
Tôi có một người bạn thân. Bạn ấy mất vào tháng tư. Tháng tư trong tôi luôn là mùi nóng ẩm của mặt đường Sài Gòn sau cơn mưa 4h chiều. Màu nắng vàng chanh pha chút mật và những ráng đỏ đầu tiên của chiều chiếu xiên xuống mặt đường nhựa loang loáng nước khiến mọi thứ trở nên không thật. Tôi thường nghĩ đó là thứ ánh sáng trong phim trường, không hiểu tại sao lại thế. Màu vàng của hoa bò cạp vàng buông xuống như một chuỗi cười rơi lõng thõng vào khoảng không, một chuỗi cười im lìm. Tháng tư còn là từng đàn trái thầu dầu, chò nâu và sao bay lượn khắp thành phố, buổi trưa oi nồng bên Lê Uyên Phương và bàn cờ tướng ở quán café quen thuộc. Bạn ra đi vào những ngày mọi thứ hiển hiện như thế. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết bạn làm tôi nhớ rõ về tháng tư hay tháng tư làm tôi không thể quên bạn.
Má tôi kể, ngày cuối cùng của tháng tư, má rời khỏi nhà dòng và đi cùng bà ngoại ra đường, chân dẫm lên không biết bao nhiêu quần áo lính Cộng Hòa và tất cả những đồ vật có liên quan đến phía thua trận. Trong cơn hoảng loạn, người ta sẵn sàng quăng đi mọi thứ, cho dù đó có từng là ý nghĩa sống của đời mình. Bà ngoại vừa đi vừa khóc, má không nói vì sao. Má cũng vừa đi vừa khóc. Tháng tư của má là cô bạn thân nhất đã bắt cả gia đình chờ đến giờ phút cuối cùng trước khi lên máy bay, chỉ vì hy vọng má sẽ đến và đi cùng gia đình cô ấy, nhưng má không đến. Má chọn đi ra đường với bà ngoại đang khóc, và những người ăn xin mừng hớn hở khi bỗng dưng có bao nhiêu là quần áo. Có người đã mặc bộ này vào rồi, nhưng thấy bộ khác đẹp hơn, lại vội vàng cởi ra mặc thử bộ kia vào. Căn nhà của gia đình ở Nhà Bè đã mất. Các cậu đi bắt cá, về thấy nhà mình đã biến thành trụ sở của tổ dân phố hay cái gì đại loại thế, vậy là các cậu đi thẳng về Phương Lâm và không bao giờ quay lại căn nhà đó nữa. Bà nội tôi thì kể, những ngày cuối cùng của tháng tư, ở Gia Kiệm, phía Mỹ chạy xe rề rề ngoài đường, bắc loa bảo ai muốn đi Mỹ thì lên xe. Ông bà không lên xe, ông thì không biết vì sao, bà không đi đơn giản vì chẳng hiểu gì cả. Mà chắc chẳng mấy ai hiểu chuyện gì đã thực sự xảy ra.
Mấy hôm nay không hiểu tại sao tôi cứ hay nghĩ về một người. Có thể gọi đó là một người bạn, hơn tôi đến vài chục tuổi, có lẽ. Anh không bao giờ gọi tôi là “em”, chỉ gọi tên là “Hà”. Trước đây tôi và anh hay rủ nhau ra bờ kè uống bia. Anh đi bộ từ nhà đến, mặc quần đùi, mang dép lê. Đây là một người, nói thế nào nhỉ, cảm giác của tôi là anh rất sạch sẽ, từ trong ra ngoài, từ tinh thần đến thể xác. Anh tử tế, điềm đạm. Anh kể tôi nghe về những nơi anh đã từng sống, trong đó có một ngọn đồi ở Brazil, nơi anh mỗi buổi chiều ngồi uống vài ly rượu, một mình. Nắng chiều hắt vào trong nhà, tôi tưởng tượng đó là màu đỏ cam hơi sẫm. Tôi tưởng tượng xung quanh đó toàn là đồi núi, và mặt trời sắp lặn hắt lên mây những quầng nhiều màu sắc. Một rực rỡ im lìm, một hấp hối hùng vĩ. Anh ngồi lặng yên ở đó cho đến khi căn phòng tắt hẳn ánh sáng. Bây giờ anh ở nơi khác, và thỉnh thoảng lại kể tôi nghe về tuyết, về sự không-viết-được, về những con thỏ, lũ cá hồi. Anh bảo “sang đây chơi đi, bảo đảm ra đón tận máy bay và tha hồ ăn cá hồi,” không hiểu sao câu nói đó lại làm tôi nhớ đến cái dây phơi quần áo đủ thứ thổ tả của một ai đó ở SG mà trước đây anh nói khi nhìn thấy chúng, anh tự nhiên thấy hạnh phúc. Tháng tư này, tôi sống hơi nhiều bằng ký ức vay mượn từ người khác.
