Trần C. Trí dịch
Carlos Manuel Álvarez (1989 -) là nhà văn Cuba. Ông theo học ngành báo chí tại Đại Học Havana và có nhiều bài báo và khảo luận trên New York Times, BBC và Al Jazeera. Truyện ngắn của ông từng đăng trên các tạp chí văn chương ở Cuba như Gatopardo và Malpensante. Ông đoạt giải thưởng văn chương Calendario của Cuba năm 2013 với tuyển tập truyện ngắn La Tarde De Los Sucesos Definitivos, trong đó có truyện ngắn “Muerte en la Habana” được chuyển ngữ dưới đây. Năm 2016, ông được vào danh sách 20 nhà văn xuất sắc của châu Mỹ La Tinh tại Hội chợ sách Guadalajara. Năm kế tiếp, 2017, ông có tên trong danh sách Bogotá39, bao gồm 39 nhà văn trẻ hứa hẹn nhất của văn chương Mỹ La Tinh.
**
Đêm hôm trước khi Guillermo Navas chết, tôi ghé nhà thăm ông. Tôi biết rằng đã lâu lắm rồi thầy trò chúng tôi không gặp nhau. Lúc ấy, tôi còn trẻ và đang mơ ước trở thành nhà văn. Thuở thanh xuân, ai lại không mong muốn hay mơ ước một điều gì đó. Với tôi, điều đó là văn chương. Vào lúc ấy, nhờ vận may hay cũng do quen biết, tôi được đăng bài trên tạp chí mạng Isliada. Tạp chí này ngày nay tôi không chắc có còn không, nhưng vào những năm 2011, 2012 có rất nhiều người đọc. Ở Cuba và trên khắp thế giới. Tôi gởi bài đăng trên tạp chí đó, và mặc dù không được trả đến một xu, tôi vẫn không lấy đó làm điều. Tôi không thiếu tiền; vả lại, bài vở của tôi cũng chẳng lấy gì là đặc biệt cho lắm, cho nên làm sao tôi có thể cho mình là quan trọng để một ngày đẹp trời nào đó bỗng dưng đến đòi nhuận bút. Nhưng, như đã nói, vì rất mê văn chương, tôi không bỏ sót một lớp viết văn nào do Guillermo Navas dạy. Tôi đến dự tất cả những bài giảng của ông.
Sau bốn năm tháng trong lớp, đã dạy qua nhiều kỹ thuật sáng tác và giới thiệu một số tác giả, Guillermo mời tất cả học trò của mình đến nhà ông chơi. Ông đã ly dị vợ, không con cái. Người ngoài nói rằng ông không thể có con, còn tôi lại nghĩ là ông không muốn có, mặc dù tôi cũng không biết mình dựa vào đâu để nghĩ như thế. Ông hẹn mọi người đến nhà vào một đêm thứ Bảy. Tôi trả lời sẽ đến, vì lý do này hay lý do khác, nhưng không chắc mình có đến thật không. Guillermo là một nhà văn nổi tiếng, còn tôi chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt. Guillermo là một biểu tượng, trong khi tôi là một môn đồ tội lỗi, đứa học trò—trong lúc học hết những mánh khoé nghề nghiệp—đã theo đuôi nhà văn lẫy lừng này, bê sách giùm ông và khen tặng ông không tiếc lời. Thật tình mà nói, tôi thấy buồn nôn vì vai trò này của mình. Không phải vì tôi không thể giải thích được điều này, chẳng qua là không quá thẳng thừng như những người khác thôi. Có lẽ vì thế mà tôi hầu như chẳng chuyện trò với người nào trong lớp, hay họa hoằn lắm mới nói chuyện với một anh chàng triết gia da đen mê đọc sách, hắn đọc cả đến mấy cuốn niên giám về Brunswick của Leibniz. Cuối cùng, tôi quyết định đi. Nói chuyện là dành cho mọi người, phần tôi chỉ việc giữ một khoảng cách là đủ.
