(Tiếp theo 29 – 32)
CHƯƠNG 33
Chuyện kể của nhà thơ:
Chàng biết giới cầm quyền ở những triều đại luôn mặc định là phải chiến thắng thì sự thật có thể đưa đến giá treo cổ!
Sau gần một tháng, lênh đênh trên biển, chiếc tàu cập vào cửa Hàn. Hình ảnh đầu tiên mà đoàn quân của Trần Đại bắt gặp là một người đàn ông gầy gò và rách rưới, đang giăng câu trên chiếc thuyền thúng. Trần Đại cho thủy thủ thả chiếc thuyền nhỏ chèo lại gần mời ông ta lên thuyền lớn và nhờ ông ta chỉ lạch để vào bến cảng Phố Hàn. Giọng khá nặng, ông ta nói:
– Đi theo đường ni, quẹo qua trái, chứ qua phải sẽ gặp bãi cát.
Gã hoa tiêu dễ dàng nghe được giọng nói của ông lão. Ông hỏi Trần Đại:
– Tướng quân từ nơi khác đến đây à?
– Thưa đúng, chúng tôi từ trong miền Nam ra.
– Vậy thì các ngài phải vào trình giấy cho quan trấn thủ, trước khi đưa thuyền vào cảng, không các ngài sẽ bị bắn.
Trần Đại ra lệnh cho một viên quan thuộc cấp mang thư của chàng vào trình tấu với quan trấn thủ. Trên chiếc thuyền thúng của ông lão có nhiều cá, chàng chú ý đến những con cá dài ánh màu bạc như lưỡi dao, mà chàng không thấy ở phương Nam.
– Những con cá kia rất đẹp, chúng có ngon không?
– Thưa tướng quân đó là cá rựa, ăn rất béo, mùa này biển Hàn là mùa cá rựa và cá chìa vôi.
– Hãy bán cho ta số cá mà ông bắt được!
Ông lão chắp tay, lạy như tế sao:
– Xin tướng quân tha cho già này, ở nhà già các con đang đói, chờ già mang cá về đổi gạo.
Thái độ của lão ngư phủ khiến Trần Đại ứa nước mắt, qua cung cách của ông chàng biết đám quan lại ở đây rất tham, hình như họ lấy của người dân mà không trả tiền nên khi nghe chàng tỏ ý mua, ông lão tỏ ra sợ hãi như thế. Chàng cảm thấy nỗi sợ mơ hồ. Có lẽ nào lời Trần Bình nói là sự thật? Có lẽ nào những viên tham quan háo sắc trong câu chuyện của gã hoa tiêu là có thật? Chàng quay lại ra lệnh cho viên quan quản lý ngân khố:
– Hãy trả cho ông ta số tiền gấp đôi giá trị của mẻ cá này!
– Trăm lạy tướng quân, ngàn lạy tướng quân, tiện dân không dám.
Trần Đại tiến lại gần ông già, ôn tồn nói:
– Lão đừng sợ, ta thưởng công cho lão đã chỉ đường cho ta, ta người chốn xa chứ không phải người ở đây, lão cứ yên tâm.
Người lính trao bọc tiền cho ông lão và lấy mẻ cá về. Ông lão hối hả chèo thuyền thúng đi, đôi mắt còn đầy vẻ sợ hãi mỗi khi nhìn lại.
Con tàu của Trần Đại được cập bến. Bờ biển cửa Hàn khá đông đúc, những làng chài nghèo nàn chạy dọc trên bãi cát, chỉ có dinh thự quan trấn thủ là lớn. Lũ trẻ nhìn đoàn quân của chàng một lúc, chúng nhận ra người Nam hà, nên bỏ chạy theo những người phương Tây, bên tàu buôn của Bồ Đào Nha. Trần Đại được quan trấn thủ cửa Hàn đưa đến trình diện quan Tổng đốc Quảng Nam. Những người lính của chàng thì chờ ở tại bờ biển.
Buổi chiều quan trấn thủ trở về gọi các thủy thủ lại:
– Đô đốc các ngươi đã bị giữ lại để tra xét về việc thất trận, quan trên sức: các ngươi tùy nghi lo liệu, mỗi người các ngươi được giữ lại năm quan tiền, số tiền còn lại của Trần Đô đốc phải nộp vào công khố.
Hoa tiêu Nguyễn Hòa khóc, anh biết trước hậu quả này, những người lính trong đoàn cũng khóc, họ đứng nhìn quân của quan trấn thủ khiêng những hòm tiền trên thuyền xuống ghe. Quan trấn thủ chỉ để cho họ một hòm tiền và những vật dụng lương thực khác. Nguyễn Hòa gạt nước mắt nói với đồng đội:
– Bình nhật Đô đốc đối xử với chúng ta như thủ túc, cha con, dòng họ chúng ta nhờ lộc của Trần lão gia, nay Đô đốc gặp nạn, chúng ta phải ở đây chờ cho tới khi người được minh oan, các người nghĩ sao?
