CHƯƠNG 10
Linh hồn tồn tại dưới dạng sóng, như sóng truyền hình hoặc sóng điện thoại.
– Người ta đang điều tra về cái chết của Tư Ngồng.
Bảy Tánh mở đầu câu chuyện tại quán cà phê của Lụa. Nói xong y đưa mắt nhìn nhà thơ, cứ như anh là thủ phạm sắp bị lôi ra ánh sáng.
Nhà thơ nhiều lần khẳng định có một thế giới phi vật chất song song với thế giới chúng ta và họ đang quan sát chúng ta. Không biết có phải ý nghĩ khác thường ấy không, mà Miên Trường từ bỏ vinh hoa để đến vùng quê này sưu tầm truyện cổ.
Bảy Tánh trêu nhà thơ:
– Nhà thơ ơi! Ông bảo có linh hồn vậy các người chết rồi linh hồn của họ ở đâu?
– Ở ngay trước mặt chúng ta – Miên Trường bình thản trả lời – Linh hồn tồn tại dưới dạng sóng như sóng truyền hình hoặc sóng điện thoại vậy, chúng ta đâu nhìn thấy sóng đúng không? Nhưng nó đang tồn tại và cái ti vi nhận ra nó. Những nhà ngoại cảm đi tìm mộ do họ được Thượng Đế ban cho họ khả năng như cái ti vi, họ bắt được sóng của linh hồn, tất cả linh hồn tồn tại ở thế giới song song. Đó là một thế giới tồn tại ở chiều thứ tư của không gian. Anh biết có không gian ba chiều sao không tin có chiều thứ tư?
Bảy Tánh khẽ rùng mình, y sợ ý tưởng của anh, Bảy Tánh thường tỏ ra không tin vào quỷ thần và linh hồn, y không theo bất kỳ tôn giáo nào cả. Mỗi lần nghe Miên Trường nói, y thấy tội ác của mình ngập tràn. Mỗi ngày, y giết hàng chục con heo, nếu chúng nó có linh hồn thì y sẽ vô cùng khổ sở trước sự trả thù của chúng. Thực ra trong tiềm thức y luôn tin tưởng vào thần linh, mỗi lần cầm dao chọc vào cổ con heo là y khấn nguyện tất cả các đấng quyền năng xin phép hóa kiếp cho con vật bị loài người khinh bỉ này. Ừ! Con người lạ thật, khi nuôi con heo, thì họ nâng niu như đứa con, phục vụ nó tận tụy, cho nó ăn, tắm rửa, dọn chuồng, mỗi khi nó trở mình là họ mất ngủ, chạy đôn, chạy đáo, vậy mà mỗi lần chửi ai, họ lại mang con heo ra để ví, nào là: ngu như heo, dơ như heo, tham ăn như heo và khi coi phim sex họ gọi là phim con heo. Rồi khi mà tống khứ được con vật ấy cho y, họ hể hả ra mặt.
Y cũng đâu muốn làm nghề đồ tể làm gì, thời thế đưa đẩy buộc y phải cầm dao vậy thôi. Nhiều khi bị người đời chửi, y tự an ủi: “Dù sao ta cũng chỉ cầm dao giết heo, khối thằng đồ tể cầm dao giết cả người thì sao?”
Đưa ly cà phê bỏ nhiều đường ngọt lịm lên miệng, y nhìn Lụa, nhấp một ngụm, thưởng thức vị ngọt dễ chịu, vị mà Bảy Tánh ghiền còn hơn thuốc phiện.
– Cho anh điếu con mèo đi cô em.
Lụa vươn cánh tay nõn nà về phía Bảy Tánh, y chụp điếu thuốc, cố ý chạm vào cổ tay cô chủ quán. Lụa nhẫn nại chịu đựng sự suồng sã của y, nhìn đôi mắt đượm buồn của Lụa, Bảy Tánh cúi mặt áy náy. Nhà thơ nhìn ra sông, khe khẽ ngâm:
Em còn đứng bên bờ sông mát lạnh
Cho đầy hồn mơ ước viễn vông
Ta còn đứng bên bờ sông mát lạnh
Cho mưu toan tự tử âm thầm
(Thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Bảy Tánh buông lời bình phẩm không ăn nhập đến bài thơ:
– Tất nhiên Tư Ngồng không thể tự tử, ai mà có thể tự làm bể tim của mình được?
Rồi y hỏi vu vơ:
– Ai làm bể tim của mình được nhỉ?
– Có đấy – Nhà thơ trả lời – Phụ nữ có thể làm bể tim bất kỳ gã đàn ông nào.
Bảy Tánh cười khùng khục.
– Cũng có lý, nhưng chỉ có những trái tim yếu đuối như nhà thơ thôi, chứ trái tim của một quan chức như Tư Ngồng, phụ nữ nào có thể làm bể cho nổi?
Nhà thơ bình thản trả lời:
– Không có trái tim nào có thể chịu nổi trước tình yêu và lòng thù hận.
Lụa đưa mắt ủng hộ nhà thơ:
– Anh nói đúng.
Mọi người trong quán lắng nghe cuộc trò chuyện giữa ba người như một thú vui, ở nhà ai cũng có cà phê nhưng họ thích ra quán vì nghiện những cuộc tán gẫu vô bổ như vậy.
