọt ngào, cánh đồng mía chiếm trọn phần “cán dao” đủ để gần chục lò đường thủ công, với những ống che to bằng cột đình của đền thờ Đức Ông, chạy suốt cả tháng giáp Tết.
Sau khi leo lên địa vị nghe đâu khá cao trong bộ máy chính quyền, Tư Ngồng đã chỉ đạo xã cho quy hoạch vùng mía tập trung và ông ta thuyết phục cấp trên bỏ ra số tiền khá lớn của nhà nước, xây cho cù lao cái nhà máy đường. Dân chúng yêu thích lò đường thủ công hơn, trước đây, mía làm ra, họ bán cho các lò đường thủ công. Họ thích nhìn hai con trâu thở phì phò kéo ống che to để cán những cây mía, lâu lâu chúng phẹt ra bãi phân to tướng hăng hắc mùi cỏ non và mật đường, một cái mùi mà ngày còn nhỏ Tư Ngồng rất thích, còn bây giờ thì ông ghê sợ nó. Những người nông dân được nhìn những chảo nước đường sủi bọt, một dãy chảo đặt trên ống lò dài, đun bằng bã mía. Chảo thứ nhất sôi lên và sủi bọt, họ múc nước mía đổ sang chảo thứ hai, chảo đường này họ gọi là nước chè hai và cứ thế họ chuyển sang chảo thứ ba… Khi chảo cuối cùng quánh lại họ đổ ra những cái chén dùng làm khuôn và cuối cùng họ sẽ có những cục đường lớn màu vàng hổ phách với mùi mật dịu ngọt đầy quyến rũ. Những người dân cù lao thích múc bát nước chè hai, uống để thưởng thức vị ngọt của nó thấm dần vào bao tử. Họ ghét cái nhà máy đường của nhà nước xây dựng. Họ không thể vào được bên trong để xem sản phẩm của họ làm ra như thế nào. Họ gọi nhà máy ấy là nơi để bọn áo trắng ăn cắp mồ hôi nước mắt của họ. Cán bộ nhà máy mua mía bằng cách đo độ ngọt và gọi tên là “trữ đường” trong khi họ chẳng biết “trữ đường” là cái quái gì. Họ chỉ biết những cây mía mà họ làm ra bị bọn chúng mua rẻ hơn những lò đường thủ công. Họ cũng chẳng được vào bên trong để thưởng thức bát nước chè hai, bởi những gã bảo vệ to cao, mặt mày sưng sỉa, mỗi khi nhìn những người nông dân chân lấm tay bùn như họ.
Sáng nay, như thường lệ, họ tập trung rất đông tại nhà máy đường để chờ cán bộ cân mía và chờ lấy tiền bán mía. Những chiếc xe tải sắp thành hàng dài chờ chạy lên cân.
Tin tin tin…
Tiếng kèn xe hơi gắt gỏng và đầy quyền uy đã xô dạt những người dân qua một bên. Chiếc xe hơi màu đen từ từ lăn bánh vào nhà máy, bất ngờ dừng lại giữa đám đông. Tư Ngồng đường bệ bước xuống xe. Gương mặt đỏ ửng, miệng tươi cười, ông đưa tay chào những người nông dân:
– Bà con phấn khởi chứ?
Im lặng.
– Rất mừng là xã ta được mùa mía, bà con có thu nhập khá lên rồi. Tuy nhiên nhà máy đường cần rất nhiều mía mới hoạt động hết công suất, bà con nên tăng cường diện tích. Tôi lớn lên ở vùng này nên tôi hiểu rõ đất đai quê mình.
Ban giám đốc nhà máy đã chuẩn bị cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, để chuẩn bị đón vị lãnh đạo cấp cao, người địa phương, người có công mang tiền về xây nhà máy cho quê hương. Những cô gái chân dài, da trắng như bông bưởi, chuẩn bị sẵn những nụ cười trắng lóa với bó hoa trên tay, sắp hàng dài trong sảnh. Họ chờ vị lãnh đạo đến thăm. Từ đêm hôm trước, họ đã được ban giám đốc nhà máy chỉ đạo cho họ phải ướp trong mùi hương bưởi cả đêm, vì vị lãnh đạo rất thích những cô gái có mùi hương hoa bưởi.
Bất ngờ thấy vị lãnh đạo đứng giữa đám nông dân, cả ban giám đốc ùa chạy ra.
– Báo cáo anh Tư!
Vị lãnh đạo phẩy tay, cho họ đứng vây quanh sau lưng và ông cao giọng:
– Bà con biết không? Thời đại chúng ta là thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà cái làng quê của ta còn lạc hậu quá. Bà con phải đổi mới tư duy. Cả nước đang đổi mới tư duy!
Những người nông dân ngơ ngác nhìn nhau: “Tư duy là cái quái gì?” Họ vẫn thường nghe cán bộ từ ấp đến xã, cứ mở miệng ra là “đổi mới tư duy”. Họ cảm thấy cách nói chuyện của những người “áo trắng” này quá xa lạ đối với họ. Nó còn khó hiểu hơn những câu thơ của gã nhà thơ. Lạ lùng ở chỗ những ngôn từ khó hiểu xa lạ với cách nói của họ, đôi khi lại có khả năng làm cháy bùng lên những ngọn lửa trong cuộc sống của những con người chất phác. Họ đổ xô đi làm những chuyện mà chính họ không biết làm thế để làm gì? Thật khó hiểu! Họ còn lạ gì Tư Ngồng, trong số họ ngày xưa có những người là bạn của Tư Ngồng, họ từng đi chăn trâu, làm ruộng, ở truồng tắm sông với Tư Ngồng, có người đã nuôi dưỡng Tư Ngồng trong những ngày kháng chiến, vậy mà khi làm cán bộ, Tư Ngồng lại nói chuyện khác với họ, hoàn toàn khác.
