Nguyễn Quốc Chánh | Trịnh Công Sơn & Lê Minh Đảo

Thiếu tướng Lê Minh Đảo

Sau khi nhiều lần nghe “một mai qua cơn mê,” tôi ngồi “chong đèn” xét lại ca từ Trịnh Công Sơn trong lúc dịch Vũ Hán biến tướng như thể bật đèn xanh cho tưởng tượng, đây là thời chiến tranh bằng “vũ khí nano” sắp lại bàn cờ chính trị Đông Tây, lại hay tin tướng 12 ngày đêm phòng thủ Lê Minh Đảo qua đời, không muốn phủ cờ Việt Nam Cộng Hòa lên quan tài, không hiểu sao khiến tôi nảy ra ý so sánh ông, không phải với tướng đối đầu Trần Văn Trà mà với tác giả “Ướt Mi.”

Sau khi mất trinh trong xóm đĩ gần chùa Miên, tôi nằm ớn lạnh vì bể ống khói, nhìn con cu mưng mủ đang biến dạng như trái mù u sắp rụng hay trái nhàu chín bói, nghe chị hai Thanh Thúy rên “Ướt Mi” của Trịnh Công Sơn mà bủn rủn chân tay. Nhạc thì không đến nỗi bi đát, con cu mưng mủ mới là nan y. Từ cái thằng thiếu niên mộng tinh chuyển thành thanh niên “sáng trăng vằng vặc…” thật là vạn sự bứt gân, nó còn gây cấn hơn đường đua F1 vào cua chứ đâu có lòe nhòe “Ướt Mi.” Mà ướt quần.

Ấn tượng do đó về tình khúc Trịnh Công Sơn khiến xui gắn liền với tai nạn tình dục đầu đời nên chi hồi tưởng của tôi theo hướng nào, nghệ thuật hay quá trình thành nhân là thân- tâm bấn loạn chứ đâu có ngon ơ và thảnh thơi như sư thiền Thích Nhất Hạnh, cứ bước đi và mỉm cười là thân-tâm sẽ an hòa. Tôi thấy rất rát bản ngã trên nền tảng cha sinh mẹ đẻ là thịt da, không có cách gì hòa giải giữa tình khúc “Ướt Mi” với con cu mưng mủ. Soi mói vô lịch sử còn tàn canh giá lạnh hơn. Thí dụ làm sao hòa hợp sự nghiệp Trịnh Công Sơn với bổn phận Lê Minh Đảo trong thời Đô Thành Sài Gòn.

Lúc tôi bể ống khói cũng là lúc Cao Xuân Huy sắp tháo chạy khỏi Buôn Ma Thuột. Khi Tháng Ba Gãy Súng, chế độ quân dịch cũng không còn, dù có mơ làm binh nhì dưới trướng chuẩn tướng Lê Minh Đảo (39 tuổi) cũng không có cơ hội. Nhớ mấy bà chị Việt Nam Cộng Hòa nói, hồi đó tụi chị đâu có thích mấy anh y khoa hay phú thọ mà mê những thiếu úy võ bị Đà Lạt, chắc vì vậy, Lê Minh Đảo mới xuất sắc trường này. Nhìn hình ông đeo lon thiếu tướng, cứ tưởng ông đang thủ vai Người Tình Không Chân Dung chứ có thấy nét gì phong trần trận mạc của một tướng quân, đánh giặc thông minh, linh hoạt như đánh đàn.

Theo lời ông, trận Long Khánh (9-20/ 4/1975) dựa vào binh pháp là trận thủ nên một có thể chọi ba. Sư đoàn 18 của ông khuyết một trung đoàn cố thủ gần 12 ngày đêm trước ba sư đoàn của đối phương. Chiến thuật của ông là đánh lạc hướng đối phương bằng cách lập ba sở chỉ huy, di chuyển liên hoàn giữa ba vị trí, đưa pháo và bộ binh xa điểm nghi binh là vùng tam giác của hai giao lộ 20 và 1. Khi đối phương nã pháo vào chỗ không người, quân và pháo của ông mai phục, lúc đối phương tiến vào chỗ vừa pháo kích, pháo và quân của ông băm vằm bộ binh và xe tăng của tướng Hoàng Cầm. Dùng dằng giữa pháo, tăng và bộ binh cả tuần không phá vỡ phòng tuyến, tiến thoái bất phân, phía Việt Cộng buộc phải thay tướng Hoàng Cầm bằng Trần Văn Trà, thay chiến thuật trực chiến bằng thọc sườn, bỏ Long Khánh.

Mười hai ngày cố thủ không phải thất thủ mà do đối phương thay chiến thuật, nên Long Khánh chỉ là cánh cửa chính nhằm cầm chân đối phương để Sài Gòn có thì giờ di tản. Sau nhiều năm nghiệm lại, ông mới thấy ý nghĩa của 12 ngày cầm cự, nó như một thí dụ điển hình phóng chiếu 20 năm Việt Nam Cộng Hòa cũng chỉ là thời gian cầm cự. Cuộc đời binh nghiệp thiên phú của ông phụng sự duy nhất cho mục đích, chặn cộng sản xâm chiếm miền Nam, tuy bất thành qua trận Long Khánh, cũng phản phóng sự bất thành của Việt Nam Cộng Hòa nói chung. Mặc dù ông và tổng thống Thiệu đều biết rằng, miền Nam thất thủ chỉ là thời gian, vì số phận của nó không nằm trong tay họ, mà nằm trong tính toán của Mỹ và Tàu từ sau cái ngày gọi là Hiệp định Paris 1973.

