Paper Bells là tuyển tập thơ mới của Phan Nhiên Hạo, do nhà thơ Mỹ Hai-Dang Phan dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Một vài bài trong tập này đã xuất hiện trong tác phẩm đầu tay của dịch giả năm 2019, Reenactments, một cuốn sách thông minh, giàu nhịp điệu, với những bài thơ nhân văn tinh tế. Đây là một câu thơ yêu thích của tôi từ bài “Saigon Notebook” của Hai-Dang Phan: “người chết yêu thích…/trái cây và hoa giả bằng nhựa./ Về mặt này, họ giống người sống.”
Có thể đọc Paper Bells của Hạo như là một người đóng thế của Phan, một chuyển tiếp kín đáo từ nền cộng hòa khác, một độc tấu hài hước kèm phụ đề. Hạo sắc sảo hơn dịch giả của anh, và trên hết, hài hước. Một đoạn từ bài “Tháng Ba ở Atlanta”:
Trong nhà triển lãm Coca-Cola
Tôi đái nhiều hơn uống
…
Tôi nghe nước Mỹ ợ.
Lối khôi hài tinh quái, sâu cay này có mặt khắp nơi, như trong “Định Nghĩa Mùa Hè”:
nhìn trái, nhìn phải, cuối xuống
tiếng Anh, tiếng Việt, hòa nhập, quay về
có một người nhập cư đứng đắn nào không như thế nữa
Dịch giả cho phép “return” [quay về] điệp vần (chéo) với “one” [một] – một tuyệt chiêu kiến trúc – khiến cho các từ dường như cư ngụ trong nhau, dù chẳng bao giờ hoàn toàn như thế – cái cách mà những cuộc hồi hương không bao giờ giải quyết rốt ráo, chẳng bao giờ hoàn thành. Sự bất lực của ký ức và kinh nghiệm cũng xảy ra trong bài “Không Có Mưa”:
Đôi khi mọi sự có thể được rửa sạch trong những cơn mưa
đôi khi những phương pháp tráo trở
tiếng sấm làm đứa nhỏ sợ
đứa nhỏ bắt đầu ghét mưa.
Cú ném bóng kín đáo, gây đau của câu “đứa nhỏ bắt đầu ghét mưa” được chụp bắt bởi những câu cuối trong bài “Buổi Chiều Mặc Áo Đỏ”:
Trong phòng khách bốn bề cửa kính
tôi mặc áo đỏ ngó mông lung ra ngoài
và mơ thành kẻ đấu bò bất tử
rồi tôi bỗng nhận ra tôi
chỉ là một con chó nhỏ chạy ra đường bị xe đụng chết.
Người phát ngôn ý thức được quỹ đạo của anh ta – phòng khách, cửa sổ, và áo – trong đó những khả thể của tưởng tượng, mà cảnh quan từ cửa sổ căn phòng có thể cho thấy, trở nên đáng thương như một con chó nhỏ chết.
Những câu như thế giúp hình dung ra khuynh hướng của nhà thơ; tuy vậy, cần lưu ý rằng khuynh hướng không đủ để tạo nên đề tài, hay đơn giản hơn, chủ đề. Tôi cảm thấy không thoải mái khi nghe bất cứ nhà phê bình nào tuyên bố về chủ đề và luận đề của một nhà thơ bởi vì, đến một lúc nào đó, các bài thơ không quan tâm điều gì hơn ngoài giọng điệu và từ ngữ mà trong đó chúng tồn tại. Nếu buộc phải giải thích, tôi sẽ lập luận rằng tập thơ của Hạo không có một chủ đề; và các bài thơ của anh chống lại sự diễn dịch. Chúng phụ thuộc vào tính acid của giọng điệu và việc vũ khí hóa các kinh nghiệm, khuynh hướng, hình ảnh, và những khoảng khắc của người phát ngôn để tạo nên một tiếng nói thú vị. Như có thể thấy trong bài “Thứ Bảy, ngày 10 tháng 5, 1998”:
Sáng thứ Bảy ngày 10 tháng 5 năm 1998
không có gì đặc biệt
sinh nhật của bao nhiêu ngàn người, không phải tôi
không có gị đặc biệt
mấy con cá voi chết trôi dạt vào bờ
“Không phải tôi” được triển khai gần như một dấu chấm câu, hay một tiền đề cho câu kế tiếp “không có gì đặt biệt,” và biểu thị vị trí của người phát ngôn như một người quan sát thay vì chủ động, hòa vào với thế giới của sinh nhật và cá voi chết: “không có gì đặc biệt.” Những bài thơ của Hạo không bắt buộc người đọc phải đồng điệu, hay hy vọng họ sẽ cười đúng cách. Thế giới của chúng bao hàm những vụn vỡ, và trở nên màu mỡ hơn từ đó:
Bình minh ngâm trong cà phê hẻm
cam chịu cá ươn.
