Khởi đầu, thơ và triết liên hệ mật thiết. Thậm chí, nhà thơ được gọi là nhà tiên tri. Từ nhà tiên tri qua đến nhà tư tưởng, từ siêu nhiên qua thiên nhiên, nhà thơ bắt đầu chú trọng đến bản thân trong thời kỳ Lãng Mạn.
Đến thời Hiện Đại, văn học mang nhà thơ về lại cõi đời. Đi đứng một cách thực tế. Rời bỏ siêu nhiên, triết học, để sống giữa nhân gian. Rồi Hậu Hiện Đại đưa nhà thơ nhập vào thế sự, vào thời sự và quan trọng nhất là sự tự thức. Khái niệm “tự thức” theo tuổi đời ngắn ngủi của Hậu Hiện Đại, chưa kịp trải rộng, thấm sâu vào người sáng tác. “Tự thức” là quan điểm cần thiết cho nghệ sĩ, không riêng gì thi sĩ. Tự biết mình, tự biết mình trong thơ, gần giống như tu sĩ diện bích cầu giác ngộ.
Thời đương đại, từ cuối thế kỷ 20, thơ đối diện với sự phát triển bùng nổ của khoa học kỹ thuật, hòa hợp vào văn chương toàn cầu và phong trào đa văn hóa. Phần đầu của thế kỷ 21, với nhiều trải nghiệm mới của các nhà thơ trẻ, thơ thế giới, nhất là vùng Âu châu và Mỹ châu, gần như hỗn loạn. Từng cá nhân hoặc từng nhóm nhỏ trình bày những khái niệm, quan điểm riêng về thơ của họ. Như kinh nghiệm cho biết, sự hỗn loạn này sẽ tự đào thải, tự chọn lọc, và sẽ bắt đầu thành hình thơ tương lai vào giữa thế kỷ trở đi. Theo tôi, mỗi sắc dân, mỗi dòng thơ, mỗi môn phái thi ca, sẽ trưng bày văn hóa đặc thù, cá tính độc đáo và kiểu cách sáng tạo của họ. Nhà thơ phải tự mình tìm đến những tinh túy này. Không có thi ca dân tộc nào, quê hương nào, vượt trội hơn hết. Chỉ có người làm thơ, làm nghệ thuật, có khả năng nhận ra và lãnh hội hay không?
Thơ Việt cũng phát triển qua những thời kỳ: từ thơ Cũ sang thơ Mới. Thi ca Pháp theo chân người đô hộ sang ảnh hưởng thơ Việt. Đầu tiên là dòng thơ Lãng Mạn, thể hiện qua thơ Xuân Diệu, Huy Cận… Song song với dòng thơ kháng chiến, những khuynh hướng thơ Siêu Thực, thơ Tượng Trưng xuất hiện. Những nhà thơ trong các lãnh vực này được ngưỡng mộ và yêu chuộng như Hoàng Cầm, Hàn Mặc Tử, Thanh Tâm Tuyền, Phùng Cung… Ngoại trừ ảnh hưởng nền văn học đô hộ, một số sinh viên du học đã mang về những nét mới mẻ của thi ca Âu Châu, Nga, Ba Lan, và Hoa Kỳ… nổi bật là Nguyên Sa.
Nhìn chung thơ Việt từ thời thơ Mới phát xuất từ căn bản thơ Tây phương trong thời kỳ Lãng Mạn và Hiện Đại. Thơ Hậu Hiện Đại không ảnh hưởng nhiều đến dòng thơ Việt vì đa số sáng tác không quan tâm, mà chủ yếu sáng tác theo những tiêu chuẩn, mức độ, nghệ thuật và kỹ thuật đã có từ các thế hệ trước. Ngoại trừ bị sự bưng bít của chế độ, các nhà thơ về sau ít phát huy tinh thần xông xáo, phiêu lưu tìm hiểu thơ thế giới như những lớp đàn anh thời thơ Mới.