Miên Trường biết, những người nông dân không hiểu những điều anh nói, nhưng họ thích nghe. Con người đôi khi như thế, có những điều họ không hiểu được, nhưng họ thích nghe, như âm nhạc và thơ ca chẳng hạn, bởi họ cảm nhận được sự gần gũi của nó trong đời sống tâm hồn họ, ngôn ngữ đối với họ có những lúc hoàn toàn vô nghĩa, nhưng những gì chứa đựng bên trong ngôn ngữ lại có ý nghĩa nào đó trong đời sống của họ, với điều kiện nó phải thật. Những người dân lao động dày dạn kinh nghiệm đời sống, nhanh chóng nhận ra sự giả dối trong ngôn từ. Nhân dân cần gì ở thơ ca?
– Thôi nhà thơ ở lại với các linh hồn của anh, bái bai người đẹp, anh đi đây.
Bảy Tánh tếu táo rồi lên xe hon đa vù đi, chiếc xe hon đa sáu bảy tồi tàn là phương tiện mưu sinh của y. Trước đây, chiếc xe này là niềm kiêu hãnh của y. Thời chiến tranh, cả cù lao chỉ có một chiếc xe máy.
Đó chính là chiếc xe của trung sĩ cảnh sát Bảy Tánh. Bây giờ có nhiều xe các loại, chiếc hon đa của Bảy Tánh thành đồ cổ, y dùng nó để chở heo.
CHƯƠNG 11
Mọi cuộc chiến nhìn từ phía trước đều là chính nghĩa.
Đó là buổi chiều ngun ngút gió, những cánh diều bay lượn trên không trung, bầy sẻ nâu ríu rít sà xuống cánh đồng vừa gặt xong. Khung cảnh thanh bình ấy, nhìn bề ngoài là vụ lừa đảo ngoạn mục, hoặc trò đùa của thiên nhiên giữa những ngày tang tóc của cuộc chiến tranh. Mọi cuộc chiến nhìn từ phía trước đều là chính nghĩa. Trần Đình có may mắn được nhìn cuộc chiến từ phía trước. Anh đã tham gia cuộc chiến với tất cả lý tưởng và sức lực của thời trai trẻ hoặc ít ra anh đã biện hộ như vậy. Trong buổi chiều thanh bình giả tạo ấy, Trần Đình từ rừng trở lại cánh đồng sau đợt càn quét, khủng bố ác liệt của đối phương. Anh là người chỉ huy của đội quân du kích giữa vùng chiến sự ác liệt nhất của miền Đông. Sự tỉnh táo gan dạ của anh khiến cho đối phương kinh hồn bạt vía. Quân đội Cộng hòa đã từng đặt mua cái đầu của anh với số tiền tương đương ba ký lô vàng, nhiều lần bị lọt vào ổ phục kích nhưng anh đều thoát nạn. Khẩu súng ngắn Trần Đình đeo bên hông là món quà tặng của cấp trên, món quà anh nhận được sau trận đánh “đơn thương, độc mã”, một mình, một tiểu liên xông vào phá hoại cuộc bầu cử của đối phương. Đó là trận đánh tạo ra nhiều huyền thoại xung quanh cuộc đời “vị anh hùng” xuất thân từ đứa trẻ chăn trâu như Trần Đình. Nhân dân đồn thổi rằng khi đối phương chào cờ và mời các quan chức bỏ lá phiếu đầu tiên để bầu Tổng thống, anh hùng Trần Đình bất ngờ hiện ra như vị thần, tay tung lựu đạn tay kẹp tiểu liên xả đạn vào đám quan chức, phá vỡ cuộc bầu cử, giết chết hơn mười người lính dân vệ và biến đi như có phép thuật. Thật ra trận đánh ấy, anh nhờ vào một người phụ nữ. Sau trận đánh, cấp trên hết lời khen thưởng và gởi tặng Trần Đình khẩu súng với sắc lệnh: “Mỗi viên đạn một mạng thù”. Nhìn món quà anh rất cảm động. Ở chiến trường ác liệt này, với vai trò của người chỉ huy du kích như anh, thì “mỗi viên đạn một mạng thù”, làm sao thắng được đối phương có hỏa lực mạnh gấp trăm lần. Anh chỉ mới sử dụng có một viên trong khẩu súng ấy, một phát súng lệnh đúng lúc, tiêu diệt gọn trung đội biệt kích của địch. Nhớ chuyện ấy, anh mỉm cười.
– Anh cười gì thế? – Cậu lính trẻ đi cạnh bên hỏi.
Trần Đình nói tránh:
– Ta cười vì nghĩ đến buổi gặp gỡ với bà ấy, ta rất vui. Đời ta có thể thiếu mọi thứ nhưng không thế thiếu đàn bà.
Cậu lính trẻ cười lớn.
– Mày cười gì?
– Em cười vì anh cái gì cũng giỏi, đánh giặc cũng giỏi mà khoản đàn bà cũng giỏi.
– Mày thấy mấy con gà trống thiến có làm nên trò trống gì không? Cấp trên chỉ thị cái gì cũng đúng, riêng việc cấm cái khoản ấy là không đúng.
Không để ý lời cấp trên, anh lính nhìn về phía cánh đồng, sao im lặng quá vậy? Anh chợt nhớ câu hát trong bài ca mà anh nghe lén từ đài phát thanh của đối phương: “Đời người sao im vắng như đồng lúa gặt xong”. Mấy bài hát của Trịnh Công Sơn, ông nhạc sĩ phản đối chiến tranh này anh rất mê, nhưng cấp trên cấm, anh không hiểu vì sao lại cấm những bài hát hay như thế. Anh sợ hãi chiến tranh, anh đã thấy những đứa trẻ bị tung lên trời thịt xương lả tả, bàn tay bé xíu co giật liên hồi như cố níu cuộc sống. Anh tưởng tượng đứa trẻ tan ra như quả pháo, khiếp! Chiến tranh chẳng có gì đáng ca ngợi. Anh đã nhiều lần chứng kiến những người lính đối phương, cũng khóc thét lên khi bị thương, hoặc trước khi bị giết. Nhiều lần phát biểu linh tinh, anh bị Trần Đình rút súng ngắn đòi bắn, để loại ra khỏi cuộc chiến tên trí thức nửa mùa phá hoại tinh thần chiến đấu. Trần Đình dọa vậy thôi chứ chưa bao giờ bắn lính. Chúng nó sai thì sửa, đời người thằng nào chả sai, bắn hết lấy lính đâu mà đánh giặc.
