CHƯƠNG 15
Miếng ngọt của anh đôi khi mang lại đắng chát cho người khác.
Bảy Tánh là người thèm đường một cách kỳ lạ. Bất cứ lúc nào y cũng có thể ăn đường. Ly cà phê của y uống bao giờ cũng bỏ đường nhiều gấp ba lần người khác. Dân cù lao, ngay từ nhỏ đã sống trong mùi hương bưởi và mùi mật mía nên họ thích ăn ngọt, riêng Bảy Tánh nghiện đường như người ta nghiện thuốc phiện. Mỗi lần nhìn thấy chảo đường sôi ùng ục, y hét lên:
– Đường là Thượng Đế!
Lúc Bảy Tánh đi học tập cải tạo ở miền núi phía Bắc, cái trại cải tạo nằm giữa rừng sâu heo hút, mỗi lần đi lao động, những người dân ném đá vào Bảy Tánh cùng các tù binh và mắng chửi thậm tệ:
– Đồ liếm gót giày ngoại bang!
– Đồ phản bội!
– Đồ bán nước!
– Đồ rác rưởi!
Đoàn người bại trận, âm thầm nhục nhã, lê bước, dẫn đầu là trưởng buồng Nguyễn Hữu Hà, người bị ném đá nhiều nhất. Nguyễn Hữu Hà, sĩ quan cấp úy ở chi khu Lộc Hòa, phụ trách kỹ thuật hàng không ở sân bay. Nguyễn Hữu Hà người cù lao, theo gia phả thì ông thuộc dòng họ của những người đi mở đất phương Nam. Khi còn ở trong quân đội Cộng hòa anh rất có cảm tình với cách mạng. Nhiều lần anh tìm cách móc nối với Việt cộng, nhưng chưa kịp thì quân Cộng hòa thất trận và anh đi cải tạo cùng trại với Bảy Tánh.
Chiều, miền sơn cước lành lạnh, đoàn tù lặng lẽ đi hàng một về trại. Nguyễn Hữu Hà thấy cô bé đang chơi nhảy dây trong sân của dãy nhà cán bộ trại giam. Gương mặt bầu bĩnh, mái tóc tung lên theo bước nhảy, một hình ảnh ấm áp giữa chiều đông lạnh. Anh lấy trong túi ra chùm trái dủ dẻ vừa hái được trong rừng, gọi cô bé:
– Cháu ơi, cháu, chú cho nè!
Cô bé dừng nhảy dây, tay chống nạnh, mắt trợn ngược, hét lớn:
– Mày gọi ai là cháu, đồ phản quốc, mày biết bà là ai không? Bà là con gái của giám thị đấy nhé, cút xéo đi!
Viên sĩ quan sửng sốt, giấu chùm trái cây vào túi và lầm lũi bỏ đi trong nỗi buồn vô hạn. Anh không ngờ đất nước tài ba có chiến công rực rỡ, chiến thắng các cường quốc như Pháp, Mỹ và chiến thắng cả những người lính miền Nam được đào tạo chính quy như anh, lại có nền giáo dục tồi tệ đến như vậy!
Đó là những ngày cả đất nước ấu trĩ và đói khổ, nên những tù binh chẳng khá gì hơn. Mỗi bữa họ được phát hai củ mì (sắn) trong cái bát sắt cũ kỹ với con cá khô đầy dòi.
Nỗi khổ lớn nhất của Bảy Tánh, trong những ngày ấy là thèm đường. Y thèm đường quằn quại như người thèm thuốc phiện. Vật vã sùi bọt mép. Một hôm, y liều mạng làm quen với cán bộ coi tù.
Anh cán bộ trẻ tên Nhiên, dân Hà Nội, không như những anh cán bộ gốc nông dân khác, anh coi trọng những người tù là sĩ quan của đối phương. Ngày nhận công tác ở trại cải tạo này, giám thị trại giam gọi anh lên và lệnh:
– Đồng chí đã tốt nghiệp cấp ba, đồng chí tổ chức lớp dạy cho các trại viên về văn hóa và đường lối. Mỹ, Ngụy thi hành chính sách ngu dân, đồng bào miền Nam không được học hành, đặc biệt là những sĩ quan. Trại tổ chức lớp bình dân học vụ, cử đồng chí làm thầy giáo.
Lần đầu mang sách giáo khoa đến lớp, nhìn những gương mặt sợ hãi, anh thấy thương hại họ. Lỗi tại chiến tranh, tại ngoại bang, chứ không phải tại đồng bào anh. Anh nói chuyện và bắt đầu dạy, khi anh bước xuống xem họ viết, anh kinh ngạc thấy các tù binh viết rất đẹp và họ len lén trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Lúc còn học sinh, anh cũng học tiếng Anh nhưng không giỏi bằng họ. Sau khi tìm hiểu, anh báo cáo với giám thị, nghe anh kể ông cười xòa:
– Thì tớ đâu có biết, nghe cấp trên bảo như thế. Nhưng mà cậu cần cảnh giác, đừng quá gần chúng nó. Lũ bán nước ấy cũng rất khó tin!
Từ đó trở đi, anh quý trọng và thân thiện với những người tù.
– Chào cán bộ!
Bảy Tánh lân la lại gần, y là người ít học và chức vụ thấp nhất trong số tù binh, chỉ là trung sĩ cảnh sát, nhưng có tội ác dẫn lính đi khui hầm bí mật mới phải tập trung ở trại này.
– Có gì không anh Bảy?
– Cán bộ Nhiên à, em thèm đường đến chết mất, em bị bệnh nghiện đường, em còn cái đồng hồ mạ vàng, cái này của vợ em mua tặng hồi mới cưới, đây là tài sản duy nhất em được mang vào trại cải tạo. Cán bộ Nhiên ơi, em biết cán bộ thương người, cán bộ cầm lấy, đổi cho em ít đường, không em chết mất.
Nhiên nhìn người tù, nhìn những người bạn coi tù của anh, họ đang ngồi tụm trong gốc cây hút thuốc. Nhiên nói nhỏ với Bảy Tánh:
– Anh cất đồng hồ đi, tôi không lấy đâu, tối nay lại chỗ nhà vệ sinh nhé!
