
Phan Nhiên Hạo dịch
Ryszard Kapuscinski, (1932 – 2007) là nhà báo, nhà thơ, tác giả nổi tiếng người Ba Lan, sinh thời được xem là một ứng cử viên sáng giá của giải Nobel văn chương. Ông là một trong những tác giả Ba La được dịch nhiều nhất. Từ năm 1958 đến 1981, Kapuscinski là thông tín viên quốc tế của Thông Tấn Xã Ba Lan, cho đến khi bị đuổi việc vì ủng hộ phong trào dân chủ của Công Đoàn Đoàn Kết. Trong vai trò nhà báo, Kapuscinski đã đi nhiều nơi trên thế giới, trải qua những khoảng thời gian dài ở Phi Châu, Trung Đông, và Nam Mỹ. Tác phẩm của Kapuscinki viết theo thể loại tường thuật (reportage) nhưng không phải là những bản tin khô khan. Trái lại, chúng là những tuyệt tác văn chương với lối kể chuyện thu hút, quan sát tinh tế, ý nhị, và những suy tư mang tính triết học về các nền chính trị, văn hóa. Kapuscinski nhìn đời sống từ nhãn quan của con người toàn cầu, với một thái độ nhân bản. Lối viết của Kapuscinski, mà ông tự gọi là “tường thuật văn chương” (literary reportage), hòa trộn các sự kiện thời sự và chi tiết của các cuộc du hành với các biểu tượng văn chương. Adam Hochshild gọi đây là thể loại “tường thuật huyền ảo” (magical reportage), một liên hệ đến “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” (magical realism). Tác phẩm nổi tiếng nhất của Kapuscinski, The Emperor, mô tả sự sụp đổ của thể chế quân chủ ở Ethiopia (1978), và cũng là một châm biếm kín đáo về chế độ Cộng Sản Ba Lan. Các tác phẩm khác của Kapuscinski mô tả những cuộc cách mạng và biến động chính trị khắp nơi trên thế giới: Another Day of Life (1976), về cuộc chiến ở Angola; The Soccer War (1991), về xung đột vũ trang giữa Honduras và El Salvador; Shah of Shah (1982), về cuộc cách mạng Hồi Giáo ở Iran; Imperium (1993), về sự sụp đổ của liên bang Sô Viết,; The Shadown of the Sun (1998), về khoảng thời gian của tác giả ở Phi Châu; Travels with Herodotus (2004), gồm những ký sự du hành và suy nghĩ về công việc của nhà báo… Tôi biết đến Kapuscinski lần đầu qua Imperium, một tác phẩm đã giúp tôi hiểu về liên bang Sô Viết và văn hóa của nó hơn bất cứ một cuốn sách nghiên cứu nào về đề tài này. Đối với tôi, tác phẩm của Kapuscinski cũng là những cuốn sách hay nhất của thể loại du ký, chúng cho thấy một thế giới của di chuyển, hiểu biết, cảm thông, và mạo hiểm, thế giới của thơ ca. Đoạn dưới đây là một chương trong tác phẩm Travels with Herodotus của Kapuscinski. Qua một câu chuyện du hành thú vị, tác giả ký họa chân dung của một thể chế độc tài và sự tha hóa của con người, vừa là nạn nhân vừa là đồng lõa, trong thể chế ấy.
Phan Nhiên Hạo
Lần đầu tiên tôi thấy sông Nile là năm 1960. Chỉ thấy thoáng qua vào buổi chạng vạng, khi phi cơ trên đường vào thành phố Cairo. Từ trên cao, dòng sông lúc đó giống như một thân cây lớn, tua tủa cành nhánh, bao quanh bởi những vòng hoa của đèn đường và hoa hồng màu sáng, khu biệt thành những ô vuông trong thành phố to lớn và náo nhiệt này.
Cairo vào thời điểm đó trong lịch sử là trung tâm của phong trào giải phóng Thế Giới Thứ Ba. Nhiều nhân vật sống ở đây lúc này ngày mai sẽ trở thành tổng thống của các quốc gia mới, đủ các loại đảng phái chính trị chống thực dân của Phi Châu và Á Châu có trụ sở ở đây.
