David Herbert Lawrence | Họ sống ở đầm (trích tiểu thuyết Cầu Vồng, chương II)

Mai Sơn dịch

Cô là con của một ông chủ đất người Ba Lan, mà vì mắc nợ đầm đìa những người Do Thái ông đã phải cưới một bà vợ người Đức giàu có, và ông chết ngay trước cuộc nổi loạn. Khi còn rất trẻ, cô lấy Paul Lensky, một trí thức từng học ở Berlin, và trở về Warsaw như một người yêu nước. Mẹ cô tái giá với một thương lái người Đức rồi theo ông ta đi đâu mất.

Lydia Lensky, lấy chồng là một bác sĩ trẻ, theo gương anh trở thành một người yêu nước và người được giải phóng. Hai người nghèo, nhưng rất kiêu ngạo. Cô học nghề y tá như một dấu hiệu mình được giải phóng. Ở Ba Lan họ đại diện cho một phong trào mới được khởi xướng ở Nga. Nhưng họ rất yêu nước, và đồng thời rất “châu Âu”.

Họ có hai con. Thế rồi cuộc nổi loạn vĩ đại xảy đến. Lensky, rất nhiệt huyết và lợi khẩu, đi khắp nơi kích động đồng bào mình. Những người Ba Lan nhỏ bé tràn ra các đường phố Warsaw, bắn sạch những người Mátx-cơ-va gặp trên đường. Rồi họ vượt qua biên giới phía nam nước Nga, và người ta thường thấy sáu kẻ nổi loạn nhỏ con phóng ngựa vào một ngôi làng Do Thái, vung gươm loạn xạ và la hét hăm dọa sẽ bắn không sót tên Mátx-cơ-va nào.

Lensky cũng là một dạng hiếu chiến. Lydia, vốn ôn hòa nhờ mang dòng máu Đức, và xuất thân từ một gia đình khác, bị nhấn chìm và bị cuốn vào tầm ảnh hưởng mệnh lệnh và vòng xoáy tinh thần yêu nước của chồng. Ông quả là một người đàn ông dũng cảm, nhưng không có sự dũng cảm nào có thể sánh được với sự hùng biện của ông. Ông làm việc cật lực, cho đến khi không còn gì sống động nơi ông ngoài đôi mắt. Và Lydia, như bị đánh thuốc, đi theo ông như cái bóng, hầu hạ, lặp lại ông từng lời. Thỉnh thoảng cô mang theo hai đứa nhỏ, thỉnh thoảng cô để chúng ở nhà.

Một hôm cô quay về nhà và thấy chúng chết vì bệnh bạch hầu. Chồng cô khóc rống lên, không cần biết đến ai. Nhưng chiến tranh tiếp diễn, ông phải sớm quay lại với công việc. Tâm trí cô chợt tối mù, và cô thường bước đi trong ám ảnh, lặng lẽ, với nỗi khiếp đảm kỳ lạ siết chặt trái tim, khao khát của cô là tìm thấy sự thỏa mãn trong kinh hãi, là bước vào đan viện, là thỏa mãn những bản năng lo âu trong cô bằng cách phụng sự một tôn giáo thần bí. Nhưng cô không làm được.

Rồi họ trốn qua Luân Đôn. Lensky, người đàn ông gầy gò, nhỏ bé, đã ném cả đời mình vào cuộc kháng chiến, giờ không thể nào thư thái được nữa. Ông sống với nỗi bực bội có gì đó bất bình thường, dễ kích động, kênh kiệu hết mức, và luôn cau có, đến độ phải sớm chấm dứt công việc của một phụ tá bác sĩ trong một bệnh viện. Hai người gần như phải đi ăn xin. Nhưng ông vẫn giữ được những ý tưởng cao quí về bản thân, cứ như ông đang sống trong ảo giác hoàn toàn, trong đó ông tự cho mình là sống động và khinh mạn. Ông hết lòng bảo vệ vợ khỏi sự ô nhục của thân phận, nháo nhào quanh cô như một tấm khiên vung vẫy, một hình ảnh làm người Anh kinh ngạc, dùng quyền hạn kiểm soát cô, như thể thôi miên cô. Cô dật dờ, sầu muộn, và luôn thấy mình không lối thoát.

Ông ngày càng ốm yếu. Sau khi đứa bé ra đời ông chỉ còn da bọc xương và những thành kiến. Cô nhìn ông hấp hối, chăm nom ông, chăm nom đứa bé, nhưng thực sự không chú ý điều gì. Cô vẫn còn trong tâm trạng ủ dột, giống như ân hận, hay giống như những ký ức về bóng đêm, sự bạo liệt, cuộc du hành thần bí của nỗi sợ, cái chết, và sự trả thù u ám. Khi chồng cô chết, cô cảm thấy nhẹ nhõm. Ông sẽ không còn lăng xăng với cô nữa.

Nước Anh với cung cách phớt lờ và xa lạ của nó, hợp với tính tình của cô. Cô có biết chút ít tiếng Anh trước khi đến đây, và có lẽ là bản năng học vẹt đã khiến cô học tiếng khá dễ dàng. Nhưng cô không biết gì về người Anh và cuộc sống của họ. Thật vậy, hai điều này không hiện hữu đối với cô. Cô như một người đang bước đi dưới âm phủ, nơi những cái bóng chen chúc hiểu nhau nhưng không có liên hệ gì đến nhau. Cô cảm thấy người Anh là người mạnh mẽ, lạnh lùng, hơi ác độc trong số những người mà cô gặp trong những ngày cô độc.

Nhưng bản thân người Anh hầu như tôn trọng cô, nhà thờ biết cô không cần điều đó. Cô bước đi không chút đam mê, như một cái bóng, thỉnh thoảng bị dày vò vì tình mẫu tử.  Người chồng hấp hối của cô với ánh mắt khổ sở, khuôn mặt nhăn nhúm, trông giống một ảo mộng chứ không phải là một thực thể. Trong ảo mộng ông bị chôn vùi và đem đi mất. Rồi ảo mộng tan biến, cô thôi lo lắng, thời gian vẫn trôi nặng nề, vô tình, như một chuyến đi dài mà cô không hề hay biết khi phong cảnh trải rộng trước mắt. Khi đưa nôi cho con ngủ mỗi chiều tối, có lẽ cô chìm vào bài hát ru Ba Lan, hay thỉnh thoảng cô thầm thì với mình bằng tiếng Ba Lan. Còn ngoài ra cô không nghĩ đến Ba Lan, cũng không nghĩ đến cuộc sống mà cô từng trải qua. Nó là vết bẩn lù lù trơ trọi trong bóng tối. Trong những hoạt động bề ngoài của cuộc sống, cô hoàn toàn là người Anh. Thậm chí cô suy nghĩ bằng tiếng Anh. Nhưng cô là Ba Lan khi chìm vào những khoảng trống trải và khoảng tối trừu tượng dằng dặc.

Có những giai đoạn cô sống như vậy. Rồi với đôi chút khó khăn, cô đã từng ít nhiều quen thuộc với phố xá London. Cô nhận thấy rằng có cái gì đó bao quanh cô, rất xa lạ. Cô hiểu rằng cô đang ở một chốn không quen. Và sau đó, cô bị đưa đẩy đến xứ sở này. Giờ đây trong tâm trí cô chợt hiện lên ký ức về ngôi nhà hồi cô còn là một đứa bé, ngôi nhà to nằm giữa một vùng quê, những người nông dân của ngôi làng.

Cô được gởi đến Yorkshire, chăm sóc ông cha sở già trong nhà xứ nằm bên bờ biển. Đây là lần đầu tiên kính vạn hoa rung lên, và nó mang đến trước mắt cô điều mà cô phải nhìn thấy. Nó làm cô rối trí, cái xứ sở phóng khoáng và những cánh đồng hoang này. Nó khiến cô đau đớn không thôi. Nhưng nó áp đặt lên cô một cái gì sống động, nó khơi dậy trong cô sự mạnh mẽ của thời thơ ấu, nó có một liên hệ gì đó với cô.

Không khí màu xanh lục và màu bạc và xanh dương bao quanh cô. Và cái ánh sáng một màu kỳ lạ từ biển mà cô phải chú ý. Những cây hoa anh thảo sáng rập rờn, và cô bối rối nghiêng người xuống theo cái sức lôi cuốn gần bàn chân cô, cô thậm chí còn ngắt một hai bông hoa, và trong sắc màu mới của cuộc sống, cô nhớ mơ hồ những gì từng tồn tại. Suốt ngày ngồi bên cửa sổ nhà trên, ánh sáng đến từ biển, không ngừng nghỉ, không gặp cản trở, cho đến khi dường như nó làm cô lơ đãng, và tiếng ầm ì của biển khiến cô lơ mơ, thư thái như đang ngủ. Ý thức tự động của cô gần như tan biến, đôi lúc cô chếnh choáng thấy thoáng hiện một hình ảnh cảm động về thời thơ ấu của cô, nó làm cô đau đớn không nói nên lời. Tâm hồn cô chợt xôn xao muốn lắng nghe.

Rất lạ lẫm là mặt biển thường xuyên lấp lánh mở ra giữa bầu trời, rất ấm và êm đềm là nghĩa trang trong một hốc đồi bắt nắng và giữ nó như người ta giữ con ong giữa lòng bàn tay khi nó bị tê liệt. Cỏ xanh, rêu phong, ngôi giáo đường nhỏ và những đóa hoa giọt tuyết giữa đám cỏ thô tháp, và một chút nắng ấm đẹp tuyệt.

Tâm trí cô rối bời. Chỉ nghe tiếng suối nhỏ róc rách chảy mơ hồ qua những rặng cây cô cũng giật mình, và băn khoăn tự hỏi đó là cái gì. Đang bước đi cô chợt thấy những đóa hoa chuông chung quanh rực sáng như có linh hồn giữa cây cối.

Mùa hè đến, những cánh đồng hoang giăng mắc hoa chuông lá như nước trong những vết lún trên đường, cây thạch nam hồng lên giữa trời khiến quang cảnh khắp nơi trở nên sinh động. Và cô cảm thấy phiền muộn. Cô đi qua những bụi kim tước đang co ro giấu mình, cô bước tới cây thạch nam như bước tới cái chậu tắm bé sơ sinh đã gần như hư hỏng. Những ngón tay cô vẫy lại những ngón tay nắm chặt của đứa bé, cô nghe giọng đứa bé lo lắng, kêu ngằn ngặt đòi cô trò chuyện.

Và cô lại co ro thu mình vào bóng tối, và giữ khoảng cách an toàn với đời sống một thời gian dài. Nhưng mùa thu đến với những vệt sáng hồng của những con chim cổ đỏ hát véo von, mùa đông làm tối sầm những cánh đồng hoang, và gần như man dại cô quay trở lại với đời sống, đòi lại cuộc sống của cô, đòi một cuộc sống như xưa khi cô còn là một bé gái, trên mảnh đất quê nhà, dưới bầu trời. Tuyết trải dài mênh mông, những cột điện tín nằm rải dài trên mặt đất trắng xóa, rồi biến mất dưới trời nhá nhem tối. Rồi niềm khát khao điên dại lại nổi dậy trong cô, đòi đây phải là Ba Lan, tuổi trẻ của cô, đòi tất cả là của riêng cô một lần nữa.

Nhưng không có xe trượt tuyết, cũng không có những cái chuông, cô không thấy những người nông dân hiện ra như những con người mới mẻ, trong bộ quần áo da cừu, mặt mày tươi rói, hồng hào, rạng rỡ, tất cả dường như trở nên mới và sinh động khi tuyết thắp sáng mặt đất. Nó không đến với cô, cuộc sống thời trẻ của cô, nó không quay trở lại. Cô đau đớn vật vã, rồi rơi trở lại vùng tối của tu viện, nơi Satan và ma quỉ quần thảo dữ dội với các bức tường, và chúa Ki-tô trắng nhợt trên cây thập giá chiến thắng.

Từ phòng bệnh cô nhìn tuyết xoáy tròn rơi xuống như muôn hình vạn trạng vội vã bay theo một sứ mệnh tối hậu ra đến biển dày đặc lặng im, bên ngoài cái đường cong trắng xóa cuối cùng của bờ biển, và những tảng đá đen lấm tấm tuyết thoắt ẩn thoắt hiện. Nhưng trên những cây cối gần trong tầm tay thì tuyết nhẹ nhàng nở rộ. Chỉ có tiếng rền rỉ mệt nhọc của ông cha xứ đang hấp hối từ đằng sau.