Nhà vệ sinh trong trại cải tạo là cầu tiêu hai ngăn, tức một cái hộp bề rộng chừng hai mét, chia làm hai ngăn, bề cao một mét, miệng cầu là cái lỗ tròn chừng một tấc, mỗi lần đi vệ sinh, tù bỏ tro lên phủ lại. Khi một hố đầy, tù nhân được phân công vòng ra phía sau lùa qua hố kế bên để ủ, làm phân bón rau xanh. Buổi tối, Bảy Tánh nằm thao thức, nhìn đăm đăm về phía nhà cầu. Nghe tiếng gõ nhẹ, y lao tới. Anh cán bộ đưa cục đường qua cửa nhà cầu phía sau. Bảy Tánh thò tay qua cái lỗ tròn, cầm lấy cục đường. Kỳ lạ quá, cục đường ngoài này to gấp đôi cục gạch lại hình vuông, anh cán bộ buông tay và bỏ đi, y kéo cục đường lên thì bốn cạnh của nó vướng lại. Y dở cười, dở khóc, buông ra thì rớt vào phân, mà kéo lên không được. Bạn tù xúm lại hồi hộp không biết làm cách nào. Cuối cùng một anh bạn tù nghĩ ra cách:
– Anh Bảy cọ nhè nhẹ vào thành cầu cho nó bào mòn mấy cái cạnh của cục đường đi sẽ kéo lên được.
Bảy Tánh hì hục kéo lên, hạ xuống, cứ như thế gần một tiếng đồng hồ, mồ hôi mướt như tắm, khi cục đường được đưa lên, mọi người mừng như bắt được vàng. Sau khi chia mỗi người một miếng ngậm cho đỡ thèm, Bảy Tánh ăn lấy ăn để những cục đường ngọt lẫn với mùi phân người. Y vừa ăn, vừa khóc một cách thỏa thuê.
– Đường là Thượng Đế!
Bảy Tánh hét lên, tiếng hét chấn động cả khu trại giam. Công an chạy đến rầm rập.
Lách cách… két két.
Cánh cửa nhà tù bật mở.
– Có chuyện gì thế? Muốn làm loạn hả?
– Dạ thưa cán bộ, anh Bảy Tánh nổi cơn điên.
– Điên à?
– Dạ.
– Lâu chưa?
– Dạ mới.
Anh công an nghi ngờ nhìn Bảy Tánh
– Ông ta mới hét gì thế?
– …
– Hét gì?
– Dạ ông ấy hét: Đường là Thượng Đế!
– Đường à? Đường gì?
– Dạ đường ngọt ạ!
Anh công an nhìn vào miệng Bảy Tánh:
– Đường ở đâu anh ăn vậy, ăn cắp của dân à, các anh vẫn không bỏ thói du đãng cướp bóc của nhân dân.
Người tù trưởng buồng, viên sĩ quan đã bị con gái ông giám thị mắng, nổi tự ái khi bị anh công an sỉ nhục, nghiêm giọng trả lời:
– Chúng tôi không ăn cắp.
– Vậy đường ở đâu ra?
– …
– Ở đâu ra? – Anh công an gằn giọng.
– Dạ của cán bộ Nhiên cho.
– Điêu! Anh Tánh đi theo chúng tôi!
Bảy Tánh líu ríu đi theo anh cán bộ.
Băng qua khu buồng giam âm u, trăng miền sơn cước mờ ảo và liêu trai hoang dại chứ không bàng bạc như cù lao quê anh. Anh công an thúc cây súng vào lưng. Bàn làm việc trong Văn phòng Giám thị làm bằng gỗ quý, do các tù binh chạm trổ khá đẹp. Giám thị hất hàm:
– Anh ngồi xuống, cho hai tay lên bàn.
– Đường ở đâu anh có?
– Dạ! Cán bộ Nhiên cho.
– Anh đổi gì cho anh ta?
– Dạ! Không có gì.
– Sao anh ta lại cho anh đường?
– Dạ! Em không biết.
Giám thị đập bàn:
– Anh đừng ngoan cố, khai đi, anh cho anh ta cái gì?
– Dạ! Cái đồng hồ mà anh ta không lấy.
– Hừ! Cái đồng hồ à?
– Dạ, nhưng anh ta không lấy.
– Hừ!
Giám thị quay qua anh công an lập biên bản:
– Ghi vô! “Thượng sĩ Nguyễn Quang Nhiên, mất lập trường quan điểm, có quan hệ mật thiết với trại viên…”
– Anh ký vô.
– Dạ.
– Đưa anh ta xuống phòng biệt giam.
– Xin cán bộ thương!…
– Đi!
Tuần sau, cán bộ Nhiên bị kỷ luật, trả về địa phương. Miếng đường ngọt của Bảy Tánh đã mang lại đắng chát cho cuộc đời của anh công an tốt bụng.
Ngày tự do, về đến cù lao, y lao vào lò đường của bà Năm Trầu, ăn như ma ám. Ăn xong mặt mày đỏ bừng lảo đảo. Bảy Tánh là người đầu tiên biết rằng ăn đường cũng say như uống rượu.
Bảy Tánh phá khu vườn của mình trồng mía, lạ thay ở đất này ai trồng mía cũng tốt, cũng nhiều đường, riêng mía của y cứ tong teo và lượng đường rất ít. Bảy Tánh làm lò đường, mẻ nào cũng hư. Ba năm, hùng hục với nghề mía đường, thành trắng tay, ngân hàng xiết nợ, đất đai lần lượt ra đi, chỉ còn hơn một công đất quanh nhà và cái xe hon đa sáu bảy cà tàng. Cuối cùng, Bảy Tánh đành bỏ nghề mà y yêu thích, xoay qua nghề mua bán và giết heo. Nghề này y hái ra tiền và trở nên giàu có. Dù không thiếu cao lương mỹ vị trong miệng, nhưng y vẫn thèm đường. Trong túi y lúc nào cũng có mấy thẻ đường tán, khi lên cơn, y bỏ một cục vào miệng nhai ngấu nghiến một cách ngon lành.
CHƯƠNG 16
Cuộc đời của nhà thơ Miên Trường như một truyện ngắn buồn anh đã từng viết khi tích tụ năng lượng Ranaga.
