Bạch vân thiên tải không du du
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
(Nghìn năm mây bạc ngẩn ngơ vương
Quê cũ chiều tà xa mất hướng
Trên sông khói sóng gợi sầu thương)
Nguyên bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu dài 8 câu (bát cú) tôi chỉ cần giữ lại ba câu cho cuộc đời luân lạc. Những Hán Dương thụ, Anh Vũ châu ngay cả Hoàng Hạc Lâu tôi không cần vì nó ở tận đẩu tận đâu bên Tàu. Với ba câu mà tôi đã chọn, bạn có thể bỏ vào hành trang và đi đến bất cứ nơi nào cũng tìm thấy “bạch vân thiên tải” đang ngẩn ngơ bay trên trời xanh giữa một hoàng hôn đang xuống nơi xứ lạ và ta đứng một mình bên một dòng sông, có thể là dòng “trường giang mọi rợ” của Phạm Công Thiện, hay một dòng trường giang vô tận xứ nào đó… Hoặc giả không cần một dòng sông nào hết, lữ khách cũng có thể cảm nhận khói sóng trong lòng mình đang dào dạt nỗi sầu thương. Lữ khách ngẩn ngơ nhìn bốn bề cố tìm ra cái hướng cố quận của mình.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Quá khứ là những gì đã qua đi. Những gì còn đọng lại của quá khứ, ta gọi đó là kỷ niệm. Có những kỷ niệm mang hài nhung đi những bước êm đềm vào tiềm thức của ta và ở lại trong tàng thức rồi ngủ vùi như một đứa trẻ thơ. Đứa trẻ thơ này có thể bất chợt thức giấc ở một lúc nào đó, và nó có thể cất lên tiếng khóc hoặc tiếng cười làm lòng ta bùi ngùi tê dại. Kỷ niệm không nhất thiết là một sự việc hay một con người. Lắm khi, đó chỉ là một hình ảnh, một bài nhạc, thậm chí là một mùi hương. Và chỉ cần một chút mùi của quá khứ lại có thể chuyên chở vô vàn những hình ảnh, âm thanh và cảm xúc chung quanh nó… Mùi hương này là mùi nhớ.
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
(Nguyễn Du)
Trong cuộc đời, tôi tin rằng mỗi người ai cũng có ít ra là một hay vài cái mùi để mà nhớ. Riêng tôi, tôi có rất nhiều mùi để nhớ. Mùi đất sau cơn mưa, mùi lúa chín, mùi một thành phố lạ… Tôi cho rằng, mỗi một thành phố đều có mùi riêng của nó. Vào cái thời tôi còn lái xe giang hồ lang thang trên nước Mỹ, cứ mỗi lần vào exit một thành phố mới, là tôi nhận ra một cái mùi… rất lạ. Mùi này, không phải ngửi được bằng mũi mà nó nghe được bằng cái toàn thức của tôi. Nếu trong tương lai, có dịp trở lại thành phố đó, tôi cũng lại nhận ra cái mùi này tức khắc. Còn nhiều thứ mùi khác, có thể đeo đẳng theo ta suốt cả cuộc đời. Chẳng hạn như mùi trầu của bà ngoại, mùi dầu Nhị Thiên Đường của má.
Có hai loại trái cây, mà ăn thì không lấy gì làm ngon lắm. Nhưng cái mùi của chúng, lại là những ám ảnh trong thời thơ ấu của tôi. Đó là mùi trái thị. Trái thị rớt bị bà già. Ai cũng biết trái thị ăn không ngon. Nhưng trái nó rất đẹp màu vàng tươi bóng lộng. Cứ giữ trong tay và vò bóp cho nó mềm đi, càng mềm nó càng thơm. Trái thứ nhì là trái ổi, mà phải là ổi dại bên đường, còn gọi là ổi sẻ. Mùi ổi trong vườn không thể nào thơm được bằng mùi ổi dại. Dì ba tôi có một vườn ổi xá lị. Trái rất to, cơm rất dày, ruột lại bé tí, hột cũng mềm ăn được luôn. Ổi xá lị thì ngon hết nói nhưng mùi của nó thì không có gì đặc sắc. Ổi xá lị lại không thể ăn khi quá chín.
