
Thứ năm ngày 02.04.2020, tôi nhận được điện thư của ông Traian Pop, giám đốc nhà xuất bản POP ở Ludwigsburg (Cộng hoà Liên bang Đức), báo tin quyển tiểu thuyết tiếng Đức, Tausend Jahre im Augenblick (Ngàn Năm Trong Khoảnh Khắc) của tôi được đề cử tranh giải Literaturpreis Ruhr năm 2020 (Giải văn chương vùng Ruhr), https://literaturbuero-ruhr.de/literaturpreis-ruhr/
Ruhr là tên một nhánh của sông Rhein, tại tiểu bang Nordrhein-Westfalen, nơi tôi cư ngụ. Có nhiều thành phố đông dân cư tập hợp quanh con sông này, được gọi là Ruhrgebiet, vùng đất kỹ nghệ quan trọng và đa văn hoá nhất của Cộng hoà Liên bang Đức.
Tausend Jahre im Augenblick được tôi khởi sự viết thẳng bằng tiếng Đức vào năm 2012 và hoàn tất vào mùa hè 2018. Sau đó được nhà xuất bản POP ấn hành đầu năm 2019.
Sách dày 350 trang, giá bán 23,00 €. Số ISBN: 978-3-86356-247-2. Quý anh chị và quý bạn tại Đức có thể đặt mua online tại Amazon, ebay và tất cả các hiệu sách, là một thú tiêu khiển tao nhã trong mùa đại dịch Corona hiện nay.
Lần này tôi gởi tới quý anh chị và các bạn yêu văn chương một trích đoạn từ Tausend Jahre im Augenblick, được tôi phóng dịch sang Việt ngữ mang tựa đề: Mùa Thơ Ấu Mù.
Ngô Nguyên Dũng
Kể từ lần viếng thăm giữa khuya của nhà truyền giáo, kỳ lạ thay, thỉnh thoảng thầy Thông lại tự hỏi về lai lịch cũng như tín ngưỡng mình. Chính thầy cũng không rõ, cha mẹ mình là ai và quê quán ở đâu. Thầy chỉ biết mình xuất thân từ một cô nhi viện vùng ngoại ô Sài gòn, được bảo trợ bằng tiền quyên góp của những nhà hảo tâm và được vài mụ đàn bà cao số chăm sóc. Vài đứa lơn lớn còn đặt chuyện gièm pha mấy bà giữ trẻ được gán hỗn danh phù thuỷ: bà này ế chồng vì xấu xí và hôi hám, còn bà nọ bị gia đình làng xóm cạo đầu bôi vôi, đuổi đi vì tội lang chạ.
Thầy nhớ lại thời thơ ấu, ngày hai bữa mỗi đứa trẻ nhận được một chén cơm gạo xấu, chút nước mắm rẻ tiền và canh rau lạt lẽo. Thảng hoặc có thêm thịt mỡ hoặc cá vụn kho mặn. Thế giới trẻ thơ của cậu nhỏ dĩnh ngộ và rụt rè tột độ tên Thông, suốt nhiều năm, là một chuỗi nghịch lý như đêm ngày. Câm lặng ban ngày. Ban đêm quẩn quanh trong miền đất hoang tưởng. Cậu mường tượng mình là một sinh vật từ xứ trời lạc xuống trần gian. Là một thiên sứ có tài xét đoán và ngủ mộng bằng một ngôn ngữ khác, có thói ăn nếp uống khác, và biết bay. Cậu tin sẽ có một ngày, ai đó từ xứ trời đến đây, dẫn cậu phiêu lưu khắp thiên địa. Người nào? Ai? Cậu sẽ nhận ra lập tức.
