Tôi biết Trịnh Cung là nhà thơ trước khi biết ông là họa sĩ. Có lẽ, một số người giống tôi, lần đầu tiên gặp gỡ Trịnh Cung qua ca khúc “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu” của Trịnh Công Sơn, phổ thơ Trịnh Cung. Giữa thập niên 60, những tứ thơ này nghe mới lạ, thích thú: “Bây giờ anh vui hai bàn tay đói. Bây giờ anh vui hai bàn chân mỏi.” Những cụm từ “một linh hồn rỗi… một đời bão nổi…” ăn khớp với nhịp sống của sinh viên, học sinh đương tuổi lãng mạn, thời hiện sinh sôi sục sức sống.
Rồi nhịp sống đổi thay. Nội chiến, tử vong, mất mát, ly tán, miền Nam sụp đổ, tù đày, khốn khổ, đảo điên, hủ bại, di tản, tị nạn, lưu vong, di dân… Thơ vẫn tiếp tục theo thời gian, nhưng liệu thơ có còn cưu mang nhịp sống của mỗi biến đổi, mỗi thăng trầm, mỗi khúc quanh, mỗi không khí thời đại?
Bẵng đi một thời gian dài, tôi gặp lại thơ Trịnh Cung nơi thi tập Nội Tình Cái Hẻm in chung với nữ sĩ eL, phát hành năm 2008. Tập thơ này cho tôi cảm nhận sức tàn phá phiền não và sự cứu rỗi của tình yêu. Đặc điểm của tập thơ này, tuy ngôn ngữ văn vẻ theo dòng thơ Lãng Mạn và Tượng Trưng, nhưng thể hiện chất trung thực trong kinh nghiệm sống và mức độ cảm xúc gây nhạy cảm cho người đọc. Tình yêu là một thứ mà hầu hết ai cũng tưởng mình đã có, nhưng thực sự, không mấy ai có được tình yêu.
Hôm nay, tôi ngồi trước thi tập mới của ông, Thơ Trịnh Cung Trên Nước Mỹ, chuẩn bị ấn hành trong năm 2020, nghĩ về thơ Trịnh Cung.
Tập thơ này có 33 bài. Nội dung chia làm ba phần: “Trôi”, “Bóng” và “Trốn”. Cả ba tựa đề đều dễ hiểu, dễ đoán, khác hẳn với tập thơ trước Nội Tình Cái Hẻm, một tựa đề báo trước những điều thao thức đi vào hẻm sâu, rồi hẻm mở ra nhiều con hẻm mới.
Riêng tựa đề chính: Thơ Trịnh Cung Trên Nước Mỹ, từ nào cũng dễ thông qua, riêng từ “Nước”, có thể là một thói quen khi dùng chung với quốc gia, hoặc có thể là sự cân nhắc giữa “Nước Mỹ” và “Đất Mỹ”. Đối với thơ, “Nước” và “Đất” ngụ ý cho hai trạng thái, tâm trí, thân thế, số phận… khác nhau. Đất là điều gì vững chắc, tin tưởng, lạc quan… Nước tượng trưng cho bấp bênh, nghi ngại, không chắc chắn… Nội Tình Cái Hẻm là có điều gì chất chứa cần tường trình, cần nói ra. Bước sang Thơ Trịnh Cung Trên Nước Mỹ này, có điều gì hoang mang âm u trong tiềm thức?
Sao không thấy Chúa khóc
May mà Nữ thần Tự do đứng bên kia bờ
Nên tự do vẫn đẹp như mơ?
(“Giá Mà Tuyết Rơi Xuống Bây Giờ”)
Tâm trạng của người di dân bất đắc dĩ hoặc bất đắc chí hoặc tấn thối lưỡng nan? Nói cho cùng, đời sống của một nghệ sĩ đúng nghĩa luôn luôn phập phồng với nỗi bất an. Trịnh Cung ấn hành thi tập Nội Tình Cái Hẻm lúc ông 70 tuổi. Bây giờ ông vào tuổi 82. Cả hai tập thơ ra đời khi tác giả đã trải dài qua đời sống, tiến gần đến sự khám phá sau cùng. Ông đã tích trữ nhiều kinh nghiệm, nhiều vui ngắn buồn dài, nhiều thương tích, nhiều đổi thay từ thể xác đến tinh thần. Có thể nói, hai tập thơ này là những tinh phẩm tâm tư và trí tuệ của nhà họa sĩ lão thành.
