Hai-Dang Phan | Phan Nhiên Hạo, viết và sống một đời sống lưu vong không hối tiếc

Hải Ngọc dịch

(Lời nói đầu cho tuyển tập thơ Paper Bells của Phan Nhiên Hạo. Hai-Dang Phan dịch ra tiếng Anh. Nhà xuất bản The Song Cave, New York, 2020)

Paper Bells, Phan Nhiên Hạo. Translated by Hai-Dang Phan.

Phan Nhiên Hạo sinh năm 1967 tại Kon Tum, thuộc cao nguyên trung bộ Việt Nam, một vùng núi giáp ranh với Lào và Cambodia. Cha anh là một sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa và mẹ là nội trợ, gia đình anh có lúc sống trong tiền đồn, có lúc lại sống trong thị xã. Văn chương là một phần của văn hóa gia đình: nhà của anh đầy sách và các tạp chí văn chương, cha anh làm thơ dù chưa từng xuất bản, và anh còn nhớ từ hồi rất nhỏ mình đã là một cậu bé yêu đọc sách. Anh bắt đầu học tiểu học ở một trường công giáo trong hai năm, rồi học tại trường công lập. Nhà gần với hai rạp chiếu bóng ở Kon Tum nên anh cũng có cơ hội xem nhiều phim từ bé.

Mùa xuân năm 1975, mọi sự thay đổi. Kon Tum là nơi diễn ra giao tranh ác liêt và vào tháng Ba năm ấy, khi quân đội miền Bắc mở chiến dịch mang tính quyết định đánh chiếm miền Nam, Phan cùng mẹ và hai em trai lên máy bay quân sự di tản về  Đà Nẵng, quê nội của anh. Gia đình anh cuối cùng trụ lại ở Phan Thiết, nơi gia đình bên ngoại sinh sống, cũng là nơi Phan trưởng thành những năm sau đó. Trong cuộc rút quân chiến lược khỏi cao nguyên hồi tháng Ba, cha của anh đã bị thiệt mạng. Sài Gòn thất thủ vào ngày 30-4-1975 và cậu bé bảy tuổi Phan bỗng nhận ra mình thuộc phe bại trận trong cuộc chiến. Thi thể của cha anh không bao giờ được tìm thấy, và cái chết ấy, tự nó, đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong con người nhà thơ của Phan. “Tôi không can dự vào chiến tranh, nhưng cũng giống như nhiều người Việt Nam khác, chiến tranh đã can dự đến tôi.”  Phan Nhiên Hạo đã viết như thế trong tiểu luận cá nhân đầy ám ảnh “Năm Nay Tôi Bằng Tuổi Ba Tôi.”

Từ cuối những năm 70 đến đầu thập niên 90, cuộc sống ở Việt Nam thống nhất trở nên đặc biệt khó khăn, nếu không muốn nói là không thể chịu đựng nổi, đối với những cá nhân và gia đình từng làm việc cho quân đội hay chính quyền miền Nam, và có đến khoảng hai triệu người đã rời bỏ quê hương bằng mọi phương cách có thể trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1995. Đi vượt biên cần thời gian, tiền bạc và các mối quan hệ, những điều mà mẹ và họ hàng của Phan Nhiên Hạo không có. Để vượt qua tình thế chính trị khắc nghiệt do lý lịch gia đình, Phan Nhiên Hạo đã cố gắng trở thành một trong những học sinh xuất sắc môn văn, đạt các giải thưởng học sinh giỏi quốc gia. Vào kỳ nghỉ hè, anh về quê sống cùng với  những người chú bên nội. Họ đã tìm cách giữ lại một thư viện gia đình hơn trăm cuốn sách, gồm tác phẩm của các nhà văn miền Nam trước 1975 giờ bị cấm và các nhà văn phương Tây bị coi là “có vấn đề về tư tưởng.” Chỉ trong mấy mùa hè, Phan đã đọc hết tủ sách.

