André Aciman | Dưới bóng mờ của Freud

Vũ Thị Thanh Mai chuyển ngữ

André Aciman

Giống bao du khách đã đến Rome và khác bao thành phố tôi đã đi qua, Rome đã gợi cho tôi một bí ẩn mà tôi không thể xác định rõ ràng là điều gì trên bao tầng khối đá của bao thời đại. Là thẩm mỹ tuyệt tác hay là bí ẩn đằng sau sự tuyệt tác ấy? Làm sao sự luyến tiếc hoài niệm sống động đến như vậy sau khi tôi lìa Rome? Aciman hay Apollo, hoặc cả hai, đã giải thích cho tôi Dưới Bóng Mờ Của Freud.

Aciman đã phí uổng năm mươi năm tìm về một xúc cảm tràn ngập đầu tiên, mà lập tức định hình thẩm mỹ cá nhân, khiến ông cứ muốn trở về để được bắt gặp như lần đầu. Chính là một thẩm mỹ gây choáng váng giữa cứng rắn và mềm mại, giữa oai nghi và thâm sâu, với hứa hẹn của một cổ đại còn chờ khám phá khiến mình cứ như cần trông thấy, thêm vào sự đôn đốc của thời gian không ngừng phá hủy, là điều tôi cảm thấu.

Bằng một giọng văn khắc khoải trở đi trở lại, Aciman tả những đứt đoạn sống tạm bợ giữa những thất vọng trông chờ nghe một lời thú nhận, hoặc ngay cả một thú nhận không thành lời. Để cuối cùng hiểu ra từ Apollo rằng ông đã tìm thấy sắc đẹp mà chưa phải sự thật.

In Freud’s Shadow đăng trên trang nhất của tạp chí Granta số 145, ra ngày 15 tháng 11-2018.

Vũ Thị Thanh Mai

**

André Aciman sinh năm 1951 tại Alexandria, Ai Cập, trong một gia đình theo Do Thái giáo gốc Ý lai Thổ nói nhiều thứ tiếng Anh, Hy-Lạp và Ả-Rập. Hiện làm giáo sư văn chương về Comparative Literature tại The Graduate Center of the City University of New York. Trong số các tác phẩm của Aciman, hồi ký Ngoài Ai Cập (Out of Egypt) đoạt Whiting Award và tiểu thuyết Gọi Tôi Bằng Tên Anh (Call Me By Your Name) nhận giải thưởng Lambda Literary Award cho truyện đồng tính nam giới, quay thành phim do Luca Guadagnino đạo diễn năm 2017.

** 

Freud sẽ hiểu. Tôi khao khát Rome, nhưng luôn có một điều gì đó bất ổn, có lẽ một sự giả-thật ray rứt về Rome. Rất ít ký ức của tôi về Rome là những điều hạnh phúc, và những gì tôi muốn nhất từ ​​Rome, Rome không bao giờ cho tôi. Những thứ ấy tiếp tục bay phủ trên thành phố như bóng ma của những ham muốn non nớt đã quên chết, sống không cần tôi, bất chấp tôi. Mỗi Rome mà tôi biết dường như bồi đắp hoặc ẩn vào cái kế tiếp, nhưng không biến mất. Rome của lần đầu tôi nhìn thấy năm mươi năm trước, mà tôi đã bỏ rơi, rồi tôi đã tìm kiếm nhiều năm sau mà không thể tìm ra, bởi vì Rome không chờ và tôi đã mất cơ hội. Rome của lần tôi viếng thăm với một người, rồi lần nữa với một người khác và khó lòng cân nhắc sự khác biệt, Rome vẫn như tôi chưa hề thăm viếng, Rome tôi đến bao nhiêu lần cũng không đủ, bởi vì, dù với tất cả công trình đá oai nghiêm cổ xưa, rất nhiều phần của Rome vẫn nằm chôn vùi và khuất mắt, khó tìm, phai tàn và dang dở, hãy hiểu: bị phá hủy. Rome vùng đất không đáy vĩnh viễn của đào xới. Rome bộ sưu tập của các kiến trúc lớp và tầng. Rome tôi nhìn chằm chằm ngay khi mở cửa sổ khách sạn và không tin là có thật. Rome không ngừng mời gọi tôi, sau đó ném trả tôi về từ bất cứ nơi nào tôi đã đến. Tôi là của anh, Rome nói, nhưng tôi sẽ không bao giờ là của anh. Rome mà tôi từ bỏ khi trở nên quá thật, Rome mà tôi buông bỏ trước khi tôi bị bỏ rơi. Rome cưu mang tôi nhiều hơn tự thân, bởi vì thực sự không phải tôi tìm kiếm Rome mỗi lần, mà là tôi, chỉ tôi, tuy tôi không thể làm điều này trừ phi tôi cùng tìm kiếm Rome. Rome tôi sẽ đưa những người khác đến thăm, miễn là thăm Rome của tôi, không phải của họ. Rome tôi không muốn tin có thể tiếp tục tồn tại khi không có tôi. Rome, nơi sinh ra của một bản thể mà tôi ao ước ngày nào đó sẽ là chính mình và lẽ ra nên được, mà tôi đã bỏ rơi và không làm bất cứ gì để hồi sinh. Rome mà tôi với tay vẫn hiếm khi chạm đến, vì tôi không biết cách và chắc sẽ không bao giờ học hiểu.