Tạch tạch tạch.
Bất ngờ tàu rọ xuất hiện phía bờ sông, Trần Đình và cậu lính lao vào bụi tre. Trần Đình đặt tay lên khẩu súng và quả lựu đạn đeo bên hông. Cậu lính ghếch mũi súng lên bờ ruộng. Loại tàu rọ thường xuất hiện bất ngờ giữa đồng không để quăng lưới bắt Vi Xi – là tên gọi của lính ngoại quốc gọi đội quân giữ nước. Chiếc tàu rọ lượn vòng và xả đạn vào bụi tre. Nhanh như chớp, Trần Đình lia loạt AK, chiếc tàu bay chao đảo hai vòng rồi cắm xuống ruộng bốc cháy.
Một loạt ca nông rót dồn dập cày nát vùng đất xung quanh khu vực chiếc tàu rọ vừa bị bắn. May là Trần Đình và cậu lính trẻ đã kịp vọt xuống bờ mương chạy ngược về phía Thác Đá Bàn.
Vài phút sau, một chiếc máy bay trực thăng nhỏ rảo vài vòng trên làng Vĩnh Thanh, ngôi làng nằm sát bìa rừng chiến khu. Truyền đơn lả tả như bầy bướm trắng năm hạn hán. Mặt sau tờ truyền đơn vẽ ngôi nhà bốc cháy với dòng chữ hăm dọa “Nếu các bạn che giấu cho VC, ngôi làng của các bạn sẽ như thế này.” Mặt kia của tờ truyền đơn kêu gọi mọi người nhanh chóng rời khỏi làng vì quân đội đồng minh sẽ ném bom hủy diệt nơi ẩn náu của VC trong làng. Dân làng nhốn nháo gồng gánh. Trần Đình biết được nội dung của tờ truyền đơn, anh lẩm bẩm:
– Mẹ! Bọn mũi lõ này ngu như heo, thả bom mà báo trước, còn lâu mới diệt được Vi Xi.
Nửa giờ sau khi truyền đơn thả xuống, máy bay gầm rú trên bầu trời Vĩnh Thanh và trút xuống những quả bom hung hãn, cả làng đỏ rực, dân làng dồn ra đồng nhìn về những ngôi nhà của mình và khóc!
– Đù mẹ!
Trần Đình nhổ bãi nước bọt và chửi đổng:
– Bọn chó này làm mất toi một buổi băng rừng của tao. Thế nào tao cũng lấy mạng vài thằng phi công.
Trần Đình chửi thề không chỉ vì hậm hực với chuyện hỏng cuộc hẹn, mà thực sự tức giận vì cuộc chiến tranh, tức giận thực sự với những kẻ thù xâm lược. Vào buổi chiều bầu trời đỏ rực như máu của nhiều năm sau, linh hồn Trần Đình bay về vùng đất đầy chiến tích này để tự vấn: mình đã thực sự tức giận bọn ngoại xâm hay mình chiến đấu vì cá nhân? – Đó là chuyện của nhiều năm sau. Trần Đình rê mũi súng theo chiếc máy bay FAC đang quần đảo trên bầu trời của làng Vĩnh Thanh, ngôi làng tan hoang sau đợt bom. Anh lính trẻ run rẩy:
– Anh nổ thằng này, em sợ chúng rải bom nữa, cả làng sẽ chẳng còn gì?
– Mẹ kiếp! Mày câm đi! Chẳng có lập trường tư tưởng gì cả.
Mũi súng rê theo chiếc máy bay và khạc ra lằn đạn, chiếc máy bay chao vài vòng, phựt lửa và chúi xuống giữa cánh đồng gần chỗ những người dân đang tụ tập nhìn về ngôi làng của mình, một ngọn lửa phụt lên rồi những tiếng la khóc của dân làng.
Trần Đình vọt chạy về phía cánh rừng, vài phút sau bầu trời gầm rú, những con người yếu đuối rách rưới, bị coi là Vi Xi, đau đớn nhúi nhụi giữa đám ruộng máu, thịt xương của họ tan ra dưới trận mưa bom, những mẩu thịt tung lên trời, bờ tre vắt lòng thòng những đoạn ruột, những cái đầu be bét mắt mở trừng, cuống họng đứt toạc phì phò bọt khí. Trần Đình lầm lì đi vào rừng, anh lính trẻ vừa đi vừa khóc, anh nôn thốc, nôn tháo. Đây là vụ thảm sát kinh hoàng lần thứ hai mà anh chứng kiến, lần trước bọn lính Đại Hàn bắn những người dân cù lao cũng man rợ không kém vụ thả bom lần này, chúng lùa dân ra ruộng, bắt ngồi xuống và xả đại liên, không một ai bỏ chạy được. Lần ấy, anh và Trần Đình nhìn xuống từ đỉnh núi Hắc Long, anh chứng kiến tất cả sự man rợ của vụ thảm sát. Cằm Trần Đình bạnh ra đầy vẻ căm thù, cho dù chính Trần Đình là người gài mìn giết chết năm người lính Đại Hàn. Lần ấy, anh biện hộ cho người chỉ huy của mình: Trần Đình không hình dung được kẻ thù man rợ như vậy!