Phan Nhiên Hạo vào Sài Gòn, nơi giờ đây được đặt tên chính thức là thành phố Hồ Chí Minh. Sự chăm chỉ của anh đã được đền bù: anh được tuyển thằng vào Đại Học Sư phạm, theo đuổi học hành, tránh được việc đi nghĩa vụ quân sự mà rất có thể anh sẽ bị đưa sang Cambodia. Anh học ngành văn chương, đọc các tác giả Sô Viết trong giáo trình nhưng chẳng để ý lắm đến những phân tích văn chương theo quan điểm Xã hội Chủ nghĩa của các ông thầy. Cũng vào khoảng thời gian này, anh bắt đầu làm thơ. Anh đọc văn chương Pháp, Đức, Nga qua các bản dịch và đặc biệt bị thu hút bởi những nhà Hiện Sinh Pháp mà tư tưởng của họ về sự phi lý đã giúp anh đương đầu với những khốn khó của đời sống. Những sáng tác đầu tay của anh mang tính hướng nội, u buồn và có vẻ tao nhã, đăng tải trên các báo địa phương (xin đọc “Hoa Ngày Trên Đỉnh” và “Tháng Năm”). Anh bắt đầu định hình một cái tên trong giới văn chương ở Sài Gòn, giao du với Nguyễn Quốc Chánh, một nhà thơ tiền phong mang tinh thần báng bổ và không được thừa nhận trong nền thơ Việt Nam sau 1975. Nhưng sự nghiệp của Phan Nhiên Hạo như một nhà thơ được xuất bản, ít nhất ở Việt Nam, chỉ là một quãng ngắn ngủi.

Năm 1991, Phan rời Việt Nam theo chương trình ODP (Ra Đi Trật Tự), một chương trình di dân hợp pháp được thiết lập như cách thức trục xuất an toàn hơn đối với những người muốn rời khỏi Việt Nam, nhất là các cá nhân và gia đình liên hệ đến quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ngày ra đi, anh chỉ cảm thấy thực sự an toàn khi máy bay đã ở không trung, và hình ảnh quê hương khuất dần trong tầm mắt.

Ở tuổi 24, Phan Nhiên Hạo đến Hoa Kỳ, đủ trẻ để bắt đầu lại nhiều việc quan trọng nhưng cũng đủ lớn để khó rũ bỏ căn tính, lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam; và như những người mới nhập cư, những năm đầu tiên của anh ở đây là những cuộc di chuyển liên tục. Atlanta là thành phố đầu tiên mà anh kiếm được việc làm nhưng không phải là nơi để anh bám rễ. Anh đi xe đò Greyhoud từ Atlanta qua Seattle, và nói về hành trình này  cùng những người anh gặp trong cuộc hành trình xuyên nước Mỹ này qua bài thơ “Xe Bus, 1992.”  Ở Seattle, nơi anh sống khoảng hai năm rưỡi, anh học tại một trường đại học cộng đồng vào buổi sáng còn chiều và tối thì làm đủ nghề khác nhau, gồm cả việc đi đưa báo và lao công. Anh thích việc lau dọn những không gian văn phòng rộng rãi vào ban đêm: một thứ công việc lặng lẽ, xung quanh không có ai, và lại có thời gian để nghĩ ngợi (đọc “Những Đêm Làm Lao Công Quét Dọn Ở Seattle.”) Sau Seattle, anh chuyển đến Los Angeles. Ở Nam California, anh ở gần Little Saigon tại quận Cam, nơi tập trung đông nhất cộng đồng người Việt hải ngoại. Về phương diện thơ ca và đời sống, điều này có nghĩa anh tiếp tục duy trì kết nối của mình với những người nói tiếng Việt và những nhà văn Việt Nam di dân.

