Nguyễn Một – Đất trời vần vũ (chương 36 – 40)

(Tiếp theo 33 – 35)
 

CHƯƠNG 36

Chuyện kể của nhà thơ:

Lưỡi dao quyền lực sẽ không chạm được trái tim ông, nếu ông không phạm vào đức hiếu sinh.

 

Nhà thơ trầm ngâm nói:

– Cù lao Dao là vùng đất bi thảm, vùng đất của những vụ thảm sát kinh hoàng trong mọi cuộc chiến tranh. Hai trăm năm trước, nơi đây đã từng xảy ra vụ thảm sát.

– Anh kể đi.

Vẫn tư thế ngồi bó gối nhìn ra sông, Lụa nói với anh.

Thầy giáo Hải phụ họa:

– Anh kể cho em nghe với.

Lài nằm ôm con trong buồng cũng lắng nghe. Hải đưa vợ về nhà chị để sanh. Anh chăm sóc vợ và tranh thủ trò chuyện với nhà thơ.

 

***

 

Vì sàm tấu hại trung thần, Trương Phước bị giáng chức, ông giấu lưỡi dao, nhưng phải đến đời thằng cháu là Trương Phước Loan mới phát hiện được lưỡi dao và nó đã phát huy được quyền lực. Trương Phước Loan leo dần lên chức vụ cao trong triều đình, nhưng Loan không chịu yên bề, mà tham vọng cao hơn. Các đại thần người nào không cùng cánh, đều nhận cái chết thảm. Các quan nhỏ thì bị giết, các quan lớn thì chết một cách bí ẩn ngay trong ngôi nhà của họ. Dân tình ta thán, triều đình thối nát. Đó chính là cơ hội cho sự lật đổ.

Nguyễn Biện làm thu thuế trong Gia Định, ôm tiền xuống cù lao đánh bạc với người Tàu, thua, ông trốn lên miền ngược làm nghề buôn trầu về miền xuôi và đưa muối lên núi. Nhờ mánh khóe và xảo quyệt của nghề thu thuế, thời gian sau ông trở nên giàu có nhất vùng Hỏa Xá. Trang trại Nguyễn Biện rộng ngút ngàn, người ăn kẻ ở có đến cả ngàn. Ông tụ tập người dân tộc rước thầy dạy võ nghệ cho họ, âm thầm rèn đúc vũ khí. Ông dùng muối đổi và tích trữ lương thực. Đặc biệt ông đổi rất nhiều dầu rái, sỏi và tre lô ô, ba thứ sản vật rất sẵn ở Tây Nguyên. Thoạt đầu không ai biết ông dùng những thứ ấy vào việc gì? Dầu rái, sỏi, lồ ô chính là chất liệu cho thứ vũ khí độc đáo của anh em Nguyễn Biện, tên gọi của nó là cọp lửa. Nguyễn Biện cho người cưa ống lồ ô trộn sỏi với dầu rái bỏ vào. Khi lâm trận những ống lồ ô này được đốt lên ném vào kẻ địch, dầu rái cháy nóng, sôi ùng ục, sỏi mang theo dầu rái văng ra dính vào người cháy rần rật, khiến đội ngũ địch quân rối loạn. Ngay lúc ấy, bộ binh xung trận, lực lượng này rất dũng mãnh, mỗi khi ra trận họ cởi trần dán giấy tiền vàng bạc đầy mình, liều chết xông vào quân giặc. Thấy ông mang lại cho người thượng cuộc sống khá giả, vua Hỏa Xá nhường ngôi cho ông. Thực chất ở vùng cao, vua cũng như dân thường và không có vương quyền gì cả, dân chúng nộp lương thực để nuôi vua, nhiệm vụ duy nhất của vua là đại diện cho dân trước thần linh. Nguyễn Biện không quý gì ngôi vua của nước Hỏa Xá, vua miền xuôi mới thực sự uy quyền. Ông đã định từ chối, nhưng Nguyễn Long khuyên anh nên nhận để làm biểu tượng tinh thần hiệu triệu dân chúng. Biết nhìn xa trông rộng, nên Nguyễn Biện rất lo lắng với cậu em của mình, cũng chính vì tài năng quá nổi bật của Nguyễn Long mà sau này anh em ông bất hòa.

Cùng với Nguyễn Long và Nguyễn Hạ, Nguyễn Biện làm vua một cõi. Nguyễn Long là thiên tài quân sự, ông cầm quân rất giỏi lại có sức mạnh địch muôn người, cũng chính ông là người phát minh ra cọp lửa, thứ vũ khí mà người đời sau tốn không biết bao công sức để tìm hiểu xem nó là thứ gì và làm ra bằng chất liệu gì? Nguyễn Hạ là thầy tăng chuyên đi cúng bái. Nhân việc ấy Nguyễn Hạ truyền bá về điềm báo một thiên tử mới sẽ xuất thế. Mối quan hệ giữa tiền bạc, tài năng và tôn giáo đã tạo thành sức mạnh vô địch. Với danh nghĩa phò Chúa diệt quyền thần, đoàn quân của ba anh em ông kéo rốc về chiếm thành Kỳ Nhơn. Trước khi lên ngôi, Nguyễn Biện triệu tập hai em đến và bàn bạc chuyện chuẩn bị lên ngôi. Nguyễn Long là người có học chút ít trong ba anh em. Ông nói:

– Đại vương muốn lên ngôi phải chiếm được lòng dân.

– Ta đã chiến đấu vì họ, sao còn phải chiếm lòng dân làm gì nữa?

– Đó là cách nghĩ của ta và một số người theo ta, còn đa số lòng dân hướng theo triều cũ, phải mượn ý trời mới thực sự chiêu dụ được họ.

Ba anh em chụm đầu bàn bạc. Hôm sau đám đàn em của thầy tăng Nguyễn Hạ truyền đi câu chuyện:

“Nguyễn Biện được trời sai xuống giúp dân tạo vương triều mới. Được thần linh giúp đỡ ông tàng hình nhập vào thành Kỳ Nhơn để bất thần chiếm thành.”

Tin đồn lan nhanh, dân chúng về theo nườm nượp. Anh em họ Nguyễn đã khôn ngoan biết cách sử dụng công tác tuyên truyền khá sớm. Tin lan về kinh thành, triều đình rúng động. Chúa thiết triều. Trương Phước Loan tâu:

– Xin Chúa Thượng yên tâm. Trong số ba anh em họ thì Nguyễn Long là đáng sợ nhất. Nguyễn Biện vốn chỉ là con buôn nên có thể dùng vàng và tước vị mua chuộc. Nguyễn Hạ hèn yếu. Chỉ cần giết Nguyễn Long thì có thể dẹp loạn được.

– Giết hắn bằng cách nào?

– Xin Chúa Thượng cứ yên tâm, thần sẽ lo việc ấy.

Các quan nhìn nhau thở phào.

Đêm ấy, Trương Phước Loan sử dụng lưỡi dao quyền lực bảo bối của dòng họ, đối tượng Loan nhắm đến lần này không phải là những quan lại chống đối, mà chính là kẻ thù. Nhưng Loan đã không làm được điều mình muốn, bởi Nguyễn Long có chân mạng đế vương… Con trai Loan đã kịp giấu lưỡi dao và theo phò Nguyễn Phúc, trước khi quân Nguyễn Long tràn về kinh thành.

Lẽ ra số mệnh của Nguyễn Long sẽ còn dài và lưỡi dao sẽ không chạm được trái tim ông, nếu ông không phạm vào đức hiếu sinh của Thượng Đế.

Triều đình tan rã. Quân đội của ba anh em họ Nguyễn nhanh chóng làm chủ cả Nam hà. Nguyễn Biện vốn xuất thân từ con buôn nên ông ta tham tiền và tham quyền. Khi nắm binh quyền trong tay, ông lập triều đình mới tại Kỳ Nhơn và lên ngôi. Ông ra lệnh cho em trai là Nguyễn Hạ trấn thủ phương Nam. Vốn tu hành, Nguyễn Hạ sợ Trời Phật nên nhu nhược và không cai trị được vùng đất mới.

