[7]
Một giờ.
Ban mai bất ngờ thức tỉnh tôi.
Cảm giác u ám bị rửa trôi hết sạch bởi khoảnh khắc trong trẻo, thanh khiết ở phía nào đó xung quanh căn phòng và bốn bức tường rạn vỡ những nỗi khốn khổ của nỗi ấm ức, của những giọt lệ chảy ngược, của những ánh mắt trầm uất xa xăm.
Một giờ hơn.
Mười phút véo von. Âm thanh của đất trời tan chảy vào nhau. Chúng đến từ đâu? Tôi lặng lẽ thả chiếc ipad, tắt tab có hình chữ F màu xanh. Buông trọn vẹn thứ ám ảnh màu xám mang tên virus, dịch bệnh nghiến đè trên tâm trí tháng ngày này. Lặng lẽ thưởng thức, nương nhờ sự thanh lọc của âm thanh kỳ diệu đó, dù chỉ trong chốc lát. Vừa mới cách đây vài tiếng thôi, tôi đã mượn nước mắt làm sạch đôi mắt, mượn nước mắt làm hồng má, và môi, mượn nỗi buồn thăm thẳm không thể cất thành lời kéo lê lết những ký ức chồng lấp, chồng lấp, dày đặc từng giấc mơ, từng sắc màu lạnh lẽo, đau thốn trong ngực. Vừa mới cách đây vài tiếng thôi, tôi nói với mẹ, “con đang bị kiệt sức”. Sau đó, tôi gửi tin nhắn đến một chân trời khác, “tôi đang bị kiệt sức”.
Một giờ hai mươi.
Những âm thanh ấy đến một cách bất ngờ và rời đi cũng vậy. Không gian trở về hình trạng cũ. Bốn bức tường. Một chiếc máy điều hoà thay tiếng gió. Những nhịp thở của mấy đứa trẻ con, vừa mới say ngủ vì một mùa hè kéo dài sau tết. Chúng cũng đã bắt đầu nhớ trường nhớ lớp, nhớ bạn bè, thầy cô thì phải. Chúng nói, “con muốn đi học, con sợ quên mất tên cô giáo và các bạn”. Tháng một, tháng hai, tháng ba thật dài, dài như những cánh chim bay dạt tổ đang tìm về nơi ấm áp.
Một giờ ba mươi lăm.
Chỉ còn lại tiếng thạch sùng tắc tắc. Tiếng dạ dày rã đói. Cơn đói vô tận của loài người, đôi khi đã phải trả giá.
Tôi đang vội vã hồi nhớ, vội vã lưu dấu lại hết thảy những âm thanh ào ạt tươi sáng lúc nãy, mà hồ như tôi nghĩ chúng chỉ là một giấc mơ đi lạc ngang qua căn phòng của tôi, buộc tôi tỉnh thức nghiêng tai lắng nghe. Thứ ban mai trong lành, ngọt ngào như nước chảy từ mạch ngầm ra này tôi chỉ được thưởng thức khi ở quê, hoặc trong một căn nhà nào đó ấm áp, bình yên ở Kim Long, xứ Huế thì phải?
Có một chút nuối tiếc.
Ban mai lúc một giờ sáng, là một bản giao hưởng vui nhộn, thuần khiết, tự nhiên, chớp nhoáng. Tiếng chim hót. Nhiều tiếng chim hót hoà trộn vào nhau.
Những thánh thót, lặng lẽ. Thượng đế, có thể đang bày trò thử thách thế giới loài người và cả chính tôi cùng những kẻ thiện lành (hoặc không) khác trong thời đoạn xám tối này chăng?
Riêng tôi. Tôi biết rằng, tôi đã nghe – thấy ánh sáng mặt trời, trong tâm tưởng tôi vào lúc một giờ sáng.