Cairo cũng là thủ đô của Cộng Hòa Liên Hiệp Ả Rập, thành lập trước đó hai năm với liên hiệp Ai Cập và Syria, đứng đầu bởi một tổng thống người Ai Cập bốn mươi hai tuổi tên Gamal Abdel Nasser – một người cao to, uy quyền, và đầy lôi cuốn. Năm 1952, Nasser, lúc đó ba mươi bốn tuổi, chỉ huy một cuộc đảo chính quân sự lật đổ vua Farouk rồi bốn năm sau trở thành tổng thống. Trong một thời gian dài ông ta phải đối mặt với những thể lực thù địch trong nước: một mặt là những người Cộng Sản, mặt khác là nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, một tổ chức âm mưu của những kẻ cực đoan và khủng bố đạo Hồi. Để đối phó với cả hai nhóm này Nasser duy trì một số lượng lớn những đơn vị cảnh sát đủ loại.
Tôi dậy sớm để đi vào trung tâm thành phố, khá xa. Tôi ở trong một khách sạn thuộc khu Zamalek, khu dân cư trù phú nằm trên một hòn đảo trên sông Nile, trước đây phần lớn giành cho người ngoại quốc nhưng giờ đây cũng bao gồm những người Ai Cập khá giả. Biết rằng chỉ cần ra khỏi khách sạn là va li của mình sẽ bị lục soát, tôi nghĩ tốt hơn nên lấy cái chai bia Tiệp rỗng mà tôi đã giấu trong đó và quăng nó trên đường đi (lúc đó, Nasser, một người Hồi Giáo nhiệt thành, đang thực hiện chiến dịch cấm rượu). Tôi giấu cái chai trong một túi giấy màu xám rồi bước ra đường. Chỉ mới sáng sớm nhưng trời đã rất nóng và bức bối.
Tôi nhìn quanh tìm một thùng rác. Trong lúc làm điều này tôi nhận ra cái nhìn đăm đăm của một nhân viên bảo vệ ngồi trên ghế đẩu cạnh cửa khách sạn nơi tôi vừa bước ra. Y đang quan sát tôi. Hừm, tôi nghĩ, tôi sẽ không vứt cái chai trước mặt y, vì ngay sau đó y sẽ lục thùng rác tìm cái chai, rồi báo cáo với cảnh sát khách sạn. Tôi tiếp tục đi một đoạn và thấy một cái rương rỗng. Vào lúc sắp vứt cái chai tôi chú ý đến hai người trong trang phục dài màu trắng. Họ đứng nói chuyện, nhưng cùng lúc quan sát tôi. Không, tôi không thể vứt cái chai ở đây, chắc chắn họ sẽ thấy, hơn nữa, cái rương không phải là thứ để vứt rác vào. Tôi đi tiếp cho đến khi thấy một thùng rác khác – và ngồi cạnh đó, gần lối ra vào của tòa nhà, một người Ả Rập đang nhìn tôi chăm chú. Không, không, tôi tự nhủ, không thể liều lĩnh, y đang nhìn mình đầy nghi ngờ. Thế rồi, nắm chặt cái chai trong túi, tôi làm ra vẻ thờ ơ tiếp tục đi dạo.
Không xa phía trước là ngã tư, một cảnh sát đứng giữa đường cầm gậy và còi – trong góc đường một người đàn ông khác ngồi trên ghế đẩu đang quan sát tôi. Tôi nhận thấy y chỉ còn một mắt, nhưng con mắt đó nhìn xoáy vào tôi, hết sức quấy nhiễu, đến nỗi tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu, thậm chí sợ rằng y sẽ ra lệnh cho tôi mở cái túi để xem chính xác bên trong có gì. Tôi vội rảo bước ra khỏi tầm nhìn của y, có phần gấp gáp vì tôi thoáng thấy xa xa, như một ảo ảnh, là một thùng rác. Không may, gần đó, dưới bóng của một cây nhỏ và xơ xác, là một lão già – đang ngồi nhìn tôi.
