Rainer Maria Rilke | Orpheus. Eurydice. Hermes

Nguyễn Huy Hoàng dịch

Đó là khu mỏ kỳ quái của những linh hồn.
Như quặng bạc yên lặng họ đi
như mạch máu xuyên qua bóng tối của nơi đó. Giữa rễ cây
máu trào lên, chảy đến với loài người,
và trông nặng như đá poóc-phia trong bóng tối.
Ngoài ra chẳng còn gì đỏ.

Những vách đá ở đó
và những cánh rừng hư ảo. Những cây cầu bắc qua khoảng không
và một cái hồ xám mù mênh mông
nằm lơ lửng trên đáy hồ xa xôi
như bầu trời mưa trên một phong cảnh.
Và giữa những đồng cỏ, dịu dàng và đầy chịu đựng,
cái vệt nhạt hơn của một con đường xuất hiện,
như một dải vải tẩy nằm dài.

Và trên con đường này họ đi.

Phía trước, chàng trai mảnh dẻ khoác áo choàng xanh,
câm lặng và nôn nao nhìn về phía trước.
Không buồn nhai, những bước chân chàng ăn con đường
theo từng miếng lớn; bàn tay chàng thả
nặng nề và siết chặt dưới những nếp áo buông
và không còn biết gì về cây đàn lia nhẹ bẫng
đã mọc liền vào cánh tay trái
như những thân hồng bện lấy cành ô liu.
Và giác quan của chàng như thể bị chia hai:
trong khi ánh mắt chàng chạy trước như một con chó,
quay lại, trở về rồi lại chạy đi
và đứng đợi ở khúc quanh sắp tới, –
tai chàng ở đằng sau như một mùi hương.
Đôi khi với chàng nó như vươn tới tận
bước đi của hai người còn lại,
người đúng ra sẽ đi theo chàng cả con đường lên.
Nhưng rồi đó chỉ là tiếng vọng của những bước chân leo
và tiếng gió của vạt áo choàng theo sau.
Nhưng chàng tự nhủ rằng họ vẫn đang đi;
nói to lên và nghe tiếng mình biến mất.
Họ đang đi, chỉ là hai người họ
bước đi nhẹ một cách đáng sợ. Giá như chàng
được ngoái lại một lần (nếu nhìn lại
không là sự sụp đổ của toàn bộ hành trình,
vẫn còn phải hoàn thành), thì ắt chàng đã thấy họ,
hai kẻ lặng lẽ, đi theo chàng trong im lặng:

Vị thần của du hành và những tin báo xa xôi,
cái mũ trùm trên đôi mắt sáng ngời,
mang trước thân một cây trượng mảnh,
và vỗ dưới mắt cá chân đôi cánh,
và được giao phó cho tay trái của người: nàng.

Người hết mực yêu dấu, đến mức cây đàn lia
cất lên nhiều than khóc hơn cả đám đàn bà than khóc;
đến mức một thế giới hiện lên từ than khóc, nơi
mọi thứ một lần nữa hiện diện: cánh rừng và thung lũng,
con đường và ngôi làng, cánh đồng, dòng sông và thú vật;
và đến mức quanh thế giới than khóc này, cũng
giống như trái đất kia, một mặt trời
và một bầu trời đầy sao yên lặng xoay,
một bầu trời than khóc với những chòm sao méo –:
Người hết mực yêu dấu.

Nhưng giờ nàng đi dưới bàn tay của vị thần,
những bước chân vướng víu dưới tấm vải liệm dài,
ngập ngừng, nhẹ nhàng và không sốt sắng.
Nàng ở trong chính mình, như một người sắp đẻ,
và không nghĩ đến người đàn ông đi trước,
hay con đường dẫn lên sự sống.
Nàng ở trong chính mình. Và sự-đã-chết của nàng
nhồi đầy ứ trong nàng.
Như trái cây đầy ngọt ngào và bóng tối
nàng cũng đầy cái chết mênh mông,
vẫn còn mới đến mức nàng không hiểu gì hết.

Nàng ở trong một thời con gái mới
và không thể chạm đến; sinh dục nàng khép lại
như một bông hoa mới nở lúc đêm buông,
và bàn tay nàng đã không còn quen
với sự kết đôi, đến nỗi ngay cả cái chạm dẫn dắt
và dịu dàng bất tận của vị thần nhẹ bẫng
cũng động đến nàng như một sự thân mật quá trớn.

Nàng không còn là người đàn bà tóc vàng
hay vang vọng trong những khúc ca của nhà thơ,
không còn là mùi hương và hòn đảo trên giường rộng
và không còn là tài sản của chàng trai đó nữa.

Nàng đã bị xổ ra như một mái tóc dài
và bị từ bỏ như một trận mưa rơi
và bị phân đi như nguồn cung trăm bội.

Nàng đã là rễ cây.

Và khi đột nhiên
vị thần ngăn nàng lại và trong đau đớn cảm thán
nói những lời: Anh ta đã quay lại rồi –,
nàng không hiểu và nói khẽ: Ai?

Nhưng ở đằng xa, mơ hồ trong lối ra sáng sủa,
có một người nào đứng, khuôn mặt
không thể nhận ra. Anh ta đứng và nhìn,
làm sao, trên dải đất của con đường băng qua đồng cỏ,
với vẻ mặt buồn rầu, vị thần của những tin báo
lặng lẽ quay lại, để đi theo bóng hình
đã quay về trên con đường khi nãy,
những bước chân vướng víu dưới tấm vải liệm dài,
ngập ngừng, nhẹ nhàng và không sốt sắng.

1904

Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên tác tiếng Đức, “Orpheus. Eurydike. Hermes,” trong Rainer Maria Rilke, Neue Gedichte (Leipzig: Insel-Verlag, 1907)