– Chúng tôi ở lại. Chúng tôi ở lại. Chúng tôi nghe theo anh.
Nguyễn Hòa vừa là hoa tiêu vừa là thuyền trưởng, trong lực lượng thủy quân của Trần Đại, anh có quyền chỉ huy nếu Đô đốc gặp nạn. Đoàn quân rủ nhau lên bờ. Hôm Trần Đại bị đưa vào nhà giam là ngày hội của xứ Quảng. Những rạp hát được dựng lại, giữa chợ đông đúc. Những đám chọi gà, những đám đá banh bằng bong bóng heo. Chỗ thi bắn cung, chỗ hát bài chòi náo nhiệt. Những người lính trẻ, nhanh chóng quên nỗi buồn mất chủ tướng, họ hào hứng tham gia vào những trò chơi thú vị. Ở một chỗ khác trong khu chợ, mọi người vây quanh cổ vũ cho cuộc tỉ thí võ thuật giữa anh thanh niên địa phương với võ sĩ Tây dương. Gã võ sĩ Tây dương to lớn nhưng hơi chậm chạp, gã chủ yếu sử dụng đôi tay dồn anh thanh niên vào góc đài. Anh thanh niên nhanh nhẹn né tránh, nhưng không tiếp cận được gã. Nguyễn Hòa chen vào đám đông, anh phát hiện gã Tây cao to trụ chân trước, để lấy thế tung đấm về phía anh thanh niên. Nguyễn Hòa hét lớn:
– Tảo địa, bàn sa, phục long.
– Anh thanh niên nghe tiếng hét sực tỉnh, anh quét đòn tảo địa cước vào chân trụ của đối thủ, trúng đòn gã võ sĩ Tây dương lảo đảo, ngay lập tức anh phóng cạnh bàn chân trái vào giữa cuống họng, và tung người quét gót chân trái theo thế phục long. Trúng ba cước liên tiếp, gã võ sĩ Tây dương ngã gục xuống sàn đài trong tiếng hoan hô vang dậy. Trọng tài tuyên bố thắng cuộc, mọi người tràn lên võ đài. Nguyễn Hòa lặng lẽ rời đám đông. Đang xem đá dế, bỗng có bàn tay rắn chắc đặt lên vai anh.
– Chào cao nhân!
Nguyễn Hòa quay lại anh nhận ra chàng võ sĩ trên võ đài, anh chắp tay:
– Không dám, tại hạ vui miệng mà múa rìu qua mắt thợ.
– Anh gốc miền Trung à?
– Cụ cố của tại hạ là người Quảng Nam.
– Hèn chi giọng anh nghe lơ lớ, mình đi làm xí rượu nhé?
Chàng võ sĩ kéo tay Nguyễn Hòa đến quán lá cạnh chợ, cô chủ quán khá xinh đẹp với hàm răng trắng bóng. Xứ Nam hà đã bỏ hẳn tục nhuộm răng kể từ thời Chúa Hiền.
– Cô em cho dĩa bê thui, hai bát mì với bầu rượu Hồng Đào nhé!
– Do… a
Nguyễn Hòa phì cười vì tiếng của cô gái, cô dạ mà như dọa, lâu lắm anh mới nghe giọng Quảng, cha anh còn nói rặt, đến đời anh thì pha giọng rất nhiều. Họ đàm đạo về võ thuật và thời cuộc. Bầu rượu Hồng Đào đã vơi quá nửa. Nguyễn Hòa kể cho chàng võ sĩ nghe về Trần Tướng quân và Trần Đô đốc. Anh cũng kể về xứ sở miền Nam trù mật. Họ nhanh chóng kết thân với nhau, chàng võ sĩ tỏ ra hứng thú:
– Em tên là Nguyễn Đại Cục, người Đại Lộc, xin được kết nghĩa huynh đệ cùng anh, khi nào anh về miền Nam cho em theo với nhé, em cũng muốn giang hồ một chuyến…
Họ chia tay nhau khi hoàng hôn buông xuống phố Hàn, nam thanh nữ tú kéo nhau vào trong các nhà hát để xem tuồng dưới những bó đuốc dầu rái cháy rần rật. Tiếng trống chầu, tiếng chập chõa ầm ĩ.
Bên ngoài là thế, bên trong trại giam, Trần Đại ứa nước mắt đối diện bức tường đá lạnh, mâm cơm từ chiều đến giờ chàng chưa đụng tới. Quan Tổng đốc rất quý chàng, nhưng “quân pháp bất vị thân”. Ông được lệnh phải giam Trần Đại, vì theo trình tấu của Trương Thống suất từ miền Nam gởi về, thì Trần Đại cấu kết với ngoại bang, bị phản, thua trận và bỏ chạy, vi phạm quân pháp. Quan Tổng đốc cho chàng làm trình tấu để gởi lên Chúa Thượng xem xét. Chàng trình bày sự thật rằng chàng đã thất trận vì bị vu hại bởi Trương Phước, nhưng liệu sự thật ấy có được chấp nhận. Chàng biết giới cầm quyền ở những triều đại luôn mặc định là phải chiến thắng trên tất cả các mặt trận, thì sự thật có thể đưa đến giá treo cổ. Những giải trình của chàng, giới cầm quyền có chấp nhận được không? Nhưng chàng cũng phải nói sự thật, vì vong linh của cha chàng.
