Rainer Maria Rilke | Bi ca Duino: Khúc bi ca thứ nhất

Nguyễn Huy Hoàng, Đỗ Nguyễn Tú Anh dịch

Ai, khi tôi khóc, sẽ nghe tôi giữa các đẳng
thiên thần? và cứ cho là một thiên thần bỗng
ép tôi vào tim mình: tôi sẽ chết vì tồn tại
mạnh hơn của người. Bởi cái đẹp chẳng là gì
ngoài khởi đầu của kinh hãi, mà chúng ta vừa đủ sức chịu,
và chúng ta chiêm ngưỡng nó, bởi vì nó bình thản khinh miệt
để hủy diệt chúng ta. Mọi thiên thần đều khủng khiếp.
          Và vì thế tôi dằn mình và nuốt lấy tiếng gọi
của những nức nở tối.Ôi, ai có thể viện đến
khi chúng ta cần? Thiên thần không, người không,
và những con thú tinh ranh đã thấy
rằng chúng ta không thực sự thoải mái
trong thế giới diễn giải. Có lẽ vẫn còn cho chúng ta
một cái cây nào trên một sườn dốc, mà chúng ta nhìn
lại nó mỗi ngày; vẫn còn con phố của ngày hôm qua
và lòng trung thành biến dạng của một thói quen
mến chúng ta, và ở lại và không đi.
          Ồ, và đêm, đêm khi gió đầy không gian
ăn mòn mặt chúng ta –, nó sẽ không ở lại vì ai, cái đêm
được mong mỏi, khẽ gây thất vọng, mà mỗi trái tim lẻ loi
nặng nhọc đứng trước. Nó có nhẹ nhàng hơn với những người tình?
Ôi, nhưng họ chỉ giấu trong nhau cái số phận của mình.
          Mi vẫn chưa biết sao? Hãy ném sự trống rỗng khỏi vòng tay
vào những không gian mà chúng ta thở; có lẽ rằng những con chim
sẽ cảm nhận được không khí rộng mở với cuộc bay gần gũi hơn.

Phải, thời xuân cần mi. Nhiều ngôi sao
đã mong đợi mi có thể cảm thấy chúng. Một làn sóng
dâng lên mi từ quá khứ, hay
khi mi bước qua một ô cửa sổ mở,
một cây vĩ cầm dâng hiến. Tất cả đó là một sứ mệnh.
Nhưng mi có hoàn thành nó? Chẳng phải mi vẫn luôn luôn
bị phân tâm bởi sự mong đợi, như thể mọi thứ đều thông báo
một người yêu dấu sắp đến? (Mi sẽ giữ nàng ở đâu,
khi mà những suy nghĩ lạ lùng to lớn của mi
đến và đi và thường ở lại vào ban đêm.)
Nhưng nếu như mi khao khát thì hãy hát lên những người tình; đã lâu
những cảm giác nổi tiếng của họ vẫn chưa đủ bất tử.
Mi gần như ghen tị với họ, những kẻ bị bỏ rơi, những kẻ
mà mi thấy còn tình cảm hơn những kẻ được thỏa mãn. Hãy bắt đầu
luôn luôn như mới cái lời ngợi ca không thể nào đạt được:
hãy nghĩ: người anh hùng sống mãi, ngay cả sự sụp đổ của anh ta
cũng là một cái cớ cho sự hiện hữu: sự ra đời sau rốt.
Song những người tình được Thiên nhiên kiệt sức đón nhận lại
vào trong mình, như thể nó không có sức mạnh
để tạo ra họ thêm lần thứ hai. Mi có nghĩ
đến Gaspara Stampa đủ, để bất cứ cô gái nào
mà người yêu dấu đã bỏ, có thể cảm nhận từ tấm gương
mãnh liệt của người tình này: tôi có được như nàng?
Chẳng phải rốt cuộc thì những nỗi đau xa xưa ấy cũng trở nên
màu mỡ hơn cho chúng ta? Chẳng phải đã đến lúc, thân thương,
chúng ta giải phóng mình khỏi người yêu dấu và run rẩy chịu đựng:
như mũi tên chịu đựng dây cung, để tập hợp trong cú phóng
hơn chính bản thân mình? Bởi ở lại là ở không đâu.

Những giọng, những giọng. Hãy nghe đi, tim ta, như chỉ mình
những vị thánh nghe: cái tiếng gọi khổng lồ
nâng họ lên khỏi mặt đất; nhưng họ quỳ,
những kẻ bất khả, và tiếp tục không để ý:
họ đã nghe như thế. Không phải mi có thể chịu đựng được giọng
của Chúa, không hề. Nhưng hãy nghe tiếng thổi,
cái thông điệp không gián đoạn hình thành từ sự im lặng.
Bây giờ nó ùa đến mi từ những cái chết trẻ.
Mi bước đến đâu, trong những nhà thờ của Roma và Napoli,
mà số phận của họ chẳng nói với mi, thầm thì?
Hay một dòng chữ khắc cao mình lên mi,
như tấm bảng mới đây ở Santa Maria Formosa.
Họ muốn gì ở ta? rằng ta sẽ nhẹ nhàng gạt bỏ
vẻ ngoài của sự bất công mà đôi khi cản trở
chuyển động thuần của những linh hồn họ một chút.

Tất nhiên là kỳ lạ khi không sống trên trái đất nữa,
không còn thực hành những phong tục chỉ vừa học được,
cho những bông hồng, và những điều hứa hẹn đặc biệt khác
không còn đưa ra một ý nghĩa của tương lai con người;
không còn là cái mà người ta từng là trong những bàn tay
âu lo bất tận, và bỏ đi ngay cả tên của chính mình
như một món đồ chơi đã hỏng.
Lạ, không còn muốn những điều ước muốn. Lạ,
thấy tất cả những gì đã từng liên quan trôi rời rạc
trong không gian. Và chết thì nặng nhọc
và đầy những sự chuộc lại, trước khi người ta dần dần cảm nhận
được một chút vĩnh cửu. – Nhưng người sống thì tất cả
đều mắc một sai lầm là họ phân biệt quá rõ.
Các thiên thần (người ta nói) thì thường không biết họ đi
cùng người sống hay người chết. Dòng chảy vĩnh cửu
mãi mãi kéo theo mình mọi thời đại
qua cả hai cõi, và nhấn chìm chúng trong cả hai.

Cuối cùng những kẻ rời đi sớm, họ không còn cần chúng ta,
khẽ cai mình khỏi những thứ trần gian, như người ta nhẹ nhàng
lớn vượt bầu vú mẹ. Nhưng chúng ta, những kẻ cần những bí mật
lớn lao đến thế, những kẻ mà từ nỗi buồn sinh ra
sự tiến bộ may mắn –: chúng ta có thể nào tồn tại mà không có họ?
Đó là một huyền thoại vô ích, rằng trong một lần than khóc cho Linos
thứ nhạc đầu tiên đã dám xuyên qua sự trơ cứng khô cằn;
để trong không gian kinh hãi, mà một tuổi trẻ gần như thần thánh
đã đột nhiên mãi mãi bỏ lại, sự trống rỗng lần đầu cảm nhận được
sự rung động mà giờ dạt dào trong chúng ta và an ủi và giúp đỡ.

Nguyễn Huy Hoàng dịch, cùng Đỗ Nguyễn Tú Anh, từ nguyên tác tiếng Đức, “Die erste DuineserElegie,” trong Rainer Maria Rilke, Duineser Elegien, Insel-Verlag xuất bản lần đầu năm 1923.