Tuy nhiên, vào lúc những đóa hoa giọt tuyết rơi bên ngoài, ông chết. Ông chết. Nhưng với sự điềm tĩnh kỳ lạ người đàn bà luôn hoài niệm nhìn những đóa hoa giọt tuyết bên mép bãi cỏ phía dưới, phồng lên trắng xóa trong gió, nhưng không bị gió cuốn đi. Cô chăm chú nhìn chúng rập rờn và nhấp nhô, những đóa hoa trắng khép nép, được giữ yên bằng một sợi chỉ nối với cỏ xanh xám, nhưng không bao giờ bị cuốn bay đi, không trôi dạt theo gió.

Sáng khi cô thức dậy, ngày rạng với lớp lớp sóng trắng đập vào bờ, những đợt ánh sáng bừng lên như một cơn bão tuyết nhẹ từ hướng đông, thổi mạnh hơn và dữ dội hơn, cho đến khi màu hồng xuất hiện, và màu vàng bạc, và đáy biển được thắp sáng. Cô điềm nhiên và thờ ơ. Nhưng cô ở ngoài vòng vây của bóng tối. Một vũng mờ tối lại kéo đến, là cái cảm giác quen thuộc tôn thờ sự kinh hãi qua đó cô bị đẩy tới gần Cossethay mà không hay biết. Thoạt đầu không có gì trong đó – chỉ là hư không xám xịt. Nhưng rồi vào một buổi sáng ánh sáng từ cây hoa nhài vàng vướng trên người cô, và sau đó, sáng và chiều, tiếng chim sơn ca trong khóm cây ríu rít không ngừng, cho đến khi trái tim cô, bị thương tổn, buộc phải cất lên giọng nói cạnh tranh để đáp lại. Những giai điệu nhẹ lẻn vào tâm hồn cô lúc này ngập tràn muộn phiền gần như đau đớn. Kháng cự, cô biết cô sẽ thua, và từ nỗi sợ hãi bóng tối biến thành nỗi sợ hãi ánh sáng. Lẽ ra cô đã ẩn mình bên trong, nếu có thể. Trên tất cả, cô khao khát sự yên bình và muốn đẩy tình trạng xưa cũ của mình vào chốn quên lãng. Cô không thể chịu đựng nổi khi nhận ra hiện thực. Những cảm giác đau nhói đầu tiên trước tiến trình phục sinh mới quá ghê gớm, cô biết cô không thể chịu nổi. Cô thà ở bên ngoài đời sống còn hơn bị xé nát rồi ném vào trong cuộc khai sinh mà cô không thể sống nổi. Cô không có sức mạnh để bước vào cuộc sống lúc này, ở Anh, xứ sở quá xa lạ, với những bầu trời khó chịu. Cô biết cô sẽ chết như một đóa hoa chớm nở, không màu, không hương mà đến cuối đông sẽ ương bướng nảy nở ra. Và cô muốn cất giữ mảnh đời lấp lánh của mình.

Nhưng khi một ngày nắng ráo lại đến với tràn ngập mùi hương của cây thụy hương, khi bầy ong đang túa vào những cây nghệ, thì cô quên hết, cô cảm thấy mình giống như một người nào khác, không phải là mình nữa, một người mới, hoàn toàn hạnh phúc. Nhưng cô biết cảm giác đó mong manh, và cô lo sợ. Cha sở đặt hoa đậu vào trong mấy cây nghệ, cho bầy ong túa về, khiến cô bật cười. Rồi đêm đến, với những vì sao lấp lánh mà cô biết từ hồi còn nhỏ. Và khi chúng rực sáng lên, cô biết chúng là những dấu hiệu khải hoàn.

Cô chập chờn giữa tỉnh thức và ngái ngủ. Như thể bị giằng xé giữa quá khứ và tương lai, như một đóa hoa cố chồi lên khỏi mặt đất để rồi thấy hòn đá lớn nằm đè lên nó, cô bất lực.

Tình trạng bối rối và bất lực cứ tiếp diễn, cô bị vây bủa bởi những đám đông khổng lồ xông tới như muốn chà đạp cô đến nơi. Và không có lối thoát. Ngoại trừ sự lãng quên cũ, bóng tối lạnh lẽo mà cô gắng giữ lại. Nhưng cha sở chỉ cho cô thấy những cái trứng trong tổ chim hoét gần cửa sau. Cô thấy bản thân cô trong con chim hoét mẹ nằm trên tổ, và cái cách hai cánh nó mở ra, chăm bẳm áp xuống bí mật của nó. Đôi cánh bồn chồn, hăm hở, che chắn đó khiến cô hết chịu đựng nổi. Cô nghĩ về chúng khi buổi sáng thức dậy nghe con chim hoét kêu lích chích, và cô nghĩ, “Tại sao mình không biến mất đi, tại sao mình bị đẩy tới đây?”

Cô nhận biết người ta đi ngang qua cô, không phải như những con người, mà như những bộ dạng lù lù. Rất khó để cô tự điều chỉnh. Ở Ba Lan, những người nông dân, và nhiều người khác, là gia súc đối với cô, họ là gia súc của cô mà cô sở hữu và sử dụng. Những người này là gì? Giờ tỉnh dậy, cô bị lạc lối.

Nhưng cô cảm thấy Brangwen đi ngang qua như thể anh vừa chạm nhẹ cô. Người cô rần rần khi cô tiếp tục bước ra đường. Sau khi gần gũi bên anh trong bếp ở Marsh, cơ thể cô lên tiếng réo đòi mạnh mẽ. Chẳng bao lâu, cô thấy cần anh. Anh là người đàn ông đến gần nhất với cô để đánh thức cô dậy.

Tuy vậy, cô luôn bị rơi vào tình trạng vô thức và thờ ơ cũ và trong cô có một ý chí giải thoát cô khỏi phải sống thêm nữa. Nhưng một sáng nọ cô thức dậy và nghe thấy máu huyết chạy rần rần, cảm thấy mình đang nằm ngửa như đóa hoa phơi mở dưới ánh mặt trời, đòi hỏi tràn trề và mạnh mẽ.

Cô dần biết rõ anh hơn, và bản năng cô gắn chặt vào anh – chỉ vào anh thôi.  Xung lực trong cô chống lại anh, bởi vì anh không phải là kiểu người của cô. Nhưng bản năng mù quáng dẫn dắt cô lại gần ôm choàng anh, chiếm hữu anh, và rồi buông thả mình vào anh. Cô sẽ được an toàn. Cô cảm thấy sự an toàn sâu xa của anh, sự sống trong anh. Hơn nữa, anh rất trẻ trung. Cô say mê nhìn vẻ sống động xanh thắm, ngưng đọng như sớm mai trong mắt anh. Anh trẻ măng.

Rồi cô lại chìm vào trạng thái ngẩn ngơ và ơ thờ. Tuy nhiên, tình trạng này rồi sẽ hết. Hơi nóng chảy lan khắp người cô, cô cảm thấy mình mở ra, không che đậy, mời gọi, như đóa hoa nở trong trạng thái đòi hỏi tuyệt đối dưới mặt trời, như những cái mỏ há to của những con chim nhỏ, muốn đón nhận, đón nhận. Và cô trải lòng ra quay về phía anh, đi thẳng tới anh.  Và anh đến, chậm rãi, lo lắng, thu mình trong nỗi sợ hãi kỳ cục, và bị thúc bách bởi niềm ham muốn lớn hơn cả bản thân anh.

Khi cô mở lòng ra và hướng đến anh, thì tất cả những gì từng là và mọi cái đang là, đều rời xa khỏi cô, cô mới mẻ như một bông hoa tự phô bày và luôn trong tư thế sẵn sàng, chờ đón, tiếp nhận. Anh không hiểu được điều đó. Vì không hiểu, anh tự buộc mình gắn với thái độ tìm hiểu đàng hoàng và cưới xin có phép tắc. Do vậy, sau khi anh đến nhà cha sở và hỏi thăm cô và muốn nói chuyện với cô, thì suốt mấy ngày cô vẫn ở trong tình trạng quyến rũ, cởi mở này, niềm nở với anh, trước mặt anh. Anh thức dậy trong hoang mang. Anh nói chuyện với cha xứ và nhận lệnh cấm.  Và anh đứng chờ.

Cô vẫn chăm chú và tự bản năng háo hức chờ anh, mở lòng ra sẵn sàng tiếp đón anh. Anh không thể làm gì, vì lo sợ cho bản thân và vì cái quan niệm về danh dự đối với cô. Nên anh vẫn ở trong tình trạng hoang mang.

Và sau vài ngày, cô lại từ từ thu mình lại, tránh xa anh, lại rút vào vỏ ốc, kín như bưng trước anh.  Lúc đó anh có thể cảm nhận rõ ràng một nỗi thất vọng đen ngòm không đáy, anh biết anh đã đánh mất cái gì. Anh cảm thấy anh đã mất nó mãi mãi, anh biết được trò chuyện với cô thì hạnh phúc như thế nào, và bị gạt qua một bên lần nữa thì thấm thía ra sao. Trái tim anh nặng như đá tảng vì đau khổ, anh đi tới đi lui như kẻ không hồn.

Dần dần anh đi đến chỗ tuyệt vọng, không còn hiểu gì nữa, như thể bị ném vào một cuộc nổi loạn mà không biết giới hạn. Anh câm lặng đi lại bên cô ở Đầm trong nỗi đam mê giận dữ, ảm đạm, không lời, gần như ghét cô vậy. Dần dần cô hiểu anh, hiểu chính mình trong quan hệ với anh, máu trong người cô nóng bừng lên sức sống, cô bắt đầu mở lòng ra với anh, tuôn chảy về phía anh lần nữa. Anh đợi cho đến khi bùa mê lại ngự trị giữa hai người, cho đến khi họ cùng đắm trong cùng một ngọn lửa dồn dập, hối hả. Và rồi một lần nữa anh bối rối, anh như bị cột chặt vào những sợi giây, và không thể nhích tới cô. Nên cô đến bên anh, và mở ngực áo gi-lê và áo sơ mi của anh, đặt tay lên người anh, khao khát muốn hiểu cho được anh. Vì sẽ là nhẫn tâm đối với cô, được cởi mở và được dâng hiến cho anh, nhưng chưa biết anh là ai, ngay cả khi anh đang ở đó. Cô tự cho mình thong thả còn anh thì không thể, nên anh lúng túng khi ôm cô.

Để rồi anh sống trong hồi hộp, như thể chỉ một nửa các quan năng của anh hoạt động, cho đến đám cưới. Cô không hiểu. Nhưng sự mơ hồ chiếm lấy cô, và từng ngày trôi qua. Anh không thể tự tin gần gũi cô. Tạm thời lúc này, cô để anh xa cách lần nữa.

Anh rất khổ sở khi nghĩ về một cuộc hôn nhân thực tế, sự thân thiết và trần trụi của hôn nhân. Anh biết cô quá ít. Họ chưa quen biết nhau nhiều, họ như những kẻ xa lạ với nhau thế mà. Và họ không thể trò chuyện với nhau. Khi cô nói, về Ba Lan hay về những gì của quá khứ, tất cả đều lạ lùng, cô gần như không truyền đạt được gì cho anh. Và khi anh nhìn cô, một sự kính nể quá mức và sự sợ hãi những kẻ vô danh đã biến cái bản chất dục vọng của anh thành một thứ thờ phụng, giữ cô bên ngoài dục vọng thể xác của anh, tự ngăn trở mình.

Cô không biết điều này, cô không hiểu. Họ đã tìm hiểu nhau, và đã chấp nhận nhau. Nó là vậy, thì không có gì phải ngập ngừng, câu chuyện đã hoàn tất giữa hai người.

Tại đám cưới, gương mặt anh cứng đờ và vô cảm. Anh muốn uống rượu, để rũ bỏ những lo xa lẫn những điều sửa sai, để được sống trọn giây phút này. Nhưng anh không làm được. Sự hồi hộp chỉ làm trái tim anh thắt lại. Khách khứa bông đùa, vui vẻ, chếnh choáng, nói bóng gió chỉ làm anh khép nép thêm. Anh không nghe thấy gì. Điều sắp diễn ra ám ảnh anh, anh không thoải mái được.

