Từ số này, litviet sẽ đăng dần toàn bộ 40 chương của tiểu thuyết Đất Trời Vần Vũ (NXB Hội Nhà Văn, 2009) của nhà văn Nguyễn Một.
*
Cám ơn quê hương, Quảng Nam và Đồng Nai, đã cho tôi không gian đẹp đẽ, độ lượng và u buồn. Cám ơn bạn tôi, Nhà văn Phan Đình Minh, người đặt tên cho cuốn tiểu thuyết này bằng linh cảm. Anh Trần Bá Dương, người đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê cuộc sống. Anh Trần Đình Thu, người gởi những tin nhắn đầy ám ảnh sau cơn say. Em Vũ Thị Ánh Tuyết, người trân trọng từng câu chữ của tôi. Cám ơn vợ và các con đã dành cho tôi tình yêu và lòng kính trọng với những điều tôi viết. Cám ơn Công ty Cổ phần Sách Bách Việt đã quan tâm xuất bản. Cám ơn tất cả, để cuốn tiểu thuyết này ra đời, sau những giấc mơ không hình hài.
NM
CHƯƠNG 1
Khó tin nhưng có thật, mà không có ai tin cũng chẳng hề gì bởi nó vẫn tồn tại.
– Cái chết của Tư Ngồng thật kỳ lạ, trái tim của ông ta bể ra thành từng mảnh nhỏ.
Ở quán cà phê ngay bên mép phải của cù lao, Bảy Tánh nâng ly trà đá và kể với mọi người như vậy.
Người đàn ông trung niên ngồi kế bên, áo lụa cũ, thẳng nếp, dân cù lao gọi anh là nhà thơ. Anh nhìn ra sông, Lụa dịu dàng, đặt ly cà phê trước mặt anh. Anh khe khẽ hát:
– Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô.
Lụa – tên cô chủ quán cà phê, gương mặt tròn và trắng, áo rộng hơi trễ xuống, bầu ngực căng cứng gợi cảm. Da trắng như lụa, mắt đen, tóc dài óng mượt.
Nhà thơ là nhân vật kỳ lạ nhất ở vùng này, anh không phải là dân cù lao.
Lụa còn nhớ, buổi sáng, giữa mùa hoa bưởi nở, mặt trời ló dạng sau hàng gừa, Lụa mở cửa quán, cô nhìn thấy anh đứng sẵn trước cửa. Gương mặt rắn rỏi đầy nam tính, anh mỉm cười, nụ cười quyến rũ, anh đọc câu ca dao thay lời chào:
Nước sông trong đổ lộn sông ngoài
Xin hãy thương người xa xứ lạc loài tới đây.
Lụa sững người, anh quen thuộc và thân thương lạ lùng, cô có cảm giác đây chính là người đàn ông mà cô mơ hồ chờ đợi.
– Anh cần gì? – Lụa dịu dàng hỏi.
– Tôi muốn thuê một chỗ trọ tại đây.
– Nhà em còn một phòng trọ phía sau, anh ở tạm nhé.
Dân trong vùng ai cũng biết Lụa. Cô sinh ra trên đất cù lao, năm mười hai tuổi cha mẹ đắm đò trên sông qua đời, Lụa theo bà dì ra phố làm ăn, thời gian sau, trở về cù lao mở quán cà phê và xây phòng trọ cho khách lỡ đường thuê.
Ngày trở về, cô đẹp lộng lẫy như hoa hậu, không còn ai nhận ra cô bé đen đúa con của hai vợ chồng thuyền chài ngày xưa. Lụa có nhiều tiền, cô mua lại mảnh đất ngay bến đò Trạm, nơi cha mẹ cô từng neo thuyền, sau mỗi lần giăng câu. Quán cà phê của Lụa lúc nào cũng đông khách. Người trong làng, khách lai vãng, ra vào thường xuyên.