Khi cha mẹ tôi quyết định rời bỏ dãy phố mười căn ở Gia Định- Sài Gòn về quê, lúc đó tôi đâu mới bốn, năm tuổi. Đây là tuổi trong giấy tờ, tuổi thật tôi lớn hơn hai tuổi. Vì khi mẹ tôi sinh tôi, cha tôi không thể làm khai sinh cho tôi lúc đó, mà phải hai năm sau mới làm được. Chuyện này tôi sẽ kể sau ở một bài khác. Dãy phố mười căn, nơi tôi có những kỷ niệm thật hoang đường. Như là con ma nữ nằm võng ru con trên vòm cây sao cao ngất ở trước ngõ vào dãy phố. Con chó trắng đốm đen hiểu được tiếng người… Những chuyện này tôi cũng sẽ kể trong những bài khác. Khi gia đình tôi dọn về quê ở làng Tân Thủy, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre, ( còn gọi là tỉnh Kiến Hòa hay Trúc Giang ) tôi được cha tôi cho vào trường tiểu học Xã Diệu, ở cách nhà tôi khoảng một cây số. Có một trường tiểu học khác gần nhà tôi hơn, nếu đi ngược về hướng bờ biển Bãi Ngao, ở đó có một xóm đạo của người Bắc di cư hồi 54, họ dựng một nhà thờ đồng thời vừa làm trường học cho trẻ con trong xóm đạo. Cha tôi cũng đã dắt tôi đến trường này xem tôi có thích không. Nhưng tôi đã chọn trường Xã Diệu. Phải nói, ở nhà quê, tôi học được rất nhiều trò chơi với những người bạn mới. Những người bạn chất phác, hiền lành như củ khoai, cái kẹo. Những trò chơi này, trẻ con ở thành phố Sài Gòn không thể nào biết được. Nó cực kỳ lý thú. Có đầy đủ những tính chất mạo hiểm, sáng tạo và độc đáo. Chẳng hạn như dùng những cục khí đá đặc, bện vào gốc một bó rơm, đắp bùn dẻo chung quanh cái gốc, rồi nhét cái gốc vào một cái lon (có thể là một lon sữa đã hết). Xong đốt phần rơm còn ló ra ngoài, đến lúc phần rơm cháy hết sẽ gây ra một tiếng nổ “ bùm” và chiếc lon nảy tưng văng lên. Những chiếc ná ở nhà quê cũng đặc biệt. Những chiếc ná của trẻ con Sài gòn thường bằng gỗ cưa ra, hoặc bằng một chạc cây, thường là cây ổi hoặc là một loại cây có thân dẻo. Nhiều lắm là bằng sắt uốn. Ở quê tôi, loại ná bằng chạc cây ổi là hạng bét, phải ná bằng rễ cây bần. Ná rễ bần cũng có nhiều hạng. Có những rễ bần đã được chui trong tro than, lại ngâm xuống sình một thời gian rồi mới lấy ra làm ná. Lại có những chiếc ná đã được lên nước bóng lộng, nhưng tuyệt chiêu hơn hết là ná bằng sừng trâu. Tôi đã từng được lũ bạn nhà quê tặng một cái ná rễ bần, và một cái ná sừng trâu. Đó là những bảo vật thời thơ ấu của tôi. Và bi để bắn với những chiếc ná này phải là đất sét vo lại thật tròn, lấy nước vuốt bên ngoài cho thật bóng lọng rồi phơi nắng cho khô.
Thời đó, trẻ con đi học một ngày hai buổi. Buổi sáng đến lớp vào lúc 7 giờ học đến 9 giờ kém mười lăm được ra chơi mười lăm phút, rồi trở lại học đến 11 giờ thì được về nhà ăn cơm và ngủ trưa, đến 2 giờ thì trở lại lớp học, 4 giờ thì tan trường.
