Trần Nghi Hoàng | Trầm tư đường phố (trích Những Ký Ức Mất Tích)

Tranh, Huỳnh Lê Nhật Tấn

Mùa đông chừng như còn lưu luyến gì đây, không chịu ra đi để nhường trái đất này lại cho mùa xuân. Ngày tháng xuân sắp hết mà mùa đông vẫn chưa tàn.

Mùa đông nghịch ngợm đi về bằng những cơn lạnh trái mùa. Mùa đông làm buổi sáng cuộn lại trong chăn, lắng nghe âm thanh của im lặng bình minh. Cơn lạnh xuyên qua cửa kính và cơn lạnh phảng phất trong căn phòng nhỏ. Cơn lạnh chui vào chăn thì thầm cùng hạnh phúc thong dong. Hạnh phúc thong dong bị con nắng xanh tươi, ranh mãnh làm dụi mắt choàng dậy như bước vào cơn mộng du.

Ngồi đại tiện hút một điếu thuốc lá. Tôi vừa đại tiện vừa hút thuốc lá, hay vừa hút thuốc lá vừa đại tiện. Hỏi lang bang chơi vậy thôi. Cơn lạnh làm sảng khoái vụ tiểu tiện. Rùng mình.

Kem đánh răng bàn chải dao cạo râu nước nóng nước lạnh. Thuốc gội tóc có mùi thơm lá cây mùa thu ở Minnesota. Mùa thu ngó từ trên cao xuống vàng vàng rực rỡ. Mùa thu không tìm ra phòng vệ sinh công cộng ở thành phố lai Tây St. Paul, một thằng đứng cạnh một thằng đứng vạch quần đái bên gốc cây hè phố sướng hoang mang.

Chải đầu mang giày. Phải gọi một cú điện thoại trước khi ra khỏi cửa.

“A lô! Nam hả? Hôm nay trời nắng mà lạnh gây gây. Tôi muốn đi chơi quá; ông làm việc giùm tôi nghe.”

“Ừm! Ừm! Được rồi. Chiều ông có ghé không?”

“Ghé mà. Nắng tắt là tôi tới.”

Mở cửa nhà đóng cửa nhà. Thở hít thở hít thật mạnh. Không khí thơm thơm mùi cỏ vô danh. Mở cửa xe đóng cửa xe. Nổ máy xe. Mùi xăng cũng thơm thơm. Mùi café sáng thơm thơm. Cái mẹ gì cũng thơm thơm. Cái mũi này hôm nay dị ứng với tất cả những mùi thối. Có thể thằng cha bụi đời – râu tóc xoắn dính vào nhau, nghìn năm không đụng tới nước – vừa đi ngang, cái gã bụi đời mặc áo choàng đen (?) – mà Đăng Lạt đã một đêm nào đó vẽ lại bằng trí nhớ với những nét độc đáo – cũng thơm luôn.

Đốt một điếu thuốc nữa. Chào thằng cha chủ tiệm café có cái mặt ngu ngu gian giảo một cách dễ thương:

“Tôi gửi cái xe ở đây. Ông đừng có quên mà kêu tụi towed away tới kéo đi nghe.”

“Được mà! Được mà! Đừng lo.”

Lo cái con khỉ mốc. Ông mà có kêu tụi towed away tới kéo đi thì tôi khỏi phải mất công ngày ngày lái xe chứ có sao đâu. Mai mốt ta mua con ngựa bạch ta cưỡi cho ông coi.

Một chiếc xe vừa đậu lại trước cửa tiệm bánh mì thịt nguội Ba Lẹ. Hai chữ “thịt nguội” viết nhập nhòa làm ta cứ đọc ra là “thịt người”. Một nàng con gái Việt Nam da vàng bước ra khỏi xe. Nàng mặc một bộ quần áo thời trang với những màu sắc vui mắt dễ thương. Nàng có dáng đi như muốn nói với những người đàn ông từ phía sau lưng nàng rằng: “Nhìn mông em đi!”

Ừ! Nhìn thì nhìn. Tôi nhìn theo nàng cho đến khi nàng khuất sau lớp cửa kính của tiệm bánh mì.