Lúc đầu có nhiều người đàn ông trong làng mon men tán tỉnh, nhưng không ai được ưu ái đặc biệt, , Lụa dịu dàng với tất cả những người khách đến đây. Đàn ông trong vùng đều nhìn cô với ánh mắt thèm muốn nhưng chưa ai chạm được vào người cô. Dân cù lao đồn Lụa rất giàu vì trúng số trên thành phố. Ba năm mở quán, Lụa cưu mang khá nhiều người dân lưu vong đến lập nghiệp tại cù lao. Quán của Lụa đông người đến uống hơn kể từ lúc có nhà thơ. Họ thích thú với vẻ ngây ngô chất phác và dễ gần gũi của anh, họ cũng thích nghe anh đọc thơ, những bài thơ đầy sự ám ảnh khốc liệt của chiến tranh và tình yêu, họ thích nghe anh kể chuyện, những câu chuyện cổ kỳ lạ. Không chỉ làm thơ, anh còn là người sưu tầm chuyện cổ tích và những câu chuyện lịch sử thú vị. Họ thích thú nghe anh kể câu chuyện về vùng đất của họ đang sống, dù có thể do chính anh bịa đặt ra. Nghe đâu anh là nhà văn có thẻ hẳn hoi. Lụa cho anh tá túc, cho anh vay tiền mua chiếc thuyền, hàng ngày anh đi giăng câu và sưu tầm chuyện xưa dọc theo bờ sông Thanh Long hoang dại và hùng vĩ này, con sông lớn nhất miền Đông Nam bộ, êm đềm, từng trải và kiêu hãnh với dòng dõi thuần Việt của mình.
Bảy Tánh lấy từ trong túi áo ra cục đường tán bỏ vào miệng, nhai xong cục đường, Bảy Tánh nhắc lại thông tin y đưa ra:
– Cái chết của Tư Ngồng thật kỳ lạ, trái tim của ông ta bể ra thành từng mảnh nhỏ.
Lụa hỏi:
– Sao chú Bảy biết trái tim ông ta bể ra từng mảnh nhỏ?
Không trả lời câu hỏi chính của Lụa, Bảy Tánh nheo mắt:
– Sao gọi anh bằng chú hả cô em, chẳng thà gọi bằng chó chứ gọi chú thì làm ăn được gì?
Lụa hất mái tóc dài, cười:
– Chú này!
– Đùa với cô em chút đừng giận, anh mới gặp tay bác sĩ pháp y, bác sĩ bảo cả đời khám xác chết, ông ta chưa thấy có chuyện kỳ lạ như vậy bao giờ.
Làm nghề bán quán, kiểu đùa như Bảy Tánh, Lụa rất quen thuộc nên thấy bình thường. Nhưng nhà thơ nhíu mày tỏ vẻ khó chịu, anh nhìn ra sông. Thái độ của nhà thơ, khiến Bảy Tánh bực dọc, y nghĩ thầm: “Nhà thơ là cái thá gì?”
Bảy Tánh là người có số má trong vùng, y làm nghề buôn bán heo bò, đôi khi kiêm luôn việc thiến heo và thụ tinh cho heo. Y là người giàu, người có tiền luôn có tiếng nói quan trọng trong cộng đồng dân cư, nhất là nông dân, những người dân nghèo nàn, nên sự giàu có đối với họ là thước đo của sự thành công, nhưng họ cũng khinh khi sự giàu có. Chính vì lẽ đó mà thái độ của nhà thơ làm y điên tiết. Thoáng qua trong đầu y, một ý nghĩ tàn bạo, là cho gã nhà thơ này một nhát dao vào cuống họng, một nhát dao đâm xéo từ chỗ lõm trên cổ, xuyên tận tim, máu sẽ tuôn ồng ộc, như đâm một con heo, y khoái trá với ý nghĩ đó. Y khó chịu với nhà thơ, một phần cũng vì sự ưu ái của Lụa dành cho anh. Bảy Tánh đã có một vợ chính và ba người vợ lẽ, nhưng hễ thấy gái đẹp là Bảy Tánh híp cả mắt. Y đeo đuổi Lụa cả năm trời nhưng không có được chút cảm tình từ cô. Vậy mà nhà thơ mới đến đã được ở chung nhà. Bảy Tánh ước gì có thể cho gã nhát dao. Tuy nhiên Bảy Tánh cũng biết chắc y không bao giờ làm được điều đó. Giết con vật thì dễ chứ giết một con người là chuyện cực kỳ khó. Nghĩ điều ác thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được điều ác. Không làm được nên khi kể chuyện Tư Ngồng, y kể với giọng khoái trá, y khâm phục kẻ đã giết Tư Ngồng và làm bể trái tim của hắn ra từng mảnh nhỏ. Nhiều lần nhìn thấy bộ mặt trắng bóng, đỏ lựng của Tư Ngồng bước từ xe hơi xuống, y đều có ý nghĩ như đã từng có với nhà thơ. Bảy Tánh tiếp tục câu chuyện:
– Cái chết của Tư Ngồng thật kinh khủng, kẻ sát nhân làm cách nào để có thể làm bể trái tim của hắn?
