Mai Sơn dịch
Nhiều thế hệ gia đình Brangwen đã sống ở Nông trại Đầm, trên những đồng cỏ nơi có con kênh Erewash lờ đờ uốn khúc chảy qua những cây trăn, ngăn cách Derbyshire với Nottinghamshire. Cách xa hai dặm có một tháp chuông nhà thờ trên đồi, những ngôi nhà của thị trấn thôn quê nhỏ bé chen chúc bò dọc lên đó. Bất cứ lúc nào một người Brangwen đang làm việc trên đồng dừng tay, ngẩng đầu lên, họ sẽ thấy cái tháp chuông nhà thờ ở Ilkestone trên nền trời trống trải. Để rồi khi quay lại với dải đất bằng phẳng, họ biết có một cái gì đang ngự phía trên họ và vượt khỏi họ ở đằng xa.
Trong mắt của những người Brangwen có vẻ như họ đang nóng lòng trông đợi một điều gì không rõ. Họ có cái vẻ sẵn sàng cho một điều gì sẽ đến với họ, một thứ xác tín, kỳ vọng, cái vẻ của người thừa kế.
Họ là những người chân chất, tóc vàng, nói năng từ tốn, tự bộc lộ mình thẳng thắn, song chậm rãi, để người ta có thể nhìn thấy sự biến đổi trong mắt họ từ tiếng cười sang niềm giận dữ, tiếng cười buồn, ngời sáng, đến sự tức giận gay gắt với ánh nhìn chòng chọc ảm đạm; thông qua tất cả những khoảnh khắc lưỡng lự của bầu trời khi thời tiết đang thay đổi.
Sống trên mảnh đất phì nhiêu, trên mảnh đất của riêng mình, gần một thị trấn đang phát triển, họ đã quên những hoàn cảnh túng thiếu là gì. Họ không bao giờ giàu lên được, bởi luôn có bọn trẻ con mới ra đời, và mỗi lần như vậy gia sản lại được phân chia. Nhưng ở Đầm, luôn luôn dư dả.
Vì thế mà những người Brangwen đến và đi không lo sợ túng thiếu, làm việc siêng năng vì sự sinh tồn tự nhiên ở trong họ, chứ không phải vì cần tiền. Họ cũng không hoang phí. Họ ý thức giành dụm từng đồng nửa xu, và bản năng sai khiến họ không được lãng phí một cái vỏ táo, vì nó sẽ giúp nuôi gia súc. Nhưng bầu trời và mặt đất tràn đầy chung quanh họ, và điều này sẽ dừng lại thế nào đây? Họ cảm thấy sự gấp gáp của nhựa sống vào mùa xuân, họ biết sóng vốn không thể nào ngừng nghỉ, mà mỗi năm hạt mầm lại mọc lên, và tiêu biến, để lại những cây non trên mặt đất. Họ biết sự giao hoan giữa trời và đất, ánh nắng bị hút hết vào trong lồng ngực và ruột gan, mưa bị múc cạn vào ban ngày, sự trần truồng đến dưới cơn gió mùa thu, phô ra những cái tổ chim không còn đáng trú ngụ. Cuộc sống và những mối tương liên của họ là vậy đó; cảm nhận mạch đập và thân xác của đất đai, mở ra dưới luống đất gieo của họ, và trở nên mượt mà và mềm mại sau khi họ cày xới, và một chút trì nặng bám vào hai chân, lôi kéo như sự ham muốn, nằm cứng đờ và lãnh đạm khi mùa màng đã gặt hái xong. Cánh đồng ngũ cốc non dợn sóng mềm mại, ánh nắng rực rỡ trượt dọc theo tay chân những người đàn ông nhìn nó. Họ nắm túi sữa những con bò cái, những con bò cái cho sữa và tạo ra mạch đập trong tay những người đàn ông, mạch máu từ những đầu vú của những con bò cái hòa theo nhịp đập nơi cánh tay của những người đàn ông. Họ leo lên lưng ngựa, và ghìm chặt sinh lực giữa hai đầu gối, họ thắng ngựa vào xe, và, tay nắm dây cương ghìm ngựa theo ý mình.
Vào mùa thu đám gà gô kêu rù rù, chim chóc từng bầy vụt bay lên như bụi trên những mảnh đất đang phơi ải, quạ khoang xuất hiện trên bầu trời xám xịt, đẫm nước, vừa bay trốn đông vừa kêu chí chóe. Lúc ấy đám đàn ông ngồi cạnh lò sưởi trong nhà, nơi những người đàn bà đi lại coi ngó, và tay chân cùng cơ thể những người đàn ông thấm đẫm ngày hôm đó, với gia súc và mặt đất và cây cối và bầu trời, những người đàn ông ngồi cạnh lò sưởi và đầu óc trơ ì, trong khi máu huyết chất chứa một ngày sống trong người họ chạy nặng nề.
Đàn bà thì khác. Họ cũng cảm thấy lơ mơ vì rạo rực trong máu, những chú bê bú nút, những ả gà mái chạy từng đôi với nhau, và những chú ngỗng con run rẩy trong tay khi thức ăn được đẩy qua cổ họng chúng. Nhưng đàn bà tìm kiếm từ sự giao phối mù lòa, nóng bỏng của cuộc sống nông trang đến thế giới của tiếng nói ngoài xa kia. Họ biết môi miệng và tâm hồn của thế giới đang lên tiếng nói và đang thì thầm, họ nghe thấy những âm thanh từ xa, và họ căng sức lắng nghe.
Đối với đàn ông, chỉ cần thấy mặt đất phập phồng và mở ra những luống cày của nó trước mặt họ, là đủ, họ chỉ cần thấy gió thổi đến khô ran những hạt lúa mì ẩm, và khiến những bông ngũ cốc non xoay tròn mỗi lúc một nhanh, là đủ; họ chỉ cần đỡ đẻ cho bò cái, hoặc lùng bắt chuột trong các kho chứa, hoặc dùng tay chặt mạnh làm gãy lưng một con thỏ, là đủ. Họ đã biết quá nhiều nồng nhiệt và sản sinh và đau đớn và chết chóc từ máu của mình, biết rõ mặt đất và bầu trời và súc vật và cây cối xanh tươi, họ đã thực hiện biết bao nhiêu trao đổi và luân phiên với những thứ đó, đến nỗi họ sống trọn vẹn và quá tải, các giác quan của họ no đầy, khuôn mặt họ luôn hướng về bầu máu nóng, nhìn chăm chăm vào mặt trời, chói mắt khi nhìn vào nguồn sản sinh đó, không quay mặt lại được.
Nhưng người đàn bà này muốn có một hình thái sự sống khác với hình thái này, một cái gì không phải là sự rạo rực trong máu. Ngôi nhà của nàng hiện ra từ những trang trại và cánh đồng, quay mặt ra đường và ngôi làng có nhà thờ và Lâu đài và thế giới ngoài kia. Nàng đứng nhìn thế giới xa tít của những phố thị và chính quyền và phạm vi hoạt động của con người, miền đất ma lực đối với nàng, nơi đó những bí mật được bộc lộ và những ham muốn được thỏa mãn. Nàng dõi mắt nhìn cái nơi mà bọn đàn ông đi đứng thống trị và sáng tạo, quay lưng lại với nguồn mạch sục sôi của sự sinh thành, và khi đã để nó lại phía sau, họ khởi sự khám phá những gì ngoài xa, khởi sự mở rộng tầm nhìn và tự do của riêng mình; trong khi đó những người đàn ông Brangwen hướng cái nhìn vào trong cuộc sống tràn đầy sự sinh thành này, vốn chảy mãi không dứt vào trong huyết quản họ.
Từ cổng nhà mình, như một thôi thúc khó cưỡng, chăm chú nhìn vào sự hoạt động của con người trong thế giới to lớn trọn vẹn, trong khi chồng nàng chăm chú nhìn tận sau lưng bầu trời và vụ gặt và súc vật và đất đai, nàng căng mắt để thấy những gì người đàn ông đã làm trong cuộc vật lộn giành kiến thức, nàng căng sức nghe chính hắn thốt lên những gì trong cuộc chinh phục của hắn, niềm khao khát sâu xa của nàng lơ lửng trên cuộc chiến đấu mà nàng đã nghe từ xa, đang được dấy lên giáp ranh với thế giới của những cái chưa biết. Nàng cũng muốn biết, và muốn được tham gia đội quân chiến đấu đó.
Cha sở đang có mặt ở nhà, thậm chí gần với Cossethay. Ông nói một thứ ngôn ngữ khác, đầy ma lực, và mang một phong cách khác, thanh nhã hơn, cô nhận thấy cả hai điều đó, nhưng chưa bao giờ chạm tới. Ông cha sở này đi đứng trong những cõi mà bên ngoài đó cánh đàn ông của nàng tồn tại. Cô không biết cánh đàn ông của cô: những người đàn ông tươi tắn, chậm chạp, vạm vỡ, độc đoán, nhưng dễ chịu, tự nhiên như đếm, thiếu sự hướng ngoại và tầm di chuyển. Trong khi đó cha sở, đen và khô khan và nhỏ bé bên cạnh chồng cô, lại có vẻ nhanh nhẹn và đầy cá tính khiến cho Brangwen, với sự xởi lởi của mình, trông có vẻ đần độn và quê mùa. Cô biết chồng mình. Nhưng trong bản chất của cha sở là cái gì thì vượt quá hiểu biết của cô. Nếu Brangwen có quyền hạn với bầy gia súc thì cha sở có quyền hạn với chồng cô. Cái gì nơi cha sở nâng ông lên trên những kẻ tầm thường, cũng như con người được nâng lên trên thú vật? Cô khao khát muốn biết. Cô khao khát muốn đạt tới cái hiện hữu cao cả ấy, nếu không có trong bản thân cô, thì trong con cái cô. Cái làm cho người đàn ông mạnh mẽ ngay cả khi thân hình anh ta nhỏ bé và mỏng mảnh, cũng như bất kỳ con người nào cũng nhỏ bé và mỏng mảnh bên cạnh con bò đực, tuy vậy hắn ta vẫn mạnh mẽ hơn con bò đực, nó là cái gì? Nó không phải là tiền bạc cũng không phải sức mạnh cũng không phải địa vị. Cha sở có sức mạnh gì đối với Tom Brangwen – không gì cả. Nhưng hãy lột trần hai người và bỏ hai người trên một hòn đảo hoang vắng, lúc ấy cha sở sẽ là người chủ. Linh hồn ông làm chủ linh hồn người khác. Vậy tại sao – tại sao? Cô nhất quyết cho rằng đó là một câu hỏi về tri thức.
Cha phó khá nghèo, và cũng không làm ăn hiệu quả lắm trên tư cách một người đàn ông, nhưng khi xếp hàng với những người khác, ông là kẻ đứng trên. Cô nhìn thấy mấy đứa con ông lúc chúng được sinh ra, cô thấy chúng chạy nhảy như những sinh vật tí hon bên cạnh mẹ chúng. Và rồi chúng đứng tách riêng ra, nổi bật hẳn bên cạnh những đứa con của cô. Vì sao con cái cô bị xem là thấp kém hơn những đứa trẻ đó? Vì sao đám con của cha phó vẫn thường được ưu tiên hơn đám con của cô, vì sao sự ưu trội lại giành cho chúng ngay từ đầu? Không phải do tiền bạc, thậm chí cũng không phải đẳng cấp. Nó là giáo dục và sự trải nghiệm, cô dứt khoát nghĩ.
Chính điều này, sự giáo dục này, hình thái hiện hữu cao cả này, mà người mẹ ấy mong mỏi ban cho con mình, để chúng cũng có thể sống cuộc sống đẹp nhất trên trần gian. Để những đứa con của cô, đúng hơn là những đứa con của trái tim cô, có được bản chất trọn vẹn vốn sẽ sánh ngang với những kẻ quan trọng đang sống trên dải đất này, thì không được để chúng chìm vào tăm tối giữa đám người lao động nặng nhọc. Tại sao chúng phải chịu tăm tối và chịu đè nén suốt cả đời, tại sao chúng sẽ phải đau khổ vì thiếu tự do đi lại. Làm sao chúng tìm thấy lối vào một vòng đời tốt đẹp hơn, sống động hơn đây?
Đầu óc tưởng tượng của cô bị thiêu đốt bởi bà địa chủ ở Lâu đài Shelly. Bà thường đi nhà thờ Cossethay với mấy đứa con nhỏ của bà, những bé gái mặc áo choàng lông hải ly tinh tươm, đầu đội cái mũ bé tí xinh khéo, còn bản thân bà thì như đóa hồng mùa đông, vừa đẹp vừa thanh. Quá xinh, dáng dấp quá thanh nhã, quá rạng ngời, điều gì bà Hardy cảm nhận được mà cô, cô Brangwen không cảm nhận được? Bản chất của bà Hardy khác với bản chất của những phụ nữ bình thường ở Cossethay như thế nào, nó ở đâu bên ngoài họ? Đám phụ nữ ở Cossethay háo hức nói chuyện về bà Hardy, về chồng của bà, con cái bà, khách khứa của bà, quần áo bà mặc, kẻ hầu người hạ của bà và công việc quản gia của bà? Bà chủ Lâu đài là giấc mơ sinh động của đời họ, cuộc đời bà là thiên sử thi truyền cảm hứng cho đời họ. Nơi bà họ sống bằng trí tưởng tượng, và khi nói chuyện phiếm về chồng bà kẻ luôn say sưa, về người em trai tai tiếng của bà, về Ngài William Bentley bạn bà, nghị sĩ Anh phụ trách vùng, họ dựng lên câu chuyện phiêu lưu Odyssey của mình, Penelope và Ulysses trước mặt họ, và Circe và con lợn và cái mạng nhện vô tận.
Cho nên đàn bà trong ngôi làng ấy quả may mắn. Họ nhìn thấy chính mình nơi bà chủ trang viên, mỗi một người trong bọn họ sống sự toàn mãn của riêng mình trong cuộc sống của Bà Hardy. Và người vợ nhà Brangwen vùng Đầm có tham vọng vượt lên chính mình, hướng tới một cuộc sống khác hơn của một người phụ nữ xinh đẹp hơn, hướng tới một hiện hữu mở rộng mà nàng đã khám phá, như người du khách với phong thái độc lập nhận ra những xứ sở xa xôi hiện diện ngay trong chính mình. Nhưng vì sao kiến thức về những xứ sở xa xôi lại khiến cuộc đời người ta trở thành một cái gì khác trước, tốt đẹp hơn, rộng lớn hơn? Và vì sao con người lại cao quí hơn thú vật và gia súc phục vụ hắn? Hai câu hỏi chỉ là một.
Cái phần mạnh mẽ của bài thơ được lấp đầy bởi những người đàn ông như cha sở và Ngài William, những người đàn ông thon nhỏ, hăm hở với cách đi đứng kỳ lạ, những người đàn ông hiểu biết về những địa hạt xa vời, và cuộc đời họ trải rộng đến hết mức. Phải, nó là một cái gì đó rất đáng biết, cái ấn tượng về những người đàn ông tuyệt vời có sức mạnh tư tưởng và năng lực nhận thức. Có lẽ phụ nữ làng này mến Tom Brangwen nhiều hơn, và cảm thấy thoải mái với ông hơn, nhưng nếu cuộc sống của họ không có cha sở, và Ngài William, hẳn họ sẽ mất đi cái chồi sống mạnh nhất, hẳn họ sẽ cảm thấy nặng nhọc và tẻ ngắt và dễ sinh ác cảm. Chừng nào những thắc mắc về thế giới bên ngoài kia còn ở trước mặt họ, họ vẫn còn có thể đi tới, bất chấp phần số của mình. Và Bà Hardy, cha sở, Ngài William, những người này đi lại trong thế giới kỳ diệu bên ngoài đó, và những chuyển dịch của họ hiện rõ trong mắt người làng Cossethay.
II
Vào khoảng năm 1840, người ta đào một con kênh băng qua những đồng cỏ của Nông trại Đầm, kết nối với những mỏ than mới khai thác ở Thung Lũng Erewash. Một con đê cao chạy dọc theo những cánh đồng để bảo vệ kênh đào, vốn chảy tới gần nhà cửa vườn tược, và, khi ra tới đường lộ, nó chảy ngang qua một chiếc cầu lớn.
Vùng Đầm cách ly với Ilkeston như thế, và nằm giữa một dải thung lũng nhỏ, kết thúc trên một ngọn đồi nhiều cây cối và vòng xoắn đầu ngôi làng Cossethay.