Cám ơn em bé. Cám ơn cái mông của em…

Tôi đang bước lang thang không cần biết tới đâu. Những màu sắc của người ta, của những cửa tiệm, của đường phố và của những chiếc xe qua lại làm tôi thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc thong dong. Dù sự sống có cắm đầu chạy như người đàn ông mặc suit xám kia, thì sự sống vẫn thong dong. Thong dong một cách vội vã.

Đèn đỏ. Đèn xanh. Tiếng còi hung hãn của chiếc xe sau vì sự chậm rãi của chiếc xe trước. Tiếng rít lên của bánh xe miết trên đường nhựa vì thắng gấp. Những tua khói hốt hoảng tan biến theo những bóng xe vội vã. Đời sống vẫn thong dong.

Một gã bụi đời mặc áo phanh ngực đi chân trần đến gần tôi. Gã có râu tóc dài và nụ cười của chúa Jesus. Gã chào tôi và nhỏ nhẹ hỏi:

“Bạn có thể mua cho tôi một ly café không?”

Tôi nhìn gã và cười như một hầu tước của thế kỷ 17:

“Rất hân hạnh. Tôi cũng đang cần một ly café đây.”

Tôi và gã bụi đời rẽ vào một quán donut gần đó. Tôi và gã hỏi tên nhau. Mỗi đứa uống một ly café, ăn một cái donut, hút hai điếu thuốc, hỏi và trả lời nhau vài câu nhát gừng tơ lơ mơ rồi chia tay.

Tôi không nhớ đã nói chuyện gì với gã bụi đời. Tôi cũng quên luôn tên gã. Tôi chỉ nhớ gã có nói với tôi là gã có bằng cao học về sử và gã đang viết nhạc jazz.

Đời sống thong dong. Gã bụi đời cũng thong dong đói khát khước từ cuộc chạy đua đương nhiên.

Tôi tự hỏi: “Tại sao đời sống này lại có những việc được coi là đương nhiên. Khỉ mốc. Vả lại, tận nhân lực mới tri thiên mạng.”

Nếu tận nhân lực rồi mà chưa thắng thiên mạng thì cứ mượn thanh đao đồ long của Tạ Tốn mà ăn thua một phùa với lão tặc thiên. Nhưng phải nhớ là cũng tận nhân lực trong phong thái thong dong , và có ăn thua với lão tặc thiên thì cũng ăn thua với phong thái thong dong.

Từ đầu bài viết này, tôi đã nhắc tới hai chữ “thong dong” như một lời kinh thường tụng.

Tại sao vậy?

Thực sự, cái đời của tôi mà tôi đang là, có được thong dong không? Chẳng qua là một thái độ phản thường của tâm lý. Thong dong, lúc có lúc không. Sự đánh mất thong dong ở tôi cũng do những ham muốn ngoại lệ. Ngoại lệ hay thường tình. Vì dù sao những ham muốn đã đến với tôi là những ham muốn rất người ta.

Đôi khi, tôi nhận thấy cái gã thong dong nhất mà tôi biết bây giờ, qua một bề mặt nào đó, là gã bụi đời mặc áo choàng đen mà Đăng Lạt từng chiêm ngưỡng và vẽ lại. Tứ mùa bát tiết, dù mưa hay nắng, ngày qua ngày gã vẫn sống bằng thái độ thản nhiên thích thú. Những buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều gã vẫn tiếp tục qua lại đường Santa Clara từ khoảng đường số 4 đến đường 24. Mưa nắng gì thì gã vẫn khoác chiếc áo choàng đen chắc chắn chưa một lần được giặt sạch từ khi vào tay gã. Mái tóc vẫn rối bồng bềnh và nét mặt như đá núi. Đôi mắt hắn mơ màng, sáng lên những tia lạ lùng theo từng cái gật gù. Đôi mắt từ bi và đứng bên ngoài cuộc đời.