Không còn mảnh vẻ nào trên người tôi giống dân bản xứ, vậy mà ngay khi tháo xong vali ở Rome, tôi biết rằng mọi thứ đang ở đúng vị trí của chúng, rằng tôi có một trung tâm ở đây và Rome là nhà. Tôi còn định mầy mò tìm các lối đi, nghe nói có độ bảy đến chín con đường từ căn gác của tôi xuống ngọn đồi Gianicolo dẫn đến xóm cổ Trastevere, nhưng tôi chưa muốn đi lối tắt; tôi thích sự lầm lạc bâng quơ trì hoãn sự quen thuộc và cho tôi cảm giác đang ở một nơi mới có nhiều mới lạ mở ra trong tầm với. Dường như hạnh phúc trong những ngày này là tôi không có bổn phận gì, có thể làm bất cứ điều gì tôi thích với thời gian của mình, mê dành buổi tối ngồi quán Il Goccetto, nơi những người địa phương dí dỏm và thông minh đến giết giờ trước khi về nhà ăn tối. Trong lúc uống rượu, một số sau cùng đổi ý dùng bữa tối ngay tại chỗ, như từng xảy ra cho tôi đôi lần. Tôi thích cách ăn tối ngẫu hứng kiểu Rome này khi tất cả dự tính thoạt tiên của tôi chỉ là một ly rượu chát. Sau khi uống rượu, đôi lúc tôi mua một chai và quay trở lại xóm Trastevere để thăm bạn bè. Có những buổi tối, khi muốn về nhà, tôi tránh đi xe buýt và thả bộ lên đồi.

Trên đường băng qua dòng sông Tiber vào ban đêm, tôi say sưa ngắm pháo đài Castel Sant’Angelo chiếu sáng với tường thành màu hoàng thổ phát sáng trong bóng tối, giống tôi mê nhìn thấy nhà thờ St. Peter về đêm. Tôi biết chốc nữa tôi sẽ đến đài phun nước Fontanone và sẽ dừng lại để nhìn chằm chằm thành phố với tất cả các mái vòm pha ánh quang lộng lẫy, mà tôi biết chẳng bao lâu tôi sẽ luyến tiếc.

Tôi yêu nơi mình đang ở. Tôi có một ban công trông xuống thành phố. Khi hên, vài người bạn sẽ ghé qua và chúng tôi sẽ vừa uống rượu vừa ngắm thành phố về đêm như những nhân vật trong phim của Fellini hay Sorrentino, và tự hỏi trong im lặng hình như mỗi chúng tôi vẫn thấy thiếu gì trong cuộc sống hoặc muốn thay đổi gì đó, hoặc có gì liên tục vẫy gọi từ phía bên kia bờ sông, tuy điều duy nhất chúng tôi không bao giờ muốn đánh đổi là được ở đây. Theo một ý niệm của Winckelmann, cuộc sống nợ tôi điều ấy. Nợ tôi thời điểm này, ban công này, những người bạn này, những thức uống này, thành phố này rất lâu rồi.

*

Nơi đây thực sự có thể là nhà của tôi. Nhà, nói theo một nhà văn mà tôi đọc gần đây, là nơi mình đặt những chữ đầu tiên vào cuộc đời. Có lẽ. Tất cả chúng ta đều có cách đặt dấu mốc lên cuộc sống của mình. Các dấu mốc đôi khi di chuyển; nhưng một số neo xuống và ở lại mãi mãi. Trong trường hợp của tôi, không phải là chữ, mà là nơi tôi chạm vào một thân thể khác, khao khát một thân thể khác, về nhà của bố mẹ và, suốt buổi tối còn lại cũng như phần đời còn lại của mình, sẽ không bao giờ xua đuổi thân thể ấy.

Đó là một buổi tối thứ tư, tôi đang trên đường về sau một cuốc đi bộ xa sau giờ học. Tôi đã từng thích lang thang quanh khu trung tâm giấc xế chiều, chỉ về nhà kịp giờ làm bài tập. Trước khi đón xe buýt, tôi thường dừng ở một hiệu sách lớn chuyên bán sách hạ giá trên quảng trường Piazza di San Silvestro và, sau khi đọc lướt vài quyển, tìm ra quyển tôi đến để tìm: bộ sách dày cộm của Richard von Krafft-Ebing. Bệnh Lý Tình Dục. Dăm ba ấn bản khổ lớn, bìa cứng được bày bán bên trong, và bấy giờ tôi đã biết trình tự những điều tôi sắp làm. Tôi sẽ cầm lên một quyển, ngồi vào bàn và chìm vào một vũ trụ trước chiến tranh vượt xa mọi thứ tôi có thể tưởng tượng. Quyển sách dành cho các chuyên gia y khoa và, như tôi đã phát hiện nhiều năm sau đó, bị cố ý làm cho tối nghĩa, với các phân đoạn viết bằng tiếng La-Tinh để làm nản lòng độc giả ngoài ngành, nói chi đến những thiếu niên háo hức thám hiểm một đại dương chưa được thăm dò và biến động, gọi là tình dục. Vậy mà, khi tôi mải mê nghiền ngẫm những bí ẩn và những nghiên cứu trường hợp gọi là đảo ngược và lệch lạc tình dục, tôi đã sững sờ bởi các cảnh bị xem là khiêu dâm điên loạn hóa ra là kích thích hết mức, chính vì chúng biểu hiện rất thực tế, rất bình thường, rất sạch như đã được thẳng tay tẩy rửa những phê phán đạo đức nghiêm khắc. Các cá nhân liên quan dường như không thể đứng đắn hơn, tinh tế hơn, cư xử đúng mực hơn: chàng trai trẻ thích nhìn bạn gái và em gái của mình nhổ vào ly nước trước khi uống hết; người đàn ông thích xem người hàng xóm cởi quần áo vào ban đêm, biết rằng người hàng xóm biết mình đang bị theo dõi; cô gái rụt rè yêu cha theo những cách mà cô biết là sai; người thanh niên ở lại quá lâu trong nhà tắm công cộng – tôi là mỗi một kẻ trong số họ. Giống kẻ đọc hết mười hai lá số tử vi ở mặt sau của một tạp chí, tôi đồng cảm với mỗi cung hoàng đạo.

