Chương 4: THANH TÂM TUYỀN: CUỐI CÙNG LÀ THƠ
“ … Ngoài trời thay đổi xao xuyến như những ngày trở thu ở quê hương. Đã bốn năm năm tôi theo đuổi nghề dạy học và khai trường ở những nơi khác nhau. Mức sinh hoạt biến thiên rất nhiều nhưng lương của tôi chưa hề vượt khỏi mức thấp kém nhất. Đôi lúc tôi nói đùa là số phận của tôi như thế. Ở miền Nam một ngày như hôm nay là một sự bất ngờ hiếm có. Tôi để dành tất cả tâm hồn cho kỷ niệm mà kỷ niệm ngày khai trường nhiều nhất là về những học sinh của tôi.
Ở miền Bắc trời có thể mưa nhỏ, tôi lặn lội hàng mười cây số để đứng dưới một bóng cây nhỏ giữa khoảng không gian hoang vu của thành phố tiền tuyến thời chiến tranh cùng những em học sinh chất phác ưu tư. Chúng tôi làm việc cùng nhau với không khí nghiêm trọng trong mỗi người. Những lời chúng tôi nói với nhau đều là tâm sự. Hoặc trường của tôi nằm trên gò đất gió hút lạnh trống. Nhưng những khuôn mặt và tâm hồn ở đâu đến với tôi cũng đều giống nhau.
Hôm nay tôi cũng đến một ngôi trường ngoài châu thành Sài gòn. Các em đã biết thế nào là ngoại ô chưa ? …”
“ … Đầu năm 1949 tôi bỏ Sài gòn về Hà nội. Từ một thành phố yên ổn vui tươi trở lại , tôi rơi xuống một thành phố điêu tàn ngơ ngác. Những ngày đông lạnh lẽo ngắn thêm vì giờ giới nghiêm. Ngay giữa phố đông đúc như Hàng Bông, Hàng Đào vẫn còn nhiều nhà đổ nát tan hoang. Khoảng bảy giờ tối hết xe điện, người ta nhường phố xá cho lính lê dương say rượu. Thỉnh thoảng về muộn tôi phải đi qua những phố vắng tanh, vội vã lẩn lút trên vỉa hè hay sau hàng cây như một tên ăn trộm. Có khi lính Tây đuổi tôi để được la hét cho đỡ buồn, tôi chạy quanh co hết phố này sang phố khác như chơi rượt bắt với chúng. Một hôm tôi bị rượt này từ phố Đường Thành chạy về Quán Thánh. Vừa qua vườn hoa Hàng Đậu sang phía Nhà Thương Khách thì từ một ngõ tối, một tên sồ ra chụp được tôi. Tôi vùng vẫy và đánh trúng mặt nó khiến cái mũ trắng rơi xuống đất, tôi có thể chạy thoát. Nhưng tôi đứng nguyên một chỗ nhìn tên lính cúi xuống nhặt mũ, nó cười sằng sặc. Nó trẻ bằng tôi, mắt xanh như mắt mèo, nó quàng vai tôi mời tôi vào quán uống rượu. Tới mười giơ đêm, nó dìu đưa tôi về tận nhà. Trước khi chia tay. nó ôm hôn lên đầu cổ tôi như mưa rồi khóc. Tôi tức giận gạt mạnh nó và lảo đảo vào nhà. Chị tôi sợ hãi đóng chặt ngay cửa. Tên lính còn đứng lại đập cửa la hét nguyền rủa hàng giờ sau mới chịu bỏ đi.
Nhà tôi ở khu Ngũ Xã. Hồi ấy tôi thất nghiệp ăn ở nhờ gia đình chị tôi, dạy mấy đứa cháu nhỏ trừ tiền cơm. Tiền tiêu pha vặt vãnh là tiền dành dụm trong mấy năm làm ăn ở Sài Gòn. Mỗi buổi sáng tôi dậy với những chuyến xe điện thứ nhất lên phố. Những chuyến xe buổi sớm thường kéo theo hai ba toa tối om chạy băng băng không ngừng, tôi nhảy bám vào toa sau cùng chắc chắn không phải lấy vé lên đến tận chợ Hôm. Trời buổi sáng bao giờ cũng lạnh cóng tôi tựa vào thành xe trông lại phía sau con đường sắt óng mướt và mặt đường tê cứng. Qua đầu phố Hàng Đào nơi một đống gạch đổ tôi còn thấy những mảnh vải rách rưới rúc vào nhau mà ngủ. Đến chợ Hôm trời cũng đã mờ sáng. Tôi ghé xuống hè đường ngồi xổm ăn một đồng sôi lúa nóng chan hành mỡ béo ngấy rồi đi lang thang đợi đến chin giờ về thư viện đọc sách …”
Lần dở những trang báo cũ , đọc lại những trang văn của Thanh Tâm Tuyền từ nửa thế kỷ trước (1956). Những trang viết còn đó nhưng Thanh Tâm Tuyền không còn nữa. Hai đoạn văn trích dẫn trên đầu bài viết này: đoạn trên là trong bài tạp bút ghi ngày 3 tháng 8 năm 1956 đăng trên tạp chí Sáng Tạo số 2 tháng 11 năm 1956 có nhan đề : SỰ TẦM THƯỜNG CẦN THIẾT NGÀY KHAI TRƯỜNG viết về những cảm tưởng của tác giả ở vị thế của một người thầy nghĩ về mình và những học trò của mình trên đường tới một ngôi trường ở ngoại ô Sài gòn trong ngày khai trường. Ở một thực tại là Sài gòn , nơi chỉ có hai mùa mưa nắng, với bất ngờ của thời tiết, tác giả thấy:
“ … Ngoài trời thay đổi xao xuyến như những ngày trở thu ở quê hương…”
và ngay đó trí nhớ ông lùi về những ngày tháng cũ:
“ … Ở miền Bắc trời có thể mưa nhỏ , tôi lặn lội hang mười cây số để đứng dưới một bóng cây nhỏ giữa khoảng không gian hoang vu của thành phố tiền tuyến thời chiến tranh cùng những em học sinh chất phác ưu tư . Chúng tôi làm việc cùng nhau với không khí nghiêm trọng mỗi người . Những lời chúng tôi nói với nhau đều là tâm sự . Hoặc trường của tôi nằm trên gò đất gió hút lạnh trống. Nhưng những khuôn mặt và tâm hồn ở đâu đến với tôi cũng đều giống nhau…”
Đoạn văn thứ hai trích trong đoản thiên CUỐI ĐƯỜNG trong Sáng Tạo số đặc biệt Hà nội (số 25 tháng 10 năm 1958). Ngay ở câu mở đầu Thanh Tâm Tuyền viết:
“ Đầu năm 1949 tôi bỏ Sài gòn về Hànội…”
Trong cuộc thảo luận về “Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết,” Thanh Tâm Tuyền đã phát biểu:
“Đặt câu hỏi rõ hơn, nhân vật có phải là tác giả không? Có hai cách kiếm tài liệu, một, ngoài đời, hai, ở chính mình. Trong nhân vật có thể có những mảnh của tác giả nhưng không bao giờ là tác giả hết. Như cuốn Bếp Lửa của tôi, khi viết ở bản thảo, tôi có đề một câu trên đầu của Rimbaud, sau lại xóa đi vì thấy không cần thiết: je est un autre. Mặc dầu trong ấy tôi cho nhân vật mượn cả tên tục và rất nhiều hoàn cảnh tôi đã sống.”
Trích lại lời của Thanh Tâm Tuyền là để thấy rằng: có một mối liên hệ mật thiết giữa tác giả và những tác phẩm. Những tâm trạng, khoảnh khắc, nơi chốn, cảm xúc nằm trong những trang viết Thanh Tâm Tuyền để lại là những ghi dấu có thực trong một đời sống. Một người viết văn có thể tưởng tượng ra, bịa ra tất cả, nhưng những chi tiết của đời sống, những đặc thù của nơi chốn, những xúc cảm thì không thể bịa, hay tưởng tượng ra được. Qua những trang viết của Thanh Tâm Tuyền ta thấy ở đó ghi dấu giòng sống của một con người xuôi theo giòng chảy của lịch sử và mỗi con người cũng có một lịch sử riêng của nó.
Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh năm 1936 tại Vinh (Nghệ An). Cha ông qua đời ở tuổi 29, ông rời Hà nội trước khi chiến tranh bùng nổ, vào Sài gòn ông học tiểu học tại Gia Định, có lúc học trường Huỳnh Khương Ninh ở Dakao. Năm 1949 ông trở ra Hà nội học tiếp trung học, năm 1952 bắt đầu dạy học ở trường Minh Tâm thuộc thị xã Hà Đông. Năm 1954 di cư vào Nam, làm báo và đi dạy học ở Sài gòn và Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Năm 1962, theo luật động viên, ông vào học khóa 14 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức …Với quãng sống đầu đời chúng ta đã thấy Thanh Tâm Tuyền từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc rồi lại từ Hà nội vào Sài gòn, nhưng chuyến đi ấy không phải đã là cuối cùng. Ghi dấu nơi chốn, khung cảnh không phải chỉ có trong văn xuôi, nó hiện diện ngay trong thơ:
Dù sao mai phòng triển lãm sẽ đóng cửa
(Rồi mở thêm lần nữa
Để làm gì ?)
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống giòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh không tím không hồng
Những ống khói tàu mệt lả
Ai xui rằng mùa măng chưa tới
Mà mùa về măng thôi chẳng ngọt
Vườn măng rừng tháng sáu đêm sâu
Muốn làm người học trò mười bảy tuổi
Đạp xe trên trên đường đồng
Bông mía trắng những căn nhà ngủ dưới cây
Sẽ thăm những bà con thân thuộc
Một người em hay một bà dì
Trời sẫm
Như mắt
Như ngõ hoang hồn này
hôm nay
Nghe lời hát quen quen
Người đàn bà ấy mang tên …
Lời từ biệt
Trên một sân ga vắng
Tiếng kèn trầm của một chuyến ô tô ray
Đầy dĩ vãng
Nếu đã đi từ Hà nội xuống Hải Phòng hay Bắc Ninh
Nếu đã đi từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long hay lên Thủ Dầu Một …
(…)
(Bao giờ – ST. số 7, tháng 7-1957)
Ở một thực tại Sài gòn nhớ về Hà nội, nghĩ về Hà nội, Hà nội có mặt trong các tác phẩm thơ văn của nhiều tác giả, nhưng với Thanh Tâm Tuyền, Hà nội là một Hà nội khác, Hà nội như một nhân vật, là một quê hương, là một thực tại nhưng cũng là một quá khứ.