[8]
Ở đâu đó. Tôi không biết. Tôi nghĩ nó đang đùa chơi trong cơ thể tôi. Từ trên não. Chạy xuống tim. Tôi rùng mình vài lần trong một ngày đổi màu. Tôi co rúm lại (đúng nghĩa đen), hệt một con sâu vậy. Tôi đổ thừa thời tiết. Hẳn là tại cơn gió mùa cố tình đi lạc vào tháng năm/năm tháng.
Thật khó để bày biện hoặc giải thích lý do. Tôi không tìm ra nguyên nhân của cơn đau rất sâu này. (Dăm ba lần rồi). Tôi tặc lưỡi, nhăn mặt, nhíu mày nhìn ra cửa sổ. Phía đó là những chấm vàng, xanh và trắng. Một bức tranh tuyệt mỹ. Tôi nhìn mãi không chán, bất kể giờ phút nào. Trong bóng tối, bức tranh đó đổi sang một lớp backround đen thùi lũi. May mắn thay có chút xíu những chấm sáng, loang mờ ra thành một dải lấp lánh. (Hy vọng thì phải?). Hoặc nếu không thì tôi cứ mặc nhiên sử dụng quyền mơ mộng để hình dung một milkyway ở lake Takepo.
Tôi thật sự muốn tìm kiếm nguyên nhân cơn đau của tôi. Nhưng (khả năng) tôi bất lực. Chúng không cụ thể vị trí trong cơ thể tôi. Chúng khá mơ hồ. Tôi thì không muốn chia sẻ với ai về cơn đau này. (Tôi đâu có biết chúng đến từ đâu?). “Hỏi thượng đế đi”. Ai đó thì thào bên tai tôi. Tôi nghĩ đến những chiến thuyền ra đảo. Tôi nghĩ đến những đoàn tàu xì khói nằm chết như rác. Tôi nghĩ đến những nông trang đầy bò sữa. Tôi nghĩ về những cái ao có rất nhiều vịt. Tôi nghĩ đến những tài khoản tiết kiệm ít ỏi, không biết bao giờ mới đầy.
Cơn đau quả thật rất sâu. Sâu như từng lớp ký ức chồng chồng lớp lớp, gỡ ký ức này đi thì ký ức khác lấn lướt đầy lên, dày lên. Chẳng hạn, hôm nay, tôi bắt gặp bức thư tôi viết vào ngày mười bảy tháng một năm hai không một chín. Tôi viết từ xứ sở có số lượng bò sữa nhiều hơn đầu người. Tôi viết gửi một tầng mây. (Như giấc đi qua vội vã vậy). Nhưng bây giờ, ở trong khoảnh khắc hiện tại, tôi hoàn toàn mù mờ, đãng trí, khi không thể biện giải một cơn đau. Ngây thơ hay ngờ nghệch? Những câu hỏi thường luôn vô hình (ít nhất là với tôi). Chẳng hạn, tại sao những vì sao luôn ở trên trời (không ở dưới đất)? Tại sao, mỗi lần ước mơ ai cũng ngước mặt nhìn lên mà không phải nhìn xuống? Và tại sao tôi cứ hốt hoảng hồ nghi, sợ hãi thế giới này? Cơn đau khiến cơ thể tôi rúm ró từ trong đêm, lúc gần về sáng. Tôi bật dậy rất sớm khi nghe tiếng mẹ, tiếng chiếc chuông lêng keng của chú mèo con tăng động (nhưng cô độc) đang đợi tôi thức dậy để xin cá. (Mèo thì chỉ ăn cá thôi). Đằng nào thì tôi cũng không (cũng đếch) giải thích được cơn đau. Tôi mặc kệ. Hãy làm một cốc cafe nhạt đã. Có khi nó khiến tôi phát hiện ra điều gì đó mới mẻ hơn về chính tôi. Hoặc là bận rộn với vài việc nào khác. Trưa nay, tôi leo lên giường mẹ, nằm bên cạnh mẹ, cố chợp mắt. (Tôi phát hiện ra cơn đau ở trên đầu, chúng loang khắp nơi, hệt như một giấc mơ). Còn lại thì chẳng có gì, ngoài mấy chiến tàu say máu, mấy nông trang đầy bò sữa, mấy cánh đồng đầy màu sắc của hoa lá và gió. (Không phải ánh sáng hay bóng tối sau khung cửa sổ, tôi nhìn về phía thành phố).