Những vụ thảm sát ám ảnh anh nhiều năm sau, ám ảnh trong những bài thơ buồn vật vã của anh bên bờ sông mà anh lang thang đi tìm truyện cổ tích.
Những thịt xương tan tành như lịch sử
Những con người tàn bạo như chiến tranh
Những nấm mồ xanh màu địa ngục
Những cuộc đời khô khốc còng queo!
CHƯƠNG 12
Chuyện kể của nhà thơ:
Bằng cách này hay cách khác, hễ cứ ngoại bang đến đất nước này là xâm lược.
Ngày đầu xuân, nắng dát vàng trên cù lao, trên dòng sông và những vườn cây xanh mượt mà, cù lao nhộn nhịp tất bật cho ngày mới, tàu thuyền tấp nập dưới sông, quang gánh rộn ràng trên bờ. Những đoàn người lụng thụng khăn áo, mang những gói quà bọc giấy hồng điều đi về phía dinh thự. Con đường lát bằng đá hộc vào dinh của Trần Tướng quân, hai bên trồng hai hàng cau cao vút, những phiến đá hoa cương trắng, lấp lánh dưới nắng. Những phiến đá được làm ra bởi nhóm người đi theo Trần Tướng quân đến xứ này. Từ các tảng đá to được phá ra từ trên ngọn Hắc Long, họ tạo nên những phiến đá vuông vức để làm những con đường rất đẹp trong cù lao. Trước dinh thự của Trần Tướng quân hai con sư tử đá khổng lồ, ngồi ở tư thế chồm về phía trước như chuẩn bị vồ mồi. Những người yếu bóng vía đi ngang, không khỏi toát mồ hôi, khi thấy cặp mắt của con sư tử đá cứ nhìn theo mỗi bước chân của họ. Trên hai hàng cau trước dinh thự, hai dãy đèn lồng đỏ được giăng lên, ngay cổng chiếc đèn kéo quân quay chầm chậm, người ngựa, Hằng Nga, chú Cuội lần lượt diễu qua trước mặt khách. Bên trong dinh thự ồn ào huyên náo, tiếng gọi nhau í ới, tiếng heo kêu, bò rống, tiếng giã giò rộn rịp, tạo ra chuỗi âm thanh vui tai. Hôm nay là ngày tròn năm của công tử Trần Đại. Nàng Gấm rạng rỡ, nhìn con trai lụng thụng trong chiếc áo màu đỏ. Từ ngày công tử ra đời, Trần Tướng quân vui ra mặt, dù là người sống giản dị, nhưng hôm nay ông quyết định tổ chức bữa tiệc lớn để mừng người nối dõi tông đường.
Trần Đại khôi ngô, tuấn tú, khi sinh ra đời bên vành tai trái có bớt son màu đỏ, Trần Tướng quân cho là quý tướng nên rất nâng niu.
Trần Tướng quân thong thả dạo quanh dinh trại để xem mọi người làm việc. Thấm thoát ông đến xứ cù lao này đã mười tám năm trời, mười tám năm mở đất, dựng phố, miền đất mới đã trở thành thương cảng sầm uất. Thuyền buôn các nước Tây dương, Nhật Bản, Chà Và tụ tập giao thương ngày càng đông đúc. Ông đã giúp cho triều đình thâu tóm dần miền đất này về cho xứ Đàng Trong. Kinh tế của ông ngày càng mạnh, nhưng tin tức ở quê nhà ngày càng buồn hơn. Tổ chức “Thiên địa hội” của ông ngày càng phân hóa, chính quyền mới củng cố ổn định và có quân đội mạnh. Nhà Thanh tiêu diệt hầu hết những mầm mống phản loạn. Với đà này thì dù có tìm được lưỡi dao thần linh, ông cũng khó làm gì được kẻ thù! Nhưng không sao! Ông vuốt râu, ông đã có con trai nối dõi, sau bao năm chờ đợi ông cũng đã có thằng con trai. Ông đi dần về phía những người lính đang đẵn cây dựng rạp, ông hài lòng với những người lính địa phương mà ông mới tuyển vào dinh trại. Họ ngây thơ và làm việc cần cù, gần như chẳng ai phân biệt ông là ngoại bang. Ông ngập ngừng định nói với họ điều gì, nhưng rồi bước tiếp.
Bất ngờ ông nghe tiếng rít của cây rựa vung lên phía sau lưng. Với phản xạ của võ tướng ông nhảy sang một bên, lưỡi rựa bén ngót sạt bên vai, cắm phập xuống đất, rợn người. Ông xoay mình đá thốc vào giữa bụng chàng trai vừa chém ông, anh ta hơi chúi về trước, nhanh như chớp ông phóng cạnh bàn chân vào yết hầu, anh ta đổ gục xuống như cây chuối bị chặt ngang thân. Động tác của ông nhanh gọn, trước khi quân lính ập tới bắt tên thích khách. Ông ra lệnh:
– Đừng giết hắn, trói hắn lại giam vào ngục chờ ta xét hỏi, mọi người làm việc tiếp đi.
Những người lính trung thành của ông bồi tiếp cho tay thích khách mấy cú đạp vào mạn sườn, vào mặt, khiến người anh ta đầy máu.
– Đừng đánh hắn, giam hắn ngay đi, kẻo phu nhân biết chuyện không vui trong ngày đại hỷ.
