Không phải truyện khoa học giả tưởng, không phải truyện hiện thực, nhưng lơ lửng ở giữa một cõi văn chương rối loạn. Một thể hiện mới, dường như muốn phá vỡ sự toàn vẹn của hiện thực. Một số nhà phê bình cho rằng, phong trào Transrealism sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ 21.
Nền tảng Chuyển Đổi Hiện Thực
Transrealism là gì? Là một đường lối văn học, áp dụng chung các kỹ thuật phối hợp các yếu tố kỳ quái, tưởng tượng, được dùng trong khoa học viễn tưởng, với những kỹ thuật của nhận thức trực tiếp về mô tả từ chủ nghĩa Hiện Thực Tự Nhiên.
Transrealism là một trong những phản ứng văn học đối với chủ nghĩa Hiện Thực và những phong trào chủ trương đưa sự kỳ quái, kỳ lạ, hoang đường vào văn chương. Transrealism cũng sử dụng những sự kiện kỳ ảo bởi tưởng tượng nhưng có nguồn gốc và dự phóng từ khoa học, được xem như con đường khả dĩ nhất có thể xảy ra trong tương lai, ví dụ như chương trình truyền hình Star Trek. “Những phương tiện thông dụng của khoa học giả tưởng, như du hành thời gian, chống lại trọng lực, thay đổi thế giới, thần giao cách cảm …v …v … đều là những biểu tượng thực tế điển hình cho sự nhận thức. ‘Du hành bằng thời gian’ là trí nhớ, ‘chuyến bay’ là sự giác ngộ, ‘thay đổi thế giới’ tiêu biểu cho sự đa diện về quan điểm toàn cầu của cá nhân, ‘thần giao cách cảm’ là khả năng giao tiếp được hoàn tất. Đây là lãnh vực của Trans.”
Còn lãnh vực “Hiện Thực” bao gồm thực tế, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị phải đối phó với đời sống như một thực tại (đời sống là đời sống, không gì khác hơn). Học thuyết Transrealism không chỉ nỗ lực để điều trị trực tiếp thực tại, mà còn nhắm tới sự sâu xa hơn của thực tại (không phải siêu thực) mà đời sống cưu mang” (“A Transrealism Manifesto,” Rudy Rucker).
Transrealism, gọi là Chuyển Đổi Hiện Thực. Đối với học thuyết này, “Trans” mang ý nghĩa rộng và sâu hơn “chuyển đổi.” “Trans” là đưa một thực tế hiện thực vào một dự tưởng tương lai, với niềm tin khoa học có thể tiếp cận, và hiệu quả của viễn cảnh/viễn tượng tương lai dùng để giải thích, giải quyết vấn đề hiện tại.
Ý nghĩa căn bản: Hiện thực không đúng là hiện thực, hiện thực thật sự là một cái gì khác hơn. Bất cứ hiện thực nào cũng cần sự “tưởng tượng mang bản chất khoa học” để thấy được cái không thực, sự phối hợp giữa cái không thực và cái thực tế sẽ là hiện thực thật sự, hiện thực đúng nghĩa.
Bối cảnh đưa đến phong trào Transrealism bắt nguồn từ thi sĩ William Wordsworth trong bài tựa của Lyrical Ballards. Nhưng sau thế chiến thứ hai, trong giai đoạn nghi ngờ và xét lại toàn bộ giá trị, gọi là Hậu Hiện Đại, thi sĩ John Keat, một lần nữa, viết: “Khi con người sinh hoạt trong tình trạng bấp bênh, nhiều bí ẩn, nghi ngờ, không nơi nào tìm đến sự thật và lẽ phải.” Khuynh hướng đi tìm giải đáp dựa vào khoa học tương lai đã xuất hiện trên đường chân trời, cùng với nhiều chủ nghĩa và phong trào văn học khác.
Danh từ Transrealism là sản phẩm của nhà văn, nhà toán học, nhà phê bình Rudy Rucker trong tiểu luận văn chương “Transrealist Manifesto,” năm 1983. Ba mươi năm sau, Transrealism trở thành phong trào văn chương. Trước đó, khoa học giả tưởng và truyện hiện thực là hai con đường chia cách. Trong phong trào này, giả tưởng từ khoa học và hiện thực từ đời sống kết hợp rồi nở hoa.
Transrealism trong truyện
Tiếp cận hiện thực và tiếp cận kỳ ảo khoa học là hai phương pháp được nhập một, áp dụng vào sáng tác của Transrealism. Dùng hai ưu điểm của hai phương pháp tiếp cận một sự kiện, sẽ giúp cho sự lĩnh hội còn mù mờ của hiểu biết, được rõ ràng hơn. “Các nhà văn Transrealism sáng tác về những nhận thức trực tiếp bằng những lối kỳ ảo (nếu không muốn gọi là kỳ dị.) Bất kỳ văn chương nào không cưu mang thực tế thật sự là văn chương (có phẩm chất) kém và yếu. Nhưng văn chương hoàn toàn Hiện Thực đã bị tắc tị. Có ai cần thêm những truyện viết về thực tế? Những phương tiện về kỳ ảo khác thường và khoa học viễn tưởng cung ứng ý nghĩa để phong phú thêm cho truyện hiện thực. Bằng cách sử dụng những phương tiện kỳ ảo, có thể biểu trưng những ẩn ý của tác giả” (Rudy Rucker).