Cô ngồi im, với nụ cười lạ lẫm, tĩnh lặng. Cô không sợ. Đã chấp nhận anh, cô muốn chiếm lấy anh, cô hoàn toàn thuộc về anh giờ phút này, bây giờ. Không tương lai, dĩ vãng, chỉ lúc này, giờ này của cô. Cô thậm chí không nhận ra anh, khi cô ngồi bên anh ở đầu bàn. Anh ở rất gần, họ khắng khít bên nhau. Còn gì hơn nữa!

Đến giờ khách khứa nhập tiệc, gương mặt ủ dột của cô giãn ra, đầu cô nghiêng xuống hãnh diện, đôi mắt xám của cô sáng lên và mở to, để cho cánh đàn ông không thể nhìn thẳng cô, và đám phụ nữ hân hoan vì cô, họ phục vụ cô. Tuyệt vời làm sao khi cô chia tay họ, cái miệng há to cười tự hào và ghi nhận, giọng cô dịu nhẹ và du dương với âm sắc ngoại quốc, hai mắt mở to của cô không chú ý một ai trong số những vị khách đang ra về. Phong cách của cô thật duyên dáng và quyến rũ, nhưng cô phớt lờ sự hiện hữu của ông này bà nọ khi cô chìa tay mình ra.

Và Brangwen đứng bên cạnh cô, nồng ấm bắt tay bạn bè mình, tiếp nhận sự chào hỏi của họ với vẻ biết ơn, vui vẻ trước sự quan tâm của họ. Trái tim anh đang bị dày vò, anh không cố mỉm cười. Thời gian thử thách anh và chấp nhận anh, vườn Gethsemane của anh và Triumphal Entry của anh trong một, giờ đây đã tới.

Phía sau cô còn quá nhiều điều anh chưa biết. Khi anh tiến đến gần cô, anh đến với một điều chưa biết đau đớn ghê gớm như vậy. Làm sao anh có thể ôm ghì nó và thấu hiểu nó? Làm sao anh có thể ôm choàng tất cả bóng tối này và ghì nó vào ngực mình và tan biến vào nó? Cái gì không thể xảy ra với anh? Nếu anh cứ căng cứng mãi thì anh sẽ chẳng bao giờ có thể nắm bắt được nó, và tự nộp mạng mình cho một quyền lực vô danh! Làm sao một người đàn ông đủ mạnh mẽ để giữ nàng, choàng tay quanh người nàng và có nàng, và làm sao đủ chắc chắn để chinh phục cái thế giới bí ẩn cực kỳ bên cạnh trái tim anh? Vậy thì cô là gì, mà anh vừa phải dâng nộp mình, và vừa đồng thời phải ôm ghì, dằn lại?

Anh sẽ là chồng cô. Điều đó đã được xác lập. Và anh muốn điều đó hơn cả cuộc sống, hay bất kỳ cái gì khác. Cô đứng bên anh trong bộ áo dài lụa, nhìn anh lạ lùng, thế rồi một nỗi kinh hoàng, khiếp nào đó xâm chiếm anh, bởi vì cô xa lạ và đe dọa còn anh không có lựa chọn nào. Anh không chịu nổi vẻ mặt cô nhìn anh từ dưới cái trán lạ, to.

“Muộn chưa?” cô nói.

Anh nhìn đồng hồ trên tay mình.

“Chưa, mới mười một giờ rưỡi,” anh đáp. Và anh lấy cớ đi vào nhà bếp, để cô đứng giữa cảnh lộn xộn và đống ly tách trong phòng.

Tilly ngồi cạnh bếp lửa trong nhà bếp, hai tay ôm đầu. Cô giật mình khi anh bước vào.

“Sao cô chưa đi ngủ?” anh hỏi.

“Tôi nghĩ tôi phải dọn dẹp xong hết đã,” cô nói. Sự lo lắng của cô làm dịu lòng anh. Anh dặn dò cô đôi điều, rồi trở ra, khựng lại, gần như xấu hổ, trước vợ anh. Cô đứng một lúc nhìn anh, khi anh bước đi với vẻ mặt lấp liếm. Đoạn cô nói:

“Anh sẽ tốt với em, phải không anh?”

Cô nhỏ nhắn như đứa bé gái quỉ quái, với cái nhìn kỳ cục, mở to trong mắt. Ngực anh đập nhanh, đau đớn vì yêu thương và khao khát, anh mù quáng đến bên cô và choàng ôm cô.

“Anh muốn thế,” anh nói khi kéo cô từ từ sát vào lòng. Cô dịu lại trong vòng tay ôm siết của anh, và hoàn toàn cảm thấy tĩnh trí, thư giãn khi áp vào ngực anh, hòa quyện vào anh. Và anh buông bỏ mình khỏi dĩ vãng và tương lai, để thu mình vào khoảnh khắc này bên cô. Ở đó anh chiếm hữu cô và gần gũi cô và không còn gì khác, họ bên nhau trong một cái ôm ban sơ vượt ra ngoài sự xa lạ nhân tạo của họ. Nhưng đến sáng anh lại thấy không yên. Cô vẫn xa cách và bí ẩn đối với anh. Tuy nhiên, bên trong nỗi sợ hãi là sự kiêu hãnh, là niềm tin vào chính mình với tư cách là bạn đời của cô. Và cô, khi mọi thứ đã được khép lại trong giờ phút đầu tiên bước vào cuộc đời, cô rạng rỡ, mạnh mẽ, hân hoan, đến độ anh run rẩy khi chạm vào cô.

Hôn nhân, nó tạo nên sự khác biệt ghê gớm trong anh. Mọi thứ trở nên xa cách và vô nghĩa, khi anh biết nguồn lực của cuộc sống anh, mắt anh mở ra trước một vũ trụ mới, và anh ngạc nhiên khi nghĩ về những thứ tầm phào trước đây của anh. Một mối quan hệ mới, thầm lặng hiện ra cho anh qua những thứ mà anh nhìn thấy, trong đàn gia súc mà anh sử dụng, cây bắp non lay động trong gió.

Và mỗi lần anh trở về nhà, anh vững bước đi với lòng kỳ vọng như một người đàn ông đi vào tận niềm thỏa mãn sâu xa, không ai biết. Ở giờ ăn tối, anh xuất hiện ở thềm nhà, dừng lại một chút trước khi bước vào, để xem có cô ở đó không. Anh thấy cô đang bày các món ăn lên cái bàn sạch bóng. Hai cánh tay gầy nhỏ, thân hình mảnh mai và váy áo thùng thình, cô có cái đầu gọn gàng với mái tóc đen, quấn băng đô chặt. Vì cái gì đó mà chính cái đầu của cô, quá gọn gàng và dễ thương, đã tự tiết lộ cô là người phụ nữ của anh. Khi cô đi lại với xống váy dày kín, đeo cái tạp dề lụa nhỏ, mái tóc đen nhánh mượt mà rẽ đường ngôi, cái đầu của cô cho anh thấy tất cả vẻ đẹp tinh tế và thực chất của cô, và anh biết cô là người phụ nữ của anh, anh biết bản chất của cô, rằng nó là của anh để anh sở hữu. Và anh dường như sống như thế để nối kết với cô, với những kẻ vô danh, những kẻ khó hiểu và bất trắc.

Họ cố tình không chú ý nhiều đến nhau.

“Anh đến đúng giờ,” anh nói.

“Dạ,” cô đáp.

Anh quay về phía mấy con chó, hoặc đứa nhỏ xem cô có ở đó không. Bé Anna chơi đùa ngoài nông trại, chạy tới chạy lui kêu réo gì đó với mẹ nó, vung hai cánh tay ôm vòng quanh váy mẹ, để được chú ý, có lẽ để được vuốt ve, rồi, lơ đãng, lại tuột ra.

Đoạn Brangwen, đang nói chuyện với đứa bé, hay con chó giữa hai đầu gối anh, nhận biết vợ anh, khi, với nửa thân trên chắc lẳn, mờ tối với cái khăn buộc dây, cô vươn người lên chạn bếp. Anh quặn thắt nhận ra rằng cô thuộc về anh, và anh thuộc về cô ấy. Anh hiểu rằng anh sống nhờ cô. Anh đã có cô chưa? Cô có ở đây mãi mãi không? Hay là cô sẽ ra đi? Cô không thực sự là của anh, đó không phải là một cuộc hôn nhân đích thực, cuộc hôn nhân này của hai người. Cô có thể ra đi. Anh không có cảm giác mình là ông chủ, người chồng, người cha của các con cô. Cô thuộc về một nơi nào khác. Bất cứ lúc nào cô cũng có thể biến đi. Và lúc đó anh sẽ bị hút vào cô, hút theo cô, với niềm ham muốn điên dại, chưa lúc nào được thỏa mãn. Anh phải luôn hướng về tổ ấm, bất cứ nơi nào những bước chân đẩy đưa anh tới, luôn luôn hướng về cô, và có thể anh không bao giờ chạm được cô hoàn toàn, có thể anh không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn, không bao giờ yên tâm, bởi vì cô có thể ra đi.

Về đêm, anh thấy khoan khoái. Rồi, khi anh xong việc ngoài sân, vào nhà tắm rửa, khi đứa nhỏ đã được đưa lên giường, anh ngồi bên bếp lửa với chai bia trên ngăn bếp và cái ống píp trắng dài giữa mấy ngón tay, ý thức được cô ngồi đối diện, khi cô chăm chú thêu thùa, hoặc khi cô trò chuyện với anh, và lúc ấy anh cảm thấy an toàn bên cô. Cô độc lập một cách kỳ lạ và không nói nhiều. Chốc chốc cô ngẩng đầu lên, đôi mắt xám tỏa sáng những tia lạ lùng, nó chẳng liên quan gì đến anh hay đến chỗ này, và thường kể anh nghe về bản thân cô. Dường như cô lại chìm vào quá khứ, chủ yếu là vào thời thơ ấu và thời thiếu nữ của cô, với cha cô. Cô rất hiếm khi nói về người chồng đầu tiên của cô. Nhưng thỉnh thoảng, với đôi mắt sáng rực, cô trở lại với quê nhà của riêng cô, kể cho anh nghe về những lúc ầm ĩ, chuyến đi đến Paris với cha cô, chuyện về những hành động điên khùng của đám nông dân khi cơn cuồng nhiệt tôn giáo tự thương bùng phát khắp vùng nông thôn.

Cô ngẩng đầu lên nói:

“Khi họ xây cái đường sắt chạy qua vùng nông thôn này, sau đó họ làm những đường sắt nhỏ hơn, ngắn hơn, chạy xuống thị trấn của chúng em – một trăm dặm. Khi em còn là con gái, Gisla, bà giáo người Đức của em, rất tức giận nhưng không nói gì với em. Nhưng em nghe những người đầy tớ kể lại. Em nhớ, đó là Pierre, người đánh xe ngựa. Và cha em, và vài người bạn của ông, những chủ đất, họ lấy một toa xe, nguyên một toa hàng của chiếc tàu lửa – mà anh đi đến đây đó.”

“Toa khách xe lửa,” Brangwen nói.

Cô cười khúc khích.

“Em biết đó là một vụ tai tiếng ghê gớm: vâng, nguyên một toa xe, toàn con gái, anh biết đó, filles, trần truồng, ngồi đầy một toa, và họ đổ xuống ngôi làng của chúng em. Họ đi qua những ngôi làng của người Do Thái, và đúng là một vụ tai tiếng quá mức. Anh có thể tưởng tượng nổi không? Cả một vùng quê như vậy! Và mẹ em, bà không thích chút nào. Gisla nói với em, “Tiểu thư, cô không cần biết rằng cô đã nghe những chuyện như vậy.”

“Mẹ em, bà từng khóc, và bà ước gì được đánh đập cha em, đơn giản là đánh ông. Ông nói, khi bà khóc vì ông bán rừng, bán rẫy, để có tiền rủng rỉnh trong túi, và đi Vác-sa-va, Paris, Kiev, khi bà nói ông phải nói lại, ông không được bán rừng, bán rẫy, thì ông đứng lên nói, “Tôi biết, tôi biết, tôi đã nghe hết rồi, tôi đã nghe hết từ trước rồi. Nói với tôi cái gì mới đi. Tôi biết, tôi biết, tôi biết.” Ồ, nhưng anh có tưởng tượng được không, em thương ông khi ông đứng đó dưới ngạch cửa, chỉ nói mấy từ, “Tôi biết, tôi biết hết rồi.” Bà không thay đổi được ông, không, ngay cả nếu bà có tự tử vì điều đó cũng không. Bà có thể thay đổi ai khác, ngoài ông, bà không thể thay đổi ông.”