Guillermo ngụ trên Đại Lộ số 3, giữa Đường F và Đường G, khu Vedado, trong căn chung cư số 5 của một toà nhà mà tầng trệt đã được biến cải thành một trung tâm trị bệnh tâm thần. Tôi đã quên hết những chi tiết khác, trừ địa chỉ và chỗ ở của Guillermo. Phòng khách không rộng lắm, chỉ có vài bức tranh bình thường treo trên vách, nhưng bàn ghế sang trọng và giản dị. Bên trái là một cái bao lơn nhỏ có nhiều chậu hoa và lẳng hoa treo lơ lửng. Giữa phòng khách có một cái bàn gỗ gụ và một cái đèn chụp lớn có vẻ như được mang về hay nhái lại từ một nước nào xa xôi. Kế đó là cái ghế của Guillermo. Khi tôi đến, hầu như chưa có ai khác cả. Ông chào tôi không lấy gì niềm nở cho lắm, kèm theo vài cử chỉ mà tôi không rõ không rõ là xem thường hay lịch sự. Ông đi xuống bếp, dọn ra nhiều đĩa đã bày sẵn phô-ma Gouda Hoà Lan, bánh biscuit và ô-liu. Nhiều học trò khác dần dần lục tục đến. Vào khoảng 10 giờ thì không còn thiếu ai nữa, vì rõ ràng là lúc đó người nào không đến đã quyết định không đến rồi. Vài người mang mấy chai rượu rhum hay nước ngọt, và một cặp đồng tính mang cả nhạc đến. Tôi chợt thấy khó chịu vì chẳng mang gì ngoài cái miệng của mình Nhưng tối nay là để chuyện trò, chắc không ai sẽ lên lớp ai và để ý đến những chuyện như vậy.
Tôi trở nên lơ đãng, bước ra ngoài bao lơn. Đêm ấy không có trăng. Một đêm kinh hoàng của sự im lặng cô đơn. Một đêm không có gì bí ẩn, mọi sự đều trần truồng phô bày. Thình lình, tôi cảm thấy có ai đó thở vào gáy mình. Đó là một trong cô gái trẻ, khá tròn trịa và hồng hào, thuộc nhóm các cô thích truyện khoa học giả tưởng. Cô đang thong thả nói một điều gì đó. Tôi nghĩ rằng cô chẳng nói với ai ngoài chính cô. Thái độ tự thú của cô khiến tôi thấy bị lôi cuốn. Cô nhìn chăm chăm vào mặt tôi thật lâu, như muốn véo mặt tôi một cái. Đến lúc đó thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là cô nói chuyện với tôi. Tôi không hiểu cô nói gì, nhưng rõ ràng là cô đang nói với tôi, và làm ra vẻ không để ý như tôi thật không phải lẽ.
– Tôi sợ bóng tối—tôi nói.
Cô không nói gì cả.
– Tôi bị bóng tối ám ảnh từ nhỏ—tôi thêm vào.
– Bóng tối không làm hại ai cả—cô bảo, hai mắt rạng rỡ một tia sáng trắng bất tận.
Trong giây phút ấy, tôi nghĩ rằng tất cả những người yêu thích truyện khoa học giả tưởng đều điên rồ cả, còn người nào chưa điên thì trước sau gì cũng điên. Tôi cũng nghĩ rằng những người đó ít nhất cũng có thể có mặt trên tầng một, bên cạnh Guillermo, cạnh vị giáo sư chính, cạnh nhà văn hiện thực và những cuốn sách cũ kỹ nhưng đã đoạt nhiều giải thưởng của ông.
– Với tôi thì nó rất có hại.
– Không đâu, bóng tối có thể nuốt chửng anh, nhưng nó vô hại.
Tôi bảo cô: “Tôi sắp sửa phản đối đây.” Cô đáp: “Cái đó tuỳ anh, nhưng tốt hơn là anh không nên phản đối.” Tôi ấp úng, như thể theo tiếng gọi của lương tâm: “Thôi được, tôi hiểu rồi.” Và cô cũng nói: “OK, không có gì đâu.” Tôi trở vào bên trong. Không còn chỗ ngồi nào, tôi đành phải đứng. Guillermo đang tiếp chuyện mọi người, thỉnh thoảng lại quay xuống bếp để lấy thêm thức ăn, toàn những món lạ mắt. Tôi là người duy nhất chẳng nếm qua món nào. “Mình lúc nào cũng phải giữ cho tỉnh táo”, tôi tự nhủ, “Đừng để rơi vào cái bẫy này.” Bọn học trò đang đua nhau đặt những câu hỏi khuôn sáo, loại câu hỏi mà thật ra là những lời thuyết lý để gây ấn tượng cho kẻ khác, những lời bình phẩm về âm nhạc, hội hoạ và văn chương. Tuy nhiên, Guillermo, hết sức tính toán, cố tình lảng tránh các lãnh vực nghệ thuật. Sau khi điểm qua những chuyến đi ở Liên Bang Xô Viết và châu Mỹ La Tinh, ông nói lướt qua về người vợ cũ người Chile của mình. Đoạn ông chuyển qua lòng hoài cổ của mình. Ông tả lại các nhà thổ ở La Habana trong những năm 50, cùng những giàn nhạc giao hưởng đầy sinh khí ở khu dạo mát Prado. Tôi nghe giọng ông nói thật trong trẻo và êm dịu, nhưng có gì không ổn về ngôn ngữ và lý lẽ. Sau đó thì tôi không hiểu mọi người hỏi ông những gì và đầu đuôi những mẩu đối thoại ra sao nữa. Tôi cứ ngắm nghía mấy ngón tay của mình, nghĩ rằng chắc mọi người cũng thích tôi. Rồi tôi trườn trên da mình, và nghĩ rằng mình thích trườn trên da. Cuối cùng, mọi người trong đám học trò chúng tôi mới biết ra rằng Guillermo là bạn của Enrique Lihn. Có người lên tiếng hỏi ông đã quen ông ta lúc nào.