Transrealism chống lại truyện có cấu trúc nhân tạo trong cốt truyện và những nhân vật tạo dựng. Thay vào đó, là những sự kiện có thật và con người thật, chủ yếu từ kinh nghiệm sống của tác giả. Nhưng xuyên qua câu truyện thật này, tác giả kết cấu những ý tưởng kỳ ảo, thông thường được vay mượn từ khoa học viễn tưởng, từ lãnh địa kỳ ảo và kinh dị. Ví dụ như câu truyện nổi tiếng trong phim E.T. Những tác phẩm như Harry Potter, The Hunger Games, không thuộc về Transrealism vì thiếu những yếu tố thực tế. Transrealism tạo ra sự không thoải mái vì cho chúng ta biết thực tại là điều tốt nhất, còn tệ nhất là không tồn tại. Và không cho chúng ta lối thoát nào ra khỏi thực tại đó.
Truyện Transrealism trình bày khuynh hướng thoát ly thực tế và cắt đứt thực tế của khoa học giả tưởng, bằng cách cung cấp những đặc tính nổi bật qua tự truyện và mô phỏng những người quen của tác giả. “Nhân vật cần phải dựa trên người thật. Những điều làm cho thể loại truyện trở nên tẻ nhạt là những nhân vật rõ ràng là con rối theo ý tác giả. Hành vi có thể đoán trước, đối thoại gây khó khăn để phân biệt, nhân vật nào cần nói điều gì. Trong đời thật, những người chúng ta gặp, hầu như không bao giờ nói những gì chúng ta mong đợi. Từ những tiếpxúc va chạm lâu ngày, chúng ta mang theo những hình ảnh của người quen trong trí tưởng. Những mô tả này không giống như những phản ứng của họ trong những diễn tiến tưởng tượng mà chúng ta mong muốn. Cứ để sự mô tả tạo ra nhân vật, chúng ta có thể tránh được những sản phẩm máy móc từ ý đồ riêng tư. Điều cần thiết là những nhân vật có một số cảm giác mất kiểm soát, như người thật bên ngoài, có điều gì mà mọi người có thể học hỏi bằng cách đọc về những nhân vật được tạo dựng nên?
Trong truyện Chuyển Đổi Hiện Thực, tác giả thường xuất hiện như một nhân vật thực tế, hoặc cá tính của họ được chia ra trong nhiều nhân vật. Điều này có vẻ tự cao tự đại. Nhưng sử dụng chính bản thân làm nhân vật, theo tôi, không phải là tự ca ngợi mình. Đơn giản chỉ là điều cần thiết. Thật vậy, nếu viết về những nhận thức trực tiếp, thì có quan điểm nào khác hơn quan điểm riêng tư của bản thân? Chính việc sử dụng một phiên bản lý tưởng hóa bản thân (không sát thực tế), mới là tự cao tự đại (tự đánh bóng cá nhân), một bản thân hoang tưởng. (…) Các nhân vật chính trong Chuyển Đổi Hiện Thực không được trình bày như những siêu nhân vật. Một nhân vật chính trong truyện transrealism chỉ là người dễ bị kích thích và bất lực như chúng ta tự biết về bản thân của mình” (Rudy Rucker).
Transrealism xuất hiện giữa sự mệt mỏi và nhàm chán của truyện Hiện Thực, bằng cách tạo ra những ẩn dụ mới mang tính kỳ ảo, cho thích ứng với sự thay đổi của tâm lý và ý thức của độc giả, vô tình hoặc cố ý muốn vượt qua thực tại trong đời sống. Một trong những nguồn cho sự vượt ra thực tại mà tác giả có thể sử dụng là gia tăng những mô hình vũ trụ trong lý thuyết vật lý thiên văn (theoretical astrophysics). những nhà văn nằm trong phạm vi này là Philip K. Dick, Margaret Atwood, John Barth, Lisa Goldsten, James Morrow, Joanna Russ…
“Nhà văn Chuyển Đổi Hiện Thực không dự đoán kết quả của câu truyện. Tác phẩm của họ phát triển tự nhiên, tự động như đời sống thực tế. Tác giả chỉ có thể chọn nhân vật và dàn trải, giới thiệu điều này, việc kia, đặc biệt là những yếu tố kỳ ảo, nhằm mục đích tiến tới những tình cảnh quan trọng. Nghĩa là, truyện Chuyển Đổi Hiện Thực viết như viết trong bóng tối và không có dàn bài sơ thảo” (Rudy Rucker).
Transrealism là một hình thức nghệ thuật cách mạng. Là một phương tiện quan trọng trong sự thỏa mãn những bế tắc của ý tưởng. Transrealism điềm chỉ những bình thường tàng ẩn bí mật của người và đời sống.