Tôi đứng ở góc đường 23 ngắm hắn từ một tiệm rượu gần đó vừa bước ra. Dáng điệu hắn lừng khừng tự tại như một đạo sĩ. Hắn đứng lại giữa vỉa hè, hai tay loay hoay mở nút chai rượu trong một cái bao giấy vàng nâu. Hắn tu ngụm rượu đầu tiên một cách trang trọng và sùng kính.

Hắn đang đi về hướng tôi. Tiếng nhạc văng vẳng từ đâu đó và tiếng hát của Bob Dylan: “She make love…! Just like a woman…”

Gã áo choàng đen nhìn tôi cười. Gã hỏi tôi:

“Bắn một ngụm không, ông bạn?”

Tôi gât đầu cười lại với gã. Gã chuyền cái bao giấy chai rượu cho tôi. Mùi phấn son đàn bà nồng nàn.

Lại Jack Daniel. Tại sao trong mười tên street drinker đã có hết 9 tên khoái uống Jack Daniel rồi vậy? Mùi rượu cay nóng tuyệt hảo.

Tôi trao lại gã áo choàng đen chai rượu. Tôi nheo mắt với gã:

“Cám ơn. Ông bạn khoái thứ này hả?”

Gã nhếch mép gầm gừ:

“Yep! Phải mạnh như Jack Daniel này mới được, mới đã. Thứ rượu quỷ này lại có cái mùi đàn bà thơm thơm nữa, ông bạn thấy không?”

Tôi gật gù. Gã áo choàng đen cười cười với tôi bằng mắt, gã nói:

“Take care, man”

Gã bỏ đi và tôi cũng nói theo với gã:

“You take care yourself too, man.”

Nắng buổi trưa đã dìu dịu để thành nắng buổi chiều. Trời đất đột nhiên ấm lại. Tôi thèm một bãi cỏ xanh để nằm. Nằm chơi chơi để hít thở mùi thiên nhiên. Nằm chơi chơi để hồi tưởng lại những tháng năm ở New York city.

Gã áo choàng đen làm tôi nhớ New York city vô tả. Những đêm xám và ngày vàng. Những trưa xanh và chiều đỏ. New York của xô bồ ngơ ngác rộn rịp. New York của đìu hiu hoang tàn. Những building chọc trời lấp lánh ánh đèn kim cương. Những khu nhà hoang phế không điện không nước. Những tên tư bản triệu phú và những gã street drinker.

Đó, kết hợp tuyệt diệu của New York.

Những người vào Regine chỉ để ăn một đĩa nhỏ xíu trứng caviar, uống một ly wine để trả 75 đô la, và những nàng đĩ rày rạc chào khách bên lề đường 42. Những tên cướp giật hôi hám, sẵn sàng giết người vì 5, 10 đô la. Những đoàn subway sặc sỡ vui mắt với những hình thù và màu sắc trên thành xe của Street Art. Vũng nước đái trên sàn toa và gã say nằm khóc trên thành ghế. Tiếng hát của Nat King Cole, một thời chiêm bao xanh. Chỗ này Jack Reed đã đứng chửi thề 11 lần vì chứng đau thận của chàng ta.

New York của đam mê và New York của tự tử.

Tôi còn bị ám ảnh bởi thành phố địa ngục này đến bao giờ?

Mùa đông New York với 20 độ dưới zero và những xác chết vô danh trong những đống tuyết nhớp nhúa. Mùa hè New York với cái nóng điên khùng, cởi hết quần áo chạy giữa đường phố đầy nghẹt người và la lên rằng: Tôi thèm một khoảng trống.

Bây giờ New York còn lại gì? New York có còn Jill và tiếng đàn guitar hoang dại giữa buổi chiều hờ hững ở Greenwich Village, đất hứa của những con  người nghệ sĩ, lang thang.

Tôi nhớ Glen, tên hippy dễ thương, tài hoa.