Vị vương tôn cuối cùng của triều đình là người được lòng dân miền Nam, nơi tổ tiên ông bỏ công khai phá. Vương tôn Nguyễn Phúc dựa vào lòng dân thành lập quân đội và ông đã quay về đánh chiếm lại thành Biên Trấn, đuổi Nguyễn Hạ chạy về Kỳ Nhơn. Nghe tin vương tôn cầm binh trở lại, đội quân người Hoa, hậu duệ của Trần Thượng công trước đây vì thế yếu đầu hàng, đã bỏ trốn về miền Nam, đóng quân ở cù lao Dao để làm tiền quân chống giữ quân Nguyễn Biện. Tức giận Nguyễn Biện gọi Nguyễn Long từ Phú Xuân về và ra lệnh:

– Đệ hãy cùng ta đưa quân vào miền Nam làm cỏ đám dân chúng phản bội đó cho ta!

– Tuân lệnh đại huynh!

Nghe đánh nhau là mắt Nguyễn Long sáng rực, ông ta là thiên tài quân sự, bách chiến, bách thắng. Ông say mê trận mạc và chiến tranh như một thứ ma túy. Mỗi khi bình yên ông lại thấy ngứa ngáy.

Nguyễn Long dẫn tiền quân đi. Nguyễn Biện tập hậu, thủy quân đi đến đâu, nước cuồn cuộn như sóng thần.

Lý Quảng, vị tướng gốc Hoa, chỉ huy dân cù lao Dao tử thủ. Ông cho dỡ tất cả đá lát đường và đá lát nhà của đại phố sầm uất để xây thành, nhìn từ xa như thể cả cù lao được dựng lên giữa dòng Thanh Long. Mỗi người dân cù lao đều là chiến sĩ. Họ cắt máu ăn thề quyết chống giặc đến cùng để bảo vệ cho nhà Chúa, bảo vệ cho lời thề của tiền hiền Trần Thượng công, người đã khai sinh ra thành phố đầu tiên của phương Nam.

Họ chiến đấu ngoài lòng biết ơn đối với tiền nhân, còn là sự căm ghét quân Nguyễn Biện và Nguyễn Long. Lần trước khi chiếm được cù lao này, quân của Nguyễn Biện tha hồ cướp bóc. Đội quân ô hợp xuất thân từ nông dân nghèo khổ đã lóa mắt trước sự giàu có của phương Nam. Bất chấp quân luật, họ cướp sạch tất cả những gì lọt vào mắt họ. Nguyễn Biện cũng tham gia vơ vét. Nguyễn Long đánh xuống miền Tây, khi quay về vị tướng trẻ đã cự cãi anh mình:

– Đại vương quả không biết cầm quân.

– Đệ đừng dạy khôn ta, ta không biết cầm quân sao ta có thể lấy được đất nước này. Quân đội này là những người dân cày và dân thượng du, họ bỏ ruộng vườn theo ta vì điều gì? Họ cần quái gì tự do, lý tưởng, họ cần cuộc sống thoải mái. Họ lấy chút của cải có gì mà đệ rầy ta.

Nguyễn Long đạp chân trên đầu con sư tử đá trong dinh Trần Thượng công, nơi đóng quân của Nguyễn Biện. Tay chống gươm, ông nói:

– Đại vương không hiểu gì về chính trị cả, muốn lấy đất đai thì đừng tơ hào gì của dân, cần lấy lòng tin của họ. Khi bệ hạ chiếm được đất nước này, bệ hạ muốn lấy gì chẳng được.

– Thôi ta sai rồi!

Hôm nay, đội quân ấy trở lại, dân cù lao biết rằng: Hoặc là chiến đấu, hoặc là không còn gì!

Tấn công hai ngày liền, quân của Nguyễn Long vẫn chưa đổ bộ được lên cù lao Dao. Tức giận ông ra lệnh tập trung đội cảm tử quân mang cọp lửa đi thuyền nhỏ tiến vào bờ. Tên bắn ra như mưa, cọp lửa ném vào như sao sa, cù lao cháy rần rật. Hết lớp này đến lớp khác, đội cảm tử quân đã đổ bộ được lên bờ, mở đường cho đại quân tiến vào. Lý Quảng bỏ chạy. Dân cù lao nháo nhác tìm đường trốn nhưng đã trễ, cả cù lao đã bị bao vây. Đoàn quân say máu theo lệnh chủ tướng Nguyễn Biện, gặp ai chém nấy bất kể trai gái già trẻ. Đến chiều khi họ mệt mỏi ngừng tay, thây chất như núi, máu tràn đỏ dòng Thanh Long…

Bầu trời sụp tối, cơn mưa ầm ào ập đến, gió quăng quật cù lao, dòng sông vốn hiền lành bỗng trở nên hung hãn chồm lên cù lao. Tỉnh cơn say máu, Nguyễn Long, vị tướng oai dũng nhất trong lịch sử, bùi ngùi hối hận. Chống gươm giữa cù lao tanh nồng tử khí, mưa gió tơi bời, phần phật chiến bào sạm đen, ông nghĩ: “Anh em ta vì tức giận lạm sát người vô tội quá nhiều, phạm đức hiếu sinh của Thượng Đế thế nào người cũng trừng phạt ta!”

Hôm sau, ông ra lệnh lập đàn cầu siêu và dọn xác ném xuống dòng Thanh Long, dòng sông nghẹt cứng, ba ngày vẫn chưa trôi hết xác ra biển. Vị tướng Nguyễn Long đã suy nghĩ đúng, vì vụ thảm sát này ông bị mất đi chân mạng đế vương, mà lẽ ra ông có được theo ý muốn của trời đất. Cũng vì không còn chân mạng đế vương, nên một người cháu của Trương Phước theo Nguyễn Phúc, đã phát huy tác dụng của lưỡi dao quyền lực làm bể tim ông và ông chết giữa lúc phát tiết rực rỡ nhất của đời người.

Và từ vụ thảm sát ấy, thành phố đầu tiên của phương Nam bị xóa sổ, cù lao Dao trở lại vùng quê hoang vu như trước khi Trần Thượng công đặt chân tới đây…

 

***

 

Thầy giáo Hải lên tiếng:

– Sao chuyện này không thấy lịch sử ghi lại?

– Không phải lịch sử không ghi lại mà thế hệ của thầy không được dạy điều này, vì nó là vết nhơ trong lịch sử dân tộc.

– Lịch sử phải trung thực chứ?

Không trả lời thầy, nhà thơ nhìn ra sông khẽ cười, nụ cười bí hiểm.

Tùng… Tùng… Tùng, tiếng trống đám ma ở bên nhà Tư Ngồng, âm u vọng lại

– Oe… oe… oe, nín… nín đi con ầu ơ! Nước sông trong đổ lộn sông ngoài. Thương người xa xứ lạc loài tới đây.

Tiếng ru con của Lài, làm mọi người nở nụ cười sau câu chuyện buồn.

 

 

CHƯƠNG 37

 

Không gì có thể ngăn cản trước tình yêu và tuổi trẻ. Nó mạnh mẽ như thác lũ thượng nguồn của dòng sông Thanh Long, cuốn phăng tất cả những lực cản trên đường nó đi qua.

 

Nguyễn Sơn Phong trở về cù lao khoảng một tháng trước cái chết của Tư Ngồng. Đó là những ngày cù lao nóng lên bởi những thông tin về quy hoạch. Công ty xây dựng đô thị gì đó bên thành phố về cù lao đo đo, vẽ vẽ, rồi những pa nô chằng chịt được dựng lên công bố quy hoạch. Những cuộc họp liên miên về bồi thường, về tái định cư. Lo âu hồi hộp, mong ngóng, đợi chờ đủ cả. Thật đúng ngoài tình yêu không có cái gì mang lại cho con người nhiều cảm xúc như quy hoạch. Bà Năm Trầu và chị Ba Thược liên tục bị chính quyền mời lên, mời xuống vì cái tội chống đối chủ trương chính sách. Đề tài quen thuộc của quán cà phê ven sông xoay quanh chuyện quy hoạch.

Nguyễn Sơn Phong qua sông bằng đò, anh tấp vào quán của chị Lụa, thấy anh, chị reo lên:

– Kìa, cậu Phong đã về rồi à?

– Chào chị, chị khỏe chứ, cù lao quê mình vẫn bình thường chứ chị?

– Vẫn vậy. Nghe nói bây giờ cậu làm cho công ty nước ngoài giàu lắm hả?

