Nguyễn Một – Đất trời vần vũ (chương 24 – 28)

(Tiếp theo 19 -23)

CHƯƠNG 24
 
“Cù lao Dao có lịch sử hay không?” Chẳng còn quan trọng đối với anh nữa…
 
Mặt trời đã lên cao, Hải xếp gọn đống sách vở vào tủ rồi đi ra vườn. Anh vươn vai hít thật sâu làn không khí trong lành. Ngày hôm qua, nhà trường đã làm lễ tổng kết năm học, kỳ nghỉ hè đúng vào dịp mùa trái chín. Các thầy cô giáo có một tháng nghỉ ngơi, trước khi vào mùa hành xác với những giáo trình nhàm chán, được đặt tên “bồi dưỡng nghiệp vụ”. Cù lao đã nhộn nhịp từ sáng sớm, những người hái trái cây làm việc từ lúc những tia nắng hồng vừa ló dạng phía dòng Thanh Long. Trai gái cù lao hái bưởi, chặt mía. Họ trèo cây thoăn thoắt, vừa làm việc vừa hát chọc ghẹo nhau. Ghe thuyền nườm nượp dưới sông chở hàng lên chợ lớn, sang Trung Quốc, mọi người làm việc không ngơi tay, chỉ có bọn trẻ con là sướng. Mùa hè, chúng tha hồ rong chơi. Cù lao rộn rã tiếng hát, tiếng rì rào của dòng sông, tiếng răng rắc của cành khô gãy vụn dưới chân người, mùi mật mía găn gắt thơm nồng, mùi bưởi nhè nhẹ thoảng trong gió.

“Cù lao Dao có lịch sử hay không?” Chẳng còn quan trọng đối với anh nữa. Anh yêu cù lao, bởi con người chân chất, đất đai hiền hòa. Vợ anh, cô giáo Lài siêng năng mẫn cán, vừa đảm việc nhà, vừa giỏi việc nước. Lúc rảnh anh cũng phụ vợ làm việc nhà. Ai lại bắt phụ nữ vừa “đảm việc nhà lại giỏi việc nước”. Câu này ác quá! Anh nghĩ vậy. Sáng sớm, vợ anh về chơi bên chị Lụa. Thấy thau quần áo đầy ắp, anh bưng xuống bờ sông để giặt. Anh chỉ lén giặt khi vợ vắng nhà, Lài không cho anh làm việc này. Mỗi lần anh giặt đồ hay nấu cơm là chị giành:

– Đàn ông ai làm ba cái việc kim chỉ này, nhỏ nhen con người ra, để đó cho em.

– Anh thấy áy náy quá.

– Trời sinh ra đàn ông để làm việc lớn.

– Đó là những người tài, chứ như anh, gõ đầu trẻ, kiếm sống qua ngày, khi rảnh phụ vợ chứ làm gì?

– Rảnh thì đọc sách, nâng cao kiến thức, giáo viên văn mà không đọc sách có gì mà dạy, dân toán tụi em học ở sư phạm thừa để dạy cấp hai. Còn dân văn khác, không cập nhật không được.

Đàn bà xứ này được giáo dục ngay từ nhỏ, là không để chồng làm việc nhà, lạ thật, họ không bị ảnh hưởng chút nào với quan niệm mới “giúp việc nhà cho phụ nữ là văn minh”.

Cha Hải, dân Hà Nội vào miền Nam lập nghiệp, cha anh từng làm trong ngành công an, bị kỷ luật. Miền Bắc thời sổ gạo mà bị kỷ luật là bi kịch lớn. Ba năm, chạy vạy đủ cửa ở thủ đô, xin việc không được, gia đình đói khổ. Ông quyết định vào miền Nam sinh sống. Xuống bến xe miền Đông, chưa biết về đâu, số phận run rủi thế nào ông gặp lại người tù vừa ra trại. Người tù mà vì anh ta, ông mất việc. Bảy Tánh đưa ông về cù lao và cắt bán thiếu cho ông mấy sào vườn, giá gần như cho không. Từ mảnh vườn nhỏ trên cù lao, ông đã nuôi con ăn học, dựng vợ gả chồng. Khi Hải lấy vợ, ông cho anh mảnh vườn này và về ở với con gái lấy chồng miệt vườn Long Khánh.

Nhờ người vợ đảm đang, Hải tìm hiểu đọc những sách lịch sử, triết học, văn học và anh vỡ ra nhiều điều mà nhà trường không dạy cho anh.

Anh nhận ra miền Nam có dòng văn học thật đặc biệt. Văn học miền Nam không có “thiên tính nữ” như miền Bắc. Suốt cả thời gian dài, văn chương miền Bắc không có nhân vật cho ra đàn ông, nhân vật nam mềm yếu, nhợt nhạt. Còn ở miền Nam những nhân vật rất “khai khẩn”, nào Lục Vân Tiên, nào Hớn Minh, nào Vương Tử Trực. Anh nhận ra tại sao học sinh chê tác phẩm bất hủ của cụ Đồ. Khi viết: “Ai ơi lẳng lặng mà nghe” cụ Đồ khẳng định Lục Vân Tiên phải đọc lên, chứ không phải “Cảo thơm lần giở trước đèn”, như cụ Nguyễn Du. Thơ cụ Đồ phải đọc hùng dũng, chứ không phải đọc diễn cảm ẻo lả. Anh đã thành công khi giúp cho học sinh của anh yêu và hiểu giá trị của dòng “văn học khai khẩn”.

Anh làm cả đề tài khoa học về vấn đề này, nhưng rất tiếc không được chấp nhận. Ngành giáo dục, các quan chức giáo dục quá bảo thủ. Anh chỉ còn biết chia sẻ chuyện này với nhà thơ Miên Trường.

Học trò rất mê giờ dạy của Hải. Nhưng chưa bao giờ anh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Bao nhiêu lần hội giảng, thanh tra xếp loại “khá” là hết sức. Các thầy thanh tra phê bình anh không bám sát sách giáo khoa, mà “sách giáo khoa là pháp luật!”. Chỉ có thầy tổ trưởng tổ văn là ủng hộ anh. Thầy bỏ phiếu “giỏi” nhưng một mình thầy không chống lại được các thầy thanh tra của phòng giáo dục cử về.

Hải ra trường, trước khi được về gần nhà anh đã dạy học ở vùng quê, cách nơi anh ở gần hai trăm cây số. Những tháng ngày ở đó anh đã vượt qua nỗi cô quạnh nhờ tình yêu. Anh tìm cách về lại quê hương để cưới vợ và sinh sống. Nghe đâu, cha anh phải tốn mấy cây vàng anh mới được đổi về gần nhà. Anh buồn lắm, thời buổi gì mà đến ngành giáo dục cũng có tham nhũng thì còn ra cái thể thống gì! Về cù lao, Hải bắt đầu tiếp cận cuộc sống theo hướng khác và anh tin những gì nhà thơ nói. Có một thế giới song song tồn tại với thế giới vật chất này, đó là điều mà trước đây anh không hề tin.