Mọi người lắng nghe nhưng không hưởng ứng, không ai bình phẩm cùng Bảy Tánh. Con người ở đây rất dung dị, nhân hậu và độ lượng như dòng sông chảy qua vùng đất họ, tạo ra vùng đất họ, nên dù người chết là kẻ mà họ không thích thì họ vẫn dành cho người đã mất một chút trân trọng, không bao giờ nghe người dân ở đây nói xấu người khuất mày, khuất mặt. Họ tôn trọng quỷ thần, Bảy Tánh là trường hợp ngoại lệ.
Bảy Tánh trả tiền cà phê, đứng dậy phủi đít bỏ đi, cái động tác phành phạch đầy vẻ giận dỗi, nhiều lần giúp y mua được heo với giá rẻ. Những người nông dân sợ y không mua, sẽ phải chở qua sông để bán, chở về thành phố, cái nơi mà họ khinh bỉ bởi sự phồn vinh của nó. Sự phồn vinh làm nổi rõ hơn sự nghèo khổ của họ.
Cái chết bất ngờ của Tư Ngồng khiến cho vùng quê nằm giữa dòng sông này có xôn xao một chút. Giả sử Tư Ngồng là một người dân bình thường và cái chết cũng bình thường, thì cái chết cũng chẳng có gì ầm ĩ, hàng ngày có biết bao nhiêu người chết, bằng cách này hay cách khác, họ không còn hiện hữu trước mắt mọi người, thế là chết.
Cù lao Dao là vùng nông thôn hiền lành, nó tồn tại lạc lõng giữa thế giới vội vã. Cách một nhánh sông, bên kia là thành phố công nghiệp phồn vinh và tạp nham. Con người phì nhiêu về thể xác và mục ruỗng trí tuệ bởi những dục vọng. Cù lao, nhìn bề ngoài vẫn là vùng quê như cả trăm năm trước, có vẻ như nó nằm ngoài sự biến động của cuộc sống vội vã. Khó tin nhưng có thật, mà không có ai tin cũng chẳng hề gì bởi nó vẫn tồn tại. Mà sao lại có thể không tin khi thế giới này quá rộng lớn, vũ trụ này quá bao la, con người sống được bao nhiêu, đi được bao nhiêu mà có thể kiêu hãnh khẳng định rằng không có chuyện này, hoặc chẳng bao giờ xảy ra chuyện kia.
Cù lao ở miền Nam không phải là thẻo đất nhỏ, mà cả vùng đất rộng nằm giữa hai nhánh sông như một hòn đảo ngoài biển khơi, cù lao Dao rộng hơn một ngàn mẫu; nhìn từ đỉnh núi Châu Long, hoặc Hắc Long sẽ thấy cù lao có hình như lưỡi dao chĩa về phía thượng nguồn. Vùng đất trù phú và màu mỡ bởi phù sa bồi đắp hàng năm, có vườn có ruộng và có cả hàng ngàn gia đình sinh sống.