Glen, mày có còn kéo violon vào lúc 2 giờ sáng những quỷ khúc của Paganini không hở? Tao cầu mong mày vẫn còn chơi violon vào lúc 2 giờ sáng những quỷ khúc của Paganini, để đánh thức và kêu gọi hồn ma bóng quế của những con người không quốc tịch, không quê hương. Những con người đã trôi lênh đênh trên dòng đời, như thi hài của Paganini đã trôi lênh đênh trên biển 15 năm phiêu dạt. Paganini là một trong những đại nghệ sĩ chết không đất chôn. Tử vô địa táng. Còn một mảnh đất nào để dành cho, để ôm ấp hình hài của những người nghệ sĩ phiêu dạt?

Nắng đã tắt. Màu vàng đã chết. Marc Chagall đã chết.

Tôi nằm đây giữa Central Park của New York city hay tôi đang nằm trên bãi cỏ buồn hiu của St. Jame Park của thành phố nhà quê San Jose? Làm sao mà biết được.

Làm sao mà biết được! Khi con nắng xanh tươi thắm của bình minh đã dịu dàng phai úa. Màu vàng đã bay vào hư vô. Màu vàng đã chết trong màu đen trong suốt. Marc Chagall đã chết.

Em biết chăng, mùa thu đã xuống dòng.

Không, Chagall không chết, mà Chagall chỉ xuống dòng. Từ dòng đời phiêu hưởng Chagall đã bước qua dòng diễm mộng vô nhiên. Đám tang ông – đúng hơn là trong buổi tiễn đưa Chagall bước qua dòng diễm mộng vô nhiên thì phố trời cây cỏ xám xanh, chỉ còn một chút màu vàng trong đáy mắt con gà trống bên kia khung cửa sổ căn phòng của Bella. Quan tài Chagall đặt giữa phố với hai hàng nến màu ngũ sắc trên nắp quan. Có tiếng dương cầm của Bella bay nhẹ nhàng vào không gian tĩnh lặng những âm giai thanh bình của Bach. Một đoạn mở đầu là Jesus, Joy of Man’s desiring. Rồi không ngừng giữa hai nhịp thở là Branderburg Concerto No 3 in G Major.

Tiếng dương cầm vừa dứt là tiếng reo hò vui sướng của những con bò, con cừu, con dê từ những nông trại nào gần đó, hòa điệu cùng tiếng gáy con gà trống từ cửa sổ phòng Bella. Hốt nhiên, mọi thứ tiếng động đều ngưng nghỉ như cùng một giây. Khói của hàng nến ngũ sắc bỗng bốc lên ngạt ngào mùi hương của loài hoa thạch thảo.

ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
em biết chăng, mùa thu đã xuống dòng 1

Bây giờ, mùa hạ chưa phai nhhòa mà mùa thu đã thấp thoáng, thấp thoáng xuống dòng. Chagall nằm trong quan tài bỗng cười vang lên giọng cười như phá vỡ tiền hậu bản lai, giọng cười của Bồ Đề Đạt Ma ngồi diện bích, bỗng ngộ ra rằng vách đá là hư vô nên phát lên giọng cười sư tử hống.

mười năm người nín tăm hơi
gọi người diện bích đủ rồi mười năm 2

Có phải chăng tiếng gầm sư tử hống của ngài Bích Nhãn Hồ Tăng, cũng là tiếng gọi của trí tuệ sáng ngời bắn thẳng vào hư vô nhân loại điêu linh.

Và bây giờ, trên nóc ngôi lầu của nhà nàng Bella bỗng xuất hiện gã bụi đờimặc áo choàng đen trên đường Santa Clara của thành phố San Jose. Trên vai và trên tay gã bụi đời là một chiếc violon. Chiếc violon cũng màu đen óng ánh. Gã bụi đời bây giờ hiện thân thành Paganini. Gã đứng thẳng người trên nóc ngôi nhà cao, và hốt nhiên, gã hướng vào cỗ quan tài của Chagall mà cúi gập người xuống như một thế chào kính cẩn. Cái dáng chào cúi gập người xuống rất kỳ quặc của Paganini. Và tiếng đàn violon văng vẳng bay lên. Không phải những quỷ khúc của Paganini, mà là những âm điệu ngũ cung đến từ phương Đông: bài Lưu Thủy Hành Vân.

