trong hốc tối vòm mắt thiêu
những đóm lửa thì thầm lời úng thủy (TNH)
Em biết chăng, mùa thu đã xuống dòng. Không. Marc Chagall (1) không chết, mà Chagall chỉ xuống dòng. Từ dòng đời phiêu hưởng Chagall đã bước qua dòng diễm mộng vô nhiên. Đám tang ông – đúng hơn là trong buổi tiễn đưa Chagall bước qua dòng diễm mộng vô nhiên thì phố trời cây cỏ xám xanh, chỉ còn một chút màu vàng trong đáy mắt con gà trống bên kia khung cửa nhà của Bella (2). Quan tài Chagall đặt giữa phố với hai hàng nến màu ngũ sắc trên nắp quan. Có tiếng dương cầm của Bella bay nhẹ nhàng vào không gian tĩnh lặng những âm giai thanh bình của Bach. (3) Một đoạn mở đầu là Jesu, Joy of Man’s desiring. Rồi không ngừng giữa hai nhịp thở là Branderburg Concerto No 3 in G Major.
Tiếng dương cầm vừa dứt là tiếng reo hò vui sướng của những con bò, con cừu, con dê từ những nông trại nào gần đó, hòa điệu cùng tiếng gáy của con gà trống trong cửa sổ phòng Bella. Hốt nhiên, mọi thứ tiếng động đều ngưng nghỉ như cùng một giây. Khói của hàng nến ngũ sắc bỗng bốc lên ngạt ngào mùi hương của loài hoa thạch thảo.
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em biết chăng, mùa thu đã xuống dòng (4)
Bây giờ, mùa hạ chưa phai mà mùa thu đã thấp thoáng, thấp thoáng xuống dòng. Chagall nằm trong quan tài bỗng cười vang lên giọng cười phá vỡ tiền hậu bản lai, giọng cười của Bồ Đề Đạt Ma ngồi diện bích, bỗng ngộ ra rằng vách đá là hư vô nên phát lên giọng cười sư tử hống.
mười năm người nín tăm hơi
gọi người diện bích, đủ rồi mười năm (5)
Có phải chăng tiếng gầm sư tử hống của ngài Bích Nhãn Hồ Tăng, cũng là tiếng gọi của trí tuệ sáng ngời bắn thẳng vào hư vô nhân loại điêu linh?
Và bây giờ, trên nóc ngôi lầu của nhà nàng Bella bỗng xuất hiện gã bụi đời mặc áo choàng đen trên đường phố Santa Clara của thành phố San Jose. Trên vai và trên tay gã bụi đời là một chiếc đàn violon. Chiếc đàn violon cũng màu đen óng ánh. Gã bụi đời bỗng nhiên hiện thân thành Paganini(6) . Gã đứng thẳng người trên nóc ngôi nhà cao; và hốt nhiên, gã hướng vào cổ quan tài của Chagall mà cúi gập người xuống như một thế chào kính cẩn. Cái dáng chào cúi gập người xuống rất kì quặc của Paganini. Và tiếng đàn violon văng vẳng bay lên. Không phải những quỷ khúc của Paganini, mà là những âm điệu ngũ cung đến từ phương Đông: bài Lưu Thủy Hành Vân.
Những đám mây bềnh bồng trong tranh Chagall bay về ngợp đầy bầu trời của con phố thần thoại. Những đám mây bềnh bồng và những người đàn bà tuyệt đẹp nằm ngủ trần truồng bồng bềnh. Những đôi tình nhân cầm tay nhau bay lơ lững trên những mái nhà màu xanh lá cây và màu hồng môi con gái.
Tiếng violon của gã bụi đời áo choàng đen đang từ Lưu Thủy Hành Vân, bỗng đổi qua điệu Nam Ai thống thiết. Con gà trống nơi cửa sổ phòng Bella gục đầu lên đôi cánh đẹp, khóc ròng.
Gã bụi đời mặc áo choàng đen ngừng kéo điệu Nam Ai. Gã không chịu được tiếng khóc của bất kỳ sinh vật nào. Lòng gã là mùa xuân. Gã bắt đầu điệu Nam Xuân bằng cây đàn màu đen óng ánh. Chiều bắt đầu nhạt phai trong màu nến hương trầm. Trong màu nến trầm hương, vẫn ngạt ngào mùi thạch thảo.
Ôi! Mùi thạch thảo về đọng lại trên một chiếc lá cây maple của St. James Park; chiếc lá cây vừa rơi trong hồn tôi. Hay là một giọt chiêm bao vừa rụng xuống đời tôi.
Và… và hốt nhiên vẫn tiếng hát của Bob Dylan (7). Tiếng hát vẫn đeo đẵng theo tôi… Và tại sao vẫn là Bob Dylan?