Tên gọi cù lao có nguồn gốc ngôn ngữ Mã Lai, chỉ sử dụng nhiều ở miền Nam Việt Nam. Cù lao Dao thuộc miền Đông Nam bộ, nên con người ở đây lọc lõi và khôn ngoan hơn miền Tây Nam bộ, họ có một chút khôn ngoan của người miền Bắc, một chút khốc liệt của người miền Trung, một chút phóng khoáng của người miền Tây và một chút lọc lừa của người Tàu, một tính cách đặc thù của miền Đông. Vượt qua nhánh sông bên trái gặp vùng quê với cánh đồng lúa trù phú và cảnh sắc gần giống những làng quê khác trên đất nước, đó là xã Vĩnh Thanh. Nếu cù lao Dao hình thành bởi lớp phù sa mới, thì cánh đồng Vĩnh Thanh được bồi đắp bởi lớp phù sa cổ. Phía trên cánh đồng là vườn cây trái và đồn điền cao su ngút ngàn được trồng từ thời Pháp thuộc. Quanh khối đất bazan, những cánh rừng trùng trùng, điệp điệp gỗ quý: dầu, săng đá, cẩm lai, trắc. Rừng nguyên sinh kéo dài tận Cao Nguyên Langbiang. Càng về phía thượng nguồn rừng càng thâm u huyền bí. Nơi đây – địa bàn cư trú của nhiều cư dân Việt cổ: Mạ, Chơ Ro, Kơ Ho. Toàn bộ vùng đất này, từ đồng ruộng đến núi rừng là chiến trường lý tưởng cho tất cả các cuộc chiến tranh. Những cuộc giao tranh ác liệt, giành dân, lấn đất, hủy diệt đều diễn ra trên vùng này suốt chiều dài lịch sử. Những cánh rừng che chắn cho quân khởi nghĩa, không có quân đội nào có thể kiểm soát, hàng vạn tấn đạn bom và chất độc da cam cũng không hủy diệt được.
Theo nhà thơ thì từ đèo Hải Vân trở vào không còn khái niệm làng như miền Bắc, làng đã biến mất trong hành trình mở đất của dân tộc. Làng để làm gì, một khi mà cái vườn bưởi của Tư Ngồng đã lớn hơn một cái làng của phía Bắc. Khái niệm dòng họ cũng trở nên lỏng lẻo, không có dân ngụ cư, bất cứ ai đến đây một thời gian cũng thành dân địa phương. Đa số dân ở đây là cư dân vùng Ngũ Quảng vào khai khẩn.
Nhà thơ là người uyên bác nhứt vùng này, dù anh không phải là người sinh ra và lớn lên ở đây, anh nói thao thao về lịch sử của vùng đất, mà nhiều người dân cù lao không biết đến:
– Nhiều người cho rằng vùng này mới được khai phá vài trăm năm là sai. Thực tế người Việt đã sinh sống hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên dân cư trở nên đông đúc khi miền Đông tiếp nhận bốn cuộc di dân lớn, cuộc di dân đầu tiên là của người Hoa theo chân Trần Tướng quân vào mở đất phương Nam, cuộc di dân thứ hai quy mô hơn là của người Việt miền Trung theo chân Lễ thành hầu, cuộc di dân thứ ba là những người công giáo vào Nam, cuộc di dân thứ tư diễn ra sau biến động thay đổi chế độ, các cư dân ồ ạt theo chân chính quyền mới thoát khỏi vùng quê chật hẹp giữa trùng điệp của núi non phía Bắc miền Trung. Những cư dân trong đợt cuối này khôn ngoan hơn, họ nhanh chóng sở hữu những mảnh đất màu mỡ và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền.
Dần dần giới cầm quyền cảm nhận thiệt thòi ấy nên âm thầm thay ngôi đổi chủ. Cuộc thay ngôi có thể thấy rõ từ “triều đại” của Tư Ngồng, bằng một thứ quyền lực bí mật, ông lần lượt loại bỏ những cán bộ gốc người di dân trong đợt cuối. Bây giờ hầu hết cán bộ là những cư dân có nguồn gốc từ đợt di dân thứ hai. Tuy nhiên sự thay ngôi trong nội bộ chính quyền, cũng không hề làm thay đổi bộ mặt của đời sống những người dân.