“Đầu năm 1949 tôi bỏ Sài gòn về Hà nội.” Đó là câu đầu của đoản thiên CUỐI ĐƯỜNG và năm 1949 trong tiểu sử Thanh Tâm Tuyền ghi là năm ông trở ra Hà nội, lúc cuộc chiến này là cuộc chiến tranh chống Pháp dành độc lập còn có một cuộc chiến khác, đó là cuộc chiến giữa những người Việt Nam cộng sản và những người Việt Nam không cộng sản. Trong thời điểm ấy những nhân vật như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo, Vũ Hồng Khanh, Trần Trọng Kim… đã phải bỏ chạy sang Trung Quốc… Hà nội là một đống đổ nát, điêu tàn…
Về Hà nội, nhân vật tôi kèm trẻ, vào thư viện đọc sách, có lúc làm cho một cửa hàng bán than. Ở thư viện nhân vật tôi quen với một người đọc sách tên Quang, vì hoàn cảnh nhà nghèo, Quang không theo đuổi việc học mà xin đi làm công an ở quận V.T thuộc tỉnh Sơn Tây, công việc là làm giấy tờ cho những người hồi cư. Không còn bán than, nhân vật tôi trở lại thư viện:
“Trong dịp này tôi gặp và quen Tuấn – em trai của Quang. Đúng như Quang nói, Tuấn thông minh nhanh nhẹn hơn Quang. Hắn hay đọc sách chính trị, có nhiều cao vọng. Tôi không thích Tuấn nhưng thường nói chuyện với Tuấn nhắc tới Quang. Tuấn chê anh là an phận tầm thường. Đối với tôi Tuấn cũng coi tôi cùng một loại. Tuấn cho rằng muốn làm được việc lớn nhiều lúc phải hy sinh những người thân của mình, dù có phải làm cho họ khổ sở, không phải là ích kỷ, vì việc làm của mình sẽ có ích cho một số người nhiều hơn (…)
Sáu tháng sau ngày bị bắt Quang trốn thoát trở về Hà nội. Tuấn cho tôi biết tin Quang đã đi bộ ròng rã một tháng trời lạc trong rừng chịu đói chịu khát cho tới khi không bước được nữa phải bò phải lết. May gặp quần tiễu Pháp nhặt được đưa về Hà nội. Quang sắp chết và hiện nằm ở bệnh viện Đặng Vũ Lạc Hàng Cỏ. Tuấn nói tại sao Quang có thể ngu dại chỉ vì gia đình mà liều lĩnh đến chết. Tôi tức giận mắng Tuấn là thằng bất nhân bất nghĩa. Tuấn sững sờ không ngờ tôi hung tợn làm vậy. Tôi nói nếu Tuấn xấc láo nữa tôi sẽ trừng trị Tuấn đích đáng. Đời người không thể giản lược theo mấy nguyên tắc về chính trị tư tưởng hay triết học, người ta không phải bắt buộc sống theo một vài khái niệm sẵn có. Tương lai không phải là con ngáo ộp dùng để dọa và bóp chết hiện tại. Phải làm đầy hiện tại, làm đầy… Tôi tới ngay nhà thương. Đẩy cửa buồng, tôi thấy một bộ xương trần truồng (…) Tôi chỉ còn nhớ Quang nơi hai con mắt vẻ buồn vẫn thản nhiên (…) Tôi vẫn trông vào mắt Quang, mắt Quang vẫn đảo được và Quang quay mặt đi. Quang không thể cựa quậy, không mặc quần áo được. Quang tỏ dấu cho mẹ im lặng. Hai hôm sau Quang chết…”
CUỐI ĐƯỜNG, đời sống trong Hà nội thời chiến không có tiếng súng, không có lửa cháy nhưng có người chết, có nước mắt, có giận dữ và luồng khí độc của cuộc chiến mù tối đang len vào làm nhiễm độc không khí của cuộc sống.
Bây giờ chúng ta đọc tiếp một truyện khác về Hà nội: ĐẠI LỘ của Thanh Tâm Tuyền in trong tập KHUÔN MẶT do nhà Sáng Tạo xuất bản năm 1964 tại Sài gòn:
“Hôm ấy là một buổi chiều mùa đông, cách một năm trước khi Hà nội lọt vào tay V.M. Tôi sắp sửa tới thăm Lan thì Vĩnh gõ cửa. Tôi đã khoác áo ngoài chỉ đợi ấm nước trên bếp cồn sôi pha cốc cà phê rồi mới ra ngoài lạnh. Trời thấp và tôi nghĩ có lẽ Lan đã bật điện để đan hoặc sửa soạn cơm chiều vì gian nhà tối. Tôi sẽ ngồi vào ghế như thường lệ quên cả tiếng kẹt cửa nhẹ nhàng của Hà ở trường về. Nếu không việc gì bận tôi sẽ ở ăn cơm cùng hai chị em Lan quanh tấm phản. Trời sẽ tối sâu mãi, Lan tiếp tục công việc, tôi hỏi chuyện Lan hoặc Hà. Lúc trở về có thể khuya và rơi mưa lạnh. Lan đưa tôi ra ngõ. Chúng tôi nắm tay nhau và một đôi khi chúng tôi từ biệt nhau bằng cách trao đổi môi hôn. Nhưng sự có mặt đột ngột của Vĩnh xáo trộn dự tính của tôi buổi chiều không hề làm tôi khó chịu vì Vĩnh, Ngọc và tôi là ba người bạn tâm giao. Từ ngày Ngọc bỏ ra hậu phương tôi ít gặp Vĩnh. (…) Vĩnh hỏi về công việc của tôi. Lúc ấy tôi chưa có ý định thành một người viết văn. Tôi đọc cho Vĩnh nghe hai bài thơ của tôi làm tặng Lan nhưng tôi không cho Vĩnh biết về Lan. Đọc thơ chúng tôi nhắc đến Ngọc vì Ngọc là một thi sĩ theo ý riêng chúng tôi. Ngọc hay làm thơ và thơ Ngọc tha thiết lắm. Theo tin tức Vĩnh nhận được thì Ngọc bị giữ và chịu những phương sách thi hành cho một người thay đổi tư tưởng.
-Nhất là người đó giàu tâm hồn thơ – Vĩnh vỗ vào vai tôi và cười.
Tôi và Vĩnh đều phản đối sự bỏ đi của Ngọc nhưng vì trọng sự chọn lựa của bạn nên chúng tôi không ngăn cản. (…)Vĩnh cho tay vào túi quần tôi và kéo bàn tay tôi ra ngoài, xen những ngón tay Vĩnh qua những ngón tay tôi và nắm lại. Vĩnh và Ngọc thường thích nắm tay như thế, tôi thì không nhưng tôi không phản đối.
-Cậu sẽ mến Châu, tôi tin chắc như thế. Châu không đẹp nhưng đôi mắt của Châu hoang đường quá lắm.
Tôi cười.
-Thi sĩ thế.
-Thật đấy, hoang đường quá lắm. Tìm ở thế giới này một cặp mắt hoang đường và một tâm hồn hiền dịu quá khó nhưng không phải hoàn toàn không có như thằng Ngọc bi quan. Nếu găp Châu, nó sẽ phải nhận điều phán đoán của nó là sai lầm. (…)
…Châu đón Vĩnh bằng một chuỗi cười hồn nhiên dài và ấm. Tôi nghe tiếng cười trước khi gặp mặt Châu và tiếng cười ấy chạy qua da thịt tôi khiến tôi cảm thấy lạnh.
-Anh giới thiệu với Châu đây là anh Tâm mà anh thường nói chuyện với Châu.
Châu đứng lui vào bên cửa nhường lối vào vừa chào vừa dò xét. Tôi không trông rõ mặt nàng. Nàng mời chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế gỗ có dựa theo kiểu cũ và điện đã bật lên. Mắt nàng to và sâu, buồn lạ lùng mặc dù lúc ấy nét mặt nàng đang vui. Có một cái gì quyến rũ trong mắt ấy. Tôi rất kín đáo khi quan sát Châu. (…) Vĩnh đứng lên đi lại gần Châu nói:
-Chúng ta lên phố đi. (…)
Châu đi vào đổi áo dài. Tôi cầm lấy cuốn sách đã lật và đọc bâng quơ. Cuốn sách giảng về Quan niệm luyến ái theo chủ nghĩa Cộng Sản. Thấy sự tò mò của mình đi quá xa, tôi đặt trả cuốn sách xuống dưới cặp. (…)
Ra đến ngoài trời tối hẳn. Chúng tôi đi dưới ánh điện. (…) Đến một ngã tư, Châu bảo Vĩnh:
-Anh biết không, suýt nữa em không về nhé, có người hứa bảo đảm đưa em qua bên kia sông
Giọng Vĩnh hài hước:
-Nghĩa là qua bên kia thế giới chứ gì.
-Đúng rồi, bên kia thế giới – Châu nói rất ngây thơ.
-Nghĩa là không bao giờ về – Vĩnh cười thật vui – Mời cô đưa tay, tôi sẽ đưa cô qua bên kia thế giới.
Vĩnh nắm tay và dắt Châu qua đường…(…) Một lát Châu hỏi Vĩnh:
-Anh Tâm ít nói nhỉ?
Vĩnh hơi suy nghĩ:
-Vì anh ấy là thi sĩ.
-Ồ thi sĩ nghĩa là làm thơ, vậy chắc anh đương làm thơ, anh đọc cho Châu nghe xem nào.
Cả Vĩnh và Châu đều quay về tôi. Tôi bước thêm vài bước. Đến một chỗ ánh sáng rõ tôi nhìn xuống hè đường. Một giòng số ghi trên viên gạch lát:1934. Suốt trong buổi ấy tôi chỉ nói một lần như thế này: Viên gạch của bờ hè đại lộ này hôm nay được 18 tuổi khi chúng tôi qua. Tôi tưởng sẽ nghe tiếng Châu cười, nhưng không trong luồng gió lạnh chỉ có một tiếng Vĩnh. Châu im lặng lạ lùng…(…)
Từ ngày ấy tôi không gặp lại Châu nữa. Còn Vĩnh, cho đến ngày Vĩnh mất tích, chúng tôi gặp nhau hai lần. (…) Lần thứ hai Vĩnh cho tôi biết là Châu hoạt động cho ngoài kia. Tôi không ngạc nhiên về điều ấy. Vĩnh tâm sự:
-Châu hay nói dối quá. Tôi không dám tin vào đôi mắt Châu nữa. Người ta có thể mang một tâm hồn trái nghịch với đôi mắt người ta ư?