Mặc dù biết trước cục diện chiến tranh phần thắng không thuộc về mình, nhưng 12 ngày đêm cố thủ dưới sự chỉ huy của ông trong trận Long Khánh tháng 4/1975, như ông nói, là bổn phận nhà binh, từ người lính tới chỉ huy không có gì ân hận. Mà còn vinh hạnh, của ông và những người lính dưới trướng ông, chiến đấu trong ý thức chống Cộng để kéo dài tuổi thọ cho miền Nam không cộng sản. Cá nhân ông, quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong 20 năm, dù lịch sử đánh giá dưới hệ giá trị nào, mà né tránh mục tiêu ngăn cộng sản của họ, tôi cho là thái độ không can đảm. Do đó, đối với tôi, 12 ngày đêm trận Long Khánh của tướng Lê Minh Đảo là nỗ lực cuối cùng và có ý nghĩa nhất của việc chống Cộng. Còn sau đó cho tới bây giờ, toàn là trò mèo, chuột. Những Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Hữu Chánh, trò mèo; những đồng chí tù nhân lương tâm năm trước cộng sản nhốt năm sau tư bản thả, chuột nhắt. Khi cộng sản giác ngộ và biết sản xuất hàng giá rẻ và dư đô la mua hàng giá mắc của tư bản, trò chống cộng, thật trớ trêu cũng bị biến thành hàng hóa, giá bèo. Còn tự do, dân chủ, bỏ đảng, giá ba xu.

Cái lý do tôi đặt ông trong so sánh với Trịnh Công Sơn là bởi, ông đã sử dụng hết phần thanh xuân của mình chỉ để kéo dài từng ngày bình yên cho Sài Gòn còn là Đô Thành, nơi mà Trịnh Công Sơn đã lập danh và trổ hết tài âm nhạc, từ tài bế tắc cá nhân “trước tường trắng lặng câm” đến tài hy vọng lố lăng “anh em ta về mừng như bão táp.” Trong khoảng không hỗn loạn và tự do đủ cho mỗi tài năng trổ bông trong Đô Thành Sài Gòn, nếu không có những chiến tướng như Lê Minh Đảo, hãy nhớ lại, Sài Gòn đã thành thành Hồ từ năm 1969 rồi. Thử tưởng tượng, Trịnh Công Sơn mà nhảy núi như Hoàng Phủ Ngọc Tường, phụng sự lý tưởng cách mạng ngô nghê và ráo riết, chuyện giết chóc và viết nhạc hay viết văn chả khác gì nhau, vì giết và viết cũng cùng một âm tiết, iết. Còn nhảy núi rồi vượt tuyến như Trần Vàng Sao, Trịnh Công Sơn sẽ như thế nào? Còn hạt giống Trịnh Công Sơn mà bỏ vô miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, Trịnh Công Sơn cũng chỉ là láng giềng gần trong âm nhạc với Căn Cao. Chứ làm gì có, “ngoài phố mùa đông/ đôi môi em là đốm lửa hồng.”

Đối chiếu hai thể loại, âm nhạc của Trịnh Công Sơn và binh nghiệp của Lê Minh Đảo trong bối cảnh Đô Thành Sài Gòn, để thấy mẫu người đáng noi gương, đáng ngưỡng mộ để xây dựng quốc gia dân tộc, nhiều khi chẳng cần những Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam hay những chí sĩ nửa mùa như Phan Châu Trinh, mà cần hơn những con người trách nhiệm với thực tại như Lê Minh Đảo. Bác sĩ thì tới nơi, kỹ sư thì tới chốn, thầy chùa thì thâm sơn cùng cốc… để tạo ra giá trị chuyên môn sâu, đằng này, thầy chùa tẩm xăng trình diễn, nhạc sĩ quèn âm mưu đảo chánh, kỹ sư bác sĩ thì xuống đường đốt xe Mỹ… Khôi hài là đám đó đang lãnh tiền già bên Mỹ…

Xây dựng dân tộc mà không có những con người tự trọng, yêu thực tại và chịu trách nhiệm cá nhân, dân tộc đó sẽ viển vông, trước sau gì cũng biến thành mồi ngon cho cá lớn.

Trong 17 năm tù không biến Lê Minh Đảo thành phế nhân vì thù hận. Ông vẫn thấy xót những bà mẹ miền Bắc đen nhẻm vì đói rét; ông vẫn thấy những người lính Bắc Việt hay những người cầm tù ông, cũng như ông, đều là nạn nhân của cộng sản; ông vẫn thấy trong sự thống nhất, Việt Nam vẫn không thoát cái số phận điêu đứng giữa Trung Cộng và Huê Kỳ.

Còn ông, 20 mươi năm làm hết bổn phận bảo vệ miền Nam, và trả cho cái giá bất thành đó bằng 17 năm tù.

Còn Trịnh Công Sơn, 20 năm ru (trù) và mơ mất miền Nam…