Sau khi đọc những nghiên cứu trường hợp của Krafft-Ebing, tôi sẽ đón xe buýt số 85 cho đoạn đường dài về nhà, biết rằng mẹ tôi chuẩn bị sẵn sàng bữa tối lúc tôi về. Chóng mặt sau khi đọc rất nhiều nghiên cứu trường hợp, tôi biết rồi mình sẽ bị nhức đầu và cơn đau đầu mới chớm, cộng với chuyến xe buýt dài, có thể gây buồn nôn. Tại trạm xe buýt có một quầy sách báo bán cả bưu thiếp. Tôi sẽ nhìn chòng chọc các bức tượng, nam và nữ, khao khát, sau đó mua một cái, thêm vài tấm bưu thiếp quang cảnh Rome để che giấu mục đích của mình. Tấm đầu tiên tôi mua là Apollo Sauroktonos. Tôi vẫn giữ đến ngày hôm nay.

Một buổi chiều, sau khi rời hiệu sách, tôi phát hiện một đám đông đang chờ xe buýt 85. Trời lạnh và đang mưa, nên một khi xe buýt đến tất cả chúng tôi hết sức nhanh chóng dồn vào xe, xô đẩy và chèn ép nhau, đó là sự thường tình trong những ngày ấy. Tôi cũng chen đẩy mình vào, không nhận ra chàng trai trẻ sau lưng tôi đang bị những người phía sau anh ta đẩy tới. Thân thể anh ta ép sát thân thể tôi, và tuy mỗi bộ phận của anh ta dán chặt vào tôi và tôi hoàn toàn bị giam giữa đám người quanh chúng tôi, tôi gần như chắc chắn anh ta đang đẩy vào tôi một cách thật công khai và lại như thật vô tình đến độ khi cảm thấy anh ta chộp lấy hai cánh tay trên của tôi bằng hai bàn tay của anh, tôi không vùng vẫy hay tránh né mà cho phép nguyên vẹn thân thể tôi nhượng chìm vào anh. Anh ta muốn làm với tôi bất cứ điều gì cũng được, và để dễ dàng cho anh hơn, tôi ngả lưng vào người anh, nghĩ ở một khoảnh khắc nào đó rằng có lẽ mọi thứ này ở trong đầu tôi, không phải từ anh, và tôi mang linh hồn tội lỗi, dâm dục, không phải anh. Mỗi chúng tôi chẳng thể làm gì. Anh ta như không ngại, và chắc cũng cảm nhận rằng tôi cũng không ngại như nhau, hoặc có lẽ anh ta không lưu ý chút nào, cũng như tôi không chắc mình để tâm. Chuyện gì có thể bình thường hơn vậy trên một chiếc xe buýt đông đúc vào một buổi tối mưa ở Ý? Cách anh ta cầm hai cánh tay tôi từ phía sau là một cử chỉ thân thiện, giống một người leo núi giúp người khác ổn định trước khi tiến lên. Không có gì bám để giữ thăng bằng, anh ta đã chộp lấy cánh tay tôi. Không chuyện gì to tát.

Chuyện như vậy đã chưa từng xảy ra trong đời tôi.

Cuối cùng, khi giữ được thăng bằng, anh ta buông tôi. Nhưng khi các cánh cửa đóng lại và xe bắt đầu chao đi, anh ta lại tức khắc chụp lấy tôi, ôm eo tôi, thúc đẩy mạnh hơn, tuy không ai chung quanh chúng tôi nhận ra, và tôi có phần chắc chắn ngay cả anh ta cũng không nhận ra. Tôi chỉ biết rằng anh ta sẽ buông tôi một khi lấy được thăng bằng và bám vào thành vịn. Tôi còn biết anh ta khó khăn lắm mới buông tôi, nên tôi vờ chao tới chỉ để ngả về phía sau, ngay khi xe buýt ngừng lại, để ngăn anh ta dời chỗ.