Mỗi ngày tôi đi học với một con bé tên là Hồng Nga. Nó bằng tuổi tôi nhưng phải gọi tôi bằng chú vì nó là con của anh Ba Tải. Anh Ba Tải trạc bằng tuổi ba tôi, nhưng lại là con của dì Ba. Dì Ba là chị ruột của mẹ tôi, mẹ tôi thứ chín. Ngoài ra tôi còn có thằng bạn gần nhà cũng cùng đi học với tôi. Nó tên là Sáu Bụng. Thật ra, nguyên hỗn danh của nó là Sáu Bụng Bự, nhưng lâu ngày, gọi gọn đi thành ra là Sáu Bụng. Nó có chiếc bụng rất to, mà theo truyền thuyết thì trong đó toàn là sán lãi. Thằng này ở dơ có hạng. Còn nữa, tôi có một con chó mực. Mỗi ngày nó đều theo tôi đến trường, đợi tôi vô lớp xong nó quay về nhà chờ đến lúc tới giờ lại đi đón tôi ở trường và đưa tôi về nhà… Thường trên đường đi học, tôi và thằng Sáu Bụng hay la cà ở những lùm bụi ven đường. Hoặc chui vào những ống cống ngập nước mưa để đùa giỡn. Những ống cống ở nhà quê có đường kính rất to, có thể cao hơn một người lớn. Mỗi bận trời mưa, nước mưa ngập đầy trong cống, nước rất sạch và là nơi cho bọn nhỏ học trò chúng tôi đùa chơi thỏa thích. Cứ mưa xuống, là bọn trẻ con chúng tôi vui mừng hết nói. Tắm mưa, đùa giỡn với nhau trong mưa, ngụp lặn dưới cống để chơi mưa… không còn gì thích bằng. Muốn được đùa chơi tự do như vậy, tôi phải dụ khị con Hồng Nga đi học trước hoặc là đi về trước để cho tôi thong dong mà chơi với bạn.
Có một hôm trời nắng gắt, dù là đã 4 giờ chiều, giờ tan học. Tôi, con Hồng Nga, thằng Sáu Bụng, con Mực của tôi cùng tung tăng kẻ trước người sau trên đường về nhà. Khi đi gần đến chỗ ống cống nơi có nhiều lùm bụi nhất, tôi bỗng nhiên ngửi được một mùi thơm ngào ngạt, mùi ổi chín. Tôi hỏi:
“Tụi bây có nghe mùi gì không?”
Con Hồng Nga chun chun cái mũi, thằng Sáu Bụng thì hít lấy hít để. Rồi cả hai đứa cùng nói một lượt:
“Ừ! Có mùi ổi chín!”
Tôi nói:
“Mình đi kiếm nó đi.”
Con Hồng Nga nói:
“Chiều rồi mình phải về, chú Tám ơi.”
Tôi không quan tâm tới điều Hồng Nga nói, tôi nhìn thằng Sáu Bụng. Nó gật đầu. Thằng Sáu Bụng thoăn thoắt đi trước, tôi bám sát lấy nó. Con Mực vừa ủng ẳng vừa ve vẩy đuôi chạy theo tôi. Tôi quay lại nói nhanh với Hồng Nga:
“Mày về trước đi. Kiếm được ổi tao phần cho mày ba trái.”
Con Hồng Nga nhăn nhó, ngần ngừ, nhưng rồi cuối cùng cũng quay lưng bỏ đi.
Thằng Sáu Bụng lách vào chỗ những lùm cây, hai tay nó vẹt những cành lá hai bên, mắt nó láo liên tìm kiếm. Tới chỗ có đầy những dây nhãn lồng, với những trái chín có màu vàng đỏ. Những trái sống thì có màu xanh. Chung quanh, mỗi trái đều có một cái “lồng” như lưới màu trắng bao bọc. Lúc đó tôi chưa biết đấy là cây nhãn lồng. Thằng Sáu Bụng bứt một trái màu vàng đỏ, tháo bỏ lớp bọc bên ngoài, nó bóp nhẹ nghe một tiếng “bụp” nhỏ. Cái trái vỡ ra, bên trong là những hột như hột é. Mỗi hột có một chấm đen ở giữa được bọc chung quanh một lớp cơm màu trắng đục. Nó đưa lên mồm hút lấy những hột đó nhóp nhép nhai. Tôi hỏi:
“Trái gì vậy ? Ăn được hả ?”
