Nguyễn Một – Đất trời vần vũ (chương 29 – 32)

 (Tiếp theo 24 – 28)

CHƯƠNG 29
 
Tôi nhận ra thế giới vật chất, nơi mà chúng ta lạc mất nhau, quá nhiều khổ đau và muộn phiền.
 
Linh chi Yêu dấu!

Tôi đã làm những bài thơ vì tình yêu của em. Tôi đã làm đủ nghề kiếm sống để đi tìm em. Tôi cũng đã bị dằn xé vì tôi hiểu cả hai thế giới. Tôi nhận ra thế giới vật chất, nơi mà chúng ta lạc mất nhau, quá nhiều khổ đau và muộn phiền. Em biết không? Ở đời này chuyện chết, sống là chuyện tương đối. Vì vậy, tôi tin vào sự phục sinh của Chúa Ki-Tô, người ta đóng đinh thể xác Ngài vào cây thánh giá, nhưng triết lý “yêu thương loài người” vĩ đại của Ngài, giúp cho Chúa “phục sinh” trong lòng con người “như bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng”. Mọi người đối xử tàn ác với nhau vì họ không tin vào thần thánh và linh hồn. Họ không may mắn như tôi, họ không có cơ duyên để lạc vào thế giới song song để biết kiếp người là phù du. Nhưng chỉ cần họ tin có thần thánh, cho dù điều đó có tồn tại hay không thì thần thánh và linh hồn cũng giúp cho con người sống tốt hơn em ạ.

 

Tôi luôn di chuyển giữa hai thế giới nhờ năng lượng Ranaga và sự giúp đỡ của ông già tiên tri. Trong một lần, ông già đưa tôi trở lại thế giới song song, tôi đã gặp những con người mà khi ở cả hai thế giới họ đều đớn đau. Tôi đã gặp chàng trai mười tám tuổi, cậu ta chẳng thanh thản chút nào khi đến với thế giới song song cả em ạ. Cậu ta hoài thai giữa hoang đảo, trong hang đá ẩm ướt, hoài thai trong bụng của kẻ ăn thịt người bất đắc dĩ. Mẹ cậu đặt tên là Nguyễn Hoang Đảo. Tôi gặp cậu ta lang thang trong khu rừng thần tiên với đôi mắt xanh thẳm vời vợi. Tôi hỏi:

– Vì sao em còn trẻ, mà em đã đến đây?

– Em đã bị loại bỏ khỏi thế giới vật chất, vì em căm ghét loài người ở thế giới ấy.

– Vì sao em căm ghét họ?

– Em không hiểu.

– Em có tình yêu không?

– Không.

– Vậy em sẽ không thể trở lại thế giới của vật chất.

– Em không cần trở lại.

Linh Chi yêu dấu!

Nguyễn Hoang Đảo đã trả lời đầy hằn học như vậy, nhưng chiều nào cậu ta cũng nhìn về thế giới vật chất với cái nhìn khao khát và khắc khoải.

Nguyễn Hoang Đảo đã ra đời trên đất nước không đến nỗi tồi tệ. Ở đó mọi người có đời sống khá tốt. Người mẹ đã nhốt con trong căn nhà lạnh lẽo. Căn nhà rộng và âm u như mùa đông của xứ sở mà cậu đang sống, không gian u buồn đã ngốn tất cả tuổi thơ của cậu. Khi cậu đến trường, nhìn thấy loài người, cậu căm ghét họ vô cùng. Lần đầu đi học, thằng bé da trắng giành dĩa thức ăn của Nguyễn Hoang Đảo, cậu giằng lại, thằng bé da trắng mắng:

– Thằng mọi da vàng!

Không nói, không rằng, Nguyễn Hoang Đảo đâm thẳng cái nĩa vào mặt thằng da trắng. Nó rú lên ôm mặt đầy máu. Cậu ta bị đưa vào trại giáo dưỡng. Năm mười tám tuổi cậu ra trại. Trong quán rượu, cậu để ý cô bé tóc vàng. Cậu lại gần mời rượu, bất ngờ một thằng da trắng to cao xuất hiện, hắn hất ly rượu và mắng cậu:

– Thằng mọi da vàng!

Như lần trước cậu rút trong áo khoác ra cây tiểu liên bá ngắn, cậu đã mua khi mới ra trại giáo dưỡng. Trước những đôi mắt xanh hốt hoảng, những cái miệng há hốc, cậu xả súng vào bọn chúng.

Nguyễn Hoang Đảo đã ngơ ngác trong thế giới song song vì chưa hề có tình yêu, còn tôi có em và tôi biết em đang chờ tôi. Ngày tôi chia tay để trở lại thế giới vật chất, Nguyễn Hoang Đảo đã khóc, những giọt nước mắt không có hình hài gì cả, nó cứ loang loáng như ảo ảnh trên sa mạc. Tôi đã rất buồn, nhưng chẳng làm gì được em ạ.

Tôi trở về tìm em.

Tôi đã chán dạy học sau khi bị kiểm điểm, tôi làm thơ, nhưng làm thơ sao có thể kiếm sống được. Tôi đi làm rẫy thuê để đợi em lớn lên, đợi ngày đi tìm em. Tôi xin vào vườn trái cây, bà chủ đưa cho tôi cây cuốc với ánh mắt nghi ngờ. Lâu rồi tôi chưa cầm cuốc, nhưng tôi không quên công việc đơn giản của một nông dân, mà tôi đã quen thuộc từ lúc chiều cao của tôi còn ngắn hơn cán cuốc. Em còn nhớ không, ngay từ nhỏ, tôi và em đã được trao cây cuốc vào tay cùng với lời dặn dò: “Hãy cố lên, quê mình nghèo cần phải trở thành một người nông dân giỏi mới sống được các con ạ!”

Ngày ấy, vết thương chiến tranh làm lở loét cả đồng ruộng. Mất mùa liên miên, nắng như đổ lửa, lúa ngậm đòng chết khô ngoài ruộng, bướm trắng bay rợp trời. Bà nội của tôi nhìn đàn bướm, đôi mắt già nua nhăn nheo hướng về phía cánh đồng. Bé Ba, đứa con không cha của chị tôi ốm tong teo, da nhăn như hạt ươi rừng, khóc nhèo nhẻo, bà cất giọng khàn đục ru cháu: “À ơi! Chiều chiều bướm trắng bay vô. Ba năm trời hạn cây khô lá vàng. Nấu cơm ghế những cọng lang…” Lời ru buồn như buổi chiều ngợp nắng trên cánh đồng khô hạn, vàng vọt.

