Javier Abril Espinoza | Trong vườn mắt em

Javier Abril Espinoza

Trần C. Trí dịch

Javier Abril Espinoza (1965) là nhà văn, nhà thơ và nhà soạn kịch người Honduras, hiện sống ở Thuỵ Sĩ. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng lớn như Giải Pablo Neruda cho tập thơ De aquí en adelante… (Từ Nay Về Sau…) (1996) và Giải Truyện Ngắn Quốc Tế Mari Paz Ovidi (2005). Truyện ngắn “En el jardín de tus ojos haciendo pastar conejitos de azúcar” dưới đây được trích trong tập truyện Un ángel atrapado en el huracán (‘Thiên Thần Mắc Bão’), xuất bản lần đầu ở Honduras vào năm 2002.      

        

Tôi không nhận ra cô. Tôi cũng không định gặp ai khác ngoài cô ra. Cô xuất hiện, đôi mắt đầy mê hoặc, cũng như mọi lần, ở góc đường tối tăm, nơi đám gạch vụn của tiệm Thời Trang Paris đang say ngủ. Từ chỗ đó, tôi thấy cô tiến đến gần, ngay lúc cô rẽ qua đường Cervantes, nơi tôi đang đứng… Không, đúng hơn là tôi đang tựa vào một cái cột đèn hắt ra tia sáng vàng vọt. Mặt trăng tròn vành vạnh trên cao. Đêm nay là một đêm gây buồn nôn hơn là một đêm trăng đẹp, vì những thây người bị moi ra từ đám bùn bởi đàn chó được quân lính huấn luyện cấp cứu lúc ban ngày. Bên dòng sông Chiquito dưới kia, những người Nhật và người Anh đang điều khiển xe máy cày. Trông họ như những con kiến cần mẫn, di động qua lại gần các doanh trại riêng rẽ do các lữ đoàn quân y của Cuba và Hoa Kỳ dựng lên. Margarita, nếu em được tận mắt chứng kiến, đó quả là một đêm vô vi và hiu quạnh. Từ mảnh đất ung thối này, đêm toả rộng ra như cái lều khổng lồ của một gánh xiếc, buồn bã và không một vì sao trên vùng trời cao tít đó. Cũng không cần nói ra, Margarita ạ, rằng chỗ tôi đang đứng chỉ toàn là thinh lặng trần gian. Khi nhìn về phía ánh sáng vàng vọt của những cột đèn lác đác còn sót lại trên đường Cervantes, tôi thảng thốt nhận thấy cả cuộc sống dường chỉ như là một miếng kẹo cao-su đã bị ai đó nhai xong và nhả xuống đất. Tôi nắn đi nắn lại hai lưỡi kéo giấu trong túi quần. Thế rồi, Margarita ơi, cũng như ngay lúc này tôi nghĩ rằng mình còn nhớ đôi mắt của người thiếu phụ ấy, đúng là vì mải nhai miếng kẹo cao-su, tôi đã không kịp nhớ đến em và tôi.

Người thiếu phụ đi qua khỏi đám gạch vụn của tiệm Thời Trang Paris và tiến gần đến tôi. Trên đôi môi của cô—tôi chắc rằng mình đã thấy được đôi môi ấy—điểm một nụ cười, như thể là cô đã nhận ra tôi sau nhiều năm tháng không gặp. Nhưng khi cô càng đến gần, tôi mới thấy ra rằng nụ cười đó không dành cho tôi. Tuy vậy, cũng cùng lúc đó, tôi thấy đôi mắt của cô hệt như một khu vườn. Rồi thình lình, tôi thấy có vài con vật nhỏ tung tăng nhảy từ mắt nọ sang mắt kia của cô.

            ―Xin lỗi cô…

            ―Sao ạ?

            ―Đôi mắt cô…

            ―Mắt tôi à?

            ―Có mấy con thỏ bé tí đang ăn cỏ trong khu vườn mắt của cô.

            ―À, hai con thỏ ấy à… Chúng là kẹo làm bằng đường đấy.

            ―Vậy thì nguy hiểm quá.

            ―Tôi chưa hiểu ý ông.

            ―Cả nước đang thiếu đường trầm trọng, cô ạ.

            ―À, ra thế. Ông có cần lấy hai con thỏ trong mắt tôi ra để cho vào cà-phê của ông không?

            ―Không đâu! Tôi uống cà-phê không bỏ đường.