Két… két… Cánh cửa gỗ lim nặng nề chuyển động. Tổng đốc Quảng Nam bệ vệ đi vào. Ông trịnh trọng chắp tay về hướng bắc và nói với Trần Đại:
– Chúa Thượng đã nhận được tấu trình của ngài, Chúa cho quan Khâm sai vào miền Nam điều tra lại. Chúa Thượng phán rằng nếu ngài thực sự phản bội Nam hà, thì ngài đã không quay trở lại. Nay tôi được lệnh mời ngài lên dinh thự để đối đãi theo lễ của triều đình.
Cảm kích trước sự bao dung của Chúa Thượng, Trần Đại chuẩn bị quỳ xuống tạ ơn, bất ngờ chàng nghe đau nhói ở ngực trái, lảo đảo.
– Trần Đô đốc! Trần Đô đốc! Ngài làm sao vậy?
Trần Đại nghe tiếng gọi tên mình của Tổng đốc Quảng Nam khi chàng vừa đi xuyên qua bức tường đá. Chàng quay nhìn lại thấy Tổng đốc Quảng Nam đang ôm một người đàn ông trong tay. Tất cả trong suốt dưới mắt chàng, bức tường đá trong suốt, các cơ thể trong suốt. Chàng nhìn thấy chính thi thể của chàng trong trạng thái trong suốt, trái tim của chàng bể ra từng mảnh nhỏ. Một bóng người lướt đến bên chàng. Chàng nhận ra Trần Bình.
– Ôi đệ! Ta đang ở đâu đây?
– Chúng ta đang ở thế giới song song.
– Đệ chờ huynh đã lâu, đệ biết chắc sẽ có ngày hôm nay.
– Nghĩa là ta đã chết?
– Đúng vậy. Huynh và đệ không còn tồn tại ở thế giới của thân xác. Chúng ta đã kết thúc những đọa đày bởi tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, tình yêu.
– Vì sao ta phải chết?
– Khi Nguyễn Triêm vào điều tra, Trương Phước biết chắc mọi việc sẽ bại lộ, nên hắn đã giết đại huynh bằng quyền lực bí mật mà hắn có được từ lưỡi dao.
– Lưỡi dao?
– Lưỡi dao mà hắn đã sở hữu nằm trong pho tượng đá, pho tượng này hắn được Trần Tướng quân tặng khi hắn vào cù lao. Hắn đã học được cách phát huy quyền lực từ lưỡi dao, khi muốn giết ai, lưỡi dao sẽ làm bể tim của người ấy, bất kể người ấy ở đâu.
– Trương Phước đã giết ta?
– Nói chính xác là hắn hủy hoại thể xác của huynh ở thế giới vật chất.
– Thế còn vợ ta?
– Huynh đừng bận tâm, mỗi số phận đều đã được định đoạt bởi quy luật của vũ trụ. Chúng ta trở về với thế giới của chúng ta.
– Ta cần nhìn thấy nàng.
Chàng nán lại cho đến khi Nguyễn Hòa và những người lính mang xác xuống thuyền khâm liệm. Chàng thấy họ khóc rất nhiều. Trần Bình kéo Trần Đại lướt đi, chàng đi qua các cánh đồng, đi qua các ngọn tháp cổ hoang tàn, đi qua núi non trùng điệp, chàng cảm thấy mình thật nhẹ nhàng khi không phải mang cái thân xác với những tham vọng phù phiếm, với những trung quân ái quốc, với những lễ nghi rườm rà…
CHƯƠNG 34
Nỗi đời cơ cực đi qua vô thường. Có gì anh phải vấn vương.
Trần Đình về dưới gốc ngọc lan, anh chưa đủ năng lượng để tái sinh, nhưng anh vương vấn trần gian, anh còn nhớ ngày ở chiến khu, cậu lính trẻ đọc một bài thơ trước ngôi mộ của một đồng đội:
…
Bỗng dưng lòng tôi xót xa
Nỗi đời cơ cực đi qua vô thường
Có gì anh phải vấn vương
Tôi lê bước mỏi, đoạn trường vui chi?
Lạy anh, anh hãy về đi
Theo làn mây trắng thiên di nỗi buồn.
Bài thơ không hay lắm, nhưng từ khi anh bước vào thế giới song song anh luôn nhớ đến.
– Anh xanh quá!
Mỗi lần gặp anh, ni cô Diệu Lan lại nói câu ấy. Anh nhìn nàng bằng đôi mắt sâu thẳm:
– Anh sẽ chờ em tái sinh.
Diệu Lan cúi đầu:
– Em không biết sau này em có muốn trở lại trần gian đầy khổ lụy này nữa không?
