Nhân dịp ông Nguyễn Quốc Chánh mở câu chuyện về Trịnh Công Sơn và mâu thuẫn trong những chỗ đứng chính trị thời chiến, tôi thử đọc vài đoạn lời nhạc Trịnh Công Sơn để suy nghĩ thêm một chút về bối cảnh chủ nghĩa dân tộc hậu thực dân kẹt trong bàn cờ Chiến Tranh Lạnh của đế quốc mới. Trong ngôn ngữ, mâu thuẫn thường để lại những dấu vết dù mờ. Đọc kỹ lời nhạc (trong điệu nhạc) là một cách rà theo những dấu vết này để hiểu rõ hơn mâu thuẫn nội tại của một văn bản. Muốn gọi phương pháp này là vạch lá tìm sâu, vạch lông tìm vết cũng được thôi, nếu sâu và vết cho phép ta suy nghĩ về cấu trúc một chỗ đứng, một nghị luận, một tình cảm, trong tương quan với người nghe, người đọc. Mục đích tôi không phải để tố cáo thêm Trịnh Công Sơn thân miền Bắc để rồi giảm giá trị nghệ thuật của ông trên lập trường chống cộng. Tôi chỉ muốn nhìn kỹ nội dung phản chiến trong nhạc ông để suy nghĩ về quan hệ giữa thái độ phản chiến của Trịnh Công Sơn và mặt bạo lực của chủ nghĩa dân tộc chống thực dân mà ông cổ vỏ. Tôi vẫn thích nhạc Trịnh Công Sơn và nhất là với giọng hát Khánh Ly như tiếng kêu thống của một thế hệ trước tôi trong chiến tranh.
Nhiều người cho rằng Trịnh Công Sơn phản chiến trên cơ sở nhân bản phổ quát. Nếu là con người nhân văn thì ai lại cổ vỏ cho napalm, Fat Man và Little Boy, B-52 hay daisy cutter? Nhưng tác phẩm có bối cảnh chính trị của nó. Và người thưởng thức cũng có bối cảnh của họ. Cả chủ nghĩa nhân bản phổ quát cũng có chủ nhân của nó trong từng bối cảnh cụ thể.
Tôi vẫn nhớ những đêm khuya ở Garden Grove vài năm sau khi đến Mỹ, tôi đã vô cùng cảm động khi được nghe nhạc Trịnh Công Sơn tỉ tê qua những băng cassette thâu lại nhiều lần và chuyền qua tay nhiều người tị nạn. Nó đã biến thành thanh âm của tuổi đang lớn của tôi trên một đất nước còn xa lạ, với một đời sống nghèo bị kỳ thị màu da. Âm nhạc khi dồn dập, khi rả rời. Lời nhạc khi hùng hồn, khi tỉ tê. Tôi không nhớ mình đã tìm ra những giá trị nhân bản chống chiến tranh trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi chỉ nhớ sự trổi dậy trong cảm xúc của mình đối với một dân tộc, và một lịch sử đẩm máu. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã kết nối tôi vào một cộng đồng tị nạn qua những băng cassette chuyền tay, và họ cho tôi một lịch sử khi tôi đã văng khỏi cộng đồng dân tộc của Việt Nam Cộng Hoà ở tuổi chưa trưởng thành.
Giữa lòng đế quốc Mỹ với lịch sử màu da, lời nhạc Trịnh Công Sơn gọi tên dân tộc mà tôi phải thuộc về:
Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
Chúng khêu gợi tình cảm mất mát và căm hờn:
Em chưa biết quê hương thanh bình
Em chưa thấy xưa kia Việt Nam
Em chưa hát ca dao một lần
Em chỉ có con tim căm hờn
Tôi học làm người Việt Nam giữa lòng đế quốc đã ném bảy triệu tấn bom trong một cuộc chiến được gọi tên The Vietnam War. Ở trường, tôi học về lịch sử Mỹ với người hành hương dành đất sống, chiến tranh chống vua Anh dành độc lập, nội chiến “giải phóng nô lệ,” chiến tranh bình định người bản địa để bành trướng Viễn Tây, “cuộc chiến cho dân chủ,” “cuộc chiến để chấm dứt chiến tranh,” v.v.. Nhưng trong bao nhiêu đó chiến tranh, The Vietnam War đã biến thành lịch sử của riêng tôi. Nó nối tôi vào một dân tộc khác Mỹ, cho tôi một chỗ lánh nạn khi bị người Mỹ nhìn trong ánh mắt phân biệt mọi gook từ những cuộc chiến đế quốc của họ ở Phi, ở Hàn, ở Đông Dương.
Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu học guitar và tập hát những bài như “Tình Ca Người Mất Trí”:
Tôi có người yêu, chết trận Pleime
Tôi có người yêu ở chiến khu Đ
Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng dọc theo biên giới
Lời nhạc Trịnh Công Sơn cho tôi cả một địa lý quốc gia thống nhất trải dài theo cái chết của những người cùng “nòi giống” và dẫn tôi về với coda:
Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam
Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh tên Việt Nam
Gần nhau trong tiếng nói da vàng.
Tôi được gọi yêu người Việt và thành người Việt qua cảm xúc mất mát dẫn đến căm hờn bởi thế hệ trước tôi. Và chắc họ cũng đã được gọi làm người Việt bởi thế hệ trước họ. Dần dà, tôi nhận ra mất mát và căm hờn chính là cấu trúc tình cảm của chủ nghĩa dân tộc được truyền từ thế hệ chống Pháp xuống thế hệ chống Mỹ, và vói gọi tôi ở xa một đại dương trong thân phận tị nạn, kết quả của những cuộc chiến tranh đế quốc và chống đế quốc kéo dài từ hậu bán thế kỷ 19 tại Đông Dương.
Mất mát và căm hờn là tình cảm của những người thuộc địa bị đô hộ. Tình cảm này nuôi dưỡng giải pháp bạo lực trong tư tưởng chống thực dân. Nó vẫn nằm trong logic chủ-nô của chủ nghĩa nhân văn Âu Châu thời Khai Sáng, trong đó con người được định nghĩa trên nội dung làm chủ mình và định mệnh chính mình. Khốn khổ thay, để làm chủ ta lại cần nô lệ. Chủ nghĩa nhân văn Khai Sáng do đó chưa bao giờ mang tính phổ quát. Vấn đề là ai làm chủ thì người đó nhân văn. Nên Franz Fanon tỏ mắt nhìn ra: kẻ nô lệ chỉ có thể phục hồi quyền chức làm người trong một cuộc “rửa tội bằng máu,” giết chủ lên thay. Nếu bạo lực là phương tiện nằm sâu trong cách suy nghĩ cũng như trong biện pháp cụ thể của đế quốc đối với người bị trị, thì bạo lực cũng nằm trong nền tảng của chủ nghĩa dân tộc chống thực dân. Qua lời và nhạc, Trịnh Công Sơn vừa rên rỉ chiến tranh vừa cổ võ cho bạo lực giải phóng. Ông không chỉ kêu gọi hoà bình trong tình người mơ màng lãng mạn như một số đông người tiêu thụ nhạc ông vẫn nghĩ. Hoà bình Trịnh Công Sơn kêu gọi là một hoà bình đẫm máu, sau chiến tranh dân tộc.
Lời nhạc Trịnh Công Sơn không ra ngoài công thức rửa tội bằng máu của Fanon:
Ta bước bước đi, bước bước hoài,
trên quê hương dấu yêu này
Dù trăm năm dài, ngày đêm dân ta cứ chiến đấu mãi
Đánh trăm quân thù
Mặt đất âm u đang dọn ngày về
trong câu thề máu xương
(Chưa Mòn Giấc Mơ)
Không thề máu xương thì nô không thành chủ:
Người nô lệ da vàng
Ngủ quên, ngủ quên trong căn nhà nhỏ
Ðèn thắp thì mờ
Ngủ quên, quên nước quên non
Ngủ quên, quên đã bao năm
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta
Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do.