            ―Vậy thì đỡ quá.

            ―Chúng ta có gặp nhau lần nào chưa nhỉ?

            ―Tôi không nghĩ vậy. Cũng có thể là trong một trận hồng thuỷ nào khác. Nhưng nếu ông muốn nói tới cơn bão lần này thì… ai trong chúng ta cũng có thể nhìn giống một người khác.

Kỳ thực, tôi không hỏi cô câu nào cả. Tất nhiên là cô cũng chẳng đáp lời tôi. Cô chỉ đi ngang qua trước mặt tôi, vì không còn lối đi nào khác. Cô đi qua, im lặng và lơ đãng, chừng như đến cả thiên thu. Rồi cô tiếp tục đi. Tôi thấy cô đi về phía những bức tường có treo một cách đầy ngẫu hứng những bức tranh biểu lộ tình đoàn kết với các nạn nhân bão lụt, do nhiều hoạ sĩ trong thành phố sáng tác. Mỗi bức tranh đều vẽ những nước và nước, với các thây người rã rời thành từng mảnh, những hình thù huyền ảo như nàng tiên cá hay người đàn ông tua tủa vòi như loài mực, có cả mấy đứa bé tiểu tiện ra thành biển cả. Bức tranh nào cũng có hình con tàu của ông Nô-ê qua nhiều nét vẽ khác nhau. Các bức tranh này tôi đã từng xem qua cả, không có bức nào mới. Nhưng có một điều rất rõ ràng: chẳng bức tranh nào có được lấy một đoá hoa. Điều này càng khiến tôi càng thấy thêm trầm uất trong những ngày tháng này. Bởi chưng, có thể do nghề nghiệp hay cá tính của mình, tôi có cảm tưởng rằng thế giới sẽ chìm mất nếu thiếu hoa lá trên đời. Nếu các con tàu của ông Nô-ê trong các bức tranh có thể cứu lấy thế giới này thì chắc nó cũng chẳng còn lá hoa gì cả. Chính vì lý do duy nhất này mà tôi không còn hứng thú gì để trở lại xem các bức tranh đó nữa. Giả như tôi có trở lại, tôi đã thầm hứa với mình, chắc tôi sẽ mang theo cọ và màu để chính tay mình có thể vẽ một đoá hoa vào mỗi bức tranh đó. Đó sẽ là những đoá guajaca có màu vàng, màu đỏ hay màu tím. Guajaca là một loài hoa huyền diệu. Chúng không cần gieo hạt hay bón phân gì mà vẫn đua nở. Chúng mọc lên ngay từ những kẽ đá. Những tâm hồn mạnh mẽ không khác gì loài hoa guajaca, tôi vẫn thường tự nhủ như thế. Cho dẫu các tâm hồn đó, cũng như loài hoa nhỏ bé mọc hoang kia, lắm khi bị nhầm lẫn với một loài cỏ dại.

Tôi nhắm mắt lại, muốn bỏ đi khỏi chỗ này. Nhưng tôi chợt thấy rằng cô vẫn còn đứng đó. Cô đang xem các bức tranh mà tôi không còn muốn nhìn lại nữa. Ngay giây phút ấy, tôi bỗng muốn gặp lại cô thêm một lần, để được đứng bên cạnh cô, hoàn toàn bị cuốn hút vào bức tranh có vẽ một nàng tiên cá bình thản nhô mình lên giữa hai bên biển động. Tôi quyết định tiến lại gần cô. Tôi giả vờ như đang khoan thai thưởng thức những bức tranh bên cạnh bức mà cô đang ngắm nghía. Cùng một lúc, người tôi run lên với cảm giác nhột nhạt chạy dài xuống hai đùi vì ý nghĩ biết đâu sẽ lại thấy hai chú thỏ con bằng đường đang ăn cỏ trong khu vườn mắt cô. Tôi cố trấn tĩnh. Tôi không quên (làm sao tôi có thể quên được?) lấy tay che chỗ cái kéo phồng lên trong túi quần.  Thoạt tiên, cố để cho cô không trông thấy, tôi nhìn cô một cách kín đáo, cho cô không để ý đến tôi mà vẫn tiếp tục xem tranh. Quả tình là tôi muốn tránh, một cách hợp tình hợp lý, tình huống chẳng lấy gì làm hay ho khi các cô cảm thấy có người lạ nào đang âm thầm dò xét, người mà họ chẳng những không muốn làm quen mà còn không hề thắc mắc vì sao mình phải làm quen với họ. Không thể nào chối cãi, có một thoáng, tôi đã nổi gai ốc lên vì  hoảng sợ lúc đang tiến gần đến cô. Trong tích tắc, tôi đã chớm nghĩ rằng hay nhất là tôi nên đi về nhà. Mười hai giờ là bắt đầu giới nghiêm. Nhưng tôi cũng biết rằng, đêm đó, Hillary Clinton sẽ ngủ lại rồi sau đó dùng bữa sáng ở một trong những nơi tạm trú dành cho nạn nhân bão lụt. Vì thế, để bảo đảm rằng Hillary có được một giấc ngủ yên lành, tôi cũng chẳng vì cớ gì mà phải vội về nhà trong đêm đó.  