Ông quay lưng bỏ đi như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Nghe huyên náo, Gấm trao con cho người vú nuôi bước ra ban công nhìn xuống. Người vừa âm mưu hành thích Trần Tướng quân bị giải đi, anh ngước nhìn nàng, đôi mắt anh ta buồn như buổi chiều bên sông ngày xưa, Gấm khẽ rùng mình – Việt – nàng nhận ra anh. Nhớ ngày chia tay bên bờ sông, đôi mắt rực lửa của Việt đã nhìn về phía dinh trại của Trần Tướng quân và rít lên: “Ta sẽ giết hắn”.
Đã ba năm trôi qua, từ ngày chia tay bên bờ sông đến nay, nàng không biết tin tức của Việt, nàng nghĩ anh đã yên bề gia thất. Nào ngờ…! Thật ra từ lâu nàng nhận ra tình yêu đầu đời giữa nàng và Việt là thứ tình yêu trẻ con. Người mà nàng thực sự ngưỡng mộ là Trần Tướng quân. Càng gần ông nàng càng thấy ông vĩ đại. Việt không như nàng, anh căm thù ngoại bang, anh không quan tâm đến những gì mà người nước ngoài mang lại, nền văn hóa, kinh tế, đối với anh là thứ bỏ đi, chỉ có đất nước, tổ tiên là quan trọng. Anh cho rằng, dù thế nào ông cũng là tên xâm lược, bằng cách này hay cách khác, hễ cứ ngoại bang đến đất nước này là xâm lược. Ít nhất anh đã mất người yêu của mình vào tay ông, anh phải trả thù. Ba năm nung nấu ý định đó, Việt trà trộn vào đội quân của ông để chờ đợi ngày hôm nay, nhưng anh đã thất bại. Gấm vừa thấy thương hại anh, vừa cám ơn trời đất đã cứu người chồng mà nàng vô cùng ngưỡng mộ. Dù sao cũng phải tìm cách cứu Việt.
Trương Phước nhìn thấy tất cả mọi chuyện diễn ra, từ trên lầu chàng không bỏ sót chi tiết nào cả. Hóa ra người dân ở đây không phải ai cũng ngưỡng mộ Trần Tướng quân như chàng nghĩ. Đây là chi tiết quan trọng chàng sẽ tấu trình về triều đình. Chàng được Chúa phái vào vùng đất này để tìm hiểu dân tình, chuẩn bị cho đợt di dân do Lễ thành hầu chủ xướng.
CHƯƠNG 13
Hắn thích thú cảnh người rụng xuống như chim. Giết! Giết! Đó là chuyện bình thường của con người. Đó là thứ trò chơi thú vị nhất mà tại sao mẹ hắn lại khóc?
– Hú hú hà! Giết chết nó!
Thằng Thắng lại rú lên từng chặp, sau cơn động kinh, mặc dù những bắp thịt cuồn cuộn giống cơ bắp của con dã nhân, nhưng người hắn còng queo, vặn vẹo như rễ cây cổ thụ, nước mắt tuôn xối xả, bọt và máu sùi ra hai bên mép. Hắn giương đôi mắt dài dại nhìn ra vườn, nơi người đàn ông đang ngồi uống rượu với một người đàn bà không phải mẹ hắn. Tên hắn là Trương Quyết Thắng, nhưng hắn đã thất bại hoàn toàn trước định mệnh. Hắn biết, mẹ hắn đã sinh ra hắn trong địa đạo giữa rừng, cha hắn cúi hôn hắn sau một trận đánh còn khét mùi thuốc súng và máu. Ông đặt tên hắn là Trương Quyết Thắng, nếu định mệnh không khắc nghiệt với hắn, thì giờ này chắc hắn cũng sẽ phóng chiếc Mẹc-xi-đì bóng lộn với những cô gái xinh đẹp sực nức mùi nước hoa đắt tiền. Tự dưng hắn gào lên:
– Hú hà! Giế… t!
Diễm giật mình buông miệng khỏi vết thẹo trên đùi Tư Ngồng, nhìn về phía chuồng sắt. Diễm tròn mắt kinh ngạc, trước hình hài kỳ dị đang nhìn chằm chặp vào khoảng hở giữa hai bầu vú tròn trịa của nàng. Tư Ngồng đưa tay vít đầu nàng xuống.
– Kệ mẹ hắn, đồ quái vật!
Diễm thẫn thờ hôn vào vệt thẹo trên đùi Tư Ngồng, nàng đã mất hết hứng thú với trò chơi cùng người đàn ông quyền lực này.
– Hú hà! Giế… t!
Hắn lại gầm lên, người ta nghĩ hắn sống đời sống thực vật, hắn vô thức, thực sự hắn biết hết và hắn thực sự muốn giết. Hắn nhớ những ngày thơ ấu, hắn được mẹ hắn nâng niu, cha hắn lâu lâu mới về nhà cho hắn nghịch cây súng, lúc đó hắn đã muốn giết ai đó. Nhiều hôm hắn ôm cây súng thật chĩa vào cha hắn:
– Pằng… pằng… pằng… pằng!
Cha hắn cười ngặt nghẽo và khen hắn có máu nhà binh. Mẹ hắn giật cây súng nhìn cha hắn trách móc. Đêm nằm cạnh mẹ, hắn thì thầm:
– Lớn lên con sẽ giết người!
Mẹ hắn ôm mặt khóc.
Tại sao lại khóc, hắn nhớ những ngày còn ở trong địa đạo, hắn đã thấy cha hắn ôm cây súng vọt lên bắn vào đám người nhảy từ trên máy bay xuống. Hắn thích thú cảnh người rụng xuống như chim. Giết! Giết! Đó là chuyện bình thường của con người! Đó là thứ trò chơi thú vị nhất mà tại sao mẹ hắn lại khóc?