Con đường đoạn này bắt đầu uốn lượn, nhưng sau mỗi khúc quanh mọi thứ lại được lập lại như trước. Tôi không tìm ra chỗ nào để vứt cái chai, vì mỗi lần thử làm điều này, tôi lại thấy cái nhìn chăm chú của một ai đó hướng về phía mình. Xe cộ chạy trên đường, những con lừa kéo thùng xe đầy hàng, một đàn vài con lạc đà bước đi cứng nhắc, như đang đi cà kheo, tất cả những thứ này có vẻ như một hậu cảnh, trên một hành tinh nào khác với cái hành tinh tôi đang bước đi, được chụp bắt bởi tia nhìn của những người lạ mặt hoàn hảo, họ đứng, tản bộ, trò chuyện, và thường ngồi, tất cả đều nhìn xoáy vào từng cử động của tôi. Càng lúc tôi càng cảm thấy bất an, mồ hôi bắt đầu chảy ròng ròng, cái bao giấy trong tay nhão ra. Tôi sợ rằng cái chai sẽ tuột khỏi bao và vỡ tan trên lề, gây thêm chú ý trên đường phố. Thật sự không biết nên làm gì kế tiếp, tôi quay lại khách sạn và nhét cái chai vào va li.
Chỉ đến khi trời tối tôi mới lại đi ra ngoài. Mọi chuyện dễ dàng hơn vào ban đêm. Tôi bỏ cái chai vào thùng rác, quay vào, và nằm xuống ngủ với cảm giác được giải thoát.
Đi loanh quanh thành phố, tôi bắt đầu khảo sát kỹ hơn những con đường. Chỗ nào cũng có tai mắt. Chỗ này là một người lao công, chỗ kia là một nhân viên bảo vệ, chỗ khác là một hình nhân bất động trên ghế bố, xa hơn chút nữa là một người đứng im, chỉ nhìn. Nhiều người chẳng làm gì cụ thể, nhưng những cái nhìn của họ tập hợp lại thành một mạng lưới quan sát rộng lớn, chồng chéo, ăn khớp với nhau, bao phủ toàn bộ không gian đường phố, nơi không điều gì xảy ra mà không bị chú ý. Chú ý và báo cáo.
Đây là một đề tài thú vị: những người thặng dư phục vụ bạo quyền. Một xã hội có tổ chức, phát triển, bình ổn, là một cộng đồng với các chức năng được định nghĩa và phân định rõ ràng, điều mà ta không tìm thấy trong phần lớn các thành phố thuộc Thế Giới Thứ Ba. Các khu dân cư đa phần là nơi sinh sống của một tầng lớp không định hình, hay thay đổi, không thể được phân loại chính xác, không địa vị, chỗ đứng, hay mục đích. Bất cứ lúc nào và vì bất kỳ lý do gì, những người này, những kẻ không ai để ý, không ai cần, có thể tụ thành một đám đông, một quần chúng, một đám hung hăng, có ý kiến về tất cả mọi thứ, có thời gian cho tất cả mọi thứ, và muốn tham dự vào một điều gì đó, có chút ý nghĩa.
Tất cả các chế độ độc tài đều lợi dụng lực lượng ăn không ngồi rồi tiềm ẩn này. Họ thậm chí không cần duy trì một đội quân cảnh sát toàn thời gian tốn kém. Chỉ cần xử dụng những người muốn tìm chút ý nghĩa cuộc đời này là đủ. Chỉ cần làm cho họ cảm thấy họ có ích, rằng ai đó đang trông cậy vào họ để làm chuyện gì đó, rằng họ được chú ý, rằng họ có một mục đích.
Đây là một quan hệ có lợi cho cả hai phía. Kẻ đứng trên đường phố, phục vụ cho độc tài, bắt đầu cảm thấy hắn là một phần của thẩm quyền, quan trọng và có ý nghĩa, hơn nữa, vì thường thì hắn có thói ăn cắp vặt, đánh nhau, và lừa bịp, giờ đây hắn có cảm giác thoải mái của kẻ được miễn trừ. Thể chế độc tài, ngược lại, có trong tay một loại mật vụ với xúc tu vươn ra khắp nơi mà không quá tốn kém – thật ra là miễn phí – cực kỳ mẫn cán. Đôi khi cũng khó để gọi một kẻ như vậy là mật vụ; hắn chỉ đơn giản muốn được công nhận, cố gắng để được nhìn thấy, tìm cách nhắc nhở nhà cầm quyền về sự tồn tại của hắn, rằng hắn luôn sẵn sàng phục vụ.