Tôi muốn kể cho em nghe; trên đất nước này không phải nơi nào cũng nghèo như quê mình đâu em, ở miền Nam nơi tôi đang làm rẫy mướn là vùng đất giàu có và xinh đẹp. Vườn nối tiếp vườn, mùa trái chín chôm chôm đỏ rực xòa ra cả mặt đường, đưa tay bứt một quả bóc vỏ bỏ vào miệng ngọt lịm. Sầu riêng nặng trĩu trên cành, mùi thơm ngào ngạt phủ kín cả không gian. Những trái măng cụt e lệ nép mình dưới những tàn lá xanh um. Tôi ao ước khi gặp em chúng ta sẽ đưa nhau về đây sinh sống, em sẽ sanh cho tôi những đứa con khỏe mạnh, như em đã từng ước ao và tôi – chắc chắn sẽ không còn muốn đi ngược thượng nguồn của dòng sông nữa. Vì ở đó tôi đã biết tất cả và cũng ở đó tôi nhận ra tình yêu của em dành cho tôi bây giờ và mãi mãi vĩ đại hơn mọi thứ quý nhất trên cuộc đời.

Người của thế giới vật chất không đoán được tuổi của tôi và em cũng vậy. Không thể đoán được vì sao em biết không? Vì tôi đã sống trong thế giới song song một thời gian dài. Ở thế giới đó con người không có tuổi.

 
 
CHƯƠNG 30
 

Chuyện kể của nhà thơ:

Liệu ở triều đình có trung thực không, hay họ đều dã tâm như câu chuyện của gã hoa tiêu?

 

Trần Đại ra lệnh quay vào bờ, có lẽ con thuyền đã đi khá xa, các thủy thủ vất vả với những con gió lớn. Mùa này không thuận lợi cho việc quay trở lại. Trần Đại buồn rầu trước những mất mát quá lớn vừa xảy ra trong cuộc đời của chàng. Chàng không thể tin hơn nửa thế kỷ gầy dựng ở miền Nam, biết bao xương máu của đồng bào chàng, công sức của cha chàng lại bị mất đi trong chớp mắt bởi sai lầm của chàng. Đến giờ này khi phải lênh đênh trên biển cả mênh mông, chàng mất thêm người em thân yêu nhất – Trần Bình. Cuộc đời của chàng rồi cũng sẽ bị lịch sử lãng quên, không như cha, chàng biết rõ điều đó. “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh”, nhưng các vị “tiền hiền” bao giờ cũng xứng đáng được lịch sử ghi nhận hơn, “hậu hiền” phải thật sự tài giỏi mới được chú ý. Chàng không quan tâm lịch sử nói gì về chàng, nhưng vốn được giáo dục từ nhỏ về đạo đức của người quân tử, nên chàng không thể phản bội lời thề, không thể vô ơn. Biển ầm ào dưới mạn thuyền, hung hãn và đe dọa. Những cánh buồm trắng cô độc, mỏng manh. Giữa biển cả mọi thứ luôn mỏng manh, cho dù ở đất liền nó có to lớn đến mấy. Con người cũng vậy, mọi quyền lực đều nhỏ nhoi trước biển.

– Bẩm Đô đốc!

Trần Đại giật mình quay lại:

– Có chuyện gì ?

– Thưa Đô đốc, mây đen vần vũ cuối chân trời, bọt biển trắng, có dấu hiệu cơn bão lớn đang tới.

Trần Đại sực tỉnh, lúc này chàng mới chú ý những luồng gió lạnh khác thường, đám mây đen đang cuồn cuộn che khuất ánh trăng. Chàng ra lệnh cho gã hoa tiêu hãy tìm hòn đảo để tránh bão. Bằng kinh nghiệm già dặn của hơn mười năm vượt biển, gã hoa tiêu cho thuyền quay mũi về hướng tây. Khi hòn đảo hiện ra trong tầm mắt thì cơn bão ập đến, gió gào thét, chiếc thuyền nhồi lên, hụp xuống liên tục. Các thủy thủ hò hét cuốn dây buồm. Cột buồm gãy răng rắc. Những con sóng hung hãn liên tục quật mạn thuyền, nước bắn tung tóe lên thuyền. Nhiều lần hất văng người lính xuống biển. Đoàn quân hơn trăm người nháo nhác, họ cố đưa con thuyền vào hòn đảo trước mặt. Cuối cùng con thuyền cũng tấp vào vịnh, cơn bão dịu dần. Đoàn quân lên bờ, lướt thướt và tả tơi. Trần Đại điểm danh quân sĩ, chỉ mất năm người. Chàng vui mừng tập hợp đoàn quân lại kiếm hang đá trú ẩn. Gã hoa tiêu lôi trong người ra bùi nhùi và đá lửa. Đây là vật bất ly thân của gã. Đối với cuộc sống của thế giới vật chất không có gì quý hơn lửa. Mọi người quây quần bên đống lửa ấm áp trong hang đá rộng rãi trên hòn đảo. Họ nghe gã hoa tiêu truyền đạt lại kinh nghiệm chống bão và cách sống trên hoang đảo. Dòng họ gã hoa tiêu vốn người Việt ở miền Trung, cũng thuộc loại danh gia vọng tộc, vì lý do chính trị nên cụ tổ của gã vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Khi Trần Tướng quân đến cù lao thì dòng họ của gã đã được bốn đời. Gã theo Trần Tướng quân và trở thành hoa tiêu cừ khôi trong đoàn quân của ông. Câu chuyện cụ tổ của gã hoa tiêu họ Nguyễn, làm ấm áp hang đá. Trần Đại lắng nghe say sưa. Qua câu chuyện chàng hiểu được sự ngoan cường của người Việt, dân tộc mà chàng có diễm phúc mang một nửa dòng máu. Gã hoa tiêu khẽ đẩy cây củi vào đống lửa, hắng giọng:

– Câu chuyện của ông tổ nhà tôi được cha tôi kể lại cho con cháu nghe và dặn dò con cháu muốn sống phải biết giữ lửa.

– Kể đi!

Những người lính nóng ruột thúc giục.

– Tôi họ Nguyễn.

– Biết rồi, kể đi.