Brangwen không hiểu được. Anh hình dung trong đầu một chiếc xe tải chở đầy những cô gái trần truồng không biết từ đâu đến rồi đi đến đâu, hình dung thấy Lydia cười vì cha cô mắc những món nợ lớn và nói, “Tôi biết, tôi biết”; hình dung những người Do Thái chạy dọc đường la lên bằng tiếng I-đít[1] “Đừng làm vậy, đừng làm vậy”, và bị cắt ngang bởi những bà nông dân điên loạn gọi họ là “đồ gia súc” – trong khi cô nhìn chăm chú và thậm chí thích thú; hình dung các nam nữ gia sư và Paris và tu viện. Thế là quá nhiều đối với anh. Và cô ngồi đó, kể chuyện với hư không, chứ không với anh, đòi hỏi kỳ cục là phải có ưu thế hơn anh mới chịu, đòi một khoảng cách giữa họ, một cái gì lạ lùng và xa cách và ở ngoài cuộc sống của anh, nói chuyện, nói huyên thuyên, không đâu vào đâu, rồi cười to khi anh bị sốc hay kinh ngạc, kết tội vu vơ, làm anh rối trí và làm mọi thứ lộn tùng phèo lên, không còn chút trật tự hay ổn định gì nữa. Rồi khi họ đi ngủ, anh biết rằng anh không liên can gì đến cô. Cô quay về với tuổi thơ cô, anh là một nông dân, một thứ trâu ngựa, một thứ tôi tớ, một người tình, một thứ nhân tình nhân ngãi, một cái bóng, một con số không. Anh nằm bất động vì sửng sốt, nhìn chằm chằm căn phòng mà anh biết quá rõ, và tự hỏi có thực hay không, khung cửa, tủ ngăn kéo, hay chỉ là cái gì tưởng tượng thấy trong không khí. Và dần dần anh nổi điên với cô. Nhưng vì anh quá sững sờ, và lúc đó giữa họ chưa có khoảng cách như vậy, và cô vẫn là một sinh vật đem lại cho anh bao nhiêu là kinh ngạc, với tất cả sự kỳ diệu mở ra đằng sau cô, nên anh không làm gì để trả đũa cô. Anh chỉ nằm im, mắt mở to giận dữ, nín câm, không cảm thông, mà rắn rỏi trong thù tức.

Và anh vẫn còn phẫn nộ và cách biệt với cô, không thay đổi vẻ ngoài trước cô, nhưng bên trong là một sức phản kháng cứng cỏi. Cô dần dần nhận ra điều này. Và cô cảm thấy khó chịu khi phải nhận ra anh là một quyền lực riêng biệt. Cô rơi vào tình trạng cô lập u ám, một sự tương giao kỳ lạ với những sức mạnh bí ẩn, một trạng thái thần bí, mơ hồ vốn làm anh và đứa trẻ gần như phát điên. Anh đi ra ngoài mấy ngày, thêm cương quyết phản kháng cô, cứng rắn với ý chí muốn hủy diệt cô như những gì cô đang hiện hữu. Rồi bỗng nhiên, không có gì báo hiệu, họ trở lại với nhau. Nó xảy đến với anh khi anh đang làm việc ngoài đồng. Sự căng thẳng, sự gắn bó, bật tung ra, và dòng máu dục vọng vỡ òa thành một cơn lũ dữ dội khiến anh cảm thấy mình có thể bẻ gãy những cành cây khi anh đi ngang, và tạo ra một thế giới mới từ đầu.

Và khi anh về đến nhà, không có dấu hiệu gì giữa hai người. Anh chờ mãi chờ mãi cho đến khi cô về. Và trong khi anh chờ, chân tay anh mang vẻ cứng cáp và rạng rỡ đối với anh, hai bàn tay trông như hai kẻ đầy tớ đam mê đối với anh, to đẹp, anh cảm thấy một sức mạnh kỳ diệu trong bản thân mình, về cuộc sống, và về dòng máu thôi thúc, mạnh mẽ.

Chắc chắn cuối cùng cô sẽ đến, và ôm anh. Rồi anh sẽ bùng cháy vì cô, và mất hết tự chủ. Họ nhìn nhau, một nét cười sâu thẳm nằm dưới đáy mắt họ, và anh lại choàng tay ôm giữ cô, điên cuồng say sưa với sự dồi dào vô tận của cô, anh lại đắm chìm vào những chỗ thầm kín sâu xa của cô trong sự dò tìm mê mải, cô thì lúc nào cũng tận hưởng khi thấy anh tận hưởng cô, ném mọi bí mật của cô qua một bên và đồng thời lao vào cái vốn là bí mật đối với cô, khi cô run rẩy trong sợ sệt và nỗi đau vì hoan lạc cuối cùng.

Họ là ai, họ có biết nhau không thì quan trọng gì chứ?

Một giờ nữa lại trôi qua, có một sự cắt đứt chia cách họ, đối với cô là sự phẫn nộ và khổ sở và mất mát người thân với cô, đối với anh là sự từ bỏ và vất vả nơi xưởng máy với đám nô lệ. Nhưng có hề gì. Họ đã có một giờ của họ, và nếu nó lại gõ lên, họ sẽ sẵn sàng cho nó, sẵn sàng nối lại cuộc chơi ở thời điểm nó bị ngưng lại, bên rìa của bóng tối bên ngoài, khi những bí mật bên trong người đàn bà là trò chơi đối với người đàn ông, được săn đuổi không mệt mỏi, khi những bí mật của người đàn bà là cuộc phiêu lưu của người đàn ông, và cả hai người cùng ném mình vào cuộc phiêu lưu đó.

Cô đến với đứa nhỏ, và một lần nữa sự im lặng và khoảng cách chia cách họ. Cô không muốn anh, cũng không muốn những bí mật của anh, trò chơi của anh, anh đã bị truất phế, bị loại bỏ. Anh sục sôi giận dữ vì người đàn bà nhỏ nhắn, cái miệng xấu xí chẳng có liên quan gì đến anh. Đôi khi sự tức giận của anh bùng nổ trực diện vào cô, nhưng cô không khóc. Cô trả đũa anh không thua gì một con hổ, và họ cãi nhau dữ dội.

Anh lại phải học cách tự kiềm chế, điều mà anh rất ghét. Anh ghét cô vì cô không sẵn sàng cho anh. Và anh bỏ đi, bất kỳ nơi nào.

Nhưng bản năng hàm ơn và biết rằng cô sẽ tiếp nhận anh trở lại, rằng rồi ra cô sẽ lại đến bên anh, đã ngăn cản anh đi lạc quá xa. Anh cẩn thận không đi quá xa. Anh biết cô có thể rơi vào tình trạng vô tri về anh, trôi xa khỏi anh, xa hơn, xa nữa, xa mãi, cho đến khi cô biến mất. Anh có đủ cảm thức, đủ linh cảm để biết điều này và từ đó tự đánh giá mình. Vì anh không muốn mất cô: anh không muốn cô trôi tuột khỏi anh.

Anh gọi cô là một người ngoại quốc lạnh lùng, ích kỷ, chỉ quan tâm đến mình, với bản tính xấu, thực sự không quan tâm đến điều gì, không có những cảm xúc đúng đắn trong sâu xa, và không có sự tử tế thích hợp. Anh phẫn uất, và thu thập những lời buộc tội để có thể đánh giá mức độ sự thật của chúng. Nhưng một chút vị tha đã ngăn anh không đi quá xa. Anh biết, và anh run lên vì giận và thù ghét, rằng cô là tất cả những thứ ghê tởm này, rằng cô là mọi thứ tệ hại và đáng ghét. Nhưng trong sâu xa anh có lòng vị tha, nó thầm thì bảo anh rằng, trên tất cả, anh không muốn mất cô, anh sẽ không mất cô.

Nên anh vẫn thận trọng khi nghĩ về cô và giữ một mức độ liên lạc nhất định với cô. Anh ra ngoài thường xuyên hơn, và lại đến quán “Sư tử đỏ”, để trốn chạy cơn điên khi ngồi bên cạnh cô mà cô lại không thuộc về anh, khi cô xa vắng như bao nhiêu người đàn bà thờ ơ khác có thể xa vắng. Anh không thể ở nhà. Nên anh đi ra quán “Sư tử Đỏ”. Và thỉnh thoảng anh say. Nhưng anh giữ chừng mực, có những thứ giữa hai người anh chưa bao giờ muốn đánh mất.

Vẻ đau khổ đong đầy trong mắt anh, như thể một cái gì đó luôn ám ảnh anh. Anh nhìn dáo dác, anh không chịu nổi cảnh ngồi im mà không làm gì. Anh phải đi ra ngoài, tìm bạn bè, buông thả mình ở đó. Vì anh không có cách giải tỏa nào khác, anh không thể làm việc để tự giải tỏa, anh không có kiến thức.

Khi cái thai của cô lớn dần, cô càng bỏ anh cô đơn nhiều hơn, cô càng ngày càng không nhận ra anh, sự hiện hữu của anh bị thủ tiêu. Và anh cảm thấy bị trói chặt xuống, không cựa quậy được, gần như phát khùng, sẵn sàng nổi xung thiên. Vì cô lặng lẽ và lịch sự, như thể anh không tồn tại, như người ta lặng lẽ và lịch sự với người hầu của mình.

Tuy vậy cô rất tuyệt vời với con anh, đến lượt anh qui phục. Cô ngồi đối diện anh, khâu vá, khuôn mặt ngoại quốc của cô thật bí hiểm và lãnh đạm. Anh cảm thấy anh muốn bẻ gãy cô, bắt cô phải thừa nhận anh, bắt cô phải nhận biết anh. Thật không thể chịu nổi cái cách cô xóa sạch anh như thế. Anh sẽ khuất phục cô, bắt cô lưu ý đến anh. Anh ham muốn làm việc đó một cách dữ dội đến quặn thắt.

Nhưng một cái gí đó lớn hơn trong anh kềm giữ anh lại, khiến anh bất động. Vậy là anh rời khỏi nhà cho khuây khỏa. Hoặc anh tìm đến cô gái nhỏ để tìm sự đồng cảm, yêu thương, anh đem hết sức của mình để lôi kéo bé Anna. Chẳng bao lâu họ thành như đôi tình nhân, cha và con.

Vì anh sợ vợ anh. Khi cô ngồi đó đầu cúi xuống, im lặng, làm việc hay đọc sách, nhưng sự im lặng quá nặng nề khiến trái tim anh nặng trĩu, chính cô trở thành hòn đá tảng nằm trên người anh, đè bẹp anh, như thỉnh thoảng một bầu trời thấp nặng nằm bên trên mặt đất.

Nhưng anh biết anh không thể kéo cô ra khỏi khỏi sự tối tăm nặng nề mà cô chìm vào đó. Anh không được tìm cách kéo cô ra khỏi cõi tối tăm đó để cô nhìn nhận anh, hòa đồng với anh. Đó là thảm họa, bất kính. Cho nên, cứ để anh phẫn nộ tùy ý, anh phải tự kiềm chế. Nhưng hai cổ tay anh run lên và như thể kích động, như thể chúng sẽ bùng nổ.

Vào tháng Mười một, khi những chiếc lá rơi đập vào những khung chắn cửa sổ, anh giật mình, và mắt anh bừng cháy lên. Con chó ngước nhìn anh, anh cúi đầu vào lò sưởi. Nhưng vợ anh hoảng hốt. Anh nhận thấy cô đang lắng nghe.

“Chúng làm huyên náo cả lên,” anh nói.

“ Cái gì vậy?” cô hỏi.

“Những chiếc lá.”

