Đinh Linh – Những kẻ không còn ở với chúng ta

[Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Those Who Are No Longer with Us”]

Phòng khách sạn giống quán rượu phi trường: sự thiếu vắng lịch sử cá nhân, không khí thân mật giả tạo, và hứa hẹn mù mờ. Đêm đầu tiên trong khách sạn luôn hào hứng vì vừa thoát khỏi nhà. Đêm sau cùng cũng hào hứng (tương đương) vì sắp trở về nhà. Bên cạnh những tiện nghi căn bản, giường êm, cầu dội nước, người ta cũng chọn khách sạn căn cứ vào vẻ choáng ngợp hoặc kỳ quặc của phòng tiền sảnh, khung cảnh mê hồn từ cửa sổ phòng ngủ, một nhà hàng với thực đơn không hẳn quốc tế cũng không hẳn địa phương nhưng thật sự siêu việt. Cần tránh xa những khách sạn với nhân viên tiếp tân ngủ ngáy, thang máy kẹt, rệp, rết, ma quỷ, và những trò bịp bợm.

Trong khi một tay tiếp tân ngủ ngáy có thể được nhận diện lập tức khi ta bước vào tiền sảnh, thường thì mọi việc đã quá trễ khi khám phá ra mình đang thuê phòng trong khách sạn có ma. Ơn trời, ở nước ta, tỉ lệ khách sạn bị ám bởi những-kẻ-không-còn-ở -với-chúng-ta không cao lắm. Trong tổng số 250.000 phòng khách sạn, tối đa chỉ khoảng 500 phòng bị ma ám. Trong khi chu du quanh đất nước vĩ đại, bé tẹo của chúng ta, tôi đã không tránh khỏi (và rõ ràng) trải qua vài đêm trong những khách sạn ma ám. Tuy khá đáng sợ vào lúc đó, những vụ này đã không gây tổn thương tâm sinh lý vĩnh viễn.

Kinh nghiệm đầu tiên của tôi với khách sạn ma ám xảy ra khá nhẹ nhàng. Trong phòng ngủ tầng thượng một khách sạn lớn và mắc tiền nhất Hà Nội, tôi bị ma cù suốt đêm. Cứ vừa chợp mắt là có người cù vào chân. Sáng hôm sau khi nghe than phiền chuyện này, thật ngạc nhiên, ban quản lý hoàn lại tôi toàn bộ tiền phòng. Tuy nhiên, họ yêu cầu tôi không bao giờ được nhắc đến tên khách sạn khi kể lại chuyện này. (Thậm chí họ đề nghị tôi nhận thêm tiền để rêu rao rằng sự việc xảy ra trong một khách sạn đối thủ). Khách sạn được xây với phí tổn khổng lồ, nhưng thường chỉ một phần tư số phòng có khách. Họ không muốn để xì chuyện khách sạn bị ma ám. Trước đó vài năm, một đứa trẻ té xuống lỗ thang máy dùng chuyển thức ăn trong khách sạn. Từ đó hồn đứa bé thường về cù chân khách mướn phòng.

Kinh nghiệm thứ hai xảy ra trong một khách sạn ở Pleiku. Chẳng có lý do gì khiến người ta phải mò lên Pleiku? Nhưng cũng chính vì không có lý do gì để đến Pleiku, tôi đã đi Pleiku. Tôi tin bất cứ nơi nào trên trái đất cũng đáng thăm ít nhất một lần. Sau cả ngày tham quan một nhà thờ tuyệt vời xoàng xĩnh, một ngôi chùa xoàng xĩnh tương đương, và một bưu điện trông giống cái lăng, tôi quay gót về khách sạn Hollywood. Lơ đãng rà qua cả bốn kênh tivi đều tường thuật cuộc họp Đảng ở Hà Nội, tôi quyết định đi ngủ sớm. Tôi chỉ mong rời thành phố sáng mai, hài lòng đã “xong chuyện” với Pleiku.