– Câu chuyện như sau:

“Trước khi mặt trời khuất sau ngọn núi, Nguyễn phải vượt qua được khu rừng này. Đây là khu rừng nổi tiếng nhiều cọp nhất miền Nam Trung bộ. Hơn mười ngày ròng rã Nguyễn băng rừng chạy về hướng Nam. Sư phụ của chàng, vị sư già chùa Quảng Long, giúp chàng trốn thoát khỏi sự truy nã của quan quân. Ông nói với Nguyễn:

– Hướng nam là con đường sống duy nhất. Cứ theo con đường này mà đi, không được quay trở lại với bất cứ lý do gì.

Ông đặt vào tay chàng con ngựa ô hoang dã của vùng sơn cước mà ông đã thuần phục và dặn:

– Con hãy đi mãi, đi cho đến khi nào con tuấn mã này gục ngã, con có thể định cư ở đó. Hãy cưới vợ, sinh con, mở mang bờ cõi, hãy quên mọi hận thù. Đừng làm chuyện dại dột nữa, dòng họ chỉ còn một mình con.

Nguyễn quỳ lạy thầy, rồi lên đường Nam tiến. Hàng chục ngày đường, chàng chỉ men theo cánh rừng, đi đường chính, chàng sợ quan quân bắt gặp. Trong hành trang mà người thầy kính yêu chuẩn bị cho Nguyễn, có một thứ ông dặn chàng phải hết sức cẩn thận giữ gìn. Cái vật tạo ra lửa, vị sư già tốn khá nhiều công sức để chế ra. Ngày ấy, muốn có lửa, mọi người phải dùng con dao chẹt vào đá để lửa bắt qua bùi nhùi. Dựa trên nguyên lý ấy, vị sư già chế ra cái bật lửa mà chỉ cần quay nhẹ thanh sắt, viên đá sẽ phát những tia lửa mạnh, có khả năng đốt cháy dây bùi nhùi rất nhanh. Nhờ cái vật kỳ diệu ấy cùng lưỡi kiếm sắc và cánh cung trên vai, chàng đã sống được những ngày qua. Ban ngày chàng đốt lửa nướng thịt, ban đêm chàng đốt lửa xua đuổi thú rừng. Bất kỳ giống thú dữ nào thấy ánh lửa cũng tránh xa. Vị sư già vừa là cha, là mẹ vừa là thầy của chàng. Lớn lên Nguyễn mới biết, thầy đã cứu chàng, giọt máu duy nhất của dòng họ một thời lừng lẫy, thoát khỏi họa tru di vì tội phản loạn. Ông chăm sóc, dạy dỗ cho Nguyễn chu đáo, nhưng dứt khoát ông không cho chàng xuống tóc, ông bảo chàng còn một sứ mệnh quan trọng phải thực hiện trong cuộc đời này. Khi Nguyễn được truyền dạy những tuyệt kỹ võ học “Thiếu lâm Bắc phái”, ông mới tiết lộ cho chàng biết thân phận của mình. Ông cho Nguyễn xuống núi và dặn chàng hãy cố duy trì dòng họ của chàng, một dòng họ oanh liệt không đáng bị diệt vong. Khi xuống núi, ông trao cho Nguyễn một bức thư và dặn chàng tìm đến nhà thầy đồ Ngạn, để đưa tận tay cho người. Sau khi đọc thư, thầy đồ Ngạn bảo con gái thu xếp cho Nguyễn một căn phòng bên nhà ngang. Thầy đồ Ngạn là bạn tâm giao của sư thầy, mỗi lần ông lên núi đánh cờ và đàm đạo với sư thầy Nguyễn vẫn hầu bên cạnh. Nay không hiểu sao sư thầy lại cho Nguyễn về ở với thầy đồ Ngạn. Suốt đêm Nguyễn trằn trọc trong căn nhà vách đất. Chàng không ngủ được vì ánh mắt long lanh và đôi má ửng đỏ của nàng Gấm lúc dọn phòng cho chàng. Từ nhỏ đến giờ sống trong lời kinh tiếng kệ, Nguyễn chưa có dịp đứng gần một cô gái, hóa ra ngoài vẻ duyên dáng, phái nữ còn có mùi thơm kỳ diệu, Gấm ra khỏi phòng từ lâu mà trong phòng còn phảng phất mùi hương”.

 

Gã hoa tiêu ngưng kể, đẩy thanh củi vào đống lửa, đây là thói quen của gã, từ nãy giờ chỉ mình gã chăm chú làm việc này. Trần Đại giật mình: “Tên người con gái trong chuyện kể của gã hoa tiêu giống tên mẹ mình quá!” Chàng nhớ mẹ, không biết bây giờ Người lưu lạc phương nào? Không như gia đình quý tộc khác, bỏ mặc các công tử cho gia nhân, mẹ chàng chăm sóc chàng rất chu đáo. Bà ru chàng bằng những câu ca dao của quê hương Việt, chính nhờ câu ca dao ấy mà chàng yêu đất nước này, cho dù chàng là gốc người Hoa.

– Rồi sao nữa anh Hòa?

Một cậu lính trẻ nóng ruột giục anh hoa tiêu Nguyễn Hòa.

– Khi vào bờ các cậu cho tớ đi uống rượu ở các thanh lâu ngoài kinh thành nhé, tớ sẽ kể tiếp.

– Ừ uống thì uống, đang khúc hấp dẫn lại ngưng kể.

– Mình kể đến đâu rồi nhỉ?

– Đến chỗ nàng Gấm ấy. – Anh lính trẻ nhanh nhảu.

– Nghe tiếp nhé:

“Nguyễn nghĩ, chả trách sao trong sử sách chàng đọc có biết bao nhiêu anh hùng mất nước vì mỹ nữ. Sáng hôm sau, thầy đồ Ngạn gọi Nguyễn lên nhà trên, chàng quỳ bên án thư. Sau khi miễn lễ, ông nói:

– Theo lời giao ước giữa ta với thầy con, kể từ hôm nay con là rể nhà này. Nhà ta có ba mẫu ruộng con hãy học cách trở thành nông dân, sau khi thành thạo con gái ta thuộc về con.

Nguyễn mấp máy:

– Thưa thầy…!

