(Tiếp theo 3 – 5)
CHƯƠNG 6
Chuyện kể của nhà thơ:
Nàng là món hàng mà ông đã mua, nhưng cơ thể của nàng lại hồ hởi đón nhận ông bằng tất cả lạc thú.
Trần Tướng quân thức dậy sau một giấc ngủ dài, không chút mộng mị, giấc ngủ bình an nhất, kể từ ngày ông rời xứ sở đến nay. Chuyến leo núi hôm qua và cuộc đàm đạo với chàng trai trẻ hậu duệ của vị khai quốc công thần Trương Nhân khiến ông cảm thấy sảng khoái hơn với những gì mà ông biết về xứ sở này. Ông vươn vai bước ra ban công, nhìn đoàn quân của ông chuẩn bị lên đường để phá đá về xây dựng nơi ông đã dừng chân. Dù có phục quốc được hay không, thì cũng nhờ mảnh đất này, ông sẽ xây dựng nơi đây thành trung tâm mua bán lớn nhất vùng, ông sẽ được sử sách xứ Nam hà lưu danh. Dân địa phương chưa hề biết buôn bán là gì cả. Họ sản xuất và trao đổi với nhau mà sinh sống, chả trách gì xứ sở của họ rất trù mật nhưng họ không thể làm giàu lên được. Ông nhận ra nơi đây có nhiều sản vật mà xứ sở của ông không có, hoặc rất quý hiếm, muốn có được phải đổi rất nhiều vàng bạc. Như nhung hươu chẳng hạn, ở xứ ông là vị thuốc đặc biệt giúp cho con người tráng kiện hơn, muốn có được cặp nhung nai phải bỏ ra vài trăm lượng bạc, còn ở đây người dân đổi miếng lụa, hoặc nấu canh để ăn.
Gấm – người thiếp trẻ bước ra ban công choàng vai ông nũng nịu:
– Sao tướng quân dậy sớm thế?
Ông khoác vai nàng. Ánh mắt long lanh, nàng đẹp và trong xanh như dòng nước con sông Thanh Long. Sau đêm đầu tiên với Gấm, ông nhận ra con gái xứ này, mềm mại và ngọt ngào hơn những người đàn bà quê ông. Ông khe khẽ ngâm câu thơ phong tình. Gấm khâm phục khả năng ái ân của vị tướng quân mà nàng có diễm phúc hầu hạ. Ngày cha mẹ gả bán cho ông, nàng đã khóc hết nước mắt, nàng đã chia tay và trao thân cho Việt, người yêu của nàng bên bờ sông lồng lộng gió. Lần ấy, với khổ đau chồng chất và sự vụng về của người yêu, nàng chưa biết cảm giác của ái ân. Tướng quân đã cho nàng cảm giác tuyệt vời nhất, ông giúp nàng khám phá tận chân tơ kẽ tóc của ái ân, ông giúp nàng nghe được tiếng nói của cơ thể mình. Ở bên ông, nàng nhận ra Việt, chàng trai mà nàng từng yêu bằng tất cả trái tim, thật quê mùa. Hình ảnh của Việt dần dần mờ nhạt trong trái tim của nàng. Đôi lúc nàng giật mình tự hỏi: “Chẳng lẽ nàng đã yêu ông?” Không, không phải như vậy, nàng bị gả bán, nàng là món hàng mà ông đã mua. Nhưng cơ thể của nàng lại hồ hởi đón nhận ông bằng tất cả lạc thú. Ông đã không đối xử với nàng như món hàng, nàng nhìn thấy điều đó trong ánh mắt nồng nàn mà ông dành cho nàng. Ông khoác trên người nàng vàng ròng, lụa là, những thứ mà cả đời làm lụng vất vả, cha mẹ của nàng cũng chưa hề chạm được vào nó, kể cả trong giấc mơ. Nàng sung sướng bởi sự cung kính của thuộc cấp ông đối với nàng. Dần dần nàng không nhớ gốc gác nông dân của mình nữa. Nàng thay đổi dáng đi, kiểu ngồi, cách ăn nói để xứng đáng với sự quý phái của ông. Những người bạn gái thuở hàn vi, gặp nàng đều cúi đầu bỏ đi. Họ ra vẻ khinh bỉ nàng, vì nàng bán thân cho ngoại bang, nhưng trong ánh mắt của họ lại thể hiện sự thèm khát cuộc sống của nàng. Lúc đầu nàng đau đớn, sự lạnh nhạt của họ làm nàng có cảm giác bị bỏ rơi ngay trên chính quê hương mình. Nhưng rồi dần dần nàng kiêu hãnh bởi những thứ mà nàng được thụ hưởng. Thấy ánh mắt ông mơ màng hướng về phía dòng sông, Gấm hơi lo lắng, cuộc đời ông có quá nhiều ham muốn và tham vọng. Nàng ngước nhìn ông:
– Có khi nào tướng quân chán thiếp không?
– Đừng bao giờ bắt ta phải nói trước điều gì.
Ông khẽ khàng đáp, nhẹ nhàng gỡ vòng tay của Gấm đi về phía đoàn quân của ông.
