Nguyễn Huy Hoàng dịch

Hai-Dang Phan (Phan Hải-Đăng) sinh năm 1980 ở Kon Tum và theo gia đình tị nạn sang Mỹ từ năm hai tuổi. Anh lớn lên ở Wisconsin và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại Học Wisconsin-Madison, với luận án về văn chương và sự hòa giải sau Chiến Tranh Việt Nam. Thơ của anh đã được đăng trên nhiều tạp chí như The New Yorker, New England Review, và Poetry. Reenactments (Những Tái Hiện, Sarabande xuất bản năm 2019) là tập thơ đầu của anh, gồm các bài do chính anh viết và một số bản dịch từ tiếng Việt của các tác giả Chế Lan Viên, Trụ Vũ, Nguyễn Quốc Chánh, và Phan Nhiên Hạo. Hai-Dang Phan hiện là phó giáo sư tại Grinnell College. Anh cũng là dịch giả cho tập thơ gần đây nhất của Phan Nhiên Hạo, Paper Bells (The Song Cave, 2020). Bảy bài thơ sau đây được dịch từ nguyên bản tiếng Anh trong Reenactments.
Nguyễn Huy Hoàng
**
Lược sử sự tái hiện
Ngày thứ nhất người chụp ảnh bước vào trại
và lập tức bắt đầu chụp. Cô chụp chúng tôi
lúc bữa sáng ăn khẩu phần tác chiến, lúc nằm võng
đọc Stars & Stripes. Cô chụp chúng tôi trong giấc ngủ của cô.
Khi chúng tôi lần đầu gặp nhau ở chỗ con lạch, cô nói,
“Chào anh, Mãnh hổ! Giày chiến đẹp nhỉ. Đấy là hàng xịn?”
chỉ vào cái áo đi rừng Đặc nhiệm của tôi.
“Tôi e là thế,” tôi nói một cách thờ ơ, cố giấu
sự hài lòng. Ngày thứ hai: không còn loăng quăng nữa.
Người chụp ảnh đã đồng ý tham gia vào hành động.
“Thế kịch bản là gì?” Một du kích đơn độc còn sót lại
trong một làng đầy bẫy nhảy khỏi hầm trú ẩn
và phục kích trung đội trong một cuộc tìm và diệt.
“May mà tôi mang bộ đồ ngủ đen và dép xăng đan!”
Thật là ra dáng lính. Cô cũng đóng vai tù nhân bị bắt,
đặc tình địa phương, và kẻ phản đảng xinh đẹp.
Cô nàng bắn tỉa là vai ưa thích của cô bởi lẽ
nó giống như chụp ảnh. “Vẻ đẹp, vẻ đẹp!”
giọng cô cất lên một cách quái dị từ đằng sau một vài tảng đá
trong lúc cô tỉa người của chúng tôi từng người một.
Thỉnh thoảng người chụp ảnh tự chụp mình.
Tôi biết cô chắc hẳn phải có hành trang cá nhân riêng—
sau đó tôi thấy cô nức nở trong bụi tre.
Tôi bảo cô không sao, các cuộc chiến này chỉ kéo dài ba ngày.
“Anh sẽ làm gì sau khi nó kết thúc?” cô hỏi.
“Tôi không biết,” tôi nói. “Lên kế hoạch cho cuộc chiến kế tiếp.”
Ngày thứ ba, sau một cuộc tuần tra thường lệ, chúng tôi ngồi
bên nhau trên khúc cây ưa thích của tôi, dưới bóng sồi,
và sắp đặt thêm nhiều kịch bản. Tấm bản đồ địa hình
trải trên đùi chúng tôi như một tấm thảm thần kỳ.
Cô có mái sát thủ trên đôi mắt camera.
Tôi đánh dấu tất cả những nguy hiểm và những khu hạ cánh.
cô nói về ánh sáng điều chỉnh và cái lỗ
mở ra khi bạn ấn nút nhả cửa trập.
Lúc mười hai giờ đúng đôi bàn tay chúng tôi gần chạm.
Một trận mưa sao băng. Tôi gọi pháo kích.
**
Làm quen với con ma của bạn
Các thói quen, sở dị, những ái vật của nó;
nó có rảnh vào tối thứ Bảy
hay chiều Chủ nhật cho một chuyến viếng thăm;
thời gian trong ngày, chất lượng ánh sáng,
nhiều khả năng sẽ hiện hình nhất.