Ông khoát tay:

– Những điều con đã học được ở sư thầy để làm người, chứ không phải để làm quan, con phải nhớ sứ mệnh của mình mà sư thầy đã dặn dò chứ, hãy phục hồi lại dòng họ, tên con là Phan Nguyễn, nhưng con họ Nguyễn chứ không phải họ Phan, nhớ lấy điều này!

Nguyễn vâng dạ lui ra. Lúc đầu chàng cũng buồn, những năm tháng trui rèn võ nghệ và học chữ thánh hiền, Nguyễn không ngờ cuối cùng trở thành một nông dân. Chàng nén tiếng thở dài khi nghĩ về nàng Gấm, dù sao thì Nguyễn cũng có một người vợ đẹp. Thế rồi từ đó, Nguyễn trở thành chàng trai cày. Hàng ngày, sau giờ lao động vất vả, Nguyễn được chăm sóc bởi bàn tay dịu dàng của người con gái xinh đẹp nhất làng. Thời hạn ở rể ba năm đã gần hết, Nguyễn mơ ngày chàng cùng Gấm nên vợ, nên chồng. Nhưng số mệnh đã không cho chàng sống một cuộc đời bình lặng. Một hôm, đang cày nốt đám ruộng bỗng trong làng có tiếng la hét, ngôi nhà của cha vợ lửa bốc ngùn ngụt. Nguyễn vứt cày chạy về, quan quân lố nhố trước hiên nhà, Gấm bị ba bốn tên lính vác bỏ lên xe ngựa. Cha vợ Nguyễn nằm gục trên vũng máu, một tên quan đặt chân lên người ông, ngạo nghễ nói với dân chúng:

– Những kẻ âm mưu phản loạn phải chết.

Không kềm chế được, cụ hương trưởng buột miệng:

– Muốn chiếm đoạt con gái người ta, nên mới vu vạ, chứ thầy Ngạn mà phản loạn gì, quan quân gì mà tàn ác vậy?

Xoẹt… lưỡi gươm sáng loáng bay qua cổ cụ già khi cụ vừa dứt câu, cụ gục xuống, đôi mắt mở trừng trừng.

Â… y! – Nguyễn hét lên một tiếng lớn, chàng giật phắt lưỡi gươm từ tay một tên lính, ánh gươm loang loáng như sao băng, tên tiểu quan gục ngay tại chỗ bởi nhát gươm thần tốc. Bọn lính tháo chạy tán loạn, nhưng trước khi rút đi chúng kịp mang theo nàng Gấm và giết chết một số dân làng. Với lòng căm phẫn cực độ, sau khi chôn cất cha vợ, Nguyễn tụ tập dân làng rút vào núi lập căn cứ, chuẩn bị đối phó với tên tuần phủ tàn ác mà chàng biết thế nào hắn cũng trả thù dân làng. Cuộc khởi nghĩa kéo dài chưa được một tháng thì tan rã. Những người nông dân không quen xa rời ruộng đồng và chưa được rèn luyện đã dần bỏ đội ngũ. Trận quyết chiến cuối cùng với quân của quan phủ, quân Nguyễn đã thất bại thảm hại, may mắn chàng thoát chết…

Miên man với chuyện cũ, Nguyễn đã ra đến bìa rừng. Hoàng hôn vừa buông xuống, trước mặt chàng là làng mạc, chàng đã đến được nơi có người ở. Lác đác khói lam dè dặt bay lên từ những nóc nhà tranh ven sông. Dòng sông rộng mênh mông, ghe thuyền tấp nập, nhưng tuyệt nhiên không hề thấy bóng một quân lính nào của triều đình. Nguyễn an tâm buông cương, có lẽ đến nay chàng đã thoát khỏi vùng tầm nã của tên quan phủ. Dừng ngựa bên sông, Nguyễn định bụng sẽ vào nhà chùa nào đó xin nghỉ qua đêm. Không biết đây là xứ nào mà con gái ăn mặc rất lạ, áo quần gọn gàng khỏe mạnh, không mớ bảy mớ ba như quê chàng. Họ chèo thuyền trên sông, chở đầy những chiếc nồi đất, lại có thuyền chở nhiều loại trái cây trông rất lạ. Dưới sông bỗng vang tiếng hò lanh lảnh: À… ơi Bàn Lân gạo trắng nước trong… Ai đi đến đó lòng không muốn về… Những câu hò dìu dặt làm xao động lòng chàng trai trẻ, thì ra đây là xứ Bàn Lân, một nơi mà trước đây lúc còn hầu rượu sư thầy, chàng nghe thầy đồ Ngạn nói loáng thoáng về vùng đất trù phú này. Đang phân vân không biết đi về đâu trong lúc trời tối dần, bỗng một cụ già lại gần hỏi chàng với giọng thân thiện:

– Con từ đâu tới mà trông xơ xác thế kia?

Nguyễn lễ phép thưa:

– Dạ! Con từ xứ Quảng đến đây.

Đoạn chàng tóm tắt hoàn cảnh của mình cho cụ nghe, cụ vuốt râu cười:

– Thế thì con nên ở lại đây mà lập nghiệp, miền đất này bao dung lắm, chứa chấp hết thảy ai muốn đến với nó….

Nói xong ông đưa chàng xuống thuyền, chở qua bên kia sông. Nơi ông lão ở là cù lao màu mỡ, cây cối xanh tốt, thuyền cập bến ông nói:

– Đất ở đây còn rộng lắm, con tha hồ mà khai phá làm ruộng làm nương.

Nguyễn trở thành người của vùng cù lao từ đấy. Sau bảy năm cật lực khai phá, chàng đã tạo nên một cơ ngơi khá khang trang, cả một vùng đất mênh mông giờ là của Nguyễn, khu vườn của chàng trồng đầy đủ cây trái miền Nam. Ông lão đưa Nguyễn về đây đã gả cô con gái út cho chàng. Lễ cưới xứ này diễn ra nhẹ nhàng, chứ không lễ mễ như ở quê chàng, nhẹ nhàng như ngày đầu về đến căn nhà của ông, ông nói với bà:

– Tôi đã tìm được chồng cho con Út rồi bà ơi!

Bà hỏi lại:

– Người tốt chứ?

Ông cười khà:

– Chỉ cần nhìn qua là biết người tốt.

Vợ chàng không đẹp bằng Gấm nhưng nàng rất khỏe mạnh và mắn đẻ, nàng sinh cho chàng cả thảy bốn trai, ba gái, đứa nào cũng tròn trúc như trái bưởi và khỏe mạnh như cá sấu sông Bù Cháp. Dòng họ Nguyễn được phục hồi ngay trên mảnh đất nằm giữa dòng sông này…”

 

– Chuyện hay quá!

