Nguyễn Một – Đất trời vần vũ (chương 19 – 23)

(Tiếp theo 15 -18)

CHƯƠNG 19

 

Cô không biết người đàn ông đó như thế nào. Nhưng cô linh cảm người đàn ông đó sẽ đến tìm cô và anh đã đến.

 

Ngày xưa, trên con đường từ Bắc vào Nam, nhiều đoạn đường chỉ là rừng núi hoang vu không có người ở. Vì vậy phải lập ra những trạm nghỉ chân, dùng cho ngựa đưa thư hoặc cho quan quân di chuyển đến đó mà nghỉ. Cứ mỗi đoạn đường dài bằng một ngày ngựa chạy thì có một trạm nghỉ chân như vậy. Giữa mỗi trạm nghỉ chân có một đồn lính gọi là “thủ”, ngày nay còn những tên gọi địa phương như Thủ Đức, hay Thủ Dầu Một là xuất phát từ đó. Bến đò trên cù lao, cũng là một nơi người ta nghỉ chân trước khi vượt nhánh thứ hai của dòng Thanh Long, nên có tên là bến đò Trạm.

Bến đò Trạm thưa khách từ khi có cây cầu bắc từ thành phố Lộc Hòa qua cù lao Dao.

Buổi chiều.

Bến đò vắng, ngõ nhỏ buồn tênh. Con đò nhỏ sắp sửa cặp bờ. Chị em Lụa, Lài ùa ra. Người đàn ông dừng tay chèo, quăng sợi dây neo lên bờ, Lụa đón và cột vào gốc duối. Người đàn bà dùng cây sào dài đưa dần con đò vào bến. Trên chiếc ghe nhỏ, có đống lưới và một ít cá tôm.

– Có nhiều cá không cha?

– Ít con ạ, dạo này cá càng ngày càng hiếm.

Hai chị em bưng rổ cá phân loại, tôm để riêng, cá lớn để riêng, cá nhỏ để riêng, những con cá bé xíu Lụa chuyển qua cái rổ nhỏ cho em bưng xuống sông rửa để kho tiêu cho bữa cơm chiều.

Buổi chiều.

Mâm cơm có một dĩa rau muống luộc, một bát nước rau, và dĩa cá lòng tong kho tiêu, hai vợ chồng, hai đứa con gái, khung cảnh êm đềm. Người đàn ông hỏi con gái lớn:

– Hôm nay, con có dạy em học không?

– Dạ có, em học giỏi lắm cha.

Cô em phụng phịu:

– Chị Lụa đánh con đó cha.

– Sao vậy?

– Tới giờ học mà em cứ tắm sông, con tức quá, phết cho nó một roi.

– Đừng đánh em con ạ, dỗ em, còn Lài phải nghe lời chị. Cha mẹ nghèo không có tiền cho con đi học thêm, con phải nghe lời chị chứ con.

– Dạ con xin lỗi cha.

Cô chị:

– Con cũng xin lỗi, con không đánh em nữa, con sẽ dạy em học cho tới lớn.

– Các con giỏi lắm.

– Tối nay cha có đi làm cá nữa không cha?

– Tối nay cha mẹ đi chuyến nữa, trời chuyển mưa, mong sẽ có cá ngược về, trúng được vài con cha mẹ may cho tụi con mấy bộ đồ đi học.

Đó là lần cuối Lụa có bữa ăn cùng gia đình, đạm bạc nhưng hạnh phúc.

Buổi tối.

Bầu trời chuyển màu đen, mưa bắt đầu lây rây trên sông, hai chị em ngồi ôm gối, nhìn ra sông.

– Sông mưa buồn quá ha chị?

– Ừ buồn quá, thương cha mẹ quá!

– Mai mốt lớn em phải làm thật nhiều tiền để cha mẹ đỡ khổ.

– Chị cũng nghĩ vậy.

Mưa nặng hạt dần, sấm sét chớp giật, bầu trời đen ngòm, mưa mù mịt. Căn nhà mỏng manh oằn mình dưới cơn mưa. Lài ôm chặt chị. Hai chị em bỗng dưng cảm thấy sợ hãi. Lài khóc, Lụa khóc. Trời đã khuya, mưa vẫn nặng hạt.

Buổi tối.

Người đàn bà cố tát nước mưa trút vào thuyền, nước vơi, bà khua mái chèo giữ cho con thuyền mỏng manh thăng bằng, mưa quất rát rạt. Người đàn ông kéo lên thuyền tấm lưới trĩu nặng cá. Người đàn bà dừng tay chèo, gỡ cá phụ chồng. Một con, hai con, ba con cá ngược, mỗi con to bằng bắp chân giãy đành đạch trên khoang, vảy trắng loang loáng, cá ngược là quà tặng riêng cho những người dân sống trên sông Thanh Long, mỗi con cá nặng vài ký, thịt thơm, nó chỉ xuất hiện khi mưa lớn và bơi ngược dòng sông vùn vụt. Người đàn bà muốn reo lên, nhưng cơn mưa không cho bà mở miệng. Tiếng nổ ành ành của chiếc xà lan hốt trộm cát. Người đàn bà buông con cá chụp mái chèo, nhưng đã trễ…

Buổi sáng.

Hai chị em mặc đồng phục đeo khăn quàng, đứng ngóng ra sông, chờ con thuyền nhỏ nhoi cập bến. Cả đêm cha mẹ không về, lạ lắm. Chưa bao giờ như thế. Lài bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Lụa trấn an em:

– Chắc trúng nhiều cá lắm, cha mẹ chở qua sông để bán luôn rồi.

– Em sợ quá!

Thời gian trôi qua, một ngày, hai ngày, bà con trong cù lao tụ tập bên bến đò Trạm. Hai đứa trẻ khóc sưng cả mắt. Ngày thứ ba, họ vớt xác của người đàn ông và người đàn bà dưới chân cầu…

 

Trong quán cà phê bên bến đò Trạm, Lụa bó gối nhìn ra sông, thói quen có từ nhỏ, mỗi lần nhìn ra sông, cô lại cho hai chân lên ghế và hai tay ôm chân, tựa cằm lên gối. Câu chuyện buồn mười lăm năm qua, như đoạn phim quay đi, quay lại mỗi khi mưa về trên sông. Lụa đã giữ lời hứa bên mâm cơm ngày xưa.

Bắt đầu từ việc buôn gánh bán bưng, cô dành dụm, rồi buôn chuyến, công việc làm ăn phát đạt, cô lo cho Lài ăn học và em đã thành cô giáo, em dạy ngay trong cù lao. Em yên bề gia thất, chồng em cũng thầy giáo. Họ sống thanh bần và hạnh phúc. Lụa sang tiệm tạp hóa trên thành phố, gom tiền về lại cù lao. Đêm đêm, cô vẫn nghe tiếng gọi của dòng sông. Lụa trở về mua miếng đất bên bến đò Trạm mở quán.

***

Vợ chồng Lài qua thăm chị. Lài ôm cắn vào vai chị, bờ vai tròn lẳn:

– Trời ơi! Chị đẹp quá, sao chị không lấy chồng?

– Đồ quỷ, buông chị ra, cô giáo rồi mà còn giỡn, dượng Hải cười cho kìa.

Thầy giáo Hải, cười hiền từ, anh là giáo viên mẫu mực và điềm đạm, giáo viên dạy văn, ăn nói nhỏ nhẹ. Lài dạy toán, sôi nổi hồn nhiên. Họ là cặp đẹp đôi nhất cù lao. Lài vẫn không buông tha cho Lụa:

– Chừng nào chị lấy chồng?

– Chị đang chờ một người!

– Người nào? Sao em không biết?