Gates Of Eden
Of war and peace the truth just twists
Its curfew gull just glides
Upon four-legged forest clouds
The cowboy angel rides
With his candle lit into the sun
Though its glow is waxed in black
All except when ‘neath the trees of Eden
The lamppost stands with folded arms
Những Cánh Cửa Vườn Địa Đàng
Trong chiến tranh và hòa bình sự thật gần như quện lại với nhau
Con chim hải âu bị giới nghiêm tức khắc lướt đi
ở trên những đám mây rừng bốn chân
gã thiên thần chăn bò cỡi
Với ánh nến của hắn vào trong mặt trời
Tuy nhiên ánh sáng rực rỡ của nó bị bôi sáp màu đen
Tất cả trừ khi nào nằm dưới những vòm cây của vườn Địa Đàng
Cây cột đèn đứng với những cánh tay khoanh
With a crashing but meaningless blow
No sound ever comes from the Gates of Eden
The savage soldier sticks his head in sand
And then complains
Unto the shoeless hunter who’s gone deaf
Với tiếng đổ vỡ nhưng chỉ là một cú đấm vô nghĩa lý
Không có âm thanh nào từng đến từ những cánh cổng của Vườn Địa Đàng
Người lính man rợ cắm đầu anh ta vào trong cát
Và sau đó than phiền
Tới tên thợ săn không giày người mà đã bị điếc
And on their promises of paradise
You will not hear a laugh
All except inside the Gates of Eden
Relationships of ownership
They whisper in the wings
Và trên những lời hứa của họ về thiên đường
Anh sẽ không nghe thấy một tiếng cười nào
Mọi nơi ngoại trừ bên trong những cánh cửa của Vườn Địa Đàng
Những mối quan hệ của quyền sở hữu
Chúng thì thầm trong những chiếc cánh
And I try to harmonize with songs
The lonesome sparrow sings
There are no kings inside the Gates of Eden
The motorcycle black madonna
Two-wheeled gypsy queen
Và tôi cố phối âm với những bài hát
Con chim sẻ cô đơn hát
Không có những ông vua bên trong những cánh cổng Vườn Địa Đàng
Chiếc mô – tô đen thánh mẫu
Hai bánh xe nữ hoàng du mục gypsy
Con chim sẻ cô đơn vẫn hát. Lời nhạc và những âm giai vẫn bay đi… bay theo tôi trên những bước lang thang…
Bây giờ thì tôi tôi đang nằm ở đây, trên bãi cỏ xanh của St. James Park thành phố San Jose nhà quê. Làm sao mà biết được? Làm sao mà biết được tôi không đang nằm trên một bãi cỏ xanh nào đó của Central Park New York city? Tôi không thể nào trả lời câu hỏi này. Vì tất cả chỉ còn lại là mùi hương…
—
Chú thích:
- (1) Marc Chagall, ( sinh 7 tháng 7 năm 1887; mất 28 tháng 3 năm 1985), danh họa Nga gốc Do Thái, sinh tại Belarus (Vương quốc Nga), vào quốc tịch Pháp và sống ở đó từ năm 1937 cho tới khi mất. Tranh của ông là những bài thơ bằng màu sắc thơ mộng và đường nét kỳ bí. Ông là một trong những họa sĩ có tầm ảnh hưởng rất lớn trên trái đất của cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
- (2) Bella, tên người yêu của danh họa Marc Chagall
- (3) Johann Sebastian Bach. Sinh 31 tháng 3 năm 1685 (có bản chép 21 tháng 3); mất 28 tháng 7 năm 1750. Nhà soạn nhạc lừng lẫy gốc Đức thời kỳ Baroque. Ông có ảnh hưởng rất lớn đến nhạ cổ điển, ngay cả ở Pháp và Ý. Những tác phẩm tiêu biểu của ông rất nhiều, xin liệt kê đại khái: Brandenburg concertos, Goldberg Variations, Partitas, Well-Tempered Clavier, Mass in B Minor, St. Matthew Passion, St. John Passion, Magnificat, The Musical Offering…
- (4) Thơ Appolinaire, Bùi Giáng dịch.
- (5) Thơ TLG
- (6) Niccolò Paganini (27 tháng 10, 1782 – 27 tháng 5, 1840). Một thiên tài chơi violon và một nhà soạn nhạc cho violon lừng lẫy người Ý. Ông còn là một tay guitar hữu hạng. Ông để lại một kỹ thuật chơi violon tuyệt vời cho mọi thời đại.
- (7) Bob Dylan (tên thật là Robert Allen Zimmerman, sinh ngày 24 tháng 5, 1941) là một ca nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, và về sau còn là một DJ, một hình tượng chủ yếu của nền âm nhạc đại chúng trong năm thập niên liên tục tại Hoa Kỳ. Hầu hết những tác phẩm lừng danh của ông được hình thành vào thập niên 60’s. Ông khởi đầu là một phóng viên tự do. Và rồi là một biểu tượng bất đắc dĩ của một xã hội náo động. Một số những bài hát ông như “Blowin’ in the Wind“, và “The Times They Are a-Changin’,” trở thành thánh ca cho những người chống chiến tranh. Âm nhạc của Dylan có tính triết lý và văn học. Ông gần như đã viết nhạc qua tất cả những thể loại nhạc đang thịnh hành: Từ folk, blues và country đến gospel, rock and roll và rockabilly đến English, Scottish và Irish folk music, và thậm chí jazz và swing.