(Người Nô Lệ Da Vàng)
Trong một quốc gia cựu thuộc địa, người dân chỉ có mỗi một cách làm chủ là thông qua chủ thể dân tộc độc lập. Không có chọn lựa nào khác. Chủ nghĩa Tự Do từ Âu Châu thế kỷ 18 (cũng nằm trong tư tưởng Khai Sáng) đề cao tính tự chủ của con người cá thể trong các định chế trói tay quyền lực nhà nước. Nhưng loại giá trị này đã không thể bắt rễ ở những cựu thuộc địa như Việt Nam thập niên 50, 60. Việt Nam hậu thuộc địa không có điều kiện giống Mỹ thời hậu thuộc địa và cách mạng Tự Do ở cuối thế kỷ 18. Các cựu thuộc địa ở giữa thế kỷ 20 đều tiếp tục bị lệ thuộc vào chủ nhân cũ hay mới trong kinh tế, trong bình diện chiến lược, và do đó bị khống chế bởi đế quốc cũ mới trong chính trị. Khó lòng xây dựng các định chế dân chủ theo chủ nghĩa Tự Do. Ở Việt Nam, ngọn cờ dân tộc đã được/bị giương lên bởi Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Sau Điện Biên, ngọn cờ dân tộc nằm ở địa lý miền Bắc dưới thể chế Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mà họ cho đồng minh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tạm mượn. Trong sự tưởng tượng chủ-nô này, thì tất cả những kẻ không cùng lý tưởng giải phóng dân tộc đều biến thành tôi đòi, và tôi đòi thì không phải là người nên hẳn là thú:
Triệu bàn tay chúng ta đấm tan trên mặt tôi đòi
Trong tim con người lòng tin làm khí giới
Ta hiên ngang bên thú mặt người
Một bầy thú tay sai cho người ngoài
Triệu bàn chân chúng ta bước đi trên mặt đất này
Trong tim con người là một đồng lúa mới
Ta nung sôi ý chí mặt trời
Chặt cùm xích cho quê hương mỉm cười
(Cho Quê Hương Mỉm Cười)
Trong công thức chủ nô, Miền Bắc sở hữu ý chí và khả năng lật chủ giải phóng nô tộc từ sau Điện Biên. Vì Miền Nam không muốn sống dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản nên đã phải dựa vào đế quốc mới trên bàn cờ Chiến Tranh Lạnh, biến thành “bầy thú tay sai cho người ngoài.” Miền Nam bị Trịnh Công Sơn biến thành sở thú nơi giam những con vật nô lệ không vói nổi làm người. Trong sự tưởng tượng của công thức chủ-nô, chủ nhân của tìm năng chủ nghĩa nhân bản tại cựu thuộc địa là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, và Việt Nam Cộng Hoà rơi vào thế tôi đòi.
Trong thế bị động Việt Nam Cộng Hoà phải dựa vào đế quốc mới, dẫn đến sự có mặt của nửa triệu lính Mỹ sau 1965, kích thích một loại tình tự dân tộc nam tính trong cấu trúc dị tính đối lập. Trong đó, con người tranh đấu cho quyền tự quyết của dân tộc thì vươn vai thành người khổng lồ như huyền thoại Phù Đổng:
Chính chúng ta phải có mọi quyền
Đứng lên đòi thống nhất quê hương
Em đã thấy các anh trên đường
thoát yếu hèn dựng thân cao lớn
Đời sống vươn vai
Thành phố giăng tay
Lời nói căng môi
(Chính Chúng Ta Phải Nói)
Hào hùng làm sao, các anh dựng thân cao lớn cứu dân tộc ra khỏi vị thế bị động yếu hèn của nữ tính. Tình làm sao, các anh dựng thân đi giải phóng đàn ông Việt ra khỏi tình trạng nhục nhã mất một số đàn bà của mình vào tay GI Joe, như thể đàn bà ở Việt Nam khởi đi là vật sở hữu của đàn ông Việt Nam. Có lần một giáo sư người Biên Hoà dù không ưa gì chế độ của người anh em dân tộc tâm sự ông ta cũng từng chống Mỹ chỉ vì nhan nhản GI quàng vai người con gái Việt Nam da vàng.