– Chị cũng chưa biết.

– Trời ơi! Chị em đang sống trong tiểu thuyết à?

Lụa quay qua chồng:

– Thầy giáo văn ơi! Chuyện này nên giải thích thế nào, chờ một người chưa biết?

Hải cười:

– Chờ người trong tiền kiếp.

– Bó tay! Em không hiểu?

***

Lụa vẫn chờ người của tiền kiếp. Cô không biết người đàn ông đó như thế nào. Nhưng cô linh cảm người đàn ông đó sẽ đến tìm cô và anh đã đến.

 

 

CHƯƠNG 20

 

Chuyện kể của nhà thơ:

Chẳng lẽ ở đời chí phục thù lại mạnh hơn chí phục quốc?

 

Cù lao rần rật lửa cháy và phèng la, dinh thự của Trần Tướng quân bốc cháy tứ bề, mọi người nháo nhác. Dù dạn dày trận mạc, Trần Tướng quân cũng trở tay không kịp trước sự tấn công bất ngờ và vũ bão của quân Chân Lạp, được dẫn đường bởi những người bản xứ. Tiếng la khóc vang trời, mấy chục năm qua, đất cù lao không có chiến tranh nên quân lính thất bại ngay khi giáp mặt kẻ thù. Đội quân Chân Lạp mình trần, đen trũi hung hãn, chúng vung mã tấu loang loáng, chém tất cả người mà chúng gặp, bất kể trai gái. Đội quân tiên phong do Trần Việt dẫn đầu, anh không giết đàn bà trẻ con, chỉ xăm xăm tấn công vào dinh thự của Trần Tướng quân, nhưng đàn bà và trẻ con không thoát được bàn tay tàn ác của quân Chân Lạp.

Trần Việt được Trần Tướng quân tha chết, theo thỉnh cầu của Gấm và Trương Phước. Trước khi rời khỏi cù lao để trở về bản quán, Trương Phước chỉ xin Trần Tướng quân cho chàng con sư tử đá và tha tội cho người dân của chàng – Trần Việt. Bản thân Trần Tướng quân cũng muốn tích đức cho Trần Đại công tử, nên không xử tội mưu sát ông của Trần Việt, không ngờ ông thả hổ về rừng, dân xứ này thật ngoan cố. Mười tám năm trôi qua, Trần Đại công tử đã trở thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, ông không ngờ Trần Việt âm thầm lên rừng chiêu binh mãi mã nuôi chí phục thù, để chắc ăn Việt còn cầu viện quốc vương Nặc Ông của Chân Lạp giúp sức. Kể ra hắn cũng đáng nể thật, hắn hơn hẳn ông về chuyện này, chí phục quốc của ông đã tàn lụi theo thời gian và sự giàu có. Chí phục quốc không còn ám ảnh ông như lúc mới đến. Chẳng lẽ ở đời chí phục thù lại mạnh hơn chí phục quốc.

Cuộc tấn công xô dạt cha con Trần Tướng quân qua bên kia sông, quân Chân Lạp và quân khởi nghĩa hoàn toàn làm chủ cù lao.

Trần Việt xông vào hậu cung, Gấm không theo kịp cha con Trần Tướng quân, tỏ vẻ bản lĩnh nàng trấn an các nữ tì đang rúm ró vì sợ hãi. Gặp Trần Việt nàng không mừng rỡ như anh mong đợi.

– Em Gấm! Ta đây!

Gấm lạnh lùng:

– Ông là ai?

– Trần Việt của em đây, em không nhớ sao?

– Sao ông lại đưa quân Chân Lạp về tàn phá xứ sở của mình?

– Ta vì nàng mà báo thù.

– Những người dân có tội gì?

– Nàng hãy đi theo ta rồi nói chuyện sau.

Trần Việt nắm tay nàng Gấm lôi đi. Sau khi vơ vét đốt phá cù lao đoàn quân Chân Lạp ở lại trên cù lao, họ cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ. Người dân cù lao căm oán Trần Việt. Gấm nhất định không tiếp anh, Trần Việt vô cùng đau khổ. Khi quân Nam triều tiếp viện, cha con Trần Tướng quân tấn công trở lại. Đoàn quân Chân Lạp thua tan tác. Người dẫn đầu đội quân Nam triều chính là Trương Phước. Trước khi quân triều đình tái chiếm cù lao, Trần Việt rút đi, anh mang theo nàng Gấm.

Trần Tướng quân và Trần Đại công tử trở về xây dựng lại cù lao, Trần Đại vô cùng đau đớn vì mất mẹ. Trần Tướng quân buồn bã vì cơ nghiệp ông gầy dựng bao năm qua bị tàn phá, nguyên nhân chỉ vì một người đàn bà, dù Gấm là nguyên nhân gián tiếp nhưng cũng do nàng, biết bao nhiêu cuộc chiến tranh trên thế giới này vì người đàn bà. Mấy mươi năm cầm quân, ông từng đuổi quân Chân Lạp vào tận sào huyệt của chúng mà lần này vì chủ quan, bị tấn công bất ngờ ông đã thua đau đớn. Ông đi dạo trên cù lao với nỗi buồn vô hạn. Ông đã quên chuyện phục quốc, nhận chức tước của triều đình Nam hà, ông đã tốn bao công sức cho xứ sở này. Nay chỉ vì một chút hận thù của chàng trai người địa phương và sự thiếu cương quyết của ông mà cù lao ra nông nỗi này. Ông đến thăm những cư dân theo ông từ quê hương đang than khóc người thân và nhặt nhạnh của nả từ đống tro tàn, ông có lỗi với họ. Đêm ấy, Trần Tướng quân ngã bệnh, Trần Đại túc trực bên giường cha. Sau khi kể cho con trai nghe về chuyện lưỡi dao trên đất cù lao và ước mơ phục quốc của mình, Trần Tướng quân dặn con trai:

– Chuyện phục quốc của ta kể như hết hy vọng, con đừng nghĩ về chuyện ấy, nếu con có nhặt được lưỡi dao thì hãy dâng cho Chúa Thượng, dòng họ ta chịu ơn xứ sở này, con hãy vì ta mà xây dựng lại đại phố.

Trăn trối xong ông trút hơi thở cuối cùng.

***

Trương Phước cai quản toàn vùng Biên Trấn theo lệnh của Chúa. Khi Trần Tướng quân mất, Chúa phong cho Trần Đại chức Đô đốc Thống binh, tước Định viễn hầu.

Trần Đại nối nghiệp cha, chàng đã xây lại cù lao thành đại phố sầm uất. Chàng sánh duyên cùng Mạc tiểu thư và quên hẳn chuyện phục quốc. Trong người chàng có dòng máu Việt, chàng yêu quê mẹ.

Buổi sáng đẹp và thanh bình, Trần Đại cùng Mạc tiểu thư đang đàm đạo bài thơ mới của chàng, thì nhận được lệnh của Thống suất Vĩnh trường hầu Trương Phước, Thống suất tư cho chàng biết quân Chân Lạp lại xâm lấn bờ cõi, lệnh cho chàng phải ra trận. Đây là cơ hội để chàng phục thù. Chàng nắm tay Mạc tiểu thư.

– Làm trai ra trận lành ít dữ nhiều, nàng ở nhà cố giữ giọt máu của họ Trần, nếu ta có mệnh hệ gì thì nàng về với phụ thân nàng nhé.

Mạc tiểu thư ràn rụa nước mắt:

– Xin chàng an tâm báo quốc, thiếp quyết đợi chàng về, chàng hãy đề phòng Trương Thống suất, thiếp thấy không an tâm về ông ta.