Những đám mây bềnh bồng trong tranh Chagall bay về ngợp đầy bầu trời của con phố thần thoại. Những đám mây bềnh bồng và những người đàn bà tuyệt đẹp nằm ngủ trần truồng bồng bềnh. Những đôi tình nhân cầm tay nhau bay lơ lửng trên những mái nhà màu xanh lá cây và màu hồng môi con gái.

Tiếng violon của gã bụi đời áo choàng đen đang từ Lưu Thủy Hành Vân, bỗng đổi qua điệu Nam Ai thống thiết. Con gà trống nơi cửa sổ nhà Bella gục đầu lên đôi cánh đẹp, khóc ròng.

Gã bụi đời mặc áo choàng đen ngừng kéo điệu Nam Ai. Gã không chịu được tiếng khóc của bất kỳ thứ sinh vật nào. Lòng gã là mùa xuân. Gã bắt đầu điệu Nam Xuân bằng cây đàn màu đen óng ánh. Chiều bắt đầu nhạt phai trong màu nến hương trầm. Trong màu nến trầm hương, vẫn ngạt ngào mùi thạch thảo.

Ôi! Mùi thơm thạch thảo về đọng lại trên một chiếc lá cây của St. Jame Park; chiếc lá cây vừa rơi trong hồn tôi. Hay là một giọt chiêm bao vừa rụng xuống đời tôi.

Bây giờ thì tôi đã biết tôi đang nằm đây, trên bãi cỏ xanh của St. Jame Park của thành phố nhà quê San Jose. Làm sao mà biết được? Làm sao mà biết được tôi không đang nằm trên một bãi cỏ xanh nào đó của Central Park New York city? Tôi không thể nào trả lời câu hỏi này. Vì tất cả chỉ còn lại là mùi hương.

Ôi! Mùi hương của quá khứ. Tôi tê điếng trong mùi hương chất ngất và nỗi buồn mang mang. Niềm vui vô danh và nỗi buồn khuất mặt. Nắng bình minh tươi thắm đã phôi pha. Nắng chiều tà rực rỡ cũng sắp phai nhòa. Không, không, mà…

nắng đã xế về bên xứ bạn 3

Bây giờ thì nắng đã xế về bên xứ chiêm bao. Nắng đã đi vào cõi mộng. Nắng đã nằm bên kia bờ vực của trí nhớ. Và trí nhớ hoang mang trong luân lạc mười năm:

mười năm tóc lộng tơi bời
mười năm diện bích, thôi rồi mười năm 4

Mười năm lang bạt. Mười năm chạy đuổi theo những điều hình như vô vọng. Vô vọng hay tuyệt vọng. Nắng đã tắt. Nắng đã xế về bên kia xứ chiêm bao. Xứ của bạn. Còn xứ nào là xứ của ta không? Câu hỏi làm nên một nỗi đau đớn có sẵn, tưởng chừng như nhẹ nhàng mà sao điếng buốt.

Đèn đường đã lên màu nhợt nhạt hắt hiu.

Có những trái chiều không muốn rụng
Treo ngẩn ngơ trên ngọn đèn đường

Ánh đèn đường của mười năm bao nhiêu đêm giang hồ thao thức. Mười năm hay là một kiếp khác. Kiếp của cơn mộng du tỉnh thức. Ôi! Màu đèn đường của bến xe bus Greyhound tơi bời gió lộng năm nào của Chicago city. Những tợp rượu uống giữa hai cổ áo măng tô kéo cao. Chiếc áo măng tô ngày xưa tổ tiên Trần Hưng Đạo đã mặc để đánh thắng trận Bạch Đằng, đuổi quân xâm lăng ra khỏi đất nước quê hương.

Tiếng cười của Uy như còn lẩn quất đâu đây:

“Mày điên rồi! Thằng lộng ngôn.”

“Lộng ngôn là ngôn ngữ lồng lộng bay lên trời cho vơi đi những nỗi niềm u uất, phải không?”