Con ma của tôi giống một người bán hàng lạc lối—
cái miệng hồng nhàu nhĩ trên
bộ vét xám đã sờn, và một cái cặp táp
phình ra với những tấm giấy phép
lái xe hết hạn của người lạ.
Cho ma ăn một cách bán thường xuyên:
trái cây nhựa là đủ,
tốt nhất là đúng kích cỡ và là quả nhiệt đới;
mua hoa cho nó, hoa giả.
Chuẩn bị một bàn thờ tạm
với một tấm chân dung nịnh đầm nhất;
thắp một vài ngọn nến hoặc nhang;
thì thầm những lời cầu nguyện không thể hiểu được.
Luôn luôn, luôn luôn nhớ
làm cỗ cho con ma của bạn
vào ngày giỗ của nó.
Vận đồ trắng. Trưng lên nụ cười buồn.
**
Cuốn Norton Introduction to Literature, ấn bản thứ ba (1981) của ba tôi
Một số từ làm ông bối rối: cannibals, puzzles, sob,
bosom, martyr, deteriorate, shake, astonishes, vexed, ode…
Những từ này ông tra cứu và hăm hở chú thích bằng tiếng Việt.
Ravish có nghĩa là cướp đoạt; shits là như khi bạn phải đi ỉa;
mourners là những người mà chúng ta nói là đầy buồn rầu.
Với “even the like precurse of feared events” hãy nghĩ về báo trước.
Các trang giấy mờ, mỏng được kết mạng bằng các chú thích bên lề của ông,
những bóng ma than chì của một bàn tay sống, và các ghi chú thường
nghe giống hệt như ông: “All depend on how look at thing,” ông ghi
sau “I first surmised the Horses’ Heads/ Were toward Eternity—”
Chữ viết nghiêng của ông nói chung là nhỏ, nhưng chắc và rõ.
Bút chì của ông là một chiếc Số 2, cái bút nhớ ưa thích màu xanh bắc cực.
Tôi có thể thấy ba tôi tập dùng các công cụ phân tích văn học.
Ông xác định “bước ngoặt” trong truyện “The Short and Happy Life
of Francis Macomber”; gạch chân phép so sánh trong “Both the old man
and the child stared ahead as if they were awaiting an apparition.”
Ba tôi, trong lúc đọc, tiếp tục chú ý các đoạn có liên quan
và ghi lại những phản ứng quan trọng, nhưng dần dần vạch ra
các ý tưởng của mình bằng tiếng Anh, rũ bỏ những từ vựng tiếng Việt.
1981 cũng là năm mà chúng tôi vượt biển và đến Mỹ,
nơi ba tôi học lớp Intro Lit (“cho vui”), Comp Sci (“cho công việc”).
“Stopping by Woods on a Snowy Evening,” ông thì thầm
gì đó về “dark side of life how awful it can be”
trong lúc tôi bắt đầu lần theo sự im lặng và dấu hiệu về một nguồn gốc lạnh.
Đọc “Bells for John Whiteside’s Daughter” của Ransom,
một bài thơ về “young girl’s death,” như ba tôi ghi chú,
làm thế nào mà ông đã không thể “vexed at her brown study/
Lying so primly propped,” bởi vì ông chưa bao giờ được dự chính thức
(bây giờ tôi mới nhận ra điều này) lễ tang của con gái mình.
Lấy làm ngạc nhiên về là ý nghĩa của to be astonished.
Tên chị là Đông Xưa, Ancient Winter, nhưng ở nhà chị là Bebe.
“There was such speed in her little body,/ And such lightness
in her footfall,/ It is no wonder her brown study/ Astonishes
us all.” Trong di ảnh của chị treo ở nhà ba má tôi
chị mãi mãi mười bốn tháng tuổi và nhìn chằm chằm về tương lai.
Trong “trại cải tạo” ba tôi đã phải tin rằng chị còn sống
bởi má tôi trong các chuyến thăm đã “took arms against her shadow.”
Có phải ký ức về những ngày ấy đã quét qua ông như một cơn bão lá
từ những trang giấy của một mùa thu bị lãng quên? Lạc trong lề,
tôi đang đọc theo cách mà tôi không khuyến khích sinh viên của mình đọc.