– Anh đã gặp Tư Ngồng ở thế giới song song.
Nghe anh nói, Diệu Lan biết Tư Ngồng đã giã từ thế giới vật chất, cô không ngạc nhiên, thời gian trong chùa cô ngộ lẽ sinh tử ở đời. Chết! Đôi khi là sự giải thoát. Tư Ngồng không còn ai, cô phải về làm đám tang cho ông. Dù cô biết cơ quan, chính quyền sẽ làm, nhưng vẫn phải có mặt Lan, trên danh nghĩa Lan vẫn là vợ Tư Ngồng.
Tiếng gõ mõ đều đặn vang lên trong chùa. Ánh trăng sáng sau khi đám mây bay qua.
– Anh đi nhé.
Bóng Trần Đình tan vào hư không, Diệu Lan trở lại chùa. Cô đến phòng sư bà, sư bà nhập thiền, tay cầm tràng hạt, sư bà khẽ mấp máy nhưng cô nghe rõ tiếng nói của sư bà, tiếng nói rõ như được rót từ hư không:
– Con hãy về lo đám tang cho ông ấy. Con nhớ cất lưỡi dao và hãy chôn lưỡi dao theo cho ông ấy.
– Thưa thầy con không hiểu?
Sư bà im lặng, mắt nhắm nghiền, Diệu Lan lạy sư bà và rời chùa đi về phía vườn bưởi. Cô lặng lẽ đi dưới ánh trăng bàng bạc phản chiếu trên dòng sông, ánh trăng vỡ vụn trên cù lao, chập chờn trên các vườn cây, không gian thinh lặng. Lan nhớ những ngày cùng Tư Ngồng chiến đấu, nhớ những ngày vợ chồng mới về cù lao. Thằng Thắng quặt quẹo sau cơn sốt, cũng hớn hở cười với các cô gái vẫy cờ chào đoàn quân chiến thắng.
Bà Năm Trầu đón họ từ đầu ngõ, bà ôm Tư Ngồng, ràn rụa nước mắt, bà đưa tay sờ khắp người ông, kéo khăn rằn lau mặt, bà mếu máo:
– Phước đức tổ tiên! Mày vẫn nguyên dẹn, tội nghiệp mẹ mày.
– Chúng con đã về với cù lao rồi, má đừng lo, hết chiến tranh rồi, hết chết chóc rồi má ơi!
Tư Ngồng ôm vai vợ và các con đến trước mặt bà Năm Trầu:
– Giới thiệu với má, vợ và con trai của con.
Bà Năm Trầu choàng tay ôm mẹ con Lan vào lòng:
– Mồ tổ cha bay, dậy là dợ con đàng hoàng rồi, mẹ mày cứ lo bà không kịp cưới dợ cho mày để mày có con nối dõi tông đường.
Thằng con trai của Tư Ngồng, đưa tay sờ miệng bà Năm Trầu, vừa ngây ngô cười, vừa nói:
– Máu! Máu! Hê hê.
– Không phải đâu cháu, là trầu đó.
– Máu! Máu! Hê hê.
Bà Năm Trầu đưa mắt nhìn Lan, Tư Ngồng giật con trai trao cho Lan:
– Thôi qua với mẹ đi đừng quấy bà.
– Máu! Máu! Hê hê.
Bà Năm Trầu nắm tay Lan dắt qua cổng:
– Thôi dô nhà đi, tao giao lại cho tụi bay, coi như đã làm trọn lời hứa dới mẹ mầy.
Ngôi nhà ba gian hình chữ đinh, hai mươi cây cột to như cột đình, trính, kèo, rui, mè chạm trổ đầu rồng với nhiều họa tiết công phu, mái lợp ngói âm dương, ngôi nhà dường như đã có mặt trên cù lao hàng trăm năm trước và chủ nhân của nó là một người giàu có.
Lan khẽ khàng thắp nén nhang trên bàn thờ có tấm hình người đàn bà khá đẹp, gương mặt đài các và quý phái, chiếc áo dài kín cổ, ba vòng chuỗi ngọc trai xanh muốt, có vẻ như chụp từ rất lâu. Cô đưa mắt nhìn quanh như muốn hỏi: “Bàn thờ các cụ ở đâu?”
Bà Năm Trầu như hiểu ý Lan, bà chỉ lên gác:
– Chỗ này tao làm tạm để hương khói cho bà già, chờ tụi bây dề, còn bàn thờ tổ tiên ở trên gác ấy.