Hắn lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác trong chiến tranh, mà đồ chơi chính là súng đạn, cho đến khi chiến tranh chấm dứt, một cơn sốt quật hắn và từ đó hắn không còn hình hài của con người, những mụn thịt và lông mọc tua tủa khắp người, hắn thích thú ăn tất cả áo quần có trong nhà, càng lớn hắn càng thích thú nhìn thấy máu. Hắn còn nhớ một buổi chiều mẹ hắn ngất xỉu, khi bà thấy hắn lao vào bóp chết con chó và dùng đôi tay lông lá xé con vật ra thành từng mảnh. Hắn đã bị nhốt vào trong cái lồng sắt này từ buổi chiều ấy. Hắn thực sự muốn giết. Hắn thốt lên thành tiếng ước muốn ấy hàng ngày. Hắn muốn giết người đàn bà đang ngả ngớn với cha hắn và hắn cũng muốn giết người đàn ông mà hắn được dạy là phải gọi bằng cha. Từ khi người đàn bà ấy bước vào căn nhà này, mẹ hắn trở thành con ở. Hắn thường xuyên nhìn thấy cảnh cha hắn túm tóc và đánh đập dã man người đã sinh ra hắn, rồi bình thản vuốt thẳng nếp áo quần bước lên chiếc xe bóng lộn có người đàn bà kia ngồi sẵn. Hắn nhìn vào cái lõm ngực ấy không phải hắn khao khát tình dục. Hắn ước lượng vị trí quả tim nếu hắn xé toang được lồng ngực của người đàn bà.
Diễm không hề yêu Tư Ngồng, điều đó nàng hiểu rõ, nàng thích tiền bạc và quyền lực của ông. Trong đời mình, nàng chưa bao giờ thấy một người đàn ông nào có uy quyền như ông, tất cả mọi người đều thần phục ông, kể cả người vợ chính thức của ông. Ngày ông đưa nàng về ngôi biệt thự này, nàng cũng cảm thấy sợ. Nhưng người vợ của ông, một thiếu phụ đẹp và có đôi mắt u buồn, lấm lét phục vụ nàng như chủ nhân mới. Dần dần nàng biết cách hành xử như thế nào cho hợp với vị trí của nàng.
Diễm tựa vào ông, nhìn những con thuyền chậm rãi trôi trên sông, không gian chậm chạp ngưng đọng lại giữa mùi hương hoa bưởi. Không gian như tấm vải lụa thỉnh thoảng bị xé toang ra bởi tiếng thét của con quái vật trong cái lồng sắt.
– Hú hà! Giế… t!
Diễm nũng nịu ngả vào lòng Tư Ngồng, mỗi khi có tiếng rú của Thắng. Trước đây Tư Ngồng rất khó chịu với tiếng rú của đứa con oan nghiệt. Nhưng từ khi có Diễm về, ông thấy dễ chịu hơn và khoan khoái với động tác nũng nịu của cô gái trẻ. Diễm cũng thường rú lên mỗi khi ông đi vào trong người nàng. Ông khuyến khích nàng hãy hét lên nếu cảm thấy sung sướng. Sự cực khoái của Diễm, khiến khoái lạc của ông đạt đến tột đỉnh. Ông không hề có cảm giác đó mỗi lần cùng vợ, người đàn bà mà ông cưới trong chiến tranh quá khô cứng, người đàn bà được giáo dục độ lượng và chịu đựng, đã làm cho ông chán chường từ nhiều năm qua. Công bằng mà nói thì những ngày đầu trong chiến khu ông cũng có được những giây phút thích thú với sự dịu ngọt của cô gái quê, nhưng bây giờ thì khác, sự đòi hỏi hưởng thụ của ông tăng dần theo thời gian, chức vụ và sự giàu sang.
– Giết… giế… t!
Con quái vật lại rú lên man rợ, hai tay cào vào song sắt tóe máu, đôi mắt hằn học nhìn vào lõm giữa hai bầu vú của người đàn bà, bầu trời sụp dần xuống, mặt trời đỏ sẫm trên sông, Tư Ngồng bất giác rùng mình, bầu trời giống y hệt những ngày đẫm máu trong quá khứ, lâu lắm ông mới nhớ chuyện cũ.
– Mẹ kiếp! – Ông chửi thề.
Diễm nũng nịu:
– Có chuyện gì thế anh yêu?
Ông gạt tay Diễm ra, đôi mắt hằn lên những tia máu, ông đi về phía chuồng sắt, gầm lên với con quái vật.
– Tao sẽ giết mày!
– Giết! Giết! Giế… t!
Con quái vật gầm lên trả lời ông. Diễm sợ hãi co rúm cả người lại. Gương mặt của Thắng, bất ngờ trở nên hung hãn, nó đưa hai ngón tay về phía Tư Ngồng.
– Pằng! Pằng!…
Đôi mắt lạnh và ác như đôi mắt loài cá, Tư Ngồng khẽ rùng mình, đôi mắt giống y hệt đôi mắt của Trần Đình trước mũi súng của ông.
CHƯƠNG 14
Cù lao Dao là vùng đất tồn tại ở chiều không gian khác mà lịch sử không chạm tới được.
Thầy giáo Hải lục tìm tư liệu lịch sử để dạy cho học sinh của trường nơi thầy đang công tác và cho vợ đi thi giáo viên giỏi, trong sử sách thầy thấy chép rằng:
“Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, là khai quốc công thần của triều đình nhà Nguyễn. Ông sinh tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Thiện.
Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, ông được xem là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất phương Nam. Kể từ thời điểm đó, Biên Hòa – Gia Định chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Năm Mậu Dần, ông được Chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược phía Nam. Ông đã lập Gia Định phủ, huyện Phước Long, dựng dinh Phiên Trấn và đặt các chức vị quản trị. Do công lao này, ông được coi là người đặt nền móng cho công cuộc mở đất phương Nam: chiêu dân, lập ấp, thiết lập nền hành chánh cai trị và gìn giữ biên cương.
Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất mà Chúa đã chỉ định cho bọn Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình, vốn là các di thần nhà Minh, trước đó không chịu thần phục tân triều nhà Thanh, nên họ đã đem ba ngàn quân cùng gia quyến và năm mươi chiến thuyền đến cư trú, xin làm dân Đại Việt.
Vùng đất này ngày ấy bao gồm từ khu vực Cù lao Phố Biên Hòa đến Mỹ Tho. Giữa vùng này có các đồn binh trấn giữ, làm luôn nhiệm vụ thu thuế thương chánh cho cả vùng này. Lúc bấy giờ nơi này đã được khoảng bốn chục ngàn gia đình, bao gồm cả người bản địa và lưu dân.
Khi vào đến nơi, Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, ”lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn.
Ông tâu Chúa Nguyễn điều thêm dân từ miền Trung vào khai hoang, người Việt kéo vào rất đông. Bởi vậy Đàng Trong truyền tụng những câu:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng
Năm Kỷ Mẹo, rộ lên nhiều vụ đánh cướp người Việt tại nhiều nơi hẻo lánh dọc theo sông Cửu Long. Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh đem quân dẹp loạn. Tình hình tạm yên, Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao, báo tin thắng trận về kinh.
Ở đây một thời gian ông bị nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan ngọ ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ, rồi bị trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14 ông kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang thì mất. Khi ấy chở quan tài về tạm trí ở dinh Trấn Biên, rồi đem việc tâu lên, Chúa Nguyễn Phúc Chu rất thương tiếc, sắc tặng là Hiệp tán Công thần, thụy là Trung Cần. Người Cao Miên lập miếu thờ ông ở đầu châu Nam Vang. Nơi cù lao ông nghỉ bệnh, nhân dân cũng lập đền thờ, được mạng danh là Cù lao Ông Lễ. Còn chỗ đình quan tài ở dinh Trấn Biên cũng lập miếu thờ”.
Trong các sách Hoàn vũ ký, Nhất thống dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam dư địa chí ước biên, Nam Kỳ địa chí… đều có ghi rõ những nơi lập đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh như Biên Hòa, Long Xuyên, Châu Đốc, Sài Gòn, Nam Vang… Trong đó đền thờ lớn nhất tại Cù Lao Phố, là nơi ông dừng chân khi đến phương Nam và cũng là nơi dừng linh cữu ông trước khi đưa về cố hương.
Sau khi Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh mất, những nông dân vùng Ngũ Quảng xưa kia theo chân Đức ông đến cù lao Phố, đã ngược dòng sông đến một cù lao khác, để lập làng, lập ấp.” (Theo Gia Định thành thông chí).
Thầy suy nghĩ mãi, sử sách không hề nói đến cù lao nào tên là cù lao Dao, nơi thầy đang công tác. Trong sử sách chỉ nói đến một cù lao không tên nào đó, mà những cư dân Ngũ Quảng đã đến, liệu đó có phải là cù lao Dao. Chức năng của người thầy, không cho phép thầy bịa ra lịch sử để dạy cho học sinh. Lịch sử cần phải trung thực, không nên vì lý do gì mà bóp méo lịch sử. Cù lao Dao có lịch sử như thế nào? Thầy Hải băn khoăn với câu hỏi này. Không có cách nào khác, thầy tìm đến quán cà phê của chị Lụa, chị vợ của thầy, để tìm nhà thơ và nhờ anh ta giúp thầy những tư liệu về lịch sử. Chị Lụa đon đả chào thầy:
– Hải, hôm nay em không đi dạy hả?
– Dạ! Hôm nay em đi tìm anh Trường có việc, ảnh có nhà không chị?
– À sáng nay anh Trường đi sưu tầm cái gì đó chị không biết, chút nữa thế nào ảnh cũng về, em chờ chút! Lài có khỏe không em?
– Dạ! Vợ em đang học bài để chuẩn bị đi thi giáo viên giỏi.
– Trời ơi! Khổ vậy! Đã giáo viên mà còn thi cử cực quá vậy! Nó đang bầu bì sao không nghỉ ngơi cho khỏe.
– Dạ, không được đâu chị. Năm nào cũng phải thi giáo viên giỏi, giáo viên bây giờ không khổ vì thiếu ăn như hồi trước mà khổ vì chuyện vẽ vời của mấy ông lãnh đạo bên giáo dục chị ạ.
Lụa đặt trên bàn Hải một ly nước ép bưởi, đặc sản của cù lao, thì nhà thơ cũng vừa đưa con thuyền cập bến. Giúp nhà thơ đưa cá lên bờ, Lụa nói:
– Có thầy Hải qua tìm anh.
Miên Trường cười với Lụa:
– Thầy muốn hỏi về lịch sử cù lao Dao chứ gì?
Lụa giật mình, nghĩ thầm: “Quả thật con người này có nhiều điều kỳ lạ!”
– Mời anh ngồi! – Hải kéo ghế mời nhà thơ. – Chị ơi, cho em ly bưởi ép.
– Cám ơn thầy!
Nhà thơ uống ngon lành ly nước ép bưởi:
– Thầy muốn hỏi tôi về lịch sử cù lao Dao à?