Nhà thơ Miên Trường sinh ra ở miền Trung Việt Nam, nơi nắng và gió hun đúc con người cô đặc như những gốc cây cổ thụ, rắn chắc và giỏi chịu đựng, cuộc đời của Miên Trường như một truyện ngắn buồn anh đã từng viết một phần của cuộc đời anh, cái phần đời mà trước khi anh lang thang vào miền Phù Nam trong tiền kiếp để tìm kiếm phẩm hạnh mà loài người đã đánh mất. Cái tên truyện ngắn là “Miệt mài sông trôi”. Câu chuyện như sau:
“Từ năm mười ba tuổi tôi đã có ước muốn đi ngược dòng sông. Ngày ấy, ông ngoại thường dắt tôi ra sông. Mặc cho tôi nghịch cát, ông lặng lẽ đứng nhìn về phía thượng nguồn. Dọc triền sông là dãy đồi thấp mọc chen chúc những cây sim, tháng Bảy cả vùng tím ngát màu hoa, mênh mang, buồn! Lác đác vài bụi chà là thấp lè tè đầy gai góc. Lẻ loi giữa rừng hoa một ngọn đồi trọc cô độc nhô lên, mỗi chiều về đất đỏ sẫm như máu. Ông tôi bảo, dưới ngọn đồi có vàng hời, “Kim khắc Mộc” nên cây cối không mọc được, chỉ có mỗi loài hoa trắng nhỏ nhoi tinh khiết, mọc rải rác sườn đồi. Loài hoa ấy “linh hồn của các trinh nữ”. Ngày xưa, trước khi dời kinh đô về Phan Rang, vua Chiêm Thành chôn các cô gái còn trinh theo các kho tàng để làm thần giữ của cho họ. Ông còn bảo, vào những đêm trăng cả bầy heo bằng vàng đủng đỉnh trên sườn đồi để ăn những bông hoa trắng. Tôi hỏi:
– Loài hoa ấy tên gì hả ông ?
– Nó không có tên – ông trả lời.
– Hôm nào lớn cháu sẽ lên đồi!
– Lên chi? Tìm vàng hả? “Của hoạnh tài bất phú” đừng có ham cháu ạ! Ngày trước ông nội thằng Trầm bắt được con heo vàng, về đến nhà hộc máu chết, cha của nó bài bạc hết sản nghiệp phải đi ăn mày, đến đời nó mới khá được.
– Không, cháu không tìm vàng, cháu hái hoa, cháu sẽ đặt cho hoa một cái tên, lớn lên cháu sẽ làm nhà thơ như ông cố vậy.
Ông nhìn tôi, lắc đầu lẩm bẩm: “Thằng này rồi sẽ khổ đời chẳng ra gì, không hiểu sao cha nó lại cho nó xem tập thơ của ông Tú Hiệu, kẻ ngang tàng bị Pháp chém ngang lưng, sao cha nó không biết rằng chính ba cái thơ thẩn đưa người ta đến máy chém!”
Tôi muốn hỏi tại sao, nhưng ông lơ đãng nhìn dòng sông. Tôi cũng nhìn theo và lúc ấy tôi nảy ra ý định sẽ ngược dòng sông.
* * *
Không ngờ ước muốn tưởng chừng vu vơ ấy lại lớn dần theo tuổi đời của tôi. Dĩ nhiên ước muốn không dừng lại ở ngọn đồi hoa trắng, tôi muốn về tận ngọn nguồn con nước dòng sông.
Từ năm mười bảy tuổi đến nay, tôi đã quần nát mấy ngọn đồi sim, mỗi ngày chặt hai gánh bổi. Hàng ngày, tôi đứng trên đồi để nhìn về phía thượng nguồn, trập trùng đồi núi, tầm mắt của tôi xa hơn, rộng hơn, vì không còn bao nhiêu cây lớn che khuất. Tôi tin rằng trên tận cùng của dòng sông vẫn còn nhiều điều kỳ diệu mà con người chưa khám phá.
Ngày đầu đi chặt sim, đưa lưỡi rựa bén ngọt vào gốc sim đang mùa nở hoa, tôi nghe rờn rợn như đang cắt cổ ai đó. Dần dần tôi thành tên đồ tể tàn ác, chặt không nương tay. Thấy tôi xốc vào hai đầu cây đòn hai bó sim lớn, ai cũng lè lưỡi. Tôi chặt sim bán cho ông Trầm đốt lò gạch, bao nhiêu tiền tôi đưa cả cho chị Hai. Chị tôi quán xuyến gia đình thay mẹ. Chị không chồng mà có con, chuyện ấy bây giờ không còn hiếm ở quê tôi. Trai làng lần lượt bước vào cái “cối xay thịt” của cuộc chiến tàn bạo, gái lỡ thời đầy đồng, đi cấy con gái đi cày cũng con gái. Nghe đâu thời trẻ, chị cũng có người yêu, anh ấy tử trận ở Hạ Lào. Năm năm sau chị có bầu, người làng xầm xì “Chắc lại con của thằng cha Trầm!”.
Ông Trầm, “con của kẻ mày, bây giờ là người giàu nhất làng tôi, ông ta có bốn lò gạch, mỗi ngày xuất cả chục vạn viên gạch đủ loại. Ông Trầm xấp xỉ lục tuần mà còn trẻ như thanh niên, tướng cao lớn, mũi to và đỏ ửng như mũi lân, miệng rộng, môi dày. Đến nhà chơi, ông Trầm thường nói với cha tôi: “Xứ này chó ăn đá gà ăn muối, chỉ có đất và củi là sẵn, bán hai thứ ấy thì làm giàu được”. Cha tôi bảo: “Bán đất là bán tổ tiên”. Ông Trầm cười khẩy bỏ đi. Ông tôi ngồi trầm tư trên sập gụ uống trà nhìn theo ông Trầm, nhận xét: “Thằng ấy tướng sang mà dâm!” Quả thật, cả làng có gần chục phụ nữ có mang với ông ta, chẳng ai kêu ca phàn nàn gì cả. Họ lặng lẽ sinh nở, lặng lẽ nuôi con.
