Khánh Phương | Viết thơ vần điệu tiếng Anh

Một chứng nghiệm khó quên ở workshop (thực hành có trao đổi, góp ý) thơ mùa Xuân vừa rồi là viết hai bài thơ có vần điệu theo hai thể thơ truyền thống trong tiếng Anh. Khi tôi tò mò hỏi cô Holly, “Tại sao cô không yêu cầu các trò viết một vài bài thơ theo các thể có vần điệu (Formative poems)?” nàng hơi nhướng cặp lông mày đen nhánh như nét mực Tàu, đôi mắt tựa như hai viên ngọc xám long lanh, khuôn mặt thon trắng hồng, vành môi hơi cong lên kiêu kỳ để lộ hai chiếc răng thỏ với nụ cười vừa bí hiểm vừa ra vẻ độ lượng, “Có. Các trò sẽ làm thơ có vần vào đầu tháng Tư.” Nàng dừng lại một chút như để suy tính, điệu bộ quan trọng, “Nó rất khó. Nên các trò sẽ chỉ phải làm hai bài thôi.” Mặc dầu Holly tuyên bố giới tính của nàng là đồng tính, tôi vẫn thấy nàng đóng bộ giày của thiếu niên nam, cravat, sơ mi trắng, xám da cá, xanh cổ vịt và các màu cực kỳ nhã nhặn khác có một vẻ nữ tính kỳ lạ. Và tinh thần độc lập đáng ngưỡng mộ thường ít thấy ở đám đàn bà đùm đề chồng con (như tôi.) Nàng có vẻ hơi thiếu tự nhiên một chút xíu khi chạm trán tôi trong phòng vệ sinh nữ. Tất nhiên rồi. Giá mà có riêng phòng vệ sinh cho các thanh nữ tự thấy mình là quý ông thì còn gì bằng.

Mình tự lẩm nhẩm trong đầu, rằng tại sao viết thơ theo thể truyền thống, có vần có điệu trong tiếng Anh lại được xem là khó ngay cả với người bản ngữ? Có lẽ chỉ có một cách lý giải. Đó là tiếng Anh hiện đại đã đi quá xa so với thời mà các thể thơ truyền thống còn phổ biến. Điều này khác với tiếng Việt. Để viết một bài thơ có vần có điệu dễ như ăn cơm tấm sườn, con nít cũng làm được. Nhưng coi chừng, nó rất dễ trở thành một bài “vè” với toàn sáo ngữ và hình ảnh cũ mèm. Mình, chỉ thiếu hai ngón chân cái Giao Chỉ là trở thành một bảo tàng sống của văn hóa Việt, ba mươi tám năm rưỡi hụp lặn trong cái mơ màng, dùng trong trường hợp nào cũng đúng của Tiếng Mẹ, giờ được yêu cầu viết hai bài thơ theo hai thể thơ truyền thống của tiếng Anh. Thật éo le!

Chắc cũng theo một quy luật chung thôi, tôi tự trấn an mình như vậy. Đầu tiên là âm thanh của các tiếng lưu trữ trong trí nhớ. Rồi các tiếng tự âm vang với nhau tạo thành vần điệu. Vần điệu tạo thành thể thức. Rồi ý nghĩa tự lấp đầy các âm nhạc và thể thức ấy. Ý nghĩa tất nhiên, xuất phát từ vô thức, nhưng lại mới mẻ, không trùng lặp với thông điệp nào có trước. Vấn đề ở đây là tôi chưa đủ thân cận với tiếng Anh đến mức ấy.

Một kinh nghiệm để viết là đọc. Để cho âm nhạc của thể thức thấm vào người viết. E. Bishop là một trong những thi sĩ hiện đại còn viết một số bài thơ có vần luật. Tôi nhận được ảnh hưởng của Bishop từ khi chưa biết tên nàng. Thế giới chung quanh thực ra đã tràn ngập hình ảnh thơ của Bishop. “Nhưng bí mật sao, trong khi bà/ bận rộn với cái bếp lò/ những mặt trăng nhỏ rơi nhỏ giọt/ từ giữa những trang của cuốn lịch niên giám/ xuống giường hoa em bé/ đã cẩn thận đặt tại mặt trước của ngôi nhà” (“Sestina,” Bishop).

Đọc tới lần thứ 2 những tiếng nức nở đầy nội lực của Bishop:

Nghệ thuật của mất mát
chẳng khó để nằm lòng
Quá trời thứ được dành cho mục đích
là mất đi nên mất mát sẽ chẳng thảm họa gì.

Mất gì đó mỗi ngày. Chấp nhận nỗi hoang mang
mất chìa khóa cửa, trả vài giờ tìm kiếm
Nghệ thuật của mất mát chẳng khó để nằm lòng.

Rồi tập quen mất cha, mất nhanh hơn:
những nơi chốn, những cái tên, những đích đến
từng nhắm tới. Mất mát ấy sẽ chẳng thảm họa gì…”

(“Một Nghệ Thuật,” E. Bishop)

Để thấy thể villanelle với Bishop đã trở thành một cấu trúc của đề kháng và miễn nhiễm nội tâm trước thảm họa của ngoại cảnh như thế nào.