Mãi sau khi Vĩnh biệt tích, tôi mới hiểu đêm ấy là đêm Vĩnh đến từ biệt tôi. Đó là vào mùa hè năm sau. Sự biệt tích của Vĩnh đột ngột, gia đình Vĩnh không hay biết, đến ngay tôi là bạn thân cũng vậy. Mẹ Vĩnh tìm tôi, và nhất định cho đó là lỗi ở Châu (…)
Tôi cố gắng phân giải cho mẹ Vĩnh biết điều ấy không thể có được. Vĩnh không bao giờ ra ngoài. Tôi tin Châu hoàn toàn vô tội. Tôi cố an ủi bà cụ sẽ dò xét tin tức của Vĩnh. Sau này khi vào đến Sai gòn tôi được tin Vĩnh ở ngoại quốc. (…)
Tôi hỏi Lan giả thử có một cuộc chia cắt đất đai Lan sẽ đi hay ở lại. Lan ngửng lên rất lâu trả lời:
-Em chưa rõ nhưng có lẽ em ở lại. Nhưng tại sao anh hỏi em như thế?
Tôi trả lời đó chỉ là câu hỏi đùa và tôi hỏi tiếp giả thử tôi đi thì Lan nghĩ sao:
-Em không biết. Đó là quyền của anh. Chúng ta chưa phụ thuộc vào nhau.
Tôi bỗng cảm thấy tôi yêu Lan lắm, yêu muốn phát khóc. Tôi bảo cho Lan biết Vĩnh mất tích…
Mùa hè năm sau, sự chia cắt đất đai thành sự thực. Cũng như chúng tôi đã nói chuyện với nhau, tôi quyết định bỏ đi và Lan ở lại. Hình như sự chia rẽ giữa chúng tôi không đau khổ mấy vì chúng tôi cảm thấy điều ấy ngay từ lâu. Yêu nhau trong thời loạn không bao giờ nên tính đến sự bền vững. Tôi không nài ép Lan theo tôi cũng như Lan không giữ tôi ở lại.(…)
Buổi tối trước khi khởi hành tôi hẹn ăn cơm tối với hai chị em Lan và chúng tôi sẽ nói chuyện như thường lệ. Sau khi thu xếp công việc, trời còn sáng, tôi dạo qua các phố để thu lần cuối những ảnh hình kỷ niệm vào trí nhớ. Và sự tình cờ đã khiến tôi gặp Châu.(…)
Tôi hỏi về sự quyết định của nàng trước thời cuộc. Châu nhìn vào tôi hỏi lại:
-Anh biết là tôi hoạt động chứ?
Tôi mỉm cười gật đầu , bảo với nàng rằng tuy thế tôi tin ở con người nàng hơn là những hành động của nàng dù đã qua hay sắp tới. Nàng cúi đầu đáp khẽ:
-Có lẽ anh nhận xét đúng nhưng tôi không đi vì nhiều cớ khác. (…)
Buổi chiều vàng bệch vài phút rồi tắt hẳn. Chúng tôi đi vào đại lộ cũ. Chúng tôi cùng bước trên bờ hè ấy. Đèn thành phố đã nhoi lên. Đến một chỗ, Châu dừng lại hỏi:
-Anh còn nhớ một câu anh đã nói ở đây hôm ấy hay không?
Tôi nhìn xuống viên gạch. Giòng số 1934 lật ngược trước mắt tôi . Tôi nói gần như thì thầm: Viên gạch của đại lộ bờ hè này hôm nay được hai mươi tuổi khi chúng tôi qua. Và tôi nắm chặt bàn tay Châu, hai bàn tay run cảm động. Sự im lặng này giảng nghĩa sự im lặng hai năm trước.
Tôi đưa Châu về tận nhà, vẫn gian nhà cũ, nhưng không vào. Tôi bảo với Châu ở cửa rằng tối nay là tối cuối cùng của tôi ở Hà nội. Châu mỉm cười và tiễn tôi bằng cặp mắt hằng cữu của nàng.
Tôi không quay về nhà Lan mà đi mãi trên những bờ hè đại lộ. Sáng hôm sau tôi lên đường khi thành phố chưa dậy.”
Ở CUỐI ĐƯỜNG, Hà nội một đống đổ nát, điêu tàn, tiếng thét của những tên lính Lê Dương say rượu, ở đó đã manh nha những lựa chọn. Ở ĐẠI LỘ, Hà nội đang thoi thóp thở cho những phân ly, những chia tay. Những Châu, Lan, Hà… ở lại. Những Vĩnh, Tâm… bỏ đi. Không phải chỉ có những nhân vật bỏ đi, chính tác giả của nó cũng bỏ đi, hàng triệu người đã bỏ đi. Hai năm sau khi đã sống ở miền Nam, trong chương KẾT của cuốn BẾP LỬA, Thanh Tâm Tuyền đã viết:
“Không ngờ Thanh còn nhớ đến anh. Anh cảm động khi đọc thư. Anh tưởng ở quê hương không còn ai nhớ đến anh nữa (…)
Một hôm tình cờ anh nghe đài phát thanh và được gặp giọng hát Thanh . Vẫn giọng ấy ? Trở về mái nhà xưa (…)
Vợ chồng Minh vẫn mạnh khỏe, được mấy cháu rồi ? Hãy nói với Minh lấy tên anh đặt cho một đứa con của Minh để anh được đinh ninh anh còn nhiều liên lạc với quê hương (…)
Chúng ta phải tự tạo lấy sự ràng buộc nhau để cùng nhau bám chặt quê hương nếu không chúng ta sẽ mất trong sự quên lãng.
Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng”
(Tâm, viết xong tại Thủ Dầu Một vào tháng 10 –56)
Hà nội đã là quá khứ, nhân vật TÔI của Cuối Đường, nhân vật TÂM của Đại Lộ đã bỏ Hà nội. Nhưng nhân vật Lưu dù đã bỏ Hà nội nhưng vẫn sống với tâm tưởng một Hà nội.
Dưới đây là mấy trích đoạn trong truyện ngắn ISABELLE in trên tạp chí Sáng Tạo số 13 /10-1957:
1.
Lưu tới ngồi trên chiếc cối đá dưới gốc măng. Con chó già nằm xuống trước những thân rễ xoài xa chạy trốn. Nước đầy con kinh như buổi chiều chậm. Bên kia bờ thấp thoáng ánh đèn dầu và tiềng nói. Isabelle phải chết. Isabelle phải chết. (…) Lưu thở dài. Con chó già quay trở lại trong vườn. Lưu bước vào nhà. (…)
Bà cụ vun xong luống hoa trở vào nói với Lưu :
-Trời muốn mưa mà ông đi?
-Có khi Sài gòn không mưa.
Bà cụ móc túi lấy tiền đưa cho Lưu và bảo:
-Ông mua dùm tôi với cô Ba ít tấm giấy số dưới Sài gòn, đổi nơi coi có hên không.
Lưu ngạc nhiên:
-Cô Ba mua giấy số?
Bà cụ cười:
-Cô ấy muốn trúng độc đắc mà.
Cụ Tám trỏ vào Lưu:
-Cho cô ấy cái số độc đắc này.
Bà cụ tiếp :
-Hay ông có tính thật tôi lo cho.
-Cụ không sợ nay mai thống nhất vợ cháu nó “bắt thường” cụ sao?
Mặt bà cụ buồn hẳn: một đứa con trai tập kết miền ngoài, nhưng cụ vẫn nói:
-Cô Ba hiền khô à. Cô ấy trông nom cho ông. Tôi sẽ dành cho hai người miếng đất góc kia cất nhà.
Theo tay chỉ Lưu trông ra những lùm cây xanh. (…)
2.
Hai người đứng trên thềm nhà hát lớn bắt đầu hiu quạnh ngó mông vào những con đường lớn đầy bóng cây và ánh sáng chập chờn gió về đêm giữa thu. Tấm áo dài trắng dính sát vào thân Yến gầy không có ngực. Khán giả đã về hết, những lời bình phẩm cũng im xa trên vỉa hè. (…) Con đường còn sâu hút và tối lạnh, Yến hỏi từ đằng trước không ngoái lại:
-Anh viết xong cuốn tiểu thuyết của anh chưa?
-Em là vợ anh em phải biết điều đó chứ.
Yến đợi cho Lưu đến ngang hàng nhìn thẳng vào mắt Lưu hỏi tiếp:
-Tại sao anh bỏ dở?
(…)
Yến nhìn thẳng tiếp tục đi với ý nghĩ của nàng. Lưu cụt hứng và xuống đường một mình. Yến trên vỉa hè. Một lát Lưu thấy lợm giọng vì đã hút nhiều thuốc lá và hơ lạnh của đêm khuya. Đêm Hà nội bỗng nặng nề những tiếng ì ầm đâu đây. Lưu muốn quay về nhà chui vào chăn nằm. Yến thức dậy nói lớn:
-Anh có biết tại sao không bao giờ anh viết trọn được tác phẩm nào không?
Lưu chán ngấy đến mang tai nhưng vẫn trả lời:
-Vì lẽ giản dị anh không phải là nhà văn chuyên nghiệp, lúc nào thích thì viết. Mà anh chẳng thích cái gì trọn vẹn cả.
-Không phải, anh sợ trách nhiệm. Yến gằn giọng.
Lưu bỗng cười ngất , tiếng cười vang động cả chòm cây suốt dọc phố vắng. Nhưng Lưu im bặt vì thấy tiếng cười vô nghĩa mặc dầu nó còn kéo dài trên môi và trong đầu. Lưu nói:
-Trách nhiệm? Trách nhiệm với ai mới được chứ? Với em? Hay với hàng phố này? Em phải nhớ anh có thể viết xong và đốt đi cũng chẳng thiệt hại gì cho ai…
Yến cắt ngang lời:
-Anh là một thứ ‘rate’ của cái xã hội này.