Vợ chồng Brangwen kiếm được bộn tiền từ vụ xâm lấn này vào đất đai của họ. Rồi không lâu sau đó, người ta đào một mỏ than ở bờ bên kia con kênh, và một thời gian sau Đường sắt Midland chạy xuống thung lũng ở chân đồi Ilkeston, và vụ xâm lấn hoàn tất. Thị trấn phát triển thật nhanh, vợ chồng Brangwen lúc nào cũng bận bịu làm nhu yếu phẩm, họ giàu lên, họ gần như những thương nhân.
Vùng Đầm vẫn còn hẻo lánh và sơ khai, nằm ở phía cũ kỹ, yên tĩnh của bờ kênh, trong cái thung lũng nắng nôi nơi có dòng nước chầm chậm chảy quanh co bên cạnh mấy cây đông hầu cứng cáp, và con lộ dưới những hàng cây cây tần bì chạy ngang qua cổng vườn nhà Brangwen.
Nhưng, từ cổng vườn nhìn xuống đường về mé phải con đường, qua mái vòm tối mò của cái cống vuông dẫn nước kênh, một mỏ than chạy ngoằn ngoèo gần đó, còn xa hơn nữa là từng túp nhà thô sơ, đỏ oạch dán chặt vào thung lũng, và vượt lên tất cả là ngọn đồi lờ mờ sương khói của thị trấn.
Nhà cửa vườn tược vẫn còn ở phía bên này, xa lánh hẳn mọi thứ văn minh bên ngoài cánh cổng. Ngôi nhà đứng trơ trọi bên đường, tiếp giáp với một lối đi thẳng vào vườn, mà vào mùa xuân những cây thủy tiên mọc dọc theo đó, rậm rạp hai màu xanh vàng. Bốn phía xung quanh nhà đầy những bụi tử đinh hương, hoa tú cầu và cây thủy lạp, che khuất hoàn toàn những trang trại phía sau.
Phía sau nhìn đâu cũng thấy tạp nham chuồng trại, thậm chí có cái xây lấn vào cả ngôi nhà. Cái ao vịt nằm ngoài cái hàng rào xa nhất, vương vãi lông trắng trên bờ đất sét độn, những đám lông vấy bùn đất lạc loài bị gió cuốn xuống bãi cỏ và mấy bụi kim tước dưới bờ kênh, vốn nổi cao như một thành lũy trong tầm tay, để thỉnh thoảng một bóng người lướt qua, hay một người và con ngựa kéo đi qua nền trời.
Thoạt tiên vợ chồng Brangwen ngạc nhiên vì tất cả những chuyển biến chung quanh này. Việc xây con kênh băng qua mảnh đất của họ khiến họ trở thành những kẻ xa lạ tại chỗ ở của mình, cái bờ đất thô này tách biệt họ làm cuộc sống của họ bị đảo lộn. Khi họ làm việc trên đồng ruộng, từ xa xa cái đê thân thuộc ngày nào vọng đến tiếng máy nâng trục đều đều, mới đầu làm họ giật mình nhưng về sau làm họ buồn ngủ. Rồi tiếng còi tàu chói tai dội vào tim, khiến họ vừa vui vừa lo sợ, vì nó thông báo những cái xa xôi đang đến gần và sắp xảy ra.
Khi từ thị trấn về lại nhà, những người nông dân của mảnh đất này bắt gặp những người thợ mỏ lấm lem từng đoàn bước ra từ cửa hầm. Khi họ gặt, gió từ phía tây mang đến mùi lưu huỳnh thoang thoảng của than mỏ cháy. Khi họ nhổ củ cải vào tháng Mười một, tiếng lanh canh sắc buốt của những toa tàu trống đang chuyển ghi khiến lòng họ xao động nghĩ đến những hoạt động khác đang diễn ra ngoài tầm tay họ.
Lúc này Alfred Brangwen đã cưới một phụ nữ vùng Heanor, con gái của “Ngựa Ô”. Cô mảnh dẻ, xinh xắn, da ngăm, ăn nói kỳ cục, tính khí thất thường, đến độ những việc đường đột cô làm không gây tổn thương cho ai. Lạ một điều là cô không làm phiền ai. Tuy tính tình hơi cáu kỉnh nhưng về bản chất cô xa cách và dửng dưng, đến độ những lời phàn nàn dai dẳng của cô, chẳng hạn khi cô lên giọng ai oán với chồng, chỉ làm người nghe thắc mắc thôi và cảm thấy thương mến cô, ngay cả khi họ bực tức và hết chịu đụng nổi cô. Cô lớn tiếng chửi chồng và chửi suốt, nhưng lúc nào cũng bằng cái giọng đều đều dễ hụt hơi và kiểu nói năng lạ lùng làm ông ta bừng bừng kiêu hãnh và đắc thắng con đực mặc dù ông nhăn mặt xấu hổ với những gì cô nói.
Thế rồi chính Brangwen nhắm tịt mắt cười trông rất hài hước, một kiểu cười của người béo phúng phính, rất lặng lẽ và thoải mái, và ông được chiêu đãi như một vị chúa tể sáng tạo. Ông bình thản làm điều ông thích, cười cợt những lời chửi mắng của cô, cáo lỗi bằng cái giọng chòng ghẹo mà cô ưa thích, theo xu hướng tự nhiên của mình, và thỉnh thoảng, chạm nọc cô, đe dọa và đàn áp cô bằng sự cáu giận dường như tóm lấy ông trong nhiều ngày, và rồi cô sẽ tìm mọi cách xoa dịu ông. Họ là hai con người rất khác biệt, lại hết sức gắn kết, không biết gì về nhau nhưng vẫn sống như hai nhánh từ một gốc rễ.
Họ có bốn trai, hai gái. Thằng lớn sớm theo nghề đi biển và không quay lại. Sau vụ này bà mẹ như hóa đá và trong nhà ai cũng lo canh ngó bà. Thằng thứ hai, Alfred, người được mẹ yêu quí nhất, là đứa dè dặt nhất. Y được gởi vào trường trung học ở Ilkeston, và có đôi chút tiến bộ. Nhưng bất chấp những nỗ lực kiên trì, khao khát của y, y vẫn không đi quá những điều cơ bản của bất cứ cái gì, ngoại trừ môn vẽ. Môn này y có năng khiếu nên y ra sức như thể đó là hy vọng của y. Sau rất nhiều gầm ghè và nổi loạn dữ dằn chống lại mọi thứ, sau rất nhiều cố gắng và dao động, giữa lúc cha y tức tối và mẹ y gần như tuyệt vọng, y trở thành một thợ vẽ cừ khôi làm việc trong một xưởng đăng ten ở Nottingham.
Y vẫn còn tối dạ và hơi cục mịch, giọng nói nghe nặng âm vùng Derbyshire, dính cứng với công việc và với một chỗ đứng ở thị trấn, làm ra những mẫu mã đẹp, và khá giả hẳn lên. Nhưng khi vẽ, bàn tay y vung vẩy thoải mái thành những nét to đậm, khá phóng túng, cho nên sẽ là độc ác nếu bắt y kỳ khu với những thiết kế ren, tỉ mẩn với những ô vuông bé xíu của bài thi, với nào là tính toán và vẽ phác họa này nọ. Y vẽ một cách ngoan cố, đau khổ, như đang ép xác, bám chặt vào số phận của mình dù phải trả giá cỡ nào. Và rồi y trở lại với đời thường, kiên quyết và cứng rắn với tư cách một người đàn ông ít nói, hầu như cáu kỉnh.
Y cưới con gái của một người bán thuốc Tây, một người làm ra vẻ có ưu thế xã hội, và y ít nhiều trở nên hợm mình theo kiểu ương bướng của y, rất khao khát bộ mặt tao nhã của gia đình, nổi điên khi có cái gì đó khó coi hay thô lậu xảy ra. Về sau, khi ba đứa con của y lớn lên, và y dường như là một người ù lì, hầu như lãnh đạm khi đeo đuổi những phụ nữ mới lạ, rồi trở thành một đồ đệ lặng lẽ bí hiểm của những khoái lạc bị cấm, bỏ bê không chút băn khoăn người vợ tư sản phẫn uất của mình.
Frank, đứa con trai thứ ba, ngay từ đầu đã không thiết tha gì chuyện học hành. Từ nhỏ hắn đã quanh quẩn ở lò mổ nằm tận cái bãi chăn thả thứ ba phía sau nông trại. Lâu nay vợ chồng Brangwen giết mổ gia súc của mình cung cấp cho hàng xóm. Nhờ đó mà việc làm ăn thường ngày của người hàng thịt phát đạt gắn với nông trại.
Khi còn nhỏ Frank đã bị thu hút bởi những dòng máu bầm chảy dọc theo vỉa hè từ nhà mổ đến bãi nuôi, bởi cảnh tượng người đàn ông đi ngang qua chuồng gia súc
mang một tảng sườn bò khổng lồ, với hai trái cật phô ra, áp chặt vào cái bụng nặng mỡ.
Hắn là một cậu bé đẹp trai với mái tóc nâu mềm mại và những đường nét hài hòa, có gì đó tựa như một thanh niên La Mã thời sau này. Hắn dễ bị kích thích, dễ mất bình tĩnh hơn những đứa khác, tính cách cũng yếu đuối hơn. Mười tám tuổi hắn cưới một cô gái làm trong một xưởng trại nhỏ, một ả da xanh tái, đẫy đà, im ỉm với cặp mắt ranh mãnh và giọng nói phỉnh nịnh, ả khéo luồn lọt để nhập vào đời hắn, đẻ sồn sồn cho hắn mỗi năm một đứa và lừa lọc hắn. Khi hắn tiếp thu lò mổ, sự dửng dưng đã ngày càng lớn rồi, và có thể nói sự khinh miệt đã khiến hắn lơ là công việc. Hắn say sưa sa đà, và thường xuyên có mặt trong tiệm tượu của hắn ba hoa chích chòe như thể biết hết mọi chuyện trong khi thực ra hắn chỉ là một thằng ngốc ồn ào.
Trong đám con gái, Alice lớn nhất, cô lấy một anh thợ mỏ, sống qua một giai đoạn sóng gió ở Ilkeston trước khi chuyển đến Yorkshire cùng gia đình trẻ đông đảo của mình. Effie, cô em, thì vẫn ở lại nhà.
Đứa con út, Tom, nhỏ hơn các anh nhiều, nên gần gũi với các chị hơn. Anh là con cưng của mẹ. Bà hiểu rõ quyết tâm của mình, và buộc anh vào trường trung học chuyên ở Derby khi anh mười hai tuổi. Anh không muốn đi học, và cha anh đã xuôi xị, nhưng bà Brangwen đã đặt hết tâm hồn vào chuyện này. Cơ thể mảnh khảnh, xinh đẹp, được che đậy kín đáo với váy áo lùng thùng của bà giờ đây là trung tâm của mọi quyết định trong nhà, và một khi bà đã dấn tới cái gì, điều không thường xảy ra, thì cả gia đình phải đầu hàng.
Vậy là Tom đi học, một thất bại miễn cưỡng ngay từ đầu. Anh tin mẹ anh đúng khi quyết định chọn trường cho anh, nhưng anh biết bà đúng chỉ bởi vì bà không thừa nhận tố chất của anh. Bằng sự tiên tri có tính bản năng, sâu xa của một đứa bé về những gì sắp xảy ra với mình, anh biết rằng anh sẽ tạo ra một hình ảnh tệ lậu nơi trường học. Nhưng anh coi sự ép uổng này là tất yếu, như thể anh mắc tội có bản tính riêng, như thể hiện hữu của anh là sai trái, và ý niệm của mẹ anh là đúng. Nếu anh đã có thể là cái gì anh thích, anh hẳn đã là cái mà mẹ anh trìu mến và hồn nhiên hy vọng muốn thấy. Anh hẳn đã thông minh, và có khả năng trở thành một người phong nhã. Đó là niềm khát vọng về anh của bà, cho nên anh biết đó là khát vọng thực sự đối với bất kỳ thằng bé nào. Nhưng phần anh, không có bột làm sao gột nên hồ đây, anh sớm nói với mẹ như vậy, khiến bà hết sức tủi hổ và thất vọng.
Vào trường học, anh vật lộn tàn bạo cưỡng lại sự bất lực thể xác để có thể học hành. Anh ngồi như bị đóng cứng, khiến mặt mày xanh xao, nhợt nhạt để cố tập trung vào cuốn sách, cố thu nhận những gì anh phải học. Nhưng vô ích. Dù anh có tự hành xác mình cách mấy, gần như tự hủy để thắng được sức ì của thể xác, thì anh vẫn không tiến bộ bao nhiêu. Anh không thể học hành một cách chuyên chú được. Trí óc anh đơn giản là không hoạt động.
Về mặt cảm xúc thì anh phát triển, nhạy cảm với môi trường xung quanh anh, có thể cục súc nhưng đồng thời dễ tổn thương, rất dễ tổn thương. Nên anh nghĩ mình tệ lậu. Anh biết sự hạn chế của mình. Anh biết rằng óc não anh là thứ vô tích sự hoàn toàn. Nên anh khiêm tốn.
Nhưng đồng thời tình cảm của anh sâu sắc hơn tình cảm của hầu hết đám con trai, do đó anh hay rối. Các giác quan của anh mạnh mẽ hơn, bản năng của anh bén nhạy hơn bọn chúng. Vì sự đần độn máy móc của chúng mà anh ghét chúng, và khinh bỉ chúng thậm tệ. Nhưng khi nói đến những thứ thuộc về tinh thần, thì anh thua sút. Anh để cho chúng định đoạt. Anh là thằng ngốc. Anh không có khả năng phản bác ngay cả một luận điểm xuẩn ngốc nhất, để rồi anh buộc phải phải chấp nhận những cái mà anh không tin chút nào. Và khi đã chấp nhận chúng, anh không biết mình có tin hay không; anh ngờ ngợ rằng anh tin.
Nhưng anh yêu mến bất kỳ kẻ nào có thể khai sáng cho anh thông qua cảm xúc. Anh ngồi không giấu được cảm xúc khi thầy dạy văn đọc diễn cảm bài thơ “Ulysses” của Tennyson hay bài thơ “Ode to the West Wind” của Shelley. Đôi môi anh hé mở, cặp mắt anh tràn ngập một thứ ánh sáng căng thẳng, gần như đau đớn. Và người thầy tiếp tục đọc, cảm thấy bị kích thích bởi quyền lực của mình đối với cậu bé. Tom Brangen xúc động vì trải nghiệm chưa từng có này, anh gần như sợ hãi nó, nó quá sâu xa. Nhưng khi tự mình cầm cuốn sách lên, có gì đó lén lút và xấu hổ, và bắt đầu đọc “Ôi ngọn gió tây cuồng dại, mi là làn hơi sinh thể mùa thu”, thì chính những dòng chữ in trên giấy đó gây nên một cảm giác thúc đẩy nhói đau lan khắp làn da anh, máu dồn lên mặt, trái tim anh muốn bùng nổ trong cảm giác thịnh nộ và bất lực. Anh ném sách xuống đất và bước qua nó, đi thẳng ra sân bóng cri-kê. Và anh thù ghét sách vở như thể chúng là kẻ thù của anh. Anh thù ghét chúng thậm tệ còn hơn thù ghét bất kỳ một người nào.
Anh không thể tự mình kiểm soát sự tập trung. Đầu óc anh không có thói quen cố định nào để dựa vào, không có gì để kềm chế, không biết khởi đầu từ đâu. Đối với anh không có gì rõ ràng, không có gì quen thuộc nơi bản thân anh, để anh có thể áp dụng vào việc học. Anh không biết cách bắt đầu. Vì thế anh bất lực khi nói đến việc hiểu biết một cách ý thức hay chủ tâm học hành.
Anh có năng khiếu về toán, nhưng nếu cái năng khiếu đó rời bỏ anh, thì anh lại bất lực như một thằng ngốc. Để rồi anh cảm nhận rằng anh không bao giờ có được một cơ sở lý trí chắc chắn, anh không biết mình ở đâu. Nguyên nhân tối hậu khiến anh suy sụp là anh hoàn toàn bất lực không thể trả lời một câu hỏi mà không được gợi ý. Nếu buộc phải viết một bài luận nghiêm chỉnh về Quân đội, anh rốt cuộc phải tập lặp đi lặp lại một vài sự kiện mà anh đã biết: “Bạn có thể vào quân đội ở tuổi mười tám. Bạn phải cao trên một mét bảy.” Nhưng anh thường tin chắc rằng đó là một mánh khóe và rằng những nhận xét tầm thường của anh là đáng khinh bỉ. Vậy là anh đỏ bừng mặt giận dữ, cảm thấy lộn ruột vì xấu hổ, gạch bỏ những gì đã viết ra, gắng hết sức nghĩ đến một cái gì đó liên quan đến phong cách viết luận đúng, nhưng chịu thua, mặt sưng sỉa vì tức giận và nhục nhã, đặt cây bút xuống với cõi lòng thường khi tan nát thay vì tìm cách viết một cái gì khác.
Chẳng bao lâu anh cũng quen với trường Grammar School (trường dạy tiếng Latin và Hy Lạp), và trường Grammar School cũng quen với anh, coi anh như một cậu bé ngốc nghếch, học hành kém cỏi, nhưng tôn trọng anh vì bản tính rộng lượng, trung thực. Chỉ có một gã hẹp hòi hống hách, vị thầy dạy tiếng Latinh, hay ức hiếp anh khiến cho cặp mắt xanh của anh như dại đi trong nỗi nhục và tức giận. Đã từng xảy ra một cảnh tượng khiếp sợ, khi cậu bé lấy một cục đá dứ dứ vào đầu thầy, nhưng rồi mọi thứ vẫn tiếp tục như trước. Vị thầy không được thương cảm mấy. Nhưng Brangwen vẫn còn cau mày và không chịu nổi khi nghĩ tới sự việc, ngay cả về lâu sau này khi anh đã lớn.
Anh vui vẻ rời bỏ trường. Đã không có điều gì khó chịu, anh đã kết bạn với những đứa trẻ khác, hoặc tưởng rằng anh đã vui hưởng tình bạn đó, thời gian trôi quá nhanh với những bận rộn không dứt. Nhưng anh luôn luôn biết rằng anh nằm ở vị trí đê hạ, trong cái môi trường học tập này. Anh thường xuyên ý thức về thất bại, về bất lực. Nhưng anh quá khỏe mạnh và lạc quan để khổ sở, anh quá sức sinh động. Nhưng tâm hồn anh thê thảm đến mức tuyệt vọng.
Anh yêu mến một cậu bé niềm nở, thông minh người ẻo lả, một dạng lao phổi. Hai người đã có một tình bạn gần như cổ điển, kiểu David và Jonathan, mà Brangwen là Jonathan, người hầu. Nhưng anh không bao giờ cảm thấy mình ngang hàng với bạn, bởi vì trí tuệ của nó vượt trội anh, và khiến anh xấu hổ, khiến anh tụt lại đằng sau xa. Vậy nên hai cậu bé lập tức đường ai nấy đi khi ra trường. Nhưng Brangwen luôn nhớ người bạn từng là một trải nghiệm êm đềm, coi cậu ta như một thứ ánh sáng.
Tom Brangwen vui sướng trở lại nông trại, nơi anh lại được là chính mình. “Con đã lỡ sinh ra là nông dân, hãy để con ăn ngủ với cánh đồng này”, anh nói với bà mẹ điên tiết. Anh tự hạ mình quá. Nhưng anh tiếp tục công việc của mình nơi nông trại một cách hân hoan, hân hoan vì sự lao tác tích cực và mùi hương của đất đai trở lại, có được tuổi trẻ và sinh lực và đùa vui dí dỏm, có ý chí và sức mạnh để quên đi những thiếu sót của riêng mình, thỉnh thoảng thấy mình hung hăng giận dữ, nhưng thường khi xuề xòa với mọi người và mọi chuyện.
Khi anh lên mười bảy tuổi, cha anh ngã từ một đống thóc xuống và bị gãy cổ. Từ đó mẹ anh cùng thằng con trai và cô con gái tiếp tục gắn bó với nông trại, thỉnh thoảng những lời than van ầm ĩ, những cuộc thăm viếng đầy ghen tức của tay Frank mổ thịt, kẻ bất bình với cả thế giới, cái thế giới mà hắn nghĩ luôn đối xử thiếu công bằng với hắn, lại cắt ngang nhịp sống của họ. Frank đặc biệt không ưa Tom con, người mà hắn gọi là thằng nhóc hư đốn. Tom trả đũa thật dữ dội, mặt anh đỏ lựng và cặp mắt xanh long lên chòng chọc. Effie đứng về phía Tom chống lại Frank. Nhưng khi Alfred từ Nottingham đến, cái cằm bạnh chìa ra, không muốn hé răng, nhưng coi mọi người trong nhà không ra gì, thì Effie và mẹ đứng về phía anh ta để dìm Tom xuống. Cái làm chàng trai phát cáu là ông anh của anh được hai người phụ nữ coi chẳng khác gì anh hùng chỉ vì anh ta không chịu sống ở nhà, lại là một thợ vẽ kiểu ren và gần như một người phong nhã. Nhưng Alfred có cái gì đó như trong Bi kịch “Prometheus bị xiềng”, nên được hai người phụ nữ thương yêu. Về sau Tom mới hiểu anh mình hơn.
Là con trai út, Tom cảm thấy mình quan trọng khi việc chăm sóc nông trại được chuyển giao cho anh. Anh chỉ mới mười tám, nhưng đã hoàn toàn làm được mọi việc cha anh từng làm. Nhưng tất nhiên mẹ anh vẫn là trung tâm của ngôi nhà.
Chàng trai càng lớn càng tươi tắn, linh lợi, sống say mê từng khoảnh khắc. Anh làm việc, đi ngựa và đánh xe đến chợ, tụ tập với bạn bè, thỉnh thoảng say sưa tí chút, chơi ky và chạy theo các đám hát lưu diễn nhỏ. Một lần quá chén ở tiệm rượu, anh lên gác với một ả điếm quyến rũ anh. Lúc đó anh mới mười chín tuổi.
Có thể nói đó là cú sốc đối với anh. Giữa sự gần gũi gia đình và giữa cái nông trại nhỏ như cái bếp này, người phụ nữ chiếm thế quyền trượng. Những người đàn ông trong nhà phục tùng người phụ nữ ấy về mọi chuyện trong nhà, mọi khía cạnh luân lý và cách ứng xử. Người phụ nữ là biểu tượng cho cuộc sống mở rộng đó, bao gồm tôn giáo và tình yêu và đạo đức. Bọn đàn ông đặt vào tay bà lương tâm của mình, họ nói với bà “Hãy gìn giữ lương tâm của tôi, hãy là thiên thần nơi khung cửa bảo vệ tôi đi ra đi vào”. Và người phụ nữ hoàn thành sự tín thác mà những người đàn ông hết lòng đặt vào bà, họ sung sướng nhận lời khen của bà hay tức giận khi bị bà chỉ trích, họ có thể nổi loạn hay la thét, nhưng không bao giờ, dù chỉ trong khoảnh khắc, thực sự thoát khỏi quyền hành của bà để có được cuộc sống tinh thần riêng. Họ dựa vào bà để có được sự ổn định. Không có bà, họ sẽ cảm thấy mình giống như rơm rạ bị những cơn gió tình cờ cuốn bay đi tứ tung. Bà là chỗ neo đậu an toàn, bà là cánh tay kềm chế của Chúa, dù đôi khi bị chửa rủi thậm tệ.
Nên khi Tom Brangwen, lúc ấy mới mười chín, một chàng trai tươi tắn như một cái cây nhỏ bám rễ vào mẹ anh và chị anh, nhận ra mình đã ngủ với một gái điếm trong một tiệm rượu bình dân, anh rất sợ. Đối với anh cho tới lúc đó chỉ có một loại phụ nữ – là mẹ và chị anh.
Nhưng còn bây giờ? Anh không rõ cảm xúc của mình. Có một chút kinh ngạc, một cơn quặn thắt vì giận và thất vọng, lần đầu tiên anh trải qua cảm giác khơi lại đống tro tàn lạnh lẽo, anh sợ đó là tất cả những gì đã xảy ra, sợ các mối quan hệ của anh với phụ nữ sẽ không là gì cả ngoài sự vô nghĩa này; một thoáng nhục nhã trước người gái điếm, e rằng nàng sẽ xem thường anh vì anh làm ăn không ra gì; một cảm giác chán chê nàng, và sợ sệt nàng; có một lúc anh kinh hoàng tê điếng khi nghĩ anh có thể sẽ dính bệnh từ nàng; nhưng trên tất cả những cảm xúc lộn xộn bị khuấy động này, cánh tay vững chắc của lương thức đã kịp chìa ra, ngụ ý rằng không có vấn đề gì lớn, miễn là anh không dính bệnh. Anh sớm lấy lại thăng bằng, và không có vấn đề gì lớn thật.
Nhưng chuyện đó đã làm anh kinh tởm, khiến anh thấy nghi ngại chính mình, và làm gia tăng nỗi sợ hãi về những gì bên trong anh. Tuy vậy, chỉ trong vài ngày anh đã lại lang thang chỗ này chỗ kia theo cái kiểu vô lo tới đâu hay đấy của anh, đôi mắt xanh vẫn cứ trong trẻo và thật thà như thường khi, khuôn mặt vẫn cứ tươi rói, lòng thèm muốn vẫn cứ mãnh liệt.
Hoặc hình như vậy. Thực tế là anh đã đánh mất ít nhiều sự tự tin sôi nổi, và sự ngờ vực khiến anh thu mình lại.
Một thời gian sau vụ này anh trở nên lặng lẽ hơn, giữ ý hơn khi uống rượu, e ngại hơn trước bạn bè. Sự vỡ mộng của lần đầu tiên va chạm xác thịt với đàn bà, lại được tăng cường bởi nỗi khao khát bẩm sinh muốn tìm thấy nơi đàn bà hiện thân của tất cả xung năng tôn giáo khó nói, nhưng mạnh mẽ của anh, khiến miệng lưỡi anh ấp úng. Anh đã mất cái mà anh sợ mất, cái mà anh không chắc mình thậm chí có sở hữu hay không. Vụ quan hệ tình dục đầu tiên này không thành vấn đề gì lắm: nhưng tự sâu kín trong lòng anh cái chuyện yêu đương là rất nghiêm trọng và hoàn toàn làm anh phát khiếp.
Bây giờ anh bị vò xé bởi lòng khát dục, trí tưởng tượng anh luôn trở về với những cảnh tượng dâm đãng. Nhưng điều thực sự ngăn cản anh quay lại với một người đàn bà buông tuồng, thì ngoài sự dè dặt, chính là mỗi lần nhớ lại anh thấy cái trải nghiệm vừa qua mới mờ nhạt làm sao. Nó quá vô nghĩa, quá nhỏ nhoi và máy móc, đến độ anh thấy xấu hổ, không dám liều mình lặp lại nó.
Bằng bản năng mạnh mẽ anh quyết giữ cho niềm vui ngây thơ của anh không bị tổn hại. Vì anh vốn là người tràn đầy sức sống và hài hước, luôn cảm thấy sung mãn và dồi dào năng lượng, một người thoải mái. Nhưng giờ đây mọi thứ có xu hướng gây căng thẳng. Cặp mắt xanh trông mệt mỏi, và đôi mày thường cau nhẹ. Những đùa vui ồn ào nhường chỗ cho những phút giây lắng xuống lặng im, và nhiều ngày trôi qua anh sống trong tâm trạng hồi hộp.
Anh không biết đích xác có điều gì khác lạ trong anh; phần lớn thời gian anh bị nhấn chìm từ từ vào cơn giận dữ và bất bình. Nhưng anh biết anh luôn nghĩ về đàn bà, hoặc một người đàn bà, hết ngày này qua ngày khác, và điều đó khiến anh điên tiết. Anh không thoát ra được, anh xấu hổ. Anh khởi sự cặp kè với một hay hai cô tình nhân gì đó với hy vọng nhanh chóng có thêm trải nghiệm. Nhưng khi anh gặp một cô gái dễ thương, anh phát hiện ra anh không thể thúc đẩy sự biến đổi theo mong muốn. Chính sự hiện diện của cô gái bên cạnh anh khiến việc đó trở nên bất khả. Anh không thể nghĩ về cô theo cách đó được, anh không thể nghĩ tới cảnh trần truồng thực sự của cô. Cô là cô gái mà anh thích, nhưng anh run rẩy hoảng kinh ngay cả với ý nghĩ cởi quần áo cô ra. Anh biết rằng, qua những cảnh phơi bày thân thể vừa rồi, anh không tồn tại cho cô mà cô cũng không tồn tại cho anh. Nếu anh gặp một cô gái phóng đãng khác, rồi mọi chuyện cứ thế diễn tiến, thì cô sẽ thường xuyên gây khó chịu cho anh đến độ anh không tài nào biết liệu anh có gắng thoát khỏi cô càng sớm càng tốt hay không, hay vì nóng bỏng bức xúc mà anh sẽ xơi cô. Anh sẽ lại có được một bài học: nếu anh xơi cô, một chuyện chẳng đi tới đâu mà anh miễn cưỡng phải coi thường. Anh không coi thường bản thân anh hay cô gái. Nhưng anh coi thường cái chung cuộc mà anh trải nghiệm – anh coi thường nó tận tâm can cay đắng.
Rồi năm anh hai mươi tuổi, mẹ anh mất, chỉ còn anh trong nhà với Effie. Cái chết của mẹ là một đòn giáng bí hiểm khác với anh. Anh không thể hiểu được, và biết rằng có cố tìm hiểu cũng vô ích. Người ta phải khuất phục trước những tai họa bất ngờ ập đến này, nó để lại một vết thương nguyên vẹn và mỗi lần chạm đến là mỗi lần đau. Anh bắt đầu hãi sợ tất cả những gì chống lại anh. Như chống lại tình yêu anh dành cho mẹ anh.
Sau biến cố này, Effive và anh thường cự cãi nhau gay gắt. Hai người rất cần có nhau, nhưng cả hai đều bị căng thẳng theo một cách rất lạ lùng và không bình thường. Anh không mấy khi ở nhà. Anh tìm cho mình một góc riêng trong quán Sư Tử Đỏ ở Cossethay, và trở thành một gương mặt quen thuộc bên lò sưởi, một anh chàng khỏe khoắn, hấp dẫn, chân tay chắc nịch, đầu hơi ngửa ra sau, hầu như lúc nào cũng im lặng, nhưng tỉnh táo và chăm chú, hết sức vui vẻ chào hỏi những người quen biết, nhưng e ngại trước người lạ. Anh chòng ghẹo tất cả phụ nữ, họ cực kỳ thích anh, và anh lắng tai nghe cánh đàn ông nói chuyện, tỏ vẻ trọng thị.
Rượu vô là lập tức mặt anh đỏ bừng lên, vẻ bồn chồn và thiếu tự tin gần như hoang mang hiện lên trong cặp mắt xanh. Khi thấy anh về nhà trong trạng thái chếnh choáng ấy là bà chị ghét lắm, bà xỉ vả anh, những lúc ấy đầu anh muốn nổ tung, và anh như con bò điên đang lồng lộn.
Anh còn thêm một lần đi lại với một người đàn bà đĩ thỏa khác. Sau lễ Phục sinh, vào dịp lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, anh cùng hai người bạn trẻ dong ngựa đến Matlock rồi sau đó đến Bakewell. Lúc bấy giờ Matlock vừa trở thành một cảnh đẹp nổi tiếng, đón khách từ thành phố Manchester và hạt Staffordshire. Tại khách sạn nơi họ dùng bữa trưa có hai cô gái, và cả bọn vui vẻ làm quen.
Cô nàng tán tỉnh Tom Brangwen, lúc ấy hăm bốn tuổi, là cô gái hấp dẫn, táo tợn, cô được một người đàn ông đưa đến đây nhưng rồi anh bỏ bê cô suốt cả buổi chiều. Gặp Brangwen, cô thích anh ngay, như mọi phụ nữ khác, vì sự nồng nhiệt và tính tình phóng khoáng, và sự tế nhị bẩm sinh nơi anh. Nhưng cô cũng thấy anh là người có thể còn ngon lành hơn. Tuy nhiên, cô cảm thấy bị kích động, bất mãn, bị biến thành kẻ ranh mãnh, cho nên cô sẵn sang làm mọi thứ. Đây sẽ là một dịp giải khuây nhẹ nhàng, và cô sẽ lấy lại sự tự phụ.
Cô thật quyến rũ với ngực đầy và tóc đen, mắt xanh, lúc nào cũng có thể cười đùa, mặt đỏ bừng dưới nắng, hai bàn tay cứ bất giác đưa lên che khuôn mặt tươi cười của mình trông rất tự nhiên, duyên dáng.
Brangwen đang trong tâm trạng kinh ngạc. Anh chòng ghẹo cô mà vẫn tỏ ra đứng đắn, bị kích thích, nhưng cảm thấy tâm trí bất an, vừa sợ phát khiếp lỡ mình hấp tấp, vừa ngại có thể bị coi là chậm chạp, muốn điên lên vì ham muốn nhưng phải dằn lại vì bản tính tôn trọng phụ nữ, không dám có một cử chỉ dấn tới rõ ràng nào. Có lúc anh cảm thấy như vậy là ngớ ngẩn, rồi cứ thế mà đỏ mặt đến từng tế bào vì bối rối. Nhưng cô nàng lại trở nên kiên quyết và bạo dạn khi thấy anh lúng túng, cô khoái chí thấy anh sốt ruột. “Khi nào anh phải trở về?” cô hỏi.
“Tôi không biết chắc,” anh đáp.
Cuộc trò chuyện một lần nữa gián đoạn ở đó.
Đám bạn của Brangwen chộn rộn lên đường.
“Tom, đi chớ,” họ gọi, “hay dừng ở đây?”
“Vâng, tớ đi,” anh đáp, miễn cưỡng đứng dậy, tức tối vì cảm thấy mình hoàn toàn vô tích sự và thất vọng.
Anh bắt gặp cái nhìn chất chứa, gần như chế giễu của cô gái, cái nhìn lạ lẫm đó làm anh run lên.
“Cô ra xem con ngựa của tôi nhé,” anh nói với cô bằng tất cả nhiệt tâm vốn giờ đây đang chao đảo vì lo sợ.
“Ồ, thích quá,” cô vừa đứng dậy vừa nói.
Rồi cô rời khỏi phòng đi theo anh, vai anh nghiêng, chân mang ghệt vải đi ngựa. Hai anh chàng kia cũng dắt ngựa của mình ra khỏi chuồng.
“Cô cưỡi ngựa được không?” Brangwen hỏi.
“Em thích lắm nếu được – em chưa thử lần nào,” cô nói.
“Thế thì cứ thử một lần,” anh nói.
Và anh đỡ cô lên yên ngựa, trong khi anh ngượng ngùng, cô cười khúc khích.
“Em trượt té mất – đây không phải cái yên nữ,” cô ré lên.
“Cứ giữ cho chắc,” anh vừa nói vừa dẫn cô và ngựa ra khỏi cổng khách sạn.
Cô gái ngồi coi bộ rất dễ ngã, dù đã bám chắc. Anh vịn eo để giữ cô. Và anh siết chặt, gần như một vòng ôm, cảm thấy bủn rủn vì ham muốn khi sải bước đi bên cạnh cô.
Ngựa đi dọc theo con sông.
“Em có muốn ngồi dang hai chân không,” anh hỏi cô.
“Em làm được,” cô trả lời.
Thời đó phụ nữ hay mặc xống váy thùng thình. Cô phải xoay xở đưa một chân qua mình ngựa, khá ý tứ, cho thấy cô cố ý che cái chân xinh xắn của mình.
“Ngồi kiểu này ổn lắm rồi,” cô nói, liếc nhìn anh.
“Ấy đấy, đúng vậy,” anh nói, cảm thấy xương tủy đang tan chảy vì ánh mắt của cô. “Tôi hổng biết tại sao lại có cái vụ ngồi một bên yên đó, làm trẹo hông mấy cô mấy bà.”
“Bọn tớ đi đây – có vẻ như cậu dính cứng ở đó rồi?” Hai người bạn của Brangwen la to từ ngoài đường.
Anh giận đỏ mặt.
“Phải – đừng có quấy tớ nữa,” anh đáp lại.
“Cạo [cậu] chơi ở đây đến chừng nào?” Họ hỏi.
“Không sau Giáng sinh,” anh trả lời.
Cô gái phá ra cười vang.
“Được rồi – tạm biệt!” đám bạn kêu lên.
Rồi họ cho ngựa chạy nước kiệu bỏ đi, lòng anh khấp khởi, nhưng anh cố gắng tỏ ra bình thường trước cô gái. Ngay sau đó anh quay về khách sạn giao ngựa cho người chăm giữ rồi tót vào rừng cùng cô gái, gần như không biết anh ở đâu và đang làm gì. Tim anh đập thình thịch với ý nghĩ đây là cuộc phiêu lưu đẹp nhất, và anh phát cuồng vì thèm muốn cô gái.
Anh sướng rạo rực. Ái chà, một cảm giác như vậy đó! Anh ở bên cô gái suốt buổi chiều, nhưng còn muốn ở vậy đến hết đêm. Nhưng cô gái nói không được, đến tối người đàn ông của riêng cô sẽ trở lại và cô phải về với anh ta. Anh, Brangwen, không được tiết lộ với ai đã có chuyện gì giữa hai người.
Cô nhìn anh cười âu yếm, khiến anh xôn xao.
Anh không thể dứt khoát bỏ đi, mặc dù anh đã hứa sẽ không quấy cô nữa. Cả đêm anh ngồi trong khách sạn. Anh thấy một gã trong bữa ăn tối: một gã trung niên, thấp bé với tóc muối tiêu trên khuôn mặt kỳ kỳ như mặt khỉ, nhưng dễ gây chú ý theo cái cách có thể gọi là đẹp trai. Brangwen đoán ông ta là người ngoại quốc. Ông ngồi cạnh một người đàn ông khác, một người Anh thô kệch và khó chịu. Bốn người ngồi quanh bàn, hai đàn ông hai phụ nữ, Brangwen chăm chăm quan sát họ.
Anh thấy gã ngoại quốc xử sự với hai người đàn bà theo kiểu vừa nhã nhặn vừa coi thường, như thể đang làm vui lòng những con vật. Cô gái của Brangwen ăn mặc theo phong cách của một tiểu thư, nhưng giọng nói của cô đã phản bội cô. Cô muốn đoạt lại người đàn ông của cô. Nhưng rồi khi món tráng miệng dọn ra, gã ngoại quốc nhỏ con rút lui khỏi bàn và thản nhiên quan sát căn phòng, như thể căn phòng không có ai. Anh ấn tượng mạnh với nét thông minh lạnh lùng, sinh vật trên khuôn mặt ông ta. Cặp mắt nâu tròn phô ra hết hạt đồng tử màu nâu, như đồng tử của mắt khỉ, và cứ thế mà lặng lẽ nhìn, nắm bắt được người khác mà không đếm xỉa đến họ. Mọi người nhìn ngó Brangwen. Brangwen ấn tượng với gương mặt già quay lại phía anh, nhìn anh mà không thấy cần thiết phải biết chút gì về anh. Hai hàng lông mày trên cặp mắt tròn, tinh nhanh mà thờ ơ hơi nhướng lên, trán nhíu nhẹ, y như con khỉ. Đó là khuôn mặt già, không tuổi.
Thật ngạc nhiên là lúc nào gã cũng thể hiện như một quí ông, một nhà quí tộc, Brangwen nhìn gã chòng chọc như bị mê hoặc. Cô gái đỏ mặt phủi những vụn bánh mì trên quần áo, vẻ rất bực bội.
Một lát sau, khi Brangwen ngồi im trong sảnh, buồn rầu ngơ ngẩn không biết làm gì, gã khách lạ nhỏ thó tươi cười lịch sự đến bên anh, chìa ra một điếu thuốc, nói:
“Cậu hút thuốc?”
Brangwen chưa bao giờ hút thuốc, nhưng anh vẫn cầm điếu thuốc, lóng ngóng vân vê giữa những ngón tay mập ú, ngượng chín cả người. Rồi anh đưa cặp mắt xanh nồng ấm nhìn đôi mắt gần như mỉa mai, với mí mắt đặc biệt của gã ngoại quốc. Gã ngồi bên cạnh anh, và họ bắt đầu trò chuyện, chủ yếu về ngựa.
Brangwen thích gã đàn ông vì sự thanh lịch tuyệt vời của gã, vì sự tế nhị và kín đáo, và vì sự tự tin thường trực, giống như khỉ của ông. Họ nói về ngựa, về Derbyshire, và về việc nuôi trồng. Người khách lạ bắt đầu niềm nở với chàng trai bằng sự nồng nhiệt thực tình, và Brangwen cảm thấy phấn khởi. Về phương diện con người anh hoan hỉ được gặp gã đàn ông kỳ quặc, trung niên, da khô nẻ này. Cuộc trò chuyện vui vẻ, nhưng điều đó không quan trọng lắm. Chính cung cách hòa nhã, sự tiếp xúc vui vẻ mới là tất cả.
Họ trò chuyện với nhau hồi lâu, Brangwen đỏ mặt như cô gái khi gã đàn ông không hiểu cách diễn đạt của anh. Sau đó họ tạm biệt, và bắt tay nhau. Một lần nữa gã ngoại quốc khom mình và lặp lại lời chào tạm biệt.
“Chúc ngủ ngon, và bon voyage.[1]”
Đoạn gã quay lại cầu thang.
Brangwen lên phòng và nằm chong mắt nhìn những vì sao của đêm hè, cả người anh quay cuồng. Tất cả là cái gì vậy? Có một cuộc sống khác xa với những gì anh biết. Cái nằm bên ngoài sự hiểu biết của anh là gì, nhiều đến mức nào? Cái mà anh đã chạm đến là gì vậy? Anh là ai dưới tác động mới mẻ này? Mọi thứ có ý nghĩa gì? Cuộc sống ở đâu, ở chỗ anh biết rõ hay tất cả nằm bên ngoài anh?
Anh thiếp ngủ, và sáng hôm sau anh cưỡi ngựa ra đi trước khi những vị khách thức dậy. Anh ngại gặp lại bất kỳ ai trong số họ, trong buổi sáng đó.
Tâm trí anh là cả một sự náo động lớn. Cô gái và gã ngoại quốc: anh không biết tên ai cả. Nhưng họ đã nhóm lửa vào tận cõi lòng anh, và anh sẽ như con mồi trong hang bị hun khói. Trong hai trải nghiệm, có lẽ cuộc gặp với gã ngoại quốc có ý nghĩa hơn. Nhưng còn cô gái – anh chưa nguôi dịu về cô gái.
Anh không biết. Anh phải để câu chuyện lại ở đó, như nó vốn vậy. Anh không thể đúc kết những trải nghiệm của anh.
Kết quả của những cuộc tao ngộ này là cả ngày lẫn đêm anh say sưa mơ về cô gái gợi tình và cuộc gặp gỡ với gã ngoại quốc thấp bé, héo quắt với phép lịch sự xưa cổ. Ngay khi tâm trí anh thảnh thơi, ngay khi anh vừa rời khỏi những người bạn của mình thì anh lại bắt đầu hình dung ra sự thân mật với những người dáng dấp nhỏ nhắn, phong cách tế nhị như gã ngoại quốc ở Matlock, và ẩn giữa sự thân mật khó thấy này luôn luôn là sự thỏa mãn của cô gái khêu gợi ấy.
Anh thường mải mê nghĩ về sự lôi cuốn và tính thực tế của giấc mơ này. Mắt anh ngời sáng, anh ngẩng đầu dạo bước, lòng tràn ngập cảm giác sảng khoái về sự tinh tế và lịch thiệp kiểu quí tộc, cùng lúc anh bị dày vò bởi cảm giác thèm muốn cô gái.
Rồi ánh ngời sáng trong mắt cũng dần mờ đi, và cái tính chất lạnh lẽo của cuộc sống thường nhật lại hiện ra. Anh rất bực bội. Phải chăng anh đã bị ảo ảnh đánh lừa? Anh chống lại cái khu đất rào tồi tệ của thực tại, như một con bò đực ngoan cố đứng trước cổng, không chịu trở vào cái vòng tròn đã được thừa nhận của riêng anh.
Anh uống rượu nhiều hơn thường lệ để duy trì cảm giác tích cực. Nhưng cảm giác đó càng ngày càng giảm đi bất chấp mọi thứ. Anh thấy ghê ghê trước cái tầm thường mà anh sẽ không qui phục. Thì nó cứ sờ sờ trước mặt anh, bất chấp mọi thứ.
Anh muốn lấy vợ, để phần nào ổn định cuộc sống, để thoát ra khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan mà anh thấy mình vướng vào. Nhưng bằng cách nào đây? Anh cảm thấy mình tê liệt. Anh từng thấy một sinh vật bé tí bị mắc vào tấm lưới nhựa dính, và cảnh tượng đó với anh là một cơn ác mộng. Anh bắt đầu có cảm giác cuồng điên thịnh nộ vì bất lực.
Anh cần một cái gì đó để bám giữ, để tự kéo mình thoát ra. Nhưng không có gì hết. Anh không ngừng ngó nghiêng các cô gái, để tìm một cô khả dĩ làm vợ. Nhưng không có cô nào anh muốn. Và anh biết rằng ý tưởng về một cuộc sống giữa những người như gã ngoại quốc kia là ngớ ngẩn.
Nhưng anh vẫn mơ về nó, và anh sa lầy trong những giấc mơ của mình, và không hề có cái hiện thực của Cossethay và Ilkestone. Anh ngồi lì lợm nơi cái góc của mình trong quán Sư Tử Đỏ, hút thuốc và trầm tư và thi thoảng nâng cốc bia của mình lên, và không nói gì, y hệt một nông dân trang trại ngờ nghệch, như anh tự nhủ.
Thế rồi một cơn giận bừng bừng ập đến anh. Anh muốn ra đi – ngay lập tức. Anh mơ về những con người xa lạ. Nhưng vì một lý do nào đó anh mất liên lạc với họ. Và đó là cái gốc rễ cứng cáp giữ anh lại với Trại Đầm, với căn nhà và mảnh đất của anh.
Rồi Effie lấy chồng, để lại anh trong nhà với duy nhất Tilly, cô giúp việc mắt lé đã ở với họ mười lăm năm qua. Anh cảm thấy mọi thứ sắp đi đến kết thúc. Lâu nay anh luôn ương ngạnh căng mình ra kháng cự lại tác dụng của những mộng tưởng thường tình chực nuốt chửng anh. Nhưng bây giờ anh phải làm một cái gì đó.
Anh vốn là người điều độ. Nhạy cảm và dễ xúc động, cảm giác buồn nôn ngăn không cho anh uống rượu quá nhiều.
Nhưng, trong cơn giận dữ không đâu, với sự quyết tâm ghê gớm và tâm trạng rõ ràng là vui vẻ, anh sẽ uống cho kỳ say. “Mẹ kiếp,” anh tự nhủ, “mi phải chọn một trong hai con đường – mi không thể buộc ngựa của mi nơi bóng râm cột cổng – nếu mi muốn thành công thì một lúc nào đó mi phải nhổm đít lên.”
Thế là anh đứng dậy và đi xuôi xuống Ilkeston, ngượng ngịu nhập bọn với đám thanh niên cấp tiến, đứng cụng ly với họ, và phát hiện ra anh có thể đánh bạn với họ khá nhanh. Anh có ý tưởng rằng mỗi người trong phòng đều là một người đàn ông đồng điệu với anh, rằng mọi thứ đều tuyệt vời, mọi thứ đều hoàn hảo. Khi có người thất thanh la lên túi áo anh bắt lửa, anh chỉ biết ngoác miệng cười, mặt đỏ bừng sung sướng, nói “Khôn..khôn..không xao hờ…hết. Khôn..khôn..xao… hờ… hết – cứ để vậy, cứ để vậy” rồi phá lên cười khoái trá, có hơi bức xúc vì sao mọi người lại nghĩ rằng cái túi áo của anh bốc cháy là bất thường: – đó là việc hay ho nhất và thường tình nhất trên đời – sao nào?
Anh đi bộ về nhà vừa độc thoại vừa trò chuyện với mảnh trăng non ở tận trên cao, bước đi loạng choạng qua những vũng nước lấp loáng ánh trăng, ngạc nhiên kêu lên Hanover (Nữ hoàng) mới tuyệt vời làm sao! rồi bật cười tự tin với mặt trăng, quả quyết với ả trăng rằng đây mới là nhất hạng, đúng vậy.
Sáng hôm sau anh thức dậy và nghĩ ngợi đủ thứ, và lần đầu tiên trong đời anh biết cảm giác cáu kỉnh ghê gớm xuất phát từ tâm trạng khổ sở ê chề là gì. Sau khi la hét gầm gừ Tilly, anh lẻn khỏi nhà vì ân hận, để được một mình. Nhìn những cánh đồng nhợt nhạt và những con lộ vôi vữa, anh tự hỏi anh có thể làm được cái quái quỉ gì đây để thoát khỏi cảm giác nhói đau vì kinh tởm và sự lờm lợm nơi thân thể. Và anh biết rằng đây là hệ quả của buổi tối rực rỡ của anh.
Ruột gan anh không muốn có thêm chút rượu nào nữa. Anh lầm lì đi qua những cánh đồng với con chó sục của mình, và nhìn mọi vật với ánh mắt hằn học.
Tối hôm sau người ta lại thấy anh tại chỗ ngồi của mình trong quán Sư Tử Đỏ, ôn hòa và tề chỉnh. Anh ngồi đó, kiên trì chờ đợi những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Anh có tin rằng, hay chẳng lẽ anh không tin rằng anh thuộc về cái thế giới của Cossethay và Ilkeston này? Anh không muốn bất cứ cái gì ở đó. Nhưng anh từng thoát được ra khỏi nó chưa? Có cái gì trong anh sẽ đưa anh ra khỏi nó? Hay anh là một đứa bé đần độn, chưa đủ trưởng thành như đám bạn trẻ uống rượu tì tì, chơi bời chút đỉnh không có vấn đề gì, và rất thoải mái.
Anh cứ ngang ngạnh như thế một hồi. Nhưng rồi sự căng thẳng trở nên quá lớn đối với anh. Một trạng thái cháy bỏng, tích tụ luôn luôn máy động trong lồng ngực anh, hai cổ tay phập phồng và run rẩy, tâm trí anh đầy những hình ảnh dâm dục, đôi mắt anh đỏ rần. Anh vật vã cuồng điên để được bình thường. Anh không tìm kiếm bất kỳ một người phụ nữ nào. Anh cứ như thể anh đang bình thường. Cho đến khi anh phải hoặc làm cái gì đó hoặc đập đầu vào tường.
Rồi anh lò dò đi xuống Ilkeston, trong lặng lẽ, có chủ ý và muốn hết hơi. Anh uống cho kỳ say. Anh nốc rượu, nốc mãi, cho tới khi mặt tái mét, mắt đỏ ngầu. Và anh vẫn chưa được tự do. Anh đi ngủ trong tình trạng say xỉn không còn biết gì, thức dậy lúc bốn giờ sáng hôm sau rồi lại uống tiếp. Anh sẽ được tự do. Sự căng thẳng trong anh dịu dần. Anh bắt đầu cảm thấy khoan khoái. Sự lặng lẽ đông cứng trong anh được phá tan, anh bắt đầu nói lảm nhảm. Anh vui vẻ và cảm thấy hòa đồng với mọi người, anh như được hợp nhất tất cả xương thịt vào trong mối quan hệ máu mủ ấm nóng. Cho nên sau ba ngày uống rượu không ngừng nghỉ, anh đã thiêu rụi tuổi trẻ từ trong máu anh, anh đã đạt được trạng thái nồng nhiệt của sự hòa hợp với mọi người, đó là sự kết thúc niềm ham muốn đam mê nhất của tuổi trẻ. Nhưng anh đã đạt tới sự thỏa mãn bằng cách xóa hết cá tính của mình, cái dựa vào tư cách đàn ông của anh để duy trì và phát triển.
Vậy là anh trở thành con sâu rượu, thỉnh thoảng sa đà vào những chầu nhậu kéo dài ba hay bốn ngày, ngày đêm say khướt. Anh không nhớ gì hết. Một nỗi tức tối thiêu đốt trong anh. Anh lánh xa tất cả phụ nữ, thù nghịch họ.
Khi anh là người đàn ông hăm tám tuổi, tay chân chắc nịch, người rắn rỏi, ưa nhìn với làn da tươi trẻ, và đôi mắt xanh nhìn chằm chằm tới trước, một hôm anh từ Cossethay xuất hiện với một bao hạt giống lấy từ Nottingham. Đó là lúc anh đang sẵn sàng cho một cữ rượu khác, nên anh dán mắt tới trước, cảnh giác mà mê mải, nhìn ngó mọi thứ mà không nhận thấy bất cứ cái gì, anh gập người lại. Lúc ấy mới là đầu năm.
Anh bước đều đều bên cạnh con ngựa, cái bao kêu xủng xoảng phía sau khi đường đồi càng lúc càng dốc đứng. Con đường quanh co đổ dốc trước mặt anh, bên dưới hai bờ đường và hàng rào, chỉ thấy vài mét đằng trước,
Chậm rãi rẽ bước theo đường vòng ở chỗ dốc đứng nhất, con ngựa của anh làm căng khúc dây dằng giữa hai càng xe, anh thấy một người đàn bà đang đi tới. Nhưng lúc đó anh đang chú tâm đến con ngựa.
Sau đó anh quay lại nhìn cô ta. Cô mặc toàn đen, vẻ ngoài nhỏ nhắn và mảnh dẻ đằng sau chiếc áo khoác đen dài, và đầu đội mũ đen. Cô bước đi vội vã, như thể mù quáng, đầu cô hơi hướng tới trước. Chính điệu bộ tò mò, chăm chú, láu liên của cô, như thể cô đang đi qua mà không ai thấy, ngay từ đầu đã khiến anh chú ý.
Cô đã nghe tiếng xe ngựa, và ngước nhìn lên. Khuôn mặt cô xanh xao và sáng sủa, cô có đôi lông mày rậm đen và cái miệng mở to hiếu kỳ. Anh nhìn khuôn mặt cô một cách trong sạch, như thể bằng một tia sáng giữa không trung. Anh nhìn khuôn mặt cô một cách thẳng thắn đến độ anh thôi gập người, và khựng lại.
“Cô đó à,” anh bất giác thốt lên. Khi chiếc xe ngựa lọc xọc đi qua một đám bùn mỏng, cô đứng lùi lại dựa vào bờ đất. Rồi, khi anh tiếp tục đi bên cạnh con ngựa căng mông của mình, ánh mắt anh gặp ánh mắt cô. Anh vội quay đi, rụt cổ lại, một khoái cảm đau đớn lan khắp người anh. Anh không chịu nổi phải nghĩ ngợi về bất cứ cái gì.
Anh quay lại vào khoảnh khắc cuối cùng. Anh nhìn cái mũ của cô, dáng hình của cô trong chiếc áo choàng đen, sự chuyển động khi cô bước đi. Rồi cô đi khuất khi rẽ vào một khúc quanh.
Cô đã đi qua. Anh có cảm giác anh lại đang bước đi trong một cõi xa xăm, không phải Cossethay, một cõi xa xăm, một thực tại dễ vỡ. Anh tiếp tục đi, lặng lẽ, lửng lơ, riêng mình. Anh không chịu nổi phải nghĩ ngợi hay nói năng, không chịu nổi phải tạo ra âm thanh hay ra dấu hiệu, lẫn không chịu nổi phải thay đổi những cử động cố định của mình. Anh chắc chắn không thể chịu nổi khi nghĩ tới khuôn mặt của cô ta. Anh di chuyển trong tơ tưởng về cô, trong thế giới vượt ngoài hiện thực.
Cái cảm tưởng rằng họ đã nhận ra nhau ám ảnh anh như cơn điên, như nỗi dày vò. Làm sao anh có thể chắc chắn, anh có thể xác nhận được gì? Sự ngờ vực tựa như cảm thức về một khoảng không vô hạn, về hư vô, về hủy diệt. Anh ấp ủ trong lòng ý chí hướng đến sự chắc chắn. Họ đã nhận ra nhau.
Anh đi thơ thẩn trong tâm trạng đó suốt mấy ngày sau. Và mặt khác như một tấm màn che tâm trạng đó bắt đầu toạc ra để cho một thế giới thông thường, trơ trụi lọt vào. Anh rất dịu dàng với con người và súc vật, nhưng anh kinh sợ tâm trạng ảm đạm vì vỡ mộng xuất hiện lần nữa.
Khi anh đang đứng quay lưng lại lò sưởi sau bữa ăn tối vào ngày sau đó, anh thấy một người đàn bà đi ngang qua. Anh muốn biết rằng cô ta biết anh, rằng cô ta có ý thức. Anh muốn điều đó nói lên rằng có một cái gì đó giữa họ. Vậy nên anh đứng bồi hồi quan sát, nhìn cô khi cô đi xuôi xuống đường. Anh gọi to Tilly.
“Người kia là ai đấy nhỉ?” anh hỏi.
Tilly, người phụ nữ lác mắt bốn mươi tuổi, rất nể nang anh, xăng xái chạy đến cửa nhìn. Cô vui sướng khi anh có điều gì đó hỏi cô. Cô nghển cổ qua tấm màn ngắn, cái núm tóc đen cột chặt bung ra một cách thảm hại khi cô lúc lắc đầu.
“Ôi trời” – cô ngẩng đầu lên, chăm chăm nhìn qua cặp mắt lé màu nâu – “trời ơi, ông biết cô này là ai mà – chính cái cô ở trong nhà mục sư đây mà – ông biết mà.”
Làm sao tôi biết, cô cứ huyên thuyên – anh lớn tiếng.
Tilly đỏ mặt rụt cổ lại liếc nhìn anh sắc lẹm, vẻ gần như trách móc.
Trời, ông biết mà – cô quản gia mới đấy.
Này, nói gì nữa đó?
Sao, cái gì nữa hả? – Tilly tức giận đáp trả.
Cô ta là một phụ nữ, phải không, quản gia hay không phải quản gia? Cô ta có nhiều điều để nói hơn thế chứ! Cô ta là ai – cô ta phải có một cái tên chứ.
Này, nếu cô ta có tên, tôi không biết – Tilly phản pháo liền, không muốn để bị quấy rầy bởi anh chàng đang nhổ giò thành đàn ông này.
Cô ta tên gì? – Anh hỏi, nhẹ nhàng hơn.
Tôi bảo đảm là tôi không thể nói với ông – Tilly trả lời nghiêm trang.
Và đó là tất cả những gì cô biết, rằng cô ta là quản gia ở nhà mục sư?
Tôi có nghe nói đến tên cô ta, nhưng có cố gắng cả đời tôi cũng không nhớ được.
Đúng là đàn bà đầu bã đậu, cái đầu cô để dùng vào việc gì vậy?
Cũng như bao nhiêu người khác thôi – Tilly vặn lại. Cô rất khoái đấu võ mồm với anh mỗi khi anh nhục mạ cô.
Không khí tạm lắng.
– Tôi không tin có ai giữ được nó trong đầu – người đầy tớ nữ ngập ngừng nói tiếp.
– Cái gì? – Anh hỏi.
– Thì tên cô ta chứ cái gì?
– Rồi sao?
– Cô ta ở cái xứ lạ hoắc nào đó mới tới đây.
– Ai nói với cô điều đó?
– Tôi chỉ biết bấy nhiêu thôi, cô ta là vậy đó.
– Dựa vào đâu mà cô suy đoán về cô ta như vậy?
– Tôi không rành. Người ta nói cô ta ở xứ Ba Lan tới. Tôi không rành. – Tilly hấp tấp nói thêm vì biết anh ta sẽ công kích cô.
– Người Ba Lan à! Tại sao cô cũng là người Ba Lan? Ai phịa ra câu chuyện quái quỉ này?
– Họ nói như vậy, chứ tôi làm sao biết được.
– Ai nói?
– Bà Bentley nói cô ta từ Ba Lan đến, hoặc cô ta là người Ba Lan, hoặc đại khái vậy.
Tilly chỉ sợ cô sẽ lún sâu vào câu chuyện này.
Ai nói cô ta là người Ba Lan?
Tất cả mọi người nói vậy.
Vậy thì cái gì đã đưa cô ta đến đây?
Tôi không nói cho ông biết được. Cô ta có mang theo một bé gái.
Mang theo một bé gái ư?
Khoảng ba, bốn tuổi, cái đầu trông như quả cầu lông tơ.
Màu đen chứ?
Màu sáng, rất mịn và xoăn tít.
Vậy có cha nó chứ?
Theo tôi biết thì không có, tôi không rành.
Cái gì đưa cô ta đến đây?
Tôi không nói được, nếu không ông mục sư sẽ cắt đầu cô ta.
Đứa con có phải là con cô ta không?
Chắc vậy, nghe mọi người nói vậy.
Ai nói cho cô biết về cô ta?
À, Lizzie, hôm thứ hai. Tụi tôi ngó thấy cô ta đi ngang qua.
Cô cứ là huyên thuyên cái mồm khi có cái gì đi ngang qua.
Brangwen vẫn còn tư lự. Tối hôm đó anh lên Cossethay, đến quán Sư tử đỏ, có ý thăm dò thêm tin tức.
Cô ta là góa phụ của một bác sĩ người Ba Lan, anh nghe vậy. Chồng cô, một người lưu vong, đã chết ở London. Cô nói nghe có chút âm sắc lạ, nhưng người ta có thể dễ dàng hiểu được những gì cô nói. Cô có một con nhỏ tên là Anna. Lensky là tên cô, Bà Lensky.
Brangwen cảm thấy cuối cùng thì một cái gì không có thực đã hình thành ở đây. Anh cũng cảm thấy một điều chắc chắn kỳ lạ là cô ta được trời dành cho anh. Anh hạnh phúc khôn xiết khi biết cô ta là người ngoại quốc.
Đối với anh, đã xảy ra một sự thay đổi nhanh chóng trên mặt đất, như thể một cuộc sáng thế mới được thực hiện, và anh thực sự hiện hữu trong đó. Mọi thứ trước đây đã từng khắc nghiệt, không có thực, cằn cỗi, chỉ là những thứ vô giá trị đơn thuần thì nay là những thực tại mà anh có thể sờ mó.
Anh gần như không dám nghĩ về người phụ nữ. Anh sợ. Chỉ có điều anh luôn nhận thấy sự hiện diện của cô đâu đây, anh sống trong cô. Nhưng anh không dám biết cô, thậm chí không dám làm quen với cô qua những ý nghĩ về cô.
Một hôm anh gặp cô đi bộ trên đường với đứa bé gái. Cô bé có khuôn mặt giống như một nụ hoa táo đang nở, và mái tóc sáng bóng như lông tơ của cây cúc gai bung ra thành những mớ thẳng, hoang dại, cháy rực, và cặp mắt u sầu. Đứa bé bấu chặt lấy mẹ, trừng trừng đôi mắt đen phẫn nộ như ghen tị khi anh nhìn mẹ cô. Nhưng người mẹ liếc nhìn anh, cái nhìn gần như vô hồn. Và chính vẻ vô hồn trong cái nhìn của cô đã đốt cháy anh. Cô có đôi mắt to màu nâu xám với hai đồng tử sâu thẳm đen như hai hạt nhãn. Anh cảm thấy một ngọn lửa êm dịu chạy rân rân dưới làn da, như thể lửa đã bén trên bề mặt của tất cả mạch máu. Và trong vô thức anh tiếp tục bước đi.
Anh biết số phận của anh đang tới. Thế giới đang trải qua sự chuyển hóa. Anh không tác động gỉ hết: cái gì đến, sẽ đến.
Khi Effie, chị của anh, đến Trại Đầm chơi một tuần, anh đi lễ nhà thờ với chị một lần. Trong không gian nhỏ bé, với chục băng ghế, anh ngồi không xa người phụ nữ lạ mặt mấy. Có vẻ gì đó vừa dịu dàng vừa sầu thảm trong cái cách cô ngồi hai tay ôm cằm, ngửa mặt lên. Cô lạ lùng, xa cách mà thân mật. Cô từ xa tới, một hiện diện thật gần với lòng anh. Cô không thực sự đang ngồi đằng kia, trong nhà thờ Cossethay bên cạnh con gái của mình. Cô không sống cuộc sống hiển hiện trong những ngày này. Cô thuộc về một chốn khác. Anh chua xót nhận ra điều đó, như một cái gì có thực và tự nhiên. Nhưng cơn hãi sợ trước cuộc sống cứng nhắc của anh, một cuộc sống chỉ có ở Cossethay, bỗng dậy lên làm anh đau đớn, và khiến anh lo lắng.
Hai hàng lông mày rậm đen của cô gần chạm nhau trên cái mũi không cân xứng, và cái miệng rộng với cặp môi dày. Nhưng khuôn mặt ngước nhìn một cõi sống khác: không phải thiên đường hoặc cái chết, nhưng là một nơi nào đó cô vẫn sống, dù thân xác cô vắng mặt.
Đứa bé bên cạnh cô mở to đôi mắt đen nhìn ngó mọi thứ. Nó có vẻ gì đó ương bướng rất lạ, cái miệng nhỏ xinh môi hồng mím chặt. Hình như nó đang bo bo canh giữ một điều gì đó, luôn luôn tỉnh táo phòng thủ. Nó bắt gặp cái nhìn gần gũi, vô tư, thân thiết của Brangwen, và cơn căm ghét đến run người, gần như một ngọn lửa đau đớn, xâm chiếm cặp mắt đen mở to, tỉnh như sáo của nó.
Giọng ông mục sư già giảng kinh đều đều, Cossethay vẫn yên ắng như thường lệ. Và có một người phụ nữ ngoại quốc, với dáng vẻ khác thường, bất khả xâm phạm, và đứa con lạ kỳ, cũng người ngoại quốc, cứ bo bo canh giữ cái gì đó.
Tan lễ, anh bước vào một cuộc sống khác bên ngoài nhà thờ. Khi anh lần bước giữa hai hàng ghế trong nhà thờ với bà chị, phía sau hai mẹ con, đứa bé đột nhiên vùng ra khỏi tay mẹ, rồi chuồi người nhanh như chớp xuống gần dưới chân Brangwen nhặt cái gì đó. Những ngón tay bé xíu của nó xinh đẹp và lẹ làng, nhưng chúng bắt trượt cái hạt nút màu đỏ.
“Cháu tìm được gì không?” Brangwen hỏi cô bé.
Rồi anh nghiêng người xuống tìm cái nút. Nhưng cô bé đã lấy được nó, và đứng lùi lại ép nó vào cái áo khoác ngắn, cặp mắt đen tóe lửa nhìn anh, như thể cấm anh không được để ý đến nó. Rồi khi đã làm anh tắt tiếng, nó quay lại với “Bà mẹ” nhanh nhẹn, rồi bước xuống đường.
Bà mẹ vẫn điềm tĩnh theo dõi, không nhìn đứa con mà nhìn Brangwen. Anh nhận biết người phụ nữ nhìn anh, đứng đó lạc lõng nhưng đối với anh nàng toát ra ưu thế trong cuộc sống xa lạ của nàng.
Anh không biết phải làm gì, và quay qua chị mình. Nhưng anh không cưỡng lại được đôi mắt to xám, gần như trống rỗng mà đầy xúc động của cô.
“Mẹ, con muốn giữ nó, được không mẹ?” Giọng nói trong trẻo, tự hào của đứa bé vang lên. “Mẹ” – gần như lúc nào nó cũng gọi mẹ để nhắc mẹ nhớ đến nó – “mẹ” – nó không có gì để nói thêm nữa, bấy giờ mẹ nó đáp “Được con.” Nhưng, với óc sáng tạo sẵn có, cô bé loạng choạng chạy đi: “Tên của những người kia là gì?”
Brangwen nghe thấy câu trả lời trừu tượng:
Mẹ không biết, con à.
Anh bước xuống đường như thể đời sống không ở trong anh mà ở đâu đó ngoài kia.
“Người đó là ai?” Effie chị anh hỏi.
“Em không nói với chị được,” anh trả lời một cách vô thức.
“Cô ta là một người rất khó hiểu,” Effie nói, gần như lên án. “Còn đứa con thì y như bị tà thuật.”
“Bị tà thuật là sao?” Anh hỏi lại.
“Em cứ nhìn mà xem. Bà mẹ thì giản dị, chị có thể nói thế – nhưng đứa bé thì như thể một con nhóc bị đánh tráo. Nó phải đến ba mươi lăm tuổi.”
Nhưng anh không để ý. Chị anh nói thêm.
“Đó là người đàn bà dành cho em,” bà tiếp tục nói. “Em nên lấy cô ta.” Nhưng anh vẫn không để ý. Mọi chuyện cứ như vậy đã.
Một hôm, vào giờ uống trà, anh đang ngồi một mình bên bàn thì có tiếng gõ cửa chính. Anh giật mình như có điềm gở. Chưa từng có ai gõ cửa chính. Anh bật dậy và kéo chốt cửa, vặn cái chìa khóa to đùng. Khi anh vừa mở cửa thì người phụ nữ lạ đứng trên thềm.
“Ông có thể cho tôi một pao bơ được không?” cô hỏi, bằng cái giọng dửng dưng kỳ lạ của người nói tiếng nước ngoài.
Anh cố hiểu câu hỏi của cô. Cô đang nhìn anh với vẻ hồ nghi. Nhưng đằng sau câu hỏi, trong dáng đứng bất động của cô, có cái gì đó tác động đến anh?
Anh tránh qua một bên và lập tức cô bước vào nhà, như thể cánh cửa đã được mở ra để tiếp nhận cô. Điều đó làm anh giật mình. Thông lệ là mọi người phải đứng đợi ở bậc cửa cho đến khi được mời vào nhà. Anh đi xuống bếp và cô đi theo anh.
Anh dọn trà ra trên chiếc bàn gỗ được cạo rửa sạch, một ngọn lửa lớn đang cháy, con chó từ bếp lửa chồm dậy chạy đến bên cô. Cô đứng bất động trong bếp.
“Tilly,” anh gọi to, “trong nhà có chút bơ nào không?”
Người khách lạ đứng đó, lặng im trong chiếc áo choàng den.
“Cái gì?” tiếng inh ỏi từ xa vẳng tới.
Anh nói lớn lặp lại câu hỏi.
“Trong nhà chỉ còn chút bơ trên bàn đó thôi,” giọng lanh lảnh của Tilly từ chỗ vắt sữa đáp lại.
Brangwen nhìn lên bàn, thấy một miếng bơ to nằm trong dĩa, có đến một pao, tròn trịa in hình quả dấu và lá sồi.
“Cô không thể vào đây khi có việc cần cô sao?” anh thét lên.
“Sao, ông cần gì tôi?” Tilly cằn nhằn khi bước vào, tò mò liếc nhanh từ cánh cửa bên kia. Cô trông thấy người phụ nữ lạ, chằm chằm nhìn bằng đôi mắt lé, nhưng không nói gì.
“Trong nhà không còn chút bơ nào à?” Brangwen nóng nảy hỏi lại, như thể anh ra lệnh bằng câu hỏi của mình.
“Tôi đã bảo với ông còn chút ít trên bàn kìa,” Tilly đáp, cáu kỉnh vì không biết cách nào làm vừa lòng anh. “Ngoài ra không còn miếng nào khác.”
Một thoáng im lặng.
Người khách lạ lên tiếng, bằng giọng dửng dưng không lẫn vào đâu của một người phải nghĩ về điều mình nói trước hết.
“Vậy thì cám ơn anh nhiều. Tôi rất tiếc đã đến làm phiền anh.”
Vì hoàn toàn không hiểu hết phép tắc ứng xử, nên cô hơi lúng túng. Bất kỳ lời lẽ lịch sự nào cũng sẽ làm cho không khí trở nên hoàn toàn khách sáo. Nhưng đây là vì ý muốn bị lẫn lộn. Brangwen đỏ mặt trước những lời lẽ lịch sự của cô. Hơn nữa anh không muốn để cô về.
“Cầm lấy chỗ này, gói lại cho cô ấy,” anh bảo Tilly trong khi nhìn miếng bơ trên bàn.
Rồi anh lấy con dao sạch cắt bỏ mẩu bơ bị bẩn.
Cách nói của anh, “cho cô ấy”, chầm chậm thấm vào lòng người phụ nữ ngoại quốc, và nó làm Tilly giận dữ.
“Ông mục sư thường lấy bơ tại nhà gia đình Brown,” cô người làm ương ngạnh nói. “Sáng mai trước hết chúng tôi sẽ đánh bơ.”
“Vâng”– tiếng vâng lạ lẫm kéo dài – “vâng”, người phụ nữ Ba Lan nói, “Tôi đã đến nhà bà Brown, nhưng bà không còn bơ.”
Tilly hất đầu, ào ào nói rằng thông thường những người mua bơ không có cái kiểu đến một chỗ nào đó tùy thích rồi gõ cửa nhà người ta hỏi một pao bơ cần kíp trong khi người khác cũng không còn. Nếu cô đến nhà ông bà Brown, cô đến nhà ông bà Brown đi, thì chỗ bơ của tôi không xứng để dùng tạm bợ khi nhà Brown hết bơ đâu.
Brangwen hiểu rõ điều không muốn nói ra của Tilly. Nhưng người phụ nữ Ba Lan thì không hiểu. Và vì cô ta muốn lấy bơ cho ông mục sư, và vì Tilly sẽ đánh bơ vào sáng mai, cô hãy chờ đợi.
“Cô có thôi đi không,” Brangwen la lớn sau một hồi im lặng; và Tilly biến mất qua cánh cửa hẹp trong nhà.
“Tôi e rằng tôi không đến,” người khách lạ nói, nhìn anh dò la, như muốn hỏi anh thông thường thì phải làm gì.
Anh cảm thấy bối rối.
“Sao vậy?” anh nói, cố gắng thân mật và chỉ cho thấy muốn bảo vệ cô.
“Anh có…?” cô bắt đầu một cách cố ý. Nhưng cô vẫn băn khoăn, và cuộc trò chuyện sắp đến hồi kết thúc. Hai mắt cô lúc nào cũng nhìn anh, vì cô không biết nói ngôn ngữ của anh.
Họ đứng đối diện nhau. Con chó rời cô, đi tới anh. Anh cúi xuống với nó.
“Đứa bé của cô thế nào?” Anh hỏi.
“Vâng, cám ơn, nó rất khỏe,” cô trả lời, một kiểu nói lịch sự chỉ có trong tiếng ngoại quốc.
“Cô ngồi xuống đi,” anh nói.
Và cô ngồi xuống ghế, hai cánh tay mảnh mai, lòi ra qua những chỗ rách của cái áo choàng, đặt vào lòng.
“Cô chưa quen với vùng này,” anh nói, trong khi vẫn còn đứng trên tấm thảm, lưng quay về phía lò sưởi, không mặc vét, nhìn người phụ nữ bằng cái nhìn tò mò không giấu diếm. Vẻ tự tại của cô làm hài lòng anh và truyền cảm hứng cho anh, làm anh thoải mái một cách kỳ lạ. Có gì đó như là độc ác khi anh cảm thấy mình quá tự chủ và kiểm soát hoàn cảnh này.
Trong một thoáng ánh mắt cô dán trên người anh, dò hỏi, khi cô nghĩ về ý nghĩa của lời anh nói.
“Đúng,” khi đã hiểu, cô nói. “Đúng, đây là miền đất lạ.”
“Chắc cô thấy ở đây hoang sơ lắm hả?” anh hỏi.
Cô nhìn anh chờ đợi trong giây lát, để anh lặp lại câu hỏi.
“Đối với cô, lối sống của chúng tôi là thô thiển phải không?” anh nhắc lại.
“Vâng, vâng, tôi hiểu. Vâng, nó khác, nó lạ lẫm với tôi. Nhưng tôi đã sống ở Yorkshire.”
“Ồ vậy à?” anh thốt lên. “Ở đây không tệ như vùng trên đó đâu.”
Cô hoàn toàn không hiểu. Phong cách bảo bọc, thái độ tự tin, và sự thân mật của anh làm cô bối rối. Anh muốn nói gì? Nếu anh ngang hàng với cô, vì sao anh đối xử với cô không chút khách sáo vậy?
“Không…” cô đáp mơ hồ, mắt không rời anh.
Cô nhìn anh cái nhìn tinh khôi, hồn nhiên, vụng dại, và gần như hoàn toàn không liên quan gì đến con người cô. Nhưng anh đẹp trai, với mái tóc vàng hoe và cặp mắt xanh đầy sinh lực; và với thân hình khỏe mạnh có vẻ như xứng với cô. Cô không ngừng nhìn anh. Anh thật khó hiểu đối với cô, nhiệt tình, vụng về, và tự tin, đứng vững vàng trên đôi chân của mình như không hề biết thiếu tự tin là gì. Vậy thì cái gì đem lại cho anh ta sự vững tin kỳ lạ đó?
Cô không biết. Cô tự hỏi. Cô nhìn quanh căn phòng anh ở. Nó toát lên không khí thân mật làm mê hoặc cô và gần như làm cô sợ. Đồ đạc cũ kỹ và gần gũi như những người già, cả căn phòng có vẻ như quá quen thuộc với anh, như thể nó dự phần vào hiện hữu của anh, khiến cô khó chịu.
“Anh đã sống một thời gian dài trong căn nhà này, phải không?” cô hỏi.
“Tôi sống ở đây từ hồi nào đến giờ,” anh đáp.
“Vâng, nhưng cha mẹ anh, gia đình anh thì sao?”
“Chúng tôi ở đây trên hai trăm năm,” anh nói. Đôi mắt cô lúc nào cũng dán chặt vào anh, mở to và cố gắng nắm bắt anh. Anh cảm thấy anh có mặt ở đây vì cô.
“Đây là chỗ ở riêng của anh, ngôi nhà, nông trại…?”
“Vâng,” anh trả lời. Anh liếc xuống và bắt gặp cái nhìn của cô. Nó khiến cô lúng túng. Cô không biết anh. Anh là người ngoại quốc, họ không có gì liên quan với nhau. Nhưng cái nhìn của anh khuấy động cô, khiến cô muốn tìm hiểu thêm về anh. Anh tự tin và thẳng thắn một cách kỳ lạ.
“Anh sống hoàn toàn cô đơn?”
“Vâng, nếu cô gọi đó là cô đơn.”
Cô không hiểu. Nghe có vẻ lạ lẫm với cô. Nói vậy nghĩa là gì?
Và bất cứ khi nào đôi mắt cô, sau một hồi nhìn anh, thế nào cũng gặp anh nhìn lại, thì cô nhận biết ý thức mình đang dậy sóng. Cô ngồi bất động và giằng xé. Người đàn ông lạ lùng mà bỗng dưng gần gụi với cô đây là ai? Điều gì đang xảy ra với cô? Một cái gì trong đôi mắt trẻ trung, long lanh ấm áp của anh dường như thể hiện quyền hành đối với cô, muốn nói với cô, muốn mở rộng sự bảo bọc. Nhưng bằng cách nào? Tại sao anh nói với cô? Tại sao đôi mắt anh nhất quyết đến thế, đầy ánh sáng và tự tin đến thế, không chờ đợi sự ưng thuận lẫn tín hiệu.
Tilly quay lại với một bẹ lá to và thấy hai người lặng im. Lập tức anh cảm thấy mình có bổn phận phải nói, vì cô giúp việc đã quay lại.
“Đứa bé mấy tuổi?” anh hỏi.
“Bốn tuổi,” cô trả lời.
“Vậy thì bố nó mất chưa lâu phải không?” anh hỏi.
“Nó được một tuổi thì anh ấy mất.”
“Ba năm rồi?”
“Vâng, anh ấy mất đã ba năm, vâng.”
Cô kín đáo một cách kỳ lạ, hầu như lơ đãng, khi trả lời các câu hỏi. Cô lại nhìn anh, vẻ thiếu nữ hiện lên trong mắt. Anh có cảm giác bất động, không thể tiến tới cũng không thể lùi lại. Có cái gì đó nơi cô làm anh đau, cho đến khi anh cứng cỏi trước cô. Anh nhận ra vẻ ngạc nhiên thiếu nữ sáng lên trong mắt cô.
Tilly đưa bơ cho cô, cô đứng lên.
“Cám ơn nhiều lắm,” cô nói. “Bao nhiêu tiền chỗ bơ này?”
“Chúng tôi tặng ngài mục sư làm quà,” anh nói. “Phòng những ngày tôi không đi nhà thờ được.”
“Sẽ tốt hơn nếu anh đi nhà thờ và lấy tiền chỗ bơ này,” Tilly đáp, vẫn cái giọng lì lợm với anh.
“Cô không được chen ngang như thế.” Anh nói.
“Thưa bao nhiêu tiền ạ?” cô gái Ba Lan hỏi Tilly. Brangwen không nói gì.
“Vậy cám ơn ông,” cô nói.
“Hôm nào đưa cô bé xuống đây chơi, cho nó xem gà và ngựa, nếu nó thích,” anh nói.
“Vâng, nó sẽ rất thích,” người khách lạ đáp.
Rồi cô ra đi. Brangwen đứng ủ dột trông theo. Anh không thể nhận ra Tilly đang dòm anh khó chịu, muốn được trấn an. Anh không thể nghĩ về bất cứ cái gì. Anh cảm thấy mình có một mối liên hệ vô hình nào đó với người đàn bà xa lạ này.
Trí óc anh mê mẩn, một tâm điểm suy tư mới hình thành trong đầu anh. Trong lồng ngực, tận ruột gan, đâu đó trong thân thể anh một cái gì đó đang bắt đầu cựa quậy. Như thể như một luồng sáng mạnh mẽ đang bừng cháy, và anh bị lóa mắt, không biết gì, ngoại trừ sự biến đổi cháy lên giữa anh và cô, nối kết họ lại, tựa một sức mạnh bí mật.
Từ khi cô đến nhà, anh luôn ở trong tâm tưởng đê mê, gần như không nhìn ngay cả những vật anh đang cầm nắm, tâm hồn bồng bềnh, lặng im, trong trạng thái chuyển hóa. Anh phục tùng những gì đang xảy ra với anh, buông thả ý chí, chịu lạc mất chính mình, lúc nào cũng lơ mơ như sắp chìm vào ngây ngất, như một tạo vật đang hóa thân dần dần vào một cuộc sinh thành mới.
Cô hai lần đi với con gái đến nông trại, nhưng có một khoảng yên ắng, một khoảng lặng ghê gớm và không khí thụ động như đờ đẫn giữa họ, cho nên không có sự thay đổi đáng kể nào xảy ra. Anh hầu như không nhận thấy đứa bé, nhưng nhờ tâm trạng sảng khoái tự nhiên anh chiếm được lòng tin của nó, thậm chí cả cảm tình của nó: anh đặt nó lên ngựa cưỡi, đưa nó hạt ngũ cốc để nó cho gà ăn.
Một lần gặp hai mẹ con trên đường, anh chở họ đi từ Ilkeston. Đứa bé nằm cuộn tròn sát bên anh như để tìm sự âu yếm, còn bà mẹ ngồi không nhúc nhích. Một cái gì mơ hồ tựa màn sương mỏng trùm lên họ, và sự lặng im bao vây họ như thể mọi ý chí của họ bị treo lửng. Anh chỉ thấy hai bàn tay không đeo găng của cô, chắp lại trước bụng, và anh để ý thấy chiếc nhẫn cưới trên ngón tay cô. Nó loại bỏ anh ra: nó là một vòng tròn khép kín. Nó cột chặt nàng, chiếc nhẫn cưới, nó tượng trưng cho cuộc đời nàng, một cuộc đời mà anh không thể dự phần. Tuy vậy, vượt qua tất cả, vẫn có anh và nàng, hai người vẫn sẽ gặp gỡ.
Khi anh đỡ cô xuống xe, gần như bế cô, anh cảm thấy anh có quyền bế cô như thế giữa hai tay anh. Cho đến lúc này cô vẫn thuộc về người khác, thuộc về dĩ vãng. Nhưng anh cũng phải chăm sóc cô. Cô tràn đầy sức sống, cô không thể bị bỏ quên.
Đôi khi sự mơ hồ của cô làm anh quờ quạng và giận dữ. Nhưng đến lúc này anh vẫn giữ được bình tĩnh. Cô không có một hồi đáp nào, không hướng về anh. Điều đó làm tâm trí anh mù mịt và điên tiết, nhưng anh đành chấp nhận một thời gian dài. Và rồi, từ những bực bội tích tụ do cô phớt lờ anh, dần dần bùng nổ thành lửa giận, anh muốn bỏ đi, muốn thoát khỏi cô.
Tình cờ cô đi cùng con gái xuống trại Đầm khi anh đang ở trong tâm trạng đó. Thế là anh đứng chắn trước mặt cô, mạnh mẽ và trầm trọng trong tư thế nổi loạn, và dù không nói tiếng nào, cô vẫn cảm thấy cơn giận và thái độ mất kiên nhẫn đáng sợ của anh siết chặt lấy cô, người cô lại rung lên vì đờ đẫn. Trái tim cô lại thót lên một nhịp, cô nhìn anh, nhìn con người xa lạ không phải là một kẻ hào hoa phong nhã nhưng cứ khăng khăng đòi đi vào đời cô, và niềm đau của sự tái sinh chảy qua các mạch máu cô thành một hình dạng mới. Cô sẽ phải bắt đầu lại, để tìm cho ra một hiện hữu mới, một hình thức mới, để đáp lại cái dáng vẻ lì lợm đang đứng chắn trước mặt cô.
Một cơn run rẩy, một cơn sốt của sự phục sinh lướt qua cô, ngọn lửa tình trùm lên anh, rần rần dưới da. Cô cần nó, cuộc sống mới này từ anh, với anh, nhưng cô phải chống lại nó, vì đó là sự hủy hoại.
Khi anh làm việc một mình trên đồng ruộng, hay lúc ngồi canh những ả cừu sắp đẻ, thì những sự kiện và vật liệu của đời sống hằng ngày của anh tan biến dần, chỉ điều chính yếu trong mục đích của anh là còn nguyên vẹn. Và anh đột nhiên nghĩ rằng anh sẽ lấy cô và cô sẽ là cuộc sống của anh.
Dần dần, thậm chí không nhìn cô, anh vẫn nhận biết cô. Anh vẫn thích nghĩ về cô như một cái gì anh được giao để bảo vệ, như đứa trẻ mồ côi. Nhưng anh tự ngăn cản mình. Anh phải rời khỏi viễn cảnh dễ chịu đó. Cô ta có thể từ chối anh. Và ngoài ra, anh sợ cô.
Nhưng trong suốt những đêm dài tháng Hai ngồi canh những con cừu ở cữ, từ chuồng trại nhìn ra những ngôi sao nhấp nháy, anh biết anh không thuộc về chính mình. Anh phải thừa nhận rằng anh chỉ là những mảnh rời rạc, một cái gì bất toàn và phụ thuộc. Trên bầu trời đen thẫm những ngôi sao đang di chuyển, có rất nhiều ngôi sao đi theo một cuộc hành trình vĩnh cửu nào đó. Cho nên anh thấy mình nhỏ bé và tuân phục một thiết trí vĩ đại.
Nếu cô không đến với anh, anh hẳn vẫn ở trong tình trạng trống rỗng. Đó là một trải nghiệm khó chịu. Nhưng, sau khi cô liên tục tỏ thái độ lạnh nhạt, sau khi anh nhận ra rằng anh không hiện hữu cho cô, sau khi anh tức tối và tìm cách trốn chạy, và nhủ rằng anh sống một mình cũng chẳng sao, anh là một thằng đàn ông, và có thể sống một mình, dưới bầu trời đầy sao anh phải khiêm tốn thừa nhận và biết rằng không có cô anh chẳng là gì cả.
Anh là hư vô. Nhưng có cô, anh sẽ tồn tại thực. Nếu lúc này cô đi ngang bãi cỏ ướt sương gần chuồng cừu, nghe lũ cừu mẹ cừu con kêu la, cô sẽ mang đến cho anh sự trọn vẹn và hoàn hảo. Và nếu là như vậy, cô sẽ đến với anh! Sẽ như vậy – số mệnh sẽ được đinh đoạt như vậy.
Lâu nay anh đã quyết chí hỏi cô làm vợ. Và anh biết, nếu anh hỏi cưới cô, cô phải nhận lời. Cô phải nhận lời, không thể khác được.
Anh đã hiểu đôi chút về cô. Cô nghèo, hoàn toàn đơn độc, và đã có thời gian khổ sở ở London, cả trước và sau khi chồng chết. Nhưng ở Ba Lan cô là một tiểu thư con nhà dòng dõi, con gái của một địa chủ.
Tất cả những điều này anh chỉ nghe đồn thổi, rằng cô thuộc con nhà dòng dõi, rằng chồng cô từng là một bác sĩ xuất sắc, rằng bản thân anh thua kém cô về mọi phương diện. Có một thực tại bên trong, một luận lý của tâm hồn, nối kết cô với anh.
Một tối tháng Ba, khi gió gầm rú bên ngoài trời, cơ hội hỏi cưới cô đã đến. Anh ngồi duỗi hai tay, nghiêng người xuống đống lửa. Và khi anh chăm chú nhìn đống lửa, hầu như không cần suy nghĩ anh vẫn biết rằng tối nay anh sẽ đi.
“Có cái áo sạch sẽ nào cho tôi không?” anh hỏi Tilly.
“Ông biết rõ là có áo sạch mà,” cô đáp.
“Ờ, lấy cho tôi cái áo trắng.”
Tilly đem ra một trong những cái áo vải lanh cha anh để lại, để trước mặt anh để hơ lửa. Cô thương anh, một thứ tình thương câm nín, xót xa khi anh ngồi gập người bó gối, lặng lẽ và mê mải, không hay biết cô. Mới gần đây, cô hay run rẩy muốn khóc to lên khi cô làm cái gì đó cho anh trước mặt anh. Còn bây giờ hai tay cô lẩy bẩy khi cô trải cái áo sơ-mi ra. Anh không bao giờ la mắng hay chọc ghẹo cô. Sự tĩnh lặng như tờ trong ngôi nhà làm cô rùng mình.
Anh đi vào phòng tắm. Ý thức anh dường như dâng lên từng cơn, từng cơn lạ lùng và bùng vỡ như bong bóng từ sâu thẳm yên ắng của lòng anh.
“Việc này phải làm thôi,” anh nói khi cúi lấy cái áo khỏi tấm chắn lò sưởi, “việc này phải làm, vậy tại sao lại chùn bước chứ?” Và khi anh chải tóc trước cái gương treo trên tường, anh tự trả lời cho có: “Người đàn bà này không câm. Cô cũng không phải là vú nuôi. Cô có quyền tự làm mình vui lòng và làm người khác khó chịu, theo ý cô.”
Vệt suy nghĩ thường tình này đưa anh đi xa thêm một chút.
“Ông cần gì nữa không?” Tilly hỏi, đột ngột xuất hiện, nghe hết anh nói gì. Cô đứng nhìn anh chải hàm râu đẹp. Hai mắt anh bình thản nhìn không chớp.
“À,” anh đáp, “cô để cái kéo ở đâu?”
Cô đem cái kéo đến cho anh, và đứng chăm chú nhìn anh chìa cằm ra cạo râu.
“Đừng đi hớt tóc ngắn như thể ông sắp tham dự cuộc thi xén lông cừu đấy nhé,” cô lo lắng nói. Anh thổi bay tắp lự khỏi môi một sợi râu quăn đẹp.
Anh mặc tất cả quần áo sạch, cẩn thận gấp những bộ đồ khác, rồi khoác chiếc áo khoác đẹp nhất. Rồi trong trạng thái sẵn sàng, khi ánh chiều tà ảm đạm buông xuống, anh đi ra vườn hái những bông hoa thủy tiên vàng. Gió quần thảo trên những cây táo, những đóa hoa vàng lay lắt dữ dội, anh thậm chí nghe thấy tiếng rì rào của lá khi nghiêng người ngắt những cuống hoa dập nát.
“Tình hình thế nào?” một người bạn gặp anh ở cổng vườn kêu lên.
“Mới có theo đuổi thôi,” Brangwen đáp.
Còn Tilly, trong tâm trạng hoang mang và kích động, để mặc cho gió xô đẩy cô băng qua cánh đồng đến cánh cổng lớn, ở đó cô có thể trông thấy anh đi.
Anh lên đồi và từ đó đi tới nhà cha xứ, gió vẫn gào thét qua những bờ dậu, trong khi anh vẫn cố ôm giữ trong mình bó hoa thủy tiên vàng. Anh không nghĩ ngợi gì, chỉ biết rằng gió đang thổi mạnh.
Đêm đang lan tỏa, những cành cây trụi lá rít lên từng chặp. Cha xứ, anh biết, đang ở trong phòng làm việc, người phụ nữ Ba Lan ở dưới bếp, một phòng khá tiện nghi, với con gái. Trong ánh chiều sẫm tối dần, anh bước qua cổng và đi theo con đường có những bông hoa thủy tiên vàng đang lả xuống trước gió, và những củ nghệ tây bể nát thành một đống nhòe nhoẹt.
Từ trong nhà bếp, một luồng ánh sáng trải ra đến những bụi cây sau nhà. Anh chợt thấy ngần ngừ. Phải làm sao đây? Nhìn qua cửa cổ, anh thấy cô ngồi trên ghế lắc với đứa bé đã mặc đồ ngủ ngồi trên gối cô. Cái đầu dễ thương với mái tóc rối bời xổ tung về phía bếp lửa ấm, và ánh lửa phản chiếu lên hai má sáng tươi và làn da trắng sạch của đứa bé, nó có vẻ đang trầm tư hệt như một người lớn. Khuôn mặt người mẹ u tối và bình thản, và anh chợt đau đớn nhận ra rằng cô ta đã lùi xa vào dĩ vãng của mình. Mái tóc đứa bé ánh lên như thủy tinh xoắn, gương mặt nó được chiếu sáng như thể có sáp ong thắp lên từ bên trong. Gió vẫn gào rú. Mẹ và con ngồi bất động, không nói năng gì, đứa con nhìn chăm chăm vào bếp lửa với đôi mắt đen trống rỗng, người mẹ thì nhìn vào khoảng không. Bé gái thiu thiu ngủ. Chính ý chí đã giữ cho đôi mắt nó mở to.
Đột nhiên cô nhìn quanh, lo lắng, khi gió làm rung chuyển căn nhà, và Brangwen nhìn thấy đôi môi nhỏ của cô động đậy. Người mẹ bắt đầu cựa quậy trên ghế, anh nghe thấy tiếng cọt kẹt. Rồi anh nghe giọng trầm, đều đều cất lên một bài hát tiếng nước ngoài. Và gió bùng lên dữ dội, người mẹ dường như đã buông xuôi, hai mắt của đứa con tối lại trong khi vẫn mở lớn. Brangwen nhìn lên những đám mây đang dồn dập kết thành từng khối ghê sợ trên bầu trời sẫm tối.
Giọng kêu ca nhưng đầy uy quyền của đứa bé cất cao:
“Mẹ đừng hát cái bài đó; con không muốn nghe.”
Tiếng hát im bặt.
“Con phải vào giường thôi,” người mẹ lên tiếng.
Anh thấy sự ương ngạnh của đứa con, sự thờ ơ vô cảm của người mẹ, sự cố gắng đeo bám, ham hố của đứa con. Bất ngờ một thách thức trẻ con rõ ràng:
“Con muốn mẹ kể chuyện.”
Gió thổi, câu chuyện bắt đầu, đứa bé nép vào lòng mẹ, Brangwen hồi hộp đợi bên ngoài, nhìn cây lá tơi bời trong gió và nhìn bóng đêm đặc quánh dần. Anh có một định mệnh phải theo đuổi, anh đứng nấn ná ở đó, nơi ngưỡng cửa.
Đứa bé thu mình thành một khối tròn bất động trong lòng mẹ, cặp mắt đen không chớp giữa những lọn tóc xoăn, như con thú nhỏ cuộn mình ngủ say ngoại trừ đôi mắt. Người mẹ ngồi như thể chìm trong bóng tối, câu chuyện cứ thế tuôn tràn. Brangwen đứng bên ngoài nhìn đêm xuống. Anh không nhận biết thời gian đang trôi đi. Bàn tay cầm những đóa thủy tiên vàng cứng lại và lạnh cóng.
Câu chuyện sắp đến hồi kết thúc, người mẹ cuối cùng cũng đứng lên, đứa con quàng tay chặt quanh cổ mình. Cô hẳn phải khỏe lắm mới có thể mang nhẹ tênh một đứa trẻ lớn như thế. Cô bé Anna ôm cứng cổ mẹ. Khuôn mặt dễ thương, lạ lẫm của đứa bé trên vai mẹ trông có vẻ buồn ngủ lắm rồi ngoại trừ đôi mắt, và đôi mắt lớn và đen huyền này vẫn giữ vẻ ương ngạnh và chống đối lại một cái gì vô hình.
Khi họ đi khuất, Brangwen lần đầu tiên rời khỏi chỗ anh đứng nãy giờ, và nhìn bóng đêm vây quanh. Anh mong sao bóng đêm thực sự êm đềm và thân thuộc như anh đang mơ hồ nhận ra trong khoảnh khắc nhẹ nhõm này. Cùng với đứa trẻ, anh cảm thấy một sự căng thẳng khác thường, một nỗi đau đớn, như một định mệnh.
Người mẹ trở lại, và bắt đầu xếp quần áo con. Anh gõ cửa. Cô vừa mở cửa vừa lấy làm kinh ngạc, hơi khựng lại, như một người lạ, khó chịu.
“Chào cô,” anh lên tiếng. “Tôi chỉ đến một chút.”
Mặt cô thoáng biến sắc; cô không chuẩn bị. Cô lom lom nhìn anh vì anh đang đứng trong vùng ánh sáng tỏa ra từ cửa sổ, tay cầm mấy bông hoa thủy tiên vàng, bóng tối sau lưng. Anh mặc bộ đồ sẫm màu, cô một lần nữa không nhận ra anh. Cô gần như sợ.
Nhưng anh đã bước lên bậc cửa rồi, và khép cánh cửa lại sau lưng. Cô quay trở lại bếp, hoảng sợ đến điếng người trước cuộc đột nhập từ ngoài đêm tối kiểu này. Anh lấy mũ ra, và tiến gần đến cô. Đoạn anh đến đứng dưới ánh đèn, trong bộ đồ màu sẫm và khăn choàng cổ màu đen, một tay cầm mũ, một tay cầm những bông hoa vàng. Cô đứng lùi lại, phó mặc trước anh, lòng dạ rối bời. Cô không biết anh, cô chỉ biết anh là người đàn ông đến đây vì cô. Cô chỉ có thể nhìn thấy cái bộ dạng một người đàn ông phục sức huyền bí đứng đó sát ngay cô, và một bàn tay nắm chặt những cành hoa. Cô không thể nhìn khuôn mặt và đôi mắt sống động kia.
Anh nhìn cô chăm chăm, không biết gì về cô, chỉ cảm nhận những bí mật ẩn sau sự hiện diện của cô.
“Tôi đến để nói với cô một đôi lời,” anh nói, rảo bước đến cái bàn, đặt mũ và hoa xuống, những đóa hoa rời ra, nằm xen lẫn lên nhau. Cô đã hơi lùi lại khi anh bước tới. Cô không cứng rắn, không sức sống. Gió giật ầm ầm trên ống khói, và anh chờ đợi. Hai bàn tay anh giờ đã duỗi ra tự nhiên.
Anh biết cô đứng đó xa cách, sợ hãi tuy vẫn gần gũi với anh.
“Tôi tới đây,” anh nói, nghe ngang ngang kỳ cục, “đề hỏi cô có lấy tôi không. Cô không bị ràng buộc mà, phải không?”
Im lặng một hồi lâu. Trong khi đó đôi mắt xanh, vô cảm lạ lùng của anh nhìn thẳng vào mắt cô tìm câu trả lời cho sự thực. Anh đang tìm sự thực từ cô. Và cuối cùng, như thể bị thôi miên, cô phải trả lời.
“Vâng, tôi tự do lập gia đình.”
Biểu cảm trong mắt anh thay đổi, bớt lạnh lùng hơn, hầu như anh chỉ nhìn cô, để tìm sự thực. Cái nhìn chăm chú không dứt vào một chỗ, như không bao giờ khác đi nữa. Có vẻ như nó dán chặt vào cô, thuyết phục cô. Cô run rẩy, cảm thấy mình như mới được sinh ra, yếu ớt, muốn sà vào lòng anh, buông thả vào một ý nguyện chung với anh.
“Anh muốn lấy tôi?” cô hỏi.
Mặt anh chợt tái nhợt.
“Vâng,” anh đáp.
Vẫn không có hồi đáp. Và im lặng.
“Không,” cô nói một cách vô ý thức. “Không, tôi không biết.”
Anh cảm thấy sự căng thẳng vỡ ra, hai nắm tay nới lỏng, anh đứng đó bất động nhìn cô, bất lực với cảm giác suy sụp. Trong phút chốc cô trở nên không có thực đối với anh. Sau đó anh thấy cô đi thẳng đến gần anh một cách lạ lùng, như thể không chuyển động, mà theo một dòng chảy đột ngột. Cô đặt tay lên áo vét anh.
“Vâng tôi muốn,” cô nói, lạnh lùng nhìn anh bằng đôi mắt lớn, thành thực, vừa mở ra, bây giờ mở ra với sự thực tối quan trọng. Anh trắng bệch ra khi đứng không động đậy, chỉ có hai mắt bị hút chặt vào cô, và anh đau đớn. Cô dường như nhìn anh bằng đôi mắt lớn vừa mở ra, của một đứa trẻ, và với một cử động khó hiểu, làm anh khổ sở, cô chầm chậm ngước khuôn mặt bí ẩn và nâng bầu ngực về phía anh, gợi một nụ hôn khiến đầu óc anh như có cái gì đó nổ tung, và trong phút chốc bóng tối vây phủ quanh anh.
Anh quàng tay ôm cô, và hôn cô trong cơn mê muội. Và đó là cơn đau dữ dội xé nát anh thành từng mảnh. Cô cứ như thế nhỏ bé và nhẹ nhõm và ngoan ngoãn trong vòng tay anh, như một đứa trẻ, và tuy vậy, với một cái ôm nhiều gợi ý như thế, một cái ôm bất tận, anh cảm thấy không kham nổi, không chịu nổi.
Anh quay người lại tìm cái ghế trong khi vẫn giữ yên cô trong tay, ngồi xuống với cô sát bên cạnh, kéo cô vào ngực. Rồi bất chợt, anh cảm thấy buồn ngủ ghê gớm, bị phong kín trong giấc ngủ mịt mùng, tuyệt đối quên lãng.
Từ giây phút đó anh dần dần tỉnh lại, lúc nào cũng ôm cô nồng ấm vào lòng, và hoàn toàn lặng lẽ như anh, cô cũng chìm vào cơn lãng quên đó, vào bóng tối mênh mông.
Anh dần dần tỉnh lại, nhưng anh mới được thành hình như sau thời kỳ thai nghén, một cuộc đời mới nảy sinh trong tử cung của bóng tối. Mọi thứ nhẹ bổng và lơ lửng, tinh khôi như ban mai, tươi mát và khởi nguyên. Như ngày đang rạng mà cái mới toanh và niềm vui sướng đổ đầy vào. Và cô ngồi im lặng tuyệt đối bên anh, như nhập làm một với anh.
Rồi cô ngước nhìn anh, đôi mắt lớn trẻ trung cháy sáng. Và anh nghiêng người, hôn lên môi cô. Và hừng đông cháy rực trong lòng họ, cuộc sống mới của họ đã đến, vượt qua mọi ý niệm về hạnh phúc, nó quá đẹp đến độ gần giống như một kết thúc, một tội lỗi. Anh đột ngột kéo sát cô vào lòng.
Vì ánh đèn đã bắt đầu mờ dần quanh cô, và vì cô đang ở trong vòng tay anh, cô rụt cổ lại, đầu tựa vào anh, lặng lẽ, thiếp đi, khép nép vì mệt mỏi. Và trong sự mệt mỏi của cô có cái gì đó như là từ chối anh.
“Còn đứa con,” cô nói, sau hồi lâu im lặng.
Anh không hiểu. Thật lâu anh mới nghe được giọng nói. Bây giờ anh lại còn nghe gió ù ù thổi như thể nó vừa nổi lên lần nữa.
“Vâng,” anh trả lời nhưng không hiểu gì. Tim anh se thắt, chân mày nhíu lại. Anh muốn nắm bắt một cái gì đó nhưng không được.
“Anh sẽ yêu thương nó chứ?” cô hỏi.
Một lần nữa anh thấy lòng mình đau thắt.
“ Giờ tôi đã thấy yêu thương nó,” anh nói.
Cô vẫn lặng lẽ dựa vào anh, lấy hơi ấm thân thể anh mà không hay biết. Đối với anh nó xác nhận mạnh mẽ cảm giác cô có đây, đang hấp thu hơi ấm từ anh, giao phó cho anh sức nặng và lòng tự tin kỳ lạ của cô. Nhưng cô đâu rồi, sao cô có vẻ xa xăm quá vậy? Trí óc anh đầy thắc mắc. Anh không hiểu cô.
“Nhưng tôi lớn tuổi hơn anh nhiều,” cô nói.
“Cô bao nhiêu tuổi?” anh hỏi.
“Tôi ba mươi tư tuổi,” cô trả lời.
“Tôi hăm tám,” anh nói.
“Hơn sáu tuổi.”
Cô lo lắng khác thường, không biết mình có vui lòng vì nói ra điều đó không. Anh ngồi, lắng nghe và thắc mắc. Thật tuyệt khi cô không hay biết gì, vẫn dựa vào anh, và anh nâng cô lên bằng hơi thở phập phồng của mình, cảm thấy sức nặng thân thể cô đè lên cuộc sống anh, và anh có cảm giác đó là một cái gì trọn vẹn, một quyền lực bất khả xâm phạm. Anh không muốn quấy rầy cô. Anh thậm chí không biết cô. Kỳ lạ là cô nằm đó với tất cả sức nặng phó thác cho anh. Anh sung sướng ngồi lặng im. Anh cảm thấy mạnh mẽ, về mặt thể chất, có thể nâng cô lên bằng hơi thở của mình. Sự trọn vẹn lạ lẫm, bất khả xâm phạm của hai người khiến anh có cảm giác tự tin và vững chắc như Thượng đế. Anh vui vẻ tự hỏi liệu ngài mục sư sẽ nói gì nếu ông biết chuyện.
“Cô không cần ở đây làm quản gia lâu hơn nữa,” anh nói.
“Tôi thích ở đây,” cô đáp. “Khi đã ở nhiều nơi, ta sẽ thấy đây là một chỗ tốt.”
Anh lại im lặng. Cô gần gụi anh thế này, vậy mà trả lời anh quá xa cách. Nhưng anh không coi trọng điều đó.
“Nhà riêng của cô thế nào khi cô còn nhỏ?” anh hỏi.
“Cha tôi là điền chủ,” cô trả lời. “Nhà tôi nằm cạnh một con sông.”
Điều này không có ý nghĩa gì nhiều với anh. Mọi thứ lại mơ hồ như trước. Nhưng anh không quan tâm trong khi cô đang rất gần gũi.
“Tôi cũng là điền chủ – nhưng nhỏ thôi,” anh nói.
“Vâng,” cô nói.
Anh không dám động đậy. Anh ngồi đó, hai tay choàng ôm cô, cô đang nằm im lìm theo hơi thở của anh, và anh không cựa quậy suốt hồi lâu. Rồi thật dịu nhẹ, rụt rè, bàn tay anh đậu xuống một chỗ nào đó tròn lẳn của cánh tay cô. Dường như cô thu mình sát vào anh hơn. Anh cảm thấy ngọn lửa nóng bỏng bò từ hạ thể lên ngực anh.
Nhưng còn quá sớm. Cô đứng dậy, đi ngang qua phòng đến ngăn tủ lấy miếng vải khay. Trông cô lặng lẽ và chuyên nghiệp. Cô từng là y tá bên cạnh chồng khi hai người ở Warsaw và trong cuộc nổi loạn sau đó. Cô dọn khay ra. Dường như cô không để ý đến Brangwen. Anh nhổm dậy, không chịu đựng nổi sự nghịch lý nơi cô. Cô xịch tới xịch lui một cách bí hiểm.
Rồi khi anh ngồi đó, miên man suy nghĩ và ngạc nhiên, thì cô đến gần anh, nhìn anh bằng đôi mắt màu xám mở to gần như cười ngời rạng. Nhưng cái miệng vừa xinh vừa xấu của cô vẫn bất động và buồn bã. Anh hơi sợ.
Hai mắt anh, căng thẳng vì thiếu ngủ, nhíu lại trước mặt cô, cảm thấy chính anh cũng đang rúm ró, nhưng tuy vậy anh vẫn đứng lên, như là nghe theo cô, rồi nghiêng người hôn lên cái miệng rộng với đôi môi dày buồn bã của cô, nó đón nhận cái hôn, nhưng không thay đổi điều gì. Nỗi sợ quá lớn trong anh. Một lần nữa anh lại vuột cô.
Cô quay đi. Gian bếp nhà mục sư bừa bộn, nhưng anh thấy nó hay hay với vẻ lôi thôi của cô và con gái cô. Vẻ xa cách nơi cô thật tuyệt, và rồi một cái gì đó động đậy trong anh khiến tim anh đập mạnh trong lồng ngực. Anh đứng đó chờ đợi, lửng lơ.
Cô lại đến gần anh, khi anh đứng trong bộ đồ sẫm màu, đôi mắt xanh sáng trưng bối rối, mặt mũi sống động nhưng căng thẳng, tóc tai rối bù. Cô đến sát anh, sát cái thân thể căng cứng khoác toàn đen, đặt tay lên cánh tay anh. Anh vẫn không nhúc nhích. Bóng tối của ký ức trong đáy mắt cô vùng vẫy với cơn đam mê nguyên thủy và náo động, cô vừa muốn từ khước anh vừa muốn hút hết anh vào mình. Nhưng anh vẫn đứng im. Anh thở mệt nhọc, mồ hôi tứa ra nơi chân tóc và trên trán.
“Anh có muốn cưới tôi không?” cô từ tốn hỏi, vẫn với giọng băn khoăn.
Anh sợ mình không thốt nên lời bèn hít một hơi sâu, nói nhanh:
“Tôi muốn.”
Lại một lần nữa, anh cảm thấy khổ sở, khi cô nhẹ nhàng đặt tay lên cánh tay anh, hơi nghiêng người tới, và với một cử chỉ khêu gợi ôm ấp lạ lùng của thời hoang sơ, cô chìa môi cho anh. Cái miệng vừa xinh vừa xấu ấy, anh không chịu nổi. Anh đặt môi lên môi cô, và chậm rãi, chậm rãi một cái hôn đáp lại, đầy sức mạnh và đam mê cho đến khi anh có cảm giác cô đang la hét vào tai anh và rồi anh không chịu xiết nữa. Anh lùi ra, tái nhợt, thở hổn hển. Chỉ còn trong cặp mắt xanh của anh một cái gì đó tập trung. Và trong mắt cô là một ánh cười trên cái khoảng rỗng đen.
Cô lại buông anh ra. Anh muốn bỏ đi. Không thể chịu đựng được. Anh không chịu nổi nữa. Anh phải đi thôi. Vậy mà anh cứ ngần ngừ. Nhưng cô đã quay lưng lại.
Với cơn đau thoáng qua, vì phải chế ngự, mọi thứ đã được quyết định.
“Ngày mai tôi sẽ đến thưa chuyện với mục sư,” anh vừa nói vừa cầm mũ.
Cô nhìn anh, đôi mắt không biểu lộ gì và thăm thẳm. Anh không thấy câu trả lời.
“Làm vậy được không?” anh hỏi.
“Được,” cô trả lời, chỉ như một tiếng vang nhỏ không có da thịt hay ý nghĩa gì.
“Chào cô,” anh nói.
“Chào anh.”
Anh bỏ cô đứng đó, mặt đờ ra và trống rỗng. Rồi cô tiếp tục dọn khay cho ngài mục sư. Cô cần cái bàn nên đặt mấy cành hoa thủy tiên vàng vào cái chạn bát đĩa bên cạnh mà không để ý đến chúng. Chỉ cái lạnh của nó, chạm vào tay cô, là còn vương vấn ở đó một hồi lâu.
Họ là những kẻ xa lạ như thế, họ hẳn mãi mãi là những kẻ xa lạ như thế, để rồi niềm đam mê của anh biến thành khổ hình. Ôi gần gũi xiết bao những vòng tay ôm, và xa cách biết chừng nào! Không thể chịu nổi. Anh không thể chịu đựng nổi nếu cứ ở gần nàng, và biết sự xa cách ghê gớm giữa hai người, biết họ hoàn toàn là những kẻ xa lạ với nhau như thế nào. Anh bước đi trong gió. Những đám mây bị gió thổi rách toạc trên bầu trời, ánh trăng thì run rẩy. Thỉnh thoảng mặt trăng lên cao, sáng lóng lánh, trôi vùn vụt qua khoảng không và xé toang những rìa mây tích điện, lấp lánh màu nâu. Rồi chỉ còn một vệt mây, và bóng tối. Và đâu đó trong đêm lại xuất hiện một ánh sáng dịu dàng, như làn hơi. Cả bầu trời mây dày đặc rồi tan tác; những hình thù và bóng tối bay loạn xạ và đám khói sáng tả tơi và một quầng sáng nâu hoành tráng, rồi trong một khoảnh khắc mặt trăng linh loạn trôi loang loáng vào giữa khoảng trời quang, làm chói mắt trước khi đâm sầm vào dưới một đám mây khác.
Mai Sơn dịch từ nguyên bản tiếng Anh, The Rainbow của David Herbert Lawrence. Bản trên Project Gutenberg, http://www.gutenberg.net, 2009, 2019
—
[1] tiếng Pháp: Chúc đi đường bình an
David Herbert Lawrence cũng là tác giả của Người Tình Của Chatterley Phu nhân, (Lady Chatterley’s Lover)