Nhưng đây là “how we deal with death,” cây bút đen của ông trả lời.
Giả sử có một lý do cho tất cả mọi thứ, một dấu hoa thị màu xanh lục chỉ dẫn.
Rồi giữa các trang 896–897, mở đến bài “Sunday Morning” của Stevens,
tôi nhặt ra một mẩu báo nhỏ, bằng một con tem, một danh sách cũ
từ 404-Cơ hội Tuyển dụng ở Tiểu bang Minnesota, và đọc:
Để tìm các cơ hội việc làm hiện tại hãy gọi (612) 297-3180. Trả lời 24/24h.
Khi tôi quay số, giọng một người phụ nữ tự động ở đầu dây bên kia
cho tôi biết tôi đã gọi đến một số máy không hoạt động.
**
Sổ tay Sài Gòn
Điểm dừng đầu tiên, Viện Đại học Vạn Hạnh.
Sau một bài thiền ngắn
các sinh viên-phật tử chạy ra khỏi hội trường
để coi vớt nửa sau của một trận bóng:
không-không trên sân xanh của chánh niệm.
*
Điểm thu hút tiếp theo trong chuyến đi di chấn,
vị trí Thích Quảng Đức,
người Phật tử tự thiêu—tôi chẳng thấy gì ngoài bụi,
một vệt mờ của những thân người ào ạt ra vào
trên phố, nắng châm lửa đốt chân trời.
*
Theo những người bán hàng ở chợ Bến Thành,
người chết thích được đốt đô la Mỹ hơn,
một con Benz hoặc BMW bằng giấy, hộ chiếu
giả, hoa quả giả.
Chuyện này, họ giống như người sống.
*
Quán Thiên đường Mì Mới, em họ tôi và tôi xì xụp
những bát mì nghi ngút, và nhìn chằm chằm
những khách hàng mới đến mặc đồng phục rách rưới,
xẻng và kèn cho chúng tôi biết họ vừa
đi khóc đám ma và đào huyệt về.
**
Diều
Khi một chiếc bổ nhào
tôi biết mình ở một đất nước khác
và lạc nhịp thời gian.
**
Cuộc đời của các nhà thơ Việt
cho Đinh Linh
Đầu sự nghiệp, nhà thơ này viết các bài thơ ái quốc
động viên thanh niên đến những cái chết sớm nhưng vinh quang.
Nhà thơ này là một trong những người đầu tiên trong nước
cắt tóc ngắn và a dua theo những lối ăn vận
và hành văn mọi rợ. Nhà thơ này ngồi tù
ba tháng, nơi ông tự sát bất thành.
Một kẻ sống sót bất đắc dĩ, ông ký thác thơ mình
vào trí nhớ. Như tự thừa nhận, nhà thơ này
đã hóa điên rực rỡ. Ông, theo mọi lời kể,
là một kẻ lập dị nhất mà đất nước từng sinh ra.
Với nhà thơ này, mỗi bài thơ hoàn thành là một xác chết,
mỗi bài thơ xuất bản là một xác ướp. Các chủ đề yêu thích:
tình cảm lãng mạn, rượu, phù dung. Nhà thơ này
cũng là người sưu tầm truyện cười, nhiều truyện tục.
Như các nhà phê bình nhận xét, các bài thơ của nhà thơ này—
báng bổ, tục tĩu, và ngớ ngẩn—dường như được viết
bởi một thằng bé năm tuổi hoặc một kẻ nát rượu mù chữ.
Nhà thơ này đi từ một ai-đó đến một không-ai-cả,
rồi trở lại làm một ai-đó mà không ai đọc.
Nhà thơ này qua đời ở một nước láng giềng, vì sốt rét,
trong một chuyến thám hiểm đào vàng để thoát nợ.
Nhà thơ này đã đưa một thứ nhạc trong hơn, thuần hơn
vào thơ và là người đầu tiên viết về nhạc jazz.
Bị tất cả trừ một vài người quên lãng, ông đã trốn ra nước ngoài.
Nhà thơ này trở nên ám ảnh với những bóng ma,
viết những tác phẩm kinh điển như “Mùa xuân ma,”
“Những cuộc phiêu lưu của ma,” “Ngôi làng ma,”
và “Đời tôi như một bóng ma.” Nhà thơ này là
tác giả của một cuốn tiểu thuyết lịch sử dang dở
và hơn một trăm bài thơ bất thành văn.