Khoảng ba giờ sáng, tôi bất ngờ bị dựng dậy bởi tiếng nhạc rock ầm ĩ. Mặc dù không phải là kẻ ái mộ văn hóa phổ thông Mỹ, tôi cũng đủ quen thuộc với nó để nhận ra giọng gào thét của Joe Cocker. Chắc từ phòng mấy tên Tây Ba Lô, tôi nghĩ. Tiếng nhạc to như thể đang có buổi trình diễn ngay trong phòng tôi. Sau Joe Coker đến Janis Joplin. Rồi Jimi Henrix. Rồi Jefferson Airplane. Tóm lại, như một Woodstock, nhưng tại một vùng sâu vùng xa Việt Nam. Sao chẳng ai than phiền? Sao quản lý khách sạn có thể chấp nhận sự quấy rối như vậy? Đành rằng cần ngoại tệ khách du lịch, nhưng không phải loại khách này. Tôi quyết định tự giải quyết. Tôi nhanh chóng mặc quần áo rồi mở cửa phòng, nhưng cửa đã bị khóa. Trong cơn bực bội tôi vừa đá cửa vừa lay giật nắm đấm. Vài phút trôi qua cho đến khi cửa phòng mở bung. Tiếng nhạc bỗng ngưng bặt. Vài nhân viên khách sạn đang đứng trong hành lang. Giận dữ và kinh ngạc, họ trừng trừng nhìn tôi như một thằng điên.

Không, chẳng ai nghe rốc riết gì cả. Mấy vị Tây Ba Lô cư xử rất đứng đắn. Chỉ có ông, thưa ngài, đã không giữ được những chuẩn mực cư xử Xã Hội Chủ Nghĩa. Mà này, Jimi Henrix là ai?

Kinh nghiệm thứ ba của tôi về khách sạn ma ám xảy ra ở Vinh cũng liên quan đến thính giác. Tôi đi Vinh tìm hiểu chuyện cái cây biết đi nổi tiếng. Cây xoài được truyền tụng đã sống cả ngàn năm. Một trong những nhành cây sà xuống sát mặt đất, trổ rễ, thành thân cây mới. Năm tháng qua đi, thân cây cũ co lại. Thế là sau ngàn năm cây xoài “bước đi” một thước.

Sau khi chụp một bức hình Polaroid cái cây biết đi, tôi thả bộ xuống phố, chẳng thấy gì hay, bèn rút về khách sạn Ốc Đảo Ngôi Sao Phương Bắc, một khách sạn hiện đại xây giống chiếc tàu chở khách bị lật nghiêng.

Trời chưa chạng vạng, tôi định nằm nghỉ một hai tiếng trước khi xuống ăn tối. Tôi muốn thử chuột đồng nướng, một món ngon địa phương. Thành phố này có đền thờ một con vật gặm nhấm khổng lồ bắt được cách đây hơn thế kỷ. Trong giấc ngủ ai đó gọi tên mình, tôi mở mắt trong căn phòng tối đen. Không biết đang ở đâu, tôi bắt đầu ú ớ. Tôi đang ở đâu? Một giọng nói không giới tính trả lời, dĩ nhiên ngươi đang ở đây. Chẳng hiểu sao, câu trả lời này mang lại cho tôi một nỗi buồn khôn tả. Thậm chí tôi bắt đầu khóc khi đèn trong phòng tự động sáng lên, lôi tôi ra khỏi cơn mê hoảng.

Chiếc bàn ngủ khiến tôi an lòng. Căn phòng vẫn y nguyên, với một tivi nhỏ trên nóc tủ lạnh nhỏ. Trên tường treo tấm lịch cảnh lâu đài bên bờ hồ Thụy Sĩ.

Tấm lịch cũ năm ngoái. Khi tôi thắc mắc chuyện này, người ta bảo đây là sáng kiến của viên quản lý, “để khách cảm thấy trẻ một tuổi”.

Kinh nghiệm thứ tư và cuối cùng của tôi về khách sạn ma liên hệ đến cả thính giác và xúc giác. Tôi là kẻ ghiền chọi trâu và sẵn sàng lặn lội cả ngàn cây số để được xem hai quái vật khổng lồ húc nhau cho đến chết. (Đá gà dành cho bọn ẻo lả sống trong những căn hộ nhỏ.) Đàn ông đích thực đi đôi với những thú hoang thứ thiệt. Dịp đó, tôi đến làng Thị Cầu dự hội chọi trâu hàng năm. Đỉnh cao của ngày hội là bữa tiệc thịt trâu bảy món. Say sưa và thỏa mãn, tôi quay về nhà trọ duy nhất trong thị xã, một nhà khách xơ xác mười phòng đối diện sân banh lồi lõm. Nệm ngủ lún sâu hứa hẹn tấm lưng sẽ ê ẩm vào buổi sáng.