Họa sĩ vẽ hình thi sĩ viết tứ
Vẽ và viết là hai động tác “anh em”. Khuynh hướng viết chữ như họa và vẽ tranh như thơ của người Trung Hoa cho nghệ thuật một khái niệm về mối tương quan giữa vẽ và viết. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt trước và sau khi vẽ hoặc viết. Từ tinh thần này trồi câu hỏi: Thơ của họa sĩ có gì khác với thơ của thi sĩ?
Chúng tôi ra khỏi phố Tàu khi những sợi mì còn chưa kịp trôi qua khỏi cổ họng
(…)
và nhớ cả những con kiến gió đến chết mỗi ngày trong ly trà chanh ở hẻm 47
(“Giá Mà Tuyết Rơi Bây Giờ”)
Hai câu thơ này là viết hay vẽ?
Trước hết, nên xác nhận, một họa sĩ cũng có thể là thi sĩ. Một thi sĩ cũng có thể là nhạc sĩ. Định danh về họa, thi, nhạc là nói về đường lối, kỹ thuật diễn tả bên ngoài, tạo thành tác phẩm. Trong khi nghệ thuật là nội lực bên trong của trí và tâm. Mỗi nghệ sĩ sử dụng tài hoa và năng khiếu riêng, phù hợp với mỗi bộ môn ưng ý, cho đến khi thuần thục, sẽ tạo cho bản thân một khả năng riêng, nhận thức riêng, một luận lý riêng, một cách diễn đạt riêng… Ví dụ, họa sĩ nghiêng về hình ảnh, màu sắc, đường nét… Trong khi thi sĩ quan tâm hơn về thẩm mỹ và phẩm chất ngôn ngữ trong hình tứ của câu thơ. Hình ảnh và hình tứ đều liên quan đến hình. Họa sĩ chú trọng việc ghi lại hình theo nhãn quan của tâm tư, thể hiện từ hiện thực đến siêu thực, từ tượng trưng đến lập thể… Thi sĩ chú trọng đến hình qua chữ nghĩa và hiệu quả của hình hoạt động với nhau.
Tôi chỉ có ý định điềm chỉ những hình ảnh, màu sắc và đường nét của ngôn ngữ, hình tứ, kỹ thuật diễn đạt trong thơ của họa sĩ. Còn cụ thể như thế nào, xin để bạn đọc tự mình tìm đến, tìm ra, rồi so sánh với những kinh nghiệm đã có. Ví dụ, những chi tiết để dựng nên bố cục, những màu sắc để tô nên linh động, người họa sĩ vẽ bằng chữ:
Dưới bóng đổ của quản giáo Thần núi San Gabriel, họ phải làm việc lầm lụi ngày đêm trên những cánh đồng để chuộc tội và cầu mong những người đàn bà sẽ trở về. Ðỉnh ngọn San Gabriel quanh năm lạnh buốt về đêm và bỏng rát ban ngày luôn gầm ghè chờ những kẻ phạm luật lưu đày. Cứ mỗi khi băng tuyết trùm trắng đỉnh hay lửa bùng cháy dữ dội, đó là lúc hành quyết theo từng tội danh dành cho những kẻ bất tuân dám mang tư tưởng chống Thần.
(“Từ Những Cây Sồi”)
Trên quá trình thưởng thức tập thơ, mỗi tâm hồn sẽ phải tự truy lùng, va chạm kinh nghiệm cá nhân với kinh nghiệm của tác giả qua cách trình bày mang tính thẩm mỹ riêng tư. Ngửi một bông hoa thơm, cưới một người vợ yêu, không thể nhờ ai làm giùm. Nhưng có thể nhờ người giới thiệu, mối lái.
Dọc theo cuộc sống, một nhà thơ trung thực sẽ để lại những bài thơ “tiêu mốc”. Những bài thơ đánh dấu những đoạn đời quan trọng. Ghi nhận những gì đã hằn dấu ấn, những gì có khả năng khiến cho tâm tình sâu sắc, hoặc khiến cho trí tuệ bừng tỉnh, xán lạn, hoặc vì vậy mà bản thân thay đổi. Những bài thơ này mang trọng lượng và hơi thở của tác giả. Chính những bài thơ này mới nói lên những gì tạo thành đời sống nghệ thuật của nhà thơ.
Khi đọc một tập thơ, tôi thường tìm đọc những bài thơ tiêu mốc trước khi đọc toàn tập.