CHƯƠNG 2
Mùi nhang trầm trên bàn thờ, mùi dầu phụng phảng phất trong không gian át đi mùi thơm của hoa bưởi.
Khu vườn lớn nhất nằm giữa cù lao mà Tư Ngồng đang sở hữu, theo lời nhà thơ thì ba trăm năm trước là khu vườn của tổ tiên ông, dòng họ Trương Phước. Sau nhiều lần đổi chủ, khu vườn trở về với cha của Tư Ngồng, hậu duệ của dòng họ Trương Phước. Ông Trương Phước Tư, tên là Tư chứ không phải thứ tư, vì ông là con trai duy nhất. Từ năm mười lăm tuổi, ông đã cao lớn chồng ngồng, nên có biệt danh là Tư Ngồng. Nhà thơ cũng đưa ra lời tiên đoán rằng, ông là người cuối cùng của dòng họ Trương Phước và là người tạo ra biến động lớn lao nhất cho vùng đất hình lưỡi dao này. Mười tám tuổi, Tư Ngồng có bằng tú tài toàn phần. Ông là người thừa kế duy nhất của vườn bưởi lớn nằm bên bờ sông Thanh Long. Mẹ ông bỏ ra mười lượng vàng để Bảy Tánh lo cho cái giấy miễn quân dịch, nhưng đùng một cái, ông nhảy núi theo cách mạng. Mẹ ông buồn rầu khóc hết nước mắt, nhưng chẳng thể nào cản được ông. Bà âm thầm lo lót cho gã trung sĩ cảnh sát Bảy Tánh và thông qua bà Năm Trầu tiếp tế cho con trai. Khi bệnh nặng, bà gởi khu vườn lại cho bà Năm Trầu cai quản chờ con trai bà về giao lại cho nó. Tư Ngồng quay về cù lao tiếp quản, khu vườn vẫn xanh tốt, bưởi vẫn trĩu quả. Ông trở về trong đoàn quân chiến thắng giữa rực rỡ cờ hoa, nụ cười luôn nở trên gương mặt, dáng cao to, trắng trẻo, ông nổi bật giữa trùng trùng màu xanh áo lính, vợ ông ẵm con đi cuối đoàn người, chị cũng cười tươi, dù đôi mắt vẫn buồn thăm thẳm.
Chị đang ngồi tụng kinh, giọng đều và buồn bã, mùi nhang trầm trên bàn thờ, mùi dầu phụng cháy dưới quan tài phảng phất trong không gian át đi mùi thơm của hoa bưởi. Bà Năm Trầu tất tả sai khiến đám đàn bà chuẩn bị bữa cơm khuya, để những người đàn ông canh thức ăn đêm, họ quần tụ bên mấy sòng bài và các bàn cờ tướng mặt mày đỏ gay vì sát phạt. Không ai đoán được tuổi của bà già ăn trầu này, ba mươi năm nay, hoặc lâu hơn nữa, người ta thấy bà già này vẫn vậy, vẫn ăn trầu, vẫn bà ba đen, vẫn khăn rằn quấn cổ và vẫn nhanh nhẹn dẫn đầu đám đàn bà con gái trong cù lao.
– Bảy Tánh, mầy nhớ mổ bụng con gà cho khéo, tréo cánh cho đàng hoàng để cúng cơm cữ mai, mầy có biết làm gà cúng không? – Bà ra lệnh cho gã đồ tể.
– Má cứ lo, con là dân mổ bụng chuyên nghiệp.
– Mầy mà mổ cái bụng toạc hoạc theo kiểu mổ heo thì mầy mang dề ăn luôn đi.
– Dạ con biết rồi thưa bà tướng, mà này má Năm ơi, cô Ba Thược không qua hả má?