Có lần, lúc ra khỏi khách sạn, một trong những kẻ như vậy chặn tôi lại và nói hắn có thể dẫn tôi đi thăm một thánh đường cũ (tôi đoán hắn thuộc đám này vì hắn luôn đứng cùng một chỗ, quan sát khu vực có vẻ thuộc trách nhiệm của hắn). Bản tính tôi rất cả tin, đến độ tôi cho rằng sự nghi ngờ không phải là một biểu hiệu của lý tính mà chỉ là một khiếm khuyết của tính cách; hơn nữa việc một mật vụ đề nghị dẫn tôi đi thăm một thánh đường thay vì ra lệnh cho tôi phải đến đồn cảnh sát khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm – thậm chí vui mừng – đến độ tôi đồng ý ngay, không chút do dự. Hắn có vẻ lịch sự, mặc một bộ vest gọn gàng, và nói tiếng Anh tàm tạm. Hắn xưng tên là Ahmed. “Tôi tên Ryszard,” tôi trả lời, “nhưng anh có thể gọi tôi là Richard, sẽ dễ cho anh hơn.” Đầu tiên, chúng tôi đi bộ. Rồi chúng tôi đi xe buýt một đoạn dài. Chúng tôi xuống xe ở một khu cũ kỹ — với những con đường nhỏ hẹp, những con hẻm ngoằn ngoèo, những hành lang chật chội, những biệt thự nhỏ, những ngõ cụt, những bức tường đất sét màu nâu xiêu vẹo, những mái tôn lượn sóng. Vào đây mà không có người dẫn đường thì sẽ chẳng bao giờ thoát ra. Đây đó một hai cánh cửa mở ra, còn lại đều đóng chặt. Thỉnh thoảng một người đàn bà thoáng qua như chiếc bóng, thỉnh thoảng một đám con nít xuất hiện, nhưng lập tức biến mất, hoảng sợ bởi những tiếng quát tháo của Ahmed.
Chúng tôi đến trước hai cánh cửa sắt đồ sộ, Ahmed gõ lên đó một mật hiệu. Có tiếng săng-đan kéo lê bên trong, rồi tiếng cọ xát rõ to của chìa khóa trong ổ khóa. Người giữ đền không rõ tuổi và cũng không rõ hình dạng mở cửa, trao đổi vài từ với Ahmed. Y dẫn chúng tôi băng qua một sân nhỏ bên trong đến trước cánh cửa của tháp thánh đường, ngưỡng cửa xệ xuống nền nhà. Cửa tháp mở ra và cả hai ra hiệu cho tôi bước vào. Một thứ ánh sáng lờ mờ đậm đặc tràn ngập bên trong, chỉ đủ để tôi nhận ra đường viền của một thang cuốn ôm lấy bức tường của tháp, hình dạng như một ống khói nhà máy. Đâu đó trên cao là một điểm sáng, mà từ chỗ tôi đứng nhìn lên, trông giống như một ngôi sao xa xôi và nhợt nhạt – đó là bầu trời.
“Mình lên!” Ahmed tuyên bố, bằng giọng nửa thuyết phục, nửa ra lệnh, trước đó y nói với tôi rằng từ trên đỉnh tháp người ta có thể thấy toàn cảnh thành phố Cairo. “Quang cảnh tuyệt vời,” y đoan chắc. Chúng tôi leo lên. Ngay từ đầu mọi thứ đã có vẻ không suôn sẻ. Cầu thang không chỉ rất hẹp mà còn dễ trượt, phủ một lớp cát và vụn vữa tường. Điều tồi tệ nhất là cầu thang không có thanh chắn, tay vịn, dây thừng – chẳng có gì để bám vào.
Thôi thì — cứ lên. Chúng tôi leo ngày càng cao.
Điều quan trọng nhất là không được nhìn xuống. Không nhìn xuống cũng không nhìn lên, chỉ nhìn điểm gần nhất trước mặt, bậc thang kế tiếp trong tầm mắt. Để dập tắt trí tưởng tượng, vì tưởng tượng chỉ đem lại kinh hãi. Giá mà có một thứ thiền định nào đó để giúp, một thứ niết bàn hay kinh cầu, nghiệp duyên hay thần hộ mạng, một thứ gì đó cho phép ta không nghĩ, không cảm thấy, không hiện hữu.
Thôi thì. Tiếp tục.
Tối tăm và chật chội. Bậc thang dựng đứng và ngoằn ngoèo. Từ trên đỉnh tháp, nếu thánh đường còn hoạt động, tu sĩ gọi tín đồ cầu nguyện năm lần một ngày. Những tiếng gọi lôi kéo, vô cùng ngân nga, đôi khi tuyệt đẹp – thành kính, xúc cảm, lãng mạn. Không có dấu hiệu nào chứng tỏ cái tháp này vẫn còn được sử dụng. Nó là đã bị bỏ phế, đầy mùi bóng tối và bụi cũ.