– Hải ơi! Hải! Mày đang làm gì đó?

Bảy Tánh ló mặt qua hàng rào dâm bụt kêu lớn. Bảy Tánh, người đàn ông lái heo, nhiều người trong làng không ưa ông. Trước kia ông làm cảnh sát cũng bị người ta ghét, bây giờ làm cái nghề người ta không ưa, nhưng Hải thích ông, phần vì ông là ân nhân của gia đình anh, mặt khác anh thấy ông chơi rất Nam bộ, tính cách rất Nam bộ, chơi hết mình.

– Dạ cháu đang phơi đồ. – Vừa trả lời ông, anh vừa giũ chiếc áo sơ mi treo lên.

– Hôm nay mồng tám tháng Ba, tôi giặt giùm bà cái áo của tôi hả?

– Chú Bảy nhiễm nhà thơ rồi sao?

– Ha ha thơ gì tao, con cóc cho vui, sao sánh được với nhà thơ Miên Trường, thôi qua nhà tao làm ly cho vui, có thầy Trí nữa đó. Hôm nay, tao kiếm được cái dồi trường ngon lắm!

– Dạ! Chú đợi con phơi xong ba cái đồ.

– Ừ! Mày được đó, để con Lài chửa vượt mặt còn bưng đồ ra sông tao thấy tội nghiệp quá. Hôm trước tao thấy nó cực, tao nói, thằng Hải hư quá, hôm nào tao qua cho một dao chọc tiết. Con Lài bảo, tự nó muốn giặt, nó binh mày quá xá!

– Thiệt đó chú Bảy, hôm nay tranh thủ cô ấy về thăm chị Lụa, cháu làm đại đó chứ.

– Qua nghen.

Bảy Tánh xăm xăm đi về nhà. Vườn của anh, chính là vườn của Bảy Tánh ngày xưa để lại cho cha anh, lúc làm đường thua lỗ Bảy Tánh bán thêm mớ nữa, thành chẳng còn bao nhiêu.

Bàn rượu có ba người, Hải, Bảy Tánh và thầy Trí. Bình rượu Hòa Long, dĩa dồi trường hấp hành nóng hổi. Bảy Tánh ngắt khúc bỏ vào mồm nhai:

– Dzô! Dzô! Ha ha, uống đi quý thầy! Hai thầy là niềm tự hào của Bảy Tánh này đó, ai ngờ thằng đồ tể cũng có hai ông bạn là thầy giáo.

Thầy Trí lên tiếng:

– Đồ tể cũng là người, có gì đâu anh Bảy cứ nói quá!

Bảy Tánh vừa nhai, vừa tự mỉa mai mình:

– Nửa người, nửa ngợm thì có.

Hải lẳng lặng rót đầy ly cho hai người lớn. Thầy Trí là người anh kính trọng, thầy là tổ trưởng tổ văn, suốt đời “an bần lạc đạo” không dạy thêm, tận tụy với nghề, bị kỷ luật đuổi khỏi ngành, thầy vẫn cọc cạch xe đạp dạy mấy đứa nhỏ lớp tình thương bên chùa. Vợ la, thầy bảo: “Ở nhà nhớ học sinh lắm, chết sớm!” Thầy chỉ có mỗi nhược điểm là hay uống rượu. Thầy rất thân với Bảy Tánh. Vì mối thâm tình và vì cái nghèo mà nhiều thầy cô trong trường coi rẻ thầy. Mỗi khi rượu say, thầy lại khóc, ôm bất kể người nào kế bên để khóc. Ba người làm xong bình rượu Hòa Long, mặt mày đỏ kè, thầy Trí ôm Hải:

– Hải ơi! Tôi thương em quá, đời dân mình khổ quá, đất nước mình nghèo quá! Thầy giáo nghèo quá! Hu hu!

Hải quen với cảnh này. Nhớ hồi mới chuyển về đây, Bảy Tánh mời thầy Trí và anh qua nhậu, mới gặp nhau, thầy say và cũng ôm anh khóc như vậy. Anh cảm động lắm. Hôm sau, anh lên trường, gặp thầy giờ thao giảng, thầy lạnh như băng, y như chưa quen biết anh vậy. Sợ quá anh chạy qua nhà Bảy Tánh hỏi:

– Chú Bảy ơi! Chú Bảy, hình như hôm qua con làm gì cho thầy Trí giận hay sao đó chú?

– Ủa sao mày hỏi vậy?

– Hôm qua, thầy mới ôm con, nói thương con, mà hôm nay thầy lạnh như băng vậy?

– Ha ha, tưởng gì, mỗi lần lão ấy say là lão ấy thương cả thế giới, chứ giận đéo gì mày. Khi tỉnh lại lên trường lão nghiêm khắc với bọn giáo trẻ như mày ngay, đừng lo.

Ra thế! Anh thở phào nhẹ nhõm. Quả thật, mỗi khi uống rượu, thầy Trí lại ôm người ngồi gần để khóc kể về thân phận con người, thân phận dân tộc, thân phận đất nước.

– Thầy Hải?

– Dạ!

– Hồi xưa, tôi đi dạy học mỗi tháng lãnh có mười ba ký bắp mà yêu nghề lắm em biết không?

– Dạ!

– Thằng con trai tôi bệnh không có tiền chữa, nếu nó còn sống cũng bằng tuổi em.

– Dạ!

– Hồi xưa…

– Thôi uống đi ông thầy giáo già, hồi xưa hoài.

Trong số ba người, Bảy Tánh là người uống khá nhất, rất ít thấy ông say túy lúy như thầy Trí. Ực ly rượu, Bảy Tánh quay qua Hải:

– Mày biết không? Đời người có năm cái hồi. Hồi thứ nhất là hồi nhỏ, rồi lớn biết yêu là hồi hộp, lúc trung niên là hồi đó, già như thầy Trí là hồi xưa và cuối cùng là hồi trống.

Tùng! Tùng! Tùng!

– Đó! Mày có nghe tiếng trống bên nhà Tư Ngồng không? Hồi trống để đưa mình ra nghĩa địa. Thầy Trí sắp tới hồi cuối cùng rồi. Ha ha uống đi.

Bảy Tánh nói về cái chết nghe vô cảm, khiến Hải rùng mình. Nhà ông Tư Ngồng, sát bên trường anh dạy, ông mới qua đời đêm hôm qua.

– Thôi cháu xin phép.

– Sao mày về sớm thế?

– Cháu chạy qua đám ma nhà bác Tư chút, chắc bây giờ khâm liệm rồi, mới đánh trống đó.

– Mày cứ bình tĩnh, hồi còn sống lão có coi đám giáo viên như mày ra cái gì đâu mà mày nôn nóng.