Chưa tới mười giờ. Đêm hãy còn dài chán. Dù vậy, tôi vẫn cố tránh xa người thiếu phụ, để mặc cô muốn làm gì thì làm. Dẫu sao—tôi thầm nhủ—mình cũng đã biết đôi mắt của cô như thế nào rồi. Không biết làm gì khác, tôi đành đứng trên đường Cervantes, đi tới đi lui hoài một chỗ. Tôi xoay một vòng, rồi sực nhớ, sờ vào chỗ vẫn phồng lên trong túi quần. Phải, đó chính là cái kéo nhỏ không lúc nào rời tôi, cái kéo mà tôi vẫn dùng để tỉa cây đã nhiều năm nay trong biết bao nhiêu khu vườn. Giờ đây, lúc chẳng còn gì nữa, tôi chỉ còn có thể chăm sóc chính khu vườn nhỏ bé của mình. Bất chợt, giữa đêm khuya thanh vắng, tôi nhìn thấy đám tang của một đứa bé nào đó. Bốn người đàn bà gầy gò, lạc lõng, vận toàn đồ đen, mang đứa bé trong một cỗ quan tài nhỏ màu trắng. Thật ra đó không phải là một cái quan tài. Nó là một cái thùng nhỏ mà người ta vẫn chất chuối vào để xuất cảng sang nước ngoài. Đám tang đi dần về phía mà ngày trước từng là chỗ của hiệu sách Thời Hoàng Kim. Vì thời buổi đó không còn ai đội nón nữa, tôi cũng chẳng mang theo đến một cái mũ. Tôi đành phải khoanh hai tay lại trước ngực để tỏ dấu hiệu cung kính đối với một niềm đau đang đi qua trước mặt. Tôi nhìn theo đám tang lặng lẽ và bất ngờ ấy đi xa dần về phía cuối con đường, như đang nhìn cảnh vật đìu hiu muôn đời của đêm tối trên thế giới này. Ở khúc quanh mà trong những năm nội chiến là Dinh Tổng Thống, bốn người đàn bà từ từ khuất dạng trong nỗi thống khổ tận cùng mà hồi giờ tôi chưa từng chứng kiến. Nếu tôi không khóc thì chỉ là vì không phải lúc để khóc. Gia dĩ, người ta thường nói rằng khi những tay làm vườn rơi nước mắt, họ sẽ vô tình gây thêm đau thương mà thôi.