Cô lại lùi vào im lặng. Những chiếc lá lạ theo gió đập vào cánh cửa gỗ trở nên gần gũi với anh hơn cả cô. Sự căng thẳng áp đảo căn phòng, anh thấy khó ngẩng đầu lên. Anh ngồi đó với từng giây thần kinh, từng mạch máu, từng thớ thịt trong cơ thể anh căng ra. Anh cảm thấy mình như một cái vòm gãy gớm ghiếc chĩa ra từ trụ đỡ. Vì cô không đáp lại anh nữa, anh chĩa vào hư không. Nhưng anh vẫn là anh, anh cứu anh thoát khỏi tình trạng đổ vỡ vào hư vô, khỏi tình trạng bị vung vãi thành từng mảnh, vì căng thẳng tột độ, vì kháng cự mãnh liệt.

Trong những tháng cuối thai kỳ của cô, anh đi loanh quanh trong tình trạng chất chứa sắp bùng nổ, một tình trạng không khi nào cạn kiệt. Cô cũng phiền muộn, và thỉnh thoảng cô khóc. Cần rất nhiều sinh lực để bắt đầu lại từ đầu, sau khi cô đã mất mát quá nhiều. Thỉnh thoảng cô khóc. Rồi anh trở nên kiên quyết, cảm thấy trái tim muốn vỡ tung. Vì cô không cần anh, thậm chí cô không muốn phải nhận rõ anh. Qua vẻ mặt cau có của cô anh biết rằng anh phải lùi lại, để cô yên, một mình. Vì chính là nỗi sầu khổ xưa cũ lại ùa về trong cô, nỗi mất mát xưa cũ, sự khó nhọc của đời sống xưa cũ, người chồng đã chết, những đứa con đã chết. Điều đó là thiêng liêng với cô, anh không được xâm phạm bằng sự an ủi của mình. Vì khi nào cô muốn cô sẽ quay lại với anh. Anh đứng tách biệt với trái tim trĩu nặng.

Anh phải nhìn thấy những giọt nước mắt của cô rơi xuống khuôn mặt gần như bất động của cô, khuôn mặt chỉ đôi khi cau lại, lăn xuống khuôn ngực vốn im lìm gần như không phập phồng. Và không có tiếng động nào, ngoại trừ thỉnh thoảng, khi, với một cử động lạ thường, mộng du, cô lấy khăn tay lau mặt và hỉ mũi, rồi tiếp tục khóc không thành tiếng. Anh biết rằng bất kỳ lời đề nghị an ủi nào của anh cũng sẽ tệ hại còn hơn cả vô ích, đáng ghét đối với cô, làm cô bực bội. Chắc hẳn cô khóc. Nhưng nó khiến anh điên cuồng. Lòng anh cháy bỏng, đầu óc nhức nhối, anh đi ra khỏi nhà.

Nguồn an ủi tuyệt vời và lớn nhất của anh là đứa con. Mới đầu nó dè dặt tránh xa anh. Hôm nay dù nó tỏ ra thân mật với anh mấy đi nữa thì hôm sau nó vẫn sẽ rơi trở lại với thái độ coi thường anh, rồi lạnh lùng, dửng dưng, xa cách.

Buổi sáng đầu tiên sau đám cưới của anh anh nhận ra có gì đó thật không thoải mái với con. Rạng sáng anh giật mình thức giấc khi nghe một giọng nhỏ nhẹ nức nở bên ngoài cửa:

“Mẹ ơi!’

Anh dậy, ra mở cửa. Cô bé đứng ở ngưỡng cửa trong bộ đồ ngủ, khi vừa rời khỏi giường, cặp mắt đen nhìn lấm lét chung quanh vẻ hằn học, mái tóc đẹp bung ra thành một mớ bù xù. Người đàn ông và đứa con chạm trán nhau.

“Con cần mẹ của con,” nó nói, nhấn mạnh từ “của con” một cách ghen tị.

“Thì con vào đây,” anh đáp nhỏ nhẹ.

“Mẹ của con đâu?”

“Mẹ ở đây – con vào đi.”

Đôi mắt đứa bé, nhìn lăm lăm người đàn ông tóc tai râu ria bù xù, không thay đổi. Người mẹ cất tiếng gọi dịu dàng. Đôi chân trần nhỏ nhắn đi vào buồng với dáng vẻ lo lắng.

“Mẹ!”

“Đến đây, cưng của mẹ.”

Đôi chân trần nhỏ nhắn bước nhanh tới.

“Con thắc mắc không biết mẹ ở đâu,” đứa bé cất giọng nũng nịu. Người mẹ vươn hết hai cánh tay ra. Đứa bé đứng bên cạnh cái giường cao. Brangwen nhẹ nhàng bế đứa bé lên, với một tiếng vỗ về, rồi quay lại chỗ của mình trên giường.

“Mẹ!” đứa bé kêu lên, như bị đau.

“Chuyện gì, con yêu?”

Anna chuồi người vào vòng tay của mẹ, níu chặt, trốn khỏi sự hiện diện của người đàn ông. Brangwen nằm im, và chờ đợi. Im lặng kéo dài.

Đột nhiên Anna nhìn quanh, làm như nó nghĩ anh không có ở đây. Nó nhìn gương mặt người đàn ông nằm ngước nhìn lên trần nhà. Nó trợn trừng cặp mắt đen thẫm trên gương mặt tuyệt đẹp, hai tay bám cứng vào mẹ, vẻ sợ sệt. Anh không nhúc nhích một lúc lâu, không biết nói gì. Gương mặt anh bình thản và giãn ra vì yêu thương, ánh sáng dịu dàng ngập tràn trong mắt. Anh nhìn con bé, gần như không cựa đầu, mắt như mỉm cười.

“Con mới thức dậy hả?” anh hỏi.

“Đi đi,” con bé khó chịu đáp lại, hơi chồm đầu tới trước như con rắn hổ.

“Không có chuyện đó,” anh nói, “Ba không đi. Con mới phải đi.”

“Đi đi,” giọng ra lệnh nghe gắt hơn.

“Có chỗ cho con mà,” anh nói.

“Con không được đuổi bố con ra khỏi giường của bố, cưng của mẹ à,” người mẹ dịu dàng nói.

Đứa bé chằm chằm nhìn anh, khổ sở vì bất lực.

“Có chỗ cho con nữa đó,” anh nói. “Cái giường này khá rộng mà.”

Mắt long lên nảy lửa, nó không trả lời, rồi quay lưng lại ôm mẹ. Nó sẽ không cho ai đụng đến mẹ nó.

Suốt ngày nó mấy lần hỏi mẹ:

“Chừng nào chúng ta về nhà hả mẹ?”

“Chúng ta ở nhà nè con yêu, chúng ta đang sống ở đây. Đây là nhà của mình, chúng ta sống ở đây với bố con.”

Đứa bé buộc phải chấp nhận điều đó. Nhưng nó vẫn còn ác cảm với người đàn ông. Khi đêm xuống, nó hỏi:

“Mẹ sẽ ngủ ở đâu hả mẹ?”

“Mẹ ngủ với bố bây giờ đây.”

Và khi Brangwen bước vào, đứa bé giận dữ hỏi:

“Tại sao ông ngủ với mẹ tôi? Mẹ tôi ngủ với tôi mà,” giọng con bé run run.

“Con vào ngủ với ba mẹ nữa,” anh dỗ ngọt.

“Mẹ ơi!” nó gào lên, quay mặt phản đối anh.

“Nhưng mẹ phải có chồng, cưng à. Phụ nữ ai cũng phải có chồng.”

“Và con thích có một người bố ở với mẹ con, đúng không?” Brangwen nói. Anna nhìn anh trừng trừng, vẻ như nó đang nghĩ ngợi lung lắm.

“Không,” cuối cùng nó khóc dữ dội, “không, tôi không muốn vậy.” Và dần dần gương mặt nó cau lại, nó khóc tấm tức. Anh đứng nhìn nó, thấy buồn tiếc. Nhưng không thể thay đổi được nữa.

    Khi nó biết điều đó nó bắt đầu ít nói. Anh nhẹ nhàng với nó, trò chuyện với nó, đưa nó đi xem gia súc, đem cho nó những con gà tơ đầu tiên trong chiếc mũ lưỡi trai của anh, đưa nó đi lượm trứng, để nó ném vụn bánh mì cho ngựa. Nó vui vẻ đi theo anh, và nhận hết những thứ anh cho nó, nhưng nó vẫn còn lừng chừng.

    Nó ghen với mẹ nó thật kỳ lạ, khó hiểu, lúc nào cũng bồn chồn lo lắng cho cô. Khi Brangwen cùng vợ đánh xe xuống Nottingham, Anna chạy nhảy tung tăng vui vẻ, hoặc không để tâm, suốt cả buổi sáng. Nhưng rồi khi chiều tới, chỉ còn tiếng kêu – “Con cần mẹ con, con cần mẹ con – ” và tiếng khóc lóc tội nghiệp rồi sẽ làm Tilly với trái tim mềm yếu thổn thức theo. Nỗi khổ sở của con bé là mẹ nó đi mất, không về nữa.

    Nhưng như thói quen, Anna tỏ vẻ lạnh lùng, tức giận và cằn nhằn mẹ nó hoài.

    “Con không thích mẹ làm thế, mẹ à,” hay, “Con không thích mẹ nói vậy.” Nó là nỗi nhức nhối đối với Brangwen và mọi người ở Đầm. Tuy nhiên, bản tính nó năng động, tung tăng khắp sân trại, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện để chắc chắn mẹ nó có đó. Nó dường như không bao giờ vui vẻ, nhưng nhanh nhẹn, sắc sảo, chăm chú, đầy ắp tưởng tượng và hay thay đổi. Tilly nói cô bị nó bỏ bùa mê. Nhưng không sao, miễn là nó không kêu khóc. Có cái gì đó làm nhói lòng trong tiếng sụt sịt của Anna, nỗi đau đớn trẻ thơ của nó tỏ ra quá mãnh liệt và phi thời gian, như thể đó là nỗi đau muôn thuở.

    Nó đánh bạn với các con vật trong sân trại, trò chuyện với chúng, kể cho chúng nghe những câu chuyện nó nghe từ mẹ, khuyên nhủ và trách mắng chúng. Brangwen tìm thấy nó ở cổng vào bãi thả ngựa và ao vịt. Nó nhìn chăm chăm qua những thanh chắn rồi hét lên với đàn ngỗng trắng đẹp như bức tượng đang đứng thành một đường cong:

    “Tao cấm bọn bây không được kêu ầm ĩ lên khi có người muốn vào đây. Bọn bây không được làm vậy nghe chưa.”

    Những con ngỗng thân mình cân đối, nặng nề nhìn khuôn mặt nhỏ nhắn mà dữ tợn và mớ tóc sáng bù xù lọt qua những thanh gỗ chắn. Chúng ngẩng đầu lên, đong đưa, phát ra những tiếng cạc cạc vùng vằng không ngớt của loài ngỗng, lắc lư thân hình trắng xinh như những con tàu sắp thành hàng bên kia cổng.

    “Bọn bây hư quá, bọn bây hư quá,” Anna gào lên, nước mắt ứa ra vì bất an và phật ý. Nó giậm giậm đôi chân mang dép.

    “Sao, chúng làm gì vậy?” Brangwen hỏi.

    “Chúng không để con vào,” nó đáp, quay nhìn anh, khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ lựng.          

    “Có chứ, chúng sẽ để con vào mà. Con cứ đi vào nếu con muốn,” anh đẩy toang cánh cổng cho nó.

    Nó ngập ngừng, nhìn đàn ngỗng trắng đứng như tượng dưới bầu trời xám xịt lạnh lẽo.

“Đi nào,” anh nói.

Con bé mạnh dạn sải vài bước vào trong. Thân hình nhỏ bé của nó co rúm lại khi chợt nghe những tiếng cạc cạc giễu cợt của bầy ngỗng. Mặt mày nó trắng ra ngây dại. Bầy ngỗng đồng thanh hạ giọng với những cái đầu ngạo nghễ dưới bầu trời thấp nặng màu xám.

“Chúng không biết con,” Brangwen nói. “Con phải nói cho chúng biết con tên gì.”

“Chúng hư quá, cứ quát con,” con bé nổi giận.

“Chúng nghĩ con không sống ở đây,” Brangwen nói.

Một hồi sau anh bắt gặp con bé ở cổng đang kêu gắt lên hống hách:

“Tên tao là Anna, Anna Lensky, và tao sống ở đây, vì Ông Brangwen giờ là bố tao. Ông ấy là bố tao, đúng vậy đó. Nên tao sống ở đây.”