Những người thợ hăm hở xuống thuyền cùng với những dụng cụ đào đá, vùng đất mới hấp dẫn họ, ở đây có quá nhiều cái để ăn, những thứ mà ở quê họ không có. Họ chỉ cần mang muối, còn thức ăn kiếm ở đâu cũng có, họ bẻ măng, thò tay xuống những ao nước nhỏ, bắt vài con cua con ốc. Ném lưỡi câu không mồi để câu cá, những con cá ngược to bằng bắp chân người lớn phơi bụng trắng hếu, mỡ chảy nhểu nhạo trong đống lửa rơm, thơm nhức cả vùng. Mùa mưa, rau dền gai, rau sam, rau sâm đất, cải tàu bay, lá mướt rượt như da thịt gái dậy thì. Đất đai màu mỡ, cắm cây sắn xuống đất vài tháng sau củ to như cẳng chân. Mía thanh diệu, vỏ mềm, ruột trắng lốp, cắn một miếng, nước ngọt tràn ra khỏi miệng, chảy lai láng xuống cổ. Trong rừng tre thỏ rừng gặm cỏ ngơ ngác đứng đợi con người đến nắm tai xách về. Nai hươu xuống sông uống nước từng đàn, lâu lâu rộ lên tiếng tác bởi chú nai con bị cá sấu tợp vào cổ.
Thức ăn luôn có sẵn trước mặt, hồi còn ở quê, họ phải vất vả mới kiếm được. Họ nhanh chóng yêu vùng đất này, không như tướng quân của họ. Họ theo ông không phải vì căm thù triều đại mới, họ theo ông vì ở quê họ quá đói nghèo, chứ đối với họ, thì ai cai trị cũng vậy thôi. Ai cai trị thì họ cũng chỉ là kẻ phục dịch, bị bắt phu, bị đi lính, họ cần cái ăn. Khi ông tuyển mộ họ, ông hứa cho họ điều đó và thế là họ nhanh chóng lên đường theo ông. Sống bên ông họ kính trọng đức độ và công lao của ông.
Đi về phía những người dân, ông nhìn thấy chàng trai trẻ Trương Phước đang trò chuyện với họ. Chàng dễ dàng trở nên thân thiện với nhiều người nhờ vào cách nói chuyện uyên bác và vui vẻ.
Như lời hứa, sáng nay, Trần Tướng quân đưa Trương Phước đến vùng núi đá mà những người dân của ông đang khai phá. Chàng muốn xem kỹ thuật điêu khắc đá của người thợ. Ở núi Non Nước chàng cũng đã từng chứng kiến những người thợ đá tạc thành những pho tượng rất đẹp, chàng đã ghi chép tỉ mỉ công việc của họ. Nhưng đá Non Nước mềm và dễ tạc, còn đá ở đây xanh và cứng như thép. Trần Tướng quân tận tình chỉ bảo cho chàng những kỹ thuật đặc biệt, mà người dân của ông đã sử dụng. Trương Phước sửng sốt trước con sư tử đá do người thợ vừa hoàn thành sau một năm miệt mài. Chàng đi quanh, cặp mắt sư tử luôn nhìn theo hướng đi của chàng, đôi mắt của nó ánh lên màu xanh của thép, thật kỳ lạ. Chàng chưa thấy loại đá nào có màu xanh như vậy. Giữa hàng trăm bức tượng, rồng phục, hổ ngồi, voi quỳ, ngựa chạy, chàng thấy con sư tử đá này như chúa tể của vườn thú đá. Trương Phước như bị hút hồn bởi cặp mắt kỳ lạ của con sư tử đá. Trần Thượng công, thân thiện hỏi người thợ đá:
– Người lấy tảng đá ở đâu để tạc ra con sư tử này?
Người thợ nhìn tướng quân với gương mặt u sầu:
– Thưa tướng quân, tiện dân đã tình cờ gặp khối đá tròn xanh biếc này trong lúc đào móng xây dinh của tướng quân giữa cù lao Dao. Tiện dân mang nó về nhà, nó rất cứng, chạm lưỡi đục vào là tóe lửa, tiện dân đã tốn hàng trăm lưỡi đục và chay tịnh hàng tháng trời nhưng vẫn không làm gì được tảng đá.
Trần Tướng quân và Trương Phước trố mắt nghe người thợ đá kể.
– Vì sao nhà ngươi có thể tạc được pho tượng này?
– Thưa tướng quân, đó là câu chuyện buồn và bi thảm!
Người thợ đá cúi đầu buồn bã:
– Tiện dân nghĩ sẽ bỏ cuộc, ai ngờ khi con gái của tiện dân lao đầu vào tảng đá này tự vẫn, tảng đá bỗng mềm ra.
Trần Tướng quân khẽ rùng mình:
– Hãy mang con sư tử này về dinh thự ta sẽ trọng thưởng.
Người thợ đá nhìn đăm đăm vào con sư tử có vẻ như ông không muốn kể lại câu chuyện của con gái. Trần Tướng quân thở dài, quay gót.
Trương Phước tiếc rẻ đi theo Trần Tướng quân.
CHƯƠNG 7
Các thân thể trắng lóa lượn lờ, những bộ ngực trần loang loáng, những bài hát cuồng dại.
Buổi chiều, nắng như tấm lụa vàng phủ xuống dòng sông, tràn qua vườn bưởi ngạt ngào hương đưa, hoa bưởi trắng rung rinh trong gió, thoảng mùi hương đằm thắm. Những buổi chiều, có nghĩa là trước khi chết rất lâu, Tư Ngồng thường hay ngồi nhà mát bên sông, nhắp ly rượu bưởi để ngắm nắng trên sông, ông rất ghét mưa, ông chỉ thích nắng. Ông thích hưởng thụ, người ta lên án ông tham nhũng, chiếm đoạt, nhưng chẳng có bằng chứng nào để bắt tội ông. Kẻ chiến thắng phải được thụ hưởng những chiến lợi phẩm mà họ đã bỏ xương máu ra đổi lấy, đó là lẽ tự nhiên thôi, từ xưa đến giờ là thế, chế độ nào cũng vậy thôi. Khi được nhận một sự cung phụng ông cảm thấy lương tâm bình thản, chẳng cắn rứt như người ta tưởng tượng.