– Dạ “nghĩa tử là nghĩa tận” mà chú Bảy.

– Nói vậy thôi, chứ đợi tối, tao với mày qua. Nhưng thôi, mày về đi để con Lài nó về bất tử, nó thấy mày nhậu, nó la.

Hải đứng lên…

Tùng… tùng… Tiếng trống trầm buồn vang lên từ phía sau trường học.
 
 
CHƯƠNG 25
 
Lục Vân Tiên chết rồi, mà Hớn Minh, Vương Tử Trực cũng chết cả rồi.
 

Theo lời dạy của cha, Nguyễn Hữu Trí theo học ngành sư phạm, chưa hết năm thứ nhất trường Đại học Sư phạm thì có lệnh “tổng động viên”. Hàng ngày, cảnh sát dã chiến và quân cảnh lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, học sinh các trường đại học đều phải tham gia lớp dự bị sĩ quan. Trí bị bắt đưa vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế. Cha anh đã phải cắn răng cắt mẫu đất trong khu đất hương hỏa, chạy cho Trí khỏi phải đi quân dịch. Miếng đất nằm bên bờ sông, hàng năm đón nhận phù sa từ thượng nguồn đổ về nên trái bưởi to như đầu người, ngọt lịm. Anh ruột của Trí đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên rừng Mã Đà, anh thứ hai thì lại đi lính Cộng hòa, không biết sống chết lúc nào. Cha cố giữ thằng con trai duy nhất, để sau này có người thờ cúng tổ tiên. Ba tuần trong quân trường, Trí được cho về địa phương với cái giấy miễn dịch. Sau bốn năm dùi mài kinh sử, Trí tốt nghiệp sư phạm với tấm bằng loại ưu. Anh xin về dạy ngay trên cù lao, nơi ngày xưa ông sơ, ông cố, ông nội anh đã từng dạy học. Ngày chế độ thay đổi, cùng thầy cô giáo, Trí nô nức đón mừng niềm vui đất nước thống nhất. Lúc đầu Trí cũng lo không biết mình còn được đứng trên bục giảng nữa hay không, nhưng ít hôm sau Ủy ban Quân quản mời thầy cô giáo tập trung cải huấn, để chuẩn bị khai giảng năm học mới. Trí vui mừng khôn xiết, thế là anh vẫn được chính quyền mới tin dùng. Cuộc đời của Trí hẳn sẽ êm ả trôi đi với “bảng đen phấn trắng, hoa phượng sân trường” nếu anh không quá cả nể. Gia đình có truyền thống, anh ruột là liệt sĩ nên thầy Trí được đưa vào diện “quy hoạch”. Ông Bí thư Chi bộ xã, năm lần bảy lượt mời thầy Trí tham gia chính quyền địa phương và rồi anh tham gia chính quyền mới. Buổi sáng làm việc ở xã, buổi chiều đứng lớp, ban đêm dạy bổ túc cho cán bộ, thầy Trí rất khổ sở với lớp học “không biết ai lấy nỏ thần của An Dương Vương!” Thời bấy giờ các thầy cô giáo gọi các lớp bổ túc như thế, nó xuất phát từ câu chuyện lan truyền trong giáo giới rằng:

“Thầy giáo dạy văn, tranh thủ sau giờ giảng thầy thử kiểm tra kiến thức đám học trò, thầy hỏi:

– Các anh chị có biết ai là người lấy cắp nỏ thần của An Dương Vương không?

Sau một hồi im lặng một học viên đỏ mặt đứng lên quát:

– Thầy hỏi thế là có ý gì? Lớp chúng tôi toàn cán bộ đi học có ai tham nhũng như thế đâu!”

Lớp thầy Trí chủ nhiệm, do đồng chí Chủ tịch xã làm lớp trưởng, ông là người “triệt để cách mạng” nên học hành khá nghiêm túc, chỉ tiếc lâu quá không cầm viết nên bàn tay cứ cứng quèo. Lớp trưởng có giọng nói oang oang như chuông đồng, giờ làm việc cũng như giờ học, lúc nào ông cũng kè kè cây súng ngắn bên hông, trông phát khiếp! Ba Chuông có sở thích uống máu bò nóng, trong xã có ai làm đơn xin mổ bò, ông xin họ bát tiết đầu tiên, ông xuống tận nơi cầm bát tiết nóng uống đánh ực rồi đưa tay chùi hai mép đỏ lòm. Trẻ con trong xã khóc nhè dỗ không nín, bà mẹ hét lên: “Ông Ba Chuông kìa!”, thế là trẻ nín khe, đố đứa nào dám tỉ tê. Khi có ai làm cho ông giận dữ, ông hăm dọa bắn nát óc người đó, nhưng chưa ai thấy ông bắn bao giờ. Có lần đám thanh niên đánh nhau, can không được ông rút súng nhưng không bắn mà chọi vào giữa đám trẻ, khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Khẩu súng văng ngay vào hũ nước mắm của bà Tư bánh bèo, làm ông phải chùi rửa hàng giờ liền. Tính tình bộc trực và đôi khi thô lỗ nên ông không được lòng cán bộ trong xã. Ông Ba Chuông rất kính trọng thầy Trí, việc gì cũng hỏi ý kiến thầy, thầy góp ý, ông cẩn thận ghi chép vào sổ tay. Dạo ấy mọi thứ đều quốc doanh hóa, muốn giết thịt con heo cũng phải xin phép, nhưng ở cù lao Dao, ông Ba Chuông cho phép nhân dân tự do mổ bò, mổ heo để cung cấp cho dân trong xã. Nhiều cuộc họp trong Ủy ban ông bị chỉ trích về tội hữu khuynh! Ba Chuông đứng lên gay gắt:

– Thời chiến tranh dân đói đã đành, bây giờ hòa bình dân muốn ăn miếng thịt cũng không được hay sao?

Buổi chiều, ngồi uống rượu với thầy Trí, ông kể:

– Thầy biết không, hồi trong căn cứ Bàu Hàm giặc bao vây ba tháng, anh em ăn chuối xanh vàng cả mắt, tôi mò về ấp mang theo khẩu B40 dộng thẳng mấy quả vô trong đồn lính địa phương quân, bọn chúng sợ vỡ mật, tôi vào ấp nhờ cơ sở của ta móc nối, mua cả đoàn xe cam nhông gạo. Lúc ấy phải linh động như thế mới thắng được giặc, chứ cứng ngắc như giờ có mà ăn cám.

Đùng một cái ông Ba Chuông bị bắt về tội tổ chức vượt biên, khi bị còng tay, ông nói với thầy Trí:

– Tôi bị oan, tôi không có sao đâu thầy đừng lo.