“Làm gì có con người bình thường, hãy nhìn những người thân quen, những người chúng ta biết họ rất rõ. Tất cả đều kỳ lạ ở một mức độ nào đó, ẩn dưới bề mặt. Tuy nhiên, truyện phổ thông thường kể về những người bình thường trong đời sống bình thường. Miễn, bạn cực lực ẩn giấu cảm giác là người kỳ dị, để cảm thấy mệt mỏi và ân hận. Bạn hăm hở sống với những gì đã thành hình, với sợ hãi, một hôm nào, sẽ bị khám phá. Thật ra, ai cũng kỳ lạ, (bí hiểm), không thể đoán trước. Đó là điều rất quan trọng tại sao nên sử dụng họ làm những nhân vật, thay vì theo lề lối tạo dựng người giấy, không thể nào đạt được giá trị (…)
Ý tưởng phá vỡ sự toàn vẹn của sự kiện thực tế còn quan trọng hơn nữa. Đây là lúc sử dụng những phương tiện từ khoa học viễn tưởng. Mỗi tâm trí là một thực tế riêng rẽ. Miễn là con người có thể bị lừa để tin tưởng những sự kiện thực tế, xảy ra trong giờ tin tức buổi chiều, lúc 6 giờ 30, họ bị lùa đi như đàn cừu: Các nhà lãnh đạo đe dọa chúng ta bằng chiến tranh nguyên tử; bị hướng dẫn điên cuồng bởi sợ hãi sự chết; vội vã chạy đua để mua hàng tiêu dùng. Trong khi chuyện thực tế có thể xảy ra là bạn tắt truyền hình, ăn uống thoải mái, đi dạo lanh quanh, với vô số ý nghĩ và nhận thức đang được đưa vào tâm trí một cách vô hạn” (Rudy Rucker).
Transrealism chống lại với sự toàn vẹn của hiện thực, xác định nó thuộc về văn chương Hậu Hiện Đại, giống như Siêu Thực, có bản chất thuộc về văn chương dội ngược (slipstream literrature) (ý nói sự phản kháng đối với văn chương truyền thống). Transrealism có thể xem như một nhánh rẽ của dòng văn chương dội ngược.
Transrealism và Magic Realism có nhiều vùng tương tựa. Sự khác biệt xảy ra ở những chuyện kỳ dị được sử dụng để làm cho hiện thực nổi bật và tỏ lộ ý nghĩa thật sự. Magic Realism dùng những chuyện, những hình ảnh tưởng tượng mang tính hoang đường, hoặc có nguồn gốc tôn giáo, hoặc thần thoại. Đó cũng là ý nghĩa của từ “Magic.” Trong khi Transrealism dùng những hình ảnh, những câu chuyện có nguồn gốc hoặc bản chất khoa học, dù là khoa học giả tưởng hay viễn tưởng, có thể sẽ là thực tế trong tương lai. Khoa học chưa biết, chưa chứng minh được, luôn luôn là niềm tin của tò mò, luôn luôn là nghi ngờ của khám phá, luôn luôn thú vị và hối thúc trí tuệ.
Ngày nay, Transrealism làm nền cho một số văn học đương đại. Phê bình cho rằng, Transrealism có 30 năm quá khứ nhưng điều đáng quan tâm chính là 30 năm trong tương lai.
“Sẽ luôn luôn có một nơi để thể loại văn chương khoa học viễn tưởng thoát ra. Nhưng không có lý do nào để hạn chế và những phương thức phản lại lập nên quy định cho tất cả sáng tác. Chuyển Đổi Hiện Thực là con đường đi đến khoa học viễn tưởng chân chính và nghệ thuật.” (Rudy Rucker)
Tuyên ngôn Chuyển Đổi Hiện Thực (Rudy Rucker)
Trong bài viết này, tôi muốn đề cử một thể loại sáng tác khoa học viễn tưởng mà tôi gọi là “Transrealism.” Chuyển Đổi Hiện Thực không mang nhiều tính năng giống khoa học viễn tưởng, mà là một thể loại văn chương tiền phong. Tôi cảm thấy Transrealism là cách tiếp cận hợp lý đối với văn chương ở thời điểm này trong lịch sử.
Nhà văn Chuyển Đổi Hiện Thực viết về “nhận thức tức thì” (immediate perception) trong tưởng tượng cao độ. Bất kỳ thể loại văn chương nào nếu không cưu mang hiện thực, sẽ non kém và thiếu sinh lực. Nhưng thể loại hoàn toàn hiện thực đã kiệt quệ. Ai cần thêm những loại sáng tác này? Các phương tiện của kỳ diệu và khoa học viễn tưởng cung ứng khả năng tăng trưởng bề dày và tăng cường hư cấu hiện thực. Bằng cách sử dụng học thuật “kỳ diệu” (fantastic: kỳ quái. Tưởng tượng cao độ), nó có thể thực sự thao tác ý nghĩa bên trong của văn bản. Những phương tiện quen thuộc của khoa học viễn tưởng, như du hành thời gian, phản trọng lực, thế giới tưởng tượng, thần giao cách cảm… trong thực tế là những biểu tượng cho các phương thức rất căn bản của nhận thức. Ví dụ, du hành thời gian là ký ức. Bay là khai sáng hoặc giác ngộ. Thế giới tưởng tượng biểu trưng cho tính đa dạng của nhiều quan điểm cá nhân. Thần giao cách cảm là khả năng giao tiếp toàn thể và xán lạn. Đây là thao tác của “Trans” (chuyển đổi). Còn thao tác của “Hiện Thực” liên hệ đến thực tế. Nghĩa là, phần sáng tác mang hiệu lực nghệ thuật đối phó với thế giới theo đường lối thế giới thực sự hiện diện. Chuyển Đổi Hiện Thực nỗ lực không chỉ đối xử với thực tế xác thực mà còn (vận động) thực tế cao kỳ tiềm ẩn trong đời sống.