– Nó chạy qua bên Lộc Hòa đặt mấy cái nhà lầu, xe hơi cho thằng Tư Ngồng rồi.
– Mua chi tới mấy cái lận?
Tư Nghĩa đi tiểu sau vườn vừa vào tới, đùa với Bảy Tánh:
– Mai mốt tới phiên chú Bảy, má nhớ biểu chị Ba mua thêm mấy cô gái nữa.
– Thế còn chủ tịch thì gởi xuống mấy cái sừng hả?
Ý Bảy Tánh châm chọc chuyện vợ Tư Nghĩa bị bắt quả tang về tội ngoại tình rồi bỏ nhà theo trai qua sống bên thành phố Lộc Hòa. Tư Nghĩa đỏ mặt, tính tìm câu hiểm để trả đũa gã lái heo, bà Năm Trầu mắng át đi:
– Bay đừng giỡn nhây, Bảy Tánh lẹ tay lên, thằng Tư Nghĩa dô trỏng với anh em đi.
Không biết bà Năm Trầu ở cù lao từ thời nào mà nói tiếng Nam rặt, vô thành dô, trong kia thành trỏng. Tư Nghĩa hậm hực bỏ đi, anh vừa tức gã đồ tể Bảy Tánh, vừa tức bà Năm Trầu, đường đường là chủ tịch xã, ở trên ủy ban anh oai phong lắm, mà hễ cứ đến đám ma hay các hội hè trên cù lao, là anh phải chịu lép với bà Năm Trầu. Ở những chỗ ấy, bà Năm Trầu thực sự là người chỉ huy, dân cù lao chỉ nghe bà già ấy. Bà như quỷ thần, cái gì cũng biết, cũng sắp đặt đâu vào đó.
Bảy Tánh quệt bàn tay dính máu gà vào quần, hỏi bà Năm Trầu:
– Ủa mua chi xe hơi, nhà lầu hả má?
Bà già, nhổ bãi nước trầu, chép miệng:
– Tội nghiệp! Ở trên này thằng Tư Ngồng sống sung sướng quen rồi, xuống dưới không có xe đi thì khổ lắm.
– Sao đồ mã hồi trước người Tàu làm ngựa mà bây giờ toàn xe hơi?
– Thì thời thế tuy có đổi thay, nhưng dương sao âm dậy, bây giờ ai đi ngựa nữa, ngay cả giấy tiền vàng bạc, người ta cũng thay bằng đô la đó mầy không thấy sao?
Bảy Tánh nhớ hôm liệm Tư Ngồng, chủ tịch xã Tư Nghĩa biểu cạy miệng ông ra bỏ vào đó chỉ vàng, bà Năm Trầu dứt khoát không chịu, bà nói phải bỏ vô bảy hột gạo theo tục lệ của tổ tiên, không được cho ngậm vàng. Bảy Tánh hỏi bà Năm:
– Má hiện đại vậy, sao hôm liệm Tư Ngồng má lại không cho thằng Tư Nghĩa bỏ vàng?
– Bay đầu xanh tuổi trẻ biết gì? Dàng là của cải trần gian, gạo mới là hột ngọc của trời, người xưa ngậm ngọc, chứ ai ngậm dàng bao giờ, tuy thời thế đổi thay, nhưng có cái cũng phải giữ theo nếp cũ của cha ông.
– Chà má thiệt giỏi.
– Thôi mầy về bắt mấy con heo làm thịt đi để mơi đãi các quan khách trên tỉnh với trên nhà nước về.