Không biết ngày mai có thức dậy
Như mọi lần
Cũng chỉ mỗi chiếc thòng lọng thời gian
Trên đầu người họa sĩ già
Không biết ngày mai có thức dậy
Như mọi lần
Dù chỉ tiếng nổ
Không biết ngày mai
Như mọi lần
Người góa phụ vẫn tưới những khóm hồng
Chắc chắn không phải là mùi hương.
(“Căn Phòng 12 M2 Ở Bolsa, 2013”)
Không chỉ nỗi già ám ảnh bản thân mà nỗi trẻ còn sống gây ra ám ảnh lớn hơn. Niềm phiền muộn suy tư đó dai dẳng, rồi trở thành thường trực: xin mời đọc bài “Dòng Chính”. Tâm sự đó lấn áp hầu hết tất cả những gì đang xảy ra. Tất cả đều “mặc kệ”, xin mời đọc bài “Buổi Mai – Mặc Kệ”. Chỉ còn một điều đáng quan tâm: “Ne me quitte pas/ Oublier le temps/ Oublier l’hiver/ Jamais /Jamais/ Ou / Jamais/ Je ne te quitte pas…”
Cố vùng vẫy đớn đau
Trước khi chết ngọt ngào
Trong bếp lửa tình em
(“Để Nhớ Có Lần”)
Một bài thơ tiêu mốc khác, bài “Lý Lịch”, viết năm 2019. Một tự thuật văn chương qua những nét phát họa tiểu sử, qua ẩn dụ con tinh trùng ốm đói lưu lạc trong một tổ quốc đói ốm vật chất lẫn tinh thần.
Dẫu suýt chết vì mắc chứng cam tích
Dẫu suýt què quặt vì sốt tê liệt
Dẫu bị cấm yêu vì con nhà nghèo
Dẫu bị tù đày vì sĩ quan ngụy
Dẫu tổ quốc đổi màu Đất nước đổi tên
Dẫu quê hương là cái lồng sắt
Dẫu tổ quốc đã bị đem cầm
Tôi vẫn ngậm bồ hòn
Tổ quốc ta đó
Bóng: Chúng mình chín suối
Nhưng nhà thơ này là một họa sĩ, nghĩa là, thơ và họa song song trong lòng người, chờ đợi lúc xuất hiện. Nghĩa là, cả hai phát xuất từ những đoạn đời chung, từ những thăng trầm chung, từ những tâm sự chung, từ những tư duy về bản thân và đời người.
Trong tác phẩm Treo Trên Giá Vẽ, Trịnh Cung cho biết, ông bắt đầu sự nghiệp hội họa từ năm 1962 bằng nghệ thuật Biểu Hiện (Expressonism). Sau đó, chuyển sang nghệ thuật Trừu Tượng (Abstract) từ 1994 đến 2017. Giai đoạn từ 2017 cho đến nay, ông chuyển hướng sang Hiện Thực Đơn Sắc (Monochromatic Realism). Giai đoạn sau cùng cũng là giai đoạn ông thai nghén và cho ra đời những bài thơ “Bóng” và “Trốn”. Nghĩa là, thơ Bóng, thơ trốn dịch và tranh Hiện Thực Đơn Sắc đi với nhau. Khái niệm này cho người đọc dễ dàng giải thích những ám ảnh, tâm sự, tiềm thức trong lời thơ cho Bóng, về Bóng và những cảm nhận về bản thân trong cộng đồng Bolsa mùa dịch COVID 19.
Trên lý thuyết, nghệ thuật Hiện Thực mà ông muốn nói không phải là hiện thực thuần túy. Realism (Chủ Nghĩa Hiện Thực) được định nghĩa là trình bày đối tượng như một thực tế trong đời sống hàng ngày. Những bức họa trong giai đoạn đương thời của ông mang hình ảnh và đường nét của nghệ thuật diễn đạt từ nội tâm, từ thế giới riêng tư của tác giả với cảm xúc thay vì theo sát thực tế. Như vậy, đây là một thể loại Biểu Hiện theo khuynh hướng hiện thực. Khác với lúc ban đầu là Biểu Hiện theo khuynh hướng lãng mạn và trữ tình.
Người thưởng ngoạn có thể cảm thấy qua họa và thơ của ông trong giai đoạn này, cưu mang những cảm xúc không tràn ngập, không trang điểm, nhưng cô đọng và quan tâm về những đề tài, nội dung hướng đến những đối tượng bình thường trong đời sống hàng ngày. Cách biểu hiện của ông gần gũi với câu nói của Pablo Picasso: “To draw you must close your eyes and sing.” (Khi vẽ bạn nên nhắm mắt rồi cất tiếng ca).