Ngay cả đương thời, internet toàn cầu có thể giải thoát ít nhiều bóng tối đang ngự trị trên văn học và trong văn chương Việt, nhưng ít thấy hiệu quả. Ngay ở hải ngoại, gần 50 năm tương tác với văn hóa, văn chương, văn học thế giới, mà đa số tác phẩm vẫn là sự nối dài từ văn chương 75. Đa số thơ tự do còn thấy sừng sững Thanh Tâm Tuyền. Đa số thơ lục bác lãng mạn theo Phạm Thiên Thư, điên đảo khôi hài mẫu Bùi Giáng, êm đềm cổ điển lối Nguyễn Du… Hiện tượng này xin giải thích, một phần lớn, vì đa số người viết vui chơi với văn chương, không dâng hiến hoặc không tận tụy với văn chương, càng không quan tâm khai phá văn học. Điều này không có gì đáng lo lắng, nếu dòng sáng tác thơ văn Việt chỉ muốn đóng cửa tâm tình với nhau.
Riêng về thi ca, đối với tôi, tìm hiểu thơ thế giới là việc hết sức thú vị. Tìm hiểu thơ thế giới sáng tác như thế nào, lại càng thú vị hơn. Sau một thời gian đeo đuổi, tôi ghiền nó như ghiền thuốc lào.
Ba thành phần nền tảng của thơ: ý tưởng, cảm xúc và thẩm mỹ.
Thành phần thứ tư là diễn đạt. Bao gồm trung thực, giản dị, trực tiếp, sáng và đương đại.
Bốn thành phần này dễ hiểu trong lý thuyết, khi đi vào hành động, tất cả sẽ tập trung vào khả năng công phá của thơ. Và đây là điểm nhấn quan trọng nhất. Chưa đạt sức công phá, lời thơ chỉ múa may, biểu diễn, không tác dụng, không hiệu quả.
Kinh nghiệm tạo sức sống cho thơ
Tất cả khổ công tìm kiếm câu trả lời, nếu chưa bao giờ có kết luận, cuối cùng, đều dẫn đến triết học. Triết không có khả năng giải quyết tận cùng sự thao thức, nhưng có thể thắp sáng sự tìm kiếm. Mỗi người thám hiểm phải tự thắp sáng và phiêu lưu dưới ánh sáng cá nhân.
Điều mà tôi nhận thức ở thơ, không phải là thơ, mà qua thơ tôi cảm nhận sự thâm thúy của kinh nghiệm sống. Thơ sẽ không là gì cả, nếu người làm thơ, đọc thơ, hài lòng, cho đó là thơ, dù thơ rất giá trị cũng không hữu ích. Basho viết Hài cú. Người đời ca tụng thơ hay. Tôi nghĩ, Basho đã bật ra lời lẽ khi thâm tâm phát giác một kinh nghiệm mới: “Trận mưa đầu mùa đông / thậm chí con khỉ / cũng muốn mặc áo tơi” (1). Từ những băn khoăn lập lại qua tháng ngày, Leonard Cohen viết một kinh nghiệm riêng tư: “If the crazy god did not want us to eat one another / why make our flesh so sweet. / Nếu Thượng đế bất thường kia không muốn chúng ta ăn thịt nhau / sao lại sinh thịt da chúng ta tươi ngọt” (2). Kinh nghiệm đó chuyển đến tôi. Ẩn dụ đó đánh đổ đức hiếu sinh của trời đất. Điểm mà tôi luôn luôn chứng kiến: con người không ưa nhau, ghét nhau, dù nỗ lực học tập yêu thương nhau.