– Dạ! Em mới tốt nghiệp. Có công ty mời em, nhưng em chưa nhận lời, tính về nghỉ ngơi ở với bà già và bà ngoại vài hôm.

– Ừ! Cậu về chơi với bà lúc này hợp lắm, hai bà cực với chính quyền xã dữ lắm.

– Chị cứ nói chơi, bà ngoại em là bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ em là chiến sĩ cách mạng mà ai dám làm phiền.

– Đúng là dân đi học ở nước ngoài về ấm ớ quá, cậu có biết hôm qua, chú Tư Nghĩa – chủ tịch – nói với bà ngoại cậu sao không?

?!?

– Chú ấy bảo, bà tưởng mấy cái huy chương của bà to lắm hả? Thứ này tôi có cả thúng, bà mà cứ cứng đầu, tôi gô cổ mẹ con bà tống giam luôn.

– Chuyện gì thế hả chị?

– Thì họ quy hoạch cù lao này, muốn làm thành phố ở đây, bà ngoại với mẹ cậu cầm đầu dân đấu tranh nên mới có chuyện.

– Đúng là mấy bà mẹ Việt Nam này khó chịu quá, ưng đấu tranh làm gì cho khổ? Xây thành phố thì thành phố, cho đất nước phát triển, chứ làng quê mãi hay ho gì, các nước người ta phát triển cả, mình cứ ì ạch hoài.

– Đúng là dân Tây học của cậu, quên hết tổ tiên ông bà.

Thấy chị Lụa có vẻ giận dỗi, Phong cười xòa:

– Em nói là nói vậy, chứ em tiếc cù lao này lắm, bây giờ giữa thành phố mà còn cảnh quê mùa như ở đây, còn những con người chất phác như bà con ở đây, quý lắm.

– Ừ! Cậu nói vậy nghe mới phải.

Nhà thơ vừa đưa Phong về bằng con đò nhỏ, lắng nghe hai người nói chuyện, anh mỉm cười vu vơ:

Rồi sẽ có ngày gió gọi tôi đi

Nước sẽ gọi cù lao về lòng đất

Núi gọi đồi, biển gọi sông trôi…

Chẳng còn gì ngoài cuộc đời nông nỗi

Chỉ có tình yêu tồn tại trên đời.

Phong khẽ reo lên:

– Hay quá! Anh là nhà thơ hả?

Lụa trả lời thay anh:

– Ừ! Ảnh là nhà thơ, ủa mà hôm trước, chị nghe thím Ba nói em cũng học văn mà.

– Dạ! Nhưng tốt nghiệp xong em bỏ rồi, bỏ hẳn, em ra nước ngoài học quản trị kinh doanh chị ạ. Nhờ học kinh doanh mấy cái công ty mới mời em làm việc cho họ lương tháng một ngàn đô, chứ có ai mời nhà văn làm việc mà trả nhiều thế.

– Đúng “lập thân tối hạ thị văn chương”! – Nhà thơ tiếp lời Phong.

– Nhưng cũng buồn lắm anh à, em cố gạt nó đi mà nó cứ ám ảnh mãi, những câu thơ…

– Thích thì cứ làm thơ, nhưng đừng có chọn nó làm sự nghiệp, thơ đôi khi là vàng ngọc nhưng cũng đôi khi nó là thứ bỏ đi.

Lụa đặt ly nước ép bưởi trước mặt Phong, nói chen vào:

– Chị thấy học văn cũng hay, chứ sao lại bỏ đi, hồi trước khi cậu đi du học, lúc ấy, chưa có anh Miên Trường, cậu hay đọc thơ cho chị nghe, chị thích lắm. Chị nhớ cậu làm cả luận văn về cù lao này mà.

– Dạ, em yêu văn học lắm, cho đến khi em đọc được cuốn hồi ký của một giáo sư, em thất vọng quá. Trước đây tụi em học tập toàn giáo trình của ông ấy, khi viết sách thì ông hết lời ca ngợi, vậy mà trong hồi ký ông ta bêu xấu tất cả, tất nhiên trừ mình ra, ông bêu xấu cả những nhà văn, những lãnh tụ mà ông ca tụng để có hàm giáo sư, để có giải thưởng. Nếu họ thực sự xấu xa thì tại sao ông phải ca ngợi. Em sụp đổ. Hóa ra lâu nay lũ trẻ bị lừa dối. Cả nền giáo dục bị lừa dối.

Nhà thơ lắc đầu cười trước cái hăng say tuổi trẻ của Phong:

– Cậu không sanh vào thời đó, cậu không biết nỗi khổ của ông giáo sư. Cái thời mà con người bị quản lý chặt chẽ từ trong ý nghĩ, có thể làm gì khác được?

– Kẻ sĩ phải biết từ chối những điều xấu xa và tự nhận trách nhiệm, anh không thể viết những điều anh muốn, thì anh vẫn có quyền từ chối những cái mà người khác muốn anh viết, không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh. Em đau nhất là ông ấy, chê bai miền Nam, ông phán rằng: “Văn hóa đi từ cao đến thấp”. Tại sao một giáo sư như ông ta mà không biết rằng các nhà văn lớn ở miền Nam đều là những nhà văn hóa, mấy cái công trình được giải thưởng, giải thiếc của ông ấy không bằng cái móng chân của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam.

– Tuổi trẻ vĩ đại. – Nhà thơ vỗ tay.

– Nhưng mà thôi anh ạ em bỏ hết rồi, không quan tâm văn chương nữa. Thôi xin phép anh chị em về, về thăm má với bà ngoại, tối em ra nói chuyện với anh nhé!

Nguyễn Sơn Phong đứng lên ra đường, anh sững lại, một cô gái đẹp lộng lẫy đang thong thả đi về phía bờ sông.

– Diễm! Diễm!

Phong reo lên, cô bạn thời thơ ấu, mười năm không gặp lại, Phong sững sờ trước vẻ đẹp rực rỡ của nàng.

– Anh Phong!

Diễm lao tới ôm chầm Phong, hai người trẻ hồn nhiên trước mặt Lụa và nhà thơ.

Hai người bạn trẻ nắm tay chạy về phía cây gừa cổ thụ bên dòng sông, nơi mà thời thơ ấu họ đã cùng nhau đi tìm ổi rài. Kỷ niệm ùa về với họ giữa những tiếng va đập của con nước vỗ bờ. Họ nắm tay nhau, ký ức giống nhau như hai sinh thể ấy, chỉ có một linh hồn:

“Bờ sông Đồng Nai với những hàng cây bằng lăng trổ hoa tím ngát. Cây gừa buông bộ rễ hững hờ trên mặt nước như những cô gái ngồi chải tóc bên sông. Mùa hè đến, bờ sông lảnh lót bài hòa tấu rộn ràng của bầy chim chích chòe về ăn trái gừa chín. Phong và Diễm lang thang dọc bờ sông với cái cần câu không có mồi vì cá nhiều vô kể, Phong chỉ cần ném lưỡi câu không xuống nước là có thể câu được những con cá to như bắp tay. Mùa nước lên có thể bắt được những con cá ngược to như thân cây chuối, mùa nước rút cá con bay vun vút, mang rổ hứng chừng vài chục phút về kho tiêu ăn không hết… Lúc rảnh hai đứa đi kiếm ổi rài, mùi ổi thơm suốt cả chiều dài tuổi thơ.”

Bất ngờ Phong ôm Diễm, anh đặt nụ hôn lên đôi môi hồng đào của em. Diễm hưởng ứng cuồng nhiệt như trong những giấc mơ hàng đêm của em, khi em nằm trong vòng tay của Tư Ngồng.

Lẽ ra phải mô tả những diễn biến tâm lý phức tạp từ người bạn nhỏ đến khi gặp lại rồi yêu nhau, rồi dằn vặt như những tiểu thuyết tình cảm thường mô tả nhưng thực tế cuộc tình của hai người trẻ tuổi không xảy ra như vậy. Ngay trong buổi tối hôm ấy, họ lao vào nhau. Họ cặp tay nhau ngang nhiên giữa bàn dân thiên hạ. Trong khách sạn duy nhất của cù lao, họ làm tình suốt đêm, làm tình trong tình trạng hưng phấn liên tục, ngấu nghiến nhau bằng tất cả sức lực tuổi trẻ.

Biết chuyện bà Năm Trầu thở dài:

– Đúng là rau nào sâu nấy!