Mỗi chiều, khi những cánh chim xao xác bay về núi, chị tôi hát ru con “Ầu… ơ đói lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương!” Lòng tôi chùng xuống, tôi ra sông, nơi tôi cùng ông trò chuyện ngày xưa và những lúc ấy, tôi lại dậy lên ham muốn đi về phía thượng nguồn của dòng sông.
***
Tôi đặt tên cho loài hoa trắng trên ngọn đồi “Kim khắc Mộc” là hoa Linh Chi, tên của người yêu tôi. Thực ra tên nàng là Nguyễn Thị Chi, thế thôi, nhưng tôi ghép thêm tên chữ Linh cho ra tên của loài hoa. Chi sống với mẹ trong căn nhà tranh ở xóm Gò. Chi đẹp và thánh thiện như loài hoa trắng mà ông tôi gọi là “Linh hồn các trinh nữ”. Mẹ tôi dường như không hài lòng lắm với mối tình của tôi, thấy tôi thân mật với Chi, bà lấp lửng nói, “nuôi heo chọn nái, kiếm gái chọn dòng”. Tôi chẳng bao giờ cất công tìm hiểu gia cảnh của ai, sự tồn tại bất hạnh của làng quê này có từ bao năm qua và sau này chắc cũng thế. Kẻ có cha không mẹ, người có mẹ không cha, thậm chí mồ côi cha lẫn mẹ vốn là chuyện bình thường ở làng tôi. Trong cuộc chiến tranh, mảnh đất này mỗi tấc đất một tấc bom đạn. Vì thế chuyện Chi sống với mẹ không có gì lạ, tôi nghĩ vậy.
Tôi là gã trai cày hiếm hoi còn sót lại giữa cuộc chiến nỏng bỏng, là con trai một, học xong tú tài một, cha mẹ bỏ ra gần mười lượng vàng ky cóp cả đời chạy được cái giấy miễn quân dịch để tôi ở nhà thờ phụng tổ tiên. Tôi giúp mẹ con Chi cày ruộng, gặt lúa, gánh phân, chặt bổi. Tình yêu của chúng tôi cũng mộc mạc như rơm rạ.
Chúng tôi ra sông, sau một ngày nhọc nhằn, Chi bám vai, áp bầu ngực trinh nguyên săn chắc vào cánh tay tôi. Tôi biết Chi đang mơ ước về một mái nhà tranh nho nhỏ và những đứa con xinh xắn. Còn tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy, tôi đau đáu một ý nghĩ khác, một ý nghĩ mà mẹ tôi bảo “oan nghiệt!”. Cha tôi chẳng hề quan tâm đến tôi, ông suốt ngày lặng lẽ bên bàn thờ Phật, ăn chay trường. Tôi nghe nói trước đây ông từng là thợ săn khá nổi tiếng. Có lần ông Trầm nói với tôi: “Cha mày là thằng khó chơi!” Tôi hỏi: “Tại sao?” Trong khi mọi người đang còn sắp hàng dưới trần gian, cha mày đã lo giành một chỗ ở trên niết bàn.” Tôi đem chuyện này kể lại với cha, ông không nói gì, chỉ nhìn lên khẩu súng săn hai nòng đen bóng treo trên bàn thờ và bỏ đi. Chi níu nhẹ vai tôi.
– Này anh!
– Có chuyện gì hả em?
– Hôm qua thằng Quân đón đường em.
– Nó làm gì?
– Nó bảo, nó yêu em, nếu em chịu, nó đưa về thành phố.
Tôi tức tối đá viên sỏi xuống dòng sông.
– Anh ghen hả?
– Không, nó là thằng đểu.
Quân là con trai của ông Trầm, có tiền chạy chọt được làm cảnh sát trên thành phố lâu lâu mới về làng, nó mang trong mình dòng máu dâm đãng của cha nó. Hồi còn đi học nó đã biết giở trò với bọn con gái. Bây giờ nó càng lưu manh tợn. Một thoáng lo sợ mơ hồ trong lòng tôi. Chi ngả đầu vào vai tôi nũng nịu.
– Em chỉ yêu mình anh thôi.
– Thôi mình về! – Tôi ra lệnh, Chi ngoan ngoãn bước theo, sự ngoan ngoãn cam chịu như thân phận của những người phụ nữ ở quê tôi.
Gặp Quân phóng xe trên bờ đê, đến trước mặt chúng tôi, nó dừng lại, chống chân xuống đất nhìn tôi cười cười trông rất mất dạy. Nó hất hàm hỏi:
– Người yêu mày hả?
Tôi không trả lời, trừng mắt nhìn nó, Quân rút bao thuốc thơm hờ hững chìa trước mặt tôi:
– Bạn bè lâu ngày không gặp, hút với tao điếu thuốc.
Tôi gạt tay Quân kéo Chi bỏ đi, Quân nhếch mép cười.
* * *
Tôi đi ngược dòng sông, nắng gay gắt, mồ hôi nhễ nhại, hai bên dòng sông đồi núi trọc hết cây cối trơ đất như hoang mạc, dòng sông là cái khe nước đem ngòm, sâu hun hút. Những con thú còm cõi trơ xương nhảy nhót cuồng loạn, có con chỉ còn bộ xương, hàm răng trắng ởn, nhìn rõ các chân răng cắm vào xương sọ. Giữa đám thú, một bóng người cao lớn vung khẩu súng bắn ra những luồng lửa đỏ như máu. Khuôn mặt xương xẩu, dữ tợn, tôi bàng hoàng nhận ra người đàn ông ấy. “Ch… a!” Tôi gào lên, tiếng kêu tắc nghẹn trong họng… ú… ớ.
– Dậy! Dậy… đi em.
Tôi giật mình tỉnh giấc, chị Hai lắc vai, tôi chồm dậy, cổ họng khô khốc.
– Dậy ăn miếng cơm đi em, chưa ăn uống gì mà ngủ như vậy hại lắm.
Lúc chiều đi làm về, chưa kịp tắm rửa, mắt ríu lại, tôi leo lên bộ phản ngủ say như chết. Chị Hai đặt tay lên trán tôi:
– Nóng quá,chắc bệnh rồi, để chị nấu lá cho em xông.
– Khỏi, không sao đâu.