Những người dân bán mía cho nhà máy đường không phải vì họ “đổi mới tư duy”, mà họ nghe lời cán bộ trồng quá nhiều mía, khiến các lò đường thủ công không làm kịp, họ buộc lòng phải bán cho nhà máy. Có vậy thôi!
Thấy đám nông dân im lặng nhìn mình, Tư Ngồng hơi khó chịu trong lòng, nhưng ông không chấp họ, Tư Ngồng quay lưng đi theo đám cán bộ nhà máy và những cô gái sực nức mùi hương hoa bưởi.
Tư Ngồng nhìn quanh rồi ngồi vào bàn họp.
– Dạ báo cáo anh Tư – Tay giám đốc xum xoe.
– Làm việc đi! – Tư Ngồng ra lệnh.
– Dạ báo cáo anh Tư! Hiện nay đường bán không được, không có tiền trả cho nông dân, họ làm dữ quá.
– Sao không vay ngân hàng?
– Dạ ngân hàng ngưng cho vay!
– Vì sao?
– Dạ mình đã vay quá mức tài sản thế chấp!
– Ngày mai lên chỗ con Biển, Giám đốc Ngân hàng Công nghiệp, tôi sẽ nói chuyện với nó, bằng mọi giá phải mua bằng hết mía trên cù lao Dao này, đừng làm nhân dân mất lòng tin vào tôi.
– Dạ! Cám ơn anh Tư!
– Thôi tôi về!
Tay giám đốc nháy mắt, một cô gái trẻ sực nức mùi hoa bưởi mang tới cái phong bì dày cộp, Tư Ngồng thản nhiên cho vào cặp rồi bước thẳng ra cổng.
– Tư! Tư!
Tư Ngồng giật mình, ai dám gọi mình với giọng trịch thượng như thế? Bà già băng ra từ đám đông.
– Má Năm, lâu quá mới gặp, má vẫn khỏe chứ, mấy lần tính rẽ qua thăm má mà công chuyện nhà nước lu bu quá?
– Đợi mày ghé thăm tao chết mất xác, tao vẫn ở trên cù lao này chớ xa xôi gì, chắc phải đợi giặc nó quay lại mới mong gặp được tụi bay, nhưng thôi chuyện đó tao chẳng chấp làm gì, tao canh mãi mới gặp mày, hôm nay tao hỏi thử, mày làm cán bộ lớn mày có biết cái mảnh dườn của tao nằm trong diện quy hoạch gì đó không?
– Má để tôi xem lại, tôi không để ý, mấy đứa nhỏ nó làm, mà hình như đất của má là đất công thổ mà.
– Công thổ cái con mẹ mày, đất của cha tao khai phá chứ công thổ gì, cái mảnh đất hồi đó có mấy cái hầm bí mật tụi bay ăn dầm nằm dề cả tháng, hồi đó tao có nghe đứa nào nói công thổ hay tư thổ gì đâu!
Bà Năm Trầu nhổ toẹt bãi nước trầu trước mặt Tư Ngồng, kéo cái khăn rằn chùi miệng. Tư Ngồng nhíu mày.
– Má để tôi xem lại, tôi phải đi họp gấp.
Nói xong Tư Ngồng quày quả bước lên xe, má Năm lầm bầm rồi quay trở lại phân bua với những người nông dân:
– Hồi đó nó bị thương, lão Mân cứu nó, sau hầm bí mật nhà lão bị lộ, lão đẩy nó sang nhà tao, suốt ngày má má, con con, bây giờ làm cán bộ rồi giở giọng, đúng là cái đồ dô ơn bạc nghĩa.
Anh Tư Nghĩa cười khà khà:
– Công lao của bà có xíu mà bà kể hoài, tôi thấy mấy người có công như bà hàng năm cũng có được người mang đường sữa tới thăm hỏi còn đòi gì?
Cái giọng của Tư Nghĩa chói tai, sau này trúng cử làm chủ tịch xã, anh ta phát huy rất tốt cách nói bội bạc ấy. Bà Năm Trầu dằn dỗi:
– Tao mà thèm ba cái thứ ấy, chúng nó mang tới tao quăng ra đường, tao không cho chúng nó thì thôi, thèm lấy của chúng nó làm gì?
– Vậy thôi kể lể làm gì?
– Tao ghét chúng nó khi có chức, có quyền rồi, nói một đường làm một nẻo, chính thằng Tư Ngồng này đang tính bán cái mảnh đất cù lao thiêng liêng này cho bọn Tây làm dự án dự iếc gì đó, rồi đây dân cù lao ra sông mà ở. Đó là chưa biết chúng nó có đụng đến đền thờ Đức Ông không nữa.
Nghe nhắc đến chuyện quy hoạch mọi người thẫn thờ ra về…
(Đọc tiếp)