Mùa hè đến từ khi nào thế nhỉ?
Tôi không thể nào nhận diện được mùi hương của mùa hè (khá lâu rồi). Nhưng, cổ họng tôi nghẹn lại khi nhìn thấy màu sắc của mùa hè. Cơn đau bắt đầu hiện hữu rõ rệt hình hài của nó. Chẳng cần biện giải gì nhiều lắm. Sáng nào tôi cũng uống một ít cafe đen pha nước sôi ấm. Tôi nhớ về những đứa trẻ và tưởng tượng hồn nhiên mỗi lần uống nước rằng, trong bụng chúng luôn có một thành phố mưa.
[9]
Âm thanh là tôi. Tôi là thứ âm thanh này.
Trong buổi đêm thinh lặng. Tôi mở thứ linh giác nào đó để đón nhận nó. Âm thanh và ánh sáng. Mặt trời xuyên chiếu qua những tán lá tưởng tượng, những mùa cỏ lấp lánh giữa màu xanh và màu vàng của nắng. Tôi nhớ tôi có đi qua những ngọn đồi rất cao. Tôi nhớ tôi đang quán chiếu thân thể, tâm tưởng mình về phía những ngọn núi tưởng tượng xa ngút mắt. Chúng lành lạnh hoang dại, hẳn đó là khi khí trời giáp giáp mây trắng hoặc cũng có thể là tuyết.
Ánh sáng này mạnh mẽ, ánh sáng này thanh thoát, ánh sáng này hệt như một dance of life mà tôi vừa nghe, vừa muốn tự hoá thân trốn nấp mất biệt vào trong đó. Không phải tiếng của những phím dương cầm. Tôi nghe ra flute. Hoặc tiếng của một chiếc đàn Harpe nào đó trong veo cao vút. Hình như nhạc Celtic chỉ dành riêng cho mấy loại âm thanh này thì phải. Tiếng của đất trời, nước chảy, từ suối, từ khe, từ thác núi. Tiếng của đôi chim hoang dã trong khu rừng thưa vắng bóng con người. Tôi chợt nhớ ra hình ảnh của một Harpist buộc dải khăn vải trên đầu, mong manh với bộ cánh là chiếc quần vải sọc sáng, chiếc áo pull trắng giản dị ngồi giữa một cánh đồng cỏ say mê đưa ngón tay gảy trên từng sợi dây cùng với hai chú chim bồ câu trắng đậu trên vai ông ta. Khung cảnh đó thật sự khiến tôi bị rung động thẳm sâu. Chúng gần như chiếm lĩnh tôi, mê dụ tôi và làm dịu đi tất thảy mọi suy tư của tôi về cuộc đời buồn bã này.
[10]
Một bản Celtic.
Một Dance of life.
Một khúc đoạn của ánh sáng.
Ánh sáng ở bất kỳ nơi đâu, hoặc bất kỳ thời khắc nào. Kể cả trong bóng tối.
Tôi đã bị ngộp thở quá lâu ở thế giới ấy. Nơi sự đông đúc cô độc của loài người khiến cho mọi thứ hiện hữu của âm thanh và ánh sáng tinh khiết từ đất trời huyễn hoặc hoang dã bị lạc trôi đi mất.
Tôi tiếp tục chơi trò đuổi bắt âm thanh dưới ánh sáng. Tôi mơ tưởng về thứ âm thanh đó, ánh sáng đó đã lâu. Sẽ chẳng một ai hiểu tại sao tôi ngồi thụp xuống đất, hôm ấy, cái hôm mặt trời tỏa rạng trên đầu tôi, lá Ginkgo rơi rớt lên tóc tôi, gốc Ginkgo vỗ về bình an dưới chân tôi, và một ai đó đang ca hát bên tai tôi. Vậy mà, tôi vẫn ngồi thụp xuống ôm lấy ngực, khóc nấc. Những vết thương sâu hoắm. Tôi thường tưởng tượng mình bị bỏ quên trong một khu rừng (hoặc khu rừng ấy quên mất tôi), bởi tôi nhớ tôi đã từng bị ai đó bỏ rơi trong một cơn say thì phải. Năm tôi hai mươi ba tuổi.
Peaceful, khu rừng dịu dàng của tôi
Nỗi cô độc quen thuộc ẩn hiện, có khi chúng lấp lánh như một giấc mơ. Tôi nhớ tôi mười lăm, tôi ngước mặt nhớ thêm tôi mười sáu, mười bảy, mười tám. Nhưng, lại sẵn sàng quên bẵng mười chín, hai mươi, hai mươi mốt, hai mươi hai. Và bỏ rơi luôn hai mươi tư, hai mươi lăm, cho đến hai mươi tám, tôi đã cố tình tự sát lần thứ ba trong đời sau khi cưới.
Câu chuyện của một người bị bỏ quên trong khu rừng (hoặc khu rừng bỏ quên tôi). Tiếng flute hoà điệu trong lời đưa ru à ơi. Tôi chênh vênh tìm kiếm một sợi dây neo buộc quả bóng bay hình trái tim. Tôi bị lạc. Giữa đám sương mù. Giữa bầy quạ đói. Giữa những mộng tưởng về một thế giới mà tôi biết, hình như hôm qua tôi vừa kể lể với người đàn ông ở phía bên kia đại dương, rằng: “tôi/em bị lạc trong một khu rừng có tên Peaceful”.
Anh mỉm cười. (tôi không thể nhìn thấy nụ cười ấy). Nhưng tôi biết, sẽ có một đôi bàn tay nắm lấy sợi dây, giữ chặt sợi phía dưới mặt đất để tôi yên tâm bay cao, để tôi yên tâm nằm ngủ trên những đám mây, để tôi yên tâm ngắm những vì sao trên Milkway, ở Lake Takepo, để tôi yên tâm đuổi bắt ánh sáng bạc của mặt trăng chập chờn thủy triều lên xuống. Tôi lại muốn ngồi xuống cây Ginkgo năm ngoái, chỉ để ngước mặt nhìn ánh sáng, chỉ để nhìn anh mỉm cười.
Peaceful.
Khu rừng dịu dàng không bao giờ rời bỏ tôi trong một cơn say thời trẻ tuổi.
[11]
Tôi. Trong ánh sáng nhập nhoè. Tôi. Trong những không gian sống và chết. Tôi. Trong tiếng thở của đêm dài vô tận khi thức trắng, chong đèn, trừng mắt, dọa dẫm bóng tối. Tôi. Trong một cơn say mệt nhoài, bị dẫm đạp. Người ta dẫm đạp tôi. [hoặc có khi tôi tự dẫm đạp những giới hạn câm nín của tôi]. Rồi bật khóc.
Tôi. Một bài hát cô độc.
Người đàn bà nào đó có đôi mắt buồn đã sinh ra tôi cũng bằng đôi mắt buồn đó. Những đôi mắt thiếu mùa xuân hoa nở. Những đôi mắt bị chìm dưới đáy vực sâu, cố tìm kiếm ánh sáng mặt trời trong vô vọng. Những đôi mắt bị chôn sống bởi ngôn từ của địa ngục. Người đàn bà mải mê dưới nắng. Chăm bẵm nỗi buồn trên những bông hồng nhung đỏ thắm. Tôi thì vẫn mơ cuộc rời bỏ khỏi những ngôi nhà đầy lửa. Tôi. Khốn khổ tìm kiếm những giấc mơ bình thường nhất trên thế giới.
Căn phòng này có thứ ánh sáng ấm áp mà tôi ao ước đã lâu. Nhưng tôi vẫn muốn rời đi. Bên ngoài kia, bầu trời rất nhiều nắng và xanh ngăn ngắt, như tôi ao ước (vĩnh viễn) như thế, nhưng tôi vẫn muốn rời đi. Tôi mơ về một hòn đảo. Tôi mơ về một vùng bay không cấm những cánh chim yêu cuộc phiêu lưu cùng trời cuối đất.
Ngọn núi xám lạnh cất tiếng hát dưới bàn chân của người lùn. Thứ âm thanh trầm trầm vang động. Tôi bất ngờ rớt xuống một căn phòng khác, có máy sưởi, có khung cửa kính mờ hơi nước sau cơn mưa cuối mùa thu. Thời tiết chuyển đông nhanh quá. Tôi khá sợ rét. Nhưng, tôi vẫn thích khoác áo, choàng khăn, bước chân qua những con đường không dành cho tên người. Nhưng, căn phòng mà tôi nghĩ không có tôi ở đó nữa. Thật là buồn.
[12]
Trong căn phòng tối khác, giữa mớ ảo giác bao bọc lấy tôi lúc này về những không gian chết mà tôi nhìn thấy hoặc chiêm quan khi trời còn ánh sáng, tôi chẳng thể nhận ra được gì ngoài các loại âm thanh lặng lẽ thì thầm ngay chính nơi gần nhất với tôi, thẳm sâu hơn cả tôi. Chúng đã ở đó từ khá lâu rồi. Chúng điều khiển mọi thứ tôi có, hay tôi ruồng bỏ, và đã từng mơ tưởng nhiều chiều khả giác. Tôi nhận ra mình ngồi cô độc trên một ngọn đồi xanh mượt cỏ xen những đốm nâu đen của đám cừu non lẫn cừu già xa lạ. Đồi không gió.
Tôi đang nhớ về một ngọn đồi không gió. Đôi mắt tôi cũng xa lạ như thế. Hệt ngọn đồi trong giấc mơ này. Hiện trạng của đêm đầy tràn bóng tối nuôi nhốt tôi như một kẻ chịu cảnh tù đày quen thuộc. Tôi tự bỏ tù chính tôi. Tôi tự thu hẹp khoảng cách tâm hồn tôi với thế giới. Tôi tự mình ràng buộc các loại ý niệm kì ảo về những thứ không tưởng mà mọi kẻ lữ hành trong cuộc di trú luôn tìm kiếm.
Một chút ánh sáng của đêm lọt qua khe cửa hẹp, tôi đưa tay vén hẳn tấm rèm [chúng, những tấm rèm như bức màn xưng tội trong ngôi nhà của Chúa]. Mỗi không gian hẹp đều có những bức tường kín, những ô cửa phủ rèm. Tôi nghĩ về Đức tin. Tôi nghĩ về cái chết, sự sống và những lời xưng tội. Nhưng, mới đêm qua tôi đây thôi, tôi chọn nghe tiếng kinh kệ đến từ nơi khác.
Bầu trời vẫn sáng. Màu cỏ non còn xanh phía những triền đồi cùng bầy cừu xa lạ. Tôi trong căn phòng tối tự ám toán sự tồn tại của chính mình và gõ những kí tự ảo tưởng lên không khí để tìm một vài sự mất tích.
[13]
Cuộc vượt ngục thần thánh lớn nhất đời tôi là sự đào thoát ra khỏi linh hồn tối ám. Ai cho tôi cơ hội để thành hình thứ linh hồn ấy?
Chúng có khi chập chờn giữa sáng và tối, có khi dãy giụa như lên cơn hấp hối, rồi bất thần tỉnh thức.
Tôi tỉnh thức.
Nhưng chưa hề tỉnh thức một cách rõ ràng. Hoặc giả chỉ vờ vịt tỉnh thức để đánh lừa linh hồn tối ám cùng với những khuôn mặt xám nhăn nheo khổ sở trong nụ cười méo mó quái đản tội nghiệp không được giải thoát khỏi những gương mặt ác khác bủa vây thân thiết ruột thịt.
Máu đã chảy. Lửa đã nhen. Những ngôi nhà đã cháy. Những cánh rừng đã cháy. Những dòng sông đã cháy. Hẳn là biển cũng sục sôi cơn giận dữ điên loạn đợi ngày phán xét của Chúa.
[nhưng Chúa chết rồi]. Linh hồn tối ám của tôi nhiều lời.
[Hẵng còn kẻ khác thay Chúa], tôi mơ mộng trong cuộc vùng vẫy đòi đào thoát. Không thể được. Máu vẫn chảy. Nước vẫn sôi. Những khuôn mặt xám lạnh vẫn trôi đều qua tôi rồi lặng lẽ nấp vào một bức tường tối có rất nhiều đôi mắt vô hình đang cố tình dõi theo tôi, cắn xé tinh thần và thể xác tôi.
Tôi giận dữ.
Những lần tôi giận dữ, chúng trở thành một cơn sóng mạnh bất thần chỉ muốn cuốn phăng tất cả mọi thứ. Tôi tự phán xét tôi. [không cần Chúa]. Giờ này là giờ đọc kinh. Hãy đọc [kinh cầu cho những đứa trẻ không chào đời].
Tôi sẽ đọc kinh theo ý mẹ.
Những song sắt, những lồng kính, những âm thanh bục vỡ run lên. Tôi vẫn cố đọc kinh theo ý mẹ. Tôi sẽ đọc kinh Lạy cha. Hàng ngày. Hàng giờ. Tội lỗi của linh hồn tối ám này. Chúng cần phải nghe kinh Lạy Cha.
Tôi biết, tôi không nên giận dữ, tôi cần phải im lặng. Những khuôn mặt xám nhăn nheo ngăn cản tôi đọc kinh Lạy cha. Chúng muốn nghe thứ khác. Không phải kinh Lạy cha. Kinh hoà bình vậy. Tình yêu là thứ lớn nhất khiến tôi bắt đầu phạm tội. [trong tư tưởng, lời nói, việc làm]. Tình yêu mang hoà bình đến và cũng có thể là chiến tranh, chết chóc, bi thương.
Tôi không nên giận dữ. Nhất là trong thời điểm này. Tôi cần phải đào thoát khỏi linh hồn tối ám của chính tôi. Thứ linh hồn kì lạ đầy ảo giác, đầy mê muội, đầy dục vọng hận thù.
Ai cũng thích nhân danh công lý để phán xét. Nhưng chưa có ai dám phán xét chính mình. Vậy tôi sẽ tự thử nghiệm việc phán xét chính mình bằng cách thoát khỏi linh hồn tối ám này. Nhưng, sự thật thì khác, tôi biết những kẻ muốn tìm thấy chân lý cũng chính là kẻ sẵn sàng hủy diệt chân lý.
[14]
Mỗi buổi sáng thức dậy, thứ đầu tiên tôi muốn nhìn thấy là màu sắc. (tất cả màu sắc hiển thị trên mọi sự vật). Ở đâu đó, nơi tôi mộng tưởng một cuộc đời khác, có Ít khuôn mặt quen hơn, chỉ tồn tại những thành phố lặng lẽ trong hơi thở của gió. Tôi không muốn nhớ Orta lúc này, với đôi mắt xanh của chàng trai người Pháp. Tôi sẽ bước chân lên mấy bậc tam cấp, ghé mắt nhìn qua sân thượng, hoặc đi xuống và ra khỏi cánh cổng sắt đã rỉ sét.
Màu sắc có sức sống. (hoặc tối ám đêm đen). Tôi không muốn phải chọn lựa. Dĩ nhiên, thể nào tôi cũng phải tìm cách rời đi, bước ra khỏi bốn bức tường hiện hữu. Có thể không. (Một kiểu to be or not to be, chẳng hạn). Tôi đơn thuần chỉ muốn thức dậy và tìm kiếm sự sống như bao nhiêu giống loài khác.
Tôi biết, rằng, tôi – chính tôi. Chứ không hề/ không phải bất kỳ ai khác ngay thời điểm này quan sát, thâm nhập vào từng thể loại màu sắc từ bên trong (không bị ngăn trở) để trào tuôn ra ngoài (mạnh mẽ) như thác đổ từ trên đỉnh núi. Bất giác hoài nghi. Bất giác lạnh lùng. Bất giác tương tư. Bất giác căm ghét, thù hận. Bất giác yêu thương và dung thứ. Dù sao thì tôi vẫn thấy màu sắc từ bên trong thật khó phân định ranh giới. (lại còn khiến tôi đôi lúc mù mờ hệt như bị lừa gạt).
Vậy thì, tôi mở mắt.
Ngắm nghía mặt trời bò qua đỉnh núi. Ít ra, tôi có thể mỉm cười. Ít ra tôi có thể mơ mộng đôi chút về nơi nào đó không có một tiếng hót/ tiếng hét thất thanh vào buổi sáng sớm. Mặt đất sau một cơn mưa, ướt nhẹp, đỏ gắt gỏng. Ngày xưa, tôi vờ vịt lừa phỉnh mình về thứ tình yêu quỳ gối trẻ tuổi. Bây giờ tôi (thỉnh thoảng) vẫn bị dối lừa vì những màu sắc tuổi trẻ đó. Nhưng khả năng nhận chân sự thật của tôi đã khác đi nhiều hơn trước.
Ngoài cánh cổng sắt, có một (hai) cây cẩm tú cầu chói ngời đổi màu khi ánh sáng đi qua. Tôi tăng sắc nắng, và bắt nhốt luôn những bông hoa, sau đó tôi sẽ dày vò nó bên trong tôi. Tan nát. Thỉnh thoảng tôi, (phải chính tôi) biết rằng, tôi thật sự rất ác. Màu sắc là điều mà tôi yêu thương đến nỗi tương tư như mối tình thời trẻ tuổi. Ấy vậy, đôi lần tôi lại muốn giết chết nó đi trong nháy mắt. Màu sắc là thứ mà tôi mong chờ mỗi khi mở một cánh cổng để bước ra thế giới bên ngoài. Nhưng ngày hôm nay, hoặc là một ngày nào đó khác tôi đã vô tình (cố ý) giết chết không một chút tiếc thương.
Màu đỏ bay phấp phới phía trên những cột treo cờ. (Bên ngoài những cánh cổng sắt). Tôi muốn đặt một dấu chấm hỏi cho nó? Tôi nhớ, khi tôi nhìn thấy những tấm vải đại diện màu xanh cho tình yêu, hoà bình, trái tim tôi thật sự muốn hát ca. Nhưng biển có màu xanh, vậy tại sao tôi cũng muốn đặt một dấu chấm hỏi ở đó? Và (ngược lại trái tim tôi khổ đau uất ức). Thật khó để phân định rạch ròi sự tồn tại đầy biến động của sắc màu bên trong.
Tôi quên mất những bông hồng gai màu hồng đậm. (bị lỗi nhịp bởi gió, bị phai bớt dung nhan bởi cơn mưa đêm, bị nhoà đi dưới ánh nắng buổi sớm). Một cuộc biến đổi rất lặng lẽ, không phô bày, khoe mẽ, thế nhưng tôi vẫn lạnh lùng phớt lờ sự mời gọi của nó. Giới hạn về sắc màu của tôi chỉ có hai nửa: sống và chết.
[15]
…