Hai hôm sau, thầy Trí cũng bị còng tay vì có chứng cứ thầy là đồng bọn của Ba Chuông. Sau hai năm bị giam cầm, vụ án sáng tỏ, ông Ba Chuông và thầy Trí được tha về. Ông Ba Chuông hàng ngày chèo thuyền đi câu lươn ven sông không màng chuyện thế sự. Khu vườn thầy Trí đã được trưng dụng gần hết chia cho cán bộ xã. Mấy năm liền hỏi xin lại đất nhưng cán bộ xã cứ hẹn lần. Thầy vác đơn kiện khắp nơi, tỉnh chuyển về huyện, huyện chuyển về xã, xã bảo để chờ xem xét. Thầy không được bố trí công tác, vì có án tù và có anh trai làm lính Cộng hòa, cải tạo về rồi vượt biên, không có việc làm, thầy Trí ngồi nhà viết đơn thuê cho dân cù lao. Văn hay chữ tốt, được dân tin cậy nên thầy viết hàng chục lá đơn từ chuyện tố cáo cán bộ xã tha hóa đến chuyện ly dị của những cặp vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt”. Năm sau, thầy Trí bị bắt lại vì chuyện xúi giục dân chúng gây rối! Bảy tháng tám ngày ở tù, thầy lại được cho về với lệnh tạm tha! Không bỏ cuộc, thầy tiếp tục theo kiện đòi lại mảnh đất hương hỏa. Hàng chục năm trôi qua, nợ nần chồng chất, thầy Trí vẫn kiên trì đi tìm công lý…

Ba Chuông bị bắt, Tư Nghĩa lên làm chủ tịch xã, thầy Trí tuyệt vọng, vì Tư Nghĩa cũng được chia miếng đất trong khu vườn của thầy. Bất đắc chí thầy kết bạn với Bảy Tánh và bà Năm Trầu, xã xếp thầy vào loại công dân cứng đầu.

Mỗi chiều, sau một chầu rượu say túy lúy, thầy vừa đi vừa hát, lũ trẻ chạy theo sau lưng la lớn:

– Thầy ơi thầy hát Lục Dân (Vân) Tiên đi thầy!

– Dân Tiên, dân tiễn, dân tiền

Ai cho tôi tiền, tôi hát Dân Tiên

Xong câu mở đầu thầy vứt xe đạp ngồi bên vệ đường, lũ trẻ ngồi xếp bằng xung quanh. Thầy bẻ cây mía giả làm đờn kìm và hát:

Dân (vân) Tiên ghé lại bên đàng.

Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông dô.

Miệng kêu bớ đảng hung đồ

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân…

Phong Lai mặt đỏ rần rần

Thằng nào lại dám lẫy lầng (lừng) vào đây

Phong Lai chưa kịp trở tay

Bị Tiên một gậy, thác rày mạng dong (vong)

– Thầy hát về Vương Tử Trực đi thầy:

Vợ Tiên là Trực chị dâu

Chị dâu em bạn dám đâu lỗi nghì

Chẳng hay người học sách chi

Nói ra những tiếng dị kỳ khó nghe.

– Chẳng có đánh nhau gì cả, thầy hát về Hớn Minh đi thầy.

Đi dừa (vừa) đến huyện Tây Mi… nh.

Có con quan huyện Đặng Sinh là chàng

Giàu sang ỷ thế dọc ngang

Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì

Tôi bèn nỗi giận một khi… cái mà tôi bèn nỗi giận một khi.

Vật chàng xuống đất… mà… bẻ đi một giò.

Mình làm nỡ để ai lo

Bó tay chịu trói, nộp cho huyện đàng…

– Hay quá, hoan hô ông Hớn Minh. – Lũ trẻ ngây thơ reo lên…

Nhìn những đôi mắt trong veo của đám trẻ, thầy khóc:

– Các cháu biết không? Hu hu, Lục Vân Tiên chết rồi, mà Hớn Minh, Vương Tử Trực cũng chết cả rồi.

Thầy lượm chiếc cặp rách mà thầy để bên vệ cỏ lên, những lá đơn rơi ra, cả chồng đơn xin lại đất. Thầy vừa khóc, vừa tung chồng đơn lên trời:

– Hu hu Lục Vân Tiên chết rồi, Hớn Minh chết rồi!

Thầy loạng choạng đi về. Lũ trẻ ùa vào lượm những tờ giấy chúng xếp máy bay ném trắng xuống mặt sông Thanh Long đang lững lờ trôi…
 
 
CHƯƠNG 26
 

Chuyện kể của nhà thơ:

Dục vọng như dòng nước chảy xiết của thượng nguồn dòng Thanh Long hùng vĩ, nó dễ dàng cuốn trôi tất cả những bông hoa đẹp đẽ nhất, nếu tình cờ rơi vào dòng xoáy của nó.

Trương Phước tước Hầu, Thống suất cả Biên Trấn và Phiên Trấn nhưng ông ước muốn được sở hữu cù lao Dao, một vùng đất sầm uất nằm giữa con sông màu mỡ. Ông vốn là một nhà thơ, một nhà địa lý, là kẻ sĩ của đất nước, không nhiều tham vọng, nếu ông không có cuộc gặp gỡ định mệnh với nữ hoàng của thế giới song song. Lưỡi dao quyền lực đã làm cho ngọn lửa dục vọng bốc cháy, nó hủy hoại tất cả những tố chất tốt đẹp trong ông. Từ cù lao về lại xứ Quảng, đêm đêm thế lực huyền bí thúc giục ông chẻ pho tượng đá. Quả nhiên trong pho tượng có lưỡi dao và tấm da dê hướng dẫn cách sử dụng. Ông mang con dao và tấm da dê vào vùng đất của vương quốc cổ trong núi Chúa, nơi mà cha ông đã từ quan đi tìm vàng và vĩnh viễn nằm lại cùng với giấc mơ hoàng kim. Cha ông đã có thể sống cuộc đời bình an với chức quan nhỏ mà bổng lộc đủ nuôi sống cả gia đình, nếu người không quá mê vàng. Vàng! Vàng! Cha ông thường kêu lên như vậy trong những giấc mơ. Cha ông tin rằng người Chàm để lại vàng trong các hoang tháp, dưới hình dạng những đồ vật hoặc con vật. Người dân kể rằng vàng Hời ai nhặt được sẽ gặp tai nạn vì người Chàm đã ếm vào những thỏi vàng ấy.

Bầu trời đỏ sẫm, mặt trăng ló dạng, những bụi sim nở hoa tím ngát, chuyển mình dưới những cơn gió nhẹ, các Chiêm nữ đang lướt đi trên những ngọn cây chà là um tùm xung quanh tháp. Ông ngồi xuống và đọc câu thần chú: Ranaga…

Thời gian trôi qua, ông nghe luồng hơi lạnh lẽo chuyển từ lưỡi dao lên đầu ông. Ông nghĩ tới viên quan mà ông rất căm ghét trong triều đình. Hôm sau, về đến nhà, ông nghe tin viên quan ấy đã chết. Ông rùng mình: “Thật khủng khiếp!”