Ví dụ, hai bức họa “Gặp Nhau Ở Bolsa 1 và 2”cho thấy nhân vật Trịnh Cung lang thang, hòa nhập vào giới dân vô gia cư (homless) ở Hoa Kỳ. Qua nhãn quan của tâm tư riêng, hình ảnh thực tế biến dạng, ám chỉ sự vô gia cư trong tinh thần, vô sở hữu của tâm hồn. Hình ảnh Trịnh Cung xuất hiện giữa các nhân vật homeless, tay ông cầm ổ bánh mì và ly cà phê, nói lên ý nghĩ muốn hòa đồng nhưng vẫn khác biệt. Y phục vẫn nghệ sĩ theo kiểu dân cool bản xứ, cho thấy một di dân không sang trọng như giới thượng lưu, cũng không nghèo khó như giới vô sản. Biểu hiện đó thể hiện khuynh hướng hiện thực về chính trị xã hội của cư trú khó hội nhập. Ý niệm này biểu lộ rõ hơn trong bức tranh Trịnh Cung với tấm giấy trước ngực, tuy chữ lu mờ nhưng có thể đọc ra “Recycle me” (Hãy tái dụng tôi).
Song song với những bức họa tiêu biểu sự chuyển hướng về nghệ thuật, trong thơ, ông thể hiện khuynh hướng hiện thực về đời sống:
Tôi đi khắp thành phố
Tìm một chỗ chăm bóng
Như nhà giữ trẻ mồ côi
Như viện nuôi người già
Nhưng không nơi nào
Ôi sao thật quá khó
Về đâu cho bóng tôi
(“Đem Bóng Đi Gửi”)
Một xã hội tiên tiến hàng đầu, thứ gì cũng có, nhưng không có nơi nào cất giữ bóng khi con người qua đời. Phải chăng, khoa học tiến bộ, thế giới chuẩn bị sống ngoài không gian, vẫn cần có sự hiện hữu của Thượng Đế?
Không thể bỏ bóng lạc loài
Như ai đó bỏ con mình giữa chợ
Tôi phải tìm nơi nương tựa
Cho bóng trước khi lìa đời.
(“Đem Bóng Đi Gửi”)
Hai bức tranh khác gây sự chú ý, đó là bức Trịnh Cung trần truồng hiện diện và đối diện cuộc sống, trình diện đời xem thân thế một người không còn sở hữu bất kỳ một thứ gì. Bức kia vẽ Trịnh Cung trần truồng xoay lưng, bỏ đời mà đi. Đến đây tay trắng, ra về trắng tay. Bất kỳ ai trong chúng ta đã đến đây, đã hiện diện đều sẽ phải vắng mặt. Định mệnh đó, từ đâu. Ẩn dụ qua chiếc bóng, ông viết:
Tôi đi trên những tháng ngày già
Cái chết bám như bóng
Lúc ngắn lúc dài
Mặt trời kiểm soát tôi
Bằng định vị không được ra ngoài cõi buồn…
(“Bài Thơ Đi Bộ Lúc Xế Chiều Ở Bolsa”)
Bóng và người tuy hai mà cô độc, đúng hơn là cô đơn. Bất kỳ một nghệ sĩ chân chính nào đều phải đối phó với cô đơn. Chưa hẳn vì người khác xa lánh mình, đúng hơn, vì mình xa lánh họ một cách tinh thần, chán ngán họ, mệt mỏi họ… Sau cùng, cô đơn là nỗi thú vị, ân sủng của nghệ thuật. “Tôi tán nỗi cô độc thành thuốc/ Tự chạy chữa hằng đêm/ Nhưng tôi đã lậm thuốc/ Người lúc nào cũng không trọng lượng/ Đến nỗi suýt ngã vì một cơn gió lạnh/ Thổi từ âm ty…” (“Bài Thơ Khi Đi Bộ Lúc Xế Chiều Ở Bolsa”). Bóng là tâm sự của tác giả trong năm tháng về chiều, khi chiếc bóng nhạt nhòa sắp tan vào đêm tối: “Khi đời nguội lạnh/ Bóng vẫn bên ta/ Chúng mình / Chín suối”.