– Năm 1970—ông trả lời—. Tôi được vinh danh ở toà nhà Casa de las Américas và ông ta ở trong ban giám khảo.
Đoạn ông bắt đầu nói về cuốn sách của mình, về việc tuyển chọn tác phẩm, về những chuyện nội bộ trong các cuộc thi thố, và về đêm trao giải.
– Guillermo—Lihn hỏi—ông có bao giờ chứng kiến một vụ xử bắn chưa?
Ngoài hai nhà văn đêm đó, còn có nhiều nhà báo và phóng viên ngồi quanh một cái bàn nhỏ trong một gian phòng ở khách sạn. Tháp tùng một phóng viên nhiếp ảnh của Thông Tấn Xã Pháp là một cô gái tuyệt đẹp mà dân Cuba có thể ví von là một bức tượng.
– Có ạ, khoảng 10 năm về trước, vào cuối thập niên 60.
– Ai bị bắn vậy, thầy?—Tôi hỏi.
– Một viên đại tá phe Batista.
– Ở đâu?—Lihn hỏi.
– Ở khu pháo đài La Cabaña.
– Vụ đó đã để lại ấn tượng gì cho thầy ạ?—Tôi lại hỏi.
Các phóng viên có vẻ đang ngà ngà say. Cô gái, ngược lại, bắt đầu chú ý đến câu chuyện. Cô rời tay người chồng—hay cũng có thể anh ta không phải là chồng mà chỉ là tình nhân của cô—cô tiến gần hơn đến cuộc đối thoại, không phải nghĩa đen mà là nghĩa bóng.
– Có chứ, rất sâu đậm là đằng khác—Guillermo nói, rồi lại im lặng.
Lihn hớp một ngụm rượu, chắc hẳn là rượu rhum.
Guillermo nói tiếp:
– Đó là một tên tay sai, nhưng khá bảnh trai—những chữ ông dùng nghe thật trái khoáy với nhau.
– Ông ta tên gì ạ?—tôi hỏi.
– Tôi cũng không chắc —Guillermo đáp—hình như là Larralde gì đó.
Rồi tôi lắng nghe Guillermo phân tích các thời kỳ, từ 1970 đến 2011, rồi từ 2011 trở ngược lại 1960, cho đến đêm hôm xử bắn.
– Larralde xin được không bịt mắt và còn yêu cầu được ra hiệu lệnh cho toán xử bắn khai hoả.
Trong pháo đài La Cabaña, trong căn phòng khách sạn, trong căn chung cư của Guillermo phủ trùm một sự im lặng nặng nề.
– Khi ông ta lên tiếng “Nhắm!”, một người lính vẫn đang loay hoay. Khoá an toàn của khẩu súng anh ta bị kẹt.
“Lihn mỉm một nụ cười của những con mèo Nam Mỹ. Còn tôi thì cười không nổi, cả người gần như run rẩy, lúc đó tôi còn trẻ quá. Cô bạn gái của anh chàng phóng viên nhiếp ảnh Thông Tấn Xã Pháp ngồi yên không nhúc nhích, chăm chú nghe.”
– Hãy bình tĩnh, đừng mất tự tin—viên đại tá nói với hai hàng lính gồm bốn người đang nhắm thẳng vào ngực ông ta.—Chúng ta bắt đầu lại nhé.
– Vài phút trôi qua. Larraldo ra lại hiệu lệnh. Loạt súng nổ vang. Thế là hết—Guillermo kể bằng một giọng run run, bỏ qua nhiều chữ và cắt bớt kịch tính của những gì đã xảy ra.
Xác chết nằm trên mặt đất khô cằn nơi pháo đài La Cabaña, làn gió biển hiu hiu, những vết thương do loạt đạn bắn vào, ánh sáng của La Habana. Có một câu chuyện ở đây thật, tôi nghĩ thầm.
“- Chà, có một câu chuyện ở đây thật—Lihn thốt lên. Rồi tôi lại cố giữ khoảng cách.”
– Cám ơn ông—cô bạn gái của anh phóng viên nói. Cô đứng lên, với lấy một ly rượu—. Tôi biết rằng bố tôi đã bị xử bắn, nhưng không rõ là như thế nào.