**
Má tôi nói người tị nạn Syria trông giống như khách du lịch
bởi vì bà vừa kể xong câu chuyện về cuộc trốn chạy của chúng tôi
và cần đưa ra một so sánh, trả chúng tôi về với hiện tại một cách an toàn,
tháng 12 năm 2015, chúng tôi đang ở ngôi nhà an toàn cho trẻ con của em gái tôi,
được giữ ấm bởi mặt trời mùa đông, lò sưởi trung tâm, và những chiếc quần nỉ;
bởi vì một số người giống thật: “Ghaith vui vẻ chụp những bức ảnh selfie, biển Aegea
lấp lánh trong khung cảnh đằng sau. Trông anh rất giống một vị khách du lịch,”
một phóng viên cộng tác gợi ý trong bài viết trên tờ New Yorker mà tôi đọc
về cuộc trốn chạy khó tin của một người tị nạn từ Syria, và nghĩ lại
khi má tôi không thể chừa chỗ cho nhiều người hơn trong câu chuyện của chúng tôi;
bởi vì má tôi không bao giờ chọn đúng từ trong tiếng Anh,
dù công bằng mà nói, bà nói “travelers,” và có vẻ lo lắng sau đó;
bởi vì bà không hề nhẫn tâm, bạn phải hiểu như thế, mà chỉ muốn bảo vệ…
Trong cái bát sứ màu lam đặt trên bàn đảo bếp lát đá hoa cương
nơi chúng tôi tập trung một cách trung thành quanh má tôi và câu chuyện,
có ba nắm cơm trắng tròn như những quả trứng ấm,
và nắm thứ tư, đang được nặn thành hình trong đôi tay bà
trong lúc bà nhớ lại cảnh nắm cơm trước đây, bọc trong lá chuối
và giấu vào trong túi. Những nắm cơm ấy là cho cháu trai tôi, Aidan,
nó thích ăn cơm như thích ăn Cheerios, nó sẽ đói
khi đoàn tàu đồ chơi của nó đã chạy quá nhiều vòng ray, và nó vừa mới lên
hai, gần bằng tuổi tôi khi chúng tôi rời đi, một sự trùng hợp mà má tôi
chỉ đến như một bức tranh minh họa… Đó là tháng 12 năm 1981.
Chúng tôi ăn diện vì Đêm Giáng sinh là vỏ bọc của chúng tôi.
Nhà thờ ở Bà Rịa chật cứng. Nếu có ai hỏi vì sao chúng tôi ra ngoài,
chúng tôi có thể nói mình đi Thánh Lễ. Ai cũng có thể là cảnh sát. Dân địa phương
tất nhiên là nhận ra chúng tôi. Chúng tôi dừng ở một quầy hàng nổi tiếng
bán nước mía tươi, cố gắng làm ra vẻ bình thường. Món nước mía
ngon không tin nổi. Cô gái trẻ đứng chạy cái máy ép mía ồn ào,
sáng bóng trấn an chúng tôi, và khi cô thấy bóng Công an
tuần tra đằng trước, cô nhất mực bảo chúng tôi ngồi xuống và cứ thoải mái đằng sau.
Thuyền của chúng tôi đậu ở bờ sông phía sau con đường chạy xuyên
qua chợ, được che khuất bởi những tấm lá xanh tốt mọc ở đó.
Lần thứ ba của chúng tôi. Lần trước chúng tôi đã đợi mãi
ở ngôi nhà an toàn định trước, nhưng không có con thuyền nào xuất hiện.
Lần này chúng tôi khôn ngoan hơn. Ba tôi, nhờ uy tín của mình
vì từng là sĩ quan hải quân và cựu tù cải tạo,
đã thương thuyết làm thuyền trưởng, có nghĩa là chúng tôi được đi miễn phí–
má tôi, bác tôi, anh họ tôi và tôi—nhưng cũng có nghĩa là
ông không thể ở lại với chúng tôi vì ông phải đi đón thêm hành khách
ở trạm xe buýt. Giả sử như bạn đang lên kế hoạch chạy trốn. Có một nhóm
trên Facebook, “Tị nạn và di cư, không những kẻ buôn người,”
mà bạn có thể tin tưởng và dựa vào. Bởi vì để trở thành người tị nạn, bạn phải biết
đi đâu, tuyến đường nào tiết kiệm thời gian và tiền bạc, biển hôm nay
hay ngày mai có nguy hiểm chết người hay không, bão đã thực sự qua hay chưa,
hòn đảo nào là tốt nhất để rời đến đó, phải làm gì nếu bạn bị kẹt
giữa rừng, nơi vượt qua biên giới vào ban đêm…
Chúng tôi phải đợi cho đến khi đêm buông. Mặt trăng là ngọn hải đăng của chúng tôi.
