4. Nắng Mưa Cố Thổ
“Năm tháng trôi qua day dứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”
(Sơn Nam, Hương Rừng Cà Mau)
Cố thổ của tất cả người Việt lưu vong phải chăng là đất nước Việt Nam? Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng, ở khắp cùng trời cuối đất, mỗi người Việt tha hương có một cố thổ riêng. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người. Nơi có mồ mả ông bà tổ tiên họ mạc. Tôi tham lam hơn. Vì tôi sinh ra trên một cái cồn nhỏ heo hắt vùng quê ven biển, lại có thời niên thiếu và trưởng thành ở phố thị, nên cố thổ của tôi vừa là làng quê Tân Thủy Ba Tri vùng biển, vừa là phố thị Sài Gòn Gia Định.
Biên Hòa, Chợ Lớn rong chơi
Sài Gòn Gia Định đã đời du côn
(Nhại thơ Bùi Giáng)
Má sinh ra tôi không bao lâu thì cha má quyết định dọn nhà lên Sài Gòn. Ở Sài Gòn, đến tuổi đi học, cha dắt tôi vào trường tiểu học Nhiêu Tứ, xin cho vào lớp năm. Thời đó chương trình giáo dục có cách gọi khác bây giờ, và dường như chưa có lớp mẫu giáo. Lớp khai tâm cho một đứa trẻ là lớp năm. Rồi lần lượt lên lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất. Rồi phải thi vào đệ thất trường công. Nếu đậu sẽ học đệ thất, lên đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, rồi thi trung học. Học hết lớp nhất coi như có bằng tiểu học. Nếu thi vào đệ thất công lập mà rớt, có đứa học lớp tiếp liên để chờ năm sau lại thi vào đệ thất trường công lần nữa nếu không muốn phải học trung học ở trường tư. Mà học trường tư thì phải đóng tiền. Vào thời của tôi học trò lớp đệ tứ thi trung học đậu mới được lên học đệ tam, rồi đệ nhị. Học trò lớp đệ nhị thi tú tài một. Đậu tú tài một lên học lớp đệ nhất coi như đã trở thành người lớn, vì ở lớp này đã được học triết học nhập môn. Học trò đệ nhất thi tú tài toàn phần, đậu xong mới chọn ngành học đại học. Khác với giáo dục thời nay tính từ lớp một tức là lớp năm ngày xưa đến lớp mười hai là lớp đệ nhất ngày xưa.
Bây giờ trở lại chuyện tôi đi học ở trường Nhiêu Tứ. Ngày đầu tiên và cũng là ngày duy nhất, cha dặn tôi học xong thì chờ anh Bảy tôi đến đón. Anh Bảy tôi học ở trường trung học gần đó. Cha tôi đã dặn đi dặn lại nhiều lần là tôi phải chờ anh tôi tại cửa lớp sau khi tan học. Hôm đó, vì là ngày đầu tôi đi học nên anh tìm cách đến đón tôi sớm cho yên tâm. Nhưng khi anh Bảy tôi đến trường Nhiêu Tứ đã thấy tôi ôm cái cặp ngồi trên thềm sân trường. Anh hỏi:
“Chưa tan học sao Tám ngồi đây?”
Tôi trả lời:
“ Cô giáo mập quá, em không thích học.”
Thế là tôi nhất quyết không chịu học với cô giáo phốp pháp nặng ký. Tôi không nhớ là cha tôi có tìm trường khác hay lớp khác cho tôi học không, chỉ nhớ là sau đó vài năm, gia đình tôi lại dọn về quê ở làng Tân Thủy quận Ba Tri và tôi học lớp tư hay lớp ba gì đó ở trường tiểu học Xã Diệu. Tôi nhớ mơ hồ rằng, sau khi đến trường Nhiêu Tứ một ngày về dường như tôi không đến trường nào khác mà do cha và anh Bảy tôi dạy cho học tại nhà.