Chị Ba Thược tỏ ra không vui, vì chị biết rõ Diễm là ai, nhưng chị không thể can thiệp. Không gì có thể ngăn cản trước tình yêu và tuổi trẻ. Nó mạnh mẽ như thác lũ thượng nguồn của dòng sông Thanh Long, cuốn phăng tất cả những lực cản trên đường nó đi qua. Ngày xưa chị cũng vậy. Ôi tình yêu và tuổi trẻ! Đó là thứ vàng ròng, thế hệ của chị và của Lan đã ném vào cuộc chiến tàn bạo, hay nói chính xác là chính cuộc chiến này đã hút tất cả tài sản quý báu của thế hệ chị. Nguyễn Sơn Phong, con trai của chị với người lái xe Nguyễn Phong trên đường Trường Sơn đã sống đúng như tuổi trẻ cần sống. Sẵn sàng vứt bỏ những thứ nó không thích, và sẵn sàng chết cho tình yêu. Thế hệ này sẽ sửa chữa những sai lầm của cha ông nó.

Hôm sau, Phong cùng Diễm rời khỏi cù lao, Diễm bỏ lại sau lưng tất cả những thứ mà nàng phải trả giá bằng thời con gái để có. Gặp Phong, Diễm mới thấy trên đời này không có gì quý bằng tình yêu.

 

 

CHƯƠNG 38

 

“Ranaga, umberuta, ramaga…” Ông rùng mình khi nhớ lại câu thần chú mà cha ông đã dạy.

 

Nếu chịu khó lắng nghe dòng sông nơi ông đã sinh ra, chắc chắn ông đã học được ở dòng sông sự bao dung, chắc chắn dòng sông đã giúp ông trôi đi những phồn tạp, phù phiếm, lòng hận thù mà chiến tranh và cuộc đời đã mang lại cho ông. Khi còn sống với ông, Diễm thường dẫn ông đến một ngôi nhà thờ cổ bên sông, ở đó Diễm đã cầu nguyện. Ông chẳng mấy tin vào tôn giáo, dòng họ ông bao nhiêu đời nay chẳng theo một tôn giáo lớn nào cả. Ông chỉ thờ cúng tổ tiên và tin rằng tổ tiên của ông mới là chủ của vũ trụ, rằng chỉ có cụ tổ nhà ông mới sở hữu được quyền lực từ lưỡi dao mang lại.

Ông lướt đi trên sông, đến ngã ba sông, nơi ngày xưa đi học về nấp dưới hang cây đa thần trên bờ cù lao và chứng kiến vụ thảm sát tang thương. Đó chính là động cơ khiến ông bỏ lại sau lưng cái tương lai vào đại học ở Sài Gòn để tham gia cách mạng. Câu chuyện của ngày xưa, mà trong những tháng ngày vật lộn chốn quan trường đã làm ông quên đi mất, quay lại trong ký ức khi ông không còn thể xác:

“Cả một vùng ngã ba sông đẫm màu máu, tiếng gầm rú của máy bay, những quả bom đen trũi trút xuống. Những tiếng nổ long trời, lở đất, nước sông cùng với máu bắn lên bầu trời, thịt xương của những người lính phủ kín cả khoảnh rừng dừa nước ven sông. Sau bốn mươi năm hình ảnh kinh hoàng ấy lại rõ mồn một trong trí nhớ của ông. Sau đợt thả bom lần thứ nhất gần một giờ đồng hồ, loạt máy bay thứ hai xuất hiện khi mặt trời sắp lặn. Lần này máy bay quần đảo liên tục và thả nhiều bom hơn, thời gian lâu hơn. Bầu trời đen kịt vần vũ máy bay, bom, đạn cối.

Máu loang cả khúc sông, xác người chồng chất, đa số là không còn toàn vẹn thân xác. Sau này đi chiến đấu, ông mới biết nguyên nhân vụ thả bom ấy qua các buổi học chính trị.

Năm đó, quân đội ngoại quốc đưa ra kế hoạch bình định có trọng điểm miền Nam trong vòng hai năm. Ngã ba sông đoạn dòng sông bị cù lao Dao chẻ làm đôi, là nơi tập kết của bộ đội đặc công. Quân đội ngoại quốc được lệnh oanh kích các mục tiêu di động trong vùng chiến sự. Lần ấy, cả đại đội bị hủy diệt. Sức tàn phá của vũ khí hiện đại, đã tạo ra thảm cảnh kinh hoàng mà ông tin rằng không có nơi nào trên thế giới cuộc chiến lại tàn bạo như vậy.”

Ông đã đi chiến đấu vì lý tưởng, vì tình yêu quê hương đất nước. Khi hòa bình ông có chức, có quyền và đặc biệt nắm trong tay quyền lực bí mật từ lưỡi dao, ông đã thay đổi. Chàng trai đầy lý tưởng cao đẹp ngày xưa đã thực sự chết, trong những tham vọng tầm thường.

Những điều ông đã làm trong cuộc chiến không có gì đáng hối hận. Ông chỉ hối hận là khi làm quan chức, ông đã quá tham vọng và sân si. Bóng trăng lại dẫn ông đi…

Ngôi nhà thờ cổ nằm giữa vườn bưởi ngạt ngào hương thơm. Khi Diễm ngước lên pho tượng Đức Mẹ để cầu nguyện, em xinh đẹp một cách lạ lùng, nhìn gương mặt thánh thiện ấy, ông lại nghĩ về những chuyện phàm tục. Ông ngạc nhiên với một người đàn bà quằn quại trong hoan lạc lại khác xa người đàn bà đang cầu nguyện, dù cũng thể xác ấy.

Ông trở lại ngôi nhà thờ cổ vào một đêm trăng, sau khi ông quyết định giết Diễm, người đã phản bội ông, nhưng ông thất bại. Ông chờ đợi quyền lực từ lưỡi dao mang lại, thì bất ngờ ông nghe đau nhói ở tim và ông thấy mình nhẹ bổng, ông bốc lên cùng ánh trăng. Lúc ấy, ông biết mình đã chết. Lẽ ra ông không bước vào thế giới song song này, nếu ông biết lắng nghe dòng sông. Ông lướt trên mặt sông và bất ngờ ông đến ngôi nhà thờ cổ, nơi ngày xưa Diễm đưa ông tới. Ánh trăng bàng bạc, dòng sông vẫn vậy, êm đềm, từng trải. Mùi hương hoa bưởi đã dẫn linh hồn ông trở lại nhà thờ. Ông giật bắn người khi nhìn thấy cô gái đang quỳ trước tượng Đức Mẹ.

Diễm!

Hóa ra Diễm không đi đâu xa, cô quanh quẩn bên Lộc Hòa và trở về cù lao sau khi ông chết. Diễm đang quỳ với chàng trai trẻ, người đã quyến rũ Diễm bỏ ông. Cầu nguyện xong, họ hôn nhau dưới chân tượng Chúa. Lạ thay, ông không thấy một chút hờn ghen hay hận thù. Ông biết chắc chắn mình đã rời khỏi thế giới vật chất, một thế giới bao dung và độ lượng như dòng sông quê ông. Mọi người đã đến khóc bên thi thể ông, kể cả những người mà khi sống ông đã không phải với họ, như má Năm Trầu, chị Ba Thược…

Ông đậu xuống cạnh tượng Chúa, nhìn đôi trẻ âu yếm nhau. Ông ngạc nhiên với vẻ thánh thiện của cô gái. Áo dài trắng, gương mặt ngây thơ, Diễm hoàn toàn khác với cô gái bia ôm diêm dúa trong nhà hàng karaoke Hạnh Phúc. Hoàn toàn khác lúc còn là gái bao của ông. Cô chưa bao giờ hôn ông say đắm và ngất ngây như vậy. Ông không ngờ trên đời lại có tình yêu. Cuộc đời ông, là sự cưỡng đoạt. Ông chiếm đoạt Lan, cô gái quê, từ tay của Trần Đình, bằng thủ đoạn. Ông chiếm đoạt Biển, giám đốc ngân hàng, bằng quyền lực. Ông chiếm đoạt Diễm, bằng tiền. Tham vọng, độc ác khiến ông đã quên mất một thứ còn có quyền lực hơn quyền lực vô hình từ lưỡi dao, quyền lực đó là tình yêu. Bây giờ ông mới biết thì đã quá trễ. Nếu còn được trở lại thế giới vật chất, chắc chắn ông sẽ yêu, ông hứa như vậy.