***
Tư Ngồng hừng hực lao vào công cuộc xây dựng lại đất nước. Lan xin ra quân ở nhà chăm sóc vườn bưởi lớn ven sông. Vốn trước đây vườn bưởi này của mẹ Tư Ngồng, khi ông đi chiến đấu, bà mất, bà con cù lao chôn bà trong vườn. Bà Năm Trầu chăm sóc vườn bưởi cho đến ngày Tư Ngồng trở về. Thời thơ ấu, Lan ở vùng ruộng chót mũi cù lao, cha cô nghèo, mùa nông nhàn ông qua sông đốn củi hoặc làm thuê trong vườn bưởi. Nhiều lần, ông dẫn Lan theo, cô ngây ngất trước vườn bưởi trĩu quả, hít lấy hít để mùi hương hoa bưởi. Lan lon ton đi nhặt hoa bưởi về nấu nước hoa, để xức lên mái tóc vàng hoe của mình. Lan không ngờ có ngày cô sở hữu mảnh vườn mà cả đời cha cô không thể nào có được. Cô thấy ngày xưa mình giận cha, bỏ đi thật là vô lý. Ông khổ cả đời. Ngày ở trong chiến khu nhận tin cha của cô đã chết trong cô quạnh và đau buồn, cô khóc hết nước mắt, đành mang tội bất hiếu không về được. Bà Năm Trầu và bà con lối xóm đã chôn cha bên mũi nhọn của cù lao, nơi suốt đời ông lam lũ kiếm sống. Cô làm bàn thờ nhỏ trong giao thông hào rồi cùng chồng quỳ lạy, xé miếng vải mùng trắng làm khăn tang. Hình ảnh người cha lầm lì ngồi hút thuốc trong căn chòi lá bên sông, đôi mắt ráo hoảnh nhìn cô ra đi ám ảnh cô mãi. Cha! Tại sao cha không giữ con lại? Cha biết không? Ngày ấy nếu cha đưa tay ra có lẽ con sẽ không vào rừng, nhưng cha không làm thế. Ngày đó con còn nhỏ quá. Khi con trở về trong tư thế của người chiến thắng thì cha đã ra đi!
Tư Ngồng đi biền biệt như thời còn chiến tranh, cô lầm lũi chăm sóc vườn bưởi. Gốc nông dân “chân lấm tay bùn” từ nhỏ, có được miếng đất là mơ ước ngàn đời nay của người nông dân. Cô hùng hục lao động như những người dân cù lao, vườn bưởi xanh um. Vài tuần, Tư Ngồng tạt qua nhà đưa cho cô mấy lượng vàng rồi tất tả ra đi. Cô không đụng tới vàng của ông mang về, cô cất hết vào tủ của ông. Khi nào cần thì ông mở ra để lấy. Thằng Thắng càng ngày càng man dại và điên loạn, người đầy lông lá và mụn cóc, nhưng nó vẫn ăn uống và khỏe mạnh. Tư Ngồng không ngó tới thằng Thắng, mỗi lần nó chạy lại ôm chân, ông đá nó văng ra như trái banh. Nghe tiếng con khóc, Lan bỏ cuốc chạy vào ôm con vỗ về. Từ đó về sau, mỗi lần thấy cha, thằng Thắng chạy lại nép vào lòng mẹ. Lan khóc hết nước mắt. Lan đưa con đi khắp nơi nhưng tất cả bác sĩ đều phán câu: “Nhiễm chất độc da cam, không chữa được!” Từ lâu, Lan không để Tư Ngồng chạm vào người. Đêm nằm ôm con với những giấc mơ về những đứa trẻ không hình hài. Nhiều hôm Lan nghe Tư Ngồng bật dậy hét lên:
– Hãy giết nó đi, đồ nghiệt chủng!
Thằng Thắng rúm người lại rúc vào lòng mẹ, mỗi lần nhà có khách cô nhốt nó xuống nhà dưới. Càng ngày Tư Ngồng càng đổi khác, ông xa lạ đến nỗi cô không còn ý thức ông là chồng cô, Tư Ngồng là ông chủ, Lan là người ở, cái ranh giới ấy dần dần hình thành.
Bên hông khu vườn là dãy nhà tập thể của các cô giáo trường tiểu học. Thằng Thắng thường tha thẩn ra đó chơi. Đôi lúc các cô giáo còn cho nó kẹo. Thằng Thắng càng lớn càng giống con vượn người. Thắng chỉ quanh quẩn trong vườn nên Lan cũng đỡ lo lắng. Buổi sáng, đầu mùa hoa bưởi nở, đang làm thì cô nghe tiếng rú của các cô giáo ngoài góc vườn, Lan bỏ cuốc chạy ra. Một cô giáo đang ngất xỉu, các cô khác xúm lại bắt gió. Thằng Thắng đang nhai ngấu nghiến miếng vải mùng, mà các cô vừa giặt phơi lên dây sào, bên tường rào nhà Lan.
Thấy mẹ thằng Thắng vọt chạy, miệng la lớn:
– Hú hú… Giết, giết, giết!
– Thắng! Thắng! Đứng lại mẹ đây!
– Hú, hú… Giết, giết!
Thắng chạy ra cổng gặp Tư Ngồng về, ông và anh tài xế quật Thắng xuống trói lại. Lan ôm con khóc nức nở. Cô nhốt Thắng vào nhà kho và từ đó thằng Thắng ăn tất cả các loại vải mà nó có trong tay. Nó xé cả áo quần. Cuối cùng, Tư Ngồng làm cái lồng sắt nhốt nó lại sau khi nó xé toang con chó trong nhà kho. Mỗi lần nhìn thấy nó là ông rít bên tai Lan:
– Giết nó đi! Đồ nghiệt chủng!
