Nhà thơ Trần Vàng Sao sinh năm 1941 và mất ngày 9/5/2018. Người ta gọi cuộc đời ông là một bi kịch, nhưng là bi kịch gì?
Ngoài thơ, Trần Vàng Sao còn có một cuốn hồi ký nổi tiếng, Tôi Bị Bắt, kể lại toàn bộ câu chuyện bi kịch mà ông phải chịu đựng. Nhưng với tôi, thơ ông mới “kể” được nhiều hơn về cái bi kịch của đời ông.
Đọc thơ Trần Vàng Sao, điển hình là hai bài: “Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình” và “Tau Chưởi,” ta có thể thấy được diễn tiến của tâm hồn ông, theo một chiều dài thời gian 30 năm, cùng với diễn tiến của tấn bi kịch trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Hai bài thơ này, đặc trưng với hai giọng đối nghịch nhau: một đằng là thơ mộng và đầy chất nhân văn, còn đằng kia chỉ thuần là sự nguyền rủa của một tâm hồn đã bị tiêu hủy hoàn toàn.
“Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình”
Bài này được viết vào năm 1967, năm tác giả 26 tuổi, và cũng là năm chiến tranh ở miền Nam đã vào giai đoạn khốc liệt. Nhưng thật kỳ lạ, toàn bộ bài thơ dù buồn nhưng đẹp man mác:
Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người
Lời thơ thật hồn hậu, giản dị và chân thật. Những ai đã từng sống ở nông thôn miền Nam những năm trước 75 (và thậm chí vài năm sau 75) sẽ cảm nhận được cái không gian chất phác này. Nó quá bình dị và đẹp. Và chính cái hồn hậu này nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Thơ Trần Vàng Sao gần như “tự nhiên,” hình ảnh, không gian được chạy thẳng ra trang giấy mà gần như không qua “xưởng chế biến” ở não. Hay nói cách khác, ngôn ngữ đóng vai trò như một “ngôn ngữ lập trình phiên dịch,” nó làm cho tâm hồn ông hiện hình theo cách trung thực nhất có thể. Chính đặc điểm này đã đem đến cho người đọc một cảm giác rất chân thật. Thơ ông gần với thứ nghệ thuật được Nietzsche gọi là “tinh thần Dionysos.” Đó là cái “nhất thể uyên nguyên” của tâm hồn con người khi chưa bị các khái niệm chia tách với thực tại.Trong đoạn thơ trên, giữa tâm hồn thi sĩ và thực tại đã hòa làm một.
Ông cũng có cái mộng mơ vu vơ kiểu của các thi sĩ tiền chiến:
Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu
Nhưng cái thực tại lớn nhất là hình ảnh người mẹ của ông, và bài thơ đã dành phần lớn nhất để nói về người mẹ. Bắt đầu từ đây, bài thơ rơi vào trạng thái của hồi ức:
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
Năm nay ngoài năm mươi tuổi
Chồng chết đã mười mấy năm
Thuở tôi mới đọc được i tờ
Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
Nước sông gạo chợ
Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
Sống qua ngày nên phải nghiến răng
Cũng không vui nên mẹ ít khi cười
Những buổi trưa buổi tối
Ngồi một mình hay khóc
Vẫn thở dài mà không nói ra
Thương con không cha
Hẩm hiu côi cút
Tôi yêu đất nước này xót xa
Vẫn là cái nghèo muôn thuở, vẫn là lời thở than muôn thuở, nhưng tuyệt nhiên không một lời oán trách hay thù hận. Cái đẹp đã chiếm hết tâm hồn ông.
