Ta đã từng gặp nhiều người “biết” hay “mê” Paris nhiều hơn ta.
Ta chưa từng gặp ai yêu Paris như Chân Phương, như ta…
Phan Huy Đường, “Lang Thang Chữ Nghĩa”
bến Montebello* chuông đổ
cốc bia sủi bọt tà huy
bonjour chủ thể
bonsoir ngã tính
trên bản đồ métro tơi tả
bóng lữ khách nhạt nhòa
vienne la nuit sonne l’heure*…
chợt nhớ Apollinaire
khi lê bước qua Pont des Arts*
trôi hoài
trôi đi hoài
dòng Seine, sông Charles, Cửu Long, Hoàng Hà…
giữa Paris-Mandala*
thì thầm với đá mòn bia vỡ
l’homme toujours en chantier
c’est moi*
—
Chú thích:
Các thủ đô lịch-sử văn hóa lớn cũng là mê trận tâm linh nơi lữ khách có thể đốn ngộ trong khi đi lạc; đó là ý nghĩa của Paris-Mandala. Bến Montebello trên tả ngạn sông Seine nhìn qua thánh đường Notre Dame là chỗ tôi thường nghỉ chân khi đi dạo hay tìm sách cũ ở Quartier Latin. Cầu Pont des Arts, một đầu là bảo tàng Louvres, một đầu là Institut de France – chốn họp của mấy vị hàn lâm viện sĩ Pháp – được coi như một tâm điểm của các giá trị tinh thần. Kenneth Clark, mở đầu cuốn Civilisation, từng nói: “ Muốn hiểu văn minh là gì, bạn hãy đứng trên cầu này mà suy nghĩ” (trích theo trí nhớ). Vienne la nuit sonne l’heure… (đêm đến, chuông đồng hồ réo) là một câu từ bài thơ lừng danh “Le Pont Mirabeau” của Apollinaire; về sau thi hào Paul Celan đã nhảy xuống sông Seine tại khúc cầu này! Câu cuối cùng là một tuyên ngôn hiện sinh ngắn gọn của tác giả bài thơ này, khó mà chuyển trọn nghĩa sang tiếng Việt. Tạm dịch: Con người chưa hoàn thành – mãi mãi như một công trường, chính là tôi. (Chân Phương)