Nhân vật nên xây dựng trên người thật. Những điều làm cho các câu truyện căn bản trở thành nhàm chán là những nhân vật rõ ràng chỉ là con rối theo ý đồ của tác giả. Các hành động, diễn biến có thể đoán trước. Đối thoại gây khó khăn để nhận biết nhân vật nào “được nói đến.” Ngoài đời, những người chúng ta gặp gỡ hầu như không bao giờ nói những gì chúng ta mong muốn hoặc mong đợi. Từ sự quen biết lâu ngày và va chạm buồn vui với người khác, chúng ta cưu mang những mô phỏng về họ trong tâm trí. Những mô phỏng này xâm nhập vào chúng ta mà trước đó không có. Nhân vật không phản ứng với các tình cảnh tưởng tượng như tác giả dàn dựng. Bằng cách để những mô phỏng (đã có trong ký ức) điều khiển các nhân vật, chúng ta có thể tránh những hậu quả hoàn toàn theo mong muốn một cách máy móc. Điều cốt yếu là các nhân vật phải có sự kiểm soát, với mục tiêu mô tả như người thật. Phải chăng, để bất kỳ độc giả nào cũng có thể học hỏi về những “người được tạo ra?”
Trong truyện Chuyển Đổi Hiện Thực, tác giả thường xuất hiện như một nhân vật thực tế, hoặc cá tính tác giả chia ra thể hiện trong vài nhân vật. Khái niệm này mới nghe như có vẻ tự cao tự đại. Nhưng tôi xin lập luận, việc sử dụng bản thân vào nhân vật không phải tự tôn cá nhân. Đây là việc cần thiết dễ hiểu. Thật vậy, nếu chúng ta viết về những nhận thức tức thì, quan điểm nào có thể sử dụng (thích hợp) hơn quan điểm cá nhân? Việc sử dụng một phiên bản lý tưởng của bản thân, một tưởng tượng từ chính mình, tự cho nhân vật hành động theo ý muốn trong trạng thái nô lệ một cách khôn khéo, mới là tự cao tự đại. Nhân vật Chuyển Đổi Hiện Thực không phải là siêu nhân. Nhân vật Chuyển Đổi Hiện Thực mang tâm tư và trí tuệ như chúng ta từng biết bản thân mình là ai.
Nghệ sĩ Chuyển Đổi Hiện Thực không thể tiên đoán hình thái hoàn tất của tác phẩm do họ sáng tác. Truyện Chuyển Đổi Hiện Thực có cơ bản phát triển giống như chính cuộc sống. Tác giả chỉ có thể chọn lựa các nhân vật vào dàn dựng, giới thiệu những điều này hoặc những yếu tố có phần kỳ diệu, với mục đích xây dựng những cảnh truyện quan trọng. Lý tưởng nhất cho sáng tác Chuyển Đổi Hiện Thực là viết trong tự nhiên không rõ trước, không cần phác thảo (hoặc dàn bài). Nếu tác giả biết chính xác tác phẩm của họ sẽ diễn biến như thế nào, thì người đọc sẽ thông nhận ra (cảm nhận theo thông diễn). Một cuốn truyện có thể dự đoán trước, không còn gì thích thú. Nói sao đi nữa, một câu truyện cần phải mạch lạc. Đời sống thông thường không có ý nghĩa. Người ta sẽ không đọc nếu không có cốt truyện (hoặc không có âm mưu). Và tác phẩm không có người đọc, không phải là tác phẩm nghệ thuật có hiệu quả. Một cuốn truyện thành công, bất kỳ thể loại nào, phải kéo người đọc xuyên qua nó. Làm sao có thể viết câu truyện mà không có phác thảo hoặc dàn bài? Sự phân tích tương tựa như vẽ một mê cung. Để vẽ sự hỗn loạn này, người viết phải bắt đầu (nhân vật và dàn dựng) trong một số mục tiêu nhất định (những cảnh truyện chính). Một mê cung tốt (đúng và hay) buộc người đồ lại phải trải qua tất cả mục tiêu một cách mạch lạc. Khi chúng ta vẽ mê cung, sẽ bắt đầu bằng một con đường nhất định, nhưng để nhiều khoảng trống mà những con đường khác có thể nối lại (hoặc băng qua). Để sáng tác một tác phẩm Chuyển Đổi Hiện Thực mạch lạc, phải bao gồm một số sự kiện “không thể giải thích” trong văn bản. Những gì xảy ra mà chính tác giả cũng chưa biết. Về sau, người viết uốn cong những nhánh dây mọc thêm (trong lúc) kể truyện, để móc nối vào những giao điểm này (những khoảng trống để sẵn). Nếu không có giao điểm nào sẵn sáng để móc nối, tác giả phải quay trở lại, viết thêm để tạo những giao điểm mới (việc này sánh như xóa bỏ một số bức tường đã dựng lên trong mê cung). Mặc dù đọc phải theo tuyến, nhưng viết thì không cần.
Chủ nghĩa Chuyển Đổi Hiện Thực là một hình thức nghệ thuật cách mạng. Động lực chính điều khiển tư duy quần chúng là “huyền thoại” về thực tế được đa số đồng thuận. Tay trong tay với huyền thoại này đi theo khái niệm “người bình thường.”
Không có ai bình thường cả, chỉ cần nhìn những người thân, người mà chúng ta có khả năng nhận biết tốt nhất. Tất cả bọn họ đều kỳ lạ ở mức độ nào đó, ẩn dưới bề mặt. Tuy nhiên truyện thông thường phổ biến cho chúng ta những người bình thường trong đời sống bình thường. Miễn là người viết sáng tác trong cảm giác họ là người lạ mặt duy nhất, sau đó họ cảm thấy yếu đuối và biện hộ. Họ mong muốn theo chân những thiết lập đã định với một chút sợ hãi để gây sóng gió, nếu họ không được công nhận. Thời bây giờ, người ta kỳ lạ và khó chuẩn đoán, đây là lý do tại việc dùng họ để mô tả nhân vật trở thành quan trọng, thay vì dùng “búp bê giấy” không rõ tốt hay xấu của văn hóa hàng loạt.