Rồi tôi lại thấy đôi tình nhân quen thuộc đi qua, lúc nào cũng đúng mười giờ đêm suốt mấy hôm liền, cũng trên con đường này, mà giờ đây không còn như xưa sau cơn bão. Một con mèo màu nâu tuyền chạy ra từ mái nhà có hình dạng như ổ bánh mì của một tiệm bánh vẫn còn ngập trong nước. Con vật ngoe nguẩy cái đuôi qua lại không ngừng. Nó đứng trên nóc của tiệm bánh, hướng ánh mắt sáng quắc về phía về phía người thiếu phụ có đôi mắt như khu vườn mà tôi đã từng đăm đăm nhìn vào. Lúc ấy, tôi bỗng muốn tiến lại gần người thiếu phụ huyền hoặc đó một lần nữa, người thiếu phụ đến từ một khu xóm khác, một thành phố khác, một thời điểm khác. Tôi định sẽ nói với cô rằng bức tranh bên cạnh vẽ cảnh mùa xuân, tuy rằng cô có thể nói, bằng một ngoại ngữ nào đó, khăng khăng bảo đó là mùa đông, chứ không phải là mùa xuân bướng bỉnh mà tôi cứ ép cô phải thừa nhận. Cũng có thể tôi sẽ quát vào tai cô rằng tôi không phải là một trong những nạn nhân bão lụt tình cờ đi qua chốn này. Rằng tôi không phải là một bóng ma hiện ra trước mặt cô. Rằng tôi vẫn còn sống sờ sờ ra đó. Còn nếu như cô không tin tôi thì cô có thể sờ vào cái kéo sắc nhọn mà tôi vẫn có thể dùng để tỉa tót khu vườn của tôi. Lại nữa, để cho cô biết rõ, tôi sẽ bảo cô rằng điều thực sự quan trọng đối với tôi chính là khu vườn trong đôi mắt của cô. “Cô làm ơn cho tôi nhìn thật rõ”—tôi định sẽ nói với cô như vậy. Phải, tôi chỉ mong sao cô sẽ cho tôi nhìn vào mắt cô, nhìn thật thoả thuê, và ngay trong khoảnh khắc đó, cô sẽ không thể nào xem tôi như một gã đàn ông lố bịch, khả nghi, có ý đồ mờ ám nào đó. Hoặc giả, tôi sẽ nói với cô như để phân trần, báo cho cô biết, một cách tự nhiên hơn chính sự xuất hiện của tôi, rằng trong đôi mắt như khu vườn của cô có hai con thỏ đang gặm cỏ. “Cô đừng sợ gì cả”—Tôi sẽ bảo cô như thế. Bởi vì cho dẫu món cà-phê mà sáng nào tôi cũng uống có đắng thật, tôi vẫn không có ý định lấy hai con thỏ bằng đường đang gặm cỏ trong đôi mắt của cô ra, để hoà tan chúng ra trong cái bình pha cà-phê màu xanh cũ kỹ của tôi, như cô đã lo sợ một cách rất chính đáng. Nhưng đó lại là chuyện khác. Còn nếu như cô sẵn lòng, cô cũng có thể cho tôi cái tai của một trong hai con thỏ bằng đường đó là cũng đủ lắm rồi. Bởi vì chỉ có cách đó, chứ không bằng cách nào khác, mà tôi tin là mình đã khám phá ra hai con thỏ trong khu vườn mắt của cô khi tôi vừa mới gặp cô… Tuy thế, tại sao lại phải đổ thêm những lời dối trá vào cái thế giới vốn đã đầy dẫy những tầm nhìn thiển cận này, tôi lại tự nhủ, cảm thấy muốn bỏ cuộc. Không, nói đúng hơn là tôi sẵn sàng muốn thay đổi chiến thuật. Tôi tin chắc rằng nếu tôi nói với cô điều đó, cô sẽ rộng lượng làm theo, kiểu như lòng nhân đạo đã cứu vớt những người bị ly tán tha thiết muốn được gặp lại nhau. Nhưng khi vừa quay bước để đi về phía cô, định nói với cố tất cả mọi điều, trừ những gì tôi vừa suy nghĩ, thì cô đã không còn ở đó nữa.