Hôm đó là một chiều tháng hai oi ả, đầy bụi bặm, vài ngày sau tết nguyên đán của người An nam, cậu còn nhớ rõ tuần tự sự việc. Mấy bà phù thuỷ chuẩn bị tiếp đón một vị khách đặc biệt: một người đàn bà da trắng đẫy đà, có màu mắt xanh ngọc xa-phia và mái tóc màu nâu đồng. Bà khách mặc áo lụa trơn tay ngắn, váy dài phủ gối màu xanh lam, hai bắp chuối nổi những đường gân xanh ngang dọc, trông như cái mạng tơ được đan bởi một con nhện vụng về. Thái độ và cách cư xử rộng lượng của bà thổi vào thường nhật tẻ nhạt của viện mồ côi một luồng sinh lực linh hoạt. Ngay cả Kim An, con bé mù bẩm sinh nhỏ tuổi nhất của viện, cũng bị giọng nói nhung êm và tiếng cười trong vắt của bà khách mê hoặc, dọ dẫm chui ra vỏ ốc tối ám. Có vẻ như bà khách để ý tới cậu nhỏ có tâm tính hướng nội tên Thông. Ma-đàm thường có mặt vào những trưa thứ bảy, ở lại và chơi đùa với lũ trẻ tới chiều tối, sau đó dẫn Thông theo về, qua hết chủ nhật, trước những vẻ mặt ganh tỵ và thèm khát của lũ trẻ bị bỏ lại, nhất là của Kim An.
Cơ ngơi của ma-đàm là một biệt thự thuộc quận nhất, có vườn cây rũ bóng mát bao bọc, chíu chít tiếng chim hót. Thông khó thể tưởng tượng nổi, cớ sao ma-đàm và mơ-xừ, không kể bà bếp và chú tài xế lúc nào cũng tề chỉnh trong y phục trắng, có thể sống trong một ngôi nhà rộng lớn như vậy mà không cảm thấy “lạc lõng và cô quạnh”.
Với Thông, trước đó, cô đơn còn là một khái niệm xa lạ. Cậu chỉ biết, bị-bỏ-rơi là thứ cảm giác khiếp đảm cùng cực. Vì lẽ đó, mà con bé mù Kim An lúc nào cũng mò mẫm tới gần cậu, để tìm một hơi ấm che chở và, bằng một sợi dây thắt quanh bụng, để cậu dẫn dắt lòng vòng mọi nơi, cả những lúc đi cầu và tắm gội. Vì lẽ đó, con bé muốn được cậu lâu lâu ấn đầu ngón tay lên thân thể, như một tín hiệu của lòng thương cảm và sinh động. Vì lẽ đó, cậu đã có lần thì thầm thổ lộ cho mỗi mình con bé biết, trong lúc vạch tóc bắt chí, về những mộng tưởng của mình. Luôn cả giấc mơ gặp một người đàn ông khổng lồ với chòm râu rậm từ trời hiện xuống, sẽ dẫn dắt cậu về lại nguyên quán.
Trong những chủ nhật đầu tiên tại nhà ma-đàm, Thông bối rối và thất vọng ra mặt. Mơ-xừ Lacroix, chồng bà, chẳng có nét gì tương tự nhân vật cậu gặp trong mơ. Đêm đầu tiên, một mình một phòng rộng, không gian lạ mùi, cậu khó ngủ. Một lúc, nghe như có tiếng ai hét hoảng, cậu giật mình tỉnh giấc, thấy ra luồng trăng vằng vặc lân tinh luồn qua ô cửa sổ chấn sắt. Mồ hôi đẫm ướt thân thể, cậu nhận ra tiếng rú nửa người nửa thú mới nãy chính là tiếng hét của Kim An thường vang vẳng giữa khuya ở cô nhi viện. Có điều lạ, phòng ngủ của cậu váng vất hương thuốc ống vố của mơ-xừ, mà bà bếp có lần che miệng tiết lộ, đó là mùi hương quỉ quái của mơ-xừ.
Sau đêm đó và những lần kế tiếp, Thông bắt đầu hiểu ra ý nghĩa của cô quạnh, một từ vựng được cậu tra thêm vào pho tự điển sống. Không phải chỉ bấy nhiêu, Thông còn nhanh chóng học được ngôn ngữ của một nền văn hoá xa lạ và biết thêm, ma-đàm có tên Christine, còn mơ-xừ là Jacques Lacroix. Và cậu khởi sự va chạm với những đam mê khác của mơ-xừ, chẳng hạn sở thích hút á phiện, và tập tành chuẩn bị bàn đèn cho ông. Dành riêng cho lạc thú này, mơ-xừ nhoẻn cười thầm thì với Thông, là “hang động thằn lằn”, chỗ ông trang bị mọi thứ cần thiết: một tấm chiếu đan hình rồng trải dưới sàn gạch bông, một gối gỗ kiểu trung hoa và một khay đèn sơn mài đựng sẵn tất cả dụng cụ dành cho nghi thức này. Cảm giác rúng động tan biến tức khắc khi Thông bắt được hương thơm tuyệt vời của “thú tiêu khiển ma quỉ” này, theo như cách mơ-xừ thường gọi.