Nói chung, tất cả các thể loại nghệ thuật đều cưu mang giá trị truyền đạt kinh nghiệm làm sáng làm đẹp cuộc đời. Nói đến đây, người đọc có thể liên tưởng đến khái niệm “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” của người Trung Hoa mà văn thơ Việt bị tiêm nhiễm. Tôi nghĩ, ý nghĩ này không chính xác. Người xưa dùng văn chương trình bày đạo Nho, đạo Lão, đạo Trang. Họ dùng thi ca để nói lên chí hướng, đạo đức làm người. Cùng một thời, người tây phương dùng văn thơ để ca ngợi, bày tỏ, chứng minh, hoặc phản đối trật tự của Thiên Chúa Giáo. Họ chú trọng đến phẩm chất siêu nhiên như những tiêu chuẩn đánh giá con người. Ngày nay, bởi tự thức, mỗi nhà thơ tự thắp sáng bản thân và thơ, để rung cảm những gì tạo ra sóng cộng hưởng. Cảm nhận được điều này, người đọc tự đánh thức bản thân ra khỏi những quen thuộc, nhàm chán, nhìn thấy đời sống có giá trị hoặc thích thú hơn. Những điều này không nhất thiết phải to lớn, phải siêu hình, đa số chỉ là những chuyện, những việc, những thứ bình thường được nhìn lại, giải thích lại, điềm chỉ lại, cho thích hợp với giá trị thời đại và chuẩn bị tầm nhìn đi vào tương lai. Không có cảm xúc nào mới, không có ý nghĩ nào hoàn toàn mới, chỉ có nghệ thuật diễn đạt của mỗi nhà thơ, sẽ làm mới.
Sở dĩ thơ đã từng được xem là nghệ thuật hàng đầu vì thơ dùng ngôn ngữ. Không có ngôn ngữ, con người chỉ là một loại thú vật. Giá trị tương quan giữa ngôn ngữ và con người cho chúng ta nhận xét được trình độ ngôn ngữ hổ tương với sự phát triển của nhân loại. Có ngôn ngữ thăng hoa, chuyên chở phẩm chất cao, con người tiến đến vị trí siêu nhân.
Sở dĩ thơ mất dần ưu thế, rơi xuống hàng thứ yếu, thậm chí, ốm đau yểu mệnh, vì sau thời kỳ Hiện Đại, khoảng cuối thập niên 1950 trở đi, thơ đặt trọng tâm đến phẩm chất cho bản thân và cho tác giả, ít lưu tâm đến phẩm chất cho độc giả. Về tình trạng sinh tồn chung, thơ không có người đọc, thơ chết. Thơ ít người đọc, thơ yếu. Số lượng người đọc không phải là yếu tố làm cho thơ bất tử nhưng là yếu tố giúp thơ được sống trước khi trở thành không chết.
Bản tính sinh tồn của thơ là trải nghiệm tạo kinh nghiệm. Không có kinh nghiệm, không có hệ lụy phát triển ngôn ngữ. Ngôn ngữ không có phẩm chất thì thơ sẽ kém phẩm chất.
Quan điểm này dẫn đến hai khái niệm: Kinh nghiệm và phẩm chất ngôn ngữ.
Kinh nghiệm:
Kinh nghiệm không chỉ là kết quả thu thập từ những sự việc, hoàn cảnh đã trải qua. Kinh nghiệm còn bao gồm thành quả suy tư, hồi ức cảm xúc và cảm giác. Dùng kinh nghiệm sâu sắc, thơ thâm trầm. Dùng kinh nghiệm biến hóa, thơ sinh động. Dùng kinh nghiệm xương máu, thơ đánh động lòng người.
Vì vậy, một nhà thơ dù có khả năng sáng tác tài hoa nhưng thiếu kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tư duy, kinh nghiệm cảm quan, sẽ khó đạt đến mức cao kỳ.
Sống trong một hoàn cảnh bệnh hoạn, xác đau đớn, tâm hồn cô đơn, kề cận cái chết, giãy giụa, uất ức, tuyệt vọng trong từng câu thơ: “Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng / Cho ngây người mê dại đến tâm can / Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng / Mà muôn năm rướm máu trong không gian” (Hàn Mặc Tử, “Rướm Máu”).Người chưa sống qua cảnh ngộ, làm sao viết được miệng ngậm mùi trăng, sao thất kinh rơi xuống giếng, không gian rướm máu muôn năm?