Sau cửa kính món pizza chẹt bẹt
ngoại quốc thời hội nhập xà lỏn
mặc cả phố ba lô
(“Thành Phố Ổ Kiến”)
Những câu trên hàm chứa nhiều nghịch lý. Bình minh phân hủy như cá ươn, thụ động như tôm cá bày ra giữa chợ. Làm thế nào một bình minh cam chịu, trước điều gì? Tôi thích sự bối rối của loại câu hỏi này. “Pizza melts/ foreigners” [pizza chảy nhão/ người ngoại quốc] là một thành công trong dịch thuật giữa biên giới của tai nạn và gia công nghệ thuật; cũng tương tự như vậy tiếng động của “haggle” [mặc cả] đi liền với “backpacker” [du khách ba lô]. Những hình ảnh của Hạo lóe lên trước người đọc như trò ảo thuật bài, khiến cho những khác biệt giữa chúng như càng rõ hơn, dù ở tốc độ nhanh.
Thông điệp của cuốn sách này, nếu có, tồn tại trong những nghịch lý như vậy, từ sự thật của những thứ hơi trừu tượng. Vụn vỡ và tương phản không phải là những điều chỉ phát sinh ở Việt Nam của Hạo; tuy vậy, điểm chung nào có ý nghĩa đối với một nhà thơ khởi đi từ một đất nước với lịch sử chia cắt là câu hỏi đáng để thắc mắc nhất. Hiện thực của quá khứ thực dân và những hình thái hiểm độc của kinh tế và tâm lý đế quốc thời hiện tại, là những điều Hạo đã không bỏ qua. Anh khai thác những bi kịch giao thoa văn hóa này:
Máy quay phim tìm cách quay khuôn mặt
của núi. Ánh sáng nhân tạo phóng ra
từ họng đại bác chiến hạm
đậu trong vịnh Tourane
làm dơi trên trần Đại Điện rụng xuống
và máu bắt đầu chảy đỏ sông Hương.
(“1858”)
Ở đây, ngôn ngữ của Hạo gây bạo lực lên niên biểu. Sự sai lạc thời tính có chủ đích của một phim trường đã giải phóng các vật thể ra khỏi không gian và thời gian xác định của chúng, và nén cả hai thứ lại: ánh sáng “nhân tạo” của máy quay phim từ những khẩu đại bác đang khạc đạn vừa chính xác vừa mới mẻ, như cái quá khứ mà nó đang chụp bắt. Và vì sự diễn xuất của bài thơ được nhìn qua máy quay phim, qua điểm sáng của “ánh sáng nhân tạo” trong khuôn ngắm, nó giữ được một khoảng cách khách quan, như trong những cuốn phim và hồi ký. Giống như một máy quay phim chỉ đơn thuần tái hiện lại thứ ánh sáng mà nó ghi nhận được khi chiếu lại, bài thơ đóng vai trò một ký ức mờ tối, một thủ thuật của trò rối bóng trên tâm trí. Bài “Hướng Dẫn Du Lịch Huế” kết thúc như sau:
Sau này vua Tự Đức cũng ra lệnh
bắn thẳng thần công vào tàu chiến Pháp
một sóng tử thương máu loang mặt biển
một sóng cuốn cuồn chạy thoát ra khơi…
Những con sóng chảy máu thì đáng thương và gây kinh ngạc, là chữ p viết hoa trong Poetic [Thi Vị]. Câu kế tiếp, câu cuối của bài thơ, là một luận đề do dự: “Xin quý khách lưu ý, vua Tự Đức là nhà thơ.”
Lịch sử, đối với Hạo, là một loại thi pháp, và các nhà thơ vì thế cũng là những nhà sử học. Thông qua đặc tính chuyển tiếp, những kẻ tạo lịch sử cũng tạo ra thơ ca. Thay vì đơn giản chỉ bóc gỡ lớp vảy, một nhà thơ thận trọng cho ta thấy những vết thương mới theo sau một cơn chấn động, những thế giới mới nảy sinh ra từ đó:
Chuyện nghe có vẻ khó tin
cho những cái đầu cân bằng của quý vị.
Nhưng đối với chúng tôi, một dân tộc nở ra từ trứng
tất cả đều chỉ là huyền thoại,
kể cả máu tươi.
(“9/11-Mậu Thân”)
Luôn có một câu chuyện, Hạo dường như tuyên bố, một quá khứ nào đó để đối thoại, để giải mã, để nói với. Nhà thơ tồn tại để tái diễn câu chuyện của chúng ta nhiều hơn là để phân tích chúng, để sống trên kinh tuyến của các vở kịch và sự kiện, ký ức, kinh nghiệm và hành động. Trong những bài thơ của Hạo, quá khứ Sài Gòn nhập với hiện tại Atlanta, và lại cất tiếng nói mới. Tôi hân hoan theo dõi cuộc thăng trầm của chúng cùng với nhà thơ.
—
Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh, Review Phan Nhiên Hạo’s Paper Bells, Spencer Hupp. Tạp chí The Sewanne Review, số tháng 5/2020.
Paper Bells, Phan Nhiên Hạo. Tuyển tập thơ, dịch sang tiếng Anh bởi Hai-Dang Phan (Phan Hải-Đăng). Nhà xuất bản The Song Cave, New York, 2020
(Spencer Hupp là Phó Biên Tập (Assitant Editor) của tạp chí The Sewanee Reivew)