Và cái tuổi thơ, tuy nghèo, nhưng vẫn đẹp của ông, với cả tình yêu tuổi mới lớn mà ta bắt gặp rất nhiều trong thi ca Việt:
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Có một vài hình ảnh mang tính biểu tượng mà tôi đoan chắc là dấu vết của nền giáo dục tiểu học miền Nam:
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng
Tuy nhiên, bài thơ cũng có một vệt đen, mà tôi nghĩ, ông đã nhiễm khi làm tuyên huấn cho thành ủy Huế:
Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Nhưng may mắn cho ông và cho bài thơ là ông không đẩy cái vệt đen này đi xa hơn. Và bài thơ kết thúc bằng thứ cảm thức rất phổ biến thời ấy: mong mỏi chấm dứt chiến tranh và thống nhất chia cắt. Và ta biết rằng đây là thứ cảm thức rất chung chung và dễ bị lợi dụng đến thế nào. (Có thể thấy rõ điều này ở Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ xứ Huế).
Cuối cùng, điều mà tôi cảm nhận sâu sắc nhất ở bài thơ này là ở tính nhân bản của nó. Bài thơ nói về nghèo, về buồn, nhưng ta không tìm thấy một chút dấu vết nào của hận thù, của chưởi bới, của nguyền rủa.
Có thể nói, ở thời kỳ này, tâm hồn thi sĩ là một thứ hồn hậu và hòa điệu với xứ sở mà ông sinh ra. Nó đẹp, hiền và buồn thuần nhất.
“Tau chưởi”
Bài thơ được viết năm 1997, nghĩa là cách bài thơ đầu đến 30 năm. Nhưng, nó lại ở thái cực khác. Bài thơ đầu hồn hậu bao nhiêu thì bài sau quằn quại và tàn độc bấy nhiêu.
Với tôi, đây là một lời nguyền rủa hơn là một bài thơ. Nó thuần túy viết ra để nguyền rủa.
Bài thơ này có mấy đặc điểm:
– Chất Dionysos nổi bật trong thơ ông vẫn còn nguyên
– Bài thơ tuyệt không một hình ảnh hay cảm thức nào về quê hương.
– Những lời nguyền rủa đay nghiến nghiệt ngã chiếm trọn vẹn bài thơ.
Chất Dionysos giúp ta cảm nhận được sự chân thật của bài thơ. Ở đây sự hòa điệu nhất thể giữa tâm hồn ông và cái cảm thức về thực tại đã đi thẳng ra giấy mà hầu như không qua thao tác chế biến nào của lý tính.
Các lời thơ thật cay nghiệt:
“tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống hết nối dõi tông đường”
Với văn hóa Á Đông và Việt Nam, chưởi như câu trên là tuyệt đỉnh của tàn độc.
tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
tau chưởi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ
mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm
tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu
tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn
đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ
bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra
cũng phải tránh xa
tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn
chết không được mà sống cũng không được
tau chưởi cho dứt nọc dòng giống của bây cho bây chết sạch hết
Thật kinh hoàng!
Nhưng ông chửi ai? Toàn bài thơ không chỉ rõ đối tượng bị chửi, dù thỉnh thoảng có vẽ ra chút hình hài:
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
Hay:
bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương
khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng
để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho
cha mẹ cố tổ bây”
Kết luận
Hai bài thơ này đại diện cho hành trình của một tâm hồn: khởi đầu và kết thúc. Nó cũng xứng đáng là một trường hợp điển hình của sự tàn phá tâm hồn của một thế hệ người Việt.
Có quá nhiều sự tàn phá đã và đang xảy ra trên đất nước này. Ta dễ dàng nhận ra các sự tàn phá mang tính vật chất như tài nguyên, môi trường, nhưng thật khó để nhận ra cái tiến trình tương tự ở tâm hồn con người.
Ngay lúc này, khi đang chứng kiến sự suy đồi văn hóa có tính tàn hủy trên xứ sở này, thật hữu ích khi ta truy ngược lại một chứng nhân mà tôi tin là điển hình cho cái gốc rễ của sự tàn hủy ấy.
Cuộc đời Trần Vàng Sao, tâm hồn Trần Vàng Sao và thơ ca Trần Vàng Sao, xứng đáng như một trường hợp điển hình, một “trường hợp lịch sử” cho sự tàn hủy tâm hồn người Việt, kể từ khi xứ sở này rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa cộng sản.