– Nàng chớ phạm thượng, Trương Thống suất từng là bạn chí thân của phụ thân ta, ngài lệnh ta tiên phong, ngài sẽ tiếp ứng.

– Thiếp thấy ông ta rất lạ, đôi mắt của ông ấy ít nhìn thẳng, người quân tử không có đôi mắt như vậy.

– Thôi xin nàng đừng bàn chuyện quân cơ, ta đi chuyến này chưa hẹn ngày về, nàng hãy bảo trọng!

– Chúc chàng thượng lộ bình an!

Vợ chồng chia tay bên hồ sen. Trần Bình, người em họ, cũng là cận vệ trung thành của chàng, đã sẵn sàng xuất binh. Trần Đại lên ngựa. Đoàn quân của chàng rầm rập vượt cầu treo qua dòng sông Thanh Long. Mạc tiểu thư nhìn theo cho đến khi đám bụi mù khuất sau đỉnh núi Châu Long. Qua khỏi Biên Trấn, đến Vườn Trầu, quân chàng gặp quân Chân Lạp. Hai bên dàn quân, thấy quân Chân Lạp đóng quân bên bờ sông để chiếm nguồn nước, chàng mỉm cười: “Bọn Man này đúng là không biết binh pháp!”

Lại nói quân Chân Lạp do nhiếp chính Nặc Tha, kết cấu với quân Lào Xá tấn công Phiên Trấn. Lâu ngày không có giặc, quân dân lơ là nên giặc vào chiếm dễ dàng. Trương Thống suất lịnh cho Định viễn hầu cầm quân dẹp loạn. Nhận thấy quân giặc đóng quân hớ hênh, Trần Đại gọi Trần Bình vào trướng bàn quân cơ:

– Giặc Man vốn hung dữ nhưng không học binh pháp nên không biết bày trận, chúng chỉ lợi dụng sơ hở của quân ta nên mới thừa cơ cướp phá. Nay giặc đóng bên sông không đề phòng mặt sau. Đệ đưa đội quân thủy chiến lặn xuông sông, bất ngờ tấn công. Ta dồn quân từ phía chính diện ắt phá được.

– Xin tuân mệnh đại huynh!

Ngay trong đêm, Trần Bình cho những người bơi lặn giỏi lặn xuống nước. Khi có pháo lệnh, chàng cho quân tấn công mặt trước. Quân Chân Lạp chống trả quyết liệt, không chú ý mặt sau. Chúng nghĩ rằng đã có mặt sông che chắn. Bất ngờ quân Trần Bình tràn lên từ sông như những thủy thần. Quân Chân Lạp rối loạn hàng ngũ và bị giết vô kể. Trần Đình đuổi theo chúng gần một trăm dặm mới cho quân đóng trại.

Hôm sau, quân Chân Lạp đã dựng trại rợp bên kia Cầu Nôm. Trong đêm, chúng đã kịp điều quân tiếp viện tới. Thống binh Trần Đại biết sức mình chống không lại, chàng cho ngựa trạm cấp báo cùng Trương Thống suất. Quân Chân Lạp không dám vượt sông, nhưng quân của Trần Đại cũng chỉ phòng thủ chờ tiếp viện. Một con trăng trôi qua, vẫn chưa thấy quân tiếp viện đâu. Trần Đại than thở với Trần Bình:

– Trời hại ta rồi!

– Không lẽ họ Trần của ta lại thảm bại trên đất Cầu Nôm này!

Trần Bình rầu rĩ không kém gì anh.

– Ta chỉ tiếc là không tiếp bước phụ thân của ta!

Quân lính hết lương thực, đào ngũ quá nửa, số còn lại than thở suốt đêm khiến Trần Đại như đứt từng đoạn ruột.

Trần Bình ghé tai Trần Đại:

– Đệ nhận được tin của Mạc tỷ tỷ là Trương Thống suất âm mưu hãm hại đại huynh, nên báo về cho triều đình: Đại huynh vì tình riêng ngỡ là mẹ đang ở đất Chân Lạp nên tư thông với vua Chân Lạp không chịu tiến quân qua Vũng Gù, hiện cả nhà đại huynh đang bị Trương Phước giam giữ chờ lịnh của triều đình!

Trần Đại thở dài vì nguồn tin ấy.

Huây… huây… Quân Chân Lạp bất thần vượt sông từ phía thượng nguồn, tấn công đội quân của Trần Đại, trong nháy mắt đội quân của chàng tan tác. Trần Bình và Trần Đại vừa kịp xuống thuyền. Trần Bình đã chuẩn bị con thuyền này từ trước, chàng biết âm mưu của Trương Thống suất muốn hãm hại Trần Đại để chiếm vùng cù lao giàu có, nhưng Trần Đại quá tin vào Trương Phước, nên Trần Bình có nói cũng như không. Chiếc thuyền giong buồm ra khơi, quân Chân Lạp bắn tên theo như mưa, nhưng con thuyền lớn, được đóng với kỹ thuật của người Tây dương nên chạy rất nhanh.

Trăng sáng như ban ngày, từng bầy cá bay vun vút trên mặt biển, lân tinh lấp lánh, Trần Đại lững thững trên khoang thuyền nhìn về phía Nam, nơi đó có mộ của phụ thân chàng, có giọt máu của chàng để lại, không biết phu nhân của chàng bây giờ ra sao? Chắc không sao, nàng là con nhà võ tướng nên rất bản lĩnh, hẳn nàng biết cách tự bảo vệ mình. Chàng ngước nhìn, bầu trời trong vắt tịnh không một bóng chim, chàng giật mình gọi lớn:

– Trần Bình! Trần Bình!

– Dạ, đại huynh gọi đệ!

– Người đi đâu mà xa bờ như vậy?

– Dạ! Thuyền đang hướng mũi về cố quốc.

– Sao lại về, ta lệnh phải ra kinh đô để tấu trình Chúa Thượng, sao người không tuân lệnh ta?

Trần Đại giận dữ:

– Ngươi có còn coi ta là tướng của ngươi nữa không?

– Bẩm Đô đốc, ta về kinh đô là chết chắc, vì thế nào Trương Phước cũng sàm tấu, với lại ở đó toàn đồng môn của ông ta, chúng ta làm sao nói được!

– Ngươi thật bất nghĩa, Chúa đối đãi với họ Trần ta thế nào ngươi rõ mà. Cha ta được ân dày, triều đình đã dụ rằng Nguyễn vi Vương, Trần vi Tướng, đời đời không dứt tước công hầu, điều đó thật vinh hạnh. Cha ta đã có lời thề cùng Chúa là sống làm tôi họ Nguyễn, chết làm ma họ Nguyễn. Nay nhất thời bị viên biên soái cố tình hãm hại, nếu không về triều đình bày tỏ, tất có tội phản nghịch. Nay ta phản bội lời thề, tất đem sự nghiệp của cha ta đổ xuống biển, như thế là tôi bất trung, con bất hiếu, còn đứng giữa trời đất này sao được?

Nói đoạn Trần Đại gầm lên:

– Quay thuyền lại!

– Mong đại huynh nghĩ lại, rõ ràng khi về già Trần Tướng quân đã lú lẫn, làm sao một dân tộc lớn như dân tộc ta mà có thể làm tôi bọn man di này được?

– Phạm thượng!