Tuy tôi chỉ là một người làm vườn tầm thường, và dầu việc chứng kiến một cọng cỏ mới nhú lên hay một đoá hoa lung linh sắc màu vừa chớm nở, đối với tôi, tự nó đã là một cái đẹp, tôi không tin vào cái gọi là tiếng sét ái tình. Dẫu sao đi nữa, có đồng ý với nhau hay không, người ta vẫn bảo rằng tình yêu là mù quáng. Theo tôi, những suy nghĩ như thế không còn phù hợp với giai đoạn đầu thế kỷ này nữa, và lại càng không phù hợp với chính tôi. Mặt khác, tôi chỉ là một kẻ đang mỗi ngày một già đi, như những cái rễ chồi lên mặt đất của loài hoa bromelia. Trong suốt những chuỗi ngày lang thang cô lữ dạo sau này, chưa bao giờ trong đời tôi có ý định gặp gỡ một người nào, phải, không có một người nào cả, với đôi mắt trông như khu vườn có hai con thỏ làm bằng đường như thế. Margarita, người hiểu tôi hơn ai cả, cũng biết vậy. Tuy nhiên, tôi cũng không hề muốn giãi bày chuyện này bằng bất cứ cách nào khác. Dạo gần đây, tôi cho rằng tình yêu và sự mù quáng cũng chẳng có gì hay ho, giống như đang làm tình mà nhắm mắt lại vậy. Chắc cũng vì thế, hoặc cũng để bắt chuyện đôi lần với một ai đó, mà lâu nay tôi vẫn tìm đến con đường Cervantes này. Kể từ đó, tôi thấy thêm nhiều đám tang trẻ con. Cả những đám tang của những người đã từ lâu hay chỉ vừa mới giã từ thời con gái. Tôi lại thấy đôi tình nhân lúc nào cũng đi qua vào lúc mười giờ đêm, cũng trên còn đường mà giờ đây đã không còn như lúc trước cơn bão. Tôi còn thấy, ngoài con mèo màu nâu tuyền ra, nhiều con mèo khác chui ra từ mái nhà có hình ổ bánh mì của tiệm bánh vẫn còn ngập nước lụt. Tôi còn thấy lại cả bức tranh vẽ nàng tiên cá bình thản nhô mình lên giữa hai bên biển động. Phải, chính là bức tranh mà người thiếu phụ thực thực hư hư từ một thế giới nào khác (nhưng rất giống thế giới này) đã từng nhìn ngắm với phong cách huyền hoặc như thôi miên. Nhưng người thiếu phụ đó, và đôi mắt của cô, tôi không bao giờ còn gặp lại nữa. Vượt lên trên cả cô, cả vực thẳm vật lý ngăn cách người này với người kia, tôi vẫn còn giữ lại một kỷ niệm về cô mà tôi không tài nào dứt bỏ, để nó làm tê dại tất cả những cảm xúc của chính mình.

Có một hôm, tôi ngỡ rằng đã thấy cô đi qua một trong những cây cầu đổ nát nối hai phần cũ và mới của thành phố với nhau. Nhưng, biết nói gì đây?… Chẳng có gì hết. Bởi chưng đó chỉ là cái bóng của cây nến thuộc về một thời sáng chói mà tôi đã đánh mất từ lâu. Thêm nữa, việc đi lại trong thành phố lúc này hết sức bị hạn chế. Thời điểm mà tất cả những nhà lãnh đạo trên Trái Đất này, kể cả Hillary, ngồi lại với nhau để mong biến nó thành một nơi bình an, giờ đây chỉ là những truyền thuyết đô thị mà người ta bịa ra để quên đi những nhàm chán cố hữu. Thời buổi này đã có một kiểu bình an khác. Đó là cái bình an nằm trong nỗi kinh hoàng thường nhật, không rõ là có lợi lộc gì cho chúng ta chăng, hay cuối cùng chỉ là để nhận chìm tất cả chúng ta xuống một nỗi kinh hoàng chính thức khác, theo thứ tự quen thuộc mà chúng ta đã từng biết. Hiện tượng bình an kiểu như vậy có thể thấy qua chuyện những viên đá trên mặt trăng của chuyến Apollo 17. Đó là những viên đá nhỏ mà Nixon đã gởi đến cho những nhà lãnh đạo vừa qua của chúng ta: Một cử chỉ đầy thiện chí giữa những người cầm quyền trên thế giới, nhưng cũng chẳng ai thực sự biết vì sao những viên đá ấy lại được phân phối ra khắp cả lục địa như thế. Có người đồn rằng các viên đá ấy đã biến đâu mất, có kẻ lại bảo chúng đang được bày bán ở chợ trời. Thành thật mà nói, tôi chẳng hiểu mấy viên đá đó có gì mà làm lớn chuyện như vậy. Mặt trăng đối với tôi thật quá xa vời. Một kẻ làm vườn như tôi thì lúc nào cũng thấy mặt trăng như là một người đàn bà chuyên báo trước những điềm lành dữ, chứ chẳng có đá sỏi gì trên đó cả. Ngược lại, những viên đá mà tôi thấy bày bán hằng ngày trên các đường phố, những viên đá nho nhỏ, xam xám đã khiến cho bọn thanh niên trong xóm tôi ở đâm ra mang ít nhiều ảo tưởng.