Từ Sài Gòn về học trường Xã Diệu ở làng quê, tôi được má và hai chị trang bị đủ thứ: nào là một cái nón cối cứng ngắc màu kaki vàng, loại nón này không biết làm bằng gì dày cả phân bọc vải và có một cái ngù ngay giữa đỉnh to bằng cái nút áo lớn, quần short áo sơ mi trắng cụt tay, dép sandale. Môt cái cặp táp trong đó có một cây viết ngòi lá tre. Một bình mực loại có cái ruột hình phiễu để lật xuống không đổ, tập vở viết và một cái áo mưa. Nhưng mọi thứ trang bị này chỉ sau ngày đầu đi học về nhà, tôi năn nỉ má cho tôi “giải giới” hết. Tôi khước từ các món như nón cối, dép sandale và áo mưa… Tôi nói với má tôi:
“Trong lớp con không giống đứa nào hết. Kỳ cục lắm. Tụi nó đi học đi chân trần không à. Cũng không đứa nào đội nón hết.”
Má tôi nhỏ nhẹ:
“Nhưng con không đội nón thì nắng bị bịnh sao. Đi chân không thì đạp miểng chai, đạp gai què chân luôn đó.”
Má nói gì tôi cũng không nghe. Bắt tôi mang dép sandale thì vừa ra khỏi cửa là tôi đã tụt dép nhét vào cặp.
Cái áo mưa má xếp trong cặp chưa lần nào được tôi xài đến. Vì đi học hay tan học về mà gặp trời mưa là bọn trẻ con mừng hết lớn, khi nào lại xài áo mưa. Có một bận trên đường đi học về, trời mưa tầm tã, tới ngang khoảng cống nước chỗ mà bọn học trò cứ trời mưa là xuống đó nghịch nước, tất nhiên tôi và mấy đứa bạn đi học cùng ùa xuống cống. Hôm đó trong lúc đùa nghịch không biết sao tôi đã bắt được một con cá rô nhỏ. Tôi bỏ con cá vào túi quần short. Mang con cá về tới nhà, tôi chạy vội ra cái giếng sau hè thả xuống đó và quên bẵng đi. Nhiều tháng sau, nhân một bữa giỗ, chị Tư tôi ra giếng xách nước nhiều lần, chị đã xách lên được con cá rô mề to gấp rưỡi bàn tay tôi lúc ấy. Chị Tư nói với má:
“Không biết sao dưới giếng lại có con cá rô.”
Tôi nhanh nhảu:
“Con cá của em nuôi đó!”
Chị Tư tôi la:
“Ở đâu Tám có cá mà nuôi, nói tàm xàm.”
Tình cờ lúc ấy có con Hồng Nga đứng đó. Nó bằng tuổi tôi, nhưng là vai cháu và mỗi ngày đi học cùng tôi. Hồng Nga nói:
“Chú Tám nói thiệt đó. Bữa đi học về trời mưa chú Tám bắt được con cá rô dưới cống, có con ở đó.”
Ở làng quê Tân Thủy được mấy năm, gia đình tôi lại dọn lên Sài Gòn. Dĩ nhiên, tôi mang theo tất cả những bảo vật do bọn trẻ con nhà quê đã tặng cho tôi: Bộ đồ nghề đánh trổng (người ngoài Bắc gọi là đánh khăng) gồm có một khúc tre đặc dài khoảng nửa thước, một cây hòn bằng rễ bần dài hơn một tấc, một cái ná bằng rễ bần, một cái ná bằng sừng trâu. Với những báu vật này, tôi đã được bọn bạn mới ở thành phố rất ư là chiêm ngưỡng, nhất là tài bắn ná thun của tôi. Tôi bắn ná rất “tin”. Tôi còn gọi cái ná bằng rễ bần là chiếc nỏ thần. Nó đã lên nước nâu bóng và cầm vừa tay hơn cái ná sừng trâu. Với cái ná rễ bần này tôi có thể bắn trúng bất cứ thứ gì trong khoảng cách mười thước. Một chùm khế ba trái trên cây khế cao, tôi có thể bắn trúng cú trái khế chín để nó rơi xuống mà những trái còn xanh kia chẳng hề hấn gì.