Ông đã thành công khi dùng được lưỡi dao. Bằng quyền lực mà nó mang lại ông leo dần lên nấc thang danh vọng và bằng quyền lực bí mật ấy, ông đã dần loại trừ các đối thủ của ông trên quan trường. Ông bắt đầu phát phì thể xác và mục ruỗng trí tuệ bởi những dục vọng tầm thường của đời sống. Đôi khi lương tâm của ông cũng lóe lên nuối tiếc những tháng ngày thánh thiện khi ông còn trẻ, nhưng dục vọng như dòng nước chảy xiết của thượng nguồn dòng Thanh Long hùng vĩ, nó dễ dàng cuốn trôi tất cả những bông hoa đẹp đẽ nhất, nếu tình cờ rơi vào dòng xoáy của nó. Ông đố kỵ với thành công rực rỡ của cha con Trần Thượng công trong công cuộc mở đất. Ông đố kỵ với sự ưu ái thái quá của Chúa dành cho cha con họ. Tài năng của ông chưa chắc đã thua họ, chỉ tiếc ông là người đến sau. Trước khi vào miền Nam nhậm chức, Chúa nói riêng với ông:

“Công trạng của cha con Trần Tướng quân rất lớn với Nam hà của ta. Người vào miền Nam tuy chức vụ cao hơn, nhưng cũng không nên tỏ ra hống hách với họ Trần”.

Lời của Chúa, khiến ông nảy ra ý định làm cho cha con Trần Thượng công thân bại danh liệt. Chứ giết họ thì quá dễ.

Dinh Biên Trấn, tối nay đèn đuốc sáng rực. Quân lính tấp nập ra vào, chuẩn bị đón tiếp đại thần triều đình. Theo chiếu chỉ, thì ngày mai, Vĩnh ân hầu Nguyễn Triêm sẽ đến Biên Trấn điều tra về sự vụ của Định viễn hầu Trần Đại. Nghe tin, Trương Phước giật mình, ông cứ ngỡ rằng với tấu trình của ông cùng sự bỏ trốn của Trần Đại thì âm mưu của ông hoàn tất. Không ngờ Trần Đại lại quay về triều đình. Từ khi có lưỡi dao đến nay, ông chưa để ai qua mặt. Trong lời hướng dẫn trên miếng da dê, thì lưỡi dao có thể giết bất kỳ ai, trừ những người có chân mạng đế vương. Ngày mai, Nguyễn Triêm đến, tai họa cũng sẽ đến với ông. Là bạn đồng môn, Trương Phước biết rõ tính khí Nguyễn Triêm, một con người cương trực và ngay thẳng. Nhờ đức tính đó Nguyễn Triêm được Chúa Thượng tin cẩn và thay mặt Chúa đi kinh lý nhiều nơi trong nước. Các tham quan ô lại, nghe tên Nguyễn Triêm là chết khiếp.

Để Trần Đại sống, tai họa khó lường! Trước khi Nguyễn Triêm đến, Trần Đại cần phải chết, nếu không cuộc đối chất của ông với triều đình sẽ vô cùng nhục nhã. Trương Phước lấy lưỡi dao từ dưới chân tượng của bàn thờ. Ông ra vườn, hướng mặt về dòng sông…

Sáng hôm sau, Trương Phước chọn người hầu hạ Nguyễn Triêm. Những cô gái Nam hà trắng trẻo và màu mỡ như phù sa vùng đất mới, được tuyển lựa kỹ càng. Trương Phước tin rằng, đàn ông bao giờ cũng có nhược điểm lớn là khó qua ải mỹ nhân.

Nguyễn Triêm đến, cù lao cờ hoa rợp trời, các cô gái xiêm y rực rỡ đón ông xuống thuyền, Nguyễn Triêm nhíu mày. Trương Phước vồn vã đón rước vị đại thần.

Nguyễn Triêm lắng nghe Trương Phước trình sự việc Trần Đại thông đồng quân Chân Lạp, giả thua để quân Chân Lạp chiếm Vũng Gù và Cầu Nôm. Nghe xong Nguyễn Triêm không có thái độ gì, ông nói với Trương Phước:

– Đất đai của quốc gia là quan trọng, chuyện của ngài và Định viễn hầu ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ sau. Ngay bây giờ ta yêu cầu ngài thả ngay gia quyến của Định viễn hầu ra rồi tập trung quân binh, hợp với đoàn quân triều đình trừng trị bọn Chân Lạp.

– Xin tuân mệnh.

– Ông đưa Định viễn hầu phu nhân lên gặp ta ngay.

– Bẩm vâng! Bay đâu, đưa Định viễn hầu phu nhân lên đây!

Mạc tiểu thư ủ rũ được hai thị tỳ dìu lên đại sảnh đường. Mạc tiểu thư quỳ lạy, Nguyễn Triêm lật đật đứng lên đáp lễ.

Mạc tiểu thư ràn rụa nước mắt:

– Xin tướng quân cứu phu quân của thiếp, cả nhà thiếp và nhà phu quân luôn trung thành với triều đình.

– Ta hiểu, hiện triều đình đang tìm hiểu vụ việc, xin phu nhân bớt âu sầu giữ gìn ngọc thể. Trong lúc chờ kết quả, xin phu nhân theo ta, về tạm tá túc tại nhà của Mạc Tổng trấn.

– Đa tạ tướng quân, họ Mạc và họ Trần đời đời tận trung triều đình và ghi ơn tướng quân.

Đoàn quân triều đình, rầm rập tiến về Vũng Gù, quân Chân Lạp vừa thấy bóng quân triều đình bỏ chạy tán loạn. Nguyễn Triêm đuổi theo đến tận thủ đô đối phương. Ông bắt vua Chân Lạp khai ra việc của Trần Đại và ông đủ chứng cứ cho thấy Trương Phước vu hại trung thần. Ông phế truất vua Chân Lạp, lập vua mới rồi mới kéo quân về. Xong việc ông đưa Mạc tiểu thư đến gởi cho Mạc Tổng trấn, rồi lệnh giải Trương Phước về kinh đô.

Trần Đại bay theo đoàn quân đến tận thủ đô Chân Lạp và đến tận Hà Tiên, tất nhiên không ai nhìn thấy chàng, chỉ một lần, một lần duy nhất Mạc tiểu thư nhìn thấy chàng, trong đêm trăng khi nàng hạ sinh Trần Cơ, giọt máu của gia tộc họ Trần – người sau này sẽ quay lại cù lao gầy dựng cơ nghiệp của cha ông. Trần Đại nhìn nàng với ánh mắt dịu dàng và khuất dần trên mặt nước mênh mông của Đông Hồ, Hà Tiên trấn…
 
 
CHƯƠNG 27
 
Người cuối cùng của dòng họ Trần Tướng quân bị bắn bảy phát đạn vào đầu.
 