Phải không Uy, thằng playboy đàng điếm dễ thương, phải không Irene, người thiếu phụ sầu thảm Đông phương. Cơn mưa nào đến từ phương Đông làm ướt đôi mắt đẹp của Irene. Cơn mưa của những huyền bí sâu thẳm. Và gió vẫn lồng lộng bốn bề làm xô giạt những giọt mưa thần thoại. Hãy khóc bằng nước mắt xanh. Tình yêu mọc răng để cắn lưỡi. Chiếc lưỡi dùng để hôn nhau mê đắm. Chiếc lưỡi dùng để nói với nhau những lời mặn nồng. Hay chiếc lưỡi dùng để nguyền rủa nhau những lời cay độc, hở em?

Bắt bàn tay có những móng màu đen quái thú của gã one – dime – man. Ôi! Cơn mưa thất tán. Người đàn bà vừa bị cướp tiền đứng khóc không ra tiếng trong phòng điện thoại công cộng. Chicago, thành phố của tội ác. Chicago hay New York city. Xin đừng so sánh và đừng làm những thống kê. Tôi sợ những thống kê. Tôi sợ những con số.

Tên kịch sĩ mime đứng ngơ ngác với khuôn mặt vẽ đầy những màu sắc quỷ dị. Cơn mưa bất chợt đã làm gã phải ngừng buổi trình diễn trên lề đường phố. Cơn mưa bất chợt đã làm gã phải ngưng công cuộc làm ăn. Cơn mưa “vô hậu” làm buồn gã kịch sĩ câm. Gã có chào tôi và nói một câu gì đó dường như là:

“I hate this fucking rain”

Tôi cười gật gù với gã, mặc dù tôi không ghét cơn mưa này. Tôi yêu thích tất cả những cơn mưa. Mưa rào, mưa phùn, mưa lũ, mưa bóng mây hay mưa khỉ mốc gì đi nữa. Tôi yêu thích nhất những cơn mưa vào những đêm khuya Chicago này. Tôi yêu thích những cơn mưa, vì những cơn mưa làm xanh lại thiên nhiên, làm tươi mát cỏ cây. Tôi yêu thích luôn cả mưa bão, vì mưa bão làm tôi nhìn rõ được thân phận của trần gian này.

Cuối cùng, tôi yêu thích những cơn mưa là vì nắng đã tắt. Nắng đã xuống dòng sầu thảm. Tôi yêu thích những cơn nắng quái chiều tà rực rỡ, nắng bình minh tươi xanh.

Bây giờ, tôi đang yêu những cơn mưa hỗn mang. Thực ra, là vì, tôi yêu trần gian này.

Trần gian trái đất, niềm vui mọc ra. Trần gian trái đất, nỗi buồn rụng xuống. Niềm vui mọc ra và nỗi buồn rụng xuống. Niềm vui là cây xanh và nỗi buồn là lá vàng. Hay niềm vui là cây xanh mà nỗi buồn là trái đỏ. Trái chín của trần gian, là trái sầu rụng rơi:

vai anh em hãy tựa đầu
cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi 5

Ông Huy Cận chỉ còn có bài thơ này làm chứng cho cuộc đời thi sĩ của ông ta. Một cuộc đời thi sĩ rất ư là ngậm ngùi. Có phải chăng cuộc đời của tất cả thi sĩ đều ngậm ngùi như nhau?

Chào nhau, chào nhau. Trong mùi gió có mùi mằn mặn buồn phiền của những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt sầu điên:

Mắt sầu điên rớt giọt trăm năm

Giọt trăm năm là những giọt mà ta vừa cầu đảo.

Ôi! Một chút mùa thu còn sót lại cũng đã thực sự ra đi. Ra đi về xứ nào chẳng biết!

Rồi mai kia tôi sẽ về đâu? Tôi cũng nào có biết! Mà biết để làm gì, bởi trần gian này còn vô cùng quyến rũ.

Trần gian vẫn có người giết người và người yêu thương người.

Trần gian vẫn còn dẫy đầy những ta bà, để con người dài ra và ngắn lại.

Trần gian vẫn đẹp và xấu trong từng sát na tuyệt diệu. Sự chết và sự sống, bi ai và hoan lạc. Chỉ là sự thay họ đổi tên để làm mới những sắc màu.