Thời gian trôi qua, thời bao cấp cũng qua, cuộc sống khá dần lên, Tư Ngồng thay đổi. Ông trở thành cán bộ cấp cao. Bà con lối xóm xầm xì về ông và họ xa lánh dần mẹ con cô. Ngay má Năm Trầu và chị Ba Thược là những người đã từng thương yêu mẹ con cô, cũng xa lánh. Cô bị cầm tù ngay trong ngôi nhà của mình, cầm tù ngay trong làng quê của mình. Lan thấy mình không khác gì Thắng, có điều nhà tù của cô rộng hơn, lớn hơn. Cuộc chiến tàn bạo đã để lại những vết thương khủng khiếp trên đất nước, để lại dấu ấn độc ác trên cuộc đời của những sinh linh bé bỏng. Hậu quả của nó còn tàn bạo hơn những vụ thảm sát trong chiến tranh.
Lan lầm lũi bước đi dưới ánh trăng giữa những con đường mòn trắng lạnh, dưới mùi hương ngào ngạt của hoa bưởi, cô trĩu nặng với những nỗi buồn quá khứ. Thời gian tu hành trên chùa chưa giúp cô thoát khỏi những ám ảnh khốc liệt của cuộc chiến để lại. Cô đi qua làng nồi đất, dãy nồi đất phơi bên vệ đường như những cái đầu người vừa bị chặt, lăn lóc. Lan khẽ rùng mình nhớ lại câu chuyện của cha về làng nồi trên cù lao:
“Nghe cha ông truyền lại ngày xưa khi các cư dân vùng Ngũ Quảng vào đây lập nghiệp, các cụ tạo ra các sản phẩm từ đất để phục vụ cho cuộc sống. Nhưng nồi làm ra, nung không chịu chín. Các cụ rủ nhau lên núi Châu Thới cầu xin, đêm ấy cụ tiên chỉ nằm mơ thấy một vị thần đầu đội nồi đất, mặt đỏ như lửa hiện về đứng trước lò nung, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Giật mình tỉnh dậy, cụ truyền cho dân làng cách dùng bổi đốt bên dưới lấy lửa ngọn, đổ than bên trên để nung. Mẻ nồi đầu tiên đỏ tươi rất đẹp, từ đó về sau, mỗi khi đốt lò thợ lò đều cúng tổ.”
Có thời gian, cô không tin chuyện thần linh, nhưng bây giờ thì Lan đã hiểu thần linh cũng tồn tại song song với loài người.
Nhìn những cái nồi đất, cô chợt nhớ, trên bàn thờ trên căn gác âm u, Tư Ngồng bày nhiều nồi đất. Ông ta không cúng bằng hoa quả mà cúng bằng nồi đất. Ngày đầu Lan tò mò hỏi:
– Sao không cúng hoa quả mà cúng nồi đất?
Tư Ngồng nạt:
– Đàn bà biết gì mà hỏi, chuyện bí mật của dòng họ.
Lâu lâu, Lan thấy chồng mở cái tủ thờ lấy vật gì đó giấu trong cái nồi đất ra ngắm nghía.
Lan bước đi giữa dãy nồi đất, dưới ánh trăng bàng bạc và vỡ vụn. Thằng Thắng đã ra đi vào đêm trăng như thế này…
Thằng Thắng chết dưới con mắt của mẹ nó, chứ nó không biết nó chết. Nó thấy nó nhẹ nhàng và tự do, nó đi qua cái cũi sắt mà không có gì cản trở. Nó bay trên các ngọn cây bưởi. Nó nhìn thấy mẹ nó ôm xác của con vượn người, khóc ngất:
– Thắng ơi, Thắng sao con bỏ mẹ?
Mẹ gọi tên nó. Nó không nghĩ cái xác người gớm ghiếc mà mẹ nó ôm trong tay chính là nó. Thằng Thắng rong chơi thỏa thích trên cù lao, mà trước đây nó không được tự do. Nó bay qua khu nhà tập thể của các cô giáo. Khu nhà vẫn tồi tàn như hàng chục năm trước. Nó nhìn thấy cô giáo trẻ tắm trong buồng tắm, che tạm bằng mấy tấm tôn cũ. Từ trên cao nó thấy rõ thân thể trắng trẻo, bầu ngực căng tròn, hai đầu vú đỏ hồng. Cô giáo tự xoa ngực mình. Hắn khẽ chạm vào người cô, cô vẫn không biết, cô không nhìn thấy nó, Thắng âu yếm cô. Lần đầu tiên hắn vuốt ve thân thể phụ nữ, hắn không cảm thấy phần bụng dưới của hắn căng cứng như trước đây. Mọi thứ chỉ còn cảm giác. Dường như cô giáo biết có người vuốt ve, cô rùng mình và dội nước liên tục. Nước loang loáng dưới ánh trăng…
CHƯƠNG 35
Em đủ ngón nghề, để làm say đắm đàn ông, nhưng trong vòng tay ai, em cũng nhớ người bạn thời thơ ấu.