Trần Đại quát lớn, tay chàng nắm chặt chuôi gươm. Trần Bình không tin Trần Đại dám giết mình, Trần Bình là con chú ruột Trần Đại, chàng làm quan dưới triều Mãn Thanh. Sau thất bại trước quân Chân Lạp, Trần Tướng quân đã viết thư nhờ sang Nam hà để giúp đỡ Trần Đại. Chàng đã xây dựng quân đội hùng mạnh cho Trần Đại. Chàng cũng thấy rõ dã tâm của Trương Phước mỗi khi ông ta về cù lao. Ánh mắt thèm thuồng của ông không chịu dừng lại chỗ nào trong dinh thự của Trần Đại. Trần Bình biết trước ngày hôm nay. Chàng cần quay về, chắc chắn triều đình sẽ dùng lại, các ông vua Mãn không quá cực đoan như các triều đại trước. Trần Đại cũng sẽ được trọng dụng. Trần Bình nhìn thẳng vào Trần Đại:

– Xin đại huynh nghĩ lại, hãy về cố quốc, đệ tin rằng nhà Mãn sẽ dùng anh em ta. Sau này ta đưa quân đội Trung Hoa qua chiếm lại, khi ấy đại huynh có cả vương quốc phía Nam này, chứ kể chi thẻo đất nhỏ xíu như lưỡi dao ở phương Nam bẩn thỉu này. Dù Mãn Thanh làm vua thì cũng là người Trung Quốc, họ đáng cho ta thờ phụng hơn bọn vua chúa man di nhỏ bé này.

Nói xong, Trần Bình quay qua ra lệnh cho gã tài công:

– Tiếp tục cho hướng về cố quốc.

– Loạn ngôn!

Trần Đại vừa gầm lên, cùng lúc ánh thép loang loáng dưới ánh trăng, một dòng máu vọt lên, thân hình không có đầu từ từ ngã xuống. Cái đầu Trần Bình lăn lông lốc, đôi mắt mở trừng, hẳn trước khi chết chàng không ngờ Trần Đại ra tay nhanh như vậy.

– Quay thuyền vào bờ!

Trần Đại vung gươm ra lệnh, đoàn quân lẳng lặng kéo buồm quay hướng thuyền vào bờ.

Khi mọi người đã quay về với công việc, Trần Đại ôm xác em khóc nức:

– Sao em lại ép ta phải ra tay?

Chàng trịnh trọng dùng hai thanh tre nẹp đầu Trần Bình vào thân, rồi dùng mảnh vải trắng bó xác của Trần Bình lại. Chàng lẳng lặng thực hiện tang lễ, choàng mảnh khăn trắng qua vai, dùng gươm vót ba thanh tre làm nhang. Chàng ngước nhìn bầu trời tràn ngập ánh trăng. Chàng cúi xuống từ từ nâng xác Trần Bình lên và thả xuống biển. Chàng nhìn theo bóng trắng chập chờn cho đến khi nó chìm hẳn vào lòng biển…

 

 

CHƯƠNG 21

 

Trở về một bữa hôm nay. Nhớ ngàn xưa đã về đây một lần.

 

Tôi trở về với thế giới vật chất sau ngày chấm dứt chiến tranh, ông già tiên tri đã xua tôi ra khỏi thế giới song song. Ông không đuổi, tôi cũng ra đi. Tôi chưa thể rời bỏ thế giới vật chất vì ở đó em đang chờ tôi. Tình yêu tồn tại kỳ lạ xuyên suốt các chiều của không gian và thời gian, đã liên kết hai thế giới này lại với nhau. Ông già nói tôi có tố chất của nhà thơ, vì tôi đã sinh ra ở thế giới vật chất mà lại có thể đặt chân đến thế giới song song. Điều đó hiếm hoi và hầu hết xảy ra với các nhà thơ. Tôi hỏi:

– Sao lạ vậy? Tôi làm sao có thể là nhà thơ? Tôi chưa bao giờ làm thơ, tôi làm ruộng, bắt cá, chặt củi đủ hết, nhưng chưa bao giờ làm thơ. Tôi chỉ có đọc tập thơ của ông cố tôi, cái tập thơ mà vì nó ông cố tôi bị Pháp chém ngang lưng. Tôi làm sao có thể là nhà thơ?

Tôi lặp lại câu hỏi ấy, ông già lắc đầu nói với tôi:

– Nhà thơ không có nghĩa là làm ra thơ, có những người làm ra thơ nhưng chưa bao giờ là nhà thơ. Ở thế giới vật chất, những người đứng hai chân trên mặt đất, nhưng tâm hồn anh ta bước vào thế giới của chúng tôi, anh ta là sứ giả của tâm linh, sứ giả của tình yêu. Có người bước hẳn vào thế giới song song mà không cần chết đi như anh chẳng hạn, có người từ thế giới song song bước thẳng vào thế giới vật chất mà không cần tái sinh như nhà thơ Bùi Giáng chẳng hạn.

– Bùi Giáng là ai?

– Là nhà thơ mà ở thế giới vật chất gọi là nhà thơ điên, nếu có cơ duyên anh sẽ gặp ông ấy. Bùi Giáng biết rõ mình không phải là người của thế giới vật chất.

Ông già ngưng nói và ngân nga:

Trở về một bữa hôm nay

Nhớ ngàn xưa đã về đây một lần.

Khi trở lại thế giới của chúng ta, tôi mới biết đó là hai câu thơ trong bài “Trở lại trần gian” của thi sĩ Bùi Giáng, một sinh thể kỳ lạ và thậm chí là kỳ quặc ở trong thế giới mà mỗi con người đều trang bị cho mình bộ mặt phẳng phiu. Tôi tìm Bùi Giáng và đứng nhìn ông từ xa, vì nếu đến gần có thể ông sẽ nhận ra tôi – một con người đã từng lạc đến thế giới của ông.

Tôi bắt đầu hành trình làm người trở lại, sau khi tôi đã lớn lên từ cuộc chiến, từ ruộng đồng. Hành trình lần này nhọc nhằn hơn, vì tôi không thể trở lại quê hương, ở đó tôi đã bị từ chối, dòng sông, bờ tre, núi đồi, hoa sim, hoa mua đã không nhận ra tôi. Tôi biết, chị tôi còn ở quê. Mỗi chiều tắt nắng, chị lại ra gò thắp hương cho cha mẹ tôi. Ngôi mộ của các đấng sinh thành, ấm nhang khói bởi đôi bàn tay gầy guộc của chị. Chị không biết tôi đã từng gặp các vị ấy ở thế giới song song.

Linh Chi yêu dấu!

Tôi trở lại thế giới vật chất và bước vào hành trình làm người đầy chông gai. Bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu lọc lừa, tôi cố quên nhiều thứ, để vất vả tồn tại. Nhưng tôi không quên được thời thơ ấu gian khổ và khốc liệt, tôi vẫn nhớ quê, nhớ em và nhớ chị. Có những lúc ngồi nhìn nắng vàng phủ xuống cù lao, tôi da diết nhớ cái nắng miền Trung. Em biết không tôi đã từng viết những câu thơ:

Anh ngồi nhớ nắng miền Trung.

Nhớ con sông nhỏ lạ lùng

nhớ em.

Nắng trưa vàng gót chân mềm

Nắng vương mắt mẹ bên thềm đợi cha

Cánh đồng xa

Cánh đồng xa

Chơi vơi cò trắng điểm hoa lên trời…

Những câu thơ chưa hẳn đã hay, nhưng buồn em ạ! Em nhớ không? Ngày xưa hai đứa ngồi dưới bụi tre, để chờ chị tôi đi chợ về, cánh đồng bỏng rộp như bánh tráng nướng. Những người đàn bà khô khốc, với đôi quang gánh nặng trĩu nắng vàng, nhễ nhại mồ hôi, uể oải bước đi giữa trưa hè. Hàng dứa dại, bụi tre gai, những đồi sim tím ngát, buồn mênh mang, dường như vẫn lặng lẽ trụ lại giữa dòng chảy của thời gian. Chị tôi cũng vậy, chị vẫn khắc khoải tồn tại trước khốc liệt của đời sống.

