[Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Two Kings”]
Ðó là năm 1923, năm đầu tiên của tôi ở Paris, một lần trên xe điện ngầm từ Porte Maillot đến Epinet tôi thấy một người Việt Nam mà tôi nhận ra ngay là vua Khải Ðịnh. Ngày nay ông chỉ còn được nhớ đến nhờ cái lăng bê-tông kém thẩm mỹ ông xây cho chính mình. Khi tôi gặp ông, nhà vua rất gầy, tuy vậy trông vẫn bèo nhèo với những bắp thịt chảy xệ. Khuôn mặt ông giữa màu vàng và xám, như quả chanh bủng. >>> Những năm lưu đày đã khiến ông có dáng vẻ một người lãnh đạm, bị ám ảnh. Trông ông như một quý tộc hút thuốc phiện mỗi ngày một lần, chơi tennis mỗi tuần một lần, và tắm biển mỗi năm một lần. Trên cổ tay mảnh khảnh như que diêm, cổ tay một công chúa, ông đeo chiếc đồng hồ mặt vuông to tướng hiệu LeCoultre rẻ tiền. Ðó là một hiện thực khiến tôi vừa xấu hổ vừa nao lòng. Không hề có chiếc nhẫn nào trên những ngón tay xương xẩu. Chuyện khá kỳ cục, tôi nghĩ, đối với một người đàn ông nhiều vợ. Ông không hề nhìn bất cứ ai hay vật gì xung quanh, chỉ nhìn thẳng phía trước. Ông không chớp mắt rất lâu đến nỗi tôi nghĩ có lẽ ông bị mù. Quay cuồng trong óc ông, không nghi ngờ gì, là những ý nghĩ rối bời về đất nước đau buồn. Ông biết lịch sử sẽ phán xét di sản của ông một cách đen tối. Người đàn ông này chỉ là nhà vua con rối, được giật dây bởi những thế lực ngoại quốc, tuy vậy, tôi cảm thấy một tình cảm dịu dàng, thậm chí gần như ngưỡng mộ, đối với ông. Số phận của ông chính là số phận của tôi.
Sau cùng tôi rời khỏi ghế tiến đến trước mặt nhà vua: “Kính chào hoàng thượng! Ngài phải là vua Khải Ðịnh.” Mắt nhà vua ánh lên vẻ vui sướng tột độ trong một thoáng ngắn ngủi, nhưng rồi ông trả lời tôi bằng tiếng Pháp: “Je suis désolé, mais je ne comprends pas”! Không thể tưởng tượng được. Một nhà vua Việt Nam vờ không hiểu tiếng Việt! Tuy vậy, tiếng Pháp của ông lại tệ hại khủng khiếp. Ông nói tiếng Pháp với giọng miền Trung đặc sệt khiến để lộ gốc gác ngay lập tức. Phải chăng tiếng Pháp tồi tệ của ông là một cách kháng cự có ý thức chống lại cái vị thế bị hạ thấp của ông? Nên nhớ vua Khải Ðịnh chỉ đeo lon đại úy trong quân đội Pháp. Dù sao tôi cũng đã không có thời giờ để phân tâm ông. Tôi nhìn khinh bỉ xuống cái hình hài vặn vẹo. Bị xúc phạm bởi thái độ kinh tởm của tôi, một vệt đỏ chạy loan lên mặt ông, rồi ông lóe nụ cười nhạo biếm. Không muốn tạo cảnh tượng hai người đàn ông Việt trong hai bộ đồ vét tồi tàn la hét vào mặt nhau làm trò cười trước mặt những người Pháp, tôi lẳng lặng quay lại chỗ ngồi. Tôi cảm thấy xấu hổ đến nỗi mắt rướm lệ. Phải nhiều năm sau tôi mới khám phá ra, qua những bức ảnh trên báo chí, rằng người đàn ông tôi gặp trên xe điện ngày hôm đó không phải vua Khải Ðịnh mà là Nguyễn Ái Quốc.
(Trích từ Thư Lạ, tuyển tập truyện ngắn Đinh Linh. Phan Nhiên Hạo dịch. NXB Văn Mới, California, 2007)