Quan điểm muốn phá vỡ những thực tế đồng thuận (huyền thoại) thậm chì quan trọng hơn cả quan trọng. Nơi các phương tiện khoa học viễn tưởng đặc biệt hữu ích. Mỗi trí tuệ là một thực tế cho chính nó. Đến chừng nào người ta có thể bị lừa bịp để tin vào thực tế của tin tức lúc 6 giờ 30, họ sẽ bị dẫn đi như đàn cừu. Vị tổng thống đe dọa chúng ta với chiến tranh nguyên tử, và gây sợ hãi cuốn cuồng vì tử diệt. Khiến chúng ta vội vã “mua hàng tiêu dùng.” Trong khi thực tế nhất, chuyện thật sự xảy ra là chúng ta tắt máy truyền hình (hoặc đài phát thanh). kiếm thứ gì thích thú để ăn, rồi đi bách bộ với vô số điều suy nghĩ và nhận thức hòa trộn với vô số những gì thu thập từ nhiều nơi.
Sẽ luôn luôn có một con đường thoát khỏi thể loại văn học khoa học viễn tưởng. Vì không có lý do nghiêm trọng nào giới hạn và điều kiện phương thức phản lại tất cả các văn bản của chúng ta. Chuyển Đổi Hiện Đại là con đường đi đến nghệ thuật thật sự của khoa học viễn tưởng.
(Đăng trong Bản tin của Các Nhà Văn Khoa Học Viễn Tưởng ở Hoa Kỳ, số 82, Mùa Đông 1983. Bản dịch của Ngu Yên).
Ví dụ truyện Chuyển Đổi Hiện Thực
Theo Rudy Rucker, truyện Transrealism không gần gũi với thể loại truyện khoa học giả tưởng, đây là loại truyện văn chương tiền phong, cung cấp những lối thoát cho sự tù túng của trí tưởng. Trong văn học đương đại, tác phẩm của Transrealism có một vị trí quan trọng và đang được yêu chuộng, nhất là khi tác phẩm được đưa vào phim ảnh, mang đến nhiều hiệu quả rộng rãi.
(Về khía cạnh giữa tưởng tượng khi đọc truyện và tưởng tượng thành hình trong phim ảnh, cho chúng ta những thú vị và thâm trầm khi so sánh: 1- Hình ảnh tưởng tượng khi đọc không có giới hạn và khác nhau giữa những người đọc. Hình ảnh trong phim đã xác định và giống nhau cho hầu hết những người xem. 2- Khả năng tưởng tượng của người đọc bình thường so với khả năng tưởng tượng chuyên nghiệp của đạo diễn và người viết cảnh phim. 3- Đưa đến rốt ráo là những phần bí ẩn trong tâm trí con người vẫn chưa được khám phá. Cái vòng tròn luân lưu từ hình ảnh sinh ra cảm xúc hoặc từ cảm xúc sinh ra hình ảnh, không có bắt đầu, không có chấm dứt; người sáng tác thể hiện hình ảnh và cảm xúc từ vị trí nào trên vòng tròn luân lưu đó).
Một số truyện Transrealism gần đây, được nhiều cổ võ, nhiều người đọc, nhiều người xem. Dường như Transrealism đáp ứng được một số nhu cầu tâm sinh lý đương thời.
Truyện dài bốn tập Twilight (Thời Mông Muội) của Stephemie Meyer, xuất bản từ 2005 đến 2008; được đưa vào điện ảnh dưới tựa đề: Twilight Saga, chia làm hai phim, Eclipse và Breaking Dawn. Nội dung kể lại sự mâu thuẫn giữa đàn sói ma và đám ma cà rồng. Nhân vật chính là Isabella “Bella” kết hôn với ma cà rồng Edward Cullen, sinh ra một bé gái nửa người nửa ma. Xã hội ma cà rồng muốn tiêu diệt đứa bé gái vì nó là mầm mống nguy hiểm cho sự sinh tồn của ma cà rồng. Jacob Black, sói ma, giúp chị Bella, chống lại ma cà rồng. Một số bạn ma thân của Edward cũng tham gia. Trận chiến xảy ra trong thần giao truyền cảm. Cuối cùng những người bạn của Edward và Bella đã chứng minh sinh vật nửa người nửa ma không có tác hại đến sinh mệnh ma cà rồng. Câu truyện vừa kỳ quái, vừa cảm động, vừa hấp dẫn, nhất là xem phim. Câu truyện đúng như tinh thần của Transrealism, và ý nghĩa mang đến cho người đọc là tình gia đình và tình bằng hữu. Thời mông muội, mơ hồ, kỳ ảo đó chính là tương lai của nhân loại. Trong hỗn mang nguy hiểm, trong sinh tồn bấp bênh, chỉ có gia đình và bằng hữu chung lưng, chung sức mới có thể vượt qua những khó khăn. (Thật ra, thời nào cũng vậy, gia đình và bằng hữu là sức mạnh đối phó với số mệnh xấu. Tuy nhiên, con người thường xem nhẹ gia đình và bằng hữu. Thường khi họ quan tâm gia đình nhỏ, bao gồm vợ chồng con cái mà thôi. Nhất là sức mạnh bằng hữu, thường dùng để chống nhau, hơn là chung lưng đấu cật. Lucius Annaeus Seneca nói một điều rất thâm trầm: “One of the most beautiful of true friendship is to understand and to be understood” (Điều đẹp nhất trong tình bạn chân thành là hiểu nhau và được hiểu). Hiểu nhau còn có thể, được hiểu, vô cùng khó).