Tôi không thể trở về quê hương, khi tôi chưa gặp được em, đó là sứ mệnh buộc tôi trở lại trần gian, một thế giới đôi lúc xa lạ đối với tôi, em có biết không?

Tôi vất vả tồn tại, vì miếng cơm manh áo hàng ngày. Tôi khao khát rằng, tôi không cần ăn, tôi không cần mặc, nhưng không thể được, tôi không bắt chước Bùi Giáng được! Vì tôi mang nặng thể xác của thế giới vật chất nặng nề.

Ở cái thế giới này, ai gặp tôi cũng hỏi: “Lúc này làm ăn có khá không?” Tôi buồn kinh khủng em ạ! Sao không ai hỏi tôi: “Có tồn tại tình yêu đích thực nào trong cuộc đời này không?” Sao không ai hỏi: “Con người có cống hiến gì để thế giới vật chất này bớt hận thù không?”

Tôi ngơ ngác, vật vạ. Tôi đi học, tôi làm bốc vác, tôi đi dạy. Đó là những ngày tôi cần tồn tại để đợi em lớn và đi tìm em; tiền kiếp của tôi. Ông già tiên tri nói cho tôi biết, em ở cù lao Dao, vùng đất tồn tại theo chiều thẳng đứng nếu nhìn từ thế giới song song, tôi mang khái niệm mơ hồ trở về tìm em. Trong thời gian đợi em lớn sau cuộc tái sinh, tôi phải sống cái đã, cuộc sống cực nhọc em hiểu không?

Tôi đã trải qua những buổi chiều buồn dưới chân núi Kung Pô trên thượng nguồn của dòng Thanh Long, nơi tôi đi lạc vào lãnh thổ của thần linh và bị đẩy trở lại thế giới vật chất đầy hệ lụy này. Tôi trở về đó sau khi tốt nghiệp sư phạm, không hiểu sao tôi lại về đó em ạ. Có lẽ định mệnh, thực ra khi tốt nghiệp tôi đã xung phong đi bất cứ nơi đâu, vì tôi chẳng có nơi để lựa chọn và ngẫu nhiên tôi được điều về ngôi trường nghèo nàn dưới chân đỉnh Kung Pô. Tôi vẫn còn nhớ như in, dù thời gian trôi qua khá lâu, nhớ ngày còn đi dạy học dưới chân núi, cứ mỗi chiều sau giờ tan học xuất hiện một ông già, chắp tay sau lưng dạo quanh sân trường, bộ râu bạc bay phất phơ trong nắng chiều vàng quạch, rải thành những vệt dài từ núi đến đồng ruộng băng qua đường ray và đổ thành vệt dài xuống sân trường. Chao ôi, sân trường lúc ấy mới buồn làm sao! Sự hiu quạnh trống trải choán hết các lớp học thênh thang. Trên đường, những nông dân lầm lũi bước đi chậm chạp sau lưng bầy trâu lấm lem bùn đất. Cứ như vậy, đôi mắt buồn mênh mang, ông già thong dong dạo quanh sân trường. Cho đến lúc những mảng nắng vàng thu hẹp lại, ông đi dần về phía ngôi nhà lá sau trường và đứng lại nhìn ngôi trường trước khi mặt trời khuất núi. Thời gian như dừng lại. Ngày ấy, tôi con quá trẻ để hiểu được việc làm kỳ quặc của người thầy giáo già. Ông là một thầy giáo, hay nói chính xác hơn ông đã từng là một thầy giáo, nguyên trước khi tôi được điều về dạy học ở vùng bán sơn địa này thì ngôi trường này vẫn chưa hình thành, người thầy giáo già đã tự mình làm một ngôi trường và tự nguyện làm người chèo đò chở chữ đến cho học sinh. Về sau khi nhà nước xây trường ông được cử làm hiệu trưởng cho đến lúc về hưu, nhưng không muốn xa trường ông xin ở lại trường và làm bảo vệ. Hình ảnh kỳ lạ của ông giáo già cứ ám ảnh tôi mãi suốt thời gian dài và nó chỉ bị mờ dần khi tôi phải đối chọi với cuộc sống cơ cực và bụi bặm bươn chải trên đường đời.

Những tháng ngày đó, tôi, bạn bè tôi và đất nước tôi cơ cực bần hàn. Chúng tôi ăn những bữa cơm hẩm từ hạt gạo mục nát, độn sắn lát và bo bo, với nồi canh chuối xanh chát ngắt. Tôi lên lớp rao giảng những giáo điều trái với thực tế cuộc sống . Đám học trò ngây thơ ngồi trên mấy chiếc bàn tre mục nát để nghe tôi nói, nuốt từng lời của tôi, còn tôi nuốt sự cay đắng cùng với bụi phấn mịt mù. Em biết không, chúng tôi đã hằm hè nhau vì vài lạng thịt tiêu chuẩn mà bà giáo viên đời sống chia không đồng đều. Tôi cũng hùng hục tranh giành miếng ăn, để rồi đêm về nằm khóc trong tủi nhục. Nhiều lần tôi đã muốn hủy bỏ thân xác cặn bã này để trở về với thế giới song song, nếu không có em và tình yêu của chúng ta từ trong tiền kiếp.

Sau giờ dạy học, tôi giết thời gian bằng rượu và boléro, những bài hát buồn như thân phận con người vậy em ạ. Tôi đã bị khiển trách, bị kiểm điểm vì đã hát cho học trò nghe những câu hát ủy mị ấy. Không uống rượu và không boléro thì tôi làm thơ và tôi đi tìm em. Em đã lớn, tôi cũng đã đến cù lao Dao và gặp em.

 

 

CHƯƠNG 22

 

Hận thù ngùn ngụt đốt cháy mọi lý tưởng, đốt cháy những bài học về lòng nhân ái.

 

Lòng hận thù đã cướp đi của Trần Đình những tố chất tốt đẹp, mà ông đã được giáo dục khi tham gia đoàn quân cứu nước. Ông nội của Trần Đình là Trần Khả, nổi dậy kháng chiến chống Pháp lừng lẫy cả miền Đông Nam bộ. Cụ tổ của Trần Đình, chính là Trần Việt, người Việt đầu tiên ở xứ này nổi loạn san phẳng dinh thự của Trần Thượng công. Trần Đình chăn trâu cho địa chủ Trần Thượng Nhu, ông Nhu là cháu bảy đời của Trần Thượng công, người được coi là đã khai sanh ra cù lao Dao. Trần Thượng Nhu không có chức quyền gì trong xã hội. Thời Pháp ông làm việc làng, nên được gọi là Hương Nhu. Ở Nam bộ, địa chủ không quá tàn ác như sách vở thường mô tả. Từ thời Trịnh, Nguyễn phân tranh, nếu coi sông Gianh là giới tuyến chính trị, thì đèo Hải Vân là giới tuyến văn hóa. Từ thuở xa xưa, vùng đất này đã quyết liệt thay đổi văn hóa của Bắc hà, từ cái bánh chưng họ chuyển qua bánh tét để tiện sử dụng trong đời sống. Từ việc ăn uống cầu kỳ họ chuyển qua cách ăn to nói lớn. Họ tạo ra nền văn hóa đặc trưng, đó là nền văn hóa khai khẩn. Dấu hiệu của văn hóa khai khẩn là sự bình đẳng, trong khi ở xứ Bắc, còn chuyện chồng ăn nhà trên, vợ ăn nhà dưới, thì tại các vùng đất Nam bộ chồng và vợ cùng ăn ngoài bờ ruộng. Họ bình đẳng đến nỗi trong truyện thơ Lục Vân Tiên nổi tiếng của cụ đồ Chiểu, có chuyện chàng Lục Vân Tiên không phân biệt được giữa Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên, ai là chủ, ai là tớ: “Hai nàng ai tớ, ai thầy nói ra. Thưa rằng tôi Kiều Nguyệt Nga, này con tỷ tất tên là Kim Liên.” Vì vậy, giới địa chủ miền Nam cũng không cách biệt lắm so với người làm. Riêng gia đình Hương Nhu, vốn dòng dõi người Hoa mở đất, nên ông còn giữ chút nền nếp, trong gia đình chỉ có ông là ăn riêng, còn vợ con ăn chung với người làm. Trong số các người vợ của ông, thì Thăm là người trẻ và đẹp nhất. Con gái miền sơn cước của vùng trung lưu sông Thanh Long, Thăm mang hai dòng máu người Mạ và người Kinh, mày rậm, mắt long lanh, cơ thể săn chắc tròn lẳn, mỗi khi nhập cuộc ái ân nàng mạnh mẽ như con hổ rừng Cát Tiên. Ông rất say mê Thăm, nhưng không thể dành cho nàng đặc ân riêng. Nàng cũng phải ăm cơm chung với mọi người.