Tôi vươn vai đứng dậy ra lu múc gáo nước tu ừng ực, dòng nước mát thấm hút vào cơ thể. Tôi đưa mắt nhìn về phía dòng sông, dòng sông lấp lánh và êm đềm chảy. Mặt trăng đã lên cao. Chợt nhớ tối nay có hẹn với Chi, tôi lao ra bờ sông.
Sững lại, một thoáng thôi, tôi hiểu tất cả, mãi sau này tôi không lý giải được tại sao lúc ấy tôi lại bình tĩnh đến vậy. Tôi chậm chạp tiến dần về phía Quân, hai tay nắm chặt, sự bình tĩnh của tôi khiến Quân chôn chân tại chỗ. Tôi trút lên Quân tất cả sức mạnh và lòng căm thù trai trẻ, cho đến khi hắn gục xuống trên bãi cát. Tôi quay lại dựng Chi lên, Chi run rẩy vòng cánh tay ôm lấy ngực, quần áo tả tơi, tôi nhìn thấy vệt đỏ nhờ nhờ trên bắp vế trắng. Tôi dìu Chi về nhà, đầu óc mụ mẫm…
***
Trong lúc mọi người nhộn nhịp đón Tết, tôi lặng lẽ thu xếp đồ đạc. Mẹ tôi khóc lóc níu tay tôi, cha tôi gỡ tay mẹ ra và bảo “Hãy để nó đi!” Tôi lặng lẽ đi, lầm lũi và cô đơn, bên tai văng vẳng tiếng hét hoảng loạn của mẹ Chi trước khi bà ngất xỉu. “Thằng Quân, trời ơi! Đồ loạn luân, con Chi là em ruột của nó! Ông Trầm ơi!… Ông Trầm!”
Tôi đi vào một ngày cuối năm, dòng sông vẫn miệt mài trôi về phía của muôn đời.
***
Cái ngày cuối năm định mệnh ấy tôi đã vào miền Nam. Tôi gia nhập vào đoàn quân giữ nước dưới sự chỉ huy của Trần Đình. Nếu tôi là người bình thường có lẽ cuộc đời tôi đã khác, nhưng trái tim tôi quá yếu đuối. Tôi sẽ chiến đấu cho đến ngày hòa bình như những người lính khác, nhưng tôi âm thầm đào ngũ trước khi Trần Đình bị hành hình và lặng lẽ đi ngược dòng sông Thanh Long, con sông này còn huyền thoại và âm u hơn con sông ở quê tôi. Dòng sông thúc giục ước muốn thời trai trẻ của tôi. Tôi đã gặp ông già người Mạ, kẻ đã đưa tôi vào thế giới song song để tránh cuộc chiến mà tôi chán ghét và sợ hãi. Ông đã dạy cho tôi tích tụ năng lượng Ranaga, nguồn năng lượng ấy đã giúp tôi trở lại thế giới vật chất và thành nhà thơ.
Tôi cũng biết Chi, người yêu của tôi đã treo cổ sau ngày tôi bỏ đi ít lâu. Ông già Mạ cũng cho tôi biết, Chi đã tái sinh.
CHƯƠNG 17
Thế giới song song:
Con người có khả năng xây dựng những công trình kỳ vĩ bằng tâm năng.
Tôi đã chứng kiến những cái chết quá thê thảm trong cuộc chiến, tôi không muốn tham gia cho dù tôi có đứng về phía chính nghĩa. Sau khi chứng kiến những đợt thảm sát kinh hoàng, tôi quyết định đào ngũ, tôi sẽ đi về phía thượng nguồn của dòng sông Thanh Long, bỏ lại súng đạn, lương thực, áo quần, tôi đi. Ngày tháng bắt đầu không còn hiện hữu trong hành trình của tôi. Núi rừng hoang vu, cây cối chằng chịt, rậm rạp, có những thân cây to hàng chục vòng tay ôm, thú rừng nhởn nhơ đi lại, chúng hững hờ nhìn tôi, không ác ý, không thiện cảm. Bầy chim bay về núi vần vũ đen kịt bầu trời, tôi ôm đầu khi tưởng tượng đàn chim là bầy máy bay đã trút bom xuống làng mạc của tôi, xuống các ngôi nhà tranh xiêu vẹo, xuống những người dân bé bỏng trên quê hương tôi. Tôi đã đi bằng đôi chân và trái tim đau đớn rỉ máu, máu nhỏ từng giọt, từng giọt xuống bao tử, khi tôi nằm xuống, những giọt máu ngưng đọng trái tim nặng trĩu, thời gian đã không tồn tại trong hành trình đi ngược thượng nguồn. Tôi không biết mình còn tồn tại trong thế giới vật chất này hay không? Tôi không học nhiều, nhưng đủ để phân biệt được sự tồn tại và không tồn tại. Thời gian không còn hiện hữu, nhưng trong ký ức tôi vẫn nhớ như in buổi tối buồn bên dòng sông với vết máu nhờ nhờ trên bắp đùi trắng của Chi. Nhớ như in những thịt xương lả tả trên ngọn tre, nhớ như in những đoạn ruột lòng thòng, nhớ như in đôi mắt trẻ thơ mở tròn trước khi chết. Tôi đi dần vào một thế giới dường như không phải của tôi, những người đàn ông, đàn bà, trẻ con và những cụ già đi lướt qua tôi, đúng ra là họ đi xuyên qua tôi. Một ông già nhìn tôi và quay lưng, tôi lướt theo ông ta và lúc này mới nhận ra mình không phải bước đi, như đã từng bước đi. Tôi theo ông vào một tòa lâu đài rực rỡ dưới những tàng cây trĩu quả, ngào ngạt hương thơm, những đứa bé có cánh bay lượn trên các vòm cây. Tôi ngồi đối diện với ông già, ông nói, chất giọng lơ lớ nhưng dịu dàng và thuần hậu:
– Chào mừng anh đã đến với thế giới song song.
– Là thế nào?
– Một thế giới song song tồn tại cùng thế giới vật chất của loài người.
– Nghĩa là tôi đã chết?
– Anh là một trường hợp đặc biệt, anh đã mang cả thể xác vào thế giới của chúng tôi.
– Tôi không hiểu?
– Anh không thể hiểu được, thế giới của anh, con người không hiểu được chính mình làm sao anh hiểu được chúng tôi.