Bàn về truyện ngắn Transrealism, Rudy Rucker đề nghị những nguyên tắc:
– Dùng khoa học viễn tưởng chuyển nghĩa để diễn tả một sự kiện nguyên bản sâu sắc về tâm linh.
– Bao gồm nhân vật chính mang hình ảnh của bản thân. Đừng nâng cao, đừng ca ngợi nhân vật này một cách thiếu thực tế.
– Dùng những người quen để làm căn cứ cho nhân vật. Có thể kết hợp vài người thật vào một nhân vật, nhưng không thể quá nhiều, thường sẽ bị mâu thuẫn và rối loạn.
– Không nhất thiết phải theo sự dàn trải cứng ngắc hoặc chi tiết. Để các tương quan sinh hoạt tự nhiên của nhân vật và ý nghĩ có cơ hội thử nghiệm. Sự hòa hợp sẽ tự động tạo thành cốt truyện.
Những nguyên tắc này, ngoài trừ việc sử dụng sự kiện khoa học viễn tưởng, phần còn lại cũng giống như những nguyên tắc sáng tác của phái tự nhiên, ngược lại phái cấu trúc như Poe đã đề xuất.
Truyện ngắn: Thử Nghiệm 3: Sơn Aint, (Experiment 3: Aint Paint) của Rudy Rucker. Trích trong Six Thought Experiments Concerning the Nature of Computation, bản dịch của Ngu Yên
Mặc dù Shirley Nguyen nói tiếng Anh giỏi và học chung với một nhóm nam sinh trong chương trình kỹ sư hóa học tại đại học U.C. Berkley, cô vẫn chưa có bạn trai. Chẳng phải vì xấu gái, nhưng cô không thể nào bỏ đi những thói quen của người Việt, che miệng khi cười và le lưỡi khi xấu hổ. Biết vậy là không hay, cô cố tập đừng làm, nhưng giữ không được bao lâu. Có thể trở ngại của cô là cắm cúi học thay vì để thời giờ chăm sóc ngoại hình.
Tóm lại, đối với người Tây Phương và người Á Châu hội nhập, Shirley là cô gái cù lần quá độ, mỗi cuối tuần rút về chung cư của bố mẹ trên đường Shattuck, dùng hết thời giờ để học, trong khi tất cả người nhà làm việc trong một tiệm phở do họ làm chủ, mở dưới lầu. Dĩ nhiên, bà Bình, mẹ của Shirley, đã có kế hoạch sắp xếp hôn nhân cho con gái. Đôi khi bà bước ra ngoái đường, tay cầm đôi đũa nấu ăn dài như đũa ảo thuật, ngóng cổ kêu vọng lên lầu, gọi Shirley xuống gặp một người nào đó. Nhưng cô ta không thích những chàng trai Việt mới nhập cư, mà bà Bình luôn luôn nghĩ tới. Đúng thôi, những chàng trai này còn quê mùa sẽ thấy cô quá tân thời, chắc chắn họ không biết gì về quyền phụ nữ. Shirley không phải chật vật lắm để vượt qua môn học khó nhất ở Berkeley, nhưng lại là nô lệ cho tình ái.
Ngày tốt nghiệp diễn ra, Shirley đang ngần ngừ trước vài công việc tại địa phương, muốn mướn cô, như công ty dầu thô và hãng chế tạo dược phẩm. Trong lúc tham khảo các nhà máy, cô cảm thấy lo âu khi để ý một số kỹ sư hóa học cấp trên đã mất đi một vài bộ phận cơ thể. Người này, một bàn tay. Người kia, một lỗ tai. Một chân nhìn biết ngay chân gỗ. Shirley chưa nhận ra sự nguy hiểm khi làm việc trong nội bộ của một kỹ nghệ quá lớn. Như một con bọ hung đậu giữa bộ máy xe. Ý nghĩ có thể bị tàn tật đến với cô, trước khi cô thật sự biết một người đàn ông có thể đáp ứng được sự mặc cảm bất trị của cô.
Tìm một công việc khác ít áp lực tại công ty nhỏ hơn, cô chọn làm ở Pflaumbaum Kustom Kolors (PKK) trong vùng Fremont. PKK sản xuất những loại sơn nhỏ, màu thời trang, dùng sơn xe hơi theo đơn đặt hàng. Ông chủ mập mạp, có râu rìa, trông như kẻ lái xe mô tô. Ông làm việc say mê, tự kiếm phần lớn khách hàng. Shirley thấy bề ngoài của ông Stuart Pflaumbaum hài hước và dễ chịu, mặc dù tính tình của ông cáu kỉnh hơn là vui vẻ.