Một thời gian sau, vào năm 1974, khi Lihn trở lại La Habana, ông ta bảo Guillermo, trong lúc hai người đi ngang qua Nhà Thờ Chính Toà, rằng ông không nên kể lại vụ xử bắn đó với ai vì nó có vẻ không đúng sự thật, và tốt hơn hết là đừng viết gì về chuyện đó cả. Đến đó, tôi thấy mình nên cứu vãn đề tài này bằng cách ra về mà không chào tạm biệt Guillermo. Tôi ra về, cũng không chắc là mình có chào ông ta hay không, toàn thân run rẩy. Ngay lúc đó, trời đột ngột đổ mưa. Mưa như trút nước. Nhưng tôi không tuôn chạy, cũng không biết làm gì cả, vì trong những tình huống như thế này, không nên cử động quá nhiều. Lần nào cũng vậy, tôi cảm thấy mình bắt đầu mê sảng. Cơn mưa đang nuốt lấy tôi như một thỏi xà-phòng. Tôi thấy kiệt sức. Nhưng tôi hiểu rằng mình không có quyền kiệt sức vì những gì vừa được nghe kể không thể bỏ qua được. Một câu chuyện như thế sẽ vật vờ trôi nổi cho đến một kẻ mê văn chương nào khác vớ được nó. Ý nghĩ đó, rõ ràng là không chính đáng, đã khiến tôi đi tiếp trong cơn mưa để mong về được đến nhà nằm nghỉ.
Nước mưa tiếp tục tuôn chảy trên người tôi, không gì đặc biệt, mà cũng hệt như trên bất cứ ai khác, nghĩa là nó bám vào áo quần, vương vào tóc tai, đọng lại thành hạt ở những chỗ bất ngờ nhất trên thân thể. Những chỗ mà chưa ai nghe đến bao giờ trong y khoa hay sinh vật học. Những chỗ mà có lẽ, ở nơi đẹp đẽ nhất của những thế giới khả dĩ nào đó, được nhắc đến trong một hai bài thơ, hoặc thậm chí cũng có thể không có trong bài thơ nào mà chỉ nằm trong vài câu thơ làm mẫu. Cuối cùng, tôi kiếm được một chỗ trú mưa và viết xong câu chuyện vừa lúc trời hừng đông. Sáng hôm đó, tôi gởi bài đến ban biên tập Isliada. Trong mấy ngày kế tiếp, tôi bù đầu với một loạt truyện ngắn, và tôi cho rằng mình đang cầm trong tay một tác phẩm khác thường. Nhưng chỉ vài giờ sau, tôi nhận một cú điện thoại thông báo là mình đã không còn cộng tác với tờ Isliada nữa. Điều đó có nghĩa là truyện ngắn của tôi sẽ không bao giờ được đăng. Tôi không lấy làm ngạc nhiên gì cho lắm, bởi chưng cái gì có bắt đầu cũng sẽ có kết thúc. Tôi nói đại khái là mình rất biết ơn họ và chào họ. Tôi không bao giờ biết ra được nguyên nhân của việc này, nhưng chắc là vì hiểu lầm hay vì tôi quá thờ ơ đối với độc giả của mình. Khi còn trẻ tuổi, mấy ai biết làm cách nào khác.
Sau đó tôi về với Crónicas Obscenas, trang blog của một người bạn và tiếp tục đăng bài trên đó. Nhưng không có gì còn như trước nữa. Hai tháng sau, tôi nói với anh bạn là tôi không còn thiết gì làm văn chương nghệ thuật nữa và từ biệt hắn. Tôi từ bỏ tất cả: văn chương và báo chí. Tôi vẫn còn trẻ, nhưng một đi không trở lại, từ đó về sau không hề viết một dòng một chữ nào nữa. Đổi lại, tôi dấn thân vào việc buôn bán. Tôi bán cá thu đóng hộp, buôn lậu rượu hạng tồi, và, để hợp với thời thế, tôi còn mở được một quán cà-phê mà chẳng tốn công sức gì cả. Tôi có một cuộc sống ổn định. Tôi trở nên nổi tiếng. Tôi biết cách kiếm tiền, chắc cũng là nhờ tôi chưa bao giờ thôi đọc sách, ngay cả khi chưa hề đọc được những cuốn niên giám về Brunswick của Leibniz. Có lẽ, thực vậy, một ngày nào đó tôi sẽ kể lại câu chuyện của viên tướng tay sai bị xử bắn, câu chuyện của Guillermo Navas, và chuyện của tôi, dầu chẳng còn hứng thú gì nữa, cũng chẳng vì sẽ có lợi lộc hay được ngợi khen gì, mà chỉ để thiên hạ mua vui giải sầu. Chẳng hiểu có ai còn đọc tôi nữa chăng. Cũng có thể là không.
Trần C. Trí dịch từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha,“Muerte en la Habana” trong tuyển tập truyện ngắn La Tarde de los Sucesos Definitivos, 2013,
https://www.escaramuza.com.uy/narrativa/item/cuento-muerte-en-la-habana-de-carlos-manuel-alvarez.html