Lên Sài Gòn lần này, cha tôi cho tôi học trường Chi Lăng ở Bà Chiểu, Gia Định. Đối diện trường Chi Lăng bên kia đường là một trường tiểu học khác tên Nam Tỉnh Lỵ. Trường này dành cho bọn trẻ con người Bắc di cư. Từ nhà tôi đến trường cũng khoảng một cây số. Nhà tôi trên đường Chi Lăng. Con đường có hai hàng cây sao cổ thụ cao ngất, rất thích ứng cho công cuộc bắn chim của tôi. Những buổi trưa trốn ngủ. Những buổi chiều lang thang. Nhưng có lần, một biến cố xảy ra đã làm cho tôi từ bỏ hẳn công cuộc bắn chim.
Hôm ấy, tôi nhìn thấy một con chim cu đang đứng gù trên vòm cây sao. Cái ức của nó no tròn, che khuất hẳn phần đầu của nó. Tôi đã bắn trúng cái ức của con chim, tất nhiên. Tiếng viên sỏi trúng vào con chim tôi nghe rất rõ. “Bịch.” Con chim tội nghiệp nẩy người lên, rồi chập choạng rơi xuống. Và trời ạ! Khi còn cách mặt đất chừng ba thước, nó đã mửa mấy giọt máu lên chiếc áo sơ mi trắng của tôi rồi lảo đảo, vất vưởng cố bay lên. Tôi đứng ngẩn người không kịp nhìn để biết con chim đã bay được đi đâu. Từ đó, chiếc nỏ thần chỉ còn được dùng để bắn trái cây. Bắn nhãn, bắn khế, bắn ổi… và bắn những thứ linh tinh khác. Những thứ không biết đau và chảy máu.
5. Nắng sớm Gài Gòn mưa chiều Tân Thủy
Nếu nói miền Nam mưa nắng hai mùa, thì trong ký ức thời thơ ấu của tôi, hai mùa ấy dường như đã đan xen vào nhau không có lằn ranh của ngày tháng. Ngày nào mà Sài Gòn chả có nắng. Nắng chói chang đấy, hay nắng dịu dàng cho Trời Sài gòn
“anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”
(Nguyên Sa)
Nhưng rồi bất chợt những cơn mưa có thể ập xuống bất cứ lúc nào không hề có chút tín hiệu báo trước. Sài Gòn thường có những cơn mưa bóng mây. Mưa bóng mây thường dễ làm các cặp tình nhân hiểu lầm rồi giận nhau. Nhưng cũng chính mưa bóng mây sẽ làm các cặp tình nhân dễ dàng làm hòa lại với nhau. Sáng thứ bảy cô cậu hẹn nhau, cô đến trước ngồi chờ cậu trong quán nước. Bên ngoài nắng vàng rực rỡ, trời trong mây xanh. Đã quá giờ hẹn mười lăm phút mà cậu vẫn chưa xuất hiện. Cô thắc thỏm hết nhìn đồng hồ rồi lại ngó mong ra ngoài đường. Cô lại nhìn đồng hồ trên cổ tay rồi đứng dậy giận dỗi trả tiền nước bỏ đi. Cô vừa ra khỏi cửa quán vài bước, thì cậu tấp xe máy vào lính quính chạy theo cô. Đầu tóc và vai áo cậu lấm tấm ướt. Cậu phân trần với cô:
“Anh vừa mắc mưa vừa bị kẹt xe nên đến muộn. Đừng giận anh mà!”
Cô vẫn ngúng ngoảy tiếp tục bước. Cậu lúp xúp bước theo. Trời vẫn nắng. Nhưng bỗng đâu mưa từ trên cao đổ xuống rào rào. Cậu ôm hai vai cô kéo vào một mái hiên. Thế là cô chưa kịp giận cậu thì đã có cơ hội để làm lành. Lại cười nói tíu tít với nhau. Cơn mưa bóng mây sau đó hơn một phút đã tạnh hẳn. Trời vẫn nắng đẹp, mặt đất chưa kịp ướt. Sài Gòn có những cơn mưa không ướt đất là vậy. Cô cậu lại nắm tay nhau, dung dăng dung dẻ đi ngược về phía chỗ cậu đậu xe.