Quyết tâm theo đuổi việc học hành, Phan Nhiên Hạo vào học tại UCLA, lấy bằng cử nhân văn học và văn hóa Mỹ rồi tiếp theo là bằng thạc sĩ ngành thư viện học. Anh tìm hiểu các tác giả Mỹ và sau đó dịch tác phẩm của các nhà thơ Mỹ – Wallace Stevens, William Carlos Williams, Frank O’Hara và Charles Simic – sang tiếng Việt. Tại UCLA, Phan Nhiên Hạo phát hiện sức hấp dẫn của văn chương Mỹ gốc Phi, với những tác giả đầy sức gợi mở và truyền cảm hứng cho anh, một nhà thơ vẫn đang vật lộn với những bất công của quá khứ và hiện tại. Văn chương, như anh nhìn ra, có thể là một hành động hướng tới công bằng xã hội đòi hỏi người ta phải sòng phẳng với lịch sử. “Tôi trở nên tự tin hơn với giọng điệu của riêng mình và kiêu hãnh về việc tôi là ai,” Phan nói. Sự gặp gỡ này phần nào có thể đã ảnh hưởng đến lối diễn đạt trực tiếp và giàu ý thức xã hội trong phong cách thơ Phan Nhiên Hạo. Một yếu tố khác tác động đến thơ anh là tình trạng tảng lờ và trấn áp những tiếng nói ngoại vi về lịch sử cộng đồng người Việt hải ngoại, những điều đã (và vẫn đang tiếp tục) không thể được in bởi những nhà xuất bản do nhà nước quản lý ở Việt Nam, và cũng không thể hòa vào thị hiếu văn chương chính mạch Mỹ.

Tập thơ đầu tay của Phan Nhiên Hạo, Thiên Đường Chuông Giấy (1996), gồm những bài thơ hầu hết được sáng tác trong khoảng thời gian năm năm đầu tiên của anh trên đất Mỹ, giới thiệu tới đọc giả Việt ngữ một người viết trẻ hơn, thuộc thế hệ hậu chiến, với những bài thơ pha trộn ảnh hưởng giữa văn chương ngoại quốc và Việt Nam cùng với sản phẩm của trí tưởng tượng. Thể hiện những dư chấn của tình trạng bị bật rễ và nỗi hoang mang của cuộc tồn tại ở một chốn dung thân mới, thơ của anh nắm bắt được tình trạng siêu thực trong đời sống thường nhật của người Việt di dân đến Hoa Kỳ vào những năm 90. Nhiều đặc trưng trong phong cách thơ của anh đã được xác lập ngay từ tập thơ này: sự làm chủ nhuần nhị các kỹ thuật thơ ca, khả năng tạo ra những đột biến siêu thực ngay bên trong cái thực; một ngôn ngữ tưởng chừng như đơn giản trên bề mặt và giọng thơ khẩu ngữ; sự gắn kết với ký ức của một người miền Nam tị nạn và cuộc sống dạt trôi của một nhà thơ lưu đày; thái độ thách thức trầm tĩnh và nhẫn nại. Những bài thơ thường cô đọng, hàm súc, giàu tính hình tượng, chúng là những thông điệp mẫn cảm của một  nhà thơ Việt lưu vong trên bến bờ xa lạ. Phan lần lượt đăng thơ trên các tạp chí văn chương Việt hàng đầu tại hải ngoại, cả tạp chí in lẫn những trang điện tử – Hợp Lưu (California), Tiền Vệ (Sydney) và Talawas (Berlin) – những cái tên có thể chẳng gợi lên điều gì đối với đọc giả Anh ngữ nhưng đối với các nhà văn và đọc giả Việt ngữ, đó đã từng là những không gian sống động nhất của văn chương Việt Nam đương đại.