Mùa này, những đàn bướm sẽ bay rợp trời ở quãng đường từ Ban Mê Thuột về thị trấn Krông Păk. Tôi cứ nhớ mãi bầu trời rất cao, rất xanh và rất nhiều mây ấy. Sau cơn mưa, mùi cỏ ướt dậy lên và hàng trăm con bướm lao vào tôi khi phóng xe trên đường. Tôi hạnh phúc một cách chân thành vì đó không phải là hàng trăm con sâu lao vào tôi khi phóng xe trên đường. Mọi thứ tuần hoàn rất nhịp nhàng và hợp lý. Tôi sẽ không gặp thì quá khứ của con bướm bởi nếu chuyện đó xảy ra, tôi sẽ chết một cách đầy nghi hoặc và trở thành lỗi duy nhất trong một bức tranh tổng thể. Điều đó không thể xảy ra vì chỉ với một lỗi đó, mọi thứ sẽ trở nên trật chìa, vô lý và không có lý do để tồn tại. Thế giới sẽ bốc hơi trong nháy mắt, thật điên rồ.
Đôi khi chúng ta rất ngây thơ. Chúng ta ở trong một cái ống tròn, cố gắng xếp những mảnh ghép rời rạc thành một bức hình liền lạc mà ta cho là có ý nghĩa. Nhưng biết đâu có thứ gì đó chẳng buồn buồn mà xoay nhẹ cái ống đó một cái – như kính vạn hoa, hoặc biết đâu cái ống đó tự nhiên nó buồn buồn mà tự xoay một cái, thì cuộc đời chúng ta tung tóe cả. Ta, những miếng ghép thiểu năng của ta, những mảnh vỡ hoang đàng của đời ta, những luyến ái, bi thương và hạnh phúc, rồ dại… Tất cả sẽ xáo trộn, đảo lộn và chúng ta buộc phải bắt đầu ghép lại số phận của mình từ một xuất phát điểm khác. Đó là tai nạn của chúng ta, nhưng là sự giải khuây của kẻ khác không chừng. Chúng ta không trả thù được, tội nghiệp chưa. Mọi thứ trở nên hỗn loạn, và ta vẫn phải lồm cồm bò dậy mà thu xếp, mà tìm chỗ thở. Có khi mất cả một đời, lúc mảnh ghép cuối cùng chuẩn bị đặt xuống, cái kính vạn hoa lại xoay một lần nữa. Trước khi tắt thở ta mới hiểu ra rằng, quên tự do đi, chúng ta chỉ là gã Don Kihote đánh nhau với cối xay gió mà thôi.
Tôi đã từng có một tháng tư khóc rất rất nhiều và cười rất rất nhiều. Tháng tư của tôi luôn là kết thúc của một thứ gì đó trong đời và là khởi đầu của một thứ gì đó trong đời. Có những điều tôi đã rất tin, nhưng tôi nhanh chóng hiểu ra rằng mình không nên tin vào điều gì cả. Có những điều tôi ngờ vực, và tôi học được cách luôn giữ nó ở mức mang lại sự ngờ vực. Tìm hiểu là nguyên nhân của mọi sự hiểu lầm. Bây giờ điều đó tạm thời đúng. Ai đó nói vui rằng, điều duy nhất không bao giờ thay đổi là không có điều gì không thay đổi. Tự nhiên tôi nhận ra điều gì làm tháng tư trở nên buồn: đó là mùi của những cơn mưa.