Phần nào trong tôi xấu hổ đã cho phép mình cư xử với anh ta cách tôi từng nghe nhiều đàn ông cư xử với đàn bà trong chỗ đông người, trong khi phần khác nghi ngờ anh ta biết cả hai chúng tôi đã làm gì; nhưng tôi không biết chắc. Vả lại, nếu tôi thực sự không thể đổ lỗi cho anh, sao anh lại có thể đổ lỗi cho tôi? Nhưng tôi đang ngất ngây và làm hết sức để cản anh đi qua. Rốt cuộc anh ta cũng xoay xở lách qua giữa tôi và người khách khác, đó là khi tôi nhìn rõ anh. Anh ta mặc chiếc áo len xám và quần nhung nâu và nhìn lớn hơn tôi ít nhất bảy tám tuổi. Anh ta cũng cao hơn, gầy hơn và rắn chắc hơn. Cuối cùng anh ta cũng tìm được một chỗ ngồi trước mặt tôi và mặc dù tôi vẫn dán mắt vào anh với hy vọng anh sẽ quay lại nhìn, anh không hề làm thế. Trong tâm trí anh, không gì đã xảy ra: xe buýt đông đúc, mọi người trượt qua giữa mọi người, ai cũng gần như chao đảo và bám vào người khác – việc này xảy ra thường xuyên. Tôi thấy anh xuống xe trước cây cầu ở đâu đó trên đường Via Taranto. Cơn khó chịu bất chợt xâm chiếm tôi. Chứng đau đầu tôi đã lo sợ trước khi lên xe buýt, bị khói ga khơi dậy, chuyển thành buồn nôn. Tôi cần phải xuống xe sớm hơn dự định và đi bộ phần đường còn lại về nhà.

Tôi đã không ói mửa tối hôm ấy, nhưng khi về đến nhà tôi biết rằng một điều gì đó chân thật và không thể chối cãi đã xảy ra và tôi sẽ không bao giờ vượt qua. Tôi chỉ muốn anh ta ôm tôi, giữ tay trên người tôi, không hỏi gì và không nói gì, hoặc, nếu anh ấy cần hỏi, hỏi bất cứ điều gì, miễn là tôi không phải nói, vì tôi quá ngộp thở để lên tiếng, vì nếu tôi phải nói chuyện, tôi lo bật ra thứ gì đó trích từ cái vũ trụ chán ngấy, nặng mùi sách vở, quá vãng của Krafft-Ebing, sẽ khiến anh ta cười. Điều tôi muốn là anh ấy vòng cánh tay ôm tôi kiểu đàn-ông-với-đàn-ông mà bạn bè làm ở Rome.

Tôi trở lại quảng trường Piazza di San Silvestro rất nhiều lần sau đó, luôn vào ngày thứ tư, đọc Krafft-Ebing một lúc, nhìn chòng chọc tượng Apollo trưng bày trong quầy, không quên mặc cùng bộ quần áo tôi đã mặc ngày tôi cảm giác anh ta đã dựa vào tôi, lên xe buýt cùng giờ. Tôi nhìn từng chuyến xe buýt đông người qua và tôi biết tôi đã chờ đợi và không ngừng chăm chú tìm anh ta. Nhưng tôi không bao giờ gặp lại anh. Hoặc tôi đã gặp mà không nhận ra.

Thời gian đã dừng lại ngày hôm ấy.

Bây giờ, khi nào đến Rome, tôi đều hứa đi xe buýt 85 khoảng cùng lúc vào buổi tối để thử quay ngược thời gian cho tôi sống lại buổi tối ấy và xem tôi là ai và tôi khao khát điều gì trong những ngày ấy. Tôi muốn chạm trán cùng những nỗi thất vọng, cùng những nỗi sợ hãi, cùng những hy vọng, đến cùng một sự thừa nhận, sau đó quay vòng đảo lộn sự thừa nhận này và xem tôi đã xoay sở thế nào những ngày ấy để khiến bản thân nghĩ rằng điều mình muốn trên chuyến xe ấy không có gì khác hơn là ảo tưởng và giả tạo, không thật, không thật.

Tối hôm ấy khi tôi về đến nhà với cảm giác khó chịu và đau đầu, mẹ đang chuẩn bị bữa tối với cô hàng xóm Gina trong bếp. Gina bằng tuổi tôi và mọi người nói Gina phải lòng tôi. Tôi không mê cô ta. Tuy nhiên, khi chúng tôi ngồi cùng nhau ở bàn ăn trong lúc mẹ đang nấu, chúng tôi cười vui và cơn buồn nôn của tôi dịu xuống. Gina tỏa mùi trầm và hoa cúc, của những ngăn kéo gỗ cổ xưa với mái tóc chưa gội, vì Gina nói chỉ gội đầu vào thứ bảy. Tôi không thích mùi của cô. Nhưng, ngay khi tôi để tâm trí quay trở lại những gì đã xảy ra trên chiếc xe buýt 85, tôi biết rằng tôi sẽ không quan tâm anh ta toát mùi gì. Ý nghĩ rằng anh ta cũng có thể toát mùi trầm và hoa cúc và của đồ đạc gỗ cũ kỹ kích thích tôi. Tôi hình dung phòng ngủ của anh và quần áo của anh vương vãi khắp phòng. Tôi đã nghĩ đến anh ta khi lên giường đêm ấy nhưng, khi tự làm khích thích tràn ngập cơ thể, ở đúng lúc, tôi bắt mình nghĩ đến Gina để thay thế, hình dung cô ta cởi từng nút áo rồi tuột mọi thứ trên người xuống sàn nhà và trần truồng bước đến tôi, toát mùi của anh ta, của trầm, hoa cúc và ngăn kéo gỗ.