Diễm lang thang ra bờ sông, mỗi khi vắng Tư Ngồng, Diễm lại ra sông, Diễm yêu dòng sông Thanh Long. Trong trái tim nàng chỉ có hình bóng duy nhất của người bạn trai thời thơ ấu.
Hàng ngày, Phong dắt Diễm ra bờ sông để tìm ổi rài cho Diễm. Loại ổi rài ruột ửng đỏ rất nhiều hột, mùi thơm dìu dịu mà mãi đến bây giờ, sau mấy năm không được ăn lại, Diễm vẫn nhớ như in. Ổi bây giờ trắng nhách, lạt xèo, chán chết. Diễm nằm trên bãi cỏ, nhìn những đám mây bềnh bồng trôi. Mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm thơ ấu, Diễm buồn muốn rơi nước mắt. Ngày còn nhỏ mẹ thường hát ru em ngủ. Em không biết mặt cha. Chiều nào mẹ cũng tựa cửa hát những câu hát buồn. Năm lên bốn, một buổi tối đang ngủ, Diễm giật mình tỉnh giấc sờ quanh giường, không thấy mẹ đâu, em chạy ra cửa nhìn về phía cánh đồng. Cánh đồng bàng bạc ánh trăng, một bóng người cắp chiếc nón lá và tay nải vừa đi vừa chạy, em gào lên: “Mẹ! Mẹ!”. Diễm bươn theo bóng mẹ, em ngã dúi dụi trên các bờ ruộng trơn trượt. Bóng mẹ càng lúc càng xa dần. Diễm vừa gào lên, vừa chạy cho đến lúc bà ngoại đuổi kịp, bế xốc em trong tay. Diễm vẫn cứ gào khóc, vùng vẫy cho đến lúc mệt lả, ngủ thiếp trong tay ngoại. Lúc tỉnh lại, ngoại dỗ dành: “Ngoan ở nhà với ngoại, mẹ đi tìm cha vài bữa mẹ về!”. Từ đó em ở với ngoại. Ngoại rất thương Diễm, nhưng em vẫn thấy buồn. Ngoài giờ học Phong rủ em ra sông và cậu bạn nhỏ hái ổi rài cho Diễm ăn.
Diễm được Phong dẫn đi hái ổi lần cuối cùng trước khi anh về thành phố trọ học, Diễm nằm dài trên bãi cỏ, em bỗng nhớ mẹ, em khóc, Phong mang về cả mớ ổi chín.
– Lại khóc nữa hả? Ăn ổi không?
– Em nhớ mẹ quá!
– Thôi đừng khóc nữa, anh hát cho em nghe nhé!
Diễm lau nước mắt:
– Ừ! Anh hát đi, lớn lên em hát cho anh nghe!
“Ai biết mẹ buồn vui, khi mẹ kêu ngoại tới gần để mẹ ngồi mẹ nhổ tóc sâu…”
Diễm phụng phịu:
– Thôi anh đừng hát nữa, buồn quá!
– Vậy ăn ổi đi.
Hai đứa ngồi dưới gốc gừa ăn ổi.
Sau này lớn lên, Diễm làm nghề tiếp viên karaoke, em hát cho hàng trăm người đàn ông nghe những bài tình ca buồn, nhưng chưa bao giờ được hát cho Phong nghe.
Bà ngoại của Diễm rất nghèo. Diễm hay ngồi coi bà ngoại làm nồi đất, bàn tay của bà thoăn thoắt, chỉ chút xíu, cục đất sét tròn vo thành cái nồi đất xinh xắn. Diễm nhõng nhẽo:
– Bà ơi bà hát cho cháu nghe đi!
– Mả cha mày! Bà đang bận, không phụ bà lại còn quấy bà, bà đánh đòn bây giờ.
Mắng cháu vậy nhưng bà vẫn hát:
– Hò… ơ chứ giàu như Thạch Sùng xưa còn thiếu mẻ kho, huống chi em bậu lại so đo chuyện đời?
– Thạch Sùng là ai vậy bà?
– Thạch Sùng là con thằn lằn đó, ông nhà giàu biến thành con thằn lằn, người Bắc gọi là con Thạch Sùng.
– Bà kể chuyện Thạch Sùng cho cháu nghe đi bà!