Một kinh nghiệm khác quen thuộc do nhà thơ Tawfiq Zayyad (Palestine) viết: “Tôi chưa bao giờ mang súng / lên vai / hoặc bóp cò. / Tôi chỉ có / giai điệu đàn luýt / cây cọ vẽ giấc mơ, / một lọ mực. / Tôi chỉ có / niềm tin vững vàng / lòng yêu thương vô hạn / cho nỗi đau dân tộc” (3).Tâm trạng nghệ sĩ lưu vong bất lực là kinh nghiệm bình thường. Cách diễn đạt cũng bình thường. Người đọc có thể quên đi nhanh chóng. Tuy bài này được tuyển vào một bộ sưu tập có tên tuổi nhưng chúng ta có thể nhận ra sự thiếu độc đáo của nó. Điểm này cho thấy, một kinh nghiệm khi thành thơ, còn đòi hỏi một số điều kiện khác, mới trở thành thơ hay.
Joseph Miezan Bognini, nhà thơ Côte d’Ivoire, viết từ kinh nghiệm của người bất hạnh qua một đoạn thơ có câu kết khác thường. Sự khác thường của tư duy về thân phận: “Thật bất hạnh, tôi là người bất hạnh / Kể cả cái bóng cũng phản bội tôi / Thật khốn khổ, tôi là người khốn khổ, / Thiếu kinh nghiệm bú sữa loài người” (4). Điểm làm cho người đọc thắc mắc là vì sao tác giả nói đến kinh nghiệm bú sữa loài người? Có liên hệ gì đến bất hạnh và khốn khổ? Câu thơ, đoạn thơ, bài thơ lẩn quẩn trong tâm tư người đọc cho dù có giải mã được hay không.
Kinh nghiệm sống cho tác giả những hình ảnh, ý tứ, sinh hoạt một cách thực tế. Loại kinh nghiệm này đòi hỏi sức quan sát, ghi nhận và trí nhớ.
Kinh nghiệm cảm quan (cảm giác, cảm xúc) hổ tương với vô thức, mang đến tác giả sức sôi động tâm tình và cảm động. Loại kinh nghiệm này gắn bó với khả năng tưởng tượng và hư cấu.
Thành quả của kinh nghiệm tư duy là quan trọng vì nó làm cho thơ có trọng lượng, có chiều sâu, có thắp sáng, có siêu nhiên. Kinh nghiệm tư duy thường phát xuất từ một nguồn gốc nào đó, đi qua khả năng suy nghĩ, luận lý trong một thời gian để đưa đến nhận xét, kết luận hoặc nghi vấn khác.
Quá trình kết hợp giữa ba loại kinh nghiệm tạo ra dấu ấn đặc thù của mỗi tác giả. Tạo ra nội lực và phản xạ cho mỗi nhà thơ khi sáng tác.
Đất nước tôi: xa xôi như trái tim xa tôi
Đất nước tôi: gần gũi như nhà tù giam tôi
Tại sao phải hát nơi này
Khi sĩ diện tôi ở một nơi khác?
Tại sao phải ru
Con ngủ trong mùi gia vị nghệ tây
Nơi sấm sét (5) giữa giấc mơ thừa thãi
Mẹ đang cho tôi bú
Gục chết trước mặt tôi
Giữa cơn long diên hương bùng nổ
(Mahmoud Darwish, “Poem of the Land”)
Phẩm chất ngôn ngữ thơ:
Ngôn ngữ là xương thịt, là hình hài của kinh nghiệm thể hiện nơi bài thơ. Thơ đòi hỏi ngôn ngữ phải có phẩm chất. Nếu không, sẽ là vè.
Quan điểm đầu tiên về phẩm chất ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ không chỉ để diễn đạt thơ mà ngôn ngữ thơ chính là thơ. Một loại thơ hình thức ít được quan tâm cho đến khi quan niệm thơ Cụ thể ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 20. Họ quan niệm thơ là chùm sao lấp lánh. Quan niệm này có thể bị hiểu lầm, thể hiện bằng lời thơ chải chuốt, mượt mà, bóng bẩy, láng lẩy, êm dịu… nhưng không đúng ý nghĩa ngôn ngữ là thơ. Ngôn ngữ thơ phải cưu mang ý tứ, cảm xúc, thẩm mỹ và nghệ-kỹ-thuật diễn tả của thi ca để cuối cùng thành tựu: bản thân nó là thơ. Khi quan điểm này được khai triển, thi ca chú trọng hơn về lề lối sử dụng, cấu trúc ngôn ngữ trên bề mặt. Thẩm mỹ dung mạo và trang phục có khả năng đề nghị phẩm chất con người. Thẩm mỹ dung mạo và tư thế của chữ có khả năng điềm chỉ phẩm chất bài thơ.