Hằng đêm tôi trôi dạt từ anh ta sang Gina, trở lại với anh ta và rồi với Gina, mỗi hình ảnh tăng cường hình ảnh khác. Và giống như các tòa nhà đủ mọi thời đại rúc vào trong, bên trên, bên dưới và sát nhau ở Rome, các bộ phận tước khỏi thân thể anh ta được gắn vào Gina, và các bộ phận tước khỏi cô được gắn vào anh ta. Tôi giống như Hoàng đế Julian, vị tông đồ hai lần đã chôn vùi một đức tin dưới một đức tin khác để rồi không còn biết đức tin nào thực sự là của mình. Và tôi nghĩ đến Tiresias đầu tiên là đàn ông, sau đó là phụ nữ, rồi lại là đàn ông, và đến Caenis là phụ nữ, sau đó là đàn ông và cuối cùng là phụ nữ, và đến bưu thiếp Apollo, kẻ giết thằn lằn và khao khát cả hắn, mặc dù nét cứng rắn và đe dọa của hắn như quở mắng ham muốn của tôi, giống như hắn đọc được suy nghĩ của tôi và biết rằng, nếu một phần của tôi muốn làm hoen ố cơ thể đá cẩm thạch trắng của hắn với thứ quý giá nhất trong tôi, phần khác của tôi sẽ không hiểu điều nó khao khát trên thân hình Apollo là đàn ông hay đàn bà hay thứ gì đó lơ lửng giữa thật và giả, một giao thoa giữa đá cẩm thạch và thứ mà chỉ có thể là xác thịt.

Căn phòng trên lầu nơi tôi hoán chuyển sự thật mỗi đêm, và che đậy suông sẻ đến độ, tuy không biến thành lời nói dối, sự thật không còn là sự thật, là một nơi không gì mang vẻ cố định, cũng là nơi mà điều chắc chắn và thật nhất về tôi, trong giây lát, mất đi một bộ mặt và khoác lên bộ mặt khác, rồi lại bộ mặt khác. Ngay cả bản thể thuộc về một Rome mà dường như số mệnh đã định cho tôi, bản thế ấy mãi mãi hiểu chẳng mấy chốc sau khi vượt thoát sang một lục địa khác, tôi sẽ thâu đạt một bản sắc mới, một giọng nói mới, một biến tố mới, hoàn toàn mới để định hình. Đối với cô gái mà cuối cùng tôi đã kéo vào phòng ngủ của mình vào một chiều thứ sáu khi chúng tôi ở riêng với nhau và tìm thấy khoái lạc không cần tình yêu, nếu cô ta đã nâng cao đám mây ám tôi kể từ chuyến xe buýt 85, cô ta đã không thể ngăn nó phủ xuống chưa đến nửa giờ sau.

*

Tôi thường xuyên nghĩ về Rome và những chuyến đi bộ xa mà tôi từng đi sau giờ học trong khu trung tâm vào những buổi chiều mưa tháng mười và tháng mười một để tìm kiếm thứ gì đó mà tôi biết tuy mong đợi, tôi không quá háo hức để tìm, huống gì đặt tên cho nó. Tôi thà nó vồ lấy tôi và cho tôi cơ hội đồng tình, hoặc nó chụp giữ tôi không buông tay, như ai đó đã làm trên xe buýt ngày ấy, hoặc dỗ ngọt tôi bằng những nụ cười hân hoan kiểu đàn ông làm dáng để tán tỉnh các cô gái mà họ biết cuối cùng sẽ đồng ý.

Ở Rome, hành trình những chuyến đi bộ của tôi vào buổi chiều luôn khác biệt với mục tiêu không xác định, nhưng dù bất cứ nơi nào đôi chân mang tôi đi, tôi vẫn không bắt gặp một điều gì đó thiết thực về thành phố và về bản thân tôi – trừ khi điều tôi thực sự làm trong các chuyến đi bộ này là chạy trốn chính mình và cả Rome. Nhưng tôi đã không trốn chạy. Và tôi cũng không tìm kiếm. Tôi muốn thứ gì đó màu xám, như vùng an toàn giữa bàn tay lạ – mà tôi ước chạm vào đâu đó trên mình tôi không cần hỏi – và bàn tay của tôi không dám lạc đến nơi nó khao khát muốn chạm.

Trên chuyến xe buýt chiều ấy, tôi biết tôi đã thử lắp ráp một đám chữ hỗn độn để hiểu chuyện gì đang xảy ra cho mình. Trước đó, tôi đã có lần nghe một phụ nữ quay lại và nguyền rủa gã đàn ông trên chiếc xe buýt đông người là sfacciato, có nghĩa láo xược, bởi vì hắn đã sàm sở dụi vào cô ta. Nhưng giờ tôi không biết ai trong chúng tôi đã thực sự là sfacciato. Tôi thích đổ lỗi cho anh ta để giải thoát bản thân mình, nhưng tôi cũng đã truy hoan trong sự can đảm bất ngờ của mình và phấn khích bởi cách tôi cố gắng ngăn anh ta mỗi khi anh sắp buông tôi để dời chỗ trên xe buýt. Tôi đã theo đuổi sự thúc dục của chính mình và thậm chí không thèm vờ như không biết chúng tôi đang chạm vào nhau. Tôi thậm chí thích sự kiêu ngạo của anh ta xem việc tôi dâng hiến là hiển nhiên.