Lưu im bặt không ngờ Yến có thể tàn nhẫn đến thế. Mặt Lưu nóng bừng tưởng muốn vỡ ra thành nước mắt, cổ họng bị nghẹt cứng. Yến dịu giọng không nhìn Lưu:
-Anh chui vào tháp ngà sống một mình xa cách mọi người. Không ai hiểu anh ngay cả vợ anh – Ngưng một chút giọng Yến lại sôi nổi hơn – Tại sao lại Isabelle? Cái xã hội chiến tranh đau khổ này không liên lạc gì với anh hay sao? Lúc nào anh cũng mơ tới một nơi anh chưa đặt chân đến những người anh không gặp và không cùng sống như họ. Anh có thấy như thế là không tưởng không? Để rồi anh sẽ chết vô ý thức như con sâu cái kiến.
3
(…) Chiều thì Lưu tỉnh hẳn. Mồ hôi đã khô, đầu nhẹ nhõm. Ngoài nhà Quang đang đàm luận với cụ Tám. Trời không mưa chùng như có nắng. Lát sau Quang vào bảo với Lưu:
-Thôi tôi phải về Sai gòn.
Lưu bắt tay cảm ơn Quang. Quang nắm tay Lưu nhìn thẳng trong mắt Lưu nói:
-Tôi quên chưa cho anh biết chị Yến gửi lời thăm anh.
Không hiểu sao Lưu lại mỉm cười .
Quang ra về Lưu bước xuống giường. Qua vài giây hoa mắt, Lưu bước đi với cảm giác không vững vàng. Lưu xuống trái bếp, bà cụ Tám đang sửa soạn dọn cơm kêu lên:
-Ông mạnh rồi sao?
Lưu cười, tìm đưa cho bà cụ mấy tấm vé số và nói:
-Cháu cũng mua một tấm kỳ này. Nếu trúng độc đắc cháu sẽ đi hỏi cô Ba cụ ạ.
Rồi Lưu ra vườn. Cây cối còn ướt. Lưu tìm đến ngồi trên cối đá mà gần đấy con chó già đã nằm phục từ bao giờ. Khoảng đất sũng nước, con kinh đầy. Bên kia bờ lặng ngắt. Isbelle đã chết.”
Chiến tranh, chia cắt, Hà nội, Sài Gòn… Những con người Việt Nam trưởng thành ở nửa sau thế kỷ 20 đều phải chia sẻ: những biến cố, những đau khổ, những hy vọng… Cùng lúc mỗi cá nhân lại có những cảnh huống riêng của khổ lụy, mất mát… Dưới đây là mấy đoạn trích ngắn trong những trang viết của Thanh Tâm Tuyền ghi lại cảm tưởng trước cái chết của một người bạn và tiếp theo là THƠ MỪNG NĂM TUỔI , MỪNG CU NGHỆ BA MƯƠI BẢY TUÔI.
THOẠI ƠI ! THOẠI ƠI ! KHÔNG BIẾT KHÓC .
Khi người ta nghĩ không thể nào mang lại hạnh phúc cho người mình yêu, người ta sẽ làm những điều tàn ác với hắn. Không phải người ta hết tình yêu trong lòng. Trái lại đó là sự biểu diễn của một thứ tình bất lực. Chúng tôi mang thứ tình bất lực ấy đối với Quách Thoại. Thoại nghèo. Thoại bệnh. Thoại thi sĩ. Chúng tôi chẳng thể thay đổi được những điều ấy ở Thoại. Và tàn ác chúng tôi đã ước mong cái chết của Thoại. (…)
Nhật ký của tôi còn ghi ngày 22 tháng 7 năm 1956 những dòng này: “Và chính bây giờ tôi có ý tưởng Thoại nên chết thì hơn. Sống khốn nạn và hắt hủi thì chết còn nhẹ.” (…)
Thì chúng tôi cũng đã tàn ác không kém với Thoại. Chúng tôi bỏ rơi, chúng tôi quên Thoại trong những ngày cuối cùng của đời chàng. Thoại chết bao giờ ở đâu? Cho đến khi viết những dòng này tôi cũng chẳng hay. Chỉ nghe kể lại sau ba ngày không ăn uống, Thoại đã từ biệt vĩnh viễn cuộc đời trong một bệnh viện Trung Hoa ở Chợ Lớn. Không một người bạn đưa Thoại tới nơi an nghỉ. Người anh của Thoại, anh Lý Hoàng Phong, lo chôn cất em và kín tin tức về cái chết ấy. (…)
( Sáng Tạo số 16 tháng 1 năm 1958)
THƠ MỪNG NĂM TUỔI
PHẦN MỘT : CU NGHỆ BA MƯƠI BẨY TUỔI
Ba mươi bẩy tuổi, một vợ, bốn con – ba trai, một gái.
Non chục quyển sách in, gần 20 năm văn nghệ (hơn kiếp đoạn trường Kiều ) thơ, kịch, truyện ngắn, dài và tạp nhạp.
Non chục ngàn trang, đăng bừa bãi – kế độ nhật – chẳng buồn thu lượm / liệng nhét trong ngăn, hộc, tủ, kệ, thùng, rương … nhóm lửa lót nồi.
Được chê bai, được khen ngợi,
Được công kích, được tán dương,
Được choàng hoa, được lăng mạ. Ồn ào.
Được gọi nhà văn, nhà thơ miền Nam. Tùy tiện.
Tiền phong, độc lập với người này. Phản động, tay sai với kẻ nọ. Múa gậy vườn hoang với đám kia. (cũng vui)
Không thẻ hội viên văn nghệ. Không chân đoàn thể hay đảng phái. Không thế lực Nhà Thờ (La Mã hoặc Tin Lành ) hay Chùa Chiền (Ấn Quang hoặc Quốc Tự)
Không thiết Tả, Hữu, Trung, Siêu. Mòng mòng. Hoan hỉ mòng mòng. Nghiêm túc mòng mòng.
Chưa một ngày rời chân khỏi nước. Mê nhớ Paris, mọi thủ phủ, mọi thành phố, chốn đám đông tụ tập chen chúc và hiu quạnh – chưa quen như đã thông tỏ.
Phiêu lưu xó nhà xó bếp, tửu quán trà đình, phường phố ngao du. Ngớ ngẩn dăm ba mối tình còm. Tuyệt vọng.
Nợ nhà xuất bản ông Nguyễn Đình Vượng, ông Đinh Thành Tiên, ông Thanh Tuệ , tổng cộng vài trăm ngàn đồng. Nợ bạn bè chẳng kể.
Mừng Cu Nghệ ba mươi bẩy tuổi.
Ba mươi bẩy tuổi, Đại úy trừ bị Dzư Văn Tâm, số quân 56/105.382. (Bonjour Capitaine – điện tín báo mừng của chàng ký giả Lô Răng, chàng Văn Bựa. Quà tiễn chân người lên núi. Amis, Merci, quand-même).
Nhập ngũ 23-8-1962. Khóa 14 Thủ Đức (trên 2.000 mạng ai còn, ai mất? Ai thảnh thơi, ai còn kẹt cứng?) Tốt nghiệp Trung đội trưởng Bộ binh.
Chuẩn úy, Liên đội phó Liên đội Canh phòng 332, Yếu điểm Thạnh Mỹ Tây, Yếu khu Bình Mỹ, Tiểu khu Gia Định (coi kho xăng, giữ ba ấp chiến lược).
Thiếu úy, Huấn luyện viên Trường Chiến Tranh Chính Trị. (Phụ trách đề tài báo chí và Chủ nghĩa Cộng Sản)
Giải ngũ 30-9-66. Nằm nhà thương tưởng chết (He’moragie anale. Ô cơn điên thổ qua lỗ hậu môn).
Tái ngũ 2-3-1968, sau Trận Tết Mậu Thân.
Trung úy bỉnh bút nhật báo quân đội Tiên Tuyến (phụ tá ký giả Lô Răng, bút hiệu ký giả Ba Tê).
Tình nguyện hoán đổi phương vị, rời Sài gòn. Đại úy Tâm lý chiến Trường Võ Bị Quốc Gia (trông coi Phòng hát bóng, bảo tàng viện …).
Tám năm quân ngũ chưa nổ một phát súng với địch (May mắn. Mắt phải 1/100, mù dở. Hồ sơ y bạ năm 62 được ông y sĩ thiếu tá sửa thành 1/10, đỡ tốn công lui tới Hội đồng hoãn dịch).
Địa chỉ cấp báo: Bà Cao thị Mai Hoa, vợ, Cư Xá Lý Thường Kiệt – Đà Lạt. hoặc bà Thạch thị Kim, mẹ, Tỉnh Long Khánh, xóm Nhà Thờ.
Mừng Cu Nghệ ba mươi bẩy tuổi.
Bước sang năm tuổi Cu Nghệ, năm chuột, Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc đời thứ 37 – ô. Nixon- công du Bắc Kinh. Hội kiến ông Mao Trạch Đông – chủ tịch Đảng Nhà nước Cộng Sản Trung Hoa, đời thứ nhất – ông Chu Ân Lai, Thủ tướng chính phủ họp bàn các vấn đề hai nước, vấn đề hòa bình thế giới, hòa bình Việt Nam.
Tuần lễ LỊCH SỬ (viết hoa bắt buộc như THƯỢNG ĐẾ). Không thể khác. Nhu yếu biện chứng như khi gọi nhau “bọn cộng sản độc tài khát máu”, “tên trùm đế quốc hung tàn” . Sửa sang mặt Địa Cầu. Nhuận sắc lời tiên tri Marx.
(…)
HỠI CÁC ĐẤNG TIÊN TRI THỜI DÂU BỂ
Hỡi các đấng Tiên Tri Thời Dâu Bể
trên đường tới thành phố này,
người có gặp Vị Lão Trượng câm như tảng đá
mù lòa như biển lặng thinh
nô đùa cùng bầy trẻ thơ
vạch đầu gậy mòn trên đất những hình đố
cười như nắc nẻ
-Con Quái Sư thay lốt
dã làm ngơ không lục vấn người.
(…)
Mừng Cu Nghệ ba mươi bẩy tuổi.
Bước sang năm tuổi Cu Nghệ. Chưa chết (dù nhiều lúc thèm chết. Như đàn bà mang thai thèm ăn dở)
“Bính Tý , năm nay sao La Hầu, Nam La Hầu, nữ Kế Đô. Cẩn thận.