Nghe vậy Brangwen rất hài lòng. Rồi dần dần, một cách vô thức, nó bám chặt anh mỗi khi nó thấy mình lạc lõng, nhỏ bé, lẻ loi và đó là những lúc nó muốn rón rén bò lên một cái gì lớn lao và ấm áp, để vùi cái bản ngã bé bỏng của nó vào cái tôi to lớn vô giới hạn của anh. Từ bản năng anh chú ý đến nó, cẩn thận đón nhận nó và hết mình với nó để nó không cảm thấy bị bỏ rơi.

Những tình cảm thương yêu của nó thật khó hiểu. Đối với Tilly, nó có sự coi thường sơ khai theo kiểu con nít, gần như không ưa, vì người phụ nữ nghèo khó này đúng là một người đầy tớ. Đứa bé này từng không để người đàn bà đầy tớ này trông nom nó, thể hiện những cử chỉ thân mật với nó, trong một thời gian dài. Nó coi cô như một trong những loài hạ đẳng. Brangwen không thích vậy.

“Vì sao con không thích Tilly?” anh hỏi.

“Vì, vì, vì bà ấy nhìn con bằng cặp mắt láo liên.”

Rồi dần dần nó chấp nhận Tilly như một đồ vật dùng trong nhà, chưa bao giờ như một con người.

Trong những tuần đầu tiên, đôi mắt đen của đứa bé lúc nào cũng cảnh giác. Brangwen, dù vui tính và kiên nhẫn, bị Tilly chìu chuộng, cũng trở thành một người hay quát tháo dễ dãi. Nếu trong vài phút anh làm cho đồ đạc trong nhà rối tung lên vì sự nôn nóng ồn ào của mình, thì rốt cuộc anh thấy con bé giương đôi mắt đen nhìn anh trừng trừng, và nó dứt khoát hất cái đầu bé xíu lên, như con rắn, với tiếng rít:

“Đi đi.”

“Bố không đi,” anh quát, cuối cùng cáu tiết. “Con đi ra kia, nhanh đi.” Anh chỉ ra cửa. Con bé lùi lại, mặt tái mét vì sợ. Rồi nó lấy hết can đảm, nhìn anh đã bình tĩnh hơn.

“Chúng tôi không sống với ông,” nó nói, chạy tới húc cái đầu nhỏ nhắn vào anh. “Ông, ông là, ông là kẻ gớm ghiếc.”

“Hả, cái gì?” anh quát.

Con bé cố giữ giọng bình tĩnh.

“Kẻ gớm ghiếc.”

“Ê, còn con là đứa bé kinh khủng!”

Nó trầm ngâm. Sau đó nó vừa lao đầu tới vừa kêu xì xì trong miệng.

“Tui không phải.”

“Không phải cái gì?”

“Không phải con nhóc kinh khủng.”

“Thì bố cũng không phải kẻ gớm ghiếc.”

Anh đã bực lắm rồi.

Lúc khác nó nói:

“Mẹ tui không sống ở đây.”

“Hả, cái gì?”

“Tui muốn mẹ tui đi khỏi đây.”

“Đó là ý của con,” anh đáp gọn lỏn.

Vậy là họ gần nhau hơn. Anh dẫn cô đi theo khi anh đi ra bẫy. Con ngựa sẵn sàng ở cổng, anh ào ào đi vào nhà, ngôi nhà vốn đang yên tĩnh cho đến khi anh xuất hiện đánh thức mọi thứ.

“Nào, Topsy, đội mũ bo-nê nhanh lên.”

Con bé khựng lại, cảm thấy tức tối trước giọng điệu kẻ cả.

“Tui không tự thắt dây mũ được,” nó ngạo mạn nói.

“Chưa đủ làm người lớn mà,” anh nói, thắt dải ruy-băng dưới cằm cô bé bằng những ngón tay lóng ngóng.

Cô bé đưa mặt cho anh. Đôi môi nhỏ đỏ thắm của nó rung động khi tay anh mày mò dưới cằm nó.

“Ông ăn nói bậy bạ,” cô bé nói, lặp lại một trong những câu nói của anh.

“Cái mặt kia phải đi rửa đi,” anh nói, móc ra cái khăn tay to màu đỏ hôi mùi thuốc lá, lau quanh miệng con bé.

“Kitty đang đợi con phải không?” nó hỏi.

“Ờ,” anh đáp. “Nhưng lau mặt sạch đã, và rửa mặt qua nữa đó.”

Nó ngoan ngoãn nghe lời. Rồi khi anh để nó đi, nó nhảy chân sáo tới trước, một chân sau búng lên trông rất lạ.

“Đấy, thỏ con của bố,” anh nói. “Nhanh lên!”

Con bé trở lại, run run trong áo choàng, và hai người lên đường. Cô bé ngồi sát bên anh trong xe ngựa kéo, rúc vào anh, cảm thấy tấm thân to lớn của anh đong đưa, chạm vào nó, rất tuyệt. Nó thích sự bấp bênh của xe ngựa, khi tấm thân to lớn, sống động của anh lắc lư chạm vào người nó. Nó cười giòn tan, và cặp mắt đen của nó sáng rực lên.

Con bé gay gắt một cách kỳ lạ, và rồi rất mực dịu dàng. Mẹ bệnh, nó bò rón rén loanh quanh trên giường suốt nhiều giờ, làm y tá, và làm việc này một cách chu đáo và sốt sắng. Một ngày nọ, mẹ nó có vẻ không vui. Anna đứng dạng chân ra, trợn mắt, giữ thăng bằng trên hai chiếc guốc. Nó khúc khích cười khi con ngỗng con vặn vẹo trong tay Tilly, khi những viên thức ăn được đẩy xuống họng chúng bằng cái xiên, nó cười méo mó. Nó gắt gỏng và hống hách với các con vật, không chút thương yêu, chạy đuổi chúng như một bà chủ nhà hung dữ.

Mùa hè tới, vào vụ cắt cỏ, Anna là đứa bé tinh nghịch da rám nắng chạy nhảy khắp nơi. Tilly không ngớt ngạc nhiên nhìn theo nó hơn cả yêu thương nữa.

Nhưng trong thâm tâm con bé lúc nào cũng lo lắng thấp thỏm về mẹ. Chừng nào Cô Brangwen ổn, thì con bé còn chơi đùa và không chú ý mấy đến cô. Nhưng khi vụ gặt ngũ cốc đi qua, mùa thu dần đến, thì người mẹ, bụng mang dạ chửa những tháng cuối, trở nên lạ lẫm và xa cách, Brangwen bắt đầu cau mày, thì sự khó chịu bệnh hoạn kinh niên, sự nhạy cảm trần trụi lại trở về với đứa bé. Nếu nó đi ra đồng với bố, thì thay vì chơi đùa vô lo, nó lại đòi:

 “Con muốn về nhà.”

“Về nhà? Sao vậy? Mới ở nhà đây mà.”

“Con muốn về nhà.”

“Để làm gì? Con làm sao vậy?”

“Con muốn có mẹ.”

“Mẹ con ư! Mẹ con không muốn thấy con.”

“Con muốn về nhà.”

Nó sắp khóc.

“Con muốn về nhà.”

“Con biết đường đi rồi mà?”

Và anh nhìn con bé chạy đi, im lặng và quyết tâm, dọc theo hàng rào, bằng những bước đều chất chứa lo âu, cho đến khi nó chạy vào khúc quanh rồi khuất sau cánh cổng. Từ xa hai cánh đồng, anh lại thấy cái dáng nhỏ nhắn và gấp gáp của nó vẫn đang dấn bước chạy tới. Gương mặt anh chợt tối sầm khi anh quay lại đào gốc rạ.

Một năm sắp qua, dọc theo bờ giậu những trái dâu rực đỏ và lấp lánh trên những cành trơ trụi; những chú chim cổ đỏ, loài chim đep tuyệt vụt bay lên như đám bụi nước từ đồng ruộng, lũ quạ xuất hiện, sà xuống một màu đen ám, mặt đất thì lạnh khi anh nhổ những cây củ cải lên, những con lộ bùn lầy nát nhão. Rồi những cây củ cải được phủi sạch đất, và công việc chợt trở nên uể oải.

Bên trong nhà tối om, vắng lặng. Đứa bé bực bội lượn quanh, thỉnh thoảng khóc nấc lên:

“Mẹ!”

Cô Brangwen lại trở nên nặng nề, lãnh đạm, mệt mỏi. Brangwen tiếp tục làm việc ngoài kia.

Buổi tối, khi anh đi vắt sữa, con bé chạy theo sau anh. Sau đó, trong những ngăn chuồng bò ấm cúng, cửa thì đóng và ngọn đèn lồng treo bên trên những cặp sừng bò tỏa ánh sáng nóng dễ chịu, nó thường đứng nhìn hai bàn tay anh vắt đều những đầu vú của những con vật đứng bình thản, nhìn bọt sủi và tia sửa vọt ra, nhìn bàn tay anh thỉnh thoảng trầm ngâm xoa bóp từ tốn quanh bầu vú lòng thòng. Họ gần gũi nhau như thế, nhưng có khoảng cách, hiếm khi trò chuyện.

Những ngày u ám trong năm đã đến, con bé trở nên cáu bẳn, thở dài như thể bị đè nén, chạy tới chạy lui mà không thấy khuây khỏa. Và Brangwen lúc nào cũng bận bịu, nhọc nhằn, trái tim nặng nề như mặt đất đẫm nước.

Những đêm mùa đông trời tối sớm, trước giờ trà chiều đèn đã được thắp lên, cửa sổ đóng lại, mọi người im lặng đi vào phòng, không khí đè nén, căng thẳng. Cô Brangwen đi ngủ sớm, Anna chơi trên nền nhà cạnh cô. Brangwen ngồi hút thuốc trong căn phòng trống trải tầng dưới, gần như không ý thức ngay cả nỗi khổ của chính mình. Và thường khi anh ra ngoài để thoát khỏi nó.

Lễ Giáng sinh đã qua, những ngày ẩm ướt, sũng nước, lạnh lẽo tháng Một lặp đi lặp lại đơn điệu, chỉ thỉnh thoảng mới có một mảng trời xanh rực sáng lên, khi Brangwen đi ra ngoài bước vào một buổi sáng trong như pha lê, khi mọi âm thanh quen thuộc lại rung lên, và chim chóc thì nhiều vô kể đột ngột làm huyên náo những bờ giậu. Rồi một cảm giác phấn chấn tràn ngập hồn anh bất chấp mọi thứ, dù vợ anh có kỳ lạ hay buồn bã, hay dù anh có khao khát cô hay không, điều đó không quan trọng, không trung vang lên những tiếng động rõ ràng, bầu trời trong như pha lê, như chiếc chuông, và mặt đất chắc đằm. Rồi anh làm việc trong hạnh phúc, mắt sáng ngời, má ửng đỏ. Và niềm say mê cuộc sống lại trở nên mạnh mẽ trong anh.

Chim chóc rộn ràng mổ hạt quanh anh, những con ngựa tươi tỉnh và sẵn sàng, những nhánh cành trần trụi lay động lên xuống như người đàn ông đang ngáp, căng cứng vì năng lượng tràn trề, những nhánh lá chấp chới trong ánh sáng trong trẻo. Anh phấn chấn và đầy say mê trước mọi thứ. Và nếu vợ anh nặng nề, xa cách anh, héo hắt, thì, cứ để cô ta vậy, và cứ để cho anh được là anh. Mọi thứ sẽ vẫn như xưa nay. Trong lúc đó anh nghe tiếng gà gáy vang từ xa, anh thấy vành trăng nhợt nhạt mờ dần trên bầu trời xanh.

Thế là anh khoái chí hò hét thúc giục đàn ngựa. Nếu đi Ilkeston, một phụ nữ trẻ trung hơn hớn sẽ quá giang đi chợ, anh vẫy chào cô, rồi ghì thắng ngựa lại cho cô lên. Anh vui vì có cô ta bên mình, mắt anh sáng lên, giọng nói, tiếng cười, lời trêu chọc ấm áp khiến cho mái đầu cô ngẩng lên xinh đẹp, và máu trong người cô chạy rần rần. Cả hai đều được khuấy động, với buổi sáng đẹp.