Trong bóng tối, tôi nằm nghĩ lan man về vị trí đặt biệt của loài trâu trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta nói chuyện với trâu như bạn bè và sáng tác hàng trăm bài thơ về trâu. Chúng ta yêu trâu thắm thiết đến độ tiếp tục dùng chúng cày bừa trong khi nông dân các nước khác đã chuyển sang máy kéo từ lâu. Những ý nghĩ của tôi bị cắt ngang bởi ba tiếng gõ cửa rụt rè. Đã quá nửa đêm. Tôi hỏi lớn, “Ai đó”? Không có tiếng trả lời. Có lẽ vì rượu nên tôi cảm thấy hung hăng khác thường. Tên cứt nào gõ phòng lúc đêm hôm thế này? Bỗng tôi đoán ra có lẽ đây chỉ là một cô gái làng chơi. Rất có khả năng tay tiếp tân đã thông báo cho cô nàng có một tên đực đang trú trong nhà khách tối nay. Trong quá khứ, suốt mấy thế kỷ, nhiều cung nữ đã xuất thân từ làng Thị Cầu này.

Tôi không phải vua, dĩ nhiên, và đời sống đã đến lúc mà ý nghĩ tình dục thường hấp dẫn hơn hành động tình dục. Nhưng mặt khác, tôi nghĩ, làng này nghèo, có thể mình cũng nên tìm cách đóng góp vào kinh tế địa phương. Tiếng gõ cửa lại rụt rè vang lên. Mặc dù vẫn phân vân không rõ phải ứng xử thế nào với em-gái-bán-hoa-đêm đang đứng bên ngoài, tôi cũng ra mở cửa.

Người ta nói khi một con ma xuất hiện, nhiệt độ xung quanh sẽ giảm, kèm theo mùi hôi thối, tanh tưởi. Tôi mở cửa, mùi thối mục và một luồng gió buốt phả vào mặt, như thoát ra từ máy lạnh. Tôi bước hẳn ra hành lang nhìn quanh. Một đầu hành lang tù mù là cây chổi và giỏ rác nhựa; đầu kia là bức tranh tường vẽ cảnh Bác Hồ đang cho kẹo một nữ thiếu niên tiền phong. Chẳng có ai xung quanh. Phải thú nhận tôi rất thất vọng khi đóng cửa leo lên giường trở lại.

Sau khi những suy tư về trâu bò bị cắt ngang, tôi chẳng còn nghĩ được chuyện gì ngoài chuyện mà cách đây vài phút tôi đã được hứa hẹn. Để giải quyết nhu cầu, tôi có thể hồi tưởng lại vài kỷ niêm ân ái đáng nhớ trong cuộc đời dằng dặc của mình. Tôi nhận ra mùi mục thối đã tràn vào và căn phòng trở nên lạnh hơn. Tôi kéo mền lên cổ cố nhớ lại cô bồ đầu tiền, một cô bạn trung học thích nói chuyện kiểu trẻ con, rồi một người đàn bà lớn tuổi hơn đã dậy tôi về bùn và ya-ua, rồi một em có tật hay hỏi, “Em có làm anh đau không” mỗi khi nhồi lên nhồi xuống. Trong khi tự làm nóng mình bằng hồi niệm, tôi linh cảm có sự hiện diện của một vật thể khác dưới mền. Có lẽ mình còn say, tôi lờ đi chuyện đó, tiếp tục điểm danh những cô bồ cũ.

Khi một chuyện xảy ra trong bóng tối, người ta có thể vờ như không có gì xảy ra. Nhưng trường hợp này khác.Vật thể dưới mền bỗng bắt đầu ôm choàng lấy tôi từ mọi phía. Tôi bị nuốt chửng bởi nó. Từng khoảng da thịt tôi bị một da thịt khác ép chặt vào. Bất kể tôi xoay xở thế nào, sự tiếp xúc toàn phần vẫn tiếp tục. Khối da thịt lạ không ấm mà lạnh, và không có bộ phận cơ thể. Không tay, chân, bụng, vú. Mùi tanh tưởi càng lúc càng nồng nặc, khiến tôi gần ngạt thở. Tuy tất cả giác quan gần như mụ mẫm, nhưng tôi, không biết phải diễn tả thế nào, không phải không cảm thấy khoái lạc. Khi cuộc vật lộn đã đạt đến đỉnh điểm, tôi bị bỏ lại một mình.

Có lẽ tôi đã được cho cái mà tôi yêu cầu. Tôi cảm thấy tiêu hao và trống rỗng. Ánh trăng lọt vào phòng, tôi có thể nghe tiếng dế và ễnh ương ngoài cửa sổ . Tôi nhắm mắt nhưng suốt đêm không ngủ. Vụ này sẽ đi vào danh sách những cuộc phiêu lưu xác thịt của tôi, để sau này sẽ được hồi tưởng lại trong những khách sạn khác.

(Trích từ Thư Lạ, tuyển tập truyện ngắn Đinh Linh. Phan Nhiên Hạo dịch. NXB Văn Mới, California, 2007)

Ý kiến

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.