Trần Băng Khuê | Về một tuổi trẻ màu xanh

1.

Bắt đầu là một chiếc áo. Phải rồi, tuổi trẻ của tôi là một tình yêu mơ mộng ư? Không, chúng là chiếc áo có màu xanh mà tôi chỉ kịp nhìn thấy sau lưng chuyến tàu rời ga trong cơn mưa phùn lất phất ở ga Sài Gòn năm nào đó.

 “Tuổi trẻ chết tiệt”.

Tôi gọi cái màu xanh đó là tuổi trẻ chết tiệt. Tôi lại phải nhìn thấy chiếc áo màu xanh da trời đẫm mưa Sài Gòn thêm một lần nữa vào tháng bảy. Tuổi trẻ (vẫn là thứ tuổi trẻ chết tiệt đó), chúng thật biết cách làm tôi hờn dỗi quá khứ.

Rất nhiều lần tôi tưởng tượng chiếc áo màu xanh ấy biến thành tôi. Hoặc tôi biến thành nó. Tuổi trẻ chết tiệt. Tôi thật sự không (muốn) ngửa cổ lên trời, gào thét rằng, “anh chỉ là một thứ màu xanh lừa dối”. Nhưng, mùa này, mây trắng chồng lấp, xếp lớp thành từng hàng, mây tung bọt kinh hoàng ở một con đập anh hùng bên kia thế giới. Tôi thì vẫn ngửa mặt lên trời, than phiền về cái lưng áo màu xanh.

2.

“Tuổi trẻ chết tiệt”

Người đàn ông gần bốn mươi tuổi, đi qua đi lại trong căn phòng kín đáo, lẩm bẩm. Trên lưng áo màu xanh của anh ta mồ hôi nhễ nhại, ngạo nghễ thấm ướt. Anh ta vừa mới từ công viên trở về. Trong công viên nhỏ của thành phố nhỏ. Trong thành phố nhỏ có một người đàn ông lớn, rất lớn. Không, ông ấy khổng lồ như một bức tượng đồng phơi sáng dưới ánh nắng mặt trời. Chẳng hiểu sao người đàn ông gần bốn mươi tuổi sau khi trở về căn phòng kín đáo lại bắt chước giọng điệu của tôi ca cẩm lẩn thẩn rằng “tuổi trẻ chết tiệt”. Tôi không tiện hỏi.

Tôi nhớ những màu xanh bạt ngàn ở một công viên khác. Chúng thật là biết cách thu hút, ám ảnh, ôm ấp, trì níu lấy tình yêu, nỗi tương tư đau đớn chia năm xẻ bảy trái tim tôi. Albert Park, Civil Park, Green Park hoặc những khu vườn bốn mùa bị nhốt trong hình hài của các vị thần hoá đá bên cạnh bảo tàng chiến tranh chẳng hạn. “Tuổi trẻ chết tiệt”. Tôi lặp lại câu nói này bên ngoài phòng khách, khi chỉ có một mình tôi. Người đàn ông bốn mươi tuổi đã hết đi qua đi lại trong căn phòng kín. (Tôi không nghe tiếng bước chân nữa). Hẳn là anh ta sẽ ngồi xuống chiếc ghế ngay cạnh góc bàn để máy tính, và đeo headphone vào tai thôi, tôi nghĩ.

Tôi không nhớ Sài Gòn. Huế thì mờ nhạt dần đi. Nhưng có vẻ như, tôi vẫn thuộc lời của một bài hát van vỉ, “chảy đi sông ơi, chảy đi sông ơi hỡi, chảy đi kìa, sông ơi”. Núi rừng không đáp lại. Nỗi cô đơn lơ đễnh lạnh nhạt. Tôi chẳng thể nào tìm thấy cơn bão của tuổi trẻ của tôi ở đâu nữa. Chúng thật sự đã chìm dưới đáy con sông đang chảy nào đó ở Huế.

“Tuổi trẻ chết tiệt”.

Màu xanh lật giọng đằng sau lưng áo ướt đẫm Sài Gòn tháng tư. (Tôi chưa bao giờ vào Sài Gòn vào những ngày tháng tư), tôi viết như thế lên quyển sổ tay đen – trắng, tôi cố tình cất giấu đã lâu trong ngăn kéo hộc bàn.

“Tuổi trẻ thật đáng buồn”, tôi hạ giọng.