Tùng tùng… tù… ùng… tùng…

Một hồi trống vang lên từ phía nhà dài, vọng lại u… ù rồi tỏa đi khắp các nương rẫy. Lũ làng lần lượt kéo nhau về tụ tập dưới chân nhà dài. Lâu rồi, lâu lắm rồi, tiếng trống của người Mạ mới vang lên như thế. Kể từ dạo lính ngoại quốc đổ quân về đây, dọc quốc lộ ken đặc những người lính cao to giắt đầy vũ khí quanh người. Hàng ngày, bom rơi, đạn nổ. Người Mạ không đủ cơm ăn, mùa lúa về không còn lễ hội cúng Yang. Đây là ngôi làng cũ của Thăm, khi vượt sông theo đoàn quân giữ nước, Trần Đình không ngờ mình chiến đấu trên quê hương của Thăm.

Ngôi nhà dài, nơi diễn ra lễ hội thâu đêm, đã đổ xuống sập xệ, bụi phủ đầy xà nhà và mặt trống. Con gái quên bài hát, con trai quên đánh chiêng. Vậy hôm nay ai đánh trống? Đánh trống để làm gì giữa tháng Bảy mưa dầm này? Trái bắp ngoài rẫy đã đóng sữa, bí rợ nở bông vàng rực. Người Mạ sắp có cái ăn, giữa ban ngày gọi lũ làng về làm gì? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu của dân làng. Khi nóc nhà dài thấp thoáng hiện ra, bầu trời bỗng rung lên tiếng gầm rú của máy bay trực thăng ầm ào, cánh quạt chém gió phành phạch, cây bắp ngã rạp. Quá quen cảnh tượng này nên dân bản thản nhiên tiến về phía nhà dài. Họ ngước cặp mắt vô cảm nhìn những người lính ngoại quốc ngồi bên cửa máy bay. Trên cầu thang viên sĩ quan người ngoại quốc và viên thông ngôn đang nói chuyện với trưởng bản. Viên thông ngôn dịch lại:

– Ngài Giôn yêu cầu ông hãy bảo mọi người, ngay bây giờ phải theo quân đội về ấp mới, ở đó chính phủ đã làm nhà sẵn, sẽ phát cái ăn cho họ. Hãy về ấp mới cho an toàn, vì lúc này bọn VC đang lẩn lút trà trộn trong dân chúng để chống phá chính phủ và quân đội đồng minh.

Trưởng bản quay về dân làng lí nhí:

– Quan lớn ra lệnh ngay từ bây giờ dân làng phải về sống trong ấp chiến lược, không được tiếp tế cho Việt cộng.

Đoàn người ủ rũ nặng nhọc bước đi.

Nơi ở mới của dân làng có tên gọi là ấp Đức Thắng, xung quanh được rào nhiều lớp dây kẽm. Những đứa con núi rừng quen sống giữa thiên nhiên, quen vẫy vùng trong dòng nước mát của dòng suối Cà Đú, nay phải khép mình trong dãy nhà tôn nóng hầm hập. Trần Đình lẻn về ấp chiến lược, đây là cơ hội tốt để anh chiêu dụ những chàng trai người Mạ theo anh vào đội du kích.

Sau đận ấy, lính ngoại quốc đổ quân về tràn ngập núi rừng, thôn xóm. Mỗi người ra khỏi ấp không được mang theo bất cứ thứ gì. Đội du kích tạm rút sâu vào rừng, lúc này Trần Đình được cấp trên giao nhiệm vụ làm xã đội trưởng. Không hề biết mùi cơm, chỉ củ mì và rau rừng vậy mà Trần Đình vẫn sừng sững rắn chắc như gỗ lim, nhanh nhẹn như con beo rừng.

Leo lên ngọn cây quan sát, từ đàng xa, lính ngoại quốc tràn vào bản cũ, Trần Đình bình tĩnh ra lệnh cho mai phục. Đội du kích toàn những chàng trai người Mạ dũng cảm, anh giao cho họ cài mìn dọc bờ suối. Sau đợt quần đảo của máy bay, lính ngoại quốc tràn lên.

Ầm…

Ầm… Vướng mìn của du kích bên bờ suối, hàng chục người lính ngoại quốc ngã lăn. Bầm… bầm. Súng của du kích nổ ran, đạn từ trên trời rớt xuống, từ núi đá bắn ra, từ suối bay lên, những người lính ngoại quốc ngơ ngác giữa xứ sở nhiệt đới xa lạ. Họ tháo chạy như ong vỡ tổ. Lần ấy đội du kích của Trần Đình thắng lớn, thu được vô số chiến lợi phẩm.

Sau thắng lợi, Trần Đình bàn với toàn đội:

– Chúng ta phải tìm ra cách hạ máy bay của địch, không thể để chúng làm chủ bầu trời được.

– Nhưng làm sao bắn tới máy bay, chúng ta đâu có cao xạ.

– Chúng bay thấp, ta cần khẩu súng này là đủ.

Trần Đình đưa lên trước mặt đồng đội khẩu súng trường tự động có tám viên đạn của lính ngoại quốc mà anh vừa thu được qua trận chống càn. Để chứng minh cho lời nói của mình, tám giờ sáng hôm sau, Trần Đình dẫn một tổ ba người nằm phục kích trên cánh đồng Chót. Cánh đồng này gần sân bay quân sự dã chiến, nhiều vũng lầy lâu nay không được canh tác, lau sậy mọc um tùm. Để bảo vệ cho chi khu, máy bay trinh sát thường bay rất thấp để kiểm tra. Đúng như dự kiến của anh, chừng nửa tiếng sau, một chiếc Đầm già (loại máy bay trinh sát L19) xuất hiện trên bầu trời. Đảo vài vòng rồi chiếc máy bay liệng qua cánh đồng rà xuống thấp, đám lau sậy ngã rạp do sức gió từ cánh quạt. Trần Đình tựa lưng vào gò đất, dán mắt, rê nòng súng theo đường bay. Đợi chiếc máy bay đảo vòng thứ hai, anh đón đầu và bóp cò… Đoành… Đoành… hai tiếng nổ đanh gọn. Chiếc máy bay trúng đạn chao đảo, phụt cụm lửa rồi lao đầu xuống ruộng, một làn khói đen nghịt bốc lên cuồn cuộn.

Sau chiến công hiển hách ấy, Trần Đình được điều về chiến trường vùng hạ lưu gần cù lao để chiến đấu.

Đây là cơ hội trả thù tốt nhất của mình!

Lòng hận thù cá nhân bùng lên mãnh liệt.