Trong những ngôi nhà của ông đều có hầm rượu ngoại đồ sộ, nhưng ông không thích uống. Rượu bưởi của dân cù lao chưng cất, có vị ngọt, không cần thức nhắm, dễ uống nhưng say đằm thắm. Những thứ thức uống của “quân xâm lược” nặng đô quá, ông chỉ dùng rượu ngoại để tiếp khách và ban cho cấp dưới. Ông bận trang phục thể thao trắng, nổi bật giữa màu xanh cây cối, trên bắp đùi trắng lốp bên trái, một vết thẹo sâu do viên đạn xuyên qua phần mềm, ông tự hào với vết thẹo ấy, nó chứng minh thời trai trẻ oai hùng, ông hay kể cho thuộc cấp của mình nghe về những tháng ngày ông tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Đông “gian lao mà anh dũng”. Ông lắng nghe tiếng chim chìa vôi hót líu lo trên cây bưởi. Ông nhẹ nhàng đưa ly ruợu lên mũi.
– Hu ú ú hà, giết chết nó!
Tiếng tru dài cùng tiếng hét từ sau vườn làm ông nhíu mày, hắt ly rượu xuống sông. Trong căn nhà nhỏ rào kín bằng song sắt sau vườn, một con người to lớn và lông lá như con vượn đang gào lên nhảy choi choi trong chiếc lồng, đầu hắn nghiêng qua một bên.
– Hú ú ú hà, giết chết nó!
Đôi mắt điên dại của hắn long lên sòng sọc, hắn cào cấu vươn tay về phía người đàn bà đẩy bát cơm vào lồng sắt. Hắn bốc cơm ném vào người đàn bà. Người đàn bà dịu dàng:
– Mẹ đây mà Thắng, ăn đi con!
– Hú ú uuu hà, giết chết nó!
Hắn vươn tay chụp được mái tóc của bà kéo về phía chuồng và nức nở khóc:
– Mẹ! Mẹ ơi! Hãy thả con ra, hu hu hu!
Người đàn bà cam chịu để hắn níu mái tóc của mình và khóc theo con. Tư Ngồng đứng lên đi về phía chuồng, đánh mạnh vào tay hắn, thấy ông, hắn buông người đàn bà và hú lên:
– Hú ú ú hà, giết chết nó!
Ông đỡ người đàn bà, đầu tóc rối bù, nhưng gương mặt của bà đẹp lạ lùng, đôi mắt buồn thăm thẳm. Ông gầm lên với bà:
– Hãy giết nó đi!
Ông giận dữ, vào nhà thay quần áo và bỏ đi.
Chiếc xe hơi màu đen bóng lộn lăn bánh ra khỏi cổng, bà Lan lặng lẽ đi theo chồng đóng cánh cổng sắt nặng nề lại, ông đi thẳng không hề quay nhìn lại.
Gã tài xế đưa ông đến ngôi biệt thự nhỏ trong khu vườn bên kia cây cầu, thuộc địa phận thành phố. Một cô gái trẻ xinh đẹp trong chiếc váy ngủ mong manh ra mở cổng, nàng ôm ông hôn đánh chụt vào má.
Tư Ngồng đi vào nhà buông mình trên salon, Diễm thả thân hình nuột nà và mềm mại trên người ông, cô đưa tay xoa nhẹ nhẹ vết thẹo trên đùi ông. Tư Ngồng lim dim tận hưởng cảm giác khoan khoái. Sau nhiều lần ân ái với người tình lớn tuổi, Diễm phát hiện ra nơi tạo cảm giác hứng thú cho ông chính là vết thẹo này, thoáng sau cô nhận ra sự động đậy trong cơ thể của ông, cô vít đầu ông xuống bộ ngực đồ sộ của mình. Ông tham gia vào trò chơi ân ái, đó là cách ông cần xả đi những bực dọc ở gia đình và cơ quan.
Ông gặp Diễm trong một lần đi uống bia ôm ở nhà hàng karaoke Hạnh Phúc.
Bà chủ nhà hàng có gương mặt hiền lành, trắng trẻo, không vẻ gì là tú bà tươi cười đưa ông và thuộc cấp vào phòng VIP, máy lạnh dịu dịu, bia, rượu ngoại sắp xếp gọn ghẽ và khá đẹp mắt. Trên bàn ngoài mấy cái micro không dây còn có bình hoa hồng tỉa tót cẩn thận cắm vào bình thủy tinh trong suốt. Sau khi yên vị, cánh cửa hé mở, năm cô gái tuổi độ mười tám, đôi mươi, váy ngắn chân dài nhẹ nhàng bước vào ngả trên người họ. Bà chủ đẩy về phía Tư Ngồng, cô gái đẹp nhất trong đám, bà cung kính:
– Hàng mới bóc tem đó anh Tư.
– Hừ – Tư Ngồng hắng giọng ra vẻ hài lòng, ông choàng tay ôm cô gái…
– Em lau mặt cho ông nhé! – Cô gái nũng nịu, ông ngửa người ra gối lim dim tận hưởng sự chăm sóc của đôi bàn tay mát lạnh và thơm phức.
Sau vài chai bia, các cô gái lần lượt thoát y, ông sững sờ trước cơ thể đẹp và hừng hực sức sống của Diễm. Bia chảy như suối, các thân thể trắng lóa lượn lờ, những bộ ngực trần loang loáng, những bài hát cuồng dại, giọng nói Nam bộ ngọt lịm của các cô gái, làm ông ngây ngất. Cao hứng mở cặp lấy ra mấy thẻ vàng lá ném ra bàn. Hiểu ý chủ, gã tài xế nhanh nhảu ra lệnh:
– Anh Tư cho các em đó, nhưng không phải cho hết, cho phép các cô cắn mỗi người một miếng, ai cắn được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, nhất thiết phải cắn, ai không cắn coi như từ chối lòng tốt của anh Tư.