Vì chưa có câu trả lời thích đáng “ngôn ngữ thơ là thơ” là gì, khái niệm này quá trừu tượng, có thể trải nghiệm hoặc giải thích trong nhiều khuynh hướng. Những khuynh hướng này có thể mâu thuẫn lẫn nhau, dễ gây lầm lẫn.
Một trong các khuynh hướng này đã đưa thơ đến văn chương trưởng giả, chỉ dành riêng cho một số người có khả năng hiểu biết hoặc chấp nhận loại ngôn ngữ thơ cao kỳ.
Thơ Việt từ thời thơ Mới đến 30 năm đầu ở hải ngoại, yêu chuộng loại ngôn ngữ “sang trọng”, “văn vẻ”,’kiêu kỳ”, “mướt”, hoặc “kêu to mà ý nhỏ”… Khởi đầu loại ngôn ngữ này thích hợp với phong thái lãng mạn và khái niệm ngôn ngữ thơ khác với văn xuôi và lời nói. Nhưng thời gian, thời đại biến đổi, vẻ kiêu sa bề ngoài trở thành quý tộc xa cách nhân gian.
Ngôn ngữ thơ thay đổi theo thời đại. Cách diễn đạt thơ thay đổi theo sự biến chuyển chung của lòng người. Thời nào, thơ đó. Thời nào cũng đòi hỏi sự cân bằng giữa giá trị thơ và lòng mến mộ của người đọc.
Nói về phẩm giá cao của nghệ thuật cân bằng với uy tín của nó ngoài dân gian, nhà thơ, nhà phê bình Major Jackson đặt câu hỏi với một nữ sĩ, bạn của ông, vì sao cô có vẻ thờ ơ với thơ. Cô trả lời: “It’s too elitist, like walking through a beautiful forest in which I know not where to look much less know what I am searching for. If I don’t get it as a reader, then I feel like an idiot and somehow not worthy of the form” (Thơ trở thành quá tinh hoa, giống như đi dạo qua một khu rừng thật đẹp mà tôi không biết phải nhìn nơi nào, cũng không biết đang tìm kiếm thứ gì. Nếu tôi không nắm bắt được thơ như một độc giả, tôi cảm thấy mình ngốc nghếch và không xứng đáng với thể loại này) (6).
Tôi nghĩ, khái niệm “ngôn ngữ thơ là thơ” chiếm một lãnh vực rộng lớn, có tương lai biến đổi theo sự phát triển của thi ca. Sẽ còn nhiều phương hướng và chi tiết để khai phá. Trong thực tế, mỗi nhà thơ sẽ thể hiện nghệ thuật khác nhau về chất thơ qua ngôn ngữ, tùy nội lực, sở học, cá tính, và lòng tin. Lòng tin là yếu tố chủ yếu tạo ra giả vờ, giả mạo hoặc trung thực.
Tôi trải nghiệm một thời gian khá dài, từ sử dụng lời nói bình dân cho đến chữ nghĩa màu sắc, vẫn chưa thấm thấu khẳng định được thứ gì là phẩm chất ngôn ngữ thơ. Đánh giá phẩm chất luôn luôn bao gồm một số cấp bậc.
Cấp bậc căn bản mà ngôn ngữ phải hoàn tất là phải thể hiện ý nghĩa của phần thơ mà nó được sử dụng để diễn tả. Nó phải làm sao cho người viết tự hiểu rõ sự trung thực của ý nghĩa, cùng một lúc, cho phép người đọc hiểu được ý nghĩa nó cưu mang. Khi người viết giả vờ với chính bản thân, chữ cũng giả vờ với nghĩa, và người đọc đại khái giả vờ hiểu.