– Có thể ông sẽ không được trở lại thế giới vật chất.

Tư Ngồng giật mình khi nghe có người nói ra ý nghĩ của mình. Ông quay lại, ông già râu tóc bạc phơ, gương mặt của người dân tộc Mạ, nhìn ông.

– Vì sao thế thưa cụ?

– Ông sẽ hiểu khi tích tụ đủ nguồn năng lượng Ranaga.

– Năng lượng Ranaga!

“Ranaga, umberuta, ramaga…” Ông rùng mình khi nhớ lại câu thần chú mà cha ông đã dạy cho ông để phát huy lưỡi dao quyền lực. Ngày đó ông không hiểu câu thần chú có ý nghĩa gì. Bây giờ thì ông lờ mờ hiểu. Ông khẽ thốt lên: Ranaga.

Ông già Mạ trầm giọng:

– Ông sẽ mất nhiều thời gian để tích tụ lại năng lượng Ranaga. Ở thế giới vật chất, ông đã tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho tham vọng, hận thù, quyền lực và ông chưa hề có tình yêu, chưa hề biết yêu và chưa hề được yêu. Cuộc đời ông bị phủ kín bởi những âm mưu đen tối. Tuy nhiên, ông cũng chỉ có một phần lỗi, bởi nguyên nhân chính là do lưỡi dao quyền lực đã mang lại cho ông.

– Thưa cụ đúng như vậy. Từ nhỏ tôi không hề có tham vọng hận thù, cho tới khi tôi được cha tôi dạy cho tôi cách sử dụng lưỡi dao.

– Ta biết, đó là sứ mệnh của dòng họ Trương Phước, một sứ mệnh nghiệt ngã. Giá như ngày xưa ông tổ của người đủ dũng cảm để từ chối nó, thì dòng họ Trương Phước của người sẽ không rơi vào bi kịch ở thế giới vật chất. Đó là định mệnh.

– Thưa cụ!

– Đã đến giờ chúng ta phải đi.

Ông cụ quay lưng, Tư Ngồng thấy mình lướt đi theo ông cụ không thể cưỡng lại được. Giá như còn ở thế giới vật chất ai kéo ông đi như vậy, ông sẽ trừng trị họ ngay, nhưng ở thế giới này, ông chẳng thấy chút khó chịu nào cả.

 

CHƯƠNG 39

 

Chuyện kể cuối cùng của nhà thơ:

“Phụ nữ sinh ra những giấc mơ và các vị thần, họ mạnh hơn đàn ông gấp trăm lần…”

 

Đêm cuối năm, mặt trăng bị đám mây màu bạc che phủ, gió từ sông hun hút thổi dọc theo con đường đất. Hai bên đường dãy nồi chưa nung đang phơi sương im lìm, bất động như đoàn quân ma trong hoang tháp cổ. Những ngôi nhà lợp ngói âm dương, ẩm thấp rêu phong lặng lẽ bên những hàng cau cao vút. Dưới không gian buồn tẻ ấy, cái bóng to lớn của hắn lồ lộ như con vật thời tiền sử. Trong lòng bàn tay, lưỡi dao ánh lên màu xanh lạnh lẽo, cán dao chạm trổ những hình thù quái dị. Hắn hướng về phía của dòng sông, nơi mặt trăng đang rọi thứ ánh sáng ảm đạm xuống dòng nước, hắn quỳ xuống, đúng hơn là hắn ngồi trên hai gót chân. Hướng mặt về phía thành phố Lộc Hòa, nơi có ngôi nhà và hai con người đang say sưa trong hoan lạc, đó là ngôi nhà mà hắn đã phạm nhiều tội ác để thỏa mãn sở nguyện của nàng. Ngày đặt chân đến ngôi nhà này, nàng đã reo lên mừng rỡ và thưởng cho hắn một ánh mắt âu yếm, ánh mắt liêu trai ấy khiến cho một kẻ từng “chọc trời khuấy nước” như hắn rũ rượi, gục ngã ngay từ lần đầu gặp mặt. Hắn đắm chìm trong sung sướng của kẻ yêu và được yêu (hoặc ít ra hắn cũng có ảo tưởng như thế). Tinh thần thép mà cha hắn luyện cho hắn trong những ngôi tháp cổ âm u huyền bí ngày xưa đã chảy rũ ra dưới gót chân của nàng.

Hắn quỳ xuống, đúng hơn là ngồi trên hai gót chân, lòng bàn chân hướng lên bầu trời, hai bàn tay nắm chặt chuôi dao găm. Đưa ánh mắt vằn những tia máu hận thù, nàng đang âu yếm với một gã đàn ông đốn mạt nhất của vùng này, hắn mường tượng ra cảnh ấy thật dễ dàng.

Ngọn lửa hừng hực cháy trong người, hắn nghe rõ ngọn lửa ấy cuồn cuộn khắp châu thân. Dòng nham thạch chảy dần xuống lòng bàn tay, cả người lạnh dần, hai bàn tay nóng rực lên, lưỡi dao trong tay phát ra màu xanh lạnh lẽo chết chóc đến rợn người. Chỉ vài giờ nữa thôi gã kia sẽ phải chết và nàng cũng phải chết, nàng phải trả giá cho sự phản bội này. Từ khi hắn có quyền lực bí mật trong tay đến giờ, chưa ai phản bội hắn mà có thể sống sót trên cuộc đời này, hắn bắt đầu tập trung vào ý nghĩ ấy.

 

***

 

– Nào hãy quỳ trước Người, đấng Hủy hoại, Người thâu tóm cả thế giới vào mình và thấm vào mọi vật

Người đàn ông có gương mặt của xác ướp trong ngôi mộ cổ đã lầm rầm đọc lời cầu nguyện giữa những ngọn tháp đổ nát, trước mặt ông, dưới chân của pho tượng đá vĩ đại, con dao trong tay ông sắc lạnh chỉa mũi nhọn hoắt vào ngay cổ của thằng bé đang quỳ bên cạnh. Lưỡi dao ấn dần vào cổ thằng bé, một giọt máu rỉ ra trên màu da cháy nắng, thằng bé vẫn im lặng bất động, mắt nhắm nghiền. Rừng thẳm âm u xung quanh những ngọn tháp cổ. Trăng thượng tuần rải thứ ánh sáng bàng bạc ma quái xuống những bụi chà là gai góc, những bụi sim nở hoa tím u buồn, những bụi cỏ lau phất phơ và đám cỏ tranh run rẩy dưới ngọn gió đêm lướt qua, lành lạnh, ma quái. Một trung niên, một trẻ quỳ lặng lẽ như thế từ lúc mặt trăng nhô lên khỏi đỉnh núi đá. Người đàn ông vẫn đọc những bài sấm khó hiểu, thằng bé đang cố luyện tập để trở thành pho tượng.

– Vô số thủ cấp kẻ thù của Ngài bị lưỡi kiếm của Ngài chém rụng nơi trận tuyến bay tan tác trên trời cao và hiện ra như những chiếc đầu lìa khỏi xác, kẻ thù của mặt trăng và là mẫu thức ăn cho các thượng đẳng thần.

Đọc xong bài sấm ký, người đàn ông chỉ tay vào trong cánh rừng âm u phía sau những ngọn tháp đổ:

– Con có thấy lưỡi gươm lạnh lẽo bay vun vút, những chiếc đầu vung vãi?

– Thưa cha con nhìn thấy cánh rừng và những trái ươi đang rơi.

Người đàn ông quắc mắt, cặp mắt rực lửa chiếu thẳng vào thằng bé:

– Cần phải biết nuôi dưỡng lòng căm thù, con có thấy máu và những cái đầu lâu đang rụng không?

– Thưa cha con đã thấy – Thằng bé run rẩy đáp.

– Kính xin thần linh vĩ đại hãy ban cho con quyền uy sức mạnh làm vỡ tim kẻ thù bằng lưỡi dao này, Ranaga…

Đọc xong lời sấm nguyện, người đàn ông nâng lưỡi dao lên cắm phập vào vách đá trước mặt, khi lưỡi dao rút ra thằng bé dường như trông thấy vách đá rỉ máu trước khi nó kịp lành lại như ngàn năm trước.

