Phan Nhiên Hạo | Không kính

Photo, Phan Nhiên Hạo

Buổi sáng sau khi xếp xong vali chuẩn bị rời nhà người chú họ ở Toronto, Nhân mới nhận ra kính của Nhân đã bị gãy từ lúc nào. Nhân cố gắng nhưng không thể nhớ ra vì sao kính lại bị bẹp dí trên giường như vậy, một gọng gãy rời ra trong khi gọng bên kia gập xuống song song với mặt kính. Có thể Nhân đã ngồi lên kính mà không biết, hay Nhân đã vô ý ném ba lô nặng đè lên kính lúc xếp đồ? Người chú họ buộc gọng kính gãy lại cho Nhân bằng một sợi dây đồng nhỏ rút từ ruột dây điện thoại, nhưng Nhân biết không thể nào mang một chiếc kính băng bó như vậy ra đường được. Nhân đi theo người chú họ lên tiệm nail của ông để chiều ông đưa Nhân ra trạm xe bus về lại New York. Tiệm nằm xa trung tâm Toronto. Nhân kéo chiếc vali theo người chú lên hai chuyến xe bus, hai lần metro mới đến nơi. Tiệm ế ẩm và Nhân nằm ở dưới tầng hầm chờ giờ đi để khỏi thấy khuôn mặt chán chường của người chú. Chú của Nhân vừa mới hơn bốn mươi nhưng mái tóc đã bạc quá nửa. Hai mươi năm sống ở Canada, ông đi làm nhân viên kỹ thuật cho một hãng chế tạo dược phẩm, bị sa thải, thử thời vận bằng cách mở tiệm nail. Nhưng cũng như tất cả những người đàn ông trong dòng họ Nhân, ông không phải sinh ra để làm ăn. Những người đàn ông hay suy nghĩ, tinh tế và phần nào thích yên phận.

Nhân nằm nhìn lên những sợi dây điện và ống nước chằng chịt trên tầng hầm, nghĩ đến cuộc sống ở xứ người của chú họ Nhân. Nhà cửa, xe cộ, vợ con, bằng cấp, mọi thứ mà người tị nạn nào cũng cố gắng đạt đến trong mươi năm đầu, để rồi sau đó chỉ là những ngày lo lắng bị thất nghiệp, cố giữ cho con cái không hư hỏng và vợ đừng giở chứng ỏng eo. Vợ của chú họ Nhân không phải là một người dễ dãi, cô ấy không vui vẻ gì chuyện tuột dốc đi làm nail của chú, nhất là kiểu nail ế ẩm như vậy. Và chú của Nhân là một người hay suy nghĩ, mỗi sáng đi hai chuyến xe bus, hai lần metro đến tiệm, tóc bạc và thở dài. Nhân hình dung đến mùa đông ngập tuyết Canada và hình ảnh người chú mảnh khảnh đứng đón xe bus bên đường, người còng xuống dưới mớ đồ lạnh. Thành phố này yên tĩnh và có lẽ không phồn thịnh bằng Los Angeles, nhưng những buổi sáng quá sạch và lần đầu tiên Nhân nghĩ đến chuyện lấy một người vợ giản dị để sống qua những buổi sáng mùa đông ở một nơi vắng vẻ. Một thành phố nhỏ miền Bắc nào đó. Vợ Nhân phải là một người dễ dãi nhưng làm ra tiền, và Nhân sẽ không phải đi hai lần xe bus, hai chuyến metro mỗi sáng như chú của Nhân. Vợ Nhân phải biết ngưỡng mộ hai bằng đại học văn chương của Nhân, một từ Sài Gòn, một từ Mỹ, mà Nhân treo trên tường, dù cô ta không hiểu biết gì về văn chương và bằng cấp của Nhân chẳng giúp Nhân kiếm được bao nhiêu tiền. Nhân nằm nghĩ lan man dưới tầng hầm và Nhân muốn cho tay vào trong quần nhưng thấy không tiện.

Nhân đi chuyến xe chạy đêm về đến New York lúc 7 giờ sáng, nhưng phải đợi đến 5 giờ chiều mới có chuyến bay về lại Los Angeles. Trạm xe bus Port Authority là một nơi bận rộn nhất mà Nhân từng thấy. Nhân không muốn ngồi ở đó cho đến chiều. Nhân bỏ vali vào locker, chỉ giữ lại một ba lô rồi đi ra, dọc theo 42 Street, đến một công viên nhỏ sau lưng Thư Viện Công Cộng New York, chỗ giáp với Fifth Avenue. New York bận rộn nhưng vẫn luôn có những người nhàn tản, những người ngồi ăn sáng và hút thuốc trong công viên, ăn mặc lịch sự. Và Nhân thấy ở New York người ta hút thuốc nhiều hơn ở miền Nam California. Rồi Nhân đi ra phía cửa trước của thư viện nhưng thư viện phải đến 10 giờ mới mở cửa. Nhân ngồi trên một băng ghế đá bên trái mặt trước thư viện, quan sát những con ruồi khổng lồ mùa hè của New York đi lại oai vệ trên mặt ghế. Mọi cái ở New York đều nhất và nếu có một cuộc triển lãm ruồi thì ruồi của New York cũng phải chiếm giải nhất về vóc dáng. Những con ruồi to gần bằng một phần ba con gián cứ lẩn quẩn gần chỗ Nhân. Nhân cởi một chiếc giày cầm tay, giữ hờ cách mặt ghế vài phân rồi đập liên tiếp mấy cái nhưng không trúng con nào. Một vài người ngồi gần đó nhìn Nhân hờ hững. Nhân mang giày vô lại. Trên Fifth Avenue những chiếc taxi màu vàng đặc thù của New York lạng lách tài tình giữa giòng xe cộ dày đặc, bóp còi inh ỏi. Người đi bộ nhộn nhạo như bọt ga một chai nước soda vừa mở nắp. Không có kính, Nhân thấy mọi vật lờ mờ, mọi người không có ai đẹp xấu gì với Nhân. Rồi Nhân leo lên hết những bậc thềm thư viện đến chỗ cao nhất, chỗ góc vòm lõm vào trước cánh cửa màu đen còn đóng kín, nằm xuống, ngủ một chút.

Khi tỉnh dậy, thư viện vẫn chưa mở cửa và Nhân cũng thôi ý định vào trú trong đó cho đến chiều. Nhân đi dọc Fifth Avenue lên hướng Central Park và vì không đeo kính, để cho mắt đỡ nhức, Nhân thường xuyên nhìn xuống. Những viên đá lót đường hình lục giác màu xám thẫm, đều đặn dưới chân, và Nhân nghĩ nếu kẻ nào đủ kiên nhẫn đếm hết những viên đá trong lúc bước đi như vậy, kẻ đó đã là một thiên tài.  Nhân đi bộ dọc mạn phía Tây của Central Park cho đến khi gặp Bảo Tàng Guggenheim. Không có kính, Nhân phải dí sát mũi vào tranh để xem. Nhân cứ bước dọc theo những bức tường cuốn trôn ốc của bảo tàng, mắt dán vào tường như một kẻ đi ngửi tranh chứ không phải xem. Nhưng gặp những bức tranh khổ lớn, Nhân cũng phải lùi lại. Khi đó tất cả những đường nét, màu sắc trong tranh như chảy loãng ra, nhòe nhoẹt trước mắt Nhân. Thế giới hiện ra một cách vật lý đúng như Nhân vẫn thường nghĩ. Một thế giới lờ mờ, lo lắng, luôn phỏng chừng.

Khoảng 3 giờ chiều, Nhân đi bộ về lại Port Authority để lấy vali và xe bus ra sân bay JFK. Phía trước Nhân, một thiếu phụ trẻ mặc váy hoa màu nhạt, áo thun dài tay bó sát người, mang giày vải. Chưa bao giờ Nhân thấy một người đàn bà có dáng đi tự tin và duyên dáng như vậy. Chân cô ta dài, hông nhỏ và mông uyển chuyển, quần lót màu đen ẩn hiện theo bước chân sau lớp vải của váy. Nhân đi sát lưng cô ta nhưng cô ta không một lần ngoái lại. Khi về gần tới trạm xe bus, Nhân ghé vào tiệm phim sex, đổi một đô la lấy bốn token màu đồng, đi vào căn phòng nhỏ, đóng cửa lại, bỏ hết mấy token vào khe máy. Màn ảnh hiện lên một người phụ nữ với cặp vú vĩ đại đang tự xoa nắn cửa mình. Nhân nhìn xuống chân, cẩn thận tránh những đám tinh dịch của những kẻ vào trước còn nhễu nhão trên nền nhà.

1998

(Đã đăng trên tạp chí Hợp Lưu, số 39, tháng 2 & 3, 1998)