Cấp bậc cao hơn liên quan đến thẩm mỹ. Thẩm mỹ của thơ bao gồm hay và đẹp. “Hay” dễ hiểu hơn “đẹp”. Hay dễ xác định hơn đẹp. Đẹp theo kiểu Twiggy, thân hình càng nhiều đường thẳng càng đẹp. Đường thẳng càng song song càng được khen ngợi. Ngược lại, đẹp kiểu Sophia Loren, đường càng cong càng lính quýnh, càng nhấp nhô càng nẩy lửa. Đẹp kiểu Tây Thi. Đẹp kiểu Meisa Kuroki. Đẹp kiểu Fan Bingbing. Đẹp kiểu Ashley Graham. Đẹp kiểu Bella Hadid. Đẹp kiểu Candice Swanepoel… Xét ra, đẹp biến hóa thiên hình vạn trạng, tùy thời đại, tùy quan niệm, tùy người thưởng ngoạn. Tuy nhiên, muôn ngàn vẻ đẹp đều có một chất giống nhau. Đó là, gây ra hấp lực say mê. Như vậy, không cần biết đẹp là gì, nhưng cần biết đẹp nào gây mê mẩn, choáng váng, tương tư. Ngôn ngữ thơ cần gây cho người đọc thích thú, ngưỡng mộ, yêu mến, say mê. Dĩ nhiên, ngôn ngữ không phải là chữ. Là cụm từ, câu, nhiều câu, nói chung là cấu trúc, tạo ra thông đạt, thông cảm giữa người viết và người đọc.
Cấp bậc cao hơn nữa là sáng. Sáng của ngôn ngữ thơ, nếu hiểu theo:
- danh từ là sức sáng, ánh sáng, độ sáng…
- tỉnh từ là sáng ngời, lấp lánh…
- động từ là thắp sáng, bật sáng…
- thực tế là sáng kiến, sáng trí…
Sáng không nhất thiết chỉ là mới lạ, mà làm cho những gì quen thuộc, nhàm chán, đen thui, sáng trở lại. Sở dĩ tôi không dùng từ sáng tạo vì sáng tạo trong học thuật hôm nay bị thúc đẩy, nắn ép, quá độ, đôi khi trở thành sáng xạo. Thơ kỵ nhất là xạo.
Cháu ngoại hai tuổi dạy tôi bài học về sáng. Chơi với ông bà ngoại bé học được tiếng “ẵm”. Chơi với anh chị năm sáu tuổi, bé học được chữ “me”. Một hôm cháu chạy đến ông ngoại, giăng hai tay, hớn hở: “ẵm me”. Ngôn ngữ không có biên giới. Biên giới trong lòng người và trong nỗi tự hào dân tộc. Sáng tạo không có biên giới nhưng nhà phê bình có biên giới.
Sáng kiến, sáng tạo mang tính tự nhiên, tự động như trẻ thơ và tự kỷ ám thị như người lớn dày kinh nghiệm đối phó với vô thức và ý thức.
Phẩm chất ngôn ngữ thơ đòi hỏi cái hay, cái đẹp, cái độc đáo từ phản xạ vô thức hoặc từ ý thức có nội lực, không phải do tùy tiện, phóng túng hoặc bừa bãi.
Quan niệm truyền thống dùng ngôn ngữ diễn đạt thơ vẫn là quan niệm hiện dụng. Ngoại trừ chức năng chính thống này, ngôn ngữ còn có khả năng làm đẹp thơ, làm cho thơ phù hợp với tinh thần và quan niệm làm chuẩn giá trị nghệ thuật của mỗi thời đại.
Ngôn ngữ thơ đại diện và trình bày những thứ sáng trong bài thơ. Rồi ngôn ngữ tự nó cũng là một thứ sáng khác. Có lẽ, tuy không phải duy nhất, nhưng đây là một đặc điểm của thơ. “Sáng diễn sáng.” Từ quan điểm này, nhà thơ có thể khai thác chiều rộng và bề sâu của sáng qua nhiều môi trường và khuynh hướng khác biệt. Nghệ thuật “Sáng diễn sáng” đã tìm thấy trong thơ xưa cho đến thơ hôm nay, chỉ khác nhau ở ngôn ngữ của từng thời đại và từng cá tính ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Ví dụ, trong tác phẩm haibun của Basho, ông viết bài Hài cú:
Mùa xuân trôi qua
bầy chim thét gào – lệ rơi
trong mắt đàn cá (7)
Thời nay, Mark Strand viết trong bài “Poem of the Spanish Poet”, tác phẩm Almost Invisible.