Anh lính trẻ hỏi:

– Người Việt mình có trước khi Trần Tướng quân đến ư?

– Tất nhiên có trước – Nguyễn Hòa tự tin trả lời – Không những có trước mà trước rất lâu nữa. Có trước cả khi bà công chúa có mặt ở phương Nam. Thực ra vùng đất này vốn của người Việt chúng ta.

– Thật không?

– Thật.

Trần Đại rời khỏi hang khi những người lính của chàng ngủ la liệt, chàng miên man nghĩ về câu chuyện của gã hoa tiêu. Chàng không chú ý đến chuyện cái bật lửa như các thủy thủ, mà chàng nghĩ đến các quan lại trong câu chuyện. Chỉ mới bốn đời, như vậy các quan lại cũng chính là quan lại của triều đình mà chàng sẽ diện kiến. Liệu ở triều đình có trung thực không, hay họ đều dã tâm như câu chuyện của gã hoa tiêu?
 
 
CHƯƠNG 31
 
Mỗi linh hồn đến với thế giới song song bằng nhiều con đường khác nhau tùy theo tiền kiếp của họ.
 

– Chào đồng chí!

– Rất tiếc chúng ta đã không còn là đồng chí – Tư Ngồng điềm đạm

– Xin lỗi! Chào cán bộ.

Tư Ngồng ngồi đối diện với Trần Đình, trước mặt họ là chiếc bàn ghép bằng những cây gỗ. Căn nhà lợp bằng lá trung quân nấp dưới cánh rừng già, bầy chim bồ chao cãi nhau inh ỏi trên tàn cây bằng lăng đang mùa trổ bông. Phía sau Trần Đình là hai anh lính trẻ bồng súng, gương mặt non choẹt, cố làm ra vẻ nghiêm nghị. Họ không phải là những du kích trong đội quân của Trần Đình, mà là những người lính chính quy vừa được tăng cường vào chiến trường miền Đông. Tư Ngồng lấy từ cái xắc cốt ra cuốn sổ và cây viết.

– Chúng ta làm việc nhé!

Im lặng.

– Anh hãy khai thật, anh đã báo cho kẻ thù những chuyện gì?

– Tôi không báo gì cả.

– Vì sao sau khi anh bị bắt thì khu ủy bị oanh tạc?

– Tôi không biết.

– Anh đừng ngoan cố, hãy khai thật sẽ được khoan hồng.

– Tôi chẳng làm gì sai để mà xin khoan hồng.

Trần Đình chồm dậy, anh lính trẻ khẽ ấn vai anh xuống. Trần Đình tỏ ra khó chịu với Tư Ngồng, hắn là cái thá gì mà hoạnh họe. Một người vào sinh ra tử như anh, mà nay phải cúi đầu trước gã cán bộ này, nhưng trong tình thế này anh không thể làm gì khác hơn.

– Anh giải thích thế nào về tờ truyền đơn in hình anh đang nâng cốc chạm ly với thằng Giôn ở chi khu Lộc Hòa?

– Hắn mời tôi uống bia khi tôi mới bị bắt, tôi đành phải giả bộ với hắn, không ngờ hắn lợi dụng, đó chỉ là trò tâm lý chiến.

– Anh có thể từ chối như một người cộng sản chân chính!

– “Binh bất yếm trá”. Chính anh đã dạy cho tôi điều đó, tôi phải trá hàng với chúng, mới có cơ hội trở về hôm nay.

– Cơ sở quân báo của ta cho biết anh được địch thả về để làm thám báo.

Trần Đình bật dậy:

– Ai? Ai đã báo như thế?

– Anh bình tĩnh, bí mật quân sự không thể tiết lộ, nếu anh không được địch cài trở lại, vì sao chuyện phá ngục, nhiều đồng chí ta bị bắn chết mà anh vẫn thoát?

– Anh hỏi thế là hỏi khó cho tôi, làm sao tôi giải thích được, có lẽ một phần do may mắn, một phần do tôi nhanh nhẹn.

– Câu trả lời của anh cho thấy anh vừa thiếu lập trường quan điểm, vừa kiêu ngạo. May mắn là sao, là nhờ trời, anh đã học duy vật biện chứng chưa? Còn anh nhanh nhẹn là ý anh giỏi hơn các đồng chí khác à?

– Ông đừng chụp mũ tôi!

Trần Đình thay đổi cách xưng hô.

– Anh hãy bình tĩnh, chúng ta làm việc vì đất nước, chứ không phải vì tư thù cá nhân, tôi với anh cùng đứng chung chiến hào, tôi chụp mũ anh làm gì? Anh giải thích như thế nào về việc anh đã giết Hương Nhu?

– Hắn là một kẻ tàn ác, hắn đã giết chết mẹ tôi.

– Ai ra lệnh anh xử bắn ông ta?

– Chính tôi.

– Anh không coi đó là hành động vô tổ chức sao?

Im lặng.

– Đó là chưa kể ngày trước anh hủ hóa với vợ của ông ta.

– Chuyện đó xảy ra trước khi tôi tham gia cách mạng.

– Vậy vì sao anh bị địch bắt? Anh đang chiến đấu hay đang làm gì? Chuyện quan hệ của anh với nhiều phụ nữ nơi anh chiến đấu là trước hay sau khi anh tham gia cách mạng?

– Đó là chuyện tình cảm cá nhân, không ảnh hưởng gì đến tổ chức.

– Anh nghĩ vậy là sai, việc làm của anh gây mất lòng tin trong nhân dân.

– Nhân dân đã từng coi tôi là một anh hùng.

– Anh lại rơi vào chủ nghĩa cá nhân.

– Không có cá nhân sao có tập thể?

– Thật tệ, anh lệch lạc quá, tôi không tranh cãi với anh, anh giải thích thế nào về cậu lính đào ngũ của anh?

– Gã tú tài một ở miền Trung vào mà các anh gán cho tôi ấy à. Tôi biết hắn rất tệ không huấn luyện được, lập trường của hắn rất ầu ơ, chuyện hắn đào ngũ không liên quan đến tôi.

– Hắn đã để lại bức thư tố cáo anh.

Trần Đình lại chồm lên:

– Hắn?