Người đàn ông đứng lên và thằng bé đứng lên, cả hai rời khỏi khu tháp cổ, men theo sườn núi cheo leo để trở về làng. Ra khỏi núi, ngôi làng nhỏ hiện ra, dưới ánh trăng mờ ảo những ngôi nhà tranh hiền lành nép dưới những hàng tre. Họ hướng về ngôi nhà tranh nhỏ nằm chơ vơ giữa gò, hai cây cau cao vút vươn lên, một hình ảnh buồn man mác. Khi cánh đồng và làng quê hiện ra thằng bé bỗng trở nên lanh lợi khác thường. Gương mặt hồn nhiên trong trẻo, ngước cặp mắt ngây thơ nhìn cha mình và nhoẻn miệng cười. Nó tung tăng qua trảng cỏ may và nhảy nhót giữa đám cỏ. Thằng bé ngây thơ ấy sau này lại trở thành kẻ giết người và tự giết chính mình.

 

***

Hắn nhớ lại những gì đã đi qua tuổi thơ của hắn. Hắn nhìn con dao trong tay. Mẹ hắn đã chết vào một đêm trăng. Bà ấy cùng với người đàn ông khác, hai người chết trong tư thế hỗn mang của thời cổ sơ. Không cần phát huy quyền lực, ông đâm thẳng lưỡi dao vào lưng hai người. Cha hắn nhìn hai người bằng đôi mắt vằn lên những tia máu. Con dao trong tay ông ánh lên màu thép xanh lạnh lẽo, màu của tử thần.

Đêm ấy, ông đã ném hắn lên con thuyền và ra khơi, hắn lênh đênh trên biển, nhiều ngày đến nỗi hắn không còn biết thời gian đã trôi qua như thế nào. Những con cá chuồn bay vun vút đập vào mạn thuyền, những con hải âu u buồn đớp sóng. Biển cả rực lên những ánh lân tinh ma quái, mênh mông và cô độc. Cha hắn đã dừng lại vùng đất này, cha hắn tách biệt thế giới bên ngoài. Khi con thuyền dừng lại bên sông, ông đưa hắn vào ngôi chùa lợp bằng tranh. Ánh trăng trong vắt soi hàng cau và những dãy nồi đất hai bên đường. Những cái nồi nhảy múa, hắn đã thấy như vậy. Đói! Hắn nghe có mùi cơm cháy, hắn nhai ngấu nghiến một cái nồi đất. Vị sư già, u ám cũ kỹ như chiếc nồi đất hắn đang nhai. Ông ẳm hắn lên đưa vào trong chùa, hắn thiếp đi. Khi tỉnh dậy, mặt trăng đã chếch rọi vào cửa chùa, hắn len lén nhìn cha hắn và vị sư già ngồi đối diện nhau. Im lặng như xác ướp. Trước mặt cha hắn là con dao. Hắn nghe có giọng nói từ đâu đó vọng lại, không phải của cha hắn, không phải của nhà sư, họ đang ngồi bất động. Giọng nói từ thinh không, từ địa ngục, hoặc một nơi nào đó rất xa.

Vị sư già nhìn cha hắn với ánh mắt lạnh lẽo, chuỗi tràng hạt trong tay trôi chậm rãi trên bàn tay nhăn nheo của ông, giọng nói mơ hồ phát ra từ thinh không.

– Người đã phạm sai lầm rất lớn, đúng hơn là một tội ác, người không được sát hại người phụ nữ, không dành cho họ lòng hận thù, bởi vì phụ nữ sản sinh ra những giấc mơ và các vị thần.

Cha hắn khẽ rùng mình, vị sư già thật chậm rãi đưa lưỡi dao cạo sáng quắc lên đầu của cha hắn. Từng lọn tóc rơi xuống. Hắn trở lại với những giấc mơ về núi đồi huyền bí và dòng sông hắn đã đi qua.

Sáng hôm sau, cha hắn nhìn hắn bằng ánh mắt vô hồn, lạnh và ác như mắt của loài cá.

Hắn đã sống giữa những cuộc đối thoại vô nghĩa giữa cha hắn và nhà sư.

Hắn đã sống nhờ vào dòng sông, hắn lén chạy ra bờ sông để tranh ăn những trái gừa chín với lũ chim. Hắn nướng cá, mùi thơm ngập cả ngôi chùa. Những đêm trăng hắn bật dậy vào làng đập vỡ những cái nồi đất và nhai ngấu nghiến. Hắn thèm ăn thứ quái quỷ này kể từ đêm đầu tiên đặt chân đến đây, hắn căm ghét ánh mắt hiền từ của nhà sư. Khi cái vật giữa chân hắn cựa quậy, hắn thích thú nấp trong các bụi cây ven sông, để nhìn trộm những người đàn bà tắm. Vào một đêm trăng sau khi đã ăn thỏa thuê món nồi đất, hắn rời chùa không quên mang theo con dao của cha hắn, hắn biết sức mạnh của thứ quái gở này. Hắn sẽ tiêu diệt những kẻ thù của hắn.

 

***

 

Hắn vẫn quỳ trên gót chân của mình tập trung vào một ý nghĩ, nhưng những gì trong quá khứ cứ diễn ra trong đầu hắn.

 

***

 

Ra đi với lưỡi dao trong tay, hắn lang thang nhiều ngày, nhiều tháng qua những khu vườn ngờm ngợp cây trái, hắn ăn những trái cây rụng. Khi cảm thấy thèm thịt hắn tìm cách siết cổ con chó bằng đôi tay tàn bạo và dùng lưỡi dao để lột da, con dao mà hắn thường mang theo bên người. Hắn kiên quyết từ bỏ món “nồi đất” nhưng không thể được, nhiều đêm hắn lẻn vào nhà bếp của các nông dân nhai ngấu nghiến cái nồi đất cũ bên đống tro tàn. Khi sự lạnh lẽo của cuộc sống cô độc tăng dần năm tháng, hắn khao khát một cuộc sống gia đình, bằng cách nào đó, có thể là khơi gợi lòng thương hại của đám đàn bà, hắn đã trở thành đầy tớ trong một gia đình chủ vườn bưởi bên bờ sông. Hắn khỏe mạnh, vạm vỡ, đen trũi, hoang dã. Nữ chủ nhân của khu vườn ở trong biệt thự sang trọng bên sông, bà thường ngồi nhìn ra cửa sổ xem hắn làm việc. Hắn vác những bao tải chứa đầy phân với các cơ bắp cuồn cuộn. Hắn dại người đi trước cặp ngực đồ sộ như hai trái bưởi đường trong khu vườn của bà. Lão chủ vườn đầy kẻ hầu người hạ và tỳ thiếp, nhiều đến nỗi lão không nhớ hết người trong nhà của mình. Nhưng đối với hắn lão nhớ rất rõ và dành cho hắn sự căm ghét tương đương hoặc có thể nhiều hơn sự ưu ái mà bà chủ dành cho hắn. Đến ngày lão bắt gặp bà chủ xoa tay lên bộ ngực vạm vỡ của hắn, lão tỏ ra nhẹ nhàng hơn với hắn. Cặp mắt cười cười của lão già báo hiệu một tai họa lớn sẽ ập trên đầu hắn, nhưng hắn không ý thức được chuyện này.

Một ngày mưa bão âm u, đám đầy tớ trong nhà được triệu tập lên nhà trên, chủ nhà thông báo đã bị mất một số tiền lớn. Đám tâm phúc được chỉ định đi lục xét, lão chủ nhà nằm trên bộ ngựa lim dim hút thuốc phiện, lâu lâu ném về phía hắn một tia nhìn độc ác và thù hận.

– Bẩm ông đã tìm thấy tiền.

– Thằng nào lấy.

– Thằng này – Gã đầy tớ chỉ vào mặt hắn.

– Hừ – Hắn cười khẩy.

Gã đầy tớ tâm phúc ném cái túi của hắn xuống sàn nhà, trong đó văng ra gói giấy bạc.

– Tiền ở đâu mày có?

Không đợi hắn trả lời, lão chồm dậy ném cái bàn đèn về phía hắn:

– Bọn đầy tớ chúng mày thằng nào cũng mang sẵn trong máu ba tính xấu là ăn cắp, làm biếng và nói dối, tao còn lạ gì, đánh chết cha nó cho tao.

