Trần Nghi Hoàng | Niệm hương ngày giỗ má (trích tản văn Những Cơn Mưa Trên Mây)

Hai. Gió bụi mịt mờ

Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương hề
Thùy tạo nhân
Cổ bề thanh động Tràng An nguyệt
Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân
Cửu trùng ánh kiếm khởi dương tịch
Bán dạ phi hịch truyền tướng quân
Thanh bình tam bách niên thiên hạ
Tống thử nhung y thuộc võ thần

Ông Đặng Trần Côn hiển lộng Chinh Phụ Ngâm Khúc trong thể cổ phong bao nhiêu thì bà Đoàn Thị Điểm cũng đã tài hoa tót vời đem Chinh Phụ Ngâm Khúc vào thể song thất lục bát bấy nhiêu:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín từng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Áo nhung trao Quan vũ từ đây

Tôi đã từng viết: Thơ Đường và Chinh Phụ Ngâm chỉ nên đọc một mình trong phòng vào lúc trời mưa. Như vậy sẽ thấy thơ Đường hay Chinh Phụ Ngâm Khúc thấm thía và tuyệt vời hơn. Lúc viết điều trên, tôi chỉ viết ra vậy như một cảm nhận nhưng đã không nghĩ được duyên do hà cớ là tại sao. Nhưng hôm nay khi viết những câu Chinh Phụ Ngâm cổ phong của Đặng Trần Côn, rồi lại viết những câu dịch theo thể song thất lục bát của Đoàn Thị Điểm, tôi hoát nhiên ngộ ra nguyên cớ của sự vụ thơ Đường lại có can hệ với thể thơ song thất lục bát của Việt Nam và trời mưa. Nhịp điệu của thơ Đường luôn gợi lên trong chúng ta một phong vị cổ kính và như ẩn chứa một thế giới nào xa thẳm. Song thất lục bát của Việt Nam mượn hai câu trên bảy chữ là mượn cái phong vị cổ kính xa thẳm của thơ Đường. Nhưng ở hai câu bảy chữ thì chữ cuối của câu trên lại hợp vận với chữ thứ năm của câu dưới tạo ra một tiết tấu thơ rất lạ, rồi ngắt nhịp bằng một câu sáu, lại mở ra bằng câu tám của ca dao lục bát Việt Nam. Ngoài ra, vần của hai câu bảy chữ có thể biến đổi phóng túng lạ thường, có khi chữ cuối của câu thứ nhất vận với chữ thứ ba của câu thứ hai. Vừa là mở ra vừa đóng lại, vì thế cho nên theo tôi, thể thơ song thất lục bát của Việt Nam cực kỳ đặc biệt. Nó vừa cổ kính xa thẳm lại vừa nhịp nhàng mở đóng như mời gọi người ta vào thế giới xa thẳm đó. Lại vừa hứa hẹn trong thế giới tuy xa thẳm cổ kính kia cũng sẽ có những điều rất thú vị tân kỳ.

Song thất lục bát là thể thơ không được phổ biến lắm, nhất là đối với người đời nay. Người ta chỉ thường viết hay nhắc tới thể thơ lục bát. Tôi thích đọc Chinh Phụ Ngâm hơn cả truyện Kiều.

Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân

Khi trời đất đã nổi cơn gió bụi, thế sự đã đảo điên tao loạn rồi thì cứ gì là hồng nhan mới phải gian truân. Thời tao loạn, thì sanh linh đồ thán, trăm họ lầm than là cái họa chung phủ trùm lên  chúng sinh muôn loài. Loài hữu tình hay loài vô tình cũng là chúng sinh trong cõi vô biên.

Cha tôi ở thế hệ rớt sót lại của nhà nho. Tôi gọi đây là thời kỳ nho mạt. Những nhà nho lỡ vận. Những người học chữ nho nhưng không còn cơ hội để thực hiện giấc mơ đã nửa đường gãy gánh. Cái giấc mơ vinh quy bái tổ, tàng lọng về làng hay võng anh đi trước võng nàng theo sau. Cái thời buổi của Nho học tiếp giáp với tân học hay Tây học. Triều đình Việt Nam đã rệu rã thì còn gì mà thi với cử, giặc Pháp đã chiếm nhiều phần của đất nước Việt Nam. Văn hóa cũng đã thay đổi. Chữ Nho đã dần dà được thay thế bằng tiếng Việt viết bằng mẫu tự Latin. Trước thế hệ cha tôi, phải nói là từ thời cụ Tú Xương, cái dấu hiệu tàn phai của chữ Nho đã bắt đầu đậm nét. Hãy nghe cụ Tú Trần Tế Xương giễu cợt:

Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè ông Cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm ông Phán
Tối rượu sâm banh sáng sữa bò.

Hoặc mỉa mai :

Mợ bảo vần Tây chẳng khó gì (1)
Cho tiền đi học để chờ thi
Thôi thôi lạy mợ “xanh căng” lạy (2)
Mả tổ tôi không táng bút chì                                         

Cha tôi học chữ Nho từ nhỏ cho tới năm mười chín tuổi với ý định ra Huế đi thi. Nhưng rồi ông nhận ra rằng chữ Nho đã thực sự hết thời, triều đình gần như không còn là một thực thể. Tôi còn nhớ, ông đã giảng cho tôi nghe ông học chữ Nho tới “biện”. Học tới “biện” có nghĩa là học trò chỉ ngồi nghe sách và cùng với thầy bàn luận về những điều trong sách đã nói. Dĩ nhiên sách ở đây là Tứ thư Ngũ kinh, Luận ngữ, hay Xuân thu Chiến quốc gì đó. Khi nhận ra chữ Nho đã hết thời, ông quyết định tự học chữ “Quốc ngữ” là chữ mà chúng ta đang sử dụng thời nay. Và đồng thời ông cũng đã tự học chữ Pháp. Ý chí và sự kiên quyết nhẫn nại của ông luôn là niềm hãnh diện cho tôi và nhắc nhở tôi phải gắng noi theo ông.

Ông cũng đã từng đi theo Việt Minh cùng thời với Nguyễn Thị Định và Đồng Văn Cống, Thanh Niên Xung Phong vác gậy tầm vông chống Pháp. Đang lúc bị Pháp truy nã thì ông nhận ra nhiều dấu hiệu để biết rằng Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội đang dần dà biến thể để trở thành Việt Nam Cộng Sản. Ông rời bỏ Việt Minh. Vì thế, ông cùng lúc bị cả Pháp lẫn Việt Minh truy lùng. Chính trong thời gian đó, mẹ tôi đang mang thai tôi và sắp đến ngày sinh…

Ba. Thằng đẻ ngược

Những việc tôi sắp kể ra đây là chắp nối từ những mẩu chuyện do cha má và hai chị tôi qua ngày tháng ghép lại mà thành. Cứ mỗi khi tôi bướng bỉnh hay cứng đầu lì lợm thì má hoặc hai chị tôi lại than phiền:

“Đúng là cái thằng đẻ ngược, khó dạy hết biết!”

Tuy nhiên theo truyền thuyết thì một thằng đẻ ngược như tôi cũng hữu dụng. Nếu có một ai đó ăn cá mắc xương, cứ nhờ tôi, tức là thằng đẻ ngược dùng những ngón tay vuốt vuốt dọc xuống chỗ cuống họng thì sẽ hết mắc xương. Chẳng biết truyền thuyết này có xác thực hay không vì cho đến ngày hôm nay tôi chưa có dịp thử nghiệm lần nào. Nhưng hầu hết người Việt Nam thuộc thế hệ từ hai chị tôi cho tới lớn hơn đều tin như vậy.

Câu chuyện tôi chào đời cũng được má tôi và hai chị dăm ba lần kể lại như sau: Vào một đêm nọ, trong lúc chèo xuồng đưa gia đình đi trốn thì má tôi đau bụng, có vẻ như đã đến lúc lâm bồn. Vì tính theo ngày tháng thì đây là thời gian mà tôi sẽ chào đời. Trên xuồng có bác Ba tôi, tên là bác Đẩu, là anh kế của cha. Bác có mang theo một con gà trống, loại gà đá. Đang chèo xuồng đi trốn Tây và trốn Việt Minh, trong lúc má tôi đang đau bụng đẻ mà con gà trống cứ chốc chốc lại gáy lên ò ó o. Cha tôi và mọi người đều lo sợ bị những nút chặn tuần tra của Tây hoặc Việt Minh để ý. Cha tôi nói với bác:

“Anh Ba làm sao thì làm, nhưng đừng để Tây hay Việt Minh tụi nó nghe tiếng gà gáy mà ùa ra hốt cả nhà!”

Bác Ba Đẩu lè nhè:

“Gà gáy thì mắc gì mà sợ. Hổng lẽ chú muốn tôi bóp cổ con gà?”

Càng lúc má tôi càng quằn quại rên rỉ. Cha tôi thì vỗ về má tôi, hai chị và anh Bảy tôi ngồi co gối thu lu ngủ gà ngủ gật. Còn bác Ba vuốt ve dỗ ngọt con gà trống cho nó đừng gáy. Má tôi càng lúc càng rên la lớn hơn, cuối cùng cha tôi phải tấp vào một cái cồn nhỏ (cù lao) có tên là Cồn Hố. Cha tôi để mọi người ở đó và nhờ bác Ba Đẩu trông chừng. Cha tôi nói:

“Anh Ba coi chừng giùm mấy đứa nhỏ với má nó. Tôi vô bãi Ngao tìm bà mụ.”

Thế là một mình cha tôi chèo xuồng ngược về bãi Ngao, lỏn vô chợ để tìm một bà mụ đón về lo cho má tôi.

Cuối cùng, ông đã đón được bà mụ tên Út Chấm, ông còn mua mang theo được 7-8 lít rượu đế để bà mụ rửa tay. Vừa tấp ghe vào cồn và cùng bà mụ lên bờ, ông vừa hối hai chị tôi và bác Ba Đẩu nhóm lửa nấu nước. Ông đưa bà mụ đến bên má tôi và khệ nệ mang theo những chai rượu đế. Tôi ra đời nhờ sự tận tụy của bà mụ tên Út Chấm đó. Điều đáng nói là tôi cứ loi choi hai chân ra trước chứ không chịu chui ra bằng đầu như hầu hết những đứa trẻ khác. Bà mụ Út Chấm tán thán:

“Con trai. Thằng nhỏ này lớn lên lì lắm đây. Đẻ giữa rừng mà lại ra ngược thì hết chỗ nói.”

Rồi bà nói với cha tôi:

“Ông Tư ơi! Thiếu đủ thứ hết mà nó ra ngược. Còn hai cánh tay của nó mới khó.”

Cha tôi năn nỉ bà:

“Bà Út ráng giùm. Tội nghiệp thằng nhỏ.”

Bà Út Chấm nói:

“Thì tôi ráng hết sức chớ.”

Rồi bà mụ Út Chấm cũng đã lôi được tôi ra. Nhưng vì sinh ra trong tình huống như vậy nên người tôi hơi bị lệch, một vai cao một vai thấp. Và sau này lúc đi học hay bị mấy đứa bạn cùng lớp trêu chọc nên tôi thường đánh nhau với chúng.

Từ sự việc khi đi học cứ bị bọn bạn cùng lớp trêu chọc nên phải đánh nhau, mỗi lần đánh nhau là tôi thua vì yếu sức hơn bọn chúng, nhưng không vì thế mà tôi sợ, tôi mày mò tìm cách học võ. Sự vụ tôi “tầm sư học võ” hết thầy này đến thầy khác tôi sẽ kể ở một bài khác.

Câu chuyện tôi được sinh ra như thế nào và trong hoàn cảnh ra sao trở thành một thứ “cổ tích hiện thực” vì nó được chắp vá nuôi nấng từ những mẩu chuyện nhỏ giữa cha má và anh chị khi nói về tôi từ cái thuở còn bé tí, qua năm tháng đến hôm nay. Cái cổ tích hiện thực đó cứ chập chờn trong đầu tôi khi mờ khi tỏ, hình ảnh má tôi nằm sinh tôi ở giữa rừng trong đêm, chung quanh là cha tôi, hai chị và anh Bảy tôi. Đặc biệt là hình ảnh bác ba Đẩu đang cầm chai rượu đế đưa lên miệng tu, thỉnh thoảng, có tiếng kêu của những loài thú đêm vọng lại, hòa lẫn với tiếng râm ri của lũ côn trùng cứ làm tôi thấy nôn nao trong lòng. Chị Tư tôi kể lại, sáng hôm sau đêm má sinh tôi, hoa tràm màu vàng tươi và hoa bần trắng tinh rụng đầy trên lớp thảm gai ô rô lúp xúp trên mặt nước.  

Có lẽ vì má tôi sinh tôi vất vả và đau đớn như vậy nên bà thương tôi nhất nhà, hơn cả thằng em út của tôi sau này. Má tôi rất hiền. Tôi chưa từng nghe bà cãi lại cha tôi một lần nào. Má tôi để dành tiền trong chiếc gối nằm ngủ hàng ngày. Tiền bà xếp ngay ngắn rồi gói trong chiếc khăn tay, bọc ngoài một lớp giấy dầu. Mỗi khi đi đâu, nếu có mang theo ít tiền trong túi, má cũng gói ghém kỹ lưỡng và cài miệng túi lại bằng một cây kim tây. Tôi là đứa con hay được má cho tiền. Mỗi lần tôi vòi vĩnh, má lại mắng:

“Sao không lại mà xin cha mày?”

 Bà không ăn con cá lớn, những ngày cuối đời bà ăn chay trường và thường niệm bạch y thần chú. Bà không biết đọc, bạch y thần chú là do tôi đọc cho bà thuộc lòng. Hồi tôi còn nhỏ má tôi đi đâu thường dắt tôi theo. Thỉnh thoảng bà ăn trầu. Cái mùi trầu và mùi dầu Nhị Thiên Đường bà hay xài là cái mùi thân thương suốt thời thơ ấu của tôi.

Lúc má tôi bệnh nặng, tôi đang ở xa nhà. Một buổi sáng trong phòng trọ ở Pleiku, trong trạng thái nửa thức nửa ngủ, tôi nhìn thấy má tôi ngồi ở cửa sổ nhìn tôi cười buồn. Tôi biết ngay rằng má đã mất liền vội vàng về Sài Gòn. Tôi vừa bước vào nhà, chị Tư tôi đã hỏi:

“Ủa, cha vừa mới đánh điện tín lúc nãy mà em đã về tới rồi. Má mất tối qua.”

Tôi không nói gì hết, lẳng lặng bỏ ra sau nhà ngồi lên chiếc võng má tôi hay nằm. Tôi đã ngồi yên như vậy để nghe cái mùi của má tôi còn vương vấn trên chiếc võng và quanh quất đâu đó.

(Má mất ngày 5 tháng 5 Âm lịch)

February 24th 2017

Chú thích:

(1) Vần Tây : chữ quốc ngữ.

(2) Xanh căng : 50 (tiếng Pháp).