“Tôi muốn chế tạo một loại sơn có hình mẫu,” Pflaumbaum nói với Shirley. Giọng nói của ông nghe chói tai nhưng đôi mắt trong sáng và tò mò. “Cô có thể làm được không?.” Shirley che miệng khúc khích cười phấn khởi – chợt nghĩ thầm, bỏ tay xuống, – bây giờ, cô lại cảm thấy thẹn thùng, lưỡi thè ra dài xuống tận cằm – ngậm miệng lại, cô nhủ thầm lần nữa – rồi đưa tay quẹt lên má. “Tôi muốn thử, ” sau cùng cô cũng thốt ra lời, “Không phải không thể làm. Tôi biết phương pháp kích hoạt hóa học để chế biến rồi hòa hợp những chấm nhỏ và sọc vằn. Phản ứng Belusouv-Zhabotinsky? Người ta có thể trộn lẫn hai lon sơn để quan sát những hình dạng tự động phối hợp với nhau trong những mảng chất lỏng. Khi sơn khô, những hình dạng còn lại sẽ hiện ra.” “Zhabotinsky?” Pflaumbaum trầm ngâm. “Họ có hợp thức bản quyền chưa?” “Tôi không nghĩ vậy đâu,” Shirley trả lời. “Họ là người Nga. Công thức này cũng đơn giản. Hãy lướt sóng tìm thử ngay bây giờ. Ông có thể thấy vài hình ảnh, để biết đại khái. Đây, tôi đánh tên vào ngay.” Cô chồm sang thân thể cồng kềnh của Pflaumbaum để sử dụng con chuột và bàn gõ. Ông mập có mùi thơm hơn cô tưởng – mùi sô cô la, mùi cà phê, mùi cần sa, phảng phất mùi rượu đỏ. Những mùi quen thuộc dọc đường phố Berkeley.
Khi hình ảnh hiện ra, ông nói, “cô được lắm.” Màu đỏ và màu xanh xoắn vào nhau. Shirley nói, -“ông thấy chưa? Bí quyết là dùng một phương pháp thiết thực dựa trên những hợp chất ít phí tổn. Có nhiều cách để điểu chỉnh kích thước của vòng xoắn. Ông có thể làm hai cuộn nhỏ cuốn lại với nhau, hoặc một cuốnlớn như nước xoáy. Thậm chí là giống sợi dây bện trang hoàng.” -“Thật là hay quá,” ông Pflaumbaum dường như thấu hiểu. “Tôi sẽ mướn cô.” Ông liếc nhìn Shirley, tay đang che miệng, giấu nụ cười mãn nguyện. Ông mập tiếp lời, “Bắt đầu từ đầu tháng.”
Shirley được cung cấp một góc trống trong nhà máy sơn, một phòng thí nghiệm riêng và một ngân sách nhỏ để mua máy móc vật liệu. Những nhân viên nói tiếng Tây Ban Nha khá thân thiện, nhưng dường như vị nữ kỹ sư thích làm việc một mình. Mỗi xế trưa, Stuart Pflaumbaum đi tham quan, chiếc bụng bự lòi ra dưới áo thun chật, ông hỏi cô về những kết quả mới nhất.
Có vẻ như cô gợi được lòng thích thú của Pflaumbaum, như ông đã làm cho cô thích thú. Rồi nhanh chóng, ông mời cô đi uống cà phê, sau đó, mời ăn chiều, chẳng bao lâu cô ngủ lại nhà ông, ngôi nhà rất đẹp, nằm trên ngọn đồi trông ra cả vùng Fremont.
Mặc dù Shirley bảo đảm với mẹ, ông chủ là người độc thân, nhưng căn nhà của ông vẫn lai vãng hình ảnh người vợ trước, không hiểu đã ly dị, ly thân hoặc đã qua đời? Mặc dù Stuart không nói gì về sự vắng mặt của vợ, Shirley đã tìm ra tên bà là Angelica. Cũng là người Á Châu, một điềm tốt cho tương lai Sherley. Không phải cô vội vã muốn ổn định, nhưng tốt hơn, những vấn đề rầy rà của hôn nhân được giải quyết một lần cho xong, tương tựa như giải quyết một quy trình giản đồ khó.
Đối với công việc chế tạo sơn hình mẫu, các hợp chất đầu tiên phản ứng tốt, đầy đủ để tạo ra hình ảnh lớn, có khuynh hướng dính chặt vào đồ vật khi sơn. Những công thức tương tựa tiếp theo tuy vô hại nhưng số thành quá đắt để đưa ra sản phẩm. Shirley suy nghĩ đến những cách dùng hóa chất phụ bằng sinh học. Sau một tháng thí nghiệm gay go, cô biết được, nước dịch tụy của loài bò trộn với chất kềm từ bột gỗ và một ít chất hắc tố của loài heo, sẽ trở thành chất xúc tác cho quá trình kích hoạt chế tạo màu, trong căn bản của loại sơn “enamel” (sơn tráng như men, láng và dày). Stuart gọi sản phẩm này là Sơn Aint.
Chỉ trong bốn tháng, họ đã bán ra hai ngàn thùng sơn PPK Aint, gồm bảy màu và nhiều hình mẫu. Mọi người đi xe đạp và những tay đua trong vịnh Phương Nam đều dùng sơn Aint. Vài kẻ gan dạ đã sơn nó lên những xe hơi thường. Stuart mướn luật sư để cầu chứng bằng sáng chế.
Không muốn những sáng chế bị chấm dứt, Shirley bắt đầu tìm đến một loại sơn đặc sệt hơn, gần như một chất dẻo. Để gia tăng độ dày của sơn, cô dùng phản ứng đắp chồng những hóa chất lên nhau, tạo ra những vết nhăn, trở thành những mẫu hình độc đáo – như gai nhọn và thân con voi – nếu xoay đúng độ nghiêng – vết nhăn giống như mặt của Yoda, người hành tinh trong phim Star Wars. Sơn Aint 3 Chiều nổi tiếng hơn Sơn Aint cũ. Được đưa lên hàng tin tức quốc gia và Pflaumbaum Kustom Kolors không còn cách nào cung cấp kịp những đơn đặt hàng.