Đám tâm phúc lao đến quật ngã hắn xuống và thi nhau nện gậy lên người, hắn không cầu xin, hắn cay đắng nhận ra việc hành hạ hắn đã được chuẩn bị từ trước. Những tên đồ tể lực lưỡng và những cây gậy cũng đã chuẩn bị sẵn. Khi cơ thể hắn mềm nhũn, lão chủ nhà vạch quần đái vào mặt hắn và ra lệnh:

– Mang nó ném ngoài bờ sông.

Đám đầy tớ tâng công với chủ, thi nhau nhổ nước bọt vào hắn.

– Lũ khốn nạn, rồi chúng mày sẽ biết tay! – Hắn thều thào nguyền rủa với đôi môi sưng vều và gương mặt thâm tím.

Những ngọn gió từ dòng sông luồn vào da thịt lạnh buốt, giúp cho hắn tỉnh dậy. Thân thể tơi tả như miếng giẻ rách, hắn chồm về phía tay nải mà bọn đầy tớ của lão chủ nhà ném theo cho hắn. Cặp mắt hắn sáng lên khi con dao vẫn còn trong ấy. Hắn nắm chặt chuôi dao, gầm lên:

– Rồi chúng mày sẽ trả giá!

Hắn lê bước về lại ngôi chùa bên sông, cha hắn đã chăm sóc hắn bằng tất cả sự tận tụy của kẻ nô bộc. Sau khi khỏe mạnh hắn bỏ đi, hắn đi về phía thượng nguồn, cha hắn dõi mắt nhìn theo cho đến lúc vị sư già nhẹ nhàng đặt bàn tay lên vai ông.

Rất lâu cha hắn không biết tin của hắn và cũng không biết hắn đi đâu, nhiều năm trôi qua, khi vị sư già viên tịch, ông trở thành sư trụ trì của ngôi chùa cổ bên sông. Một hôm, đi hóa duyên qua ngôi nhà của ông chủ vườn bưởi ngày xưa, ông giật mình nhận ra thằng con trai của ông. Hắn đã trở thành ông chủ mới, hắn với bà chủ tươi cười khoác tay nhau đi dạo trong vườn. Chính trận đòn thập tử nhất sinh hắn chịu đựng, khiến bà chủ xiêu lòng và đón nhận hắn trở lại sau khi ông chủ chết bất ngờ trong một đêm trăng. Bà chủ đẻ cho hắn thằng con trai, hắn đặt tên là Trương Phước Tư, nhưng sau đó dường như phát hiện ra hắn có điều gì đó bất thường, bà chủ đã đóng cửa lên gác để tụng kinh gõ mõ hàng đêm, sự lạnh nhạt của bà chủ khiến hắn bắt đầu sa đọa. Nhà sư đứng bên hàng rào và nghe hai người làm vườn nói chuyện với nhau về nó, ông khẽ rùng mình khi ánh thép của lưỡi dao lóe lên trong đầu ông.

Hắn đã trở về sau nhiều năm biệt tích giang hồ, người đàn bà nhận ra hắn ngay. Sau ngày hắn ra đi, bà bị đối xử lạnh nhạt và bà luôn nhớ hắn. Đêm ấy, hắn đã ngồi xếp bằng ngoài vườn suốt đêm với lưỡi dao. Sáng hôm sau, người ta phát hiện lão chủ vườn đã chết, chết bình yên, chết vì đau tim, sau khi hút thuốc phiện lão đi ngủ và mãi mãi không ngồi dậy nữa. Tang lễ hoàn tất, hắn ở lại trong ngôi nhà mà hắn đã từng bị đánh đập và lăng nhục.

 

***

 

Hắn sống cuộc đời sung sướng, có đầy đủ, sự lạnh nhạt của bà chủ khiến hắn nhận ra hắn thiếu một thứ đó là tình yêu, hắn chưa yêu và chưa được ai yêu. Trong một lần đến nhà thổ hắn gặp nàng, hắn yêu, lần đầu tiên hắn biết yêu. Nàng nóng bỏng và hoang dại như hắn. Hắn đã chuộc nàng ra khỏi chỗ ấy và lén lút bà chủ cung phụng mọi sở thích của nàng, nhưng cuối cùng nàng đã phản bội hắn để chạy theo một tên khốn nạn và đêm nay, lần thứ hai hắn quyết định sẽ sử dụng quyền lực bí mật từ lưỡi dao.

Sau khi dạy cho thằng con trai mười lăm tuổi cách sử dụng con dao, hắn quyết định phải hành quyết nàng.

Hắn nói với con trai:

– Trương Phước Tư, con phải nhớ, không ai được qua mặt người của dòng họ Trương.

Hắn quyết định giết nàng. Nhưng nàng đã không chết, mà hắn chết, chết trong tư thế ngồi, tay nắm chặt lưỡi dao lạnh lẽo, không một vết thương nào trên cơ thể, hắn đã chết vì bể tim. Khi thực hiện nghi thức giết người bởi quyền lực bí mật, hắn không biết rằng hắn chưa đủ nội lực để giết chết phụ nữ, cho dù đó là một cô gái điếm, bởi họ đã sinh ra những giấc mơ và các vị thần, họ mạnh hơn đàn ông gấp trăm lần… Thằng con trai của hắn cũng không biết điều đó.

Thằng con trai âm thầm lấy lưỡi dao trước khi người ta phát hiện xác của hắn.

 

CHƯƠNG 40

 

Lưỡi dao ma quái trở lại để hoàn thành sứ mệnh của nó. Nó sẽ hủy diệt nơi đã sinh ra nó. Nhưng tình yêu đã cứu được cả thế giới.

 

Đám ma của Tư Ngồng linh đình nhất từ trước đến nay ở cù lao. Người xe tấp nập như ngày giỗ của Đức Ông. Trong quán cà phê của Lụa, mọi người bàn tán xôn xao về cái đám ma của ông ta. Cơ quan pháp luật vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của cái chết bí hiểm này, đành tin vào câu chuyện cuối cùng của nhà thơ, một câu chuyện mà chắc chắn không bao giờ được khoa học chấp nhận. Bảy Tánh tếu táo:

– Người ta nói, ăn cơm Tàu ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, bây giờ phải thêm là: chết ở Việt Nam, linh đình quá!

Lụa cười:

– Người ta làm quan mới được như thế, chứ như tụi mình chết chỉ có bà con xóm giềng, chứ làm gì đông như thế. Xe cộ ngờm ngợp.

Bảy Tánh chép miệng:

– Tội nghiệp cô Lan, đi tu mà chưa thoát nợ, hôm nay phải lo đám tang cho Tư Ngồng, trông cô ấy buồn lắm. Cái hôm mà thằng Thắng chết, cô ấy nổi điên chạy lung tung, tôi đuổi theo không kịp, tưởng cổ tự tử, ai dè tỉnh lại cổ lên chùa.

– Khi nào chôn Tư Ngồng vậy anh Bảy?

Bảy Tánh thò tay vào túi áo, lượm cục đường bỏ vào miệng và nhồm nhoàm nói:

– Nghe nói tối nay chôn, lão chết cũng lựa ngày có trăng đẹp mới chết.

– Sao lại chôn buổi tối vậy?

– Nghe mấy ông thầy bên thành phố về bấm quẻ nói lão chết trùng nên phải chôn lén.

– Ừ! Hồi đó cha ổng cũng chết ngày rằm, rồi thằng Thắng cũng chết ngày rằm, ổng cũng vậy. Lạ thật!

– Ủa nhưng mà gia đình lão còn ai đâu mà sợ chết trùng, hết rồi?

– Biết đâu lão có con rơi. Nhớ hôm con Diễm theo thằng Phong, lão lồng lộn như người điên, biết đâu con Diễm đã mang thai với lão.

– Không đâu, bọn trẻ bây giờ khôn lắm, chúng muốn có mới có, muốn không là không, thiếu gì dụng cụ tránh thai.

 

***

 

Buổi tối hôm ấy, trước khi Tư Ngồng được chôn.

Buổi tối, trăng sáng, trên chiếc thuyền câu, ánh trăng bàng bạc huyền bí, lãng đãng giữa mênh mông nước. Họ neo chiếc thuyền câu lại giữa dòng. Kể từ ngày cha mẹ mất đến nay, Lụa mới đặt chân lên con thuyền mỏng manh này lần đầu. Lần này có anh, cô thấy tự tin. Cô đã yêu anh ngay từ lần đầu anh đến đất này. Anh quen thuộc lạ lùng, cô không thể hiểu nổi, cô gặp anh tự bao giờ? Lụa nhìn anh:

– Trước khi anh đến cù lao này, em chưa từng gặp anh, không hiểu sao em lại yêu anh ngay lần đầu ấy?