Mẹ già lặn lội thân cò, thăm con khuyên nhủ – Ráng cho qua…”
Năm tuổi. Còn sống nhăn. Sớm mai trông năm tháng tràn lan như cỏ bãi.
Sau giấc mưa khuya. Phút giây rung tít mù. Trắng xóa sương dưới lũng.
Lui tới kỳ cục. Một đời ngổn ngang bời bời vô vàn kiếp luân hồi.
Đã lớn trọng cùng ngu ngơ sáng hở. Vỏ sù sì trơn nhớt ôm khít huyễn mộng gỗ cây rừng.
Trong giòng họ yểu mệnh (bố chết 29, chú 30. Trong bưu thiếp hơn mười năm trước từ Bắc gửi vô, bà bác nhắn:Thằng Tâm năm 30 tuổi phải để râu, mới mong thoát rớp giòng bên nội)
Trong xứ sở hằng đống kẻ chết non (chết cả làng, cả họ, cả nước. Chết tươi, chết không kịp ngáp… Chết bụi, chết bờ… chết không manh chiếu bó…
Ôi lời nguyền độc địa con Mụ Rồ Lịch Sử, Mụ dâm loàn)
Cu Nghệ sống sót. Mặc lưới sao giăng bủa, hay không. Đêm thăm thẳm.
Ngửng trông. Trên đồi gió doanh trại. Cuối cùng trời. Như hành tinh đã rớt chìm bằn bặt giữa biển không.
Và ánh sao còn rọi tới. Như đứng trên bờ sông sâu, cồn cào sóng giận.
Mùa Xuân thất lạc mênh mông Thu trầm.
Sóng gào ca. Vang động. Quanh những vách non mờ vây Thần trí,
Mừng Cu Nghệ ba mươi bẩy tuổi.
PHẦN HAI: TẾT CAO NGUYÊN CỦA ĐẠO KHÒM
Rót rượu uống một mình, Đạo Khòm, lúc trời lạnh đi về
(Lạnh thấu tâm can. Ngắm vợ con cực khổ)
Uống sec. Từng hớp dài. Chờ rượu hâm tình tứ lóng cóng.
Từng hớp dài. Nhịp máu rộn nín thinh ầm ĩ. Ngậm lời.
Ngậm thấm vị bang hoàng, hư huyễn. Nắng phai trong lòng chảo gió lùa
Như phấn thông bay. Qua hồ trong. Tiếng Mộc. Tiếng Vàng. Động cơn ho xốc óc.
Từng hớp dài, sec. Đạo Khòm. Đạo Nhậu. (ai gọi vậy?) Đạo Cù Lần.
(…)
GIAO THỪA
(…)
Chúc Đạo Khòm ngon giấc nốt đêm nay. Ác mộng chiêm bao ôm ngày đầu thai vào bụng mẹ ngưng thủ thỉ.
NGÀY MÙNG MỘT
Bốn bố con Đạo Khòm bốn thanh gươm nhựa dẻo,
Mỗi chiếc năm mươi đồng
với bao xanh, đỏ, vàng, đen phân biệt
Sáng mùng một lên đồi
*
Trên đồi cao nắng sớm
Rộng ngát mặt gương hồ
Nhà cửa thấp lô xô
Non xa mờ sương phủ
*
-Nào bố tuốt gươm ra
-bố tuốt gươm ra
Tuốt gươm ra, cha chả, ta không hề sợ vợ.
Ba đứa đứng xung quanh
Bố là chàng độc thủ
*
Ba đứa con nhỏ xíu
Dưới trời cao vô ngần
Hôm nay ngày Nguyên Đán
Lòng chẳng chút băn khoăn
*
-Bố láo không ! – Bố láo?
-Con Độc Thủ Đại Hiệp
-Con Hiệp Sĩ Mù
-Còn con? Con là gì hả Bố?
*
Con là gì? Hỡi con, con là gì? – Để bố nghĩ
Tóc con dài, a, Hiệp sĩ Híp pi.
Con ốm yếu, chàng Hiệp sĩ Còm
Con bé bỏng con làm Nữ Hiệp sĩ
*
-Con là gì hả bố?
– Con là Hiệp sĩ Say
-Còn bố? Bố làm gì
-Bố là gì? Đố biết?
*
Mây xa tít không về
Vợ bồng con đứng ngóng
Bỗng nỗi im dị kỳ
Mầy mò râu lởm chởm
*
-Khai mau tên không chết.
-Bố là gì? Nói mau
-Gươm này không tha thứ
-Bố là gì nói mau.
*
Bố là gì hỡi con
Nói mau không nghĩ ngợi
-Mùng một coi chừng giông
Nói mau không nghĩ ngợi
*
Con gái bi bô cười
Múa chân tay nhẩy nhót
-Trông kìa bố cù lần
Đánh rớt hồn đâu mất.
*
-Bố là tên Việt Cộng
-Ủa cục kỳ vậy con?
-Đúng bố là Việt Cộng
Chúng con ba hiệp sĩ phanh thây
-Bố chết đi. Chết đi.
Nhào lăn trên cỏ dốc
Trời đất đảo lăn chiêng
Úp mặt nghe tim đập
Con gọi bố đứng lên
*
Cuộc múa gươm tiếp diễn
trên đồi Xuân vang lừng .
(Những bài thơ này in trên tập san VĂN số 199 và 200 tháng 3 và tháng 4 năm 1972)
Trong THƠ MỪNG NĂM TUỔI, Thanh Tâm Tuyền đã cho chúng ta một tiểu sử của chính ông. Sau năm 1972 ông trở lại Sài gòn. Trước ngày 30-4-1975 ông làm ở tòa soạn Tập san Cao Đẳng Quốc Phòng. Sau ngày 30-4-1975, ngày 23 tháng 6 năm 1975 ông cùng người em ruột tới điểm tâp trung đi học tập cải tạo, nơi tới: Long Giao, đây trước là căn cứ của Sư đoàn 18 bộ binh của tướng Lê Minh Đảo… Thanh Tâm Tuyền ra khỏi trại tù cải tạo Tân Lập – Vĩnh Phú ngày 13/1/82 và trở về Sài- Gòn.
Trong một cuốn vở học sinh 100 trang Thanh Tâm Tuyền đã chép lại những bài thơ trong tù. Ở cuối ông ghi rõ: Bản hoàn chỉnh, chép ở Sài gòn ngày 24/1/82 – 30 tháng chạp năm Tân Dậu. Trước đó ông còn ghi lại ngày tháng, địa điểm mà ông đã sống qua. Ông ghi ở trên cùng: LỊCH CẢI TẠO.
23-6-1975 / 19-6-1976 : Ở Long Giao
19-6-1976 / 23-6-1976 : Xuống tàu Sông Hương ra Bắc, cập bến Hải Phòng . Đi tàu từ H.P. lên Yên Bái.
23-6-1976 / 23-10-1977 : Ở Trại 6 – Liên trại 1 – Y.B.
23-10-1977 / 19-6-1978 : Ở Trại Cải Tạo Trung Ương số 1 – Lào Cai. Hoàng Liên Sơn .
19-6-1978 : Chuyển đến Trại Tân Lập – Vĩnh Phú .
19-6-78 / đến đầu tháng 7 /78: ở K1.
đầu 7-78 /25-8-80 : Ở K2
25-8-80 / 13-1-82 : Ở K5
Trước khi đi định cư ở Hoa Kỳ, Thanh Tâm Tuyền có cho đánh máy những bài thơ làm trong tù và cho nó một cái tên: THƠ Ở ĐÂU XA để tặng cho những người thân quen cùng với một số bài thơ khác ông làm cho tới năm 1990. Ngay lúc Thanh Tâm Tuyền còn ở trong trại tù cải tạo thì một số bài thơ của ông đã ra khỏi nhà tù. Những người tù được tha trước đã mang thơ ông ra ngoài hoặc bằng trí nhớ hoặc được chép lại trên những tờ giấy nhỏ nhàu nát cất dấu trong mớ quần áo ít ỏi rách cũ. Không phải chỉ có thơ Thanh Tâm Tuyền, nhiều bài thơ của Tô Thùy Yên cũng có một hành trình như vậy.
Sau đây là mấy bài thơ của Thanh Tâm Tuyền từ năm 1975 đến năm 1982 theo bản đánh máy mà ông để lại. Phải có ghi nhận điều này vì nhiều bài thơ của Thanh Tâm Tuyền khi ghi ở trong tù gửi ra, khi chép lại hoàn chỉnh và bản đánh máy đã có những khác nhau. Với Thanh Tâm Tuyền mỗi lần đọc lại là một lần thay đổi.
NGÀY ĐẾN LONG GIAO ( 9/1975)
Tinh mơ xe đến Long Giao
Đón người đám cỏ tranh cao ven đường
Ngửng trông núi khuất mờ sương
Mây bay tất tưởi, mưa rong tần ngần
Tiêu điều ngơ ngác trại quân
Ngổn ngang chiến cụ trận tàn bày phơi
Đất bùn đỏ bết chân người
Xanh um bờ bụi, tả tơi lũy đồn
Nhà trống trải, vách gió ruồng
Vắng tanh thố lộ tình suông lạ lùng
Rắn trơ nền nhớp ngả lưng
Hé trời rã rượi đục vần khói tro.
*
TRÊN ĐỒI SẮN MÙA ĐÔNG (Lào Cai 1977-1978)
Trời thấp gió nhốn nháo
Tai ù buốt huyên náo
Chống cuốc nghỉ sườn đồi
Đói, mệt, thở khờ khạo.
*
SINH NHẬT TRONG TÙ
Vợ con không ở gần
Bạn bè xa tất cả
Cùng đôi bạn tù nhân
Uống trà ăn “bánh đá”
Trời có mấy độ xuân
Đất bao nhiêu miền lạ
Chưa ngấy tiệc trần gian
Hồn run xanh búp lá.
*
CHIỀU CUỐi NĂM QUA XÓM NGHÈO ( Vĩnh Phú (1978-82) – Tân Lập K2 (1978-1980)
Mưa bay lất phất gió căm căm
Đường lầy trơn nhà cửa tối tăm
Trốn đâu lũ trẻ mặt lem luốc
Co ro đứng xem tù qua thôn.
*
Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng
Về trong xây sẩm buổi tàn đông
Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa
Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm.
*
NGÃ TRÊN NÚI VIỆT- HỒNG YÊN BÁI KHI ĐI LẤY NỨA
Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi nhẹ hạt, mưa phơi phới
Chiều đang tàn hiu quạnh rừng sâu
Ngửa duỗi chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể đang thối rữa
Hồn viễn vông chẳng chút oán sầu
Mưa tung tấm lưới trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào?
Gió rét tái tê bó liệm chặt.
Thiếp lịm hồn quên bẵng sước đau
Dầm mình trong hạnh ngộ ẩn mật
Hoen nhòa mắt hứng giọt thiên thâu
Dò bước lối mờ nhắm ánh đuốc
Tiếng người lùng kiếm vang dưới sâu
—
(Tác giả ghi : Hai câu cuối lần viết đầu tiên nhắc nhớ: Dò dẫm xuống núi đêm bưng bít /Sông xa đường hiểm quê làng đâu?)
*
CHỦ NHẬT LÊN NÚI KIẾM CỦI (Tân Lập K5 1980-1982)
Một tay chống gậy tay dao quắm
Bò leo dốc đứng, thở mang tai
Lên cao trông xuống xanh rợp lũng
Lâng lâng lòng chẳng buồn nhớ ai.
Chúng ta vừa đọc mấy bài thơ của Thanh Tâm Tuyền trong tập THƠ Ở ĐÂU XA. Tập thơ có 33 bài. Riêng bài SINH NHẬT CON có ba bài. Tập thơ là nhật ký của một người tù, nó không được viết thành chữ trên những trang giấy, nó được viết bằng trí nhớ trong đầu. Qua những dòng nhật ký này chúng ta thấy đời sống của một con người: thiếu đói, bệnh tật, cô đơn, thương nhớ vợ con, bạn bè… Bên đó là những sinh hoạt, cảnh trí, nơi chốn, cảm xúc và suy tưởng. Ngoài nhật ký thơ, thời gian từ tháng 7-1977 tới tháng 11-1978 trên những trang giấy nhỏ bằng một phần tư trang giấy học sinh gấp lại, dùng một đoạn giây kẽm kẹp chặt, ông viết ở trang đầu: SỔ TAY. Trong những trang sổ tay này ông ghi chép việc hàng ngày nhưng chỉ với mấy chữ vắn tắt, và nhiều khoảng bị bỏ cách. Đọc THƠ Ở ĐÂU XA chúng ta đi dọc theo với Lịch Cải Tạo. Còn SỔ TAY chỉ có một quãng ngắn ở đầu của Lịch Cải Tạo. Dưới đây là một ít giòng ghi chép trong SỔ TAY của Thanh Tâm Tuyền thời gian 1977-1978:
SỔ TAY
4/7 – Kỷ niệm năm thứ 14 ngày cưới. Mai Hoa ra sao? – Các con thế nào? Bố sẽ mang về cho các con những món ăn và bản tự khai cuối cùng – Thư tháng 7 – viết cho Trí khác đi nữa – Thịt trâu – Chiều mưa – Ăn trên giường – Kỷ niệm theo cách riêng 1 một mình – Gửi cho bố đọc quyển sách nào con ưa thích nhất.
5/7 – Sưng mộng răng .
6/7 – Sự ê chề của những ngón tay khi hái chè – ược xếp vào loại già vụng, chậm.
7/7 – Bố nhớ Thái. Nhớ cây vĩ cầm của Thái. Và còn cây vĩ cầm của Hồng Miên nữa.
8/7 – Thịt heo – Rau muống – và cái bụng lình xình – Hái chè 4kg1
9/7 – Lấy củi – Khám bệnh.
Chủ nhật 10/7 – Sự câm nín của đầu óc – Cơn lốc của cử động – Tại sao không nhìn mặt trời lặn ở Phi châu (Cung Tiến ) – Biệt tích – Khuất lấp – Chiếc áo tù – Giấu mặt – Lộ diện (CT)
(…)
19/7 – Nghỉ bệnh – Triệu chứng phổi tái phát? Trinh Thảo. Con biết đi xe đạp chưa? Suy nghiệm: con người cô đơn – Thư vẫn chưa phát – Cuộc chiến tranh giữa Thơ và Văn mà Nietzsche nói vẫn tiếp tục – Mùa hè – Như đêm hè khánh kiệt – Trận bão thổi tắt những ngôi sao (của đêm hè) mùa hạ – Phải tưởng tượng Sysiphe sung sướng (Camus) – Nghệ thuật là phản định mệnh (Malraux) – Sự tinh khiết chắt lọc của thơ.
20/7 – Hái chè: 6kg – Thư có thể đã thất lạc – Viết cho bà Khánh – Viết cho Chung xin sách, tạp chí…
21/7 – Nghỉ bệnh – Thức trắng đêm – Trời bão
22/7 - Đêm bão – Sáng mưa – Hái chè 7kg2
23/7 – Mất ngủ – Sáng hái chè: 4kg6 – Chiều lấy củi – Về sốt .
Chủ nhật 24/7 – Sốt cả đêm. Hết nóng đến lạnh – Ngày chủ nhật ngơi nghỉ hoàn toàn – Được tin có 6 thư.
25/7 – Sáng hái chè (mót): 2kg7 – Chiều nhổ cỏ – Được phát 1v Paludin – Tối nhận thư nhà. Vui.
26/7 – Nóng lạnh suốt đêm – Nghỉ bệnh – Được phát 1v aspirine
(…)
Thứ bảy – 22/10 – Nghỉ đột xuất . Lấy quần áo ở kho ra . Trả lại một chăn – Thịt trâu và heo – Cơm, lòng heo củ cải, lòng trâu sắn, thịt trâu kho – Chiều chính thức loan báo chuyển trại. Chuẩn bị – Cơm, sắn, thịt trâu, rau – Sinh hoạt trại: biết chắc mình chuyển trại.
Phạm nhân thuộc bộ nội vụ – Nhà tù chính thức với các tiện nghi.
CHỦ NHẬT – 23/10 .
Chuyển trại khoảng 04g sáng – Lãnh thức ăn, quần áo trước khi đi Thuộc khối 1, Tổ 1, đi xe 1 – Đến trại 1, Phố Lu hay Phủ Lỗ (Lào kay) khoảng 02g chiều – Bồi dưỡng chè.
Thứ tư – 26/10 – Sáng: sắn – Gửi lại đồ vào kho – Bị thu 4 quyển sách – Cơm sắn , canh cải – Lý lịch : can tội ngụy quân – Cơm, sắn, canh cải.
CHỦ NHẬT – 6/11 – Đêm ít ngủ: đói, trà? Chiếc đèn di chuyển – Tiếng nõ điếu – Tối nghe những câu chuyện về đồng cốt. Rùa bụng vàng, mai vân trắng. Lại rỉ máu sau hai ngày êm ả (…)
Thứ hai 7/11 – Ra máu nhiều hơn. Khai bệnh. Cả buồng không có việc làm.
Thứ ba 8/11 – Bắt đầu 3 ngày viết lý lịch – Sáng trời mưa lớn – Tạnh mưa rồi gió – Tối thông qua tổ bản kiểm điểm 77.
Thứ tư 9/11 – Ngày thứ hai khai lý lịch – Trời tạnh ráo.
Thứ năm 10/11 – Ngày chót khai lý lịch – Sinh nhật của Ch. – Sáng thức sớm.
Mặt trời mọc! Mặt trời mọc! Rưng rung màu hoa gạo – Quách Thoại.
27/ Lời cam đoan: Tôi xin cam đoan những điều tự khai lý lịch trên đây là hoàn toàn đúng đắn nếu có điều gì sai trái tôi sẽ chịu trách nhiệm trước nhà nước – Khai tại trại cải tạo số 1 – Người tự khai ký tên.
2/2/78 (25 tháng chạp)
Cuối năm, lạnh, không thuốc lào. Phụng gửi cho thuốc lào .
3/2/78 .
Ta nghe trống dội miên man ngực yếu
Một mình một bóng – mùa đông khắc nghiệt. Mùa hè cháy thiêu. Người ăn mày trong đêm.
3. TẾT . Những ngày Tết với thời tiết đẹp… gặp lại người học trò cũ 22 năm trước của TDM.
Ở thượng nguồn Su Mi (hay suối Mi) cách biên giới vài cây số.
Tư hữu quãng thời gian thừa sót và ngôn từ. Lỗ Bình Sơn – Robinson Crusoe
NHỮNG GIÒNG GHI CHÉP TỪ 1982
Sau khi chép lại trên giấy những bài thơ làm trong tù, Thanh Tâm Tuyền ghi ở chót cùng: “Bản hoàn chỉnh, chép ở Sài- gòn ngày 24/1/82 – 30 tháng chạp Tân Dậu.” Có lẽ đây là thời điểm sớm nhất ông ngồi vào bàn viết sau khi trở về nhà.
Trong một tập sách đóng lại từ giấy vở học sinh có kẻ, bìa màu vàng đất, ở ngoài mặt bìa có ghi: TRƯƠNG QUANG 219 LÔ VI – CX THANH ĐA. Bên trong, bỏ một tờ, sang trang thứ nhất của tờ thứ hai là những giòng chữ:
Quả khô – không phải quả héo.
*
Trong những buổi sáng mờ hoặc
Hắn đi
Những buổi sáng không ký ức
(…)
Những giòng ghi chép này có khi liên tục, có khi bị cắt quãng kéo dài 9 trang, cho thấy đây là những phác thảo thơ. Và Thanh Tâm Tuyền ngừng lại ở đó.
Lật ngược lại tập sách, ở ngoài bìa ghi: DZƯ VĂN TÂM – 1982. Ngay nơi trang hai Thanh Tâm Tuyền viết:
Trong buổi sáng còn mờ hoặc
Ném trả ký ức và đi.
Đi theo nỗi quặn thắt khôn cầm
Theo cơn gió tràn trề mông muội
Thời khắc xây xẩm trải rặng núi tối
(…)
Mấy giòng ở trên cho thấy sự liên tục với những trang chữ đã viết ở đầu kia của tập sách.Tiếp theo là 6 trang những đoạn thơ , nhiều khi lập đi lập lại. Sang tới trang thứ 7 sau một đoạn thơ được đóng khung có những giòng ghi:
Chủ nhật 9/5 .
Một hôm ta sực nhớ ta cũng có một điều kỳ lạ, như mọi người: Ta có em. Em là điều kỳ lạ. Một nỗi bí ẩn.
Liên khúc – khúc đuổi của MTTT – Thư tình – Tạp khúc.
(…)
12/5
Âm điệu như tiếng gọi của bản năng tự vệ. Chờ ta, sự đổ vỡ
(…)
Một quyển sách năm nghìn trang – Anh có ý định viết một quyển sách 5.000 trang? – Không, để làm gì. Đó là câu trả lời phản ứng. Mọi phản ứng đều có điều kiện, tiết lộ những điều kiện phát sinh. Nó chỉ là cái thật của một tầng / mặt chưa phải là cái thật bao quát, quán xuyến trước sau trên dưới. Câu trả lời có tình thân thiết lẽ ra phải là: Không, em có thất vọng không? Hãy thất vọng sâu xa. Thất vọng như ta từng thất vọng, đã lâu. Thất vọng về người, về mình …
(…)
12/6
Bài thơ cứ trăn trở. Cứ tráo trở. Chưa tìm ra sự hội hiệp cho đám âm thanh. Mỗi tiếng mỗi câu thay gây xáo trộn toàn thể. Kinh nghiệm gì?
Nơi nào chứa chấp ta?
Không nơi trú ngụ!
(…)
7/9
Đang tước lược tới cùng. Bây giờ thật sự cô độc. Không một tiếng kêu…
Ta có điều đặc dị: ta như một câu hỏi
Em, một câu hỏi khác?
(…)
8/9
Mưa lớn dữ. Nửa đêm thức giấc. Xuống xem nước có tràn vào. Sáng sớm nước tràn. Nhà dột, mục nát một phần. Ngôi nhà gần 30 năm
Lịch sử của ngôi nhà: Lịch sử của những người ở (…) Chuyến ly hương cùng tuyệt sẽ tới: cái tiếng nói ta đang dùng. Sự tách lìa hoàn toàn: ngôn ngữ
(…)
10 Sept.
Thăm anh B.N.L. .Quyển sách không thể viết của người nằm bệnh: 200 luật biến âm từ Mã Lai Ngữ sang Việt Ngữ. Được nghe một hai tiếng lần đầu: bể dã …
(…)
6/10
Từ những chữ cũ, mộng cũ, tình cũ… tìm lại.
Tự nhiên là sự không biết đến thời gian. Tự nhiên là con mắt mở phơi. Không ghi tạc
Nghệ thuật là tự nhiên. Không thể khác.
Những giòng ghi chép ngưng lại ở đây. Tập sách này viết ở đầu và cuối, ở giữa còn lại 33 tờ giấy trắng.
1983 : MỘT PHÁC THẢO… CUỐI CÙNG LÀ THƠ.
Trong cuốn Agenda năm 1983 (Lịch Sổ Tay Ngoại Thương 1983), ở trang 2, có những giòng ghi sau đây:
Quà của các con – Những đứa con.
Không biết khởi sự như thế nào. Khởi sự lúc nào? Kết thúc ở đâu, lúc nào?
Không biết viết tiểu thuyết – Không có 1 câu truyện. Câu truyện, quyển sách có chỗ khởi sự, chỗ kết thúc. Đời người không có truyện, không có gì đáng “kể”
“Kể lể” Tại sao lại kể lể?
“Bản Tự khai cuối cùng”
*
– Marx: Dân tộc hạnh phúc là dân tộc không lịch sử – B. Bretch: Bất hạnh cho những dân tộc còn cần đến các bậc anh hùng
– Con người hạnh phúc không tiểu sử.
*
Tiếp theo những giòng mở đầu ở trên là những trang chữ dày đặc của một phác thảo với 13 Etude bao gồm những suy tưởng, chép lại những trang sách, những tư tưởng đã đọc được từ trước, những đoạn ghi ngắn của đời sống, những đoạn thơ trong cổ văn… Sau đó là những trang của Phác Thảo 2. Sau đây là những trích ngắn trong 13 Etude:
Etude 1 – Về cái tên .
Phía sau của cái tên. Hàm chứa và bộc lộ: sự trùng ứng của ảo vọng và thực tế. “Trông mặt đặt tên”. Tên bình dân. Tên kiểu cách. Tên miền Nam. Tên miền Bắc. Tên Thánh – Pháp danh. Tự, hiệu, húy. Tên “chết” (…) Người của Công Xã B.L. . Con người cách mạng chuyên nghiệp (Lénine)
-Lịch sử cái tên của nhân vật: lịch sử một cuộc tình
-Tên họ: một huyền thoại.
Etude 2: (…)
Ông ta đọc xong bản kiểm điểm và lặng lẽ nghe đứa học trò cũ mổ xẻ phân tích. Nó đã tự nhìn nhận trong khi chính ông thầy không biết. Ông mơ màng mỉm cười. Ngôn ngữ như khí cụ, trở thành khí giới.
Khi nghe nói đến lao động ông nhớ cái khẩu hiệu của một thời (…) – Ông nhìn suốt qua cái quãng cách biệt giữa hai tiếng cần lao và lao động. Ông nhớ các ông thầy cũ… Các con ông chúng không biết đến tiếng cần lao, chúng chỉ biết có lao động. Ông thắc mắc lẩm cẩm về sinh mệnh của hai tiếng cần lao. Không hiểu về sau này chúng có bao giờ được phục hồi chăng? Ông thương cái chữ “cần” hiền lành. “Cần” cũng là tên bố ông mà ông không còn thể nào nhớ mặt …
Etude 3: (…) Đã lâu không nghĩ ngợi, khi bắt đầu nghĩ lại, muốn chơi với đầu óc – khi còn ở trong Nam rảnh rổi – ông học chữ Nho, tiếng Espanol. Ông nghĩ về sự thể hằng ngày về cá nhân. (…)
Sau này ra Bắc, ông có quyển sổ tay ghi hằng ngày trước bữa ăn, nội dung các bữa ăn. Thí dụ: sáng… chiều. Thỉnh thoảng: lãnh đường, thuốc lào, thịt trâu, thịt heo… Ông nói đùa với người bạn trẻ thường sang ngồi ăn chung tưởng tượng sau này – vài trăm năm – người ta tìm được quyển vở này, người ta sẽ không hiểu gì hết, người ta sẽ phải nghiên cứu như di tích của một nền văn minh đã chôn vùi. Quyển vở bắt đầu vào ngày 4/7/1977 – kỷ niệm ngày cưới năm thứ 13… Dứt vào tháng 10/77 khi bị chuyển từ trại quân đội ở YB sang trại CA ở L.C.
Thật là trò chơi quái quỷ. Nghịch tinh, nghịch ngầm. Hồi nhỏ ông bị mắng như thế.
(…)
Etude 4: Bệnh nói xàm.
Nhu cầu “nói” và được nghe
Lời nói hằng ngay: thăm hỏi, trò chuyện, sự tầm phào cần thiết …
Nói như sự che đậy, đánh lạc hướng. Nói để im.
Nói như một ma thuật – phù chú. Nói như để trút bỏ, nôn mửa, giao hoan. Nói không cần được nghe. Nói như bị thúc đẩy bởi chính tiếng nói – Nói như sủa, như gáy, như hót, như kêu như gào. Nói như tuôn chảy giòng lũ đến những bến bờ mù mịt, Nói như một ngục tối bưng bít (…)
Etude 5: Nhạc và cảnh tượng
Nhạc và kỷ niệm
Nhạc và mộng
Nhạc và ý
(…)
Ông muốn viết một quyển sách, như có người đã làm (L.Straux –Le Cru et le Cuit), đề từ là một câu nhạc (…)
Etude 6: Sociologie des camps.
Cho đến giữa tháng 5, trình diện tại Phường, rồi Quận (…) Trước khi đi, ông viết năm lá thư cho vợ và bốn đứa con …
(…)
… Hồi 45 ông cũng ở khu này, có thể coi là cùng xóm nữa, nếu người ta đừng bít cái lối hẻm ăn thông. Bao nhiêu năm, hai anh em ông mới lại cùng đi với nhau ở ngoài đường? Có lẽ từ ngày ông trở thành người lớn – hình như ông bị bắt buộc trở thành người lớn hơi sớm – hai anh em ông không khi nào đi chơi chung với nhau. Chiều 23-6-1975 vào khoảng 3 giờ hơn họ lại cùng đi học với nhau như xưa, chỉ khác anh đã 40 và em 38.
(…)
Etude 7 – De la litt érature engage.
(…)
Triết nhân ôi vắng vẻ
Nay ta về với ai?
Sociologie des camps – Long giao – Trại trung chuyển – thời gian chờ chính sách cụ thể. Căn cứ của một T.Đ. thuộc S.Đ.18 cũ. Black horse. Tiếng sét. Hạnh hoa thôn – tập trung theo cấp bậc. Những tù nhân tự lập ra nhà tù.
(…)
Nằm ngửa nhìn mây trắng. Không còn bao giờ ta bay lên tầng không ấy.
Thuốc lào. Mai sương và khuya sao.
Buồn trông con nhện
Tiếng Lambro buổi sáng
Những người chết đầu tiên. Người chết trong lán. Buổi chôn cất. Buổi tưởng niệm.
Một phiên tòa.
Đêm Noel – Tết
Biên chế đầu tiên
Mấy vụ trốn trại
(…)
Etude 8 – Prelude
(…)
Enfin j’ecris.
Bây giờ, sau rất nhiều năm, nó lại xuất hiện và nó nhắc nhở tới nó trước tiên. Cùng năm tháng nó có một bóng ảnh, nó cũng có một lịch sử như bất kỳ một sự vật nào đã từng hiện hữu.
Enfin, hiệu báo anh chàng Cung bắt đầu say. Anh chàng nhạc sĩ tài hoa, đầy mặc cảm. Anh thuộc loại người sống cùng một lúc nhiều đời sống khác biệt.
(…)
Etude 12 – De la composition .
Ngoài truyện – Bản tự khai – Khứ hồi . Trở lại những dở dang thất lạc – Tài liệu bổ sung.