Chúng khiến tôi chìm đắm trong ảo mộng hão Huyền. Huyền là ai ấy nhỉ? Cô gái nhỏ từng mơ giấc mộng trên trăng của tôi. Cô ấy đã lấy chồng. “Chồng tao thường xuyên mặc chiếc áo màu xanh”, cô ấy vừa khoe với tôi như thế. Sau đó, cô ấy chào tạm biệt với lý do cần phải đi giặt và phơi những chiếc áo màu xanh. Chồng cô ấy sẽ trở về vào ngày mai.

3.

Anh ta vẫn ngồi yên trong căn phòng kín. Chẳng có một cơn gió nào đủ sức lọt qua khe cửa. Tôi thì bắt đầu mộng tưởng bằng cách nhắm mắt lại trong bóng tối, rồi tập trung năng lực tinh thần hòng đưa đẩy chuyến tàu tâm trí phiêu bạt đến những nơi mà tôi muốn. Dĩ nhiên, không phải Sài Gòn, không phải Huế, cũng chẳng hề là miền cao nguyên thủ thỉ thứ tình yêu đau thương đầy nước mắt tuổi trẻ của tôi nữa. Tôi đã quyết biệt ly. Tôi đã quyết phải tìm cách rời đi. Nỗi niềm cô độc tranh biện với tôi về hạnh phúc đích thực ở bên ngoài bầu trời đó, ở trong một rừng cây cao vút mặt, hoặc một khoảng trống mênh mông xanh ngút mắt.

Tôi thôi thiết tha với tuổi trẻ, thôi lẩm bẩm về một cái lưng áo màu xanh uống hết nước mắt của tôi mà không chịu hoàn trả bất cứ thứ gì.

4.

“Tuổi trẻ thật đáng thương”

“Đột nhiên có tiếng gõ cửa”, anh Etgar Karet đấy hả?

Tôi nhớ là chữ anh nguệch ngoạc và xấu xí lắm. Anh đã cố gắng hết sức mới viết trọn từng ký tự tên tôi bằng tiếng Việt. Tên tôi, là một con sông ở Huế. Tôi luôn gào thét lời bài hát “chảy đi sông ơi”. Ấy vậy, bây giờ, ngay chính lúc này đây, anh biết không, tôi chỉ nhìn thấy một con đập anh hùng trắng xoá hung dữ bên kia thế giới đang ào ạt cất tiếng đòi trừng phạt cả một thế kỷ tàn nhẫn và dối trá.

“Kẻ dữ có hàng trăm con mắt?”. (Chúng nhìn nhau trong bóng tối, cợt nhả).

Tôi chỉ muốn bước hẳn ra ngoài ánh sáng để hít hà hương thơm của hoa cỏ cùng những tia nắng ấm áp xinh đẹp xuyên chiếu qua mặt biển lấp lánh, đọng lại trên mắt môi tôi, từ mặt trời ở xứ sở có số cừu nhiều hơn số người. Tôi chợt nhớ một ngọn núi tuyết. Ai đó vừa mới nhắc đến Whakapapa. Tôi bị mê hoặc bởi ngôn ngữ Maori hoang dã. Và không thể nào thoát ra được khỏi trí tưởng tượng của mình.

Trời đất quỷ thần ơi, sao tôi lại vô tình quên phắt cái lưng áo màu xanh lạnh lùng ở ga tàu ly biệt – Sài Gòn những năm mười bảy, mười tám tuổi được nhỉ?

“Xin lỗi tuổi trẻ chết tiệt”, tôi vẫn thì thào khó chịu. Tôi sẽ không viết tiếp truyện ngắn về một truyện ngắn ấy nữa.

Tôi ngờ nghệch ngẫm nghĩ về cái lưng áo màu xanh dưới ánh đèn lờ mờ trong phòng khách, và nhận ra rằng, chẳng hề có gã trai nào bên cạnh tôi lúc này. Chẳng hề có một tuổi trẻ bất diệt ở bên cạnh tôi lúc này. Nhưng, tôi biết một sự thật, người đàn ông gần bốn mươi của tôi dường như vẫn đang bị nhốt trong căn phòng kín hơn sáu mươi ngày không thấy ánh sáng mặt trời vì lệnh lockdown thời dịch bệnh. Những đám virus rõ ràng đã đến từ nơi có con đập vĩ đại, anh hùng, bọt nước tung trắng xoá dữ dội, thế mà người ta vẫn chối đây đẩy, thế mà người ta vẫn còn đặt bày chuyện điều tra, sau đó chắc chắn mọi thứ sẽ chìm vào quên lãng. (Dĩ nhiên, chẳng ai học thêm được bài học nào nữa ở thế kỷ mê muội, dối trá).