Một lần khác, dường như tôi lại gặp người thiếu phụ có đôi mắt như khu vườn ấy, trong một khu lánh nạn. Chính trong những khu này, gia đình các nạn nhân bão lụt ngồi đếm thời gian từ xuôi đến ngược, rồi lại từ ngược tới xuôi. Tôi không nghĩ rằng họ đếm lộn thời gian, đúng hơn là thời gian đã không còn đếm chung với họ nữa. Nhưng, như bất cứ ai cũng có thể đoán ra được, cuối cùng tôi đã nhận ra rằng đó là một người đàn bà khác chứ không phải là cô. Người đàn bà đó, trong lúc đang phơi quần áo cho mấy đứa con, bị ánh nắng gay gắt của mặt trời làm cho loá mắt, và vì thế nên đôi mắt của bà ta trông giống như đôi mắt khu vườn của người thiếu phụ kia, trong đó có hai con thỏ tí hon làm bằng đường đang gặm cỏ. Về dáng điệu đứng phơi quần áo của bà ta, tôi lại thấy nó hao hao giống một người khác mà tôi biết, có lẽ là pho tượng người đàn bà tạc bằng cẩm thạch bởi một nhà điêu khắc nào đó ở nước Ý xa xôi. Tôi nói như vậy vì trong các tấm lịch mà bà Chinda Díaz, người bán món bánh gói lá chuối, thường tặng cho khách hàng vào khoảng cuối năm, tôi đã thấy nhiều lần các tấm ảnh chụp bức tượng điêu khắc đó. Phía dưới các tấm lịch có dòng chữ: “Đức Mẹ Sầu Bi”.

Từ chuyện mấy viên đá mặt trăng, tôi lại lan man nghĩ ngợi, thật ra bây giờ tôi thấy không còn muốn gặp lại người thiếu phụ đó nữa. Tôi lại càng không muốn thuyết phục cô rằng bức tranh kế tiếp mà cô sắp xem là về mùa xuân chứ không phải mùa đông như cô vẫn đinh ninh như vậy. Thậm chí tôi cũng không còn muốn bảo cô rằng điều quan trọng nhất đối với tôi về cô là được nhìn khu vườn mắt  của cô, trong đó có hai con thỏ bé xíu bằng đường đang gặm cỏ… Nhưng hôm nay thành phố bỗng trở lạnh lẽo lạ kỳ. Các tài xế tắc-xi từ New York đã gom góp được năm trăm tấn hàng cứu trợ từ sân vận động Shea để gởi đến những nơi bị ảnh hưởng bão lụt trong vùng ngoại ô Chamelecón và lưu vực sông Ulúa. Nghe tin tức nói thế. Bản tin còn cho biết có hai con chó đã chết vì lạnh. Hội Bảo Vệ Thú Vật đã phát động một cuộc biểu tình quy mô trước Bộ Phục Hồi và Kiến Thiết Quốc Gia để đòi hỏi họ phải có biện pháp bảo vệ các loài thú đang sống khắp nơi trên đất nước. Tôi đã tai nghe mắt thấy rất nhiều chuyện mà hồi giờ chưa bao giờ xảy ra trong những vùng đó. Chẳng hạn như đây là lần đầu tiên trong đời tôi mới biết Hội Bảo Vệ Thú Vật là có thật.

Tôi vẫn tiếp tục uống cà-phê không đường. Từ sáng tinh mơ tôi đã uống. Và lần nào cũng với cái bình cà-phê màu xanh cũ kỹ của mình. Chẳng hôm nào mà tôi lại không quét dọn khu vườn càng ngày càng trở trên nhỏ hẹp của tôi, tiêu diệt hết thảy, từ con chuột đến con sâu. Điều đang xảy ra đối với khu vườn của tôi cũng là điều đang xảy ra cho tất cả vùng đất này, mỗi ngày chúng mỗi trở nên thêm lụn bại. Tôi để ý thấy mảnh đất trong khu vườn của tôi cứ dần dần teo lại vì nước cứ không ngừng tràn ngập. Tôi đã làm đủ cách để cố cứu vãn tình trạng này mà chẳng đi đến đâu cả. Nhưng mặc lòng, ngày ngày tôi vẫn luôn chăm nom, tỉa tót cây cối và hoa lá trong khu vườn. Và càng lúc tôi càng nhận ra rằng, vì những vũng nước sau vườn, sắc bóng loáng của các đôi giày tôi mang đã từ từ phai đi, rồi chuyển thành một màu thâm xỉn vì những đêm khuya tôi lang thang ngoài phố. Giày dép của tôi đã hư mòn cả rồi, nhưng tôi cũng không buồn để ý đến. Có lẽ đó cũng là một chiến lược tinh thần của tôi để phản kháng lại, để chỉ nghĩ đến những đôi giày của người khác sẽ ra nông nỗi nào. Kỳ dư, tôi có thể tuyên bố rằng mình đã chứng kiến và cảm nhận biết bao nhiêu chuyện còn tồi tệ hơn thế nữa trong cuộc đời của mình. Nhưng tôi cũng không khỏi ganh tị với lũ trẻ khi thấy chúng để chân không chơi đùa và ở trần trùng trục trên đường phố.