Stuart nhanh chóng thỏa thuận mua bán với một công ty Đài Loan mới, tên Global Bong. Ông kiếm được bộn tiền. Nhưng khi mực ký tên trên hợp đồng vừa khô, Global Bong muốn đóng nhà máy ở Fremont và dời Shirley đi Trung Quốc. Đó là nơi cuối cùng trên thế gian mà cô phải đến.
Shirley xin nghỉ việc và tiếp tục chương trình nghiên cứu trong hầm dưới nhà của Stuart, hoá ra, không phải là một chiều hướng tốt. Không làm gì cả, Pflaumbaum thực sự đã trở thành nghiện rượu và hút xách. Đôi khi, ông trở thành lạm dụng tình dục và bạo hành. Lúc này, Shirley phải chịu đựng, nhưng rất bực bội. Stuart không bao giờ nhắc đến chuyện hôn nhân nữa.
Một hôm, trong cơn say xỉn, Stuart sơn cả phòng khách với nhiều lớp sơn mới chồng lên nhau, do Shirley vừa sáng chế, Sơn Aint 3 Chiều Di Động. Sơn có hóa chất phụ, giữ nước sơn không hoàn toàn khô. có hình mẫu thay đổi suốt ngày, dựa vào năng lượng từ ánh mặt trời. Stuart nhét dây cáp chuyền đĩa vệ tinh truyền hình vào lớp sơn dày, mày mò lầy lội và tuyên bố có thể xem thấy tất cả các đài một lượt trong lớp sơn. Shirley chẳng thấy gì.
Mặc dù như vậy, ý nghĩ của cô về Stuart có phần phấn khởi khi cô bắt đầu nhận được những tin nhắn dễ thương, tán tỉnh qua điện thoại cầm tay, trong lúc cô làm việc dưới hầm. Dù Stuart không nhìn nhận đã gửi tin nhắn, nhưng còn ai khác hơn?
Rồi còn hai vấn đề lớn khác, sớm phải đối đầu.
Thứ nhất, mẹ của Shirley muốn gặp mặt Stuart ngay lập tức. Chẳng hiểu vì sao Shirley đã không nói cho mẹ biết, bạn trai của cô lớn hơn cô hai mươi tuổi, không phải người Á Châu. Bà Bình nhất định sẽ không đồng ý. Bà sẽ đến gặp họ vào ngày mai. Anh Vinh, người bà con, sẽ chở bà đi. Shirley lo lắng bà Bình sẽ bắt cô rời bỏ Stuart, và còn lo sợ hơn nữa, nếu bà Bình nghĩ đúng. Làm thế nào để cô có thể cân bằng phương trình hôn nhân này?
Vấn đề thứ hai, sau bữa ăn tối, Stuart cho biết Angelica sẽ trở về trong hai hôm nữa, và Shirley nên tránh mặt trong một thời gian. Hóa ra, Stuart vẫn còn hôn phối, ông và Angelica thường xuyên cãi nhau, rồi cô ta giận bỏ đi Thượng Hải, thăm bà con trong tám tháng qua. Tuy nhiên, Angelica bắt được tin Stuart thành công lớn, nên bây giờ cô muốn quay về.
Chiều tối hôm đó, Stuart say ngủ trên ghế dài, nhưng Shirley thức suốt đêm. Nghiên cứu một công thức sơn. Giờ đây, cô đã nhận ra, những tin nhắn đến từ Sơn Aint, không phải từ Stuart. Sơn trò chuyện với cô và yêu cầu cho nó trở thành sản phẩm tột đỉnh mà nó có thể. Shirley vùi đầu làm việc cho tới rạng sáng như nhà bác học điên Frankenstein, không cần phải suy nghĩ cặn kẽ về chuyện cô dự tính. Ngay trước bình minh, cô thực hiện ý định cuối cùng, quét Sơn Aint lên chiếc ghế dài. Stuart ngủ say không biết chuyện gì sắp xảy ra.
Bên ngoài tiếng xe bóp còi. Bà Bình và Vinh đã đến, mang theo sau lưng mặt trời đang lên. Vinh già hom hem muốn trở về Oakland cho kịp giờ làm việc bảo trì tại vận động trường. Trong lúc Shirley đi ra đón họ trên đường vào, tay đang che miệng cười, điện thoại di động bật lên một tin nhắn: “Stuart da mat. Yeu em. Khanh Do.”
Vào nhà, họ nhìn thấy một chàng trai lạ, ngồi trên ghế dài. Một người Việt dễ thương, nét mặt dịu dàng và ánh mắt tử tế. Một cánh tay dựa vào tường, còn ngập trong màu sơn di động. Anh ta mặc y phục của Stuart. Shirley thè lưỡi dài tới tận cằm. Chàng trai không bận tâm. Cô dùng ngón tay nhỏ ra dấu, chỉ giọt máu nằm gần chân anh. Ngón chân cái của anh ta dài ra như trét vôi, vừa đủ để che kín dấu máu. Chàng trai giựt tay ra khỏi tường và cầm lấy tay Shirley.
“Con là Khánh Đỗ,” anh nói với bà Bình. “Chúng con đã đính hôn và sẽ làm đám cưới. Hôm nay, chúng con sẽ dời đi Berkeley.”
(Trích: Ngu Yên, Ý Thức Sáng Tác Truyện Đương Đại. Amazon phát hành)