Mat Gleason | Tác động lâu dài của nghệ thuật Ann Phong

Ann Phong, “Cách Ly Xã Hội,” 28 inch x 24 inch, acrylic with found objects, 2020

Ann Phong là một họa sĩ với nét cọ thi vị, thời điểm gần đây trong cuộc hành trình hội họa chung, chị sử dụng chất liệu phế thải để thể hiện những ý tưởng mà chị mong được chia sẻ với chúng ta trong cuộc sống. Những tác phẩm trừu tượng rất đạt của chị chuyển hóa thành diễn ngôn khi những bức tranh đó được những mảnh vụn và vật liệu phế thải ghép vào như một nghệ thuật cắt dán (collage).

Phong cách diễn đạt của chị là sự xen kẽ giữa các tạp chất dày với các khúc màu được gột rửa và nhỏ giọt – một chỉ số ký hiệu học tinh tế chấp nhận và làm việc với nhiều lối tiếp cận khác nhau trong thế giới xung quanh chúng ta. Nhưng thời đại mà Ann Phong đang sinh sống và sáng tạo không là một thế giới ổn định, an bình. Những tác phẩm gần đây của chị khẳng định sự cấp thiết cần phải nhận chân rằng chúng ta đã quá bừa bãi trong việc tái chế đồ phế thải từ hàng hóa tiêu dùng.

Nghệ thuật, về cơ bản, là đối nghịch với thùng rác. Dừng lại và suy nghiệm thật sâu lắng khi ngắm một bức tranh trên tường để suy ngẫm về ý nghĩa cuộc sống và cái chết, điều đó trái ngược với sự ra đi nhanh chóng của cái thùng rác, bởi nó biến mất ngay khi chúng ta vừa vứt rác. Chúng ta mong ước nghệ thuật được nhớ đến trong một thời gian dài, trong khi với rác, chúng ta quên nó càng nhanh chóng, cuộc sống chúng ta càng tốt đẹp hơn. Ann Phong sáng tạo một thể loại nghệ thuật thách đố hai khái niệm này nhập một. Có lẽ nào không có cái đẹp của một bức tranh trừu tượng cao diệu, mà cùng lúc tồn tại tầng ý tưởng trong tác phẩm hướng về cái vũng lầy môi trường chung này?

Điều tốt nhất về mỹ thuật, đặc biệt là hội họa, là nó được tạo ra để lưu lại trong các bộ sưu tập như một minh chứng của thời đại. Có lẽ một ngày nào đó, thông điệp của Ann Phong sẽ được nghe, và một nhân loại đã thay đổi có thể nhìn vào những hài cốt rải rác lắp ghép trong tranh của chị như những di vật từ một thời lãng phí đã qua. Chỉ với một Trái đất được làm sạch, nghệ thuật chính thể của Ann Phong sẽ được đánh giá đúng nghĩa như một bức tranh thuần túy.

Mat Gleason, “The Lasting Impact of the Art of Ann Phong.” Mat Gleasonsáng lập viên tạp chí nghệ thuật Coagula, là nhà phê bình nghệ thuật và giám tuyển nghệ thuật đương đại quốc tế