Những sắc màu đã tàn phai là những sắc màu của quá khứ. Quá khứ có những bóng chim bay mịt mờ. Có bóng con chim xanh bay trong rừng hồng mộc, bên rìa biên giới Washington state. Welcome Washington state, và liền theo đó là: “No hitchiking”. Ở tiểu bang này người ta xin đi quá giang phạm tội, mà người chở quá giang cũng… phạm tội.

Tacoma có Hải đang làm thợ chữa răng.

Seatle với tượng nhân ngư buồn bã trên lề đường. Tượng nhân ngư trơ trơ nhìn người qua kẻ lại. Những nàng tóc vàng mắt xanh đẹp như thiên  thần cặp tay cùng những chàng Mỹ đen trâng tráo. Sự kết hợp tuyệt hảo, hay là một cuộc cách mạng phục thù đi từ mầm mống của một thời bị làm nô lệ. Những người Phi châu trên mặt còn những nét vạch huyền bí man khai. Dáng đi như một trái banh luôn luôn sẵn sàng nảy lên. Dáng đi mà Cửu Lâm gọi là “Dáng đi những người của âm nhạc”. Mông vênh lên và đầu chúi về phía trước. Di truyền của tổ tiên châu Phi chuyên sống bằng nghề săn thú. Ngày ngày phải rình rập rượt đuổi hươu nai nên dáng người thành ra đặc biệt.

Tôi đứng ở Seatle mà nhớ Santa Barbara. Ở Santa Barbara không có màu đen. Ở Santa Barbara là màu xanh. Biển xanh và cây xanh. Xin một lần tạ ơn tất cả. Tạ ơn sự sống.

Xin tạ ơn mặt trời buổi sáng
Mở mắt đời ai thức thâu đêm
Con sâu mọc cánh bay lơ đãng
Về cuối miền có dấu chân chim

Dấu chân chim trong hồn kỷ niệm. Kẻ giang hồ không có kỷ niệm.Haha… Ta có phải là một kẻ giang hồ? Hay chỉ là một tên lạc phách. Lạc phách hay phách lạc hồn xiêu.

Hồn xiêu xiêu đổ bên đời
Tình phiêu phiêu hốt bên người thiên hương

Người thiên hương là người đến từ miền cao. Là em mọi nhỏ. Em mọi nhỏ cởi truồng lội suối và chạy miết vào biển xanh.

Ta cười trái đất đang lăn
Em đang cởi áo làm khăn cột đầu
Bốn bề thiên hạ ngó nhau
Em con gái của ngàn sau mỹ miều

Ngàn sau mà vẫn là mỹ miều vạn đại, thì ngàn nay phải tuyệt đại mỹ miều.

Đèn đường đã sáng và đêm đã xuống. Đêm đã xuống đời. Đêm đã xuống đường. Có một giọt sương vừa rơi trong mắt ai? Tôi có những bước bềnh bồng đi tìm bến đậu. Bến đậu trăm năm chứ không phải bãi đậu xe của cái tiệm ăn mà tôi đã gửi nhờ xe buổi sáng đâu. Nhưng những bước chân bềnh bồng rồi cũng tìm đến bãi đậu xe đó. Tiệm ăn đã đóng cửa. Tôi thèm uống một ly trà nóng ở sân vườn sau nhà tôi ở trọ. Một mình. Mở cửa xe đóng cửa xe. Mở máy xe và tự nhắc mình ba lần là phải mở đèn xe. Đã bao nhiêu lần tôi quên mở đèn xe mà chạy trong đêm. Tôi quên hay tôi thích chạy thầm. 11 giờ 55. Có một giọt sương nào đó vừa đọng lại trên môi tôi. Giọt sương bốc lên từ hương khói trần gian.

5/ 7/ 1985   

                               

Chú thích:

  1. Thơ Appolinaire, Bùi Giáng dịch
  2. Thơ Trần Lam Giang
  3. Thơ Huy Cận
  4. Lấy ý từ bài thơ “Gọi người diện bích” của Trần Lam Giang
  5. Thơ Huy Cận
  6. Những câu thơ khác trong bài viết là của tác giả TNH