Ngôn ngữ trong thơ Bóng là ngôn ngữ đơn giản, bình dân, tương tựa lời nói hàng ngày. Khác hẳn lời lẽ phức tạp, văn vẻ trong Nội Tình Cái Hẻm. Có lẽ tác giả không còn quan tâm nhiều đến việc thuyết phục người đọc. Ở một tuổi đời nào đó, những chuyện thích thú lúc trẻ không còn hấp dẫn. Hay hoặc dở, khen hoặc chê, không nằm trên bàn cân quan trọng mà năng lực nghệ thuật chỉ dùng để diễn tả tâm tình. Nói ra những gì muốn nói, dễ dàng, trơn tru, thoải mái. Trở về lại lời lẽ tự nhiên lúc ban đầu: “Ừ, thôi em về/ Chiều mưa giông tới (… ) Sầu thôi xuống đầy/ Làm sao em nhớ/ Lời ca anh nhỏ (…) Sầu thôi xuống đầy”. Nghệ thuật diễn đạt đi đến tính đơn giản, tự nhiên, để nội lực trình bày những tư duy và kinh nghiệm, nhìn thấy trong họa và thơ của Trịnh Cung lúc tuổi già.
Trịnh Cung trốn và lánh dịch COVID 19
Nghệ thuật Hiện thực Xã hội của Trịnh Cung càng thể hiện rõ ràng hơn trong phần thơ “Trốn”. Từ vựng “trốn” mang theo hình ảnh sợ sệt, núp lén, tránh xa… Một phương cách chống lại cơn dịch đang lan tràn. Trốn trong thơ Trịnh Cung là hành động của người chưa biết phải làm gì trước sự nguy hiểm. Tạm thời thu mình vào một góc đời để quan sát và chờ đợi những giải pháp hữu dụng.
Từ chỗ trốn đó, Trịnh Cung ghi vào nhật ký những hình ảnh thời sự xảy ra trong cộng đồng người Việt và dân bản xứ ở vùng Quận Cam. Những lời thơ hết sức bình thường như lời tâm sự:
Thành phố Sài Gòn Nhỏ nay lại rỗng
Vì Corona
Tôi chạy quanh tìm mua thuốc chống nghẹt mũi
Cho những ngày mai khó thở
Các Pharmacy đều lắc đầu Hết thuốc
Tôi ghé vào chợ mua gạo
Hết gạo
Tôi hỏi chủ chợ bao giờ gạo về
Ông trả lời rất nhã nhặn I don’t know
(“Nhật Ký Những Ngày Lánh Dịch”)
Người đọc có thể nhận ra hai điểm nổi trong phần thơ này. 1- Ông đưa ngôn ngữ bản xứ hàng ngày vào thơ. Chuyện bình thường xảy ra trong đời sống của người Việt hải ngoại. Khi trò chuyện vẫn xen lẫn tiếng ngoại quốc như một thói quen. Tuy nhiên, khi chọn lựa đưa vào thơ, ông muốn thể hiện tính hội nhập của bản thân trong chiều hướng đa văn hóa. 2- Khác với tựa đề của năm bài thơ trong phần ba “Trốn”, ba bài thơ chủ lực của phần này là “Nhật Ký Những Ngày Lánh Dịch 1, 2 và 3.” Từ “Trốn” ông chuyển qua “Lánh”, tại sao?
Lánh: “tránh không để gặp ai hoặc cái gì đó bị coi là không hay đối với mình” (Wikitionary). Trốn: “giấu mình vào chỗ kín đáo để khỏi bị trông thấy” (Wikitionary). Trốn và tránh tuy có điểm tương đồng nhưng khác nhau. Trốn gần gũi với ẩn núp. Lánh gần gũi với tránh né. Một bên là ẩn thân, một bên là luồn lách. Sự chuyển đổi của tác giả, cho thấy: toàn bộ đối phó với dịch là ẩn núp không cho vi khuẩn tìm thấy. Phương pháp tự cách ly mà đa số người chống dịch sử dụng. Tuy nhiên, trốn không cho phép nhìn thấy nhiều, tiếp cận nhiều, thu thập nhiều dữ kiện để tạo cảm xúc cho tác phẩm. Người nghệ sĩ phải rời chỗ ẩn núp để đi vào hiện trường, cụ thể và thực tế nhưng theo một cách “lánh”.