– Vì sao tôi đến được nơi này?
– Vì một hội tụ bất ngờ của năng lượng Ranaga ở thượng nguồn dòng sông mà anh đã đến.
– Nghĩa là tôi đang ở ngoài trái đất?
– Không, vẫn ở trong trái đất, một thế giới song song phi vật chất ở chiều không gian thứ tư. Anh hiểu không?
– Không!
– Rồi anh sẽ hiểu, khi anh tích tụ đủ năng lượng Ranaga.
– Ranaga là gì?
– Là năng lượng vi tế, tích tụ từ vũ trụ, hàng triệu năm trước, trong thế giới vật chất con người cũng làm chủ được năng lượng này, nhưng sau này thì đã không còn. Loài người đầy tham vọng dùng năng lượng này giết nhau và tự nhận mình là Thượng Đế, nên Thượng Đế đã lấy đi, đúng hơn Ngài đã hủy diệt loài người có năng lượng Ranaga. Những công trình cổ như các pho tượng, các cổ tháp, các ngôi mộ đá mà con người các anh đang cố lý giải, đã được loài người thuở xưa xây dựng bằng năng lượng Ranaga.
– Thật vậy sao?
– Thật vậy, ngày nay ở thế giới của anh đều lý giải người ta xây tháp thế nào, xây mộ đá thế nào… Tất cả đều ngớ ngẩn, ngày xưa tổ tiên chúng ta đã xây dựng nó bằng năng lượng Ranaga, khi làm chủ được năng lượng này con người cổ đã sai khiến vật chất bằng tâm năng, chứ không phải lực năng như ngày nay. Mọi lý giải sẽ vô ích. Rồi anh sẽ hiểu, bây giờ anh theo tôi, tôi được lệnh đi đón anh.
– Ai ra lệnh đó?
– Nữ hoàng của chúng tôi.
– Cho tôi gặp Người.
– Bây giờ anh theo tôi và tạm thời gởi thân xác lại trong hầm mộ, cho đến khi anh tích tụ đủ năng lượng và khi ấy anh sẽ được gặp nữ hoàng.
Ông già đưa tôi vào hầm mộ lạnh buốt, ở đó tôi được ông dạy cách tích tụ năng lượng Ranaga. Đến một ngày tôi có thể rong chơi bên ngoài thể xác và trở lại bất kỳ lúc nào tùy ý, giống như những giấc mơ. Thế giới song song có đời sống thật kỳ lạ. Con người không có hận thù, không tham vọng, bởi thế giới phi vật chất nên họ không cần trành giành bất cứ thứ gì, họ cũng không có hôn nhân, nhưng tình yêu vẫn tồn tại. Con người được tự do chọn lựa cuộc sống của mình. Ai cần cuộc sống hôn nhân thì phải tích tụ đủ năng lượng Ranaga để tự hóa thân trở lại đời sống vật chất. Khi tôi đang học với ông già tại hang động, thì người yêu của tôi – Linh Chi – đã trở lại thế giới vật chất, ở vùng đất mà sau này tôi sẽ đến theo lời chỉ dẫn của ông già. Nàng hiền lành, thánh thiện nên nàng tái sinh nhanh. Trong thế giới song song nhẹ nhàng này, nàng không ngừng yêu tôi – ông già bảo thế. Ông già người Mạ, một nhà tiên tri, một người hiểu biết cả hai thế giới kể cho tôi nghe nhiều chuyện, đọc cho tôi nghe hàng ngàn các bài thơ cổ và mới. Chính ông già đã kể cho tôi nghe những câu chuyện kỳ lạ về vùng đất mà tôi sẽ đến sau này.
Chúng tôi ngồi xếp bằng trong hầm mộ, giọng của ông già xa xăm, môi chỉ dường như mấp máy nhưng tiếng nói rất rõ:
– Hàng triệu năm trước, tại miền Đông Nam bộ ngày nay là vương quốc cổ do một nữ hoàng cai trị, đó là người phụ nữ vĩ đại đang cai trị thế giới song song hôm nay. Con người thời ấy, có khả năng xây dựng những công trình kỳ vĩ bằng tâm năng. Nhiều công trình còn lại ngày hôm nay như đá ba chồng ở Định Quán, hay mộ đá ở Hàng Gòn, những khối đá chồng lên nhau một cách kỳ lạ mà con người đời sau không thể lý giải được. Miền Đông Nam bộ, nằm dưới chân cao nguyên Langbiang đổ dài xuống biển Đông và châu thổ sông Cửu Long, gồm các bề mặt cao nguyên thấp và những ngọn đồi lượn sóng do các núi lửa hoạt động hàng ngàn năm hình thành. Núi lửa, đại hồng thủy, bão là sự trừng phạt của thiên nhiên trước tham vọng của con người.
– Vì sao con người ngày ấy còn hoang sơ cũng bị trừng phạt? – Tôi hỏi.
– Ở thế giới vật chất, khi con người làm chủ được năng lượng vi tế Ranaga, con người sẽ dùng nó để tranh giành vật chất và họ tự hủy diệt nhau, điều đó làm thiên nhiên nổi giận. Năng lượng Ranaga, chỉ có giá trị với từng người sở hữu mà thôi. Với tham vọng lớn lao của mình, nữ hoàng muốn chuyển nó vào một vật chất cụ thể, mà bất kỳ ai sử dụng nó cũng có thể phát huy nguồn năng lượng này. Nữ hoàng đã cùng thuật sĩ dùng sắt trong lòng con rồng đất và máu của ngàn trinh nữ để tạo ra lưỡi dao quyền lực. Bất kỳ ai sở hữu nó với một bí quyết nho nhỏ đều có thể dùng được nó với mục đích tàn bạo: giết người! Lưỡi dao ấy còn tồn tại trong thế giới vật chất ở miền đất mà anh sẽ tới.
– Miền Đông Nam bộ?
– Đúng vậy, người cần hiểu vùng đất này một chút trước khi đến đó.