Bà bốc cục đất sét bỏ lên bàn xoay. Giọng ấm áp, bà kể:
– Ngày xửa, ngày xưa có một người tên là Thạch Sùng xuất thân nghèo khó, sau nhờ gặp thời mà trở nên giàu có, lúc mới giàu lão cho đầy tớ đập bỏ tất cả vật dụng thuở hàn vi. Sau khi quá giàu lão thị của và thách đấu với một vị công tử. Hai bên thỏa thuận nếu vị công tử đưa ra một vật mà Thạch Sùng không có thì lão sẽ thua cả gia tài, còn ngược lại thì công tử phải thua tài sản cho lão. Vị công tử đưa ra cái gì Thạch Sùng cũng có. Cuộc đấu kéo dài bảy ngày, bảy đêm, khi vị công tử sắp phải thua Thạch Sùng vì cái gì vị công tử đưa ra Thạch Sùng cũng có, lúc đó có vị mưu sĩ hiến kế: “Thạch Sùng là trọc phú chắc chắn khi giàu lão sẽ đập bỏ những thứ đồ gắn liền với quá khứ của gã. Vì vậy chắc chắn lão không có cái mẻ kho, ngài mang cái ấy ra thách đấu, chắc chắn lão sẽ thua. Quả thật khi vị công tử đưa cái mẻ kho ra lão Thạch Sùng đành thua cả gia tài. Quá tiếc của lão sinh bệnh chết, biến thành loài bò sát suốt ngày bám trên tường nhà mà tắc lưỡi nuối tiếc.
Kể xong bà thường chép miệng than rằng:
– Tiếc chi ba cái của cải trần gian mà khổ như vậy!
Anh Phong về thành phố học, Diễm tiễn anh ra bờ sông, anh vuốt tóc Diễm:
– Anh đi rồi đừng ra bờ sông tìm ổi rủi rớt xuống sông đó.
– Dạ anh đi, học giỏi nhé, mai mốt anh về em hát cho anh nghe.
Phong đi, Diễm buồn vô hạn, khi anh qua sông Diễm chạy về nhà khóc nức nở, khóc như hồi mẹ em bỏ đi.
Phong đi ít lâu, Diễm thành người lớn, một hôm Diễm đang ngắm mình trong gương thì bà ngoại lảo đảo ngoài sân, khi đang gom mớ nồi đất cho vào lò. Diễm chạy vụt ra:
– Bà ơi! Bà làm sao vậy? Ai cứu bà cháu với!
Ông Bảy Tánh chạy qua, bế xốc bà lên bỏ trên chiếc xe sáu bảy cà tàng của ông, chở qua bệnh viện bên kia sông.
Bà bị tai biến mạch máu não, nằm liệt cả năm trời, tiền bạc nhà cửa ra đi. Đang lúc khó khăn thì có một phụ nữ giúp em số tiền, chị nói:
– Em cứ nhận đi, mai mốt làm được, trả chị.
– Em làm được gì?
– Đẹp như em thiếu gì việc làm, mai mốt chị xin việc cho, em đừng sợ, cứ lo cho bà đi đã.
Chị tên Hằng, mập mạp trắng trẻo, thân hình tròn trịa, hai má ửng đỏ, trang điểm đẹp, chị trạc ngoài bốn mươi. Chị nâng đầu người đàn ông đặt tựa vào ngực mình và mớm từng muỗng cháo. Ông ta luôn ngửa cái đầu băng trắng toát, lim dim tận hưởng cảm giác mềm mại từ hai bầu vú lớn của chị.
– Ráng đi cưng, ráng ăn hết bệnh mai mốt về nhà muốn gì em cũng chiều – Chị dỗ dành người đàn ông.
– Người đàn ông nhăn nhó và đôi mắt luôn phóng tia nhìn đầy hoài nghi về phía chị, ông ta nhập viện do tai nạn giao thông, chiều nào người phụ nữ cũng đến. Trang phục khá đẹp như đi hội, những người trong bệnh viện rất quý chị vì chị hay giúp đỡ mọi người. Chị Hằng có cảm tình đặc biệt với Diễm, chị thường hay chia sẻ thức ăn cho hai bà cháu.
Diễm hồn nhiên nhận tiền của chị, cho đến khi bà mất, Diễm nhận thêm của chị số tiền lớn đưa bà về cù lao chôn cất, chị giúp Diễm lo ma chay cho bà. Khi bà mồ yên mả đẹp, chị đưa Diễm đi:
– Đến lúc em phải đi làm để trả tiền cho chị.
– Làm ở đâu chị?
– Ở nhà chị.
Nhà chị chính là nhà hàng karaoke Hạnh Phúc, nơi em đã gặp ông Tư Ngồng.
Đã qua tay vài người đàn ông, nhưng em chưa hề yêu ai. Bà chủ dạy em đủ ngón nghề để làm say đắm đàn ông, nhưng trong vòng tay ai, em cũng nhớ Phong, người bạn thời thơ ấu. “Phong ơi, anh ở đâu?” Những lúc một mình Diễm thốt lên như thế. Ông Tư Ngồng mua nhà cho em ở thành phố, lâu lâu ông đưa em về cù lao và em đã ở đó hơn nửa năm nay… Lúc nào vắng ông, em lại ra sông. Em nhớ mùi ổi rài, nhưng không ai hái cho em. Và trong một lần lang thang ra sông em đã gặp lại người xưa…
(Còn tiếp)