Etude 13 – Một người trong những bộ dạng khác nhau qua thời gian, quan hệ góc nhìn,
Ngôi thứ ba cũng là ngôi thứ nhất với một quãng cách hoặc cao hơn hoặc thấp hơn (…)
Sự xa lạ, sự mờ đục của ngôi thứ ba. Bao giờ hắn, ông, thằng chủ, người ấy cũng vẫn là “cậu hai” của những người ở đây – Cậu hai, cậu ba, bà hai …
PHÁC THẢO 2
K. Marx viết: Nhân loại hạnh phúc không có lịch sử; tôi nhớ như thế – Nếu quý vị tín đồ của chủ nghĩa Marx, quý vị chuyên gia nghiên cứu Marx không tìm thấy trong kinh điển của ông câu ấy hoặc một câu tương tự, thì tôi xin chịu lỗi về sự bày đặt gàn ghép của cái ký ức hư hỏng của tôi. Nhưng cái ký ức đã thiếu sự trung tín có cái lý của nó trong sự bày đặt gán ghép …
Le monde des femmes
Sài gòn – Hà nội – Mère et fils – Rencotre imaginaire – Avant 54
PHẦN ĐẦU
Chapitre 1 – Chiều cuối năm dương lịch ở Sài gòn (…)
Chapitre 2 – Người đàn bà mỏng, khô …
Chapitre 3 – Ngày chủ nhật của Th, An.
*
Trên đây là những giòng trích trong những ghi chép của Thanh Tâm Tuyền về một tác phẩm đã được phác thảo. Qua những ghi chép này chúng ta thấy Thanh Tâm Tuyền đã cho nhân vật chưa xuất hiện rõ ràng mượn rất nhiều quãng đời của ông, của bạn ông, về không gian là Sài gòn, là Hà nội. Và thời gian khởi đầu từ trước 1954. Có lẽ đây là một cuốn tiểu thuyết tự truyện nghiêng về phần những tâm trạng và suy tưởng.
Sau những trang ghi chép, sau hàng chữ cuối cùng là một gạch ngang và tiếp theo phác thảo một bài thơ. THƠ XUÂN, đó là tên bài thơ. Ở cuối bài thơ xuất hiện lần thứ nhất ghi: 12/83. Tới bản chép lại lần thứ ba, ở cuối ghi 10/12/83. Sau đây là bản cuối cùng sau những bản nháp của Thanh Tâm Tuyền:
XUÂN TỨ
Những bông hoa đang hát
Giữa lòng ta hôm nay
Xuân ngàn mùa vẫn một
Hương sắc không nhạt phai
Sự trôi chảy mãi thật
Mối đơn sơ còn đây
Ôi nỗi niềm bát ngát
Thủy chung vẫn dại ngây
Dưới bài thơ này là bản nháp những đoạn thơ, nhiều khi lập đi lập lại. Ở trên bản nháp một bài thơ khác ông có ghi một câu của Goethe.
Ai muốn hiểu thi sĩ
Phải về quê hương chàng.
*
Ngay dưới đó là bản nháp một bài thơ:
Giữa thành quách lạnh lẽo ẩm cũ
Ánh sáng hư tưởng của đáy mộ
(…)
Mọi khoảnh khắc băng trụy lấp lú
Hắn rũ bỏ ký ức và đi
Ngoài kia cõi thẳm cây trút lá
Rừng lá mông muội phút tràn trề
(…)
Lạnh ngất những quặn thắt tình tự
Hắn rũ bỏ ký ức và đi
(…)
Thiên thu cạn tuyệt lời tình tự
Hắn rũ bỏ ký ức và đi
(…)
Sau nhiều trang viết đi viết lại một bài thơ, ở trang cuối cùng của bản nháp là đoạn thơ sau đây:
Hắn trở về – Không ai ở đó
(Từ đâu, tại sao hắn trở về)
Hiển hiện chiều đang rực như cũ
Nắng quái xa xăm chiếu mải mê
Trên khắp vùng rậm rạp thảo dã
Trên cánh rừng hoang phế cổ thụ
Gai góc chen chúc vườn xưa kia
Xanh um giăng bẫy lối quên lú
Hắn trở về, chiều hôm chưa đi
Trời vẫn hư tưởng, chốn câm giữ
Ngày lãnh đạm thức giấc cuồng si
Ánh lục diệp bất tỉnh hôn trụy.
*
Đoạn thơ trên chắc chưa phải là bài thơ hoàn chỉnh. Nhưng dưới đó là những trang giấy trắng, không còn bất cứ một giòng ghi chép nào nữa.
Sang tới một tập vở học sinh, giấy đen, ở trên có viết hai chữ được tô đậm: MẸ – CON, có gạch dưới. Xuống hàng, số 1 và câu văn thứ nhất: “Tưởng An vào nằm dưỡng đường …” Đoạn văn chỉ kéo dài có 9 giòng thì ngừng lại. Bên lề có ghi Des, 21. Tiếp đó là một đoạn văn của F. Mauriac kéo dài 6 trang. Tới trang thứ 9, ở ngay giòng thứ nhất viết: “Thúy An ra khỏi nhà, đang giấc trưa …” Ở trang bên tay trái có ghi 23, Des. Đoạn văn hết một trang thì ngừng. Sang trang sau, ngay đầu ghi số 1. Câu văn mở đầu: “Thúy An ra khỏi nhà, đang giấc trưa, đón xe buýt xuống phố …” Đoạn văn xuôi này kéo dài 15 trang, có 3 phân đoạn mô tả nhân vật Thúy An, phóng viên cho một tờ báo ở Sài gòn. Ở trang bên Thanh Tâm Tuyền chép lại mấy câu thơ của Quách Thoại:
Có người hỏi tôi đang làm gì đó
Tôi trả lời tôi đang khóc lệ nhỏ
Trong vườn hoa tình ái của cuộc đời.
Nối kết với những giòng ghi của Thanh Tâm Tuyền ở tập ghi trước, ở Phác thảo 2, ta đã nhận ra, tập vở học sinh này là phần tiếp theo, không phải là ghi chép nữa mà là bắt đầu một cuốn sách. Đó là: MẸ CON? hay BẢN TỰ KHAI CUỐI CÙNG? hay là một tên nào khác? Nhưng vì sao cuốn sách không được tiếp tục? Phải chăng vì không còn muốn nhớ lại một ký ức kinh hoàng? Phải chăng không thể viết lại những gì mình đã trải qua vì những điều đó vượt cả óc tưởng tượng của con người? Hẳn Thanh Tâm Tuyền đã có những phân vân trong lựa chọn, cuối cùng là thơ.
Suốt từ đầu năm 1982 tới đầu năm 1990 có những thời điểm được ghi dưới những bài thơ. Sau đây là mấy đoạn trích trong bài: VÀI KHÚC DẠO TẶNG TRI ÂM, dưới bài ghi 3/88.
1
Rũ bỏ ký ức người Mông muội
đắm mình
như thế Không thể khác
*
Ngậm tanh nỗi sơ sinh
khốn cầm
lạnh niềm bất trắc
*
Nín nuốt điếm nhục
lợm nỗi bàng hoàng
Cụm mây lửa trời hoang thất thanh
*
Thế giới xa xăm nào tận số
Không gian vô hạn sóng điêu linh
*
Và đi. Làm kẻ vong tình nhơ nhuốc
phản bội
đoạn tuyệt mọi gắn bó
*
Không còn ràng buộc
xứ sở Không
Có thể nào khác
*
Cất bước lãnh đạm
Xa xôi tích sử khuất trí nhớ
(…)
4.
Như chim chao liệng chưa hừng đông
trên đổ nát cuối đêm thảm họa
Buột tiếng kêu vô vọng thinh không
*
Như con nước cuồng lưu mùa lũ
Giạt trôi bờ bến mù mịt nguồn
Giông bão lênh đênh đất khốn đọa .
*
Trước năm 1945 Thanh Tâm Tuyền từ miền Bắc vào Sài gòn. Năm 1949 ông rời Sài gòn ra Hà nội. Năm 1954 ông bỏ Hà nội vào Sài Gòn. Năm 1976 từ Long Giao – Long Khánh xuống tàu Sông Hương cập bến Hải Phòng làm người tù lưu đày trên quê hương miền Bắc. Khi Yên Bái, khi Lào Cai, khi Vĩnh Phú… Sáu năm sau được tha về, Thanh Tâm Tuyền và nhiều bạn tù khác đã được đưa lên xe hỏa rời Vĩnh Phú về ga Hàng Cỏ qua đêm chờ tàu bắc nam. Không biết trong một đêm ngắn ngủi dừng lại đó, Thanh Tâm Tuyền có rời khỏi nhà ga để bước ra đi trên những vỉa hè Hà nội?
Đầu năm 1990 Thanh Tâm Tuyền cùng gia đình rời Việt Nam sang định cư tại Hoa Kỳ. Ngày 22-3-2006 Thanh Tâm Tuyền qua đời tại thành phố Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ. Trước đó ông có trở về Sài gòn một lần chỉ để thăm mẹ già. Khi sống nơi quê người, chắc Thanh Tâm Tuyền còn để lại những thi phẩm viết trong những ngày tháng này. Không biết có lần nào ông ghi lại một câu của Goethe mà ông đã từng ghi:
Ai muốn hiểu thi sĩ
Phải về quê hương chàng
Trong lịch sử mù mịt, xưa kia đã có kẻ nể lời một người biết mình mà nán lại viết ít hàng chữ trước khi qua cửa Tây mà đi. Có kẻ khác lên núi mà không thấy trở lại, người sau theo lên tìm chỉ thấy đôi giày cỏ.
Thanh Tâm Tuyền viết:
Thiên thu cạn tuyệt lời tình tự
Hắn rũ bỏ ký ức và đi …
Trước khi rời nước, Thanh Tâm Tuyền có viết bài CHIA TAY gửi cho những người thân quen, sau đây là ít câu trích trong bài thơ này:
Đi Xa lánh Như người xưa
lặng lẽ điềm nhiên dạo gót về
bên triền lũng khuất nắng quái hoặc
Đạm bạc chiếc bóng hiu hắt
(…)
Trong gió hỗn lộng rợ trí
đắm giạt Làng-quê-không-có-đâu
Nào chốn đợi riêng mình Nhớ
giọt sáng vời kiệt cùng cõi hư
(…)
(3/1990)
Bài viết này chỉ là một nốt kết những trang viết và những ghi chép của một con người với đời sống và lịch sử mà nó đã trải qua. Với Thanh Tâm Tuyền, đời sống của ông và những tác phẩm đã khắc họa một cách sâu sắc và chân thực một lịch sử có thật. Mai hậu, những ai nghiên cứu và muốn tìm hiểu về đời sống con người Việt Nam về lịch sử cũng như văn học Viêt Nam nửa sau thế kỷ 20 sẽ phải tìm đọc Thanh Tâm Tuyền bởi vì ông là một nhân chứng.
SG/2010