Lo và đau, từ sâu xa lòng anh, thì quan trọng gì nào? Nó ở dưới đáy, hãy để nó ngừng ở đáy. Vợ anh, nỗi khổ sở của cô, sự đau đớn thể xác sắp tới – ừ thì hẳn phải vậy thôi. Cô chịu đựng, nhưng anh không có nhà, vì đang hết mình với đời sống ngoài kia, và thật là lố bịch, khiếm nhã, nếu kéo cho bộ mặt mình dài ra rồi khăng khăng nói mình khốn khổ. Anh hạnh phúc, sáng nay, đánh xe xuống thị trấn, với những cái móng ngựa gõ trên mặt đường cứng. Ừ anh hạnh phúc, nếu một nửa thế giới đang khóc than trong đám tang của nửa thế giới còn lại. Và đó là cô gái tươi vui ngồi cạnh anh. Và phụ nữ thì bất tử dù có chuyện gì xảy ra, dù có ai đó lăn ra chết. Cứ để khổ đau xuất hiện nếu chúng ta không thể ngăn chặn được nó.

Màn đêm buông chậm rất đẹp, với bầu trời chiều ửng đỏ còn nấn ná, và tan loãng thành màu tím và màu hoa oải hương, trong khi ở phía nam và phía bắc của bầu trời là một màu ngọc lam, còn ở phía tây, một vầng trăng tuyệt đẹp vàng ươm treo lừng lững, sáng rực. Thật tuyệt diệu khi bước đi từ hoàng hôn đến lúc trăng lên trên con đường với những cây nhựa ruồi nhỏ bé chuyển từ màu đen sang màu hồng và màu hoa oải hương, và từng đàn chim sáo đá nhấp nháy băng qua trời sáng. Nhưng kết thúc cuộc hành trình là gì? Nỗi đau chắc chắn lại trở về, sau đó, khi trái tim và đôi chân anh nặng trĩu, đầu óc tê liệt, cuộc sống dừng lại.

Một chiều, khi những cơn đau nổi lên, Cô Brangwen được đặt vào giường, bà mụ đến. Đêm xuống, những cánh cửa sập lại, Brangwen trở vào tìm trà, bánh mì và cái ấm trà thiếc, đứa bé, im lặng và run rẩy, đang chơi với những hạt cườm thủy tinh, ngôi nhà có vẻ trống trải, hoặc phơi mình trước đêm đông, như thể không có vách tường.

Thỉnh thoảng nghe thấy những âm thanh, dài và xa vắng, truyền rung động đến mọi vật, tiếng kêu rên của một phụ nữ đang trở dạ. Ngồi ở nhà dưới, Brangwen cảm thấy bị phân thân. Cái bản ngã ở tận thâm tâm anh hướng về cô, gắn với cô, nhói đau. Nhưng cái vỏ lớn là thân xác anh lại nhớ những âm thanh của những con cú từng bay quanh trang trại khi anh còn là một thằng con trai. Anh trở lại thời tuổi nhỏ, một thằng con trai, bị ám ảnh bởi âm thanh của những con cú, đánh thức thằng em anh dậy nói chuyện với anh. Và tâm trí anh lang thang đến những con chim, những bộ mặt nghiêm trọng của chúng, khi chúng nhẹ cất cánh bay với đôi cánh mở rộng. Và sau đó đối với những con cú mà ông anh của anh nhắm bắn, một đống mịn màng lông lấm bụi, chết cứng cùng những bộ mặt ngái ngủ trông rất ngớ ngẩn. Thật là kỳ dị, một con cú chết.

Anh đưa ly lên môi, nhìn đứa bé chơi với những hạt cườm. Nhưng đầu óc anh bận nghĩ về những con cú, và không khí thời niên thiếu, với các anh các chị. Ở đâu đó sâu xa trong lòng, anh nghĩ về vợ lúc cô trở dạ, đứa bé đang được sinh thành từ máu thịt của họ. Anh và cô, một nhất thể xác thịt, từ đó một cuộc sống mới hẳn đã được làm ra. Sự rứt ruột đó không diễn ra trong thân thể anh nhưng có phần gốc rễ từ thân thể anh. Những cơn đau cô chịu đựng một mình, còn cơn run rẩy chạy khắp người anh, lan đến từng thớ thịt. Cô hẳn đang đau xé để cho một sinh linh ra đời, vậy mà họ là một nhất thể máu thịt, và từ xa hơn nữa, sinh linh đó xuất hiện từ anh đến cô, và hơn nữa anh là kẻ không bị sứt mẻ dù có một hòn đá vỡ ra trong hai cánh tay mình, máu thịt của họ là hòn đá từ đó cuộc sống trào vọt ra, từ cô người bị dằng xé rứt ruột, từ anh kẻ run rẩy và chịu trận.

Anh lên nhà trên với cô. Khi anh đến bên giường cô nói với anh bằng tiếng Ba Lan.

“Đau lắm phải không?” anh hỏi.

Cô nhìn anh, và kìa, cô mệt lử, vì ráng hiểu tiếng nước ngoài, mệt lử vì nghe anh, tập trung chú ý anh, nhận biết anh là ai, khi anh đứng đó mày râu nhẵn nhụi và xa lạ, nhìn cô. Cô biết có điều gì đó trong mắt anh. Nhưng cô không thể nắm bắt trọn vẹn. Cô nhắm mắt lại.

Anh quay đi, tái mặt.

“Không đau lắm đâu,” bà mụ nói.

Anh biết anh gây khó chịu cho vợ. Anh đi xuống nhà dưới.

Đứa bé liếc nhìn anh, sợ hãi.

“Con muốn ở bên mẹ,” nó run run nói.

“Được thôi, nhưng giờ mẹ còn mệt lắm,” anh nói nhỏ, như không chú ý.

Nó nhìn anh, ánh mắt trống rỗng sợ sệt.

“Mẹ có bị nhức đầu không?”

“Không, mẹ sắp sinh em bé.”

Con bé quay mặt đi. Anh không hiểu điều gì xảy ra với nó. Nó lại trở về cô đơn trong nỗi khiếp hãi.

“Con muốn ở bên mẹ,” nó gào lên hoảng loạn.

“Để Tilly thay đồ cho con,” anh nói. “Con mệt rồi.”

Không khí lại yên ắng. Và tiếng rên la đau đẻ lại vang lên.

“Con muốn thấy mẹ,” đứa bé nhăn nhó, hoảng hốt khóc òa lên, rồi bát chợt im bặt, nghẹn ngào vì tức tưởi.

Tilly đi tới, tim cô đau nhói.

“Nào, để bà thay quần áo cho cục cưng nè,” bà dỗ dành. “Sáng mai con sẽ được gặp mẹ, đừng quấy rầy nhé, vịt con; đừng có lo, thiên thần nhỏ của tôi.”

Nhưng Anna vẫn đứng cạnh xô-pha, lưng dựa vào tường.

“Con muốn gần mẹ,” nó khóc lớn, và trên khuôn mặt nhỏ nhắn méo xệch những giọt nước mắt thơ dại tuyệt đẹp, tuyệt cùng tức tưởi rơi xuống.

“Mẹ rất mệt, cưng à, tối nay mẹ con rất mệt, nhưng sáng mai mẹ sẽ khỏe. Ồ, đừng khóc, đừng khóc nữa, cưng à, mẹ không muốn con khóc đâu, con yêu, thật, mẹ không muốn.”

Tilly nhẹ nhàng cởi đầm của con bé. Anna giữ chặt áo, khóc ngằn ngặt:

“Không, bà đừng cởi áo của con – con muốn gặp mẹ,” – và khuôn mặt con bé ràn rụa nước mắt buồn, cả người nó rung lên.

“Được, nhưng để Tilly cởi đầm cho con. Để Tilly cởi đầm cho con, Tilly thương con, đêm nay con đừng có cứng đầu nhé. Mẹ con mệt lắm, mẹ không muốn con kêu khóc thế này đâu.”

Con bé không nghe thấy gì, cứ nức nở như quẫn trí.

“Con muốn thấy mẹ,” nó khóc thút thít.

“Chừng nào con chịu thay đồ, con sẽ được lên thăm mẹ – chừng nào cưng chịu thay đồ,  chừng nào cưng để cho Tilly cởi đầm cho con, chừng nào con xinh đẹp trong bộ đồ ngủ của con, cưng à. Ồ, con đừng khóc, đừng…”

Brangwen ngồi bất động trên ghế. Anh cảm thấy đầu óc căng cứng. Anh đi qua phòng, chỉ nhận thấy tiếng nức nở như điên dại.

“Im đi,” anh quát.

Tiếng quát của anh làm con bé giật mình. Nó bật khóc, ánh mắt đề phòng khiếp sợ hiện lên sau màn nước mắt, và tỉnh táo trước mọi chuyện đang diễn ra.

“Con muốn gặp mẹ mà,” vẫn cái giọng thổn thức run rẩy như không còn biết gì nữa.

Một cơn đau nhức nhẹ lan khắp tứ chi anh. Nó là sự phi lý hoàn toàn và dai dẳng, sự mù lòa điên cuồng trong giọng nói và tiếng la khóc.

“Con đến đây để ba thay quần áo cho,” anh nói, giọng nhỏ nhẹ nhưng chất chứa giận dữ.’

Và anh đưa tay ra tóm bắt nó, cảm thấy thân thể nó co giật trong tiếng khóc nức nở. Nhưng anh cũng mù lòa, và chăm chú, bị kích thích làm một hành động máy móc. Anh bắt đầu cởi cái yếm nhỏ của nó. Có vẻ như nó muốn co rúm người lại trước anh, nhưng không được. Cho nên thân hình bé bỏng của nó vẫn ở trong tay anh, trong khi anh dò dẫm mở những hạt nút và dải vải nhỏ xíu, chăm chú một cách vô thức, không nhận biết gì ngoài sự khó chịu của con bé. Thân hình con bé căng cứng và cưỡng kháng, anh cởi chiếc áo đầm và váy lót của nó, lộ ra hai cánh tay trắng. Nó cứ nhất mực cứng cỏi, dù bị lấn át, bị giằng mạnh, anh tiếp tục công việc của mình. Và thỉnh thoảng nó lại nức nở, nghẹn ngào:

 “Con muốn gặp mẹ.”

Anh cau mặt im lặng không buồn nghe. Con bé giờ không nhận biết gì nữa, nó đã biến thành một cái gì bé nhỏ, máy móc của một ý chí mạnh mẽ. Nó cứ khóc lóc một giọng điệu, cả người rung lên.

 “Ôi, trời ơi là trời!” Tilly la lên, gần như quẫn trí. Brangwen thì chậm chạp, lóng ngóng, mù lòa, mê mải lần gở tất cả những mảnh áo quần nhỏ xíu, rồi con bé đứng trần truồng trên đi-văng trong bộ váy lót.

“Đồ ngủ của nó đâu?” anh hỏi.

Tilly mang tới, và anh bận cho nó. Anna đứng bất động để làm khó anh. Anh phải bắt nó đưa tay chân ra vô lên xuống để anh tròng áo vô. Nó đứng đó, với ý chí kiên định mù lòa, ương bướng, một sinh vật nhỏ bé, co giật, bất chấp, thút thít khóc mãi và không ngừng lặp đi lặp lại một câu nói. Anh bắt nó co hết chân này đến chân kia, cởi hết giày vớ. Nó sẵn sàng.

“Con khát nước không?” Anh hỏi.

Nó không nói không rằng, đứng đó trên đi-văng, thu mình lại lẻ loi, hai bàn tay co lại rồi mở ra, khuôn mặt ràn rụa nước mắt ngước lên vô hồn. Và giữa tiếng khóc nấc nghẹn là những lời đứt quãng:

“Con-muốn-gặp-mẹ.”

“Con muốn uống nước không?” anh lặp lại.

Không trả lời. Anh bế cái thân thể cứng đờ, ương ngạnh của nó lên giữa hai tay. Sự bất chấp sắt đá của nó truyền một luồng điện giận dữ qua người anh. Anh muốn cắt đứt nó.

Anh đặt con bé trên gối rồi ngồi lại cái ghế cạnh lò sưởi, tiếng khóc sướt mướt đứt đoạn kề sát tai anh, con bé vẫn ngồi bất động, không chịu thua anh hay bất cứ cái gì, không ý thức.