Tất cả những gì tôi sở hữu trong nhà là tấm ảnh của Sauroktonos. Trong trắng và chế ngự, sự lưỡng tính tối thượng, khiếm nhã vì hắn cho phép mình nâng niu những suy nghĩ tục tĩu nhất nhưng lại không chấp thuận hoặc đồng ý và khiến mình cảm thấy bẩn thỉu vì dám nuôi dưỡng chúng. Tấm ảnh là điều tốt đẹp thứ nhì sau chàng trai trên xe buýt. Tôi trân trọng và sử dụng nó để đánh dấu trang sách.

Cuối cùng, tôi đã đi tìm bản gốc trong bảo tàng viện Vatican Museums. Nhưng kết quả không như tôi mong đợi. Tôi mong đợi một thanh niên khỏa thân chỉ tạo dáng như một bức tượng; nhưng tôi thấy một thân thể đông cứng. Tôi tìm kiếm những khuyết điểm trên tượng để vĩnh viễn chấm dứt với hắn, nhưng khuyết điểm và vết bẩn tôi tìm thấy là từ đá cẩm thạch, không phải của hắn. Cuối cùng, tôi không thể rời mắt khỏi hắn. Tôi nhìn chằm chằm không chỉ vì tôi thích bức tượng tôi đang nhìn chằm chằm mà vì vẻ đẹp tuyệt tác khiến tôi muốn biết tại sao mình cứ nhìn chằm chằm.

Thỉnh thoảng tôi bắt gặp trên gương mặt của chàng Apollo trẻ một nét gì đó thật mềm mại và dịu dàng gần như u sầu. Không một điểm xấu xa hoặc dục vọng hoặc chút gì bất chính trên cơ thể trẻ trung của hắn; xấu xa và dục vọng ở trong tôi, hoặc có lẽ đây chỉ là lúc ban đầu của một loại dục vọng mà tôi khó thẩm thấu vì nó lập tức bị khuếch tán bởi cảm giác khiêm nhường mỗi khi tôi nhìn chằm chằm vào hắn. Hắn không tán thành tôi, nhưng hắn mỉm cười. Chúng tôi giống như hai người xa lạ trong một cuốn tiểu thuyết Nga, trước khi được giới thiệu, đã trao nhau những cái nhìn đầy ý nghĩa.

Nhưng rồi, tôi nhớ ra, sự vô tư sẽ tan dần trên nét mặt của hắn, và vẻ chớm nghi ngờ, sợ hãi và khiển trách sẽ dần tụ lại, như thể hắn chờ thấy tôi hối hận và xấu hổ. Nhưng không bao giờ đơn giản vậy: khiển trách trở thành tha thứ, và từ sự khoan dung, tôi gần như nhìn ra lòng trắc ẩn của hắn, nghĩa là, ‘Tôi biết không dễ dàng cho anh.’ Và từ lòng trắc ẩn, tôi nhìn ra chút yếu đuối đằng sau nụ cười tinh quái của hắn, gần như một thiện ý đầu hàng, khiến tôi hoang mang, vì nó bắt tôi phải đối đầu với sự hiển nhiên. Anh ta luôn sẵn sàng mà tôi không hề thấy. Đột nhiên tôi được phép hy vọng. Tôi đã không muốn hy vọng.

*

Hôm nay, sau khi ở Rome gần một tháng, tôi sẽ đi xe buýt 85. Tôi sẽ không đón xe dọc theo tuyến đường dài, dù vậy sẽ dễ dàng hơn, mà sẽ đợi xe nơi đã từng là trạm năm mươi năm trước. Tôi sẽ lên xe buýt lúc chạng vạng, bởi vì đây là lúc tôi thường đón xe buýt 85, và tôi sẽ đi đến tận điểm dừng cũ, xuống xe và đi bộ đến nơi chúng tôi từng sống. Đây là kế hoạch của tôi cho buổi tối.

Tôi liệu lần trở về này sẽ không mang cho tôi lắm niềm vui. Tôi không hề thích khu phố cũ của chúng tôi với những dẫy cửa hàng nhỏ bán rao hàng hóa quá đắt cho những người bây giờ hầu hết là hưu trí, hoặc những nhân viên bán hàng trẻ còn ở nhà cha mẹ, hút thuốc quá nhiều và nuôi hy vọng lớn lao trên thu nhập ít ỏi. Tôi nhớ ghét những ban công vuông nhô ra như những hộp giày lố bịch từ những tòa nhà bị chiếm dụng xấu xí. Tôi sẽ đi bộ xuống con phố đó và hỏi tại sao tôi luôn muốn quay lại, vì tôi biết mình không muốn gì ở đây. Có phải tôi trở về để chứng minh rằng tôi đã dứt bỏ nơi này trong quá khứ? Hoặc tôi trở về để đùa với thời gian và giả vờ như không một bản chất nào đã thực sự thay đổi, dù ở tôi hay ở thành phố, rằng tôi vẫn là một chàng trai trẻ và vẫn còn cả một đời để sống, cũng có nghĩa là những năm giữa tôi-lúc-đó và tôi-bây-giờ chưa thực sự xảy ra, hoặc không thực sự quan trọng và không đáng tính, và rằng, như Winckelmann, thượng đế vẫn nợ tôi rất nhiều?