Bà Năm Trầu vẫn quen gọi các cán bộ trung ương là nhà nước, Bảy Tánh băng vườn về nhà, chuẩn bị mổ heo, gà eo óc gáy báo hiệu bước qua canh một, ánh trăng mờ dần, tiếng gõ mõ tụng kinh của ni cô Diệu Lan vẫn đều đều xen lẫn tiếng cười nói của chiếu bạc, tiếng cãi nhau của bàn cờ tướng, một thứ âm thanh đặc trưng của đám ma Nam bộ. Khi ni cô Diệu Lan ngừng tiếng mõ, thầy giáo Nguyễn Hữu Trí kéo đờn cò hát Lục Vân Tiên:
Diệt rồi lũ kiến chòm ong
Hỏi ai than khóc ở trong xe này
Thưa rằng tôi thiệt người ngay
Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ…
Nhà thơ ngồi trầm ngâm bên gốc bưởi trước sân, trong mùi hương trầm váng vất, trong tiếng đờn cò nỉ non, anh nhớ tuổi thơ của mình.
Quê anh có ngôi nhà thờ nhỏ nằm cạnh nghĩa địa bên bờ sông, con sông nghèo nàn và trong vắt, chứ không như dòng Thanh Long ắp ứ phù sa. Sau này, đi nhiều nơi anh mới biết ngôi nhà thờ không lớn lắm, chứ lúc ấy, đối với anh đó là ngôi nhà kỳ vĩ nhất. Ở đó chim sẻ nhiều vô kể, chúng sinh sôi nảy nở, làm tổ dày đặc trên nóc nhà thờ. Mỗi trưa trốn ngủ, anh rủ Chi băng đồng để trèo lên nhà thờ bắt tổ chim. Vị linh mục già nua, luôn ngước nhìn hai đứa trẻ với đôi mắt buồn bã. Có lần anh đánh rơi một con chim non từ nóc tháp chuông xuống đất. Con chim bị vỡ đầu, ngực còn thoi thóp thở. Linh Chi nâng con chim nhỏ trên bàn tay bé bỏng, khóc nấc. Vị linh mục cúi xuống vuốt đầu em tỏ vẻ thông cảm. Hết bắt chim, cả hai thơ thẩn xung quanh nhà thờ. Có khi anh theo Chi vào bên trong, quỳ trước mặt tượng Đức Mẹ Maria. Anh len lén nhìn vẻ mặt thành kính của Chi, anh thấy em thật đẹp. Năm đó anh mười ba tuổi, cái tuổi mà anh bắt đầu có khao khát sẽ đi ngược dòng sông. Buổi sáng mùa đông mưa phùn xám trời, Chi rủ anh đi theo một đám ma vào trong nhà thờ, thấy mọi người khóc, Chi cũng khóc theo. Còn anh, anh tỏ ra ngạc nhiên, chẳng hiểu tại sao người ta lại khóc nhiều đến thế?
Đám ma của Tư Ngồng anh chưa nghe tiếng khóc, kể cả ni cô Diệu Lan, người đã từng là vợ ông.
Tư Ngồng cũng biết điều đó, không ai khóc, trừ bà Năm Trầu, bà già là người duy nhất khóc cho ông, dù nước mắt của người già không nhiều, ông kịp thấy giọt nước mắt hiếm hoi ấy trước khi ánh trăng dẫn ông đi.
(Đọc tiếp)
(Đất Trời Vần Vũ. Tiểu thuyết của Nguyễn Một, NXB Hội Nhà Văn, 2009)
Nguyễn Một. Bút danh khác: Dạ Thảo Linh (dùng cho truyện thiếu nhi). Sinh ngày 14.12.1964. Hiện sống và làm việc tại Đồng Nai. Các tác phẩm chính đã xuất bản: Tha hương – tập truyện ngắn, NXB Đồng Nai 1996; Quà của đất – tập bút ký, NXB Đồng Nai 2001; Vũ điệu trên đỉnh Kung Phô – tập truyện ngắn, NXB Thanh niên 2001; Như là cổ tích – tập truyện ngắn, NXB Hội nhà văn 2005; Hoa dủ dẻ – Tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng 1997; Ngũ hổ tướng xóm đồi – truyện dài thiếu nhi, NXB Trẻ 2000; Long lanh giọt nắng – truyện dài tuổi mới lớn, NXB Kim Đồng 2004; Dòng sông độ lượng – NXB Văn nghệ; Đất trời vần vũ – tiểu thuyết, NXB Hội nhà văn 2009