Đúng ra là tôi vẫn còn nhiều điều thiết thực hơn phải lo làm. Thí dụ như tôi không nên chần chờ gì nữa về việc phải đi chủng ngừa phong đòn gánh. Lúc đó biết đâu tôi sẽ được chích thêm vài mũi thuốc ngừa khác nữa. Ở đó, trong công viên Central, người ta đang chích cho công chúng hai loại thuốc để ngừa bệnh xoắn khuẩn vàng da và một chứng bệnh khác do vi khuẩn hanta gây ra. Tuy vậy, tôi phải thú thực rằng đêm hôm đó, tôi bỗng thấy háo hức muốn gặp lại lần nữa khu vườn của đôi mắt người thiếu phụ huyền ảo từ một thế giới nào khác đó, khu vườn mà tôi thấy cũng không khác gì với khu vườn của chúng ta. Chỉ bằng cách đó tôi mới có thể tự miêu tả cho chính mình thấy cô ta là người như thế nào.

Từ trước tới giờ tôi chỉ làm mỗi một công việc là chăm sóc vườn tược. Tôi chỉ là một kẻ làm vườn. Một kẻ làm vườn trong vùng đất đầy bão táp. Cách đây khá lâu, có lần ai đó đã nói với tôi rằng mỗi khi có một ngôi sao băng trên bầu trời, tất cả những đoá hoa hướng dương đều run lên lẩy bẩy. Nhưng tôi chưa bao giờ chứng nghiệm được điều đó. Hoa hướng dương thì tôi biết rõ là chúng có thể dùng để chế thành loại dầu thực vật khá ngon. Còn biết bao nhiêu điều mà người ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Không ít người có thể giải thích được nhiều sự việc. Tôi thì không. Tôi là một trong những người không bao giờ tìm ra được một lời giải đáp cho rất nhiều thứ trên đời. Tôi chỉ biết bảo, à, đây là chuyện hệ trọng. Cả đến những chuyện không bao giờ xảy ra tôi cũng không cắt nghĩa nổi, phần tối tăm của định mệnh tất cả những kẻ đồng loại với tôi. Huống hồ gì là định mệnh của riêng tôi.

Nếu có điều gì hay ho về tôi, đó chính là lâu nay tôi đã bỏ được cái thói mơ mộng hão huyền. Nói cho rốt ráo, những điều hão huyền đã khiến con người thức tỉnh. Trước trận bão, một trong những người láng giềng của tôi, anh ta hãy còn trẻ lắm, có kể rằng đã nằm mơ thấy một người đàn bà. Nằm mơ thấy đàn bà thì cũng không có gì lạ. Nhưng anh chàng hàng xóm của tôi quả quyết rằng người đàn bà đó chưa bao giờ hiện hữu trong đời anh ta. Vì vậy, anh ta cứ mang hoài ảo tưởng một ngày nào đó sẽ gặp cô. Anh ta tìm kiếm mãi, không biết mỏi mệt, từ người đàn bà này sang người đàn bà khác mà anh gặp gỡ. Về phần mình, tôi chưa hề và cũng sẽ không bao giờ nằm mơ thấy người thiếu phụ của tôi. Thật ra, trước đây tôi cũng có đôi lần mơ mộng; nhưng về sau thì cả đến những giấc mơ cũng tan vỡ, như vùng đất này. Tuy thế, tôi đã thấy được lũ hoa hướng dương run rẩy, và có lẽ vì thế mà tôi ngờ rằng, không sớm thì muộn, tôi cũng sẽ gặp lại người thiếu phụ có khu vườn trong đôi mắt ấy. Gặp cô thì bao giờ cũng hay hơn là chỉ mơ mộng về cô.