Bất chợt một cơn giận xâm chiếm anh. Tất cả chuyện này có quan trọng gì? Có quan trọng gì nếu người mẹ nói tiếng Ba Lan và kêu la trong lúc đau đẻ, nếu con bé cứ ương ngạnh và khóc lóc? Tại sao phải để tâm? Cứ để người mẹ kêu la vì đau đẻ, cứ để đứa bé khóc lóc không vâng lời, bởi vì họ phải làm vậy. Sao phải đấu tranh chống lại điều đó, sao phải kháng cự? Cứ mặc kệ, nếu nó vốn như vậy. Cứ để hai mẹ con thể hiện bản chất của mình, nếu họ thích chống báng.

Và anh ngồi mê mụ, không giằng kéo nữa. Con bé vẫn cứ khóc, nhiều phút trôi qua, anh rơi vào trạng thái lờ đờ.

 Một lát sau anh chợt chú ý đến con bé. Anh sửng sốt khi thấy gương mặt nhỏ bé đầm đìa nước mắt như người mù. Choáng váng, anh giật mớ tóc ướt của nó. Như bức tượng đau khổ sống động, nước mắt cứ rơi trên gương mặt mù lòa.

“Thôi,” anh nói, “không có chuyện gì đâu. Không có gì trầm trọng đâu, Anna, con của bố. Nào, con khóc gì dữ vậy? Thôi nào, con sẽ bệnh đó. Bố lau mặt cho, đừng để nước mắt nước mũi tèm lem nữa. Đừng khóc nhè nữa, đừng, tốt nhất là ngừng khóc đi. Đừng khóc, không có chuyện gì cả. Im nào, im nào, đủ rồi.”

Giọng anh nghe lạ lùng và xa cách và bình thản. Anh nhìn con bé, lúc này xụi lơ. Anh muốn nó ngừng khóc, anh muốn mọi thứ ngừng lại để trở về bình thường.

“Đến đây,” anh nói, đứng dậy, quay người, “chúng ta đi cho bò ăn.”

Anh lấy một cái khăn choàng to quấn quanh người con bé, rồi đi vô bếp kiếm cái đèn lồng.

  “Anh đừng bao giờ cho con bé ra ngoài vào ban đêm như vầy,” Tilly nói.

“Biết rồi, nhưng để xoa dịu nó,” anh trả lời.

 Trời đang mưa. Đứa bé đột nhiên sững lại, cảm thấy mưa rớt trên mặt nó, bóng tối bưng lấy mắt.

 “Chúng ta đi cho bò cái gì ăn để chúng đi ngủ,” Brangwen nói với con bé, ôm sát nó vào lòng.

Nước mưa nhỏ giọt xuống lưng cô, văng tung tóe trên chiếc khăn quàng, và ánh sáng chiếc đèn lồng lập lòe sáng trên mặt đường ướt đẫm và chân tường ẩm. Ngoài ra là bóng tối đen kịt: hai người thở ra hít vào bóng tối.

Anh mở cửa, cửa trên và cửa dưới, và họ bước vào chuồng bò cao ráo, nghe ấm áp ngay cả khi trời không ấm. Anh treo chiếc đèn lên cây đinh và đóng cửa lại. Giờ họ đã ở vào một thế giới khác. Ngọn đèn tỏa ánh sáng dịu lên cái chuồng làm bằng gỗ, lên những bức vách quét vôi trắng, và những đống cỏ to; những dụng cụ trong chuồng đổ xuống những cái bóng lớn, cái thang vươn tới vòm cửa chuồng tối hù. Bên ngoài mưa vẫn nặng hạt, trong này là sự tĩnh mịch và yên lặng của cái chuồng được chiếu sáng dịu dàng.

Một tay ẵm đứa bé, anh bắt đầu chuẩn bị thức ăn cho bò, bỏ vào đầy chảo cỏ đã cắt nhỏ, hạt lúa mạch và ít bột xay. Con bé hết sức kinh ngạc ngắm nhìn anh làm việc. Một cái gì cựa quậy mới mẻ dấy lên trong tâm hồn nó để đón nhận những tình cảnh mới. Thỉnh thoảng, một tiếng nấc nghẹn từ cơn thổn thức đã qua làm thân hình nhỏ bé rung lên. Hai mắt mở to mắt kinh ngạc và cảm động, nó im lặng không nhúc nhích.

Trong một thoáng mơ màng, anh cảm thấy trái tim mình chìm xuống đáy nước, để lại anh trên mặt nước đứng bất động, hoàn toàn bất động, anh nhổm dậy với một chảo đầy thức ăn, cẩn thận giữ thăng bằng một tay là đứa bé, một tay là cái chảo. Cái dải khăn choàng mềm mại phất phơ, hạt ngũ cốc và cỏ rơi vãi trên đất; anh bước dọc theo lối đi mờ tối phía sau mấy cái máng ăn, nơi những cái sừng bò chĩa ra từ bóng tối. Đứa bé rụt người lại, anh vất vả giữ thăng bằng, dựa cái chảo vào vách máng ăn, đổ thức ăn ra, một nửa cho con bò này, một nửa cho con sau. Tiếng dây xích kêu xủng xoảng khi mấy con bò gục gặc đầu liên tục; tiếp đó là một tiếng thở phì sung sướng nghe thật dễ chịu khi chúng cúi ăn trong im lặng.

Anh phải đi tới đi lui nhiều lần. Có tiếng xẻng kêu nhịp nhàng trong chuồng, rồi người đàn ông quay trở lại bước đi khó khăn giữa hai vật nặng, khuôn mặt đứa bé lòi ra khỏi khăn choàng. Lần kế tiếp, khi anh khom người xuống, đứa bé choàng tay quanh cổ anh, bám vào anh dịu dàng và ấm áp, khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn.

Khi những con vật ăn, anh buông cái chảo xuống đất, ngồi lên cái thùng, xoay xở cho con bé thoải mái.

  “Mấy con bò này sắp đi ngủ phải không?” nó kìm hơi thở, hỏi.

  “Ừ.”

 “Chúng phải ăn cho hết đã chứ?”

 “Đúng rồi. Nhìn chúng ăn kìa.”

 Và hai người ngồi im lắng nghe tiếng phì phò, tiếng thở của những con bò đang ăn sát những tấm vách gỗ ngăn cái chuồng nhỏ này. Chiếc đèn lồng trên vách tỏa ánh sáng dịu nhẹ khắp nơi. Mọi vật ngoài trời tĩnh lặng trong cơn mưa. Anh nhìn xuống những nếp gấp mềm mại của chiếc khăn choàng với những họa tiết cánh hoa. Nó làm anh nhớ mẹ anh. Bà thường quàng nó đi lễ nhà thờ. Anh lại quay về với những ngày vô lo yên lành xa xưa khi còn là cậu bé trong nhà.

Hai người ngồi lặng lẽ. Như bị thôi miên, anh thấy tâm trí mình càng lúc càng mờ tối. Anh giữ chặt đứa bé. Một cơn rùng mình nhẹ, vang vọng từ sự thổn thức của đứa bé, lan xuống chân tay nó. Anh ôm nó chặt hơn. Đứa bé từ từ thư giãn, hai mí mắt bắt đầu nhíu lại trên đôi mắt u ám, cảnh giác. Khi nó chìm vào giấc ngủ, đầu óc anh trở nên trống rỗng.

Khi anh tỉnh thức, như thể tỉnh ngủ, anh cảm thấy mình đang ngồi trong sự lặng lẽ phi thời gian. Anh đang lắng nghe điều gì vậy? Hình như anh đang lắng nghe những âm thanh từ xa xăm, từ bên ngoài cuộc sống. Anh nhớ vợ. Anh phải quay lại với cô. Đứa bé đang ngủ say, hai mí mắt không khép chặt, hé cho thấy một màng mỏng nằm giữa con ngươi đen. Vì sao nó không nhắm mắt? Miệng nó cũng hé mở.

Anh đứng dậy và đi về nhà.

“Con bé ngủ say hả?” Tilly thì thào hỏi.

Anh gật đầu. Bà người ở ghé nhìn đứa bé ngủ trong chiếc khăn quàng, hai má đỏ hồng, chung quanh mắt thì nhợt nhạt xanh xao.

“Ơn Chúa!” Tilly vừa thốt lên vừa lắc đầu.

Anh tháo đôi bốt và đi lên gác với đứa bé. Anh bắt đầu ý thức về cảm giác lo lắng bóp chặt trái tim, vì vợ anh. Nhưng anh vẫn thinh lặng. Ngôi nhà im ắng ngoại trừ tiếng gió bên ngoài, và tiếng mưa từng dòng từ mái nhà rơi tung tóe vào thùng chứa. Môt tia sáng lọt ra từ cửa sổ nhà vợ anh.

Anh đặt đứa bé vào giường, quấn khăn choàng lên người nó, vì tấm trải giường có thể làm nó lạnh. Rồi anh e nó không cử động được hai tay, anh duỗi lỏng người nó ra. Đôi mắt đen mở ra, nhìn anh chằm chằm trống rỗng, rồi từ từ khép lại. Anh đắp thêm mền cho nó. Cơn rùng mình cuối cùng từ nỗi thổn thức khiến hơi thở đứt quãng.

Đây là phòng riêng của anh, anh sở hữu trước khi lấy vợ. Nó thân thuộc với anh. Anh nhớ lại làm một đứa trẻ thì ra sao, vô tâm như thế nào.

Anh vẫn còn mơ màng. Đứa bé đã ngủ, hai nắm tay lòi ra khỏi chiếc khăn quàng. Anh có thể nói với người đàn bà rằng đứa con của nàng đang ngủ. Nhưng anh phải đi tới đầu cầu thang bên kia. Anh giật mình. Có tiếng cú kêu – tiếng rền rĩ của người đàn bà. Một âm thanh mới kỳ dị làm sao! Nó không phải là âm thanh của con người – ít nhất đối với một người đàn ông.

Anh đi xuống, nhẹ nhàng bước vào phòng cô. Cô đang nằm bất động, hai mắt nhắm, xanh xao, mệt mỏi. Tim anh đập mạnh, tưởng cô chết rồi. Nhưng anh biết chắc chắn cô không chết. Anh thấy tóc cô rũ xuống qua hai bên thái dương như thường thấy, miệng cô mở ra đau đớn mà như cười nhăn nhở. Với anh cô lúc nào cũng đẹp – nhưng đó không phải cái đẹp của con người. Anh khiếp đảm thấy cô nằm đó. Cô thì có liên quan gì đến anh chứ? Cô khác anh mà.

Có điều gì đó khiến anh tới gần, chạm vào những ngón tay cô vẫn còn bấu chặt vào tấm trải giường. Đôi mắt nâu xám mở ra nhìn anh. Cô không biết anh như chính anh. Nhưng cô biết anh như một người đàn ông. Cô nhìn anh như một người đàn bà đang đau đẻ nhìn người đàn ông làm cha đứa con trong bụng nàng: một cái nhìn vô cảm, giữa giờ phút cực cùng, của con cái đối với con đực. Cô nhắm mắt lại. Một cảm giác bình yên tuyệt vời nóng bỏng ập đến đốt cháy ruột gan anh, kéo dài đến vô tận.

Khi những cơn đau của cô trở lại, xâu xé cô, anh quay mặt đi, không thể nhìn nổi. Nhưng tâm hồn anh trong cơn vò xé vẫn cảm thấy bình yên, tận đáy sâu trong lòng anh thấy dễ chịu. Anh đi xuống nhà dưới, đẩy cửa bước ra ngoài trời, ngẩng đầu cho mưa táp lên mặt, và cảm thấy bàn tay vô hình và chắc chắn của bóng tối chộp lấy mặt anh.

Cú đập bất ngờ, vô hình của bóng đêm khiến anh câm nín và qui phục. Anh co rúm quay trở vào nhà. Có một thế giới vô tận, vĩnh cửu, bất biến, bên cạnh thế giới cuộc sống.

Mai Sơn dịch từ nguyên bản tiếng Anh, The Rainbow, của David Herbert Lawrence. Bản trên Project Gutenberg, http://www.gutenberg.net, 2009, 2019.

David Herbert Lawrence cũng là tác giả của Người Tình Của Chatterley Phu Nhân (Lady Chatterley’s Lover)

[1] tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu