Ban Mai: Chào anh Lê Văn Thoa, được biết anh là người lính Gạc Ma ở Trường Sa còn sống sau sự kiện ngày 14/3/1988, anh có thể cho biết quê quán anh ở đâu và anh nhập ngũ khi nào?
Lê Văn Thoa: Cảm ơn chị, tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Vào tháng 2 năm 1985, khi đang học lớp 9 trường Tây An, huyện Tây Sơn tôi xung phong đăng ký nhập ngũ.
Ban Mai: Anh làm tôi nhớ những người bạn thời đi học của tôi cũng nhập ngũ khi còn trên ghế nhà trường, đó là những năm 1979, 1980 thời đó đang xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, và chiến tranh với Campuchia, có những bạn viết huyết thư xin đi lính khi mới học lớp 10, anh đang học lớp 9 đã xung phong đi là hy hữu.
Lê Văn Thoa: Tôi sinh năm 1968, năm 1985 tôi nhập ngũ lúc tôi 17 tuổi, thời ấy còn chế độ bao cấp, cuộc sống thiếu thốn khổ cực, tôi ở vùng quê nên việc học càng vất vả, tôi đi học trễ hơn các bạn cùng lứa, với tuổi của tôi các bạn khác đã học lớp 11 hoặc 12.
Ban Mai: Anh có thể cho biết khi nhập ngũ anh được huấn luyện ở đâu và thời gian đầu đi lính anh đóng quân nơi nào?
Lê Văn Thoa: Tháng 2 năm 1985 tôi nhập ngũ được Bộ chỉ huy quân sự đưa đi huấn luyện tại Cát Lái, Thủ Đức. Ngày đó, chúng tôi được tuyển vào binh chủng hải quân, tôi nhớ năm đó tuyển lính vào hải quân rất đông, chúng tôi được phân công học tập nhiều chuyên ngành pháo binh, công binh, hải đồ, kỹ thuật hàng hải… tôi học cơ điện. Tháng 1/1986, sau 9 tháng huấn luyện, tôi được điều động về làm thợ máy trên tàu 602 ở Tân cảng Sài Gòn thuộc lữ đoàn 125. Tàu 602 chuyên đi phục vụ các đảo ở Trường Sa, Khánh Hòa, công việc chính lúc đó là tiếp tế lương thực cho lính, và chuyên chở vật liệu xây dựng các đảo ở Trường Sa.
Ban Mai: Được biết vào những năm 80, các quần đảo ở Trường Sa đang được chúng ta xây dựng, tôn tạo để khẳng định chủ quyền, vậy anh đến đảo Gạc Ma năm nào và đã có chuyện gì xảy ra?
Lê Văn Thoa: Vào cuối năm 1987, tàu 602 có quyết định sửa chữa nâng cấp, một số lính có chuyên môn giỏi được chọn tăng cường cho tàu 604 chuyên đi phục vụ Trường Sa. Tôi được chọn chuyển qua làm thợ máy cho tàu 604. Tôi còn nhớ rất rõ đêm mồng 9 tết năm 1988, tàu 604 nhận được quyết định ra đảo Gạc Ma ở Trường Sa để xây dựng nhà giàn, chúng tôi dự tính sẽ ở lại 3 tháng để xây dựng nên đem theo nhiều lương thực, tàu chúng tôi chở lính công binh hải quân hầu hết là những thanh niên còn rất trẻ tuổi đời trên dưới 20 đem theo cuốc, xẻng và vật liệu xây dựng, cả tàu chỉ có 3 khẩu AK, nhiệm vụ chúng tôi là đi xây dựng không phải lính đi chiến đấu.
Gạc Ma là một đảo san hô, thuộc bãi đá ngầm, khi thủy triều rút mới thấy đất. Khi thủy triều lên, chúng tôi đứng trên đảo mặt nước cao ngang bụng. Khoảng 5h chiều ngày 13/3/1988 tàu 604 cập đảo Gạc Ma, lúc chúng tôi đang nghỉ ngơi thì thấy một tàu chiến Trung Quốc trờ đến, chúng phát loa nói bằng tiếng Việt lơ lớ đây là đảo của Trung Quốc, Việt Nam rời khỏi ngay. Các anh em trên tàu nghe thấy nhưng chúng tôi phớt lờ và ở yên trên tàu. 12h đêm hôm đó thủy triều rút, chúng tôi được lệnh ra khỏi tàu bơi xuồng vào đảo, chúng tôi đào trụ để cắm cờ Việt Nam lên hòn đảo của tổ quốc, sau đó khảo sát địa hình dự tính sáng sớm sẽ cấp tốc đem vật liệu xây dựng lên đảo xây trụ để làm nhà giàn. Chúng tôi về lại tàu nghỉ ngơi để sáng sớm thi công.
5h sáng hôm sau ngày 14/3/1988, khi thức giấc chúng tôi đã thấy 3 tàu chiến của Trung Quốc vây xung quanh tàu 604 của Việt Nam, tàu Trung Quốc thả ca nô chở lính đặc nhiệm trang bị vũ khí lên đảo Gạc Ma. Lúc này tàu Việt Nam báo động các chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu, xuồng Việt Nam thả lính xuống bơi vào đảo là loại xuồng nhôm thô sơ kéo bằng dây, chúng tôi được lệnh lên đảo bảo vệ, tùy cơ ứng biến, các đồng chí không được nổ súng trước. Lúc này phía Việt Nam có khoảng 20 lính hải quân công binh đang cầm cuốc, xẻng, xà beng và vài người lính tác chiến có mang ba khẩu AK đứng bên cạnh trụ cờ, lúc đầu lính Trung Quốc tiến đến hai bên đánh sáp la cà để giành giật lá cờ, Trung Quốc hạ cờ Việt Nam để cắm cờ Trung Quốc, đấu nhau bằng tay hai bên chưa nổ súng.
Sau khi bên Trung Quốc chĩa lưỡi lê đâm bị thương 1 người lính Việt Nam, lính Trung Quốc bắt đầu nổ súng. Chúng đứng dạt một bên góc đảo, khoảng 50 lính Trung Quốc rê súng AK bắn mù mịt vào lính Việt Nam, bắn cho đến khi hết đạn, nhưng với 3 khẩu AK của Việt Nam bắn trả thì lực lượng tương quan không cân xứng đã quá rõ. Cùng lúc đó, các nòng pháo trên 3 tàu chiến của Trung Quốc nả đạn tới tấp vào tàu 604 và vào những người lính công binh Việt Nam đang đứng ngâm nửa thân mình dưới nước như những tấm bia đỡ đạn. Tàu 604 trúng đạn chìm.
Ban Mai: Trong thời gian đó anh đang ở đâu và làm gì?
Lê Văn Thoa: Khi các bạn tôi bơi vào đảo để chiến đấu bảo vệ lá cờ, bảo vệ đảo, tôi đang ở hầm máy, có lệnh của chỉ huy lái tàu cho húc vào đảo Gạc Ma nhưng chúng tôi chưa kịp làm gì đã bị pháo bắn chìm tàu. Tôi bị bỏng ở lưng vì hầm tàu cháy, một mảnh đạn găm nơi chân. Khi tàu chìm, tôi chìm theo tàu, khi tôi ngoi lên mặt nước thì thấy rất nhiều đồng đội của tôi còn sống sót đang nhô trên mặt nước, họ bám vào phao, vào các thanh gỗ, tôi bám vào 2 trái bí xanh đang nổi lỏm ngỏm quanh mình. Quân Trung Quốc thả ca nô chạy quanh những đồng đội của tôi xem ai còn sống ngoi lên thì bắn chết, tôi nhớ như in một chiếc ca nô chở 3 thằng, một thằng lái, hai thằng lính cầm súng. Nhìn đồng đội của mình bị bắn chết trước mặt tiếng kêu la quanh mình ám ảnh tôi suốt thời gian dài. Tôi ôm hai quả bí, mỗi lần nghe tiếng ca nô là tôi lặn khi im ắng tôi trồi lên. Những người lính bơi không giỏi hoặc không biết lặn là coi như chết. Rồi tôi trôi vật vờ trên biển.
Ban Mai: Lúc trôi trên biển anh có hy vọng mình sẽ được cứu sống không?
Lê Văn Thoa: Không, lúc đó tôi nghĩ rằng tôi sẽ chết, không chết vì tụi lính Trung Quốc, thì cũng chết vì cá mập ăn thịt, chết vì lạnh ở giữa đại dương mênh mông. Nhưng ý chí sống của con người rất mạnh, lúc đó tôi là một thanh niên cường tráng 20 tuổi, tôi khao khát sống.
Ban Mai: Rồi đã xảy ra chuyện gì với anh.
Lê Văn Thoa: Tôi trôi lênh đênh trên biển đến chiều khi mặt trời sắp lặn, tôi thấy một chiếc tàu ở gần mình, tôi mừng rỡ nghĩ rằng tàu Việt Nam, tôi bơi đến nhưng kinh hoàng khi biết đó là tàu Trung Quốc, lúc đó trên tàu họ cũng thâý tôi, họ thả ca nô xuống chạy đến thì thấy tôi ôm hai quả bí xanh, họ không biết là gì, họ sợ là vũ khí nên không đến gần, họ ra hiệu cho tôi thả hai quả bí ra, sau đó hai tên lính trên ca nô lôi tôi lên xuồng. Khi được kéo lên tàu tôi bất tỉnh ngay sau một cú đánh. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình và 8 đồng đội của tôi đang bị trói nhốt trong lồng sắt. Lúc đó, tôi mới biết các chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma đã chết hết gồm 64 người, 9 người còn sống sót bị bắt làm tù binh, tôi là người bị bắt cuối cùng.
Ban Mai: Anh và 8 đồng đội của mình bị đối xử ra sao khi Trung Quốc bắt làm tù bình?
Lê Văn Thoa: Chúng rất dã man, lúc đó chúng tôi ai cũng bị thương, có người máu vẫn còn rỉ chảy nhưng không ai được chữa trị, băng bó. Chúng tôi bị nhốt chung vào một khung sắt, sau đó tàu Trung Quốc chở chúng tôi từ Trường Sa ở Khánh Hòa đến đảo Hải Nam, hai ngày trời chúng tôi bị bỏ đói. Ai cũng không còn sức lực, người nào cũng bỏng rát lột hết da. Đến đảo Hải Nam chúng tôi bị chuyển đến một tàu khác để đưa chúng tôi tới nhà tù trên bán đảo Lôi Châu, thuộc Quảng Đông Trung Quốc.
Ban Mai: Anh có thể kể sơ qua cuộc sống tù binh của mình ở bán đảo Lôi Châu?
Lê Văn Thoa: Như chị đã biết Việt Nam mình là xứ nóng, đến Trung Quốc vào tháng 3 còn rất lạnh, khi bị bắt làm tù binh 9 anh em chúng tôi trên người chỉ còn một cái quần đùi mặc trên mình. Những ngày đầu, chúng tôi được cấp đồ tù, mỗi người nhốt riêng một phòng không ai được gặp ai. Suốt 3 tháng họ hỏi cung tra khảo chúng tôi. Tôi không biết những đồng đội khác như thế nào, nhưng riêng tôi tôi không khai tên thật của mình và địa chỉ quê mình. Sau 3 tháng tra hỏi, chúng tôi bị đưa đi lao động, có lúc làm ở công trường đổ bê tông, có khi làm công xưởng chẻ củi, mỗi ngày làm việc 8 tiếng, tuy công việc nặng nhọc nhưng chúng tôi cũng được an ủi vì khi lao động những tù binh chúng tôi được gặp nhau được nói chuyện.
Điều khổ sở nhất của chúng tôi là lạnh và đói, thức ăn không phù hợp, một tuần chúng tôi được ăn 2 bửa cơm, những ngày khác thì ăn mì hoặc cháo trắng. Có lúc ăn với dưa muối chua, có lúc ăn với trứng vịt muối. Ngày ấy, tôi 20 tuổi là thanh niên sức trai trẻ nên lúc nào cũng thấy đói.
Ban Mai: Anh ở tù bao lâu và làm sao trở về Việt Nam được?
Lê Văn Thoa: Chúng tôi thật may mắn, một năm sau có một nhóm người của Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế đến thăm trại tù, lúc đó phía Trung Quốc mới báo cho Hội chữ thập đỏ Quốc tế biết có 9 tù binh Việt Nam. Trong đoàn Chữ thập đỏ có một người Tây nói tiếng Việt rất giỏi, anh ta có mẹ là người Việt Nam, cha là người Thụy Sĩ, anh ta nói chuyện với chúng tôi, hỏi chúng tôi có nguyện vọng gì không, cuộc sống hàng ngày của chúng tôi ra sao, và xin cho chúng tôi một đặc ân môĩ người được quyền viết một lá thư gửi về Việt Nam, với điều kiện mỗi lá thư chỉ có 24 chữ mà thôi. Anh nói chúng tôi yên tâm, Hội chữ thập đỏ Quốc tế đến để bảo lãnh mạng sống của các anh, còn việc trở về quê hương được hay không là do hai bên chính phủ. Và họ hứa cấp sinh hoạt phí cho chúng tôi mua nhu yếu phẩm cần thiết.
Ban Mai: Sau cuộc gặp gỡ với Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế, bên Trung Quốc có thay đổi cách hành xử với các anh không?
Lê Văn Thoa: Tôi nghĩ rằng có, bởi vì chúng tôi không làm những việc lao động nặng nữa mà họ chuyển chúng tôi làm những việc nhẹ hơn như chăn nuôi gia súc, hàng tháng họ cấp mỗi người 9 đồng nhân dân tệ để mua nhu yếu phẩm.
Ban Mai: Trong trại tù có bán hàng cho người tù sao?
Lê Văn Thoa: Đúng rồi chị, trong trại tù có một cửa hàng bán nhu yếu phẩm, đa số là hàng nội đia của Trung Quốc, tuy nhiên có cả hàng nước ngoài như xà phòng Camay, thuốc ba số 5… Số tiền 9 đồng nhân dân tệ đó nếu mua hàng nội địa thì cũng được vài món, nhưng anh em chúng tôi không thích mua đồ Trung Quốc, ai cũng mua xà phong Camay và thuốc ba số 5 vì một lý do khác: không phải vì muốn chơi sang, tụi tôi cũng tiết tiền lắm, nhưng cho tụi nó không coi thường. Vì khi chúng tôi bị bắt làm tù binh tụi Trung Quốc đối xử khinh miệt với chúng tôi như đồ mọi rợ, không biết tụi nó tuyên truyền như thế nào mà nghĩ người Việt Nam giống như dân ăn lông ở lỗ, tụi nó hỏi chúng tôi có biết đánh răng không, rửa mặt có khăn lau không, ở Việt nam có xe đạp để đi không. Chúng tôi đều lắc đầu. Khi có tiền mua nhu yếu phẩm, chúng tôi chỉ lựa hàng nước ngoài để mua, chúng nó tức lắm hỏi tại sao không mua hàng nội địa Trung Quốc, chúng tôi nói vì ở Việt nam chúng tôi quen dùng xà phòng Camay, thuốc ba số 5.
Ban Mai: Các anh cũng vui quá, tôi thích ý nghĩ này, không xài hàng Trung Quốc dùng hàng ngoại cho chúng nó tức chơi. Vậy các anh ở tù bao lâu, khi nào thì các anh được trao trả về nước.
Lê Văn Thoa: Chúng tôi ở trong tù mất 3 năm 9 tháng 15 ngày, chúng tôi được thả ra là do hai bên chính phủ trao trả tù binh, bên Việt Nam bắt giữ lính Trung Quốc trong cuộc chiến phía Bắc, vì vậy hai bên cùng trao trả tù binh cho nhau.
Ban Mai: Hành trình trở về Việt Nam của anh diễn ra như thế nào?
Lê Văn Thoa: Hôm trước ngày trao trả, tôi cảm thấy lạ vì chiều đó tôi được cho ăn tươi mỗi người có thêm 1 chai bia. Tôi hỏi tại sao hôm nay được ăn ngon, bọn lính canh không trả lời, đêm đó không nói ra nhưng tôi lo lắng không ngủ được. 4h sáng hôm sau, tôi bị đánh thức dậy mặc quần áo và dẫn đi. Tôi thấy một chiếc ô tô 45 chổ đậu bên ngoài, 2 tên lính Trung Quốc kèm 1 người tù binh Việt Nam lên xe. Xe chạy khoảng 1 tiếng đồng hồ, thì chúng tôi nghe đọc lệnh chính phủ Trung Quốc trao trả tù binh về nước. Lúc đó, chúng tôi mới biết mình đã được tự do trở về Việt Nam. Xe chạy từ Quảng Đông Trung Quốc đến cửa khẩu Lạng Sơn mất 2 ngày, khoảng hơn 8h sáng chúng tôi đến nơi. Hai bên trao trả tù binh. Phía Việt Nam trao trả lính Trung Quốc bị bắt trong cuộc chiến phía Bắc, phía Trung Quốc trao trả 9 tù binh Gạc Ma trên đảo Trường Sa. Tôi nhớ đó là một ngày mùa đông rất lạnh tháng 11 năm 1991.
Ban Mai: Sau khi các anh trở về nước, chính phủ Việt Nam có chính sách gì cho các anh?
Lê Văn Thoa: Từ cửa khẩu Lạng Sơn, xe đưa chúng tôi về thị xã Bắc Giang nghỉ ngơi cho an dưỡng 1 tháng, lúc đó 9 anh em chúng tôi ai cũng ốm nhom, riêng tôi chỉ còn hơn 30 ký. Bộ Quốc phòng Việt Nam đến thăm chúng tôi, họ hỏi khi ở tù chúng tôi bị hỏi cung có khai gì không? Nguyện vọng của các anh em bây giờ là gì? 8 người bạn của tôi đều mong trở về quê nhà, riêng tôi, tôi muốn phục vụ lại trong quân đội, trở về đơn vị cũ của mình. Cuối năm 1991, tôi được đưa vào Sài Gòn, trở về đơn vị cũ lữ đoàn 125. Một năm sau tôi mới về quê thăm gia đình, cha mẹ tôi đều khóc vì tôi đã được đơn vị báo tử từ tháng 3/1988, ở nhà đã lập bàn thờ. Lữ đoàn hải quân 125 của tôi, có nhiệm vụ đi tiếp tế lương thực và chuyên chở vật liệu xây dựng cho các đảo. Hàng năm tôi theo tàu tiếp tục đi phục vụ Trường Sa. Đến năm 1997 tôi có quyết định xuất ngũ.
Ban Mai: Cuộc sống sau khi xuất ngũ của anh như thế nào, anh có lương hưu?
Lê Văn Thoa: Tôi phục vụ trong quân đội tổng cộng 12 năm, theo quy định 15 năm mới có lương hưu, vì vậy sau khi xuất ngũ tôi được nhận chế độ 1 lần được 8 triệu đồng Việt Nam. Như chị đã biết, tụi đi lính như chúng tôi khi xuất ngũ không có nghề nghiệp gì, lúc đó Việt Nam đang thời kỳ mở cửa cuộc sống còn ngổn ngang. Ra lính tôi chạy xe ôm, đi phụ thợ hồ để nuôi sống gia đình, lúc đó tôi đã có vợ và 2 con nhỏ. Cuộc sống ở Sài Gòn không nhà cửa, không nghề nghiệp ổn định nên vô cùng vất vả, tôi quyết định đem gia đình trở về Quy Nhơn ở với cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi từ Tây Sơn đã bán hết nhà cửa ruộng vườn, chuyển về sinh sống tại thành phố Quy Nhơn từ ngày tôi đi lính.
Ban Mai: Trở về quê nhà bên cha mẹ, cuộc sống anh có khá hơn không?
Lê Văn Thoa: Năm 2005 tôi về Quy Nhơn ở chung nhà với cha mẹ tôi, tôi là con trai cả nên cũng nặng gánh. Những ngày đầu tiên không biết làm gì tôi đi vá xe đạp, cuộc sống tạm bợ với gánh nặng gia đình làm tôi luôn suy nghĩ, chính điều kiện kinh tế quá khó khăn nên đời sống gia đình tôi bị đỗ vỡ, sau khi sinh đứa con thứ ba được 4 tháng, vợ tôi để lại 3 đứa con cho tôi, cô ấy bỏ về Nam.
Một mình nuôi 3 con còn nhỏ, may nhờ ông bà nội chăm sóc giúp. Một ngày, ngồi vá xe đạp tôi đọc báo Bình Định thấy Liên đoàn Phụ Nữ tỉnh mở lớp dạy nữ công gia chánh, tôi muốn có một nghề ổn định để vượt thoát nuôi con mình, nên mạnh dạn đăng ký đi học.
Ban Mai: Tôi nghĩ, anh đăng ký học nữ công gia chánh là một ý nghĩ táo bạo và sáng suốt, đầu bếp đó là một nghề đang được ưa chuộng của các nhà hàng khách sạn.
Lê Văn Thoa: Thật tình khổ quá tôi hóa liều, chứ thực ra khi đến lớp đăng ký học tôi cũng mắc cỡ lắm vì chung quanh toàn là đàn bà con gái chỉ có một mình tôi là nam đi học nấu ăn. Thời gian đầu tôi còn lúng túng, nhưng sau đó các chị em quý mến ai cũng bày kinh nghiệm cho tôi học làm các món ăn, từ thầy cô cho đến bạn học. Tôi cố gắng học chăm chỉ, và cuối cùng khi hết khóa học, thi lớp Gia Chánh tôi được giải nhất. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp tôi xin vào làm đầu bếp cho khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại thành phố Quy Nhơn.
Ban Mai: Điều gì khiến anh từ đầu bếp cho khách sạn Hoàng Anh Gia Lai anh lại về nhà mở quán Phở Gạc Ma Trường Sa?
Lê Văn Thoa: Năm 2006 tôi vào làm đầu bếp cho khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đến năm 2010, khách sạn Hoàng Anh Gia Lai được sang cho ông Bắc Hà làm chủ đầu tư, lúc đó tôi đã học được nhiều kinh nghiệm trong việc làm đầu bếp nên xin nghỉ việc về nhà mở quán Phở. Để nhớ đến những người bạn, những kỷ niệm Gạc Ma cột mốc không bao giờ quên trong cuộc đời tôi, nên tôi lấy tên quán Phở Gạc Ma Trường Sa. Tôi bán đến nay đã 10 năm rồi, quán Phở của tôi chỉ bán vào buổi sáng, buổi chiều em gái tôi bán ốc um. Tôi cũng tạm đủ sống nuôi 3 đứa con và phụ giúp cha mẹ tôi nay đã già.
Ban Mai: Anh có thể cho biết cuộc sống của 8 đồng đội còn sống sót sau khi trở về quê nhà giờ họ ra sao?
Lê Văn Thoa: 9 anh em chúng tôi sau khi trở về, cuộc sống ai cũng vất vả nên thời gian đầu chúng tôi đều bận bịu gia đình, vật lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền nên không biết tin tức gì của nhau, và lúc ấy cũng không ai nhắc đến cuộc chiến Gạc Ma, chúng tôi sống im lặng. Những năm gần đây, khi các giàn khoan ở Trường Sa Việt Nam bị Trung Quốc tranh chấp, truyền thông mới nhắc lại cuộc cưỡng chiếm đảo Gạc Ma, báo chí mới tìm về chúng tôi để đưa tin. Trận chiến ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma đã có 64 chiến sỹ hy sinh, 9 người sống sót, chúng tôi trở thành nhân chứng của lịch sử chiến tranh. Hiện nay chúng tôi chỉ còn lại 7 người, 2 người đã chết vì ung thư, 1 người bị tâm thần lúc tỉnh lúc điên, 6 người còn lại cũng tạm sống qua ngày, các bạn tôi đều ở vùng quê hầu hết làm nông. Tôi ở Quy Nhơn, 1 người ở Đắc Lắc, 1 người ở Quảng Trị còn 3 người nữa hiện sống ở Quảng Bình. Năm 2018, tại khu tưởng niệm Gạc Ma ở Cam Ranh, Khánh Hòa chúng tôi gặp lại nhau ôn lại những kỷ niệm cũ, nhớ đến 64 đồng đội đã hy sinh giữa đại dương. Thật tình ngày đó khi ra đảo Gạc Ma các đồng đội tôi hầu hết là lính công binh đi xây dựng đảo, nhiều anh em là lính mới còn rất trẻ, chúng tôi bất ngờ vì chủ quan, không ai có súng chỉ có cuốc, xẻng xà beng. Ngày ấy, mình còn nghèo nên tàu cũng nhỏ, xuồng thả xuống đưa lính vào đảo là xuồng kéo dây không phải xuồng máy, trong lúc bên Trung Quốc đã có dã tâm đánh chiếm nên trang bị tàu chiến hiện đại, ca nô, lính tác chiến, thật tình cuộc chiến năm ấy không cân xứng.
Ban Mai: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện chân tình anh đã chia xẻ, chúc anh nhiều may mắn trong cuộc sống, chúc quán Phở Gạc Ma Trường Sa của anh luôn đông khách.
Với gương mặt chữ điền nam tính, nụ cười hiền lành, nói chuyện chân chất, anh tiêu biểu cho một người dân xứ Nẫu thàng hậu. Các bạn đến Quy Nhơn, hãy nhớ dừng chân thưởng thức bát Phở Gạc Ma Trường Sa của anh Thoa nhé, tô phở thơm ngon, nước ngọt thanh, thịt bò mềm với giá rẻ bất ngờ 25.000 đ/1 tô. Anh vừa bán vừa cười, hãnh diện khi ai đó gọi anh là ông chủ quán Phở Gạc Ma.
Quán Phở nhỏ nằm khiêm tốn trên một góc đường Tăng Bạt Hổ – Phan Chu Trinh, người mẹ và cô em gái luôn tất bật phụ giúp anh chạy bàn. Quán bình dân chỉ bán vào buổi sáng tầm 9h là hết. Hiện nay, anh còn nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn học. Lớp 9, lớp 2 và mẫu giáo. Khi tôi đang trò chuyện cùng anh, cậu con trai lớp 9 đi học về vòng tay chào cô, cậu bé lớp 2 khuôn mặt sáng rỡ đứng bên nghe chuyện, thỉnh thoảng chen vào con thương ba quá, tội ba con quá khi nghe anh kể những ngày bị bắt làm tù binh.
Tôi mong anh luôn giữ nụ cười lạc quan trên môi và cầu chúc con anh, những đứa bé lễ phép, hiếu thảo có tương lai tươi sáng hơn, có bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh, vượt thoát số phận như người cha đã từng.
Quy Nhơn, ngày 9/6/2020
(Ghi lại theo lời kể của người lính Lê Văn Thoa)