Có điều lạ là mối nghi ngờ ấy đối với tôi không có gì là bất bình thường cả, cũng như thời tiết trong những ngày này, với cái lạnh ma quái và những cơn mưa rào thịnh nộ. Hay những đợt nóng bức mang theo làn cuồng phong lạnh giá. Nhưng miền nhiệt đới là thế. Thời tiết trở nên khó dự báo đến nỗi tôi phải hoãn đến mùa trăng tròn kế tiếp mới có thể thực hiện việc chiết cành cho mấy cây hoa vòi voi của mình. Cũng như cây cam—mà trước đây tôi vẫn nhìn thấy qua vuông cửa sổ—phải đợi thêm ít lâu nữa mới có được cô bạn nhỏ mà tôi hứa sẽ trồng bên cạnh chú chàng… Trước đêm tôi trở lại con đường Cervantes, tôi đã thầm nhủ rằng không chóng thì chầy mình sẽ phải tìm gặp đôi mắt khu vườn có hai chú thỏ đang gặm cỏ của người thiếu phụ ấy. Ngoài ra, như tôi đã nói, tôi không hề tha thiết gì khác hơn ở cô nữa. Thậm chí đến tên của cô tôi cũng không muốn biết. Tôi chỉ vô cùng háo hức muốn sớm gặp lại cô. Nỗi háo hức đó cứ tăng dần lên, thêm vào đó là một sự việc đầy hứa hẹn: tôi vừa biết ra rằng người đã lấy đi bức tranh mà cô từng thưởng thức trên bức tường ở đường Cervantes, bức tranh vẽ nàng tiên cá nhô mình lên giữa hai bên biển động. Thay vào đó là một bức tranh khác, rất đỗi lạ kỳ. Đó là một bức tranh giống y hệt bức cũ về cả kích thước, chủ đề, bố cục và màu sắc. Nếu không đến thật gần để thấy một chi tiết là có hai chú thỏ con bằng đường đang gặm cỏ trong đôi mắt của nàng tiên cá, thì tôi dám quả quyết rằng đó chính là bức tranh mà người thiếu phụ đã từng đứng ngắm. Còn nữa: tôi thề độc rằng người thiếu phụ ấy đã bước vào bức tranh cũ, cho tôi nhìn thấy cô trong bức tranh mới, như để nói với tôi rằng cô đã ở trong bức tranh từ bấy đến giờ.

Cuối cùng, dường như chính tôi cũng đã đến chỗ phải đi qua một ngưỡng cửa nào đó. Cánh cửa mà chưa bao giờ có ai biết được là đang mở hay đang khép. Đó là một nơi mà hình như ai cũng bước vào được, nhưng đồng thời cũng là nơi mà người nào cũng cố tình tảng lờ đi như không biết. Tôi thì không thế, tôi không cưỡng lại nữa. Tôi đã quá mỏi mệt với việc phải giải thích với chính mình về điều này hay điều nọ. Tôi đã sẵn sàng rồi. Cây kẹo cao-su đã được nhai chán chê và nhả ra rồi, thế là đã quá đủ. Tôi đã ngửi thấy hương thơm của loài hoa custambusy mà ngày xưa vợ tôi vẫn hằng ưa thích. Đó là một mùi hương tuyệt diệu, không thể nào nhầm lẫn được, của những kẻ một thời đã yêu nhau. Cho dẫu bây giờ thiên hạ bảo tôi rằng chỉ có biển mới đang hấp hối, tôi vẫn thấy mình không chống cự nổi nữa. Bây giờ tôi mới hiểu. Trong chính khoảnh khắc này, tôi mới hiểu được phần nào sự thật… Vậy thì tôi sẽ cứ để mặc những bước chân của tôi mang tôi đến tất cả những cánh cửa nào mà chúng muốn. Tôi sẽ áp chặt cái kéo làm vườn vào trái tim bệnh hoạn, không được tưới nước cho xanh tươi của mình. Rồi tôi sẽ bước vào. Tôi sẽ bước vào khung cửa khi đến lượt mình. Bởi vì đôi mắt như khu vườn đó, nơi hai chú thỏ tí hon làm bằng đường vẫn còn đang gặm cỏ, nhất định phải là đôi mắt em, Margarita, đôi mắt có lần đã tìm đến, để nhỏ xuống người tôi những giọt nước mắt đến giờ vẫn còn đọng lại.

Trần C. Trí dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha
https://javierabrilespinoza.files.wordpress.com/2006/11/en-el-jardin-de-tus-ojos-cuento1doc.pdf