Ông cười khoái trá với sáng kiến của gã tài xế. Là người có học ông biết loại người này khá nguy hiểm, hắn luôn hiểu ý ông, luôn làm ông hài lòng, nhưng ông biết hắn cũng sẵn sàng bán đứng ông, nhưng ông không sợ, ông có quyền lực bí mật mà người khác không thể có, bất kỳ ai phản bội ông cũng đều trả giá.
– Nhanh đi các em!
Gã tài xế giục các cô gái.
– Nhanh đi không anh Tư đổi ý bây giờ
Các cô hơi sững một chút vì cách cho tiền “boa” kỳ lạ của ông khách, sau đó các cô hứng thú tham gia trò chơi, các cô ra sức cắn xé các thẻ vàng, nhiều người bị rách miệng nhòe nhoẹt máu. Bia, rượu ngoại ngổn ngang, những cái miệng đỏ lòm máu rỉ xuống sàn nhà, vàng sáng lóa. Những người đàn ông trong phòng khoái trá gào lên, hoan hô sự chịu chơi của sếp. Các cô gái cũng rú lên. Diễm sững sờ đứng nhìn, ông lấy thẻ vàng mới đưa vào miệng Diễm, cô hất tay ông, ôm quần áo quay lưng, Tư Ngồng níu tay cô lại, cô vùng ra và bỏ đi, phản kháng bất ngờ của Diễm, khiến Tư Ngồng mất hứng, ông phẩy tay ra lệnh cho đám em rút lui.
Hành động kỳ lạ của cô gái bia ôm, khiến ông vừa bực dọc vừa thích thú, không lẽ trong thế giới ăn chơi đầy trụy lạc như thế, còn có người biết tự trọng hay sao? Đêm hôm ấy, bộ ngực nõn nà của Diễm lấp đầy giấc mơ của ông, thái độ giận dỗi phụng phịu trên gương mặt xinh đẹp của cô làm cho ông trằn trọc suốt đêm. Hôm sau, ông gọi cậu tài xế đưa ông trở lại nhà hàng Hạnh Phúc. Bà chủ xum xoe, xoa tay hỏi ông:
– Anh Tư cần gì ạ?
Gã tài xế nhanh nhảu:
– Gọi con bé đêm qua ra đây gặp sếp.
– Dạ! Dạ!
– Bà muốn chết hả, gọi nó ra đây.
– Dà! Anh Tư đừng giận, em đã phạt nó rồi.
Gã tài xế nạt:
– Gọi nó ra đây đừng nói nhiều.
Bà chủ ngước mặt lên lầu:
– Bay đâu đưa con Diễm xuống đây có người gặp.
Thanh niên lực lưỡng nắm tay Diễm đưa xuống cầu thang, Diễm vùng vằng tự đi, gương mặt tím bầm, đôi mắt đen láy ngây thơ, Tư Ngồng bật dậy, nắm cánh tay Diễm quát lên:
– Sao thế này?
Nước mắt chảy dài, cô phụng phịu:
– Tại hôm qua em giận ông nên…
– Hừ – Bà chủ hắng giọng
Từ Ngồng mở cặp lấy cọc đô la quăng lên bàn và ra lệnh với bà chủ:
– Tôi mua con bé này!
Ông quay qua Diễm:
– Em là người ở đâu?
– Em sinh ra ở cù lao Dao.
Thoáng sửng sốt, Tư Ngồng dịu giọng:
– Em đi theo tôi nhé?
Cô khẽ gật đầu đi theo Tư Ngồng ra xe.
CHƯƠNG 8
Trong đầu của một đứa trẻ, mọi sinh vật đều có thể nói chuyện được.
Ni cô Diệu Lan luôn bị hành hạ bởi những giấc mơ khủng khiếp nhất…
Con chó Bé đã chết vào một chiều mùa thu nắng vàng rực rỡ. Chết tức tưởi, đôi mắt mở trừng, bầu sữa vẫn căng cứng. Cô bé Lan đang ngoạm đầu vú của nó và lim dim tận hưởng sự ngọt ngào của dòng sữa. Bỗng có tiếng sột soạt ngoài vườn. Con Bé gừ lên và lao ra. Đoàng! Đoàng! Hai tiếng nổ liên tiếp, Lan khóc thét. Những người lính mặc đồ rằn ri bước qua xác của con chó và đi vào nhà. Một người lính cúi xuống bế Lan bỏ lên giường, những người còn lại lục tung nhà cửa. Con bé vẫn khóc. Sau khi lục soát chán, những người lính bỏ đi. Anh lính trẻ chần chừ quay lại nhìn con bé một chút, lén nhìn người chỉ huy đi ra cửa, anh lấy hộp thịt để trên giường. Buổi tối, người cha trở về mở nắp hầm bí mật dưới bàn thờ kéo ra một chàng trai trẻ, tuổi trạc mười tám, bộ quần áo màu đen, trên bắp đùi một viên đạn xuyên qua phần mềm để lại vết thương sâu hoắm. Ông cẩn thận dùng kéo cắt ống quần và băng bó vết thương. Chàng trai mặt xanh rớt, nghiến răng. Bé Lan im lặng nhìn lên xà nhà, một con nhện chơi đùa với bé, nó rớt xuống bằng sợi dây nhỏ xíu rồi lại đu lên và rớt xuống, bé Lan nhìn chăm chú con nhện. Trong đầu óc non nớt của Lan, chưa phân biệt được con vật và con người. Con chó, con nhện, người cha và người đàn ông trẻ tuổi bị thương và cả những người lính, đều giống nhau trong mắt nó; trong đầu của một đứa trẻ, mọi sinh vật đều có thể nói chuyện được, nói bằng thứ ngôn ngữ mà sau này lớn lên loài người không còn nhớ được, không biết được. Con nhện bảo với Lan:
– Ta đang đánh đu giữa hai bờ hư thực, nhưng ta có bảo hiểm bằng sợi dây tơ này, còn các người đánh đu mà không có bảo hiểm.