– Đúng vậy, nhưng chúng tôi đã xác minh những điều hắn viết, anh có nhớ vụ thảm sát ở cù lao và vụ máy bay ném bom ở Vĩnh Thanh không?

– Bọn chúng thật man rợ.

– Anh có biết trước hậu quả của chuyện ấy không?

– Nhiệm vụ của người lính là tiêu diệt kẻ thù, tôi không quan tâm hậu quả.

– Anh không biết rằng nhiệm vụ của cách mạng là chiến đấu để bảo vệ hạnh phúc của nhân dân à? Mọi việc làm của người lính phải nghĩ đến dân.

– Hừ! Các ông chỉ giỏi lý thuyết, các ông hãy thử đối diện với chúng, chẳng lẽ chúng mang dân ra dọa, chúng ta phải đầu hàng?

– Nhưng chúng ta có thể tính toán để tránh thiệt hại cho dân, anh có biết anh ăn hạt gạo của ai để chiến đấu không?

Im lặng.

– Trần Đình! Tất cả tội ác anh gây ra làm thiệt hại đến hình ảnh người cách mạng là rất lớn, có thể anh sẽ bị xử bắn.

– Có thể tôi sai, nhưng tôi không đầu hàng giặc.

– Anh không có gì để chứng minh cho điều ấy?

– Tôi đầu hàng thì tôi về đây làm gì?

– Anh được bọn địch thả về để phá hoại căn cứ.

– Tao không hiểu sao tổ chức lại dùng loại người cơ hội và ngu ngốc như mày?

– Loạn ngôn, trói anh ta lại, chờ cấp trên thành lập tòa án để xét xử cái tội làm gián điệp.

Trần Đình đưa tay cho người lính trói, mặt trời chiến khu đã lên cao, những đốm sáng lổ đổ trên mặt lá khô, bầy bồ chao bay đi, hàng ngàn loại chim đua nhau líu lo. Khung cảnh thật đẹp và thanh bình. Trần Đình đã từng nằm đong đưa trên võng hàng buổi liền nghe tiếng chim hót, sau mỗi trận đánh, thiên nhiên đã nuôi dưỡng tâm hồn người lính. Nhiều ngày cả đơn vị không có hột muối, mọi người vẫn vui vẻ sống và chiến đấu. Anh không tin rằng từ đây anh không còn cơ hội để nghe tiếng rừng, để thở hơi thở của rừng và chiến đấu với cái oai phong dũng mãnh của rừng. Trần Đình bị trói vào gốc bằng lăng đang mùa trổ bông tím ngát. Nắng bắt đầu hừng hực trên cánh rừng, nắng tràn qua các tàn cây rọi lên mặt anh. Trần Đình bình thản dõi theo những mắt lá đung đưa trên cơ thể của cặp vượn đang âu yếm nhau trên ngọn cây. Trần Đình nghe người nóng hừng hực, anh xấu hổ bởi đòi hỏi khó chịu của thể xác ngay lúc anh chuẩn bị giã từ cuộc sống. Bên kia bụi trung quân, một phụ nữ lén nhìn anh gạt nước mắt…

 

***

 

Trần Đình nhắm mắt, tuổi thơ buồn bã lần lượt hiện về. Anh không phải được sinh ra ở cù lao Dao. Nơi anh sống nằm phía bên kia sông, làng Vĩnh Thanh là nơi trồng mía, lúa và những cánh rừng cao su bạt ngàn nổi tiếng. Cụ tổ Trần Việt luôn nhắc nhở con cháu quê hương chính của mình là ở cù lao Dao, vùng đất màu mỡ nằm giữa hai nhánh sông của dòng Thanh Long hùng vĩ. Đó là con sông kiêu hãnh và thiêng liêng. Cụ tổ muốn con cháu trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” để làm ăn lương thiện, nhưng dòng máu kiêu hùng cứ truyền lại từ đời này qua đời khác và đời nào cũng có người vùng lên chống lại những bất công của xã hội. Không chính quyền nào có thể chấp nhận cái kiểu ngang ngạnh ấy, nên họ luôn bị coi là kẻ cướp, cho đến lúc cách mạng về thì ông nội anh, một kẻ cướp khét tiếng vùng sơn cước đã thành một anh hùng cứu nước. Cha anh sinh ra giữa rừng già, nhưng ông lặng lẽ quay về Vĩnh Thanh sống cuộc đời hiền lành của nông dân. Sự an nhàn không thể có trong một đất nước bị nô lệ!

Rừng cao su mùa thay lá, cành cây vươn lên bầu trời đầy ắp ánh trăng, như hàng ngàn đôi tay gầy khẳng khiu của những công nhân cùng khổ, đưa lên kêu trời dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Ông Doanh nhìn cậu con trai Trần Đình, giọt máu cuối cùng của dòng họ đang nằm co quắp trong căn chòi trống huơ trống hoác, giữa rừng cao su lạnh lẽo. Gió lùa từng đợt tung lá cao su khô xào xạc, ánh trăng rọi qua mái lá loang trên mặt thằng bé. Mấy cái niêu đất chỏng chơ đựng đầy ánh trăng. Ông thấy thương con trai quá đỗi, mới từng tí tuổi đầu mà đã phải vất vả. Pháp về ủi đất Vĩnh Thanh làm cao su, ông xin làm công nhân, tưởng rằng cuộc đời khá hơn, nhưng ông đã lầm, đời sống của công nhân chẳng khá hơn gì so với những người nông dân.

Gần đến ngày cướp chính quyền, không khí trong các đồn điền sôi sục hẳn lên. Ông Doanh cùng các anh em công nhân đã sẵn sàng đánh Pháp, đuổi Nhật. Ông kéo chiếc chiếu đắp lên người thằng bé, rồi cầm cây tầm vông rón rén ra cửa. Đình nằm yên để cha âu yếm, khi ông đưa tay sờ lên mặt, cậu muốn hôn lên bàn tay chai sạn của cha, cậu cắn môi rướm máu. Mấy hôm nay cha đi vắng luôn. Cha đi rồi, hai mẹ con ngồi thu lu ngóng ra rừng cao su.