– Dạ em không tìm thấy cái tên này trong bất kỳ tư liệu lịch sử nào, nghe nói anh sưu tầm truyện cổ vùng đất, anh cho em biết với được không? Em cần dạy học sinh, với lại bà xã em cũng cần biết để đi thi giáo viên giỏi.
Nhà thơ khẽ cười:
– Cù lao Dao có phải cù lao Phố ngày xưa mà trong sử sách đã chép lại hay không? Đó là câu hỏi của nhiều người dân cù lao Dao khi đọc lịch sử. Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phương Nam là có, cù lao Phố là có, thầy cứ dạy cho học sinh những điều thầy đọc được trong sách. Cù lao Dao là vùng đất tồn tại ở chiều không gian khác mà lịch sử không chạm tới được. Thầy thấy đó, cù lao Dao là tên gọi dân dã. Tên gọi này, ngay cả trong hệ thống giấy tờ bây giờ cũng không tồn tại, chứ nói chi ngày xưa. Cù lao Dao là vùng đất tồn tại ở chiều không gian khác mà lịch sử không chạm tới được, thầy hiểu không?
– Như vậy cù lao Dao không phải cù lao Phố sao?
– Phải cũng đúng mà không phải cũng đúng!
– Em không hiểu?
– Thầy không thể hiểu, khi thầy lớn lên trong nền giáo dục với hệ thống tư duy của không gian ba chiều.
Lụa dọn mâm cơm với bát canh chua nghi ngút nấu từ những con cá mà nhà thơ đã bắt được từ sông Thanh Long. Bát canh chua hấp dẫn với những bông so đũa trắng và bạc hà thơm ngát.
– Mời hai anh em ăn cơm, nói chuyện xa xưa chi cho mệt, “có thực mới vực được đạo!”
Hải chịu, anh không hiểu nổi chuyện nhà thơ nói, thôi đành dùng lịch sử cù lao Phố để dạy cho học sinh vậy! Lịch sử đôi khi cũng mù mờ, bởi chủ quan của người viết ra. Anh nhớ chuyện cười ra nước mắt ở trong trường anh. Một thầy giáo dạy lịch sử, bữa nọ nhà học trò có giỗ, mời thầy, chiều thầy đến lớp trong trạng thái mơ mơ, màng màng vì hơi men. Thầy dạy:
– Trong chiến dịch Điện Biên Phủ liệt sĩ Phan Đình Phùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai.
Cậu lớp trưởng đứng lên nhắc nhở:
– Thưa thầy, thầy nói lộn rồi, Phan Đình Giót chứ không phải Phan Đình Phùng ạ!
Thầy tự ái đập bàn và sửng cồ:
– Em tưởng ta say à? Trong tình huống dầu sôi lửa bỏng ấy, Phan nào cũng phải lấp lỗ châu mai.
Thế đấy, đôi khi lịch sử có thể bị sửa lại bởi tự ái của ông vua nào đó. Thầy không tin lắm vào sách lịch sử nhưng thầy tin vào nhân dân. Nhân dân không sai bao giờ, khi dân đã thờ ai thì người ấy nhất định có công trạng và đức độ, dù sử sách có công nhận họ hay không, thì họ vẫn ở trong lòng dân. Nhưng khổ nỗi ai cho phép thầy dạy những điều nhân dân tin, những điều nhân dân nói?
Thầy đi về giữa con đường làng, hẹp và quanh co như con đường của ba trăm năm trước, đi giữa ngạt ngào của hoa bưởi và mật mía. Cù lao Dao có phải cù lao Phố không? Nếu đúng thì ba trăm năm trước ai đã đặt chân trên con đường này, Ngọc Vạn Công chúa hay Lễ thành hầu? Ngọc Vạn Công chúa, nàng “huyền trân” phương Nam, một người phụ nữ có công lớn trên vùng đất này. Vì sứ mệnh tổ quốc giao phó phải bang giao với phương Nam, Công chúa Ngọc Vạn đành gạt lệ ra đi, bỏ lại sau lưng lầu son gác tía để vào miền sông nước này. Thời gian đã xóa đi dấu vết của người. Thầy Hải còn nhớ thầy đọc trong cuốn sách cũ có đoạn như sau:
“Nếu nói người có công đầu xác định lãnh thổ phương Nam thì chính là Ngọc Vạn Công chúa. Theo gia phả của Chúa Nguyễn, được Tôn Thất Hân sưu nghi, thì Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, Vương phong bà Mạc Thị Giai làm Chánh hậu. Bà này sanh hạ ba lịnh nữ: Công chúa Ngọc Vạn là con thứ hai. Lúc ấy Lạp Vương Chây-Chét-Ta II xin cầu hôn hoàng nữ nước Việt. Sãi Vương thuận gã công chúa Ngọc Vạn cho Chân Lạp. Về sau bà là Hoàng thái hậu. Nhân lúc tình hình Chân Lạp rắc rối, nhân dân cầu cứu, bà đã nhờ Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần can thiệp. Vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân xin nhượng đất Nông Nại cho phủ Chúa. Kể từ đây các cư dân Đại Việt đặt chân đến vùng “gạo trắng nước trong” dưới sự bảo trợ của bà Ngọc Vạn” (Theo Biên hòa sử lược của Lương Văn Lựu).
Cù lao toàn mùi thơm, thầy bỗng thấy mảnh đất này thật đáng yêu cho dù nó chẳng có lịch sử chính thống, cho dù nó tồn tại trong bất kỳ chiều không gian nào cũng chẳng quan trọng. Thầy ghé lại bên đường bẻ cây mía, tước vỏ nhai ngon lành để vị ngọt thấm dần vào bao tử.
(Đọc tiếp)