Lan đưa mắt hỏi:
– Các người là ai?
Con nhện trả lời:
– Là con, là cha con và những người khác.
– Đánh đu để làm gì?
– Không để làm gì cả, trời bắt thế. Loài nào càng có trí khôn thì càng phải đánh đu nguy hiểm hơn nhiều.
– Thế loài nào có trí khôn nhất?
– Loài người.
Những cuộc đối thoại như thế giữa Lan và con nhện khiến cho thời gian trôi qua rất nhanh và cô bé ngủ tự lúc nào không biết.
Khi thức giấc, Lan nghe cha mình nói với người đàn ông trẻ tuổi bị thương ở chân:
– Ăn đi, ăn một miếng đi!
Chàng trai thều thào:
– Tôi không thể ăn thức ăn của kẻ thù.
– Đừng dại dột, con người đối địch với nhau, nhưng thức ăn là của chung thiên hạ.
Lan đưa mắt nhìn, thì ra cha cô đã lấy hộp thịt của người lính để lại nấu cháo cho người đàn ông bị thương, cô nói với cha:
– Con đang đói, người ấy không ăn thì thôi sao cha ép làm gì?
Tiếng nói của Lan bật ra ngoài bằng tiếng oe oe, mà cha cô và nhiều người gọi là tiếng khóc. Ông đứng lên ôm cô vào lòng:
– Nín đi con, cha sẽ cho con ăn.
– Con đói bụng và con nhện đã bỏ đi.
Lan lại nói bằng ngôn ngữ của trẻ thơ, dường như cha cô hiểu, ông nhìn lên trần nhà, rồi mang chén cháo đút từng muỗng cho cô. Lan ăn ngon lành, lần đầu tiên cô thấy thức ăn ngon như vậy.
Chàng trai nhìn bát cháo nuốt nước miếng, cục yết hầu chạy lên chạy xuống. Cha bé Lan bước xuống đất bón cháo cho anh, anh chịu ăn.
Sáng nay, sau khi bị thương, anh kịp lê vào vườn, cha Lan kéo anh xuống hầm bí mật, vừa dọn dẹp xong dấu vết thì những người lính ập đến, ông vác cuốc ra ruộng để tránh mặt. Cũng may những người lính chỉ lục soát qua loa rồi bỏ đi nên không phát hiện hầm bí mật đào dưới bàn thờ. Hầm bí mật này ông đào để giấu anh của Lan. Thằng con trai thứ hai của ông trốn đi lính Cộng hòa dưới hầm bí mật suốt mấy năm trời, cho đến khi bị quân cảnh bắt, trong lần chui ra đi thăm người yêu. Ông chẳng có lý tưởng chính trị gì cả, là người nông dân, ông yêu ruộng đồng và ghét chiến tranh, cuộc chiến liên miên trên quê hương ông, người chết như rạ. Chiến tranh cướp mất vợ và con trai của ông. “Thấy chết phải cứu!”, đó là đạo lý dân tộc mà ông được dạy ngay từ nhỏ. Bé Lan ngủ, ông đưa chàng trai xuống hầm bí mật.
***
Lan sinh ra giữa thời kỳ đạn bom ác liệt nhất của đất nước, lớn lên giữa các cuộc đối thoại với thế giới loài vật và cây cỏ quanh mình, tất cả nói chuyện với Lan và nhìn cô lon ton đi vào cõi người cơ cực. Như bao đứa trẻ khác trên đất nước chìm đắm trong cuộc chiến này, Lan trưởng thành rất sớm, sáu tuổi Lan đã biết làm việc nhà và ra đồng bắt con cua, con ốc, hái ngọn rau nấu cho cha bát canh. Cái chết trong thời chiến là chuyện thường tình. Trong một lần đi hái rau, Lan nghe lũ trẻ chăn trâu reo lên chạy theo như rồng rắn.
– Việt cộng, Việt cộng, tụi bay ơi!
Lan cũng nhập bọn. Lần đầu tiên cô thấy Việt cộng, đó là xác của bốn cô gái còn rất trẻ, mặc đồ bà ba đen, họ được khiêng đi trên những chiếc cáng. Các cô đều trắng trẻo xinh đẹp, nhưng mũi và tai của họ rỉ máu.
Bà Năm Trầu, đi theo xác của các cô Việt cộng, bà vừa đi vừa khóc. Cha của Lan đi tìm cô, ông nắm tay kéo cô ra khỏi đám trẻ. Ông khẽ hỏi bà Năm Trầu:
– Chuyện gì thế bà?
Bà Năm kéo khăn rằn chậm nước mắt trả lời:
– Họ khui hầm bí mật dưới gốc đa thần, mấy đứa không chịu đầu hàng, bị ném lựu đan cay, chết cả, tội nghiệp quá! Tôi đi theo xin xác tụi nhỏ về chôn. Ông là ấp trưởng, ông nói giùm tôi một tiếng.