Vậy cuộc rửa tội bằng máu của Fanon còn mang màu sắc áp đặt và sở hửu của chủ nghĩa nam tính. Trong bối cảnh Việt Nam, nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn đã làm nức lòng một thế hệ đàn ông ở Miền Nam bằng “Nớp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng/ Cờ thắm phất phơ ngang trời sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền.” Phóc một cái, kẻ kế thừa của Nam Kỳ Khởi Nghĩa là Miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được đẩy vô chỗ hào hùng đầy nam tính và những kẻ còn lại ở Miền Nam rơi vào vị thế yếu hèn đầy nữ tính. Vô hình chung, các anh cao lớn thoát yếu hèn trong lời nhạc Trịnh Công Sơn đã góp phần biện hộ cho chính sách nhà nước cách mạng giành chỗ đứng nam tính để xếp loại văn hoá Miền Nam và chính nhạc ông vào loại uỷ mị, đồi truỵ, tiểu tư sản rất… đàn bà.
Những đêm cuối thập niên 70 ở Garden Grove, nhạc Trịnh Công Sơn đã gọi tôi làm người Việt bằng tự tình dân tộc. Nhưng làm người Việt nào? Từ chỗ đứng ngấp nghé con gái, nghe giọng đàn bà của Khánh Ly hát những lời ca từ một chủ thể dân tộc nam tính, khả năng làm người Việt của tôi lập tức bị rối. Tôi phải đứng vô chỗ anh dựng thân cao lớn hay em hậu phương lóng ngóng căng môi? Chính vì tính bất khả của hai chỗ đứng này nên tôi bị trượt giữa lời kêu dân tộc nam tính và tuổi dậy thì kiêu hãnh. Nhờ trượt té, tôi lại có cơ hội suy nghĩ về hai bài học bạo lực và giới tính trong loại tự tình dân tộc này.
Chủ nghĩa nhân bản ở Miền Nam thời chiến nằm trong tay đàn ông thuộc địa dụ đồng bào (hay bắt lính) lủi xuống địa đạo để phục kích đàn ông đế quốc. Có lần người hướng dẫn địa đạo Củ Chi hay địa đạo Long Phước kể rằng lãnh đạo các đơn vị đã dùng tình trai gái để chuyển năng lượng tình dục vào từng cặp thi đua đào hầm. Mặt phẳng địa lý Miền Nam nằm trên nền tảng một hệ thống địa đạo chằng chịt tình và dục khắng khít dân tộc gái trai.
Vậy hoà bình là của chủ nhân. Trong bối cảnh Việt Nam thì chủ nhân gồm Da trắng, Đàn ông Việt Nam, và Miền Bắc. Muốn làm ông chủ thì phải đánh. Để làm người trong công thức chủ nhân của Khai Sáng, bọn da trắng phải chinh phục cả thế giới. Cũng để làm người trong tình thế đó, ta phải “đánh trăm quân thù.” Để đàn ông Việt Nam làm chủ đất nước thông qua làm chủ đàn bà trong tự tình dân tộc, ta “phải nói hoà bình” bằng địa đạo, bằng hầm chông, bằng Kalashnikov, bằng T-54. Để anh và em đứng dưới “bóng cờ chung.”
Kể ra, nếu không bị ép cầm súng hoặc tự ý nhặt súng đi theo tiếng kêu sơn hà, thì những mâu thuẫn chí tử và những chỗ đứng bất khả lại hay sinh sôi nghệ thuật và tư tưởng.
8 tháng 3, 2020