Thằng Sáu Bụng nói:
“Trái nhãn lồng. Ăn được chứ sao không.”
Nó bứt một trái chín đưa tôi. Tôi cũng bắt chước làm y như nó. Bỏ cái lớp bọc bên ngoài, rồi bóp vỡ trái nhãn ra. Tôi hút những cái hạt của trái nhãn lồng. Cũng có mùi hơi thơm thơm… khó tả. Nhưng vị thì nhạt phèo. Tôi nghe mùi ổi dại càng nồng nàn hơn. Tôi nói:
“Mình đi kiếm ổi đi.”
Thằng Sáu Bụng gật đầu, dấn bước. Nó lại tiếp tục vạch vạch tìm tìm. Bỗng nhiên nó la lớn:
“Đây rồi!”
Tôi phóng tới bên cạnh nó. Một cây ổi thấp lè tè, nhưng tán lá chung quanh khá rộng. Những trái ổi xanh, vàng, đỏ, chi chít trên cây. Trái nhỏ nhất thì bằng đầu ngón tay cái của tôi. Trái to nhất thì bằng cườm tay của tôi lúc đó.
Con Mực sủa gâu gâu. Tôi và thằng Sáu Bụng thi nhau hái những trái ổi chín. Tôi lấy một trái to nhất chùi chùi vào áo, rồi đưa lên mồm cắn. Nó cũng ngọt nhưng hột thì quá nhiều. Lớp cơm mỏng không tới nửa xen ti mét, còn lại toàn hột là hột. Nhưng hột thì với một màu đỏ hồng rất đẹp. Dù không thấy ngon gì lắm, nhưng tôi ăn hết trái này đến trái khác, còn hái bỏ đầy hai túi quần short. Nó không ngon nhưng mùi quá thơm và vị thì rất lạ. Hơn nữa lại là ổi do mình tự hái trên cây xuống và ăn liền tại chỗ. Đó là kỷ niệm ăn ổi dại lần đầu của tôi. Từ đó về sau, cứ mỗi lần nghe mùi ổi dại bên đường là tôi phải tìm ra được nó mới thôi. Tìm ra được cây ổi dại bên đường là một khám phá, là một niềm vui của tuổi thơ. Những trái ổi thu hoạch được, là một chiến tích… nhưng cũng là thương tích. Vì hôm đó về nhà, tôi bị cha tôi phạt quỳ gần một tiếng đồng hồ, ê cả hai đầu gối. Lại nữa, vì ăn quá nhiều ổi nên buổi chiều tôi bỏ cơm. Và bao nhiêu ổi ăn vô, thì đi ra còn nguyên như vậy, chỉ toàn hột ổi là hột ổi.
Cuộc đời là thế, có những thứ mùi hương thì rất thơm nhưng thực chất thì chẳng ngon lành gì mà lắm khi còn làm ta bị… thiệt hại. Nhưng nói gì thì nói, mùi ổi dại vẫn là một mùi rất quyến rũ với tôi. Cách đây hơn năm, một hôm nhà tôi đi chợ về. Tôi vừa mở cửa cho nàng đã nghe mùi ổi bay ra từ trong mấy chiếc túi xách. Tôi hỏi nàng:
“Có mùi gì giống mùi ổi chín?”
Nàng cười: “Ừ. Hôm nay có quà cho anh đây. Ổi sẻ ngày xưa.”
Tôi đã từng kể chuyện về thú tìm ổi dại cho nàng nghe. Nàng đưa mấy trái ổi vào mũi tôi: “Đi chưa tới chợ đã nghe mùi thơm. Có đúng là ổi sẻ không anh?”
Tôi cầm hai trái lên lòng bàn tay, xoay nhẹ.
“Đúng là trái ổi sẻ. Nhưng không thơm bằng ổi dại ngày xưa. Ổi sẻ chỉ để ngửi chứ không nên ăn.”
Nhưng ngay cả bây giờ, anh trở về chốn cũ, gặp lại đúng cây ổi ngày xưa trĩu đầy trái chín thì cái mùi của nó cũng không còn như mấy chục năm về trước. Phải không em?
Ngày 3 tháng 2, 2017