Cha của Lan đi theo đám trẻ và bà Năm Trầu, tay ông vẫn nắm chặt tay của con gái. Đến sân đình, tạm thời trưng dụng để làm nơi đóng quân của những người lính Cộng hòa. Cha của Lan tiến đến trước mặt người lính trẻ đeo trên ve áo cái hoa mai.
– Thưa thiếu úy!
– Chuyện gì thế ông ấp trưởng?
– Thưa thiếu úy, nghĩa tử là nghĩa tận, xin thiếu úy nói với mấy ông lính ngoại quốc, cho tụi tôi mang xác các cô về chôn cất, cũng là con em trong xóm, bị mấy ông giết tội nghiệp quá!
– Mấy cô này lì lắm, gọi mãi không lên còn ném lựu đạn làm bị thương mấy anh em tụi tôi, chứ tôi cũng chỉ muốn bắt sống. Thôi ông đợi trên quận về chụp hình rồi tôi nói họ cho mang xác về chứ để làm chi? Mà ông Mân này, ông liệu mà lấp cái hầm bí mật dưới bàn thờ đi kẻo mất mạng đó!
– Dạ thiếu úy cứ nói chơi!
– Nói chơi gì, tôi biết tỏng ông Mân ạ, nể cậu con trai đầu của ông đi lính biệt động quân, cậu thứ hai mất tích ngoài Quảng Trị, không thì tôi lật tẩy ông từ lâu rồi. Thôi ông về đi, lát tôi cho bà Năm Trầu mang xác mấy cô này về.
– Dạ cám ơn thiếu úy!
Cha Lan lí nhí cám ơn và đưa Lan về, Lan ngoái đầu nhìn lại mấy chị Việt cộng, lần đầu tiên cô biết thế nào là Việt cộng. Đêm hôm ấy, cha của Lan hì hục vác đất vào lấp cái hầm dưới bàn thờ, cái hầm đã giấu người lính trẻ, con người mà sau này gắn chặt vào cuộc đời cô, như định mệnh nghiệt ngã.
CHƯƠNG 9
Chuyện kể của nhà thơ:
“Gặp gỡ chừng như chuyện liêu trai”.
Không ai biết tên thật của anh, có lần nhà thơ kể cuộc đời anh như giấc ngủ dài mê muội, trong những bài thơ anh ký tên Miên Trường, nên dân cù lao gọi anh là Trường nhà thơ. Nhà thơ Miên Trường gần như chính thức trở thành cư dân của cù lao Dao, dân trong vùng coi anh là người của họ, anh không chỉ biết chèo đò, mà còn biết làm ruộng rất giỏi, như thể là nông dân chuyên nghiệp, anh nói, mọi nghệ sĩ trên đất nước này đều là nông dân. Họ yêu mến anh. Đêm, trong quán nước bên sông, rả rích côn trùng và cá quẫy, cơn mưa lây rây, không gian buồn, nhưng không quá ảm đạm. Lụa và Miên Trường ngồi bó gối nhìn ra sông. Miên Trường đọc bài thơ say của Vũ Hoàng Chương:
Gặp gỡ chừng như chuyện liêu trai.
Ra đi không hẹn một ngày mai.
Em ơi lửa tắt bình khô rượu.
Đời vắng em rồi say với ai!
Không nhìn nhà thơ, Lụa hững hờ nói:
– Anh kể chuyện đi.
Miên Trường dõi mắt về phía ánh đèn mù mờ của chiếc thuyền câu trên sông và kể:
***
Đôi mắt buồn thảm của người thợ đá đã ám ảnh Trương Phước suốt cả đêm. “Một câu chuyện buồn và bi thảm!” Chàng thức giấc đi lang thang ngoài vườn, khu vườn trong cơ dinh của Trần Tướng quân ngào ngạt mùi hương cây trái. Mùi hoa bưởi dịu ngọt, mùi ngọc lan ngào ngạt, dẫn bước chân của chàng đến bên pho tượng sư tử của người thợ đá đã được mang về trong dinh thự Trần Tướng quân. Chàng chạm tay vào pho tượng và khẽ rùng mình, pho tượng lạnh toát, đôi mắt sáng quắc chiếu thẳng vào mặt chàng.
– Thiếp chờ chàng đã lâu. – Tiếng nói nhẹ như hơi thở thoảng bên tai Trương Phước
– Nàng là ai? Từ đâu đến? – Chàng mê muội hỏi lại.
– Thiếp là nữ hoàng của vương quốc Phù Nam, thiếp là con gái người thợ đá, thiếp là người yêu của chàng.
– Con gái người thợ đá? Nữ hoàng? Người yêu của ta ư?
– Dạ!
Một bóng trắng nhẹ nhàng lướt đến bên Trương Phước, chàng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thuần khiết và hiền dịu của nàng, gương mặt thanh tú, thân hình tròn trịa, da ngăm đen, đôi mắt long lanh nấp dưới hàng mi cong vút.
– Thiếp vừa được tái sinh bên dòng Thanh Long, hàng ngày thiếp cùng mẹ vào rừng tre để hái măng, cha thiếp là người thợ đá tài hoa.
– Ta có biết ông ấy.
– Trong một lần đi hái măng trong rừng tre, nơi mà chàng và Trần Tướng quân dạo bước, thiếp đã gặp một nhà tiên tri người bản xứ, ông ta là thần dân của thiếp. Ông già không có tuổi và đi lại giữa hai thế giới hàng triệu năm qua. Ông nói cho thiếp biết tiền kiếp của mình. Ông ấy đưa thiếp đi tìm măng và những ổ nấm mối. Chàng đã dùng thử nấm mối chưa?
– Rất tiếc ta chưa có dịp.
– Đó là loại nấm tự nhiên, mọc ở các gò mối, ăn rất ngon.Vào mùa nấm, những người thợ đá và những thợ rừng gói vào lá chuối nướng ăn, ngọt lịm như tổ yến vậy. Chàng ở đây đến mùa mưa, chàng sẽ được thưởng thức. Nấm mối là món quà tặng của thế giới song song dâng tặng cho thế giới vật chất. Những ai được dẫn đường mới tìm được nấm, nếu không ở ngay trước mắt cũng không nhìn thấy.
Cô gái dịu dàng ngả đầu lên đùi chàng, hương thơm từ cơ thể nàng tràn ngập cả không gian, Trương Phước ngây ngất trong mùi thơm quyến rũ ấy. Chàng đặt nụ nôn trên môi nàng.
– Ông già tiên tri quả quyết rằng, đến khi thiếp lớn, chàng sẽ đi tìm thiếp, chúng ta có duyên tiền định. Chàng sẽ đến xứ này và cùng thiếp se duyên. Ông tả cho thiếp hình ảnh của chàng, trong những giấc mơ của thiếp, luôn hiện lên hình ảnh của chàng. Hôm chàng đến rừng tre trên lưng con bạch mã, thiếp đã nhận ra chàng.
– Vậy ta với nàng đã biết nhau từ tiền kiếp à? Nàng tên gì?
– Tạm thời chàng gọi thiếp là A Múi – một cái tên mới nhất của thiếp, kiếp trước chàng là hoàng tử của vương quốc láng giềng, thiếp là nữ hoàng, chúng ta đã được hứa hôn, nhưng chiến tranh xảy ra, hai quốc gia thành kẻ thù của nhau, chúng ta không thể thành hôn được. Trải qua nhiều trăm năm, thiếp tái sinh trong gia đình người thợ đá, còn chàng tái sinh trong gia đình của người Nam hà danh tiếng, lẽ ra chúng ta đã trở thành phu phụ…
Trương Phước khẽ rùng mình.
– Thú thật ta không biết chuyện này.
– Nhưng tiếc thay, thiếp chọn nhầm chỗ, nên tái sinh vào gia đình mà hai dân tộc muôn đời không thể hòa hợp được, mối hận thù đã ăn sâu vào máu thịt của mọi người. Phụ thân thiếp chắc chắn không bao giờ cho thiếp làm vợ chàng, cho dù gia đình thiếp đang ngụ cư trên vương quốc của chàng.
– Ta không hiểu tại sao con người luôn thù hận và các dân tộc thích xâm lăng như vậy?
– Ông già tiên tri nói cho thiếp biết đó là sự sắp đặt của Thượng Đế. Ngày xưa dân Lạc, người Hoa đọc chệch là Lai, nên sau này có người gọi là Mã Lai. Dân tộc này di cư từ cao nguyên Tây Tạng về các vùng đất phương Nam, sau những cuộc chiến với dân du mục, họ sống rải rác nhiều nơi. Các dân tộc khác còn giữ được tính cách của người Việt cổ, riêng dân của chàng thì bị ngoại bang cai trị quá lâu nên mất dần bản sắc. Sự xâm lăng là điều không thể tránh khỏi. Sau này con cháu chúng ta cũng luôn bị xâm lăng như thế. Những cuộc xâm lăng diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, có khi dùng vũ lực, có khi bằng con đường ngoại giao, có khi bằng tiền bạc. Các dân tộc bị xâm lăng bên cạnh thân phận nô lệ, họ còn phải tiếp nhận nền văn hóa của nước đã xâm lăng họ.
– Nhưng ngày trước dân tộc ta đâu có xâm lăng vương quốc của nàng, lịch sử có chép như thế mà.
– Chúng ta có đánh nhau, nhưng không phải quốc gia của chàng đã tiêu diệt dân tộc thiếp, chúng ta cùng nguồn gốc mà, đất nước của thiếp bị diệt vong là ý muốn của Thượng Đế, do sai lầm của thiếp, khiến ngài nổi giận.
– Vậy sao?
– Thiếp đã sở hữu một vật biểu trưng cho quyền lực của ma quỷ, mà thiếp coi như báu vật, đó là một sai lầm không thể tha thứ của một người cai trị vương quốc như thiếp.
– Đó là vật gì?
– Một lưỡi dao chứa đựng quyền lực u ám. Thiếp đã coi nó như báu vật… Rất tiếc…
Trương Phước sửng sốt trước câu chuyện của A Múi. Chàng vuốt nhẹ mái tóc của nàng.
– Chúng ta có duyên từ tiền kiếp thì chúng ta sẽ có nhau thôi.
A Múi lắc đầu buồn bã:
– Rất tiếc, thiếp đã tái sinh nhầm chỗ, chúng ta không thể vượt qua mối thù truyền kiếp của hai dân tộc. Khi thiếp đến tuổi tròn trăng, phụ thân thiếp đã quyết định dâng thiếp cho Trần Tướng quân, người đồng hương của ông ấy, nên thiếp đã hủy bỏ thân xác mà thiếp đã mang mười sáu năm qua. Thiếp phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, để hội tụ năng lượng Ranaga mới tái sinh trở lại.
– Trần Tướng quân?
– Dạ! Chính ông ấy, những cư dân theo chân Trần Tướng quân đều coi người là ân nhân và luôn muốn dâng cho người những thứ tốt nhất mà họ có.
Trương Phước thở dài nghĩ thầm: “Con người đôi lúc quá mê muội, cái chữ Trung quân, theo chân ngoại bang len lỏi vào đất nước chàng đôi khi làm tan nát nhiều số phận của những người dân”.