Người đọc tìm thấy những hình ảnh và tứ thơ trong ba bài nhật ký theo sát thời sự và những gì mẩu chuyện thật đã xảy ra cho tác giả: “Chắc eL đang mở youtube/ Nghe chị Thái Thanh hát/ Nghìn Trùng Xa Cách (….) Đêm qua Trần Vũ nhắn tin/ Los Angeles vỡ trận (…) Tôi bỏ không đi get line trên đường Main/ Bà Janet Nguyen cho người già 10 pounds gạo (…). eL thường xuất hiện những cơn giận dữ”. Bài “Nhật Ký Những Ngày Lánh Dịch 2” là bài chủ yếu trong phần ba. Trình bày bản thân giữa tình hình dịch COVID 19, trong một khoảng đời nhỏ hẹp, trộn lẫn quá khứ và hiện tại. Những tư duy về thân phận liên can đến vợ và bạn. Câu thơ xuất sắc cho cá nhân tôi thưởng ngoạn là “Không mấy ai ăn hết khẩu phần tự do.”
Dịch COVID 19 không chỉ là trận dịch gây tổn thất cho thế giới. Sự hủy hoại này rất nhỏ so với những trận dịch lớn khác như Dịch Đen (Black Death 1347-1351), đã giết chết từ 75 đến 200 triệu người (nguồn Wikipedia). Sự sợ hãi và phản ứng cường điệu của con người là chuyện tự nhiên và bình thường. Cảm xúc bên trong cơn dịch chính là những sự hy sinh, vong mạng của nhóm bác sĩ và y tá tiền phong đối phó với bệnh dịch. Sự hỗn loạn thiếu lãnh đạo của chính quyền. Sự mất mát, vĩnh biệt phút sau cùng không được gặp nhau giữa bệnh nhân và gia đình. Người chết âm thầm không thăm viếng, không nhà quàn, không có sự thương tiếc tiễn đưa… Hình ảnh, tứ thơ, tư duy theo tầm nhìn này chưa thấy trong thơ trốn, lánh dịch của Trịnh Cung. Có lẽ, chúng ta sẽ tìm thấy trong những bài thơ tiếp theo?
Nghệ sĩ, nghệ thuật và tác phẩm là một hành trình bí mật, không ai có thể thấm thấu như hai cộng hai là bốn. Mỗi nghệ sĩ có nhãn quan và nghệ thuật trình đạt riêng tư. Sự riêng tư này tiến về những cảm nhận chung. Như Marian Abramovic đã viết: “Art must be life – it must belong to everybody” (Nghệ thuật phải là đời sống – phải thuộc về tất cả mọi người). Tập Thơ Trịnh Cung Trên Nước Mỹ đi theo chiều hướng này.
Về nghệ sĩ, nghệ thuật và tác phẩm, có câu chuyện thường dùng như dụ ngôn. Con ngựa ví như nghệ thuật, gọi là con Art. Nghệ sĩ ví như chàng kỵ mã. Con Art là ngựa bất kham. Chàng kỵ mã phải dày công, khổ cực, học hỏi, tận sức mới thuần hóa được con Art. Tuy nhiên khi cưỡi đi đến tác phẩm, phải thúc chân, giật cương, kéo phải, kéo trái, thậm chí phải dùng roi quất vào lưng ngựa. Kỵ mã và tuấn mã đều vất vả mới đến được mục đích. Nghệ thuật đó chỉ đạt mức trung bình. Một hôm, sau những kinh nghiệm trải qua, nghiền ngẫm những hiểu biết, chàng kỵ mã tìm ra bí quyết. Mỗi khi lên lưng ngựa, chàng ghé miệng vào tai ngựa thì thầm đôi lời. Lập tức con ngựa lồng lên, phóng chạy. Chàng chỉ nhẹ nhàng cầm cương khi thả, khi kéo, thoải mái đi đến nơi về đến chốn. Nghệ thuật đạt được tính tự nhiên, lực tự động, dù ý nghĩ khó khăn, khó hiểu, cũng nói ra, diễn ra một cách dễ dàng, thông suốt. Chia sẻ với đám đông. Nghệ thuật đó thuộc về hạng cao kỳ. Hầu hết mọi người đều thắc mắc, chàng kỵ mã đã nói gì với con Art? Trước khi qua đời, anh ta viết bí quyết đó vào nhật ký: “Tôi nói với nó: ‘Mày và tao chạy đua, xem thử ai đến trước’.” Mỗi nghệ sĩ không chỉ chạy đua với bản thân mà phải để nghệ thuật của mình tự chạy đua với chính nó.
Houston, tháng 2 – tháng 6, năm 2020.