Đoàng… Đo… àn… g… Một loạt súng nổ phía mà cha vừa đi. Mẹ ôm mặt khóc. Đúng như linh cảm của mẹ, cha bị Pháp bắn. Đêm ấy, mẹ đưa Trần Đình vượt sông trở về cù lao như ước nguyện của dòng họ. Hai mẹ con vào làm thuê cho gia đình của địa chủ Trần Thượng Nhu. Nhờ siêng năng chăm chỉ hai mẹ con được gia đình ông Nhu thương và cho ở nhờ trong khu vườn rộng của họ.

***

“Tôi mệt mỏi âm thầm rảo bước trên con đường rừng mấp mô, hun hút và tối tăm. Bỗng bầu trời đen kịt, đất nghiêng hẳn trút tôi vùn vụt, tôi lạc vào khu rừng âm u, rộ lên những tiếng hú dài. Những bóng người đen đúa từ các cành cây bám theo các sợi dây rừng, thoăn thoắt bay đến trước mặt. Không nói không rằng, họ phóng những ngọn lao bằng tre rừng vạt nhọn về phía tôi, những ngọn lao xuyên qua người đau nhói, nhưng không chảy máu. Họ hành động như thể tôi là con thú chứ không phải con người. Những tiếng hú mỗi lúc càng thê lương và ma quái hơn. Những bóng đen trần trụi ngày càng đông, chúng bám những sợi dây rừng đuổi theo. Tôi chạy, mặt đất chao đảo, bầu trời tăm tối, lũ người rừng vẫn nườm nượp đuổi sau lưng, họ cười khùng khục miệng đỏ như máu…”

Trần Đình đã kể lại cho nhà thơ khi gặp anh ở thế giới song song, câu chuyện trên đây. Ông đã thấy mình như vậy. Sau khi vượt qua khu rừng âm u, ông đã đến được vùng đất thoạt nhìn như cù lao Dao, nhưng lại thẳng đứng theo dòng sông chảy từ trời xuống. Không giống như khi ông còn sống, cù lao quá rực rỡ, có rừng cây trái, tòa lâu đài và những đứa trẻ bay lượn với đôi cánh thủy tinh. Ông già tiên tri giải thích cho nhà thơ rằng:

– Mỗi linh hồn đến với thế giới song song bằng nhiều con đường khác nhau tùy theo tiền kiếp của họ.

 
 
CHƯƠNG 32
 
Mầm sống xuất hiện giữa lằn ranh của cái chết.
 

– Theo quy hoạch thì cù lao sẽ là thành phố sầm uất như ba trăm năm trước, bà con cần phải chấp hành.

Chủ tịch xã ôn tồn nói với bà con cù lao.

– Những con đường sẽ như ô bàn cờ, những ngôi nhà cao tầng rồi siêu thị sẽ mọc lên, chúng ta không thể chấp nhận vùng quê lạc hậu như thế này giữa thành phố công nghiệp. Trong sự phát triển chung của đất nước, cù lao cũng phải phát triển. Cù lao này ba trăm năm trước từng là thành phố đầu tiên của phương Nam, lẽ nào hôm nay lại chấp nhận sự lạc hậu?

Cứ như vậy, chủ tịch xã Tư Nghĩa, diễn thuyết hùng hồn trong cuộc họp dân, trước cán bộ cấp trên đang ngồi chứng kiến. Vị cán bộ ấy chính là Trương Phước Tư, tức Tư Ngồng. Chủ tịch xã diễn thuyết một mình, trước sự im lặng của những người nông dân hiền lành chất phác. Mọi người nhìn nhau. Bà Năm Trầu từ từ tiến lên đưa khăn rằn quệt môi, bà nhìn Trương Phước Tư và từ tốn nói:

– Tư à, mầy nghĩ lại đi, mầy không chừa được chỗ này lại để thờ phụng tổ tiên hay sao? Cánh đồng bên kia sông, bay biến thành khu công nghiệp, chúng đổ nước thải ra đầy dòng sông. Con sông Thanh Long ngày xưa mầy có nhớ không, nó xanh ngắt, chỗ nào cũng có con tôm con cá. Hồi đó, đêm đêm tụi bay mò dề tao dúi vào tay nải của tụi bay nào gạo, nào đường, nào cá tôm, bay có biết ở đâu ra không? Ở trên cù lao này, ở con sông Thanh Long này, bây giờ chẳng còn gì, chẳng may có giặc trở lại bay ăn cái gì để chiến đấu?

– Má Năm à! Xin má nghĩ lại!

Tư Ngồng giở giọng ngọt ngào, đây là sở trường của Tư Ngồng, cũng nhờ sự bình tĩnh hiếm có mà Tư Ngồng thăng tiến vùn vụt trên con đường hoạn lộ – Xin má nghĩ lại, má cứ nhắc chuyện ngày xưa làm gì? Má có công với cách mạng, thì cách mạng cũng trả công cho má rồi. Chuyện của đất nước má để tụi con lo.

– Mày cứ lo chỗ khác, chứ cù lao này có đáng gì mà mày nhúng mũi vào. Mày dại quá, chẳng lẽ nơi chôn cha mày cũng quy hoạch luôn hả?

Tay chủ tịch xã chen ngang giải thoát cho cấp trên:

– Không phải quy hoạch cả bà Năm ạ. Có những chỗ phải chừa lại, xung quanh đền thờ của Đức Ông phải giữ lại chứ.

Bà Năm Trầu quay lại phía những người nông dân:

Đó! Bà con thấy chưa? Đất của cán bộ thì không quy hoạch lấy lý do quanh đền thờ Đức Ông, còn đất của bà con thì bị quy hoạch ráo trọi.

Bà quay qua Tư Ngồng:

– Tao nói, là nói cho bà con, chứ tao có quan trọng gì, mày nên nghĩ lại!

Tay chủ tịch xã, bước xuống trước mặt bà Năm Trầu, quát lên:

– Bà già này ngoan cố quá, có gì mời bà lên xã làm việc, cán bộ thành phố xuống làm việc mà bà rắc rối quá. Tôi cho công an gô cổ bà bây giờ.

Từ phía đám đông, một thiếu phụ nhào lên:

– Tao đố cha mày dám đụng vào bà già tao, đồ bất nghĩa, thượng đội hạ đạp, đả đảo chính quyền ép dân.

– Đả đảo! Đả đảo! – Cả đám đông nhao nhao.

Các anh bảo vệ kèm Tư Ngồng ra xe, trước khi đi, Tư Ngồng nhíu mày hỏi gắt với tay chủ tịch:

– Thời này là thời nào?