Nhà thơ mỉm cười:

– Em hãy nhắm mắt lại!

Lụa nghe lời anh, cô khép mắt, gương mặt cô thánh thiện và xinh đẹp lạ lùng dưới ánh trăng. Giọng anh đều đều vang lên:

– Em hãy nghĩ về đồi núi trập trùng với màu tím mênh mang của hoa sim, hoa mua, những bụi tre kẽo kẹt day dứt dưới những cơn gió nồm và mùi hương quyến rũ của hoa dủ dẻ giục giã tuổi thơ trốn ngủ trưa đi lùng sục các bụi bờ cỏ dại, những dòng sông trong vắt giữa đôi bờ cát trắng lóa mắt, dưới cái nắng mùa hè gay gắt.

Lụa bắt đầu nhìn thấy như giấc mơ, cô thấy một khung cảnh xa lạ, một vùng đất mà cô chưa từng đặt chân đến. Cô thấy mình, cô bé tóc vàng đen đúa, đang nắm tay cậu con trai cũng đen đúa như mình chạy giữa cánh đồng đầy những gốc rạ. Chạy dọc bên bờ sông trong xanh, cát trắng lóa mắt. Cô thấy mình lớn lên, cô thấy anh và cô hôn nhau. Thật lạ lùng cô không thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra trong đời mình.

– Em hãy mở mắt ra!

Lụa mở mắt, trước mặt cô chiếc bàn nhỏ, có ảnh của cha mẹ cô, cha mẹ anh, một bình hoa, bát nhang và hai chiếc nhẫn, anh nắm tay cô:

– Chúng ta làm lễ thành hôn em nhé.

– Dạ.

Lụa trả lời anh như quán tính. Họ lạy cha mẹ, trao nhẫn và hôn nhau giữa dòng sông.

Đứng trên bờ Hải và Lài ẵm con theo dõi từ khi hai người lên thuyền. Họ làm gì giữa dòng sông vào đêm trăng sáng huyền hoặc này? Hai người nín thở chứng kiến lễ cưới lạ lùng và có lẽ duy nhất kể từ khi đất cù lao hình thành cho đến nay.

Nhà thơ và Lụa chèo thuyền vào bờ, theo dân cù lao đưa đám ông Tư Ngồng. Trước khi đến đám ma, đôi mắt của anh tăm tối khác thường, Lụa lo lắng hỏi:

– Có chuyện gì vậy anh?

– Sắp có chuyện buồn, nhưng đó là định mệnh!

Lụa rùng mình, cô biết nhà thơ của cô biết rõ chuyện quá khứ và tương lai. Cô tin vào thế giới song song mà anh thường nói cho cô nghe. Nhà thơ trầm ngâm nhìn đăm đăm qua bên sông, anh đang đứng trên cù lao cô độc và mỏng manh, nhìn quầng sáng của thành phố. Anh nhớ cuộc đối thoại của anh với ông già tiên tri trong thế giới phi vật chất:

“- Lưỡi dao sẽ trở lại cù lao, khi nó vào tay ai người ấy sẽ trở nên tham vọng độc ác. Trương Phước vốn là quan văn đầy ưu tư cho đất nước, nhưng chẳng may duyên kiếp khiến y có con dao trong tay. Nó có thể hủy diệt tất cả, trừ tình yêu hay chính xác hơn là những người phụ nữ biết yêu. Tình yêu là một thứ quyền lực cao hơn mọi thứ quyền lực khác. Sau khi giết Trần Đại, bị bãi quan trở về bản quán miền Trung, Trương Phước hối hận giấu kín con dao không cho ai biết, nhưng lưỡi dao ma quái ấy không chịu ngủ yên. Nó trở lại trong tay của một người đàn ông là cháu của Trương Phước và tồn tại cho đến ngày nay. Nó trở lại để hoàn thành sứ mệnh: hủy diệt nơi đã sinh ra nó.

– Nơi lưỡi dao sinh ra?

– Đúng. Đó là cù lao Dao. Nó sẽ được ném xuống mộ của người cuối cùng trong dòng họ Trương Phước, bởi một người đàn bà thánh thiện. Người đàn bà ấy đã bị đọa đày đến tận cùng đau khổ trong thế giới vật chất, nhưng bà ấy là con người thánh thiện.”

Khi về sống ở cù lao, anh kiểm chứng tất cả những điều mà ông già tiên tri đã nói, anh biết hôm nay là ngày cuối cùng của cù lao.

Đám rước bắt đầu khởi động, đuốc và đèn xe hơi ngoằn ngoèo ra nghĩa trang bên bờ sông. Nhìn gương mặt đăm đắm của nhà thơ, Lụa sợ hãi nép vào vai anh. Dường như cô nghe anh thì thầm:

– Em yêu! Em là Linh Chi yêu dấu trong tiền kiếp của anh.

Trước khi huyệt mộ được lấp lại, Bảy Tánh chen vào ném xuống mộ một gói đường lớn. Ni cô Diệu Lan rút trong tay nải ra lưỡi dao ánh lên màu ma quái, cô ném lưỡi dao xuống mộ. Nhà thơ ôm chặt Lụa, anh nhắm mắt nhớ lại mô tả của ông già tiên tri.

 

“Khi lưỡi dao ném xuống huyệt, cù lao rùng rùng chuyển động, dòng sông Thanh Long tạo ra dòng xoáy khổng lồ, bọt đục ngầu. Vòng xoáy càng lúc, càng nhanh, cù lao sẽ dựng lên và cắm vào lòng sông, đúng như cái cách mà lưỡi dao cắm vào trái tim người đang nằm ngủ, vài phút sau dòng sông đỏ ngầu và rộng mênh mông, không còn thấy cù lao đâu nữa. Dòng Thanh Long như con rồng bị lưỡi dao xuyên qua tim và mãi mãi nó không còn xanh trong nữa. Long mạch đã bị cắt đứt.”

 

Mọi người lần lượt ra về, Miên Trường ôm chặt Lụa giữa nghĩa trang hoang vắng, những nhân vật suốt chiều dài đau đớn của doi đất giữa dòng Thanh Long diễu qua đầu anh. Miên Trường cảm thấy đất dưới chân mình từ từ dựng lên, mặt trăng mờ dần, bầu trời vần vũ mây đen. Lụa run rẩy trước thái độ kỳ lạ của chồng, cô rướn người gắn nụ hôn say đắm vào môi anh. Đám mây bay qua, ánh trăng huyền ảo lại tỏa xuống cù lao.

Miên Trường sực tỉnh, mọi việc đã không xảy ra như lời tiên tri. Lần duy nhất lời tiên tri của ông già Mạ không đúng sự thật. Hóa ra thế giới vật chất này có quy luật riêng của nó không lệ thuộc vào thế giới song song.

Cù lao vẫn tồn tại với bà Năm Trầu và chị Ba Thược thích đấu tranh, Bảy Tánh thích ăn đường và sư bà tụng kinh hàng đêm với giọng già nua hiền hậu. Thầy giáo Nguyễn Trí vẫn đọc Lục Vân Tiên cho bọn trẻ con nghe. Trăng vẫn sáng bàng bạc trên những vườn bưởi trĩu quả.

Đêm ấy, Miên Trường và Lụa hợp cẩn, cô nghe dòng máu nôn nao cuồn cuộn trong người và cô biết sẽ có sinh linh mới hình thành trên đất cù lao. Lụa thì thầm bên tai anh:

– Cám ơn người đàn ông đầu tiên của đời em, em yêu anh!

Anh vào trong nàng quá dễ dàng, anh biết sự tái sinh của nàng vẫn còn hậu quả từ tiền kiếp, sau cái đêm anh bỏ quê hương, xóm làng. Nhưng điều đó đối với anh không quan trọng, bởi anh ngộ ra rằng tình yêu đã cứu thế giới này, tình yêu mới thực sự có quyền lực và sức mạnh.

 

Viết xong tại Ngõ Hạnh thư quán ngày 20.11.2008

N.M