Khi đến lúc, chúng tôi bắt đầu đi bộ về phía dòng sông
sẽ dẫn chúng tôi ra biển—đến lúc này trong câu chuyện của má tôi
xuất hiện một chi tiết mới, một chi tiết nhỏ, nhưng không có mặt trước đây:
bà đánh mất chiếc dép như trong truyện cổ tích vì một nhầm lẫn trên phố.
Vì bà nghĩ mình thấy đèn cảnh sát ở phía trước, bà hoảng loạn,
vội vã trong bóng tối, đánh trống ngực, bàn chân trần lấp lánh trên con đường
đến con thuyền bất động và mờ tối trên tấm gương đen của dòng sông…
Năm 1981, những hành khách còn lại phải trả từ hai đến ba
cây vàng, đương tương khoảng hai đến ba ngàn đô la Mỹ lúc đó.
Tôi được biết rằng những kẻ buôn người, vào năm 2014, đã tăng giá một lần nữa,
lấy ít nhất bốn ngàn đô la để chở lậu một người Syria
vào Ý. Tôi thấy tấm ảnh chụp cậu bé Alan Kurdî ba tuổi
và đọc một bài báo đã cố gắng miêu tả cơ thể nhỏ bé của cậu
trông như thế nào khi giạt vào bờ, “mặt úp xuống, đầu nghiêng sang một bên,
thân dưới hơi chếch lên trên—giống như những đứa trẻ mới tập đi thích nằm lúc ngủ.”
Đợi trong khoang thuyền, câu chuyện tiếp tục, tôi không chịu ngừng khóc.
Tiếng khóc của tôi là một báo động đáng sợ và gây nguy hiểm cho tất cả mọi người.
Bởi vì ba tôi là người duy nhất trên đó biết cách
lái thuyền và lèo lái qua những vùng biển, nên tôi không bị làm hại.
Dẫu vậy, tiếng khóc của tôi. Không ngừng, khôn nguôi, to như còi báo động.
Má tôi không biết phải làm gì. Bà đã cho tôi ăn
đồ ăn bà mang theo rồi. Những nắm cơm, những quả trứng luộc.
Bà còn thử cho tôi uống cả thuốc ngủ. Chẳng có gì có vẻ có tác dụng.
Dẫu mạo hiểm, cuối cùng bà bế tôi lên boong thuyền.
Không khí đêm làm tôi yên lặng. Bởi vì trong phiên bản của tôi, tấm khăn đen của bà
đã che đầu cho tôi trong lúc bà ngâm nga một bài hát không ai có thể nghe,
tất cả đều im lặng, tất cả đều yên tĩnh, như một hòn đảo trên biển Địa Trung Hải.
Nguyễn Huy Hoàng dịch, theo thứ tự: “A Brief History of Reenactment,” “Get to Know Your Ghost,” “My Father’s Norton Introduction to Literature, Third Edition (1981),” “Saigon Notebook,” “Kites,” “Lives of the Vietnamese Poets,” và “My Mother Says the Syrian Refugees Look Like Tourists,” trong Hai-Dang Phan, Reenactments (Sarabande Books, 2019).
—
Ghi chú của tác giả:
• “A Brief History of Reenactment” lấy cảm hứng từ những bức ảnh trong Small Wars (Aperture, 2005) của An-My Lê.
• “Lives of the Vietnamese Poets” kết hợp và phỏng theo mục từ về các nhà thơ khác nhau do Linh Dinh và tác giả viết cho Wikivietlit thuộc Dự án Văn học Việt Nam (VNLP).
• “My Mother Says the Syrian Refugees Look Like Tourists” kết hợp và phỏng theo các trích dẫn trong tiểu luận “Ten Borders: One Refugee’s Epic Escape from Syria” của Nicholas Schmidle trên The New Yorker, số 26 tháng 10, 2015.