Đen bay, đen bay
Vì sao ngươi đến đây
[…]
Ta nằm cô đơn
Dưới gốc liễu
Lạnh như tảng đá
Đen bay, đen bay
[…]
Đen bay, đen bay
Chào ta tạm biệt. (8)
Cao hơn hết của ngôn ngữ thơ là tạo cơ hội cho hiệu quả giao thương giữa nhận thức của tác giả và nhận thức của độc giả. Nói một cách bình dân, bài thơ phải là nơi người viết và người đọc cảm thông với nhau về một điều gì. Điều này có giá trị, bài thơ có khả năng hay. Điều này không giá trị, bài thơ có khả năng dở. Không mở cửa, không xây dựng lối vào, không cho phép người chia sẻ… tự dưng bài thơ sẽ tắt thở.
Nếu có người để dành ít thời giờ mỗi tuần, đọc ít bài thơ có trình độ, hoặc thơ từ những tác giả có nội lực, trong tinh thần tìm hiểu những kinh nghiệm thể hiện cái hay cái đẹp làm ý nghĩ thêm thâm trầm, họ sẽ dần dần yêu mến thơ một cách sâu sắc hơn và bỗng nhiên một hôm khi gặp lại, họ cao lớn hẳn ra.
Houston-Orange County, 2019. Bài sửa 2020.
—
Mời đọc: Ngu Yên, Ý Thức Sáng Tác Thơ, Tập 1
Giới thiệu và phân tích học thuật những thể loại thơ tây phương từ Hậu Hiện Đại đến đương đại. Sách dày 600 trang. Phát hành 2019 bởi Insperative Esquisse Press. Giá sách $40.00, bao cước phí gửi trong Hoa Kỳ. Liên lạc: Michelle Dang, tapdang@yahoo.com, hoặc thư về địa chỉ: 5202 Contour Pl, Houston, Texas 77096
—
Ghi chú:
(1) First winter rain /even the monkey / seems to want a raincoat. Matsuo Basho. Nguồn: https://100.best-poems.net/famous-haikus-basho-matsuo.html
(2) Cohen, 2018: 07, “Lambchops”
(3) Khadra, 1992: 331, “All I Have”
(4) “My Days Overgrown” trong tuyển tập The Penguin Book of Modern Africa Poetry, 1998. Penguin Books
(5) Daggar: Một danh từ không thông dụng. Nhiều người cho rằng bài thơ bị lỗi khi đánh máy. Daggar có thể là dagger (dao găm). Nếu như vậy, nên dịch: Có dao găm trong giấc mơ thừa thãi. Tuy nhiên, tôi không nghĩ là lỗi đánh máy, vì một tuyển tập lớn sẽ được kiểm tra chặt chẽ. Hơn nữa bài đăng trên các lưới khác cũng dùng từ daggar, không viết hoa. Daggar viết hoa là một địa danh ở Pakistan, một trong vài nơi trên thế giớii thu hút sấm sét dữ dội. Vì Daggar không viết hoa, tôi chọn dịch không nêu tên địa danh. Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Daggar,_Pakistan
(6) Trang xxi, The Best American Poetry 2019. Major Jackson and David Lehman. Scribner Poetry, New York – London.
(7) Trích trong “The Prose / Verse Hybrid: or, The Long Way Home”
Spring passes
and the birds cry out – tears
in the eyes of fishes.
Nguồn: http://www.southernhumanitiesreview.com/tomaacutes-q-moriacuten–the-proseverse-hybrid-or-the-long-way-home.html
(8) Nguồn:
Tài liệu thơ:
Cohen, Leonard. 2018. The Flame. Picado Farra, Straus and Giroux, New York.
Jayyusi, Salma Khadra. 1992. Anthology of Modern Palestinian Literature. Columbia University Press, New York.