Hay là tôi sẽ quay về để đòi lại một tôi-bị-gián-đoạn. Một hạt giống đã được gieo xuống ở Rome, và sau đó, vì tôi đã bỏ đi quá sớm, nó không bao giờ nở hoa nhưng không thể chết. Mọi thứ tôi đã làm trong đời chợt tái nhạt và có mầm sổ tung. Tôi chưa kịp sống cuộc đời của mình. Tôi đã sống một cuộc đời khác.

Dù vậy, khi đi quanh khu phố cũ của mình, điều tôi sợ nhất là không cảm được gì, không chạm được gì và không nắm bắt được gì nữa. Tôi thà nhận nỗi đau thay cho sự vô tình. Tôi thà thương tiếc và nghĩ đến mẹ tôi còn sống trên lầu trong tòa nhà cũ của chúng tôi thay vì chỉ đi ngang, có lẽ với ít nhiều vội vã, hăm hở đón chiếc taxi đầu tiên trở về trung tâm của Rome.

Tôi xuống xe tại trạm dừng ngày xưa. Tôi đi bộ trên con đường quen thuộc và cố gắng nhớ lại buổi tối khi tôi suýt ói. Chắc hẳn bấy giờ đã vào mùa thu – cùng thời tiết như hôm nay. Tôi đi lại cùng một con đường, nhìn thấy lại cửa sổ cũ của tôi, ngang qua cửa hàng tạp hóa cũ, tưởng tượng mẹ tôi như một phép lạ đang ở trên lầu chuẩn bị bữa tối, mặc dù tôi thấy bà già yếu như lần gặp gần đây nhất, và cuối cùng, vì tôi muốn nghĩ đến nó sau cùng, tôi đi ngang qua rạp chiếu phim tân trang, nơi có lần ai đó đến ngồi cạnh tôi và đặt tay lên đùi tôi trong lúc tôi chần chừ trước khi làm ra vẻ sửng sốt, tuy tôi chỉ muốn cảm thấy bàn tay hắn lướt ngược mềm mại trên đùi tôi. ‘Gì vậy?’ Tôi đã hỏi. Không lãng phí một giây, hắn đứng dậy và biến mất. Gì vậy? như thể tôi ngây thơ. Gì vậy? ý là kể cho tôi nghe cảm giác của anh vì tôi cần phải biết. Gì vậy? nghĩa là, đừng nói gì, không bận tâm, thậm chí đừng nghe, đừng dừng lại.

Chuyện chưa hề được kể ra. Nó ở lại trong nhà chiếu phim đó. Nó còn trong đó bây giờ khi tôi vừa đi qua. Bàn tay trên đùi tôi và chàng trai trẻ trên chiếc xe buýt 85 nói với tôi rằng có một giá trị thật nào đó của Rome vượt quá bộ sưu tập bưu thiếp dự trữ cũ, an toàn với hình các thần Hy Lạp và hình Apollo vừa nam vừa nữ khiêu khích sẵn sàng cho phép mình nhìn chằm chằm bao nhiêu lâu cũng được miễn là với xấu hổ và e sợ trong lòng, bởi vì mình đã xâm phạm mỗi đường cong trên cơ thể hắn. Lúc đó, tôi đã từng nghĩ rằng, dù tác động của một thân thể thật áp vào tôi gây rối loạn đến đâu, những tuần và tháng sau đó có thể chữa lành và dập tắt làn sóng đã tràn ngập tôi trên xe buýt. Tôi đã tưởng rằng cuối cùng tôi sẽ quên, hoặc tập nghĩ rằng mình đã quên, bàn tay tôi đã cho nán lại trên làn da trần của mình lâu hơn những người lứa tuổi tôi cho phép. Trong vài ngày, vài tuần, tôi đã chắc chắn rằng sự việc sẽ như một cơn bão tắt ngấm hoặc sẽ co lại như một trái quả tí teo rơi xuống đất trong bếp và lăn dưới tủ và được phát hiện nhiều năm sau đó khi ai đó quyết định làm lại sàn nhà. Người ta sẽ nhìn vào hình dạng khô héo của nó và chỉ thể nói, ‘Thử tưởng tượng tôi đã ăn quả này.’ Nếu tôi đã không thể quên, biết đâu những trải nghiệm mới có thể biến toàn bộ sự việc trở về nguyên dạng của một điều không đáng kể, hẳn vì cuộc sống cuối cùng sẽ trao ra rất nhiều quà tặng, cả những món quà tốt hơn và dễ dàng làm lu mờ những mảnh gần như không là gì trên một chiếc xe buýt đông đúc hoặc trong một nhà hát khu phố xấu xí ở Rome.

Người ta nhớ rõ nhất những gì chưa từng xảy ra.

Apollo Sauroktonos, Roman copy in marble of the statue by Praxiteles, Vatican Museums

Tôi có trở lại các viện bảo tàng Vatican Museums để xem Apollo của tôi sắp giết một con thằn lằn. Tôi cần sự cho phép đặc biệt để vào dãy hắn đứng. Công chúng không được phép xem hắn. Tôi luôn tỏ lòng tôn kính với Laocoön, và Apollo Belvedere, và các bức tượng khác trong viện Pio Clementino, nhưng luôn là Apollo Sauroktonos mà tôi mong mỏi và tìm sau cùng. Cái tuyệt vời nhất dành cho cuối cùng. Đó là bức tượng duy nhất mà tôi muốn thăm lại mỗi khi đến Rome. Tôi không cần phải nói một lời. Hắn biết, đến bây giờ chắc chắn hắn phải biết, luôn vẫn biết, thậm chí hồi đó khi hắn gặp tôi sau giờ học, biết tôi đã làm gì với hắn.

‘Anh có bao giờ chán tôi không?’ hắn hỏi.

‘Không, không bao giờ.’

‘Phải vì tôi bằng đá và không thể thay đổi?’

‘Có thể. Nhưng tôi cũng không đổi, không chút nào.’

Hắn ước phải chi hắn là xác thịt, chỉ lần này thôi, hắn đã từng nói khi tôi còn trẻ.

‘Đã lâu lắm rồi,’ hắn nói.

‘Tôi biết.’

‘Và anh đã già đi,’ hắn nói.

‘Tôi biết.’ Tôi muốn thay đổi đề tài. ‘Có ai khác yêu anh nhiều vậy không?’

 ‘Sẽ luôn có những người khác.’

‘Vậy điều gì tách biệt tôi?’ Hắn nhìn tôi và mỉm cười.

‘Không gì, không gì tách biệt anh. Anh cảm thấy những gì mọi người đàn ông cảm thấy.’

‘Anh sẽ nhớ tôi chứ?’

‘Tôi nhớ tất cả mọi người.’

‘Nhưng anh có cảm giác gì không?’ Tôi hỏi.

‘Tất nhiên là tôi có cảm giác, tôi luôn có. Sao tôi lại không có cảm giác?’

‘Tôi muốn nói dành cho tôi.’

‘Tất nhiên là dành cho anh.’

Tôi không tin hắn. Đây là lần cuối tôi thăm hắn. Tôi vẫn muốn hắn nói điều gì đó với tôi, cho tôi, về tôi.

Tôi sắp bước ra khỏi viện bảo tàng khi đầu óc tôi chợt nghĩ về Freud, vị giáo sư phân tâm học chắc chắn đã phải đến viện Pio Clementino cùng vợ hoặc con gái hoặc với người bạn thân là nhà sưu tập Emanuel Löwy, từ Vienna sang cư ngụ tại Rome. Chắc chắn hai người bạn Do Thái phải đứng đó một lúc và nói về bức tượng – làm sao có thể khác? Nhưng Freud không bao giờ đề cập đến Sauroktonos, mà ông ta chắc chắn phải thấy ở cả Rome và Louvre trong những ngày còn là sinh viên. Chắc chắn ông ta đã nghĩ về bức tượng đó khi viết về thằn lằn trong bài phê bình tiểu thuyết Gradiva của Jensen. Freud cũng không đề cập đến Winckelmann ngoại trừ một lần, bản thân Winckelmann chắc chắn đã nhìn thấy nguyên bản bằng đồng của bức tượng mỗi ngày trong nhiệm kỳ của ông tại nhà Hồng y Albani. Tôi biết rằng sự im lặng của Freud về vấn đề này không phải là vô tình, sự im lặng của Freud mang một tính chất kỳ quặc theo các lý thuyết của ông, giống như tôi biết ông đã phải nghĩ những gì bản thân tôi đã nghĩ, những gì mọi người sau khi nhìn Sauroktonos đều nghĩ: ‘Đây có phải là một người đàn ông trông giống như phụ nữ, hoặc một người phụ nữ trông giống như đàn ông, hoặc một người đàn ông trông giống như một phụ nữ mà lại trông giống như đàn ông. . .’ Nên tôi hỏi bức tượng, ‘Anh có nhớ một bác sĩ người Vienna có râu mà thỉnh thoảng đến một mình và giả vờ đang không nhìn chằm chằm?’

‘Một bác sĩ người Vienna có râu? Có thể.’

Apollo đang có vẻ kín đáo, mà tôi cũng vậy.

Nhưng tôi nhớ những lời cuối cùng của hắn. Những lời này đã nói với tôi một lần và hắn đã lặp lại nguyên văn năm mươi năm sau: ‘Tôi ở giữa sự sống và cái chết, giữa xác thịt và đá. Tôi không còn sống, nhưng hãy nhìn tôi, tôi còn sinh động hơn anh. Anh, ngược lại, không chết, nhưng anh có bao giờ sống chưa? Anh có bao giờ vượt sang bên kia bờ sông?’ Tôi không có lời nào để tranh luận hay trả lời. ‘Anh tìm thấy sắc đẹp mà không phải sự thật. Anh phải quyết định đời sống của mình.’

Vũ Thị Thanh Mai chuyển ngữ từ bản Anh văn In Freud’s Shadow


Vũ Thị Thanh Mai trước Castel Sant’Angelo, Rome, tháng 7-2018