Tập thơ tiếp theo của anh, Chế Tạo Thơ Ca 99-04, xuất bản năm 2004, cho thấy một nhà thơ hướng ngoại hơn, mạnh mẽ và mạo hiểm hơn, không chỉ ở phương diện đề tài mà còn ở khía cạnh hình thức. Ở tập thơ này, Phan thể nghiệm các kỹ thuật cắt dán và viết những bài thơ dài hơn trong khi gia tăng tính tốc độ và khả năng tạo ấn tượng của những bài thơ ngắn. Nhiều bài thơ trong tập liên quan đến những sự kiện lịch sử cụ thể, các huyền thoại và biểu tượng văn hóa,  được xâu lại bởi tính trào lộng, mỉa mai, và cả chán ghét. Thái độ chính trị bất tuân trong thơ Phan Nhiên Hạo cất lên đúng vào thời điểm lịch sử khi Hoa Kỳ và Việt Nam tái lập quan hệ ngoại giao và kinh tế, giữa một khí quyển văn hóa và văn chương tràn ngập những tiếng nói về hòa hợp hòa giải. Phan Nhiên Hạo từ chối chương trình chính trị này, thơ của anh là tiếng nói độc lập đến bướng bỉnh, không hòa giải cũng chẳng hoài cựu. Thay vào đó, thơ Phan Nhiên Hạo nói về những bí mật công khai của một Việt Nam hậu chiến, về những cực đoan và suy đồi Cộng Sản, trại cải tạo, di cư tị nạn, và chứng lãng quên văn hóa, trong khi lên tiếng cho những thân phận thầm lặng trong cộng đồng người Việt lưu vong qua những bài thơ như “Gặp Một Người Lái Taxi ở New York” và “Nhật Ký Seattle.”

Mất 15 năm, đến mùa xuân 2019, Phan Nhiên Hạo mới xuất bản tập thơ thứ ba và cũng là tập thơ mới nhất của anh – Radio Mùa Hè. Trong khoảng thời gian ấy, anh chuyển đến phía Bắc tiểu bang Illinois làm việc cho một thư viện đại học, chuyên ngành Đông Nam Á; cùng vợ nuôi hai con; anh lấy bằng thạc sĩ thứ hai, ngành nhân học văn hóa; anh đi dự hội thảo và công việc ở nhiều nước; anh cộng tác thường xuyên với các tạp chí văn chương và văn hóa điện tử Việt ngữ , với tư cách là một nhà phê bình không ngần ngại đưa ra những ý kiến gây tranh cãi, và có giai đoạn cũng làm một tạp chí điện tử của riêng mình; anh vẫn tiếp tục sáng tác thơ dù chúng xuất hiện thưa thớt hơn. Radio Mùa Hè cho thấy nhà thơ hướng đến một đời sống ngày càng giàu suy tưởng, một chân đặt ở hiện tại còn chân kia ở quá khứ. Tập thơ mang âm hưởng nhẹ nhõm hơn, nhiều hồi tưởng, mở đầu bằng bốn bài thơ viết lúc còn là sinh viên ở Việt Nam và chưa in trong các tập thơ trước đó. Nỗi buồn và niềm cô độc mãn tính ngày càng phức tạp hơn trong những bài thơ về sau gắn với những phẫn nộ mang tính nổi loạn và chất hài hước đen, thể hiện đặc biệt rõ nét trong những khắc họa chua chát về Việt Nam đương đại. Những bài thơ quay về Việt Nam, không chỉ qua ký ức hay sách vở như trong những tập thơ trước, mà giờ đây còn qua những chuyến đi, chúng cũng quay trở lại với ký ức tị nạn những năm đầu sống trên đất Mỹ.

Hai đề tài lâu dài của thơ Phan Nhiên Hạo vẫn còn đó: cuộc sống Mỹ của anh như một người Việt tị nạn cũng như một nhà thơ, và sự cam kết với một ký ức và lịch sử công bằng hơn cho người miền Nam. Trong cô độc sâu thẳm, Phan diễn tả một thế giới quan mỏi mệt, cạn kiệt hiện sinh, và trống vắng nguồn lực của đời thơ lưu vong. Có vẻ như anh dồn nhiều sức cho sự nhớ lại, cũng nhiều như nỗ lực để quên đi – đủ để ngồi xuống và viết, với bất kỳ chất liệu và thủ pháp nào, như anh đã diễn tả trong bài “Chế Tạo Thơ Ca”:

Một buổi chiều không có việc gì làm
Tôi ngồi chế tạo thơ ca
chỉ bằng mười sáu con ốc, hai tấm kim loại,
bốn bánh xe. Nó được đổ đầy nhiên liệu
hỗn hợp của xung đột, hy vọng, tình yêu và sự vô ích.