Tôi vẫn im lặng và chờ đợi, nhà tiên tri nói tiếp:
– Vùng đất đó được hình thành bởi các dạng núi lửa phổ biến trong vùng, đỉnh núi là những hình như chiếc nón lá úp cân đối, miệng núi lõm xuống. Trước khi núi lửa hoạt động, địa hình nguyên thủy là khối đá granite, nhấp nhô xen kẽ, giữa những lõm sâu là nơi trồng lúa và sinh sống của các cư dân Phù Nam. Sau khi núi lửa hoạt động, các dòng dung nham lấp bằng các lõm sâu và tạo ra vùng đất bazan màu mỡ, để các cánh rừng già phát triển. Tất cả điều đó do con người ở thế giới song song điều khiển bằng tâm năng.
Tôi bất chợt thốt lên câu hỏi không ăn nhập với câu chuyện của ông già:
– Lịch sử ghi rằng: vương quốc Phù Nam mới mất đi khoảng vài ngàn năm, người ta giả định vương quốc này bị tiêu diệt là do núi lửa hoạt động, hoặc do Chân Lạp thôn tính.
– Đó là sai lầm, người của thế giới vật chất chỉ tin vào sự tồn tại của vật chất, nên tính toán của họ dựa vào các cổ vật mà họ tìm được. Thực tế không phải như vậy. Dấu tích xưa nhất của vương quốc này là những công trình được xây dựng bằng tâm năng mà ta đã nói. Những ngọn đồi thoải rộng từ vùng hạ lưu của dòng sông chính của vùng đất này là do lớp phù sa cổ tạo thành, chứ không phải do dòng sông như bây giờ con người đang dự đoán. Nó là bậc thềm của nhiều dòng sông cho đến khi nó được nâng lên thành đồi núi, bởi những con người làm chủ nguồn năng lượng vi tế của vũ trụ. Cho đến hiện nay, từ vùng trung lưu đến thượng nguồn của dòng sông này đang được tiếp tục nâng dần lên và đến một ngày, tất cả miền này sẽ dựng đứng lên, nghiêng hẳn ra biển, lúc ấy loài người hiện nay sẽ bị hủy diệt một lần nữa.
– Thật đáng sợ!
– Không có gì đáng sợ bởi loài người vẫn còn tồn tại dưới dạng phi vật chất.
– Tất cả loài người ư?
– Không phải tất cả, chỉ có những người có khả năng tích tụ được nguồn năng lượng Ranaga, số còn lại sẽ tan vào hư không và mất đi vĩnh viễn.
– Những người như thế nào thì có khả năng tích tụ được nguồn năng lượng?
– Những người không phung phí năng lượng đời sống vào lòng hận thù, khi mới bước vào thế giới song song, ai cũng có khả năng tích tụ năng lượng vi tế, nhưng vì nuối tiếc cuộc sống vật chất và cũng vì sân si nên họ mất dần khả năng ấy và chỉ thời gian ngắn, những người ấy sẽ tan vào hư khôn
CHƯƠNG 18
Nó chỉ lặp lại trong những giấc mơ nhạt nhòa ba mươi năm sau, không hoảng loạn, không sợ hãi, chỉ là những giấc mơ buồn…
Ni cô Diệu Lan lại giật mình nửa đêm, cô chưa bao giờ có thể ngủ trọn giấc.
“Giế… t”
Tiếng thét của đứa con trai tật nguyền luôn dựng cô dậy giữa đêm trường tĩnh mịch trong ngôi chùa cổ dưới chân núi Hắc Long. Trước khi từ giã cuộc đời cay đắng và đau khổ, nó đã nhìn cô với đôi mắt sâu thẳm, đôi mắt như muốn hỏi: “Tại sao con lại sinh ra trên đời này?” Đôi mắt y hệt đôi mắt của Trần Đình trước họng súng ngày xưa. Đôi mắt ấy, như muốn hỏi: “Tại sao tôi bị tử hình?”
Trần Đình vẫn không chấp nhận những tội lỗi của mình là đáng chết. Ông đã chiến đấu hết mình vì đất nước, vì tổ quốc, ông đã tiêu diệt hàng trăm địch quân trước khi bị hành hình, chẳng lẽ những công trạng ấy không đủ để chuộc lỗi hay sao? Ông có tội háo sắc, có tội hủ hóa. Đúng. Nhưng tội đầu hàng thì không, ông chỉ trá hàng, nếu ông thực sự đầu hàng thì ông còn trở về chiến khu làm gì để cho bị xử bắn. Ông đã dùng trăm phương ngàn kế để thoát khỏi kẻ thù và trở về với đồng đội? Người yêu của ông đã trở thành vợ của người đồng đội. Trong con mắt của Trần Đình, Tư Ngồng chẳng là cái thá gì, một tên cơ hội và nhát cáy, nghe tiếng súng của đối phương là run bần bật. Ông không hiểu tại sao Lan lại có thể làm vợ của hắn được.
Sinh ra trong thời chiến, giữa những trận mưa bom, Lan chưa có một ngày sung sướng, tuổi trẻ của cô là chuỗi dài đau đớn và nhục nhã. Dòng sữa của con chó nuôi cô bé nhà quê lớn lên với cơ thể thon thả và chắc nịch. Năm mười lăm tuổi, Lan thành thiếu nữ. Cô chặt củi, gánh phân, nhổ mạ, leo cây, như thằng con trai. Con gái miền Đông trắng trẻo, săn chắc và nồng nàn.
Một buổi chiều…
Buổi chiều, nắng dát vàng những bụi gừa và hàng dứa dại ven sông, buổi chiều rực rỡ trên cánh đồng lúa chín, buổi chiều ngút ngàn gió mang mùi thơm đồng ruộng tràn ngập trên những mái tranh quê mộng mị dưới làn khói bếp mỏng manh. Buổi chiều bị xé toang bởi tiếng gầm rú của trực thăng, của xe bọc thép, của đoàn quân rằn ri, súng ống đầy mình, cánh đồng dập nát dưới những gót giày đinh.
Đoàn người tan tác, chạy dưới những trận mưa bom.
Cô gái mười lăm tuổi, ngã dúi dụi bên bờ dứa, mái tóc bị giật ngược bởi tên lính da đen.
Thân thể mơn mởn dậy thì lộ dần ra dưới những mảnh áo quần bay lả tả… vệt máu loang ra giữa hai đùi.