Trong vai trò người tớ của gia đình địa chủ Hương Nhu, Trần Đình được đối xử như người nhà, anh giữ trâu nhưng được ngồi cùng mâm với chủ. Mẹ anh, người đàn bà góa được cất nhà trong khu vườn bưởi rộng của Hương Nhu. Chính sự gần gũi ấy đã nảy nở tình yêu giữa Trần Đình và người vợ thứ của ông địa chủ. Nhiều đêm Trần Đình lẻn vào phòng Thăm để tư tình. Cho đến một đêm trăng sáng, Thăm gục đầu vào vai anh, sau cuộc truy hoan:

– Em không muốn lén lút như thế này mãi.

– Biết làm sao bây giờ?

– Chúng ta trốn đi anh nhé!

– Đi đâu?

– Em nghĩ ở phía thượng nguồn, bên kia sông, làng cũ của em, vùng đó là vùng trắng không có chính quyền, chúng ta sẽ xây dựng lại.

Trần Đình không biết anh có yêu Thăm hay không? Nàng mới ngoài ba mươi, lớn hơn Trần Đình khoảng mười tuổi, vẻ đẹp mặn mà của thiếu phụ hút hồn Trần Đình. Thăm thật tuyệt vời trong những cuộc truy hoan. Chỉ cần hai ngày không được gần gũi nhau là cả nàng và anh đếu muốn vỡ tung. Hương Nhu bắt đầu nghi ngờ mối quan hệ của Trần Đình và Thăm.

Thăm cởi trần vai áo:

– Anh xem đây!

– Cái gì thế này?

Trần Đình hỏi khi nhìn thấy những vết bầm trên bờ vai tròn trịa của Thăm.

– Đêm qua lão Hương Như đã cắn em, lão nghi ngờ em ngoại tình nên hành hạ em suốt đêm, mình trốn đi nhé anh.

– Đi thì đi.

Trần Đình dứt khoát trốn đi, vừa rời khỏi vườn bưởi, bất ngờ có tiếng ồn ào và tiếng phèng la, ông Hương Nhu phát hiện, lệnh cho người làm đốt đuốc sáng cả cù lao để đuổi theo hai kẻ gian phu và dâm phụ.

– Bọn chúng kia rồi.

Những đầy tớ phát hiện và đuổi theo họ. Họ nắm tay nhau chạy nhúi nhụi về phía bờ sông, con sông mênh mông trước mặt, Thăm rùng mình đứng lại, cô không biết bơi, Thăm đẩy vai Trần Đình:

– Anh chạy đi kẻo lão bắt được thì chết.

– Em làm sao?

– Lão sẽ không làm gì em đâu, em sẽ tìm cách đến với anh sau.

Trần Đình ngập ngừng cho đến khi đoàn người rầm rập chạy đến, Trần Đình nhảy ùm xuống sông. Đám đầy tớ vây quanh Thăm, nàng kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Thăm đẹp rạng rỡ dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đuốc. Ông Hương Nhu vừa đến, ông đưa cây gậy lên rồi hạ xuống. Trên cù lao Dao, ông là vua, một vùng đất gần như được chính quyền Sài Gòn cho tự trị. Hương Nhu là hậu duệ của Trần Tướng quân, nên dân chúng coi ông như người cai trị vùng đất, quyền sinh sát trong tay ông. Chính quyền chỉ hỗ trợ ông cảnh sát và lính để giữ trị an và ngăn chặn sự xâm nhập của phía bên kia, còn mọi chuyện do ông quyết định. Việc làm của Thăm là một sự sỉ nhục lớn đối với ông và tổ tiên của ông.

– Hãy đưa cô ta về nhà.

Những người đầy tớ hùng hổ xông vào trói tay nàng, cái bọn đầy tớ này lạ thật, hàng ngày chúng sợ nàng một phép, mỗi khi gặp bà Ba chúng len lét như rắn mồng năm, nhưng hễ có chút quyền hành là chúng như ác thú. Thăm cúi gầm mặt lê bước trước những cặp mắt khinh bỉ của dân cù lao, trẻ con rồng rắn theo đằng sau, lúc này nàng mới thấm thía nỗi nhục nhã của người đàn bà ngoại tình. Dân cù lao vốn không ưa nàng, trong dòng máu của họ luôn ngấm ngầm sự phân biệt giữa người Kinh và người Mạ, dù tổ tiên của họ chính là tổ tiên của mẹ nàng. Những tiếng xì xầm như cố ý lọt vào tai nàng:

– Mọi vẫn hoàn Mọi, y như cái thời chúng còn ăn lông ở lỗ.

– Con Mọi cái dâm đãng.

Dân làng nhổ vào mặt nàng.

Thăm cắn chặt môi, lúc này nàng thể hiện rõ dòng máu ngang bướng của dân tộc nàng, một dân tộc khai sinh ra xứ sở này, chứ không phải tổ tiên của Hương Nhu, như lão thường khoe khoang. Tổ tiên lão chỉ đến đây chiếm đất. Mẹ nàng là con gái của trưởng bản người Mạ. Nếu không vì cha nàng, một người Kinh đàng điếm và bài bạc đến phá sản phải gả bán nàng cho Hương Nhu, thì nàng vẫn là cô gái tự do miền sơn cước. Nhan sắc của nàng đưa nàng lên bậc nữ chúa trong đám trai làng. Ngày Hương Nhu đến đưa nàng về dinh, ông phải nhờ đám cảnh sát hộ vệ, nếu không ông đã trúng tên độc của các chàng trai người Mạ. Không phải nàng chỉ say mê thân thể cường tráng của Trần Đình, mà chính tiếng bló của Trần Đình đã cuốn hút nàng. Trần Đình học được cách thổi bló của đám trẻ người Mạ khi anh đi chăn trâu với chúng. Tiếng bló réo rắt hàng đêm cuốn nàng ra khỏi chăn êm, nệm ấm.