Mô phỏng theo tựa đề dài hơn của tập thơ đầu tay Phan Nhiên Hạo, tôi đã chọn cái tên Paper Bells (Những Quả Chuông Giấy) cho tuyển tập thơ này, vì nó rung lên thứ âm nhạc câm lặng của một giọng thơ cô độc. Không nhất thiết là một tuyển tập những bài thơ “hay nhất” hoặc “tiêu biểu nhất,” Paper Bells là một sản phẩm phần lớn mang tính riêng tư, thực tế, và ngẫu nhiên. Các bài thơ trong tuyển tập được sắp xếp theo trật tự thời gian, bắt đầu bằng chùm ba bài viết trong khoảng thời gian 1989 -1990 khi nhà thơ sống ở Việt Nam, rồi sau đó là những bài thơ chọn từ ba tập thơ được xuất bản sau khi anh định cư ở Mỹ. Cuốn sách này không lấy lại các bài thơ in trong hai tập đầu của Phan Nhiên Hạo đã được Đinh Linh dịch sang tiếng Anh và tập hợp lại thành tập thơ Night, Fish, and Charlie Parker (Turtle Press, 2005). Phần lớn các bài thơ trong Paper Bells, khoảng hai phần ba, được sáng tác sau năm 2004 và in trong tập Radio Mùa Hè (2019). Khoảng một nửa số bài thơ trong tuyển tập được dịch theo lối cộng tác, với những bản chuyển ngữ sơ thảo do Phan Nhiên Hạo cung cấp, mà dựa vào đó tôi có thể làm việc một cách thong thả và tự do, với một cuốn từ điển tốt, với những email trao đổi giữa anh và tôi khi cần, cùng những tham khảo thi thoảng với ba mẹ tôi (tôi nhờ mẹ mình đọc to một vài bài thơ để tôi có thể nghe và hiểu chúng sâu hơn), và thường xuyên là vốn liếng thơ ca của chính tôi.

Những bài thơ trong tuyển tập này là kết quả của hơn mười năm cộng tác và tình bạn. Một quá trình không có nhiều thiết kế, chỉ rất nhiều ước mong. Tôi bắt đầu dịch Phan Nhiên Hạo khi đang học nghiên cứu sinh, chưa tìm được hướng đi cho luận án của mình về văn chương như là sự hòa giải sau cuộc chiến Việt Nam. Những năm sau đó, khi những bài thơ của chính tôi thường không biết đi về đâu thì những bài thơ của Phan Nhiên Hạo lại nuôi trong tôi niềm tin về sức sống của thơ ca. Tiếng Việt của tôi không phải là bản ngữ nhưng cũng chẳng phải là ngoại ngữ, nó là một ngôn ngữ lạ lùng, vừa gần gũi đồng thời vừa xa lạ. Tôi không học tiếng Việt một cách chính thức cho đến khi hơn hai mươi tuổi và việc không sử dụng nó hàng ngày khiến thứ ngôn ngữ ấy mòn hao đi nhanh chóng. Tôi sinh ra ở Việt Nam, đến Hoa Kỳ khi mới hai tuổi, lớn lên ở Wisconsin và nói tiếng Anh, dù ba mẹ tôi nói tiếng Việt và điều ấy luôn làm tôi nghĩ đến ngôn ngữ này như âm thanh của quê nhà. Trải nghiệm dịch thơ Phan Nhiên Hạo giống như trải nghiệm được bay về nhà và trên chuyến bay ấy, tôi lúc nào cũng được nhắc nhở rằng chúng ta là những tai nạn của lịch sử và địa lý.

Ba mươi năm qua, nhà thơ Phan Nhiên Hạo đã viết và sống một đời sống lưu vong không hối tiếc, nằm ngoài mọi trung tâm, trong bóng râm của vùng đất vắng người, hầu như vô hình và không được biết đến, không bị thuần hóa, và tự do. Tôi sẽ là dịch giả của anh, người cộng tác của anh – và nhân chứng của anh.

Iowa City, Iowa

Hải Ngọc dịch từ nguyên bản tiếng Anh