Trước tiên, ông thắp tim đèn dầu, cởi y phục mặc trong nhà, xỏ hờ cái quần ngủ dệt lụa bản xứ, rồi ngả người nằm nghiêng, phơi ngực trần thoải mái ra chiếu. Bằng những cử động dè xẻn, như cạn mòn sinh lực, ông chỉ cho Thông cách dùng kim bạc vít một ít nhựa thuốc nâu quánh đựng trong hộp con bằng sứ tráng men, se se trên ngọn đèn, rồi lắp tễ thuốc vào lõm trống đầu dọc tẩu bằng ngà chạm khắc tinh vi. Sau vài động tác thuần thục, mơ-xừ đã sẵn sàng. Trong không gian tĩnh lặng, tường vách soi yếu vệt nắng muộn lách qua rãnh cửa lá sách, vang khẽ chuỗi âm thanh khò khè, như thể mơ-xừ bất ngờ lên cơn suyễn. Những gì xảy ra tiếp đó, rất khó diễn tả. Sau vài lần hít sâu khoan khoái, Thông thấy mơ-xừ buông xuôi mệt đắm. Ngay chính cậu cũng lả người phóng dậc, say xẩm trong trạng thái lửng lơ giữa ranh giới không gian và thời gian. Trong cơn tỉnh thức đê mê cậu nghiệm thấy bầy thằn lằn rời chốn ẩn náu, như bầy thú được huấn luyện làm xiếc, cùng lúc bò ra, dán chân bám trần nhà. Trong gian phòng leo lét ánh đèn dầu, có vẻ như nội tạng chúng ánh lân tinh. Trần vôi hoá thành vòm sao đêm lấp lánh, mấp mô những vòng cung và sa số đơn vị hình khối đắp lên nắp hộp vuông khổng lồ. Thông sực nhớ mẩu chuyện của một bà giữ trẻ kể về loài sâu tằm. Sau nhiều tháng được nuôi dưỡng bằng lá dâu, tới đêm rằm tháng giêng, được nguyệt lực kích động, chúng toả sắc mống trời và nhẩn nha nhả tơ dệt kén. Thông không rõ, chuyện kể có phản ảnh đúng sự thật, và màn diễn trò kỳ lạ của bầy thằn lằn có thực hay chỉ là khoảnh khắc huyễn tưởng trong cơn say thuốc?
Sau đó cậu hỏi mơ-xừ có nghiệm thấy giống cậu.
“Mấy con thằn lằn cũng ghiền á phiện như ta vậy,” mơ-xừ quả quyết, “nhưng ta không thấy rõ chúng, vì ta đang phiêu du”.
“Phiêu du đi đâu?” Thông ngơ ngẩn hỏi.
“Khó giải thích lắm. Ta thấy toàn thân như mất trọng lượng, trở nên nhẹ hẫng và dễ vỡ như bong bóng xà-phòng, lượn lờ chỗ này chỗ kia… Một cảm giác cực kỳ lạc thú.”
Về sau, mỗi khi tới nhà ma-đàm và mơ-xừ, điều trước tiên cậu hỏi mơ-xừ là “lối dẫn đến hang động thằn lằn”. Không phải vì cậu ghiền gập, mà chỉ vì cậu muốn chiêm nghiệm lần nữa màn diễn trò của lũ bò sát, cũng như được phép sửa soạn nghi lễ bàn đèn thú vị cho mơ-xừ.
Phóng dịch một trích đoạn tiểu thuyết từ nguyên bản Đức ngữ Tausend Jahre im Augenblick (Trong Khoảnh Khắc Ngàn Năm), cùng tác giả.
Đức, 4.2015. Nhuận sắc, 4.2020