Chẳng những Sài Gòn mà ở Tân Thủy, làng quê tôi nắng mưa cũng bồi hồi không kém. Còn nhớ có những ngày buổi sáng trời âm âm xám, trong không gian có mùi mưa. Ai cũng tưởng sẽ mưa lớn lắm. Nhưng rồi chẳng có mưa gì cả, nắng hửng lên theo mùi gió biển. Những vạt mây xám đã trôi đi về đâu chẳng biết.
Tôi sinh ra và lớn lên giữa hai mùa mưa nắng đan xen đó. Và cũng đan xen giữa hai miền đất, phố thị phồn hoa Sài Gòn Gia Định và làng quê ven biển Tân Thủy Ba Tri.
Nếu cuộc đời là bức tranh của bóng tối và ánh sáng, của đêm và ngày, thì bức tranh thời thơ ấu của tôi có hai gam màu chủ thể là vàng tươi của nắng và xanh thẳm của mưa cùng những đám mây trắng treo lơ lửng giữa bầu trời trong veo. Trên những đám mây đó là Tề Thiên Đại Thánh, Đường Tam Tạng, Sa Tăng, Trư Bát Giới. Là những thế giới kỳ ảo khác của sách vở… Nếu trong cuộc đời lãng bạc, có những chuyện quá khứ tôi đã quên béng thì có những chuyện tôi không thể nào quên được, nó khắc sâu vào tâm khảm của tôi thành những bức phù điêu đậm nét. Những trưa hè râm ran trong tiếng ve, tôi nằm trên chạc ba một cây điều trong Thánh Thất Cao Đài đối diện nhà tôi. Một tay là khúc mía voi xanh màu ngọc, còn tay kia là cuốn Tây Du Ký. Hay trên một chạc ổi bóng láng với trái ổi xá lị to tướng và một cuốn sách nào đó trên tay, tôi đã thả tuổi thơ mình vào những vùng viễn mộng khôn cùng. Hay những bước chạy nhảy khắp ngõ ngách vùng Chi Lăng Tân Định Đakao Phú Nhuận với chiếc nỏ thần trên tay và trong túi quần short nặng những viên sỏi nhỏ. Có những buổi trưa không trốn ra khỏi nhà được, tôi nằm trên chiếc võng cạnh má lần lượt đọc Gia Long Tẩu Quốc, Gia Long Phục Quốc, vừa uống nước chanh của má pha vừa mơ khi lớn lên sẽ viết một cuốn “Quang Trung Bắc Đại Phá Quân Thanh, Nam Tiễu Trừ Nguyễn Ánh.”
Tôi luân lạc mười phương rồi về Việt Nam, xuôi Nam ngược Bắc mấy năm, nhưng chỉ về thăm mộ má tôi được có một lần. Nhưng nắng mưa cố thổ đã lắng hạt bụi quê nhà vào trong mạch máu tôi. Những kỷ niệm tuổi thơ luôn là những gì rõ nét trong tôi dù ở bất cứ đâu. Phải chăng đó là hành trang quý báu nhất mà tôi có được trong đời?
Và tôi nhớ tới Sơn Nam. Tôi tin từ lâu lắm rồi, hạt bụi Sơn Nam không còn nghiêng mình nhớ tới đất quê. Hạt bụi Sơn Nam đã bị cuồng điên cuốn hút vào vùng ánh sáng giả hình rồi lạc mất ở đâu đó. Cho đến cái ngày tin Sơn Nam được tạc tượng ở Việt Nam, theo tôi, cũng chính là cái ngày mà Sơn Nam của Vọc Nước Giỡn Trăng, Hương Rừng Cà Mau… sụp đổ tan hoang trong lòng những người từng ngưỡng mộ ông.
Hạt bụi của đất quê phải là hạt bụi của mưa chiều nắng sớm.
14 tháng 3 – 17 tháng 12, năm 2017