Khánh Trường | tiểu thuyết Bãi Sậy Chân Cầu (trích)

Chương I (phần 1)

Tuấn có thói quen dậy sớm. Qua cửa sổ, trời còn nhá nhem, rặng cây bên kia sông mờ trong sương, con lộ đất đỏ chạy từ đầu làng xuống tận bến đò, nơi, chỉ lát nữa thôi sẽ tất bật rất đông dân quê xuống đò qua sông vào chợ tỉnh, người nào cũng mang vác, gồng gánh rau trái củ quả và gia cầm họ nuôi trồng được. Mỗi tháng chợ tỉnh nhóm hai lần đặc biệt, đầu và giữa tháng, dành cho nông dân bán trực tiếp với khách, không qua trung gian đầu mối. Hôm nay rằm.

Nước đã reo, Tuấn nhấc chiếc ấm nhôm ra khỏi bếp lò. Chàng chậm rãi lặp lại những thao tác đã bao lần làm mỗi sáng. Dùng nước sôi tráng chiếc ấm sứ, nhón ít trà trong hộp thiếc bỏ vào ấm, chế nước nóng “rửa’’ trà, trước khi thực sự pha và nhâm nhi vị đắng quyến rũ của chất nước vàng sẫm. Vừa thưởng thức trà vừa thả suy nghĩ chạy rông. Từ những chuyện thiết thân cơm áo gạo tiền đến chuyện thế sự hay “viễn mơ” văn chương nghệ thuật… . Đôi lúc Tuấn cũng nhận thấy mình già trước tuổi, như nhận xét của vài người. Ba mươi, nếu còn ở lại thành phố, chàng sẽ vẫn còn trà đình tửu quán, gái trai nhăng nhít. Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật, Tuấn nuôi hy vọng sẽ trở thành họa sĩ tài năng, tên tuổi luôn được báo chí, các phương tiện truyền thông tụng ca. Nhưng sau nhiều năm từ ngày ra trường, Tuấn vẫn không sản sinh nổi một tác phẩm nào đặc sắc, chàng dần nhận ra giữa ước mơ và hiện thực là một khoảng cách mênh mông chẳng dễ gì kéo lại gần, nếu không thực sự có tài năng kiệt xuất. Trên thế giới này có hàng trăm nghìn trường mỹ thuật, mỗi năm cho ra đời biết bao họa sĩ, nhưng được bao nhiêu người lưu danh? Tuấn sớm nhận ra, sẽ chẳng đi đến đâu nếu mang mãi ảo tưởng trở thành người khổng lồ, từ đó Tuấn thu mình lại, chấp nhận làm một nghệ nhân, vẽ những bức tranh tầm tầm, bỏ mối cho các galery, xem như một nghề sinh nhai như bao ngành nghề khác. Thỉnh thoảng, Tuấn cũng thực hiện vài tác phẩm mang nhiều tư duy nghệ thuật, nhưng chỉ xem đó như một cách tiêu khiển.

Thời điểm này, Tuấn bất ngờ gặp Thủy, người con gái ngay phút đầu tiên diện kiến, Tuấn đã bị “thôi miên”.

Đó là một buổi chiều, Tuấn lang thang dọc bờ biển, dõi mắt theo những cánh hải âu chao lượn sát mặt nước xanh thẫm từ ven bờ, trải rộng mênh mông, nhạt dần và gần như hòa lẫn với đường chân trời cùng một màu xám nhạt. Khu vực này nhiều ghềnh đá, nước sâu và sóng lớn, vì lý do an toàn, không được khai thác thành bãi tắm. Tuấn thích khung cảnh hoang sơ, vắng vẻ nơi đây dù chỉ cách một bãi đá không rộng lắm, khoảng trên dưới ba trăm thước, là nơi lúc nào cũng sinh động. Những thiếu nữ bikini hai mảnh nằm phơi nắng trên bãi hay nô đùa với sóng biển, những thanh niên trẻ trung vạm vỡ chơi bóng chuyền, những tiếng cười của trẻ con nô đùa đuổi bắt, những chiếc dù lớn đủ màu che bớt ánh nắng cho những thiếu phụ kính râm, bikini hai mảnh nằm tắm nắng. Nhiều lần nhìn những thiếu phụ này, Tuấn không thể không nghi ngờ, phơi nắng có vẻ như cái cớ để họ khoe thân thể vừa tân trang, ngực bơm ngồn ngộn, bụng thon phẳng lì không hẻm sâu kiệt nhỏ, mông tròn căng tựa hai trái banh lông, hông nở, tam giác vồng cao lờ mờ đường chẻ khiêu khích và những nịt vú mỏng tang kiệm vải, những xì-líp chỉ một mảnh hình tam giác nhỏ xíu vừa đủ che chỗ phải che. Bỏ ra một số tiền không nhỏ để đuổi già đi, rước xuân về, chỉ để anh chồng già hưởng? Phí quá, phải cho thiên hạ hưởng ké, dù chỉ bằng mắt.