Không rõ vì gắng sức, hay vì cảm giác hoang mang mơ hồ đang lớn dần, tôi bắt đầu mệt và trở nên chậm chạp, Ahmed hối thúc tôi.
“Lên, lên!” Và vì đi ngay phía sau tôi, y khóa tất cả khả năng để tôi có thể quay lại, rút lui, trốn thoát. Tôi không thể bước vòng qua y – vực thẳm ngay bên cạnh. Chẳng làm gì được, tôi tự nhủ, chỉ có cách tiếp tục leo lên.
Càng lúc chúng tôi càng lên cao.
Chúng tôi đã leo lên quá cao trên cái cầu thang nguy hiểm không tay vịn này đến nỗi bất cứ cử động đột ngột nào của một trong hai chúng tôi cũng khiến cả hai lộn cổ xuống độ cao mấy tầng lầu. Chúng tôi gắn kết với nhau bởi một liên hệ nghịch lý của việc không chạm vào nhau – nếu một trong hai chúng tôi chạm vào kẻ khác, hắn sẽ rơi xuống theo ngay sau đó.
Quan hệ cân bằng này chẳng bao lâu thay đổi theo hướng bất lợi cho tôi. Cuối cầu thang, chỗ cao nhất, là một ban công nhỏ, hẹp, bao quanh đỉnh tháp – chỗ của tu sĩ gọi cầu nguyện. Thông thường, khoảng không gian này được bao quanh bởi khung chắn bằng gạch hay sắt. Trong trường hợp này có vẻ khung chắn bằng sắt, nhưng đã rỉ sét và rơi mất sau mấy thế kỷ, phần nhô ra từ bức tường vì vậy không có gì bảo vệ xung quanh. Ahmed khẽ đẩy tôi ra ban công, trong khi y vẫn còn đứng trong thang, an toàn dựa lưng vào tường, nói:
“Đưa tiền của ông cho tôi.”
Tôi để tiền trong túi quần, và e rằng chỉ cần một cử động rất nhỏ để lấy nó ra cũng khiến tôi rơi xuống đất. Nhận thấy vẻ do dự của tôi Ahmen lập lại, lần này với giọng sắc hơn:
“Đưa tiền của ông cho tôi.”
Nhìn lên, tránh không nhìn xuống đất, cẩn thận, hết sức chú ý, tôi trượt tay vào túi, rồi cũng chậm như vậy, rất chậm, lôi chiếc bóp ra. Y lấy bóp của tôi, không nói một lời, quay người, và bắt đầu leo xuống.
Nào, giờ đây chuyện khó khăn nhất là bước ngược lại từ ban công lộ thiên đến đầu cầu thang – khoảng cách chỉ khoảng một thước nhưng tôi phải rất khó khăn nhích từng phân một. Và nỗi thống khổ của đường đi xuống, mà tôi cố gắng thực hiện dường như không phải bằng chân, mà bằng tứ chi nặng trĩu kỳ quặc, gần như bại liệt, cảm giác như chúng bị đóng vào tường.
Người giữ thánh đường mở cổng cho tôi, và vài đứa bé – những hướng dẫn viên tốt nhất trong một khu bàn cờ như vậy – đưa tôi đến một chiếc taxi.
Tôi ở Zamalek thêm vài ngày nữa. Tôi đi vào trung tâm Cairo qua cùng con đường tôi đi trước đây. Tôi thấy Ahmeh mỗi ngày. Y luôn đứng chỗ đó, quan sát khu vực của y.
Y nhìn tôi với khuôn mặt hoàn toàn vô cảm, như thể chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau.
Tôi nhìn y. Tôi tin rằng, cũng với khuôn mặt hoàn toàn vô cảm, như thể chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau.
Phan Nhiên Hạo dịch từ bản tiếng Anh, “The View from the Minaret” trong Travels with Herodotus, Ryszard Kapuscinski, bản dịch từ tiếng Ba Lan ra tiếng Anh bởi Klara Glowczewka. Nhà xuất bản Alfred A. Knopf, New York, 2007. Trang 108 – 116.