– Thiếp không muốn như vậy, cho dù thiếp rất kính trọng Trần Tướng quân, thiếp phải chờ đợi chàng.
– Ta muốn hỏi nàng chuyện này?
– Chàng hỏi đi.
– Người thợ đá có kể cho ta nghe rằng, tảng đá mà ông ta nhặt được trong cù lao rất cứng và nó chỉ mềm khi con gái của ông ta đập đầu tự vẫn.
– Vì bên trong tảng đá ấy có lưỡi dao quyền lực. Ngày trước, khi vương quốc của thiếp bị hủy diệt, trước khi bước vào thế giới song song thiếp không thể mang lưỡi dao ấy theo, lưỡi dao đã để lại trên đất này. Lưỡi dao lưu lạc trong thế giới vật chất nhiều ngàn năm và nó gây ra rất nhiều tội ác. Một hôm, có viên quan địa phương nhặt lưỡi dao. Ông già tiên tri giải thích cho hắn tác dụng ghê rợn của lưỡi dao. Biết chuyện hắn hí hửng mang dâng cho quốc vương với hy vọng được bổng lộc. Sau khi nghe viên quan địa phương giải thích về cái mà gã gọi là “báu vật”, quốc vương giận dữ quát: “Báu vật của đất nước là người hiền tài, báu vật của nhân dân là mễ cốc, cái thứ giết người này sao gọi là báu vật được!” Vị quốc vương anh minh hiểu được ý của Thượng Đế mà ngày xưa thiếp không hiểu. Quốc vương ném lưỡi dao xuống sông và nguyền rằng “loài quỷ vật hãy ở trong lòng đất ngàn năm”. Không ngờ khi lưỡi dao vừa ném xuống, đất rùng rùng chuyển động và hiện lên doi đất hình lưỡi dao tách dòng sông làm đôi, đó chính là cù lao Dao. Mới đó mà ngàn năm trôi qua, con dao trở lại trần gian, nó nằm trong phiến đá mà phụ thân của thiếp đã tạc ra con sư tử này đây. Vì lưỡi dao được rèn trong máu của một ngàn trinh nữ nên tảng đá bao quanh nó chỉ mềm đi khi có máu của trinh nữ thấm vào.
Kể xong câu chuyện kỳ lạ, cô gái nhìn Trương Phước và nói:
– Vì chàng có duyên tiền định với thiếp, nên chàng và dòng họ của chàng sẽ là chủ nhân của lưỡi dao trong tượng đá này. Thiếp có ghi lại bài thần chú bằng chữ cổ, đó là thứ ngôn ngữ mà chàng có thể đọc được.
– Ta cần lưỡi dao để làm gì?
– Thiếp không biết, đó là chuyện của chàng, thiếp chỉ biết cơ duyên là chàng sẽ làm chủ lưỡi dao quyền lực.
Bỗng có tiếng gà eo óc gáy, A Múi bật dậy:
– Thiếp phải đi đây. Chàng về đi, nhớ nhé lưỡi dao được rèn trong máu trinh nữ.
Bóng trắng phất phơ của A Múi biến mất sau con sư tử đá. Trương Phước dụi mắt, chàng vẫn thức, mà tại sao có chuyện kỳ lạ như vậy? Từ khi đến trước con sư tử đá này chàng trở nên mê muội như là giấc mơ, khi không còn A Múi chàng tỉnh lại và lạnh toát cả người, hóa ra chàng giao tiếp với người cõi âm!
***
– Sao anh biết được chuyện ma này?
– Đó không phải là chuyện ma, câu chuyện này anh được kể lại khi lạc vào thế giới song song.
– Sao giống chuyện ma quá vậy? Thế giới song song là gì?
– Ma là cách gọi của người đời nay, trong thực tế có một thế giới song song với thế giới chúng ta. Ở thế giới ấy, con người không tồn tại dưới dạng vật chất. Nếu muốn trở lại thế giới chúng ta họ phải chuyển năng lượng vi tế vào thể xác vật chất như chúng ta. Ông già trong câu chuyện của nữ hoàng chính là ông già người Mạ ở thượng nguồn sông Thanh Long. Ông già ấy là người làm chủ được năng lượng Ranaga nên luôn đi lại giữa hai thế giới hàng triệu năm nay. Ông ta biết tất cả mọi chuyện tiền kiếp và tương lai.
– Anh đã lạc vào thế giới song song ấy như thế nào?
– Đó là câu chuyện dài, anh sẽ kể cho em nghe vào dịp khác.
– Ở thế giới ấy con người cũng có tình yêu sao?
– Họ không có hận thù, chiến tranh, và những tranh chấp vật chất như chúng ta, nhưng tình yêu thì vẫn tồn tại, bởi tình yêu không phải là dạng vật chất. Người của thế giới song song biết rõ chúng ta, nhưng chúng ta không biết họ. Không phải họ tài giỏi hơn chúng ta, nhưng họ sở hữu một năng lượng vi tế có tên gọi là năng lượng Ranaga, như vị nữ hoàng đã nói với tiền nhân Trương Phước.
– Vậy là ma rồi còn gì? Em luôn tin là có ma, em cũng đã từng thấy ma.
Miên Trường lắc đầu cười:
– Những người nhạy cảm, hoặc những người được Thượng Đế ban cho năng lực đặc biệt, hoặc giây phút ngẫu nhiên nào đó của trời đất, năng lượng Ranaga hội tụ và những người ấy tình cờ thấy được thế giới song song với thế giới chúng ta.
Lụa mỉm cười vu vơ.