Đến sát chân bãi đá, Tuấn định quay lui, bỗng nhìn thấy trên mõm cao, nối liền với vách đá thoai thoải chảy xuống mặt nước trắng xóa bọt sóng, một thiếu nữ quần jean bạc màu, rách hai đầu gối cố tình, áo sơ mi trắng, khăn quàng cổ dài bay ngược chiều gió, thiếu nữ chậm rãi vung tay tung những hạt ngô (Tuấn đoán thế) cho bầy hải âu đang tranh nhau trên mặt đá rộng phía dưới. Nhiều con dạn dĩ quẩn sát chân thiếu nữ. Tuấn leo lên bãi đá,

“Chào cô.”

Thiếu nữ giật mình quay nghiêng, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to, mũi cao, mái tóc dài xõa bay cùng chiều với khăn quàng cổ.

“Chào ông.”

Thiếu nữ đáp trả, giọng nhẹ. Tuấn nhìn, trái tim bỗng đập sai nhịp, một cảm giác tựa vừa uống cạn ly rượu vang, lâng lâng say. Ngay phút đầu tiên, Tuấn đã bị hớp hồn. Công bằng nhận xét, đó là một nhan sắc chưa hoàn hảo, miệng rộng, môi trên hơi vểnh lộ rõ hai hạt răng cửa hơi to. Nhưng lạ thay, chính khuyết điểm này lại giúp thiếu nữ tạo được ấn tượng mạnh ở người đối diện,

“Xin lỗi, tôi không làm phiền cô chứ?”

“Không ạ.”

Tuấn tìm cớ bắt chuyện,

“Trông lũ chim không có vẻ gì sợ hãi, chắc cô vẫn thường cho chúng ăn?”

“Vâng, loài vật có một giác quan rất nhạy, chúng sẽ thân thiện hoặc xa lánh tùy thuộc ở thái độ của ta với chúng.”

“Giống chim này chỉ ăn côn trùng và những loài cá nhỏ, sao cô rải ngô chúng vẫn ăn?”

Thiếu nữ cười thật thà,

“Tôi không biết.”

Tuấn tìm cách kéo dài thời gian bên cạnh thiếu nữ,

“Hôm nay biển lặng, trời đẹp quá.”

Thiếu nữ tiếp tục rải từng vốc hạt ngô xuống bãi đá bên dưới, những con hải âu vẫn tranh nhau giành mồi,

“Vâng, không phải mùa biển động.”

“Cô có vẻ rành về biển nhỉ.”

“Dễ hiểu quá mà, mùa đông, mưa gió còn bão bùng trên đất liền, huống gì đại dương.

Họ nhanh chóng quen, mỗi ngày mỗi gắn bó, và chỉ bốn tháng sau trở thành cặp uyên ương thân thiết. Tình yêu của họ lớn theo thời gian. Một năm sau nữa, cả hai đều nghĩ không thể thiếu nhau. Họ quyết định vĩnh viễn như chim liền cánh, cây liền cành, bằng một đám cưới nhỏ. Gia đình nhà gái tuy không bằng lòng nhân thân chú rể, một anh họa sỹ, “loại này, chín mươi chín phần trăm đều kiết xác, rước về làm chồng, cầm chắc có ngày cạp đất!” Ông bô thẳng thừng tuyên bố. Nhưng Thủy đã cương quyết. Thời đại mới, cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đó đã từ lâu bị đảo ngược, song thân cô dâu đành kéo cờ trắng! Họ trở thành chồng vợ.

Thủy, tên thiếu nữ, tốt nghiệp sư phạm, đang đợi phân công nhiệm sở. Hai tháng sau ngày cưới, Thủy được điều đến một một tỉnh nhỏ ngoài Trung. Hai vợ chồng bàn bạc, quyết định sẽ cùng tới nơi định cư mới. Tuấn đã chán cảnh xô bồ tất bật ở thành phố lớn này, chàng muốn thay đổi môi trường sống, êm đềm hơn. Họ thuê một căn nhà nhỏ bên kia sông, vào phố chính mất trên dưới mười lăm phút đò máy. Chỉ cách một dòng sông, nhưng hai môi trường khác hẳn, rất hợp với mong muốn của hai vợ chồng. Yên tĩnh, thoáng mát, nhà nào cũng có đất dư, có thể lên vồng trồng vài liếp rau xen kẽ những cây ăn quả. Nhờ các học trò của vợ quảng bá, Tuấn nhận vẽ chân dung cho cư dân quanh vùng, tiếng lành đồn xa, thân chủ của Tuấn tