Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương (Nguyễn Du)
Người đàn ông mặc áo vét mua ở phố Tàu,
trên máy bay từ Tokyo về Sài Gòn kể chuyện
với bà già liên tục bôi dầu gió,
rằng ở Mỹ con ông học bác sĩ.
Tôi ngồi gần nghe, biết không đúng sự thật,
toàn những chi tiết sai về trường lớp.
Ông có lẽ là một công nhân nhà máy,
một người làm móng tay,
hay một người ở nhà lãnh tiền trợ cấp.
Ông nói tiếng Anh kém,
và luôn đeo trên mặt một nụ cười
như khẩu trang tự vệ,
trước sự tấn công của ngoại ngữ.
Ông xuất thân từ một đất nước nơi mọi thứ chỉ có thể
được thực hiện khi quá trễ.
Ông đã gởi nhiều tiền về quê
để xây những ngôi mộ đồ sộ
cho những người khi còn sống ở trong một ngôi nhà chật hẹp
và luôn bị coi thường.
Giờ đây họ là những kẻ có vai vế trong nghĩa địa.
Khi cha mẹ qua đời, ông ở xa,
kỳ này về ông sẽ mặc đồ tang tạ tội trước bàn thờ.
Ông đem theo vải trắng.
“Tôi biết ở Việt Nam bây giờ gì cũng có,
nhưng tôi không có nhiều thời giờ,
với lại tấm lòng thành của mình, chắc bác hiểu?”
Người nhập cư nào cũng bận rộn,
và di chuyển không ngừng
trên trái đất đã đứng yên ngày họ rời xứ sở.
Ở phi trường Tân Sơn Nhất ông đứng đợi hành lý
chạy ra từ băng chuyền,
một vali rẻ tiền và một thùng cạc-tông,
cả hai đều dán tờ giấy lớn in tên họ, địa chỉ.
Sự riêng tư không quan trọng bằng nỗi sợ bị mất đồ.
Khi chất hành lý lên xe đẩy, ông đứng lặng,
nhìn chiếc thùng bị rạch một đường dài như vết mổ,
và từ đó đoạn vải trắng lòi ra –
khúc ruột chưa đứt lìa.
07-2020