Trần Đình về Vĩnh Thanh cùng với anh lính cận vệ, người miền Trung. Sau khi nghiên cứu tình hình, Trần Đình đột nhập cù lao. Ngay trong đêm ấy, Trần Đình tìm đến cơ sở cách mạng là người bạn chăn trâu ngày xưa. Trần Đình được nghe kể về cái chết thương tâm của mẹ anh:

“Sau khi cô Thăm tự tử, Hương Nhu lồng lộn, ông ta bắt mẹ Trần Đình nhốt ngoài bãi sông, bỏ tiền thuê lính cài mìn dày đặc quanh chòi. Lão vứt vào đó ít đồ ăn thức uống. Lúc này tên tuổi của người chỉ huy du kích nổi như cồn cả xứ miền Đông, nên lão quyết định nếu giết được Trần Đình, không những trả được mối thù cướp vợ mà còn lập được công lớn. Không hiểu sao bà già chết sớm hơn dự định của lão. Một tuần sau, người trong cù lao nghe mùi thúi lợm giọng, họ yêu cầu Hương Nhu ra xem, thấy bà già đã chết, nhưng không ai dám vào. Mìn cài xung quanh chòi, lớ ngớ nổ chết ngay, phải chờ công binh trên tỉnh về gỡ. Nhưng công binh chẳng rảnh hơi đi gỡ mìn, nhiệm vụ của họ là cài mìn chứ không phải gỡ. Xác chết của bà già rã dần, những con dòi to như ngón tay bò lúc nhúc, mùi thối trùm cả cù lao. May sao, vào một đêm giữa tháng Mười, bầu trời đen kịt, mưa trút nước như cầm chỉnh đổ, dòng sông Thanh Long đỏ ngầu cuồn cuộn tràn qua cù lao, dòng nước cuốn trôi căn chòi và xác bà cụ ra biển. Từ đó hàng đêm người ta thấy bóng của bà ngồi bên sông, nơi anh đã bỏ trốn.”

Mắt Trần Đình hằn tia máu, đêm ấy dân cù lao nghe loạt súng nổ, sáng ra cả làng xôn xao, đêm qua Việt cộng đã về xử ông Hương Nhu, người cuối cùng của dòng họ Trần Tướng quân bị bắn bảy phát đạn vào đầu, cái đầu toác ra như trái dưa hấu bị xe cán. Trên ngực Hương Nhu còn gắn tờ giấy có dòng chữ: Tên Nhu ác ôn đã bị xử bắn bởi Trần Đình.

Vụ xử bắn tùy tiện của Trần Đình là một trong những tội mà anh phải trả lời khi đứng trước tòa án binh.
 
 
CHƯƠNG 28
 

Không thể tưởng tượng được là con người có thể tàn bạo đến như vậy, khi không có cái ăn.
 
Nguyễn Hữu Hà, anh ruột Nguyễn Hữu Trí, một sĩ quan quân đội Sài Gòn. Cải tạo cùng với Bảy Tánh, khi về cù lao ông không dễ dàng thích nghi như Bảy Tánh. Ông không chịu được sự lạc hậu và ấu trĩ của đất nước. Ông không thể chấp nhận một đất nước nông nghiệp giàu có và trù phú mà mỗi tháng chỉ được mua có vài ký đường, ít bột ngọt và mười ba ký lương thực. Lịch sử miền Nam kể từ những người dân di thực từ miền Trung và miền Bắc vào đây, suốt ba trăm năm qua chưa bao giờ lại có cuộc sống tồi tệ như vậy!

Ra tù, ở nhà Nguyễn Trí một thời gian, ông nhận ra đứa em của mình thật ngây thơ. Trí hồ hởi đón nhận cuộc sống mới với lòng nhiệt tình của tuổi trẻ. Sau thời gian âm thầm móc nối và chuẩn bị, ông Hà kéo thầy Trí vào buồng và nói:

– Chúng ta phải vượt biên thôi em ạ!

– Tại sao phải bỏ nước ra đi, khi mà điều chúng ta mong đợi đã đến, một đất nước hòa bình, một dân tộc tự do, không còn chết chóc.

– Đúng! Đó là điều chúng ta mong đợi, nhưng anh mong đợi một cuộc sống ổn định và một xã hội công bằng. Anh không ngờ nó quá tệ như vậy. Các thầy giáo, những trí thức của đất nước như em mà hàng tháng tranh giành nhau cái lốp xe đạp theo phân phối. Các cô giáo hàng tháng được phát hai tấc vải mùng để làm băng vệ sinh, xài xong giặt phơi và để dành các tháng còn lại may mùng để ngủ, anh chưa thấy ở đâu trên thế giới này, con người sống nhục nhã như thế?

– Anh Hà, anh quá cực đoan, chuyện cá nhân là chuyện nhỏ, để xây dựng xã hội mới, con người phải hy sinh quyền lợi cá nhân.

– Anh đành chịu, không hiểu nỗi lý luận của em, nhưng thôi em ở lại với lý tưởng của em, anh đi đây. Nếu em có suy nghĩ lại thì tối em đến bờ sông nhé. Anh đã chuẩn bị tất cả.

– Cám ơn anh. Em ghi nhận chân tình của anh, nhưng mỗi người chọn con đường của mình đi. Chúc anh thượng lộ bình an.

Đêm ấy, đám mây màu đen kéo ngang mặt trăng. Nguyễn Trí cảm thấy lo lắng khi nghĩ về người anh của mình, đang lênh đênh giữa biển khơi mênh mông.

Đúng như lo lắng của thầy Trí, cơn bão bất ngờ ập đến, chiếc thuyền vượt biên mỏng manh, dồi lên sập xuống như chiếc nón lá rách giữa cơn bão. Cuối cùng nó rách bươm, cũng may chiếc thuyền được con sóng quăng lên bờ của một hòn đảo hoang. Đoàn người lóp ngóp tỉnh dậy, giữa đảo hoang toàn đá là đá. Họ bò vào hang, ướt, lạnh, run cầm cập. Họ nhìn nhau, không ai có lửa, không ai chuẩn bị hộp quẹt. Con người hiện đại không lo xa như tổ tiên của họ. Hôm sau, đoàn người mò ra thuyền để kiếm cái ăn. Chiếc thuyền như cái áo rách, không tìm thấy chút gì để ăn. Chỉ sót lại con dao. Họ tìm con cua, con ốc, nhai sống. Nguyễn Hữu Hà nghĩ ra sáng kiến bắt cá, lóc thịt dán lên đá cho khô chín đi để ăn. Nhưng cá không dễ bắt, một tuần trôi qua, biển vẫn vắng lặng, không có bóng con tàu. Ba người đàn bà, hai đứa trẻ, bốn người đàn ông sống quần thể trong hang đá. Họ sống và ngủ với nhau như người tiền sử. Đàn bà dùng thân xác mình để đổi con sò, con ốc hiếm hoi mà những người đàn ông tìm được. Những ngày đầu, mọi người còn thương yêu nhau, còn kể chuyện ngày xưa, còn đùa giỡn và còn làm tình. Đến ngày thứ bảy khi cái ăn không còn kiếm được trên hoang đảo, thì họ bắt đầu hầm hè nhau. Đứa trẻ đầu tiên qua đời, người mẹ điên dại ôm con dùng tay cào cát để chôn, đôi tay tóe máu. Ba ngày sau, thêm một đứa trẻ qua đời. Những người đàn ông lao vào giằng đứa bé, lóc thịt phơi trên đá để ăn. Người mẹ nhất định không ăn thịt con, nằm chờ chết. Ăn hết đứa con, người mẹ chết, trở thành lương thực cho những người còn lại. Mãi sau này mỗi khi nhớ lại cảnh ấy, Nguyễn Hữu Hà lại ôm đầu. Ông cũng ăn thịt người, ông không thể tưởng tượng được là con người có thể tàn bạo đến như vậy, khi không có cái ăn. Có đúng “nhân chi sơ, tánh bổn thiện” như Khổng Tử nói không? Ông lang thang ra bờ biển với cái bụng quặn đau vì đói, trên đảo còn ba người đàn ông và hai người đàn bà, chưa ai chết, không còn ai đủ sức để giết nhau ăn thịt. Bất ngờ ông nhìn thấy con tàu tiến vào đảo, ông lính quýnh chạy trên cát, dồn chút tàn lực cuối cùng hét lớn:

– Cứu! Cứu!

Ông ngã gục trên bãi cát, vừa lúc chiếc tàu cho ca nô vào bờ.

Thấy những con người kỳ dị và rách rưới trên đảo. Họ lăm lăm cây súng. Nguyễn Hữu Hà, nói tiếng Anh với họ về tình trạng của đoàn người trên đảo. Những người Đan Mạch, đưa năm người lên tàu cho ăn và mặc. Khi đã khỏe, họ hỏi ông là người nước nào? Ông trả lời:

– Việt Nam.

– Việt Nam ư?

– Đúng vậy?

– Sao các ông ra nông nỗi này?

– Thật khó nói cho các ông hiểu được.

Nguyễn Hữu Hà đến định cư ở Đan Mạch. Những người đàn ông và đàn bà sống sót trong đoàn đã tránh mặt nhau kể từ khi lên tàu. Họ sợ hãi khi phải nhớ tới những miếng thịt người phơi lên những tảng đá, bốc mùi!

Ông cũng không hiểu sao mình có thể ăn thịt người? Câu hỏi ấy ám ảnh ông. Ông đã ăn thịt người, ăn sống. Ông cũng nhớ hồi ở trại cải tạo, anh em tù thèm thịt quá, bắt được con tắc kè, họ nhai sống, rùm rụp, máu xịt ra mép, ông rợn cả người…

Mười tám năm ở xứ người, làm viên chức dán tem cho một công ty quảng cáo, ông sống khép kín, không dám quen ai. Những tháng ngày cô độc trôi đi lặng lẽ như mùa đông lê thê buồn bã không thấy ánh mặt trời của xứ Bắc Âu. Đất nước tự do, mọi người nhàn nhã thả bộ trong thành phố đẹp như công viên, muốn đi xe đạp cứ lấy mà đi, người dân để xe đạp tự do, như một thứ của công. Một tuần họ nghỉ hai ngày và làm việc mỗi ngày có sáu tiếng đồng hồ. Ông biết đất nước của ông còn lâu mới được như vậy. Sống như thiên đường, mà ông vẫn buồn!

Mặt trời lên rực rỡ sau chuyến ngủ đông gần ba tháng, ông rời nhà đi bộ dọc công viên, chợt nghe có người kêu tên mình, ông quay lại, nhận ra cô gái, đúng hơn là người đàn bà, một trong năm người sống sót trên đảo hoang ngày xưa. Hương, tên của người đàn bà. Khi cô lên tàu cùng ông, cô vẫn còn con gái, nhưng khi vào đảo hoang cô thành đàn bà và ông là người đầu tiên trong đời cô. Ông nhìn thấy vệt máu loang ra giữa hai đùi khi họ đứng dậy đi kiếm cái ăn. Lần đầu tiên ông phá trinh của một cô gái trên đảo hoang, trong hang đá. Họ nhìn nhau, không gian như đặc quánh lại nặng nề. Ông lên tiếng phá tan sự im lặng khó chịu:

– Em thế nào?

– Em đang làm ở gần đây, em tìm những người còn sót lại sau những ngày kinh hoàng trên đảo nhưng không gặp ai cả.

– Tôi cũng không gặp ai và tôi cũng không kiếm họ.

– Thực ra em kiếm họ để hỏi về anh, không ngờ ở chung thành phố mà không gặp nhau.

– Tôi cũng bắt đầu quên họ.

– Cả em nữa à?

– Giá mà tôi có thể quên được tháng ngày kinh hoàng đó.

– Em đã lập gia đình chưa?

– Chưa nhưng coi như đã có đời chồng.

– Vậy à? – Ông dửng dưng hỏi.

Hương khóc, bờ vai thiếu phụ gầy guộc rung lên. Ông im lặng nhìn cô và ông hiểu tất cả. Chạm tay vào vai cô:

– Về nhà tôi nhé!

Cô đi theo ông và sau bữa cơm tối, cô buồn rầu nói:

– Sau một tháng đến Đan Mạch em biết mình mang thai, em sanh được một đứa con trai khá bụ bẫm. Không giống những đứa trẻ khác, thằng bé mới chào đời đã có răng. Em cứ rờn rợn, mới mười ba tuổi nó đã làm bị thương bạn học. Mười tám tuổi giết người, bị tử hình.

Ý nghĩ buồn rầu thoáng qua đầu ông, “một đứa trẻ hoài thai bởi hai kẻ ăn thịt người thì làm sao lương thiện cho được!”.

Hôm sau, Hương dọn đến nhà ông. Cô nghĩ rằng cô tìm được hạnh phúc với người đàn ông đầu tiên của đời cô, nhưng cả hai đều cảm thấy nặng nề. Sự gặp mặt hàng ngày làm cho họ nhớ lại những ngày trên đảo hoang, nhớ lại những miếng thịt người phơi trên đá. Ám ảnh quá khứ làm cho họ già đi nhanh chóng. Làm việc xong, họ đi lang thang và cố tránh mặt nhau. Cuối cùng Hương đã tự động ra đi.

Về già Nguyễn Hữu Hà về sống tại quê hương với em trai của mình, nhưng đó là chuyện sau này, khi chính quyền trả đất lại cho dòng họ của ông. Những tháng ngày cuối đời, sống trên quê nhà, ông mới nguôi ám ảnh về những tháng ngày trên đảo hoang. Trước khi về nước, ông có tìm bà Hương rủ bà cùng về, nhưng bà đã có cuộc sống êm ấm với người đàn ông Đan Mạch tốt bụng.

(Đọc tiếp)