Bụp… bụp, hai tiếng súng nổ gọn, gã da đen ngã ập xuống người cô gái, cái quần lính vừa kéo ngang gối. Máu từ cổ ồng ộc tuôn, nhuộm đỏ cơ thể cô.
Đoàn quân ngoại quốc rầm rập đi tới. Trần Đình nhô lên từ mặt nước, kéo cô xuống lòng sông.
Khi anh đưa cô lên bờ, máu đã được rửa sạch, tòa thiên nhiên nõn nà hiện ra dưới bóng hoàng hôn, màu nắng chuyển sang đỏ quạch sau đợt càn quét, bầu trời vần vũ những đám mây màu máu, mặt trời quằn quại lặn dần bên kia sông.
Trần Đình lầm lì, cởi áo choàng lên người cô, bóng đêm dần phủ xuống, anh đốt đống lửa nhỏ, hâm hộp thịt. Đêm ấy, cô đã ngủ ngon lành trong vòng tay của anh. Cô không hề hoảng loạn, thời chiến tranh những tai họa như vậy, thậm chí cả cái chết, chẳng xa lạ gì với người dân quê cô, họ sẵn sàng đón nhận điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra trong cuộc đời. Ở cái tuổi mười lăm mọi thứ nhanh chóng qua đi… Nó chỉ lặp lại trong những giấc mơ nhạt nhòa ba mươi năm sau, không hoảng loạn, không sợ hãi, chỉ là những giấc mơ buồn…
Trần Đình giao nhiệm vụ cho Lan liên lạc móc nối với các cơ sở cách mạng và tiếp tế cho chiến sĩ. Mỗi lần gặp nhau cô lấy ra thuốc ký ninh, đá lửa giấu kỹ càng trong mái tóc dày mượt được nuôi dưỡng bằng nước gội từ hoa bưởi, rồi giấu vào dây lưng quần những cuộn giấy nhỏ mà Trần Đình gọi là mật thư mang về cho bà Năm Trầu.
Cô thành tình nhân của Trần Đình sau chuyến băng rừng về hậu cứ. Chẳng còn gì để giữ gìn khi anh ôm cô trong vòng tay rắn chắc của mình, họ ngã xuống bãi cỏ dưới gốc cây bằng lăng đang mùa trổ hoa…
Anh đã cùng với cô bất kể nơi nào có thể, trên giường, trong núi và cả trong hầm bí mật. Lan không ngờ mình còn có cảm giác hồ hởi đón nhận sau lần bị cưỡng hiếp bên bờ sông năm trước. Anh đã cho cô biết sự hiến dâng vì tình yêu khác với sự cưỡng hiếp.
***
Đêm cuối năm!
Giữa mùa trăng, anh đã về bên cô, cha cô bỏ nhà đi trong lúc có mặt anh, ông đã nhiều lần như thế, ông biết rõ tất cả nhưng không nói gì. Khi xong việc, bất ngờ tiếng chân chạy sầm sập, anh chụp vội cây súng vọt ra cửa sau. Một loạt súng nổ, anh chạy về phía bờ sông, quay mũi súng về phía những người lính dân vệ đuổi theo và tiếng gõ cò khô khốc, băng đạn đã bị lấy ra mất từ trước. Anh chạy như con báo giữa cánh đồng. Bất ngờ chiếc tàu rọ xuất hiện. Một tấm lưới phủ xuống, Trần Đình nằm gọn trong tấm lưới.
Những người lính phía bên kia kịp quật anh xuống và mang đi.
Lan nhìn cha ngồi trên chõng tre hút thuốc với gương mặt đăm chiêu, dưới chân ông là băng đạn AK trong khẩu súng của Trần Đình. Lan chợt hiểu ra, cô chạy vào phòng ôm mặt khóc. Đêm ấy, cô rời bỏ cha mình và vào ở hẳn trong rừng. Người chỉ huy trực tiếp của cô, chính là chàng trai mà mười bảy năm trước, cha cô đã chữa thương cho anh trong hầm bí mật. Cô đã thuộc về anh sau tờ truyền đơn có in hình Trần Đình béo tốt ngồi bên cạnh một người lính ngoại quốc…
***
Ni sư Diệu Lan, ngồi xếp bằng trên tấm phản gỗ nhìn ra vườn, cây cau cô độc vươn lên dưới ánh trăng, mùi hương ngọc lan len lỏi bay vào chùa, Diệu Lan quờ chân xỏ dép và đi ra vườn như một kẻ mộng du.
Trần Đình dựa gốc ngọc lan mỉm cười nhìn cô, gương mặt anh xanh xao, như tàu lá chuối.
– Anh xanh quá! – Diệu Lan thì thầm.
– Người anh đâu còn máu. Máu đã tuôn hết từ phát súng xuyên qua tim.
– Giá như ngày ấy anh không bị địch bắt và anh không đầu hàng thì mọi việc đã khác.
– Anh không hề đầu hàng.
– Anh có biết sau khi anh bị bắt, một thời gian dân làng nhận được những tờ truyền đơn có in hình của anh với lời kêu gọi các chiến binh phiến loạn quay về với chính nghĩa. Em đã khóc hết nước mắt với tờ truyền đơn ấy, em đã căm thù anh.
– Hừ! Không lẽ những người như Tư Ngồng không biết đó là trò tâm lý chiến, hắn đã muốn anh chết từ lâu.
– Sống chết là lẽ thường, anh đã giết nhiều người.
– Anh chỉ có điều nuối tiếc, lẽ ra anh phải chết giữa chiến trường chứ không phải chết dưới họng súng của đồng đội. Bản án sơ sài của Tư Ngồng đã không cho anh biện hộ, hắn cũng không cho anh chết một cách oanh liệt như một chiến binh. Anh vừa gặp thằng Thắng trong thế giới song song. Nó không phải là con của em với Tư Ngồng, nó là hình hài của cuộc chiến!
Diệu Lan bật khóc.
– Mô Phật!
Trần Đình biến mất sau cây ngọc lan.
Giọng sư bà trầm ấm, nhẹ mà vang xa trong âm u của khu vườn:
– Mô Phật! Hãy trở về với bản ngã.
Sư bà ôm vai cô đưa vào chùa, cô đang sống giữa trần gian, hay địa ngục, sư bà là người hay thần tiên…