 

Hương Nhu trằn trọc suốt đêm, ông tức tối, tại sao người như Thăm lại có thể để cho một thằng chăn trâu như Trần Đình giày vò thân xác. Ông biết đàn bà xứ này mạnh mẽ, nhưng ông không tin họ lại dễ dàng trao thân cho người đàn ông khác như vậy. Ông nhốt Thăm vào trong nhà kho, đó là điều ông không muốn, nhưng “quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, ông không đủ can đảm đánh nàng, nhưng vẫn phải trừng phạt. Ông đã nhốt Thăm cả tháng nay, để mai phục Trần Đình. Lúc đầu Thăm cũng nghĩ Trần Đình sẽ về cứu nàng, nhưng anh ta vẫn bặt tin, nếu anh ta là người Mạ thì sẽ như thế nào? Chắc chắn anh ta sẽ đến cứu nàng, những chàng trai người Mạ rất dũng cảm. Nàng rất tiếc cuộc đời của mình, cuộc đời của mẹ. Mẹ nàng đã bị phá hư bởi đàn ông người Kinh và đời nàng cũng vậy. Ngồi nhìn qua chấn song ngoài vườn, nàng nghe rõ âm thanh côn trùng trong đêm trường tịch mịch, tiếng côn trùng của xứ này ẽo ượt chứ không hùng hồn như xứ của nàng, nàng nhớ những chàng trai người Mạ, nhớ tiếng bló của họ. Nàng nhớ câu chuyện cổ của mẹ nàng:

“Vào thời xa xưa khi Yang K Bôong tạo nên vùng đất mênh mông từ núi cao, người tạo ra con lươn để sắp đặt ao hồ, con heo rừng để khổng lồ đào đất làm núi non. Người khổng lồ Iut giúp Yang K Bôong phân cách trời đất. Đồi núi bị cựa của con gà khổng lồ xé ra thành thung lũng. Nak Grai là con rắn khổng lồ làm chảy sông và thác nước…

Trước khi lui về bên kia trái đất, K Bôong sai các con là Doot, Doi tạo ra cô nàng K Yôo và nàng Kôong xinh đẹp để tạo ra con người. Khổng lồ Iut cai quản mặt đất. Các bộ tộc của người Mạ đi dần về xuôi nơi có những cánh rừng thưa và những dòng sông. Họ đến nơi có rất nhiều con nai xinh đẹp do KBôong tạo ra, ở đó có dòng sông nhỏ, nước trong vắt, họ biết trồng cây lúa bên dòng sông này và tại nơi đây có chuyện tình cảm động của nàng Kôong và chàng KYae. Chàng KYae có tài thổi bló. Tiếng bló của chàng vừa dìu dặt réo rắt, vừa hùng tráng hoang dại như tiếng gió thổi qua rừng đại ngàn. Nàng Kôong đẹp rực rỡ khiến cho rừng lặng gió mỗi khi nàng đi qua, sắc đẹp của nàng Kôong được chim rừng mang đến tận tai của khổng lồ Iut. Bất chấp luật lệ của Yang K Bôong, khổng lồ Iut đã rời nơi cư trú của mình trên núi cao để đến bắt nàng Kôong ép nàng làm vợ của mình. Khổng lồ Iut tạo ra ngọn thác trên con sông hiền hòa và gọi cá sấu về canh giữ nàng suốt ngày đêm. Kyae nhớ thương người tình, chàng ngồi bên này dòng sông, trên ngọn thác để thổi bló gọi bạn tình. Vào một đêm trăng khi người khổng lồ Iut đi kiếm ăn, nàng Kôong nghe tiếng bló của bạn tình nàng đã chạy ngược lên trên ngọn thác lớn và nhảy xuống sông để trốn. Thấy những con cá sấu đuổi theo nàng, chàng Kyae đã nhảy xuống sông. Những con cá sấu vây quanh. Mặc dù Kyae đã dũng cảm chiến đấu, nhưng cuối cùng sức người không địch nổi cá sấu, máu đỏ loang mặt sông và hai người đã chết. Khi Yang K Bôong biết chuyện người quay về trừng trị khổng lồ Iut và cho linh hồn họ biến thành hai dòng thác quấn quýt bên nhau suốt ngày đêm nơi mà nàng Kôong đã nhảy xuống. K Bôong đã biến khổng lồ Iut thành tảng đá bên cạnh để chứng kiến cảnh hạnh phúc của họ.”

 

Câu chuyện trên khiến nàng mất hy vọng vào Trần Đình, mẹ nàng đang vẫy gọi nàng bên ngọn thác Đá Bàn tung bọt trắng xóa…

***

Trần Đình tham gia đội quân du kích trong rừng, sau chuyến vượt sông đêm ấy, anh đã trở thành con người huyền thoại nhờ lòng dũng cảm và tài xuất quỷ nhập thần. Anh mong có ngày trở về cù lao để trả mối thù với lão Hương Nhu, người gây ra cái chết của Thăm, nhưng chưa có dịp. Trong lòng anh sự hận thù đốt cháy mọi lý tưởng, đốt cháy những bài học về lòng nhân ái cách mạng mà cán bộ Trương Phước Tư, biệt danh Tư Ngồng, đã dạy cho anh. Chính lòng căm thù bắt anh phải trả giá!

 

 
CHƯƠNG 23

 

Chuyện kể của nhà thơ:

Thái độ của anh, hành động của anh, tình yêu của anh, khiến nàng hoang mang. Đâu là tình yêu đích thực?

 

Trần Việt chiếm cứ vùng thượng lưu dòng Thanh Long, đó là xứ sở của những người Mạ. Ông già tiên tri cho chàng biết nơi đây là lãnh thổ của thần linh, nhưng chàng chưa gặp thần linh bao giờ, chàng chỉ gặp ông già tiên tri, không có tuổi. Ông ta đã chọn chàng là người cai trị của vương quốc Mạ sống dọc thượng nguồn dòng sông Bù Cháp. Sau ngày Trần Tướng quân thả ra, Trần Việt đã đi về phía thượng nguồn của dòng sông với lòng hận thù ngùn ngụt, chàng thề sẽ trở lại cù lao, sẽ đốt nó thành tro bụi và chàng đã làm được. Nhưng cái Trần Việt cần: Tình yêu! Tình yêu dường như đã chết trong Gấm. Nàng đi theo chàng mà đôi mắt đẫm lệ. Đoàn người trở về với trạng thái mệt nhọc, những con ngựa chiến hừng hực khí thế rủ bờm chậm chạp lê bước.

Trần Việt nhìn Gấm, trái tim đau đớn. Mười tám năm, thời gian dài đằng đẵng nuôi chí phục thù để có được nàng, nàng có biết không? Chẳng lẽ nàng đã không còn yêu ta, không chờ đợi ta? Chẳng lẽ nàng đã quên lời thề thốt bên bờ sông năm nào? Nàng có nhớ gì không? Ta không thể nào quên. Ngày ấy, ta chìm ngập trong mùi hương hoa bưởi từ mái tóc của nàng, từ cơ thể trinh nguyên của nàng. Khi choàng tỉnh ta đã quỳ sụp trước mặt nàng, ta xin lỗi, ta van lạy, ta đấm ngực. Dưới ánh trăng thượng tuần lung linh trên mặt sông, đôi mắt nàng lóng lánh, ngời sáng hạnh phúc, nàng ôm đầu ta vào lòng, dỗ dành như em bé: “Anh có lỗi gì đâu, em sẽ không bao giờ hối hận, em rất mãn nguyện khi anh là người đàn ông đầu tiên của em”.

Trần Việt đã thề là cho dù tan xương nát thịt chàng cũng sẽ về cứu Gấm khỏi tay lão già ấy. Gấm cũng thề sẽ mãi mãi thương người đàn ông đầu tiên trong đời nàng! Dòng sông rì rầm chứng kiến lời thề non hẹn biển của hai người.

Ngày xưa, nàng không nhớ sao, chính nàng đã hát cho ta nghe câu hát quê mình:

Sông dài con cá lội biệt tăm,

Người thương có ngãi (nghĩa) trăm năm cũng tìm về.