Thiếu phụ có thái độ hùng hổ ấy là chị Ba Thược, còn gọi là Ba Xung Phong, sở dĩ gọi vậy vì con trai chị tên là Nguyễn Sơn Phong, dân ở đây thường gọi người mẹ theo tên đứa con đầu, bà con đọc trại chữ Sơn Phong thành Xung Phong, từ đó chết danh luôn. Ba Thược, một con người ngang ngạnh nổi tiếng cù lao. Đang học bậc trung học đệ nhị cấp bên phố, chị bỏ vào rừng theo cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất chị mang bụng bầu về cù lao. Bà Năm Trầu bù lu, bù loa xấu hổ vì con gái. Chồng hy sinh, có được mụn con gái không nên thân. Mặc cho bà Năm lu loa, chị hớn hở ra mặt và tự hào chuyện mình sắp có con. Bà Năm nhiếc mãi, nào là con gái có thân không biết giữ, nào là mất mặt… Bực mình quá chị gắt lại mẹ:

– Bà lên trên đó mà giữ, cả một rừng đàn ông, tối đi vấp một người cũng đủ có bầu.

– Đúng là rau nào sâu nấy.

Bà Năm Trầu đành đấu dịu với con gái. Chị Ba nói ngang với mẹ như vậy, nhưng thực ra chị vẫn nhớ người đàn ông của chị, người đàn ông lái xe của đại đội mở đường Trường Sơn nổi tiếng. Nguyễn Phong đã có vợ, nên chị không muốn vướng bận anh, khi chị mang thai cũng là ngày đất nước thống nhất, chị lặng lẽ rời anh, rời đồng đội để về với mẹ trong miền Nam. Nhiều năm trôi qua, chị vẫn nhớ như in cái lần đầu gặp gỡ anh.

Đường Trường Sơn được coi là “vành đai trắng”, mỗi mét đường đều là cao điểm. Sáu đại đội thanh niên xung phong hầu hết là thiếu nữ trong độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Chị em sống rất vui vẻ, hồn nhiên. Cuộc chiến càng ngày càng ác liệt. Không thể làm ban ngày được, nên các đơn vị phải làm ban đêm. Chiếc C100 do Phong phụ trách luôn xung phong đi đầu. Tại trọng điểm cua chữ A đã chịu hàng trăm lần B52 rải thảm. Với khẩu hiệu “Lấy tim đường làm chiến trường, quyết chiến điểm làm trận địa, máu chúng ta có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, C5 đã bám trụ cua chữ A tranh giành từng phút thời gian quý báu giữa hai trận bom để làm nhiệm vụ thông đường. Thược chú ý chàng lái xe đẹp trai dũng cảm ấy trong những lần mở đường cùng nhau. Ngày ấy, cánh lái xe Trường Sơn, anh nào cũng bị lác. Buổi sáng tranh thủ ăn một miếng lương khô, rồi cầm lọ thuốc đi tìm chỗ vắng vẻ để trị ghẻ và hắc lào. Gần chỗ đóng quân của lực lượng thanh niên xung phong miền Nam, trên núi có một hang đá rộng. Hôm ấy, Phong leo lên hang đá rồi cởi quần áo ra xức ghẻ cho dễ chịu. Đang trong tư thế “cha sinh mẹ đẻ” bỗng có một em thanh niên xung phong xuất hiện. Anh hốt hoảng chụp vội quần áo che vào người rồi hét tướng lên:

– Trời, con gái mò lên chi đây?

Cô bé hồn nhiên giải thích:

– Em đi xem Phật sống chứ bộ.

Nói xong cô quay lưng bỏ chạy xuống núi, ném lại phía sau chuỗi cười giòn và mắng yêu bằng giọng Nam bộ ngọt lịm.

– Các anh, đồ khỉ!

Phong lúng túng mặc vội quần áo, trước những tràng cười như pháo nổ của đồng đội trong hang đá.

Sau mới biết cô gái đó tên Thược, Ba Thược, em là y tá vào lán chữa bệnh cho cánh lái xe, thấy em có vẻ ngây thơ, anh em nghịch bảo: “Trên núi có ngôi chùa của người Lào có thờ Phật sống, lên mà coi”.

Khoảng một tháng, sau lần gặp gỡ “dở khóc, dở cười” ấy, Phong mải mê đuổi theo con thỏ rừng và lạc mất đường về, đang lang thang bất ngờ, anh gặp Thược cũng đang đi lạc trong rừng, gùi rau rừng trên vai Thược đã héo nhưng Thược vẫn cố giữ bên mình.

– Em đi đâu đây?

– Em đi kiếm rau rừng về cải thiện bữa ăn cho thương binh bị lạc trong rừng đã hai ngày qua, may mà gặp anh.

Hai người băng rừng, đến đám rẫy sắn của đồng bào dân tộc thì họ phát hiện ra các giao thông hào, họ vui mừng biết rằng đã đến gần đồng đội.

Bục… hú… h… ú… ầm… Bất ngờ máy bay xuất hiện, một loạt bom ném xuống, đám rẫy mì bị cày tung, Phong ôm Thược lăn tròn xuống chiến hào bên bờ suối, hai cơ thể trẻ trung gắn chặt vào nhau. Bóng trăng vẩn đục bởi bụi và khói, miểng bay rào rào. Sau loạt bom hú họa, bầu trời yên tĩnh lạ lùng. Dưới lòng đất họ tan vào nhau… mặt mũi lấm lem bùn đất, họ ngồi ôm nhau cười… Mãi sau này mỗi khi nhớ lại Thược vẫn không thể tin được là họ đã thuộc về nhau trong cái khung cảnh lạ lùng ấy, và chỉ một lần ấy chị không ngờ mầm sống xuất hiện giữa lằn ranh của cái chết. Thằng con trai của chị Ba lớn lên đẹp trai ngời ngời, lại học giỏi, đúng như ông bà nói: “Rau tập tàng ngon, con tập tàng thì khôn”. Nó là học sinh đầu tiên của cù lao Dao đậu vào đại học, ban đầu nó học ngành văn, không hiểu sao khi tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại trường giảng dạy, nó đột ngột bỏ hết, rồi kiếm học bổng đi nước ngoài du học, nó chuyển qua học quản trị kinh doanh gì đó, cái ngành học xa lạ mà thời của chị chưa bao giờ nghe tới.

(Đọc tiếp)