Villanell bao gồm 19 dòng, chia thành 6 khổ, với 5 khổ mỗi khổ 3 dòng và khổ thứ 6 gồm 4 dòng. Câu cuối cùng của khổ thứ 2, thứ 4, thứ 6 lặp lại câu đầu tiên của khổ thứ nhất. Câu đầu tiên của khổ thứ 3 và thứ 5 lặp lại câu cuối cùng của khổ thứ nhất. Các chữ cuối cùng của mỗi dòng theo đúng âm/vần gieo từ khổ đầu tiên, trong mỗi khổ kế tiếp. Vận luật của Villanelle tương đối đơn giản như vậy nên nó là thể loại được hầu hết các bạn thơ trong workshop lựa chọn.

Thể loại “dễ” kế tiếp là sonnet. Thường bao gồm 14 câu. Có hai loại, Sonnet gốc Ý, bao gồm 8 dòng mở và 6 dòng kết. Cách đặt trọng âm phổ biến là nhẹ/mạnh. Cách gieo vần tiệp âm khá du dương cho 8 câu mở, ký hiệu với các chữ cái lặp lại theo thứ tự: ab-ab-cd-cd; và mạnh mẽ hơn một chút cho 6 câu kết: cde-cde. Câu Sonnet của Shakespeare phức tạp hơn, và tất nhiên là tôi… tránh Shakespeare chẳng thẹn tí nào.

Trong lớp, hai “đối thủ” đáng gờm là Ann Abramczuk và Laurence Walter. Nhất là Ann. Chúng nó bộc lộ là những đứa thực sự “master English,” (bậc thầy về tiếng) theo nhận xét của tôi. Cả hai đều nằm lòng cách triển khai thi tứ và ngôn ngữ đặc trưng của tiếng Anh: bám lấy một hình tượng/cảm giác xuyên suốt, chồng chất các liên tưởng cao ngất theo cùng một hướng, ví dụ nếu đã chọn âm thanh, liên tưởng chỉ xoay trục quanh âm thanh (chứ không mở theo diện rộng tới hình tượng, màu sắc) cho đến khi ngôn từ hội đủ năng lượng của một vụ nổ nhiệt hạch.

Còn nhớ workshop phi hư cấu hồi mùa Thu năm ngoái, cô Holly xếp tôi với Ann chung một  nhóm. Tôi còn nhớ nó đã tái mét, run bắn vì giận dữ như thế nào khi tôi viết xuống nhận xét bài của nó. Đó là “phân biệt chủng tộc” đó bà con, dù chỉ ở dạng prejudice (định kiến) trong tâm trí và không được/dám thể hiện bằng thái độ hoặc hành động. “Phân biệt chủng tộc” ở trường chỉ là vấn đề cá nhân. Nếu ai đó vì ghét bỏ mà viết những nhận xét không chính xác về công việc của người khác thì chẳng khác gì cầm gậy tự đập vào chân mình.

Ngoài ra, senior (năm cuối) Rachel là một đứa chân chỉ hạt bột hiếm thấy. Nó cực kỳ chịu khó quan sát, ghi nhớ và miêu tả cũng rất lý thú, mặc dù không đều tay giữa các bài. Laurence Mey cảm giác về âm thanh và nhịp điệu cực tốt nhưng không chuyên cần bao giờ. Một đứa mắt nâu tóc nâu vàng đượm, tâm hồn giản dị và chính trực nhưng lại dễ bị lôi kéo bởi con thảo mai láu cá Kelly.

Chẳng còn cách nào hơn, tôi đành chọn viết một bài villanelle về sự kiện New York black out (cúp điện tối om ở New York, 1977) và một bài Sonnet Hà nội, thể loại gốc Ý. Vì sao lại là New York black out, một sự kiện tôi hoàn toàn không chứng kiến, dù rúng động? Bởi vì luôn luôn có một lịch-sử-chưa-được-biết-đến cực kỳ hồi hộp đứng tim cho người viết ở đâu đó. Thành phố cúp điện tối om không khác gì trái tim ngừng. (Và cũng vì một điều riêng tư. Tôi được tặng một tài sản khác, hẳn một nước Mỹ khác của những năm 1970s từ… ông xã).

Bài villanell mở đầu bằng những câu sau:

The city sinks under the dark river
the buildings raise like the white sails
reflecting the glorious light far off shore

(Thành phố chìm dưới dòng sông bóng tối/ những cao ốc dựng trắng những cánh buồm/ phản chiếu ánh rực sáng xa ngoài đại dương)

Cũng mồ hôi chảy thành dòng nóng rực trên lưng. Gió trên lầu thứ 11 làm giấy tờ bay loạn xạ. Những âm thanh đổ vỡ như tiếng bước chân loài quái thú dưới đường vọng lên. Nỗi kinh hoàng lạnh toát trườn trên da khi thang máy đứng sựng giữa không trung. Cực kỳ khổ sở hoang mang khi cứ phải nhắm tịt mắt để hình dung mông lung và khi hình ảnh va đánh “xoảng” vào âm thanh thì mở mắt ra, tôi được Nàng Thơ ban cho một câu thơ mới.

Lần này tôi ở cùng nhóm với Ann và Laurence Walter, hai đứa mà tôi rất phục. Lần đầu tiên nhận ra, chúng nó cũng khổ sở và bị đe dọa như thế nào với thơ tiếng Anh truyền thống.