Trong giấc mơ hàng đêm giữa đại ngàn, ta mơ thấy nàng lao vào vòng tay ta. Ta đã tìm về với nàng đây, nhưng chỉ nhận được ánh mắt lạnh lùng, nàng quên câu hát xưa rồi sao?

Trần Việt cúi gầm đầu như bờm của con ngựa chiến mà chàng đang cỡi. Những gì chàng đã làm trong suốt mười năm qua, chỉ để dành cho người con gái mà chàng đã yêu thương và đã được yêu thương.

***

Nhìn bụi đường đỏ quạch mái tóc rễ tre của Trần Việt, gió lộng tơi bời, Gấm dâng lên niềm thương cảm. Suốt ba ngày qua, ba ngày băng rừng lội suối, chạy trốn quan quân triều đình, anh chưa hề để nàng đặt chân xuống đất. Thái độ của anh, hành động của anh, tình yêu của anh, khiến nàng hoang mang. Đâu là tình yêu đích thực? Gấm không biết mình yêu Trần Việt hay Trần Thượng công? Hai mươi năm ở bên ông, nàng được đối xử quá tốt, nhưng nàng không bao giờ là mục tiêu cuối cùng của Trần Thượng công, ông có quá nhiều người đàn bà, quá nhiều tham vọng. Nàng sanh cho ông một đứa con, nhưng không vì thế mà địa vị của nàng cao hơn những bà vợ cố quốc của ông. Nàng đã từng kính trọng ông, đó có phải tình yêu không? Trước đây không ai nói cho nàng biết thế nào là tình yêu đích thực. Dân tộc nàng vốn rất tự do trong chuyện nam nữ cho tới khi ông đến. Ông đã mang đến xứ sở nàng thứ lễ giáo nghiệt ngã. Cha mẹ nàng tin ông, dân chúng cũng tin ông và cha mẹ dâng nàng cho ông, theo tục lệ của ông; cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cha mẹ đã cấm nàng sống như trước đây. Nàng có yêu ông hay không? Câu hỏi xoay mãi trong đầu nàng. Phải chăng nàng đã ngộ nhận bởi nhung lụa và hoan lạc. Mười lăm năm nay, ông đã bớt mặn nồng với nàng. Có đêm nàng cũng nhớ đến Việt, nhưng chỉ thoảng qua. Nàng không ngờ anh trở về, nàng chỉ giận sao anh trở về trong tư thế của kẻ cướp? Nàng giận vì anh đã đưa ngoại bang về để tàn sát đồng bào của mình.

– Mời nữ hoàng xuống ngựa.

Gấm giật mình, người lính kê lưng cho nàng bước xuống. Trần Việt cũng đã xuống ngựa. Doanh trại của quân khởi nghĩa nằm giữa rừng già, khá khang trang. Những cô gái Mạ ùa ra chào đón đoàn quân, họ chuẩn bị những con heo rừng nướng thơm phức, để đón những người đàn ông của họ. Những người lính lấy vòng vàng cướp được ở cù lao trao cho các cô gái. Hai cô gái người Mạ, ngực trần, lộ ra bầu vú tròn trịa săn chắc, đón nàng vào ngôi nhà sàn, dưới những tàng cây lớn. Ngôi nhà sàn làm bằng những cây gỗ to, mái nhà cao vút, cong theo hình cánh cung được lợp bằng thứ lá dày to bằng bàn tay, đan chằng chịt vào nhau, công phu và khéo léo. Cầu thang trang trí cầu kỳ. Trần Việt đứng sẵn dưới chân cầu thang. Anh đưa tay mời nàng:

– Ngôi nhà này anh đã làm và để cho em, nó là của em.

Nàng không nói gì, nhưng dành cho anh cái nhìn ấm áp hơn. Bên trong ngôi nhà, mùi trầm hương thơm phức. Sàn nhà được trải lớp đệm da cọp. Gấm không ngờ Trần Việt yêu nàng đến như vậy. Tắm rửa xong, nàng ngủ vùi đến tận sáng hôm sau. Nàng vươn vai, bên ngoài sân, tiếng cồng chiêng và nhã nhạc tưng bừng. Nàng bước ra hành lang, khoảnh sân được trang hoàng rực rỡ và thơm nức, bởi hàng ngàn loại hoa rừng, những chàng trai người Mạ đánh chiêng, những cô gái ngực trần múa theo nhịp chiêng. Họ chào đón nàng như nữ hoàng. Trần Việt xuất hiện giữa đám rước như một ông vua. Anh đội mão lông chim trĩ trắng. Anh ngước nhìn nàng và vẫy tay, mười cô gái người Mạ tiến lên cầu thang, choàng lên người nàng chiếc áo lông công sặc sỡ. Trần Việt chậm rãi xuống ngựa và đi lên từng bậc cầu thang. Gương mặt nghiêm nghị, anh nói với nàng:

– Anh xin được cầu hôn em!

Một chút ngập ngừng, Gấm đặt tay lên tay Trần Việt. Tiếng cồng chiêng vang lên.

Sao anh oai phong như vậy? Mãi sau này Gấm mới biết, anh được làm tù trưởng người Mạ nhiều năm qua, nhờ vào sự chọn lựa bởi thần linh mà người Mạ rất tin. Giữa sự sùng kính còn mê muội hơn những người dân cù lao dành cho Trần Tướng quân, Trần Việt vẫn không chọn bất kỳ cô gái nào trong bộ tộc. Anh nói với họ rằng một ngày nào đó nữ hoàng của họ sẽ trở về. Họ đã làm căn nhà cho nàng trong mười năm trời. Tình yêu thực sự đã trở lại với Gấm, nàng nghĩ vậy.

***

Đêm, lễ hội tưng bừng diễn ra giữa khu rừng già, dưới bập bùng ánh lửa. Những chú nai rừng quay vàng trên đống lửa, rượu cần bày khắp nơi, mùi rượu, mùi thịt nướng, mùi núi rừng hòa quyện thơm phưng phức. Các cô gái nhảy múa quanh nàng, trong tiếng chiêng u… u hoang dại được vọng lại bởi đại ngàn, họ choàng vào người nàng những vòng hoa và nâng nàng lên trong tiếng bló réo rắt. Trần Việt ngồi trên gốc cây lớn được đẽo gọt như ngai vàng, xung quanh những người lính lực lưỡng cầm ngang ngọn giáo. Chàng nhìn Gấm, nàng thật xinh đẹp, một vẻ đẹp rực rỡ của thiếu phụ tuổi ba mươi. Gấm ngất ngây giữa không gian huyền ảo và sự tung hô của các thần dân hoang dã. Khi còn ở với Trần Thượng công nàng cũng được cung phụng, nhưng chính ở đây nàng mới cảm thấy mình được tôn kính. Nàng không nghĩ Trần Việt ngờ nghệch bên bờ sông năm nào, lại có thể là Trần Việt ông vua không ngai giữa rừng già hôm nay. Gấm cảm thấy mình thật may mắn khi đã có người chồng như Trần Thượng công và một người yêu như Việt. Nàng biết rất rõ phụ nữ cùng thời không có ai được như mình. Nhất là từ khi Trần Thượng công áp đặt luật lệ của ông lên xứ nàng. Những cô gái đã không còn được yêu. May ra tình yêu và sự tự do chỉ còn tồn tại trong rừng sâu như ở đây.

Nhận ra tình yêu và sự tự do đích thực, Gấm đã không còn băn khoăn việc mình đã bị Trần Việt bắt đi và vì anh mà nàng rời bỏ Trần Thượng công.

Dòng họ Trần Việt đã hình thành trên vùng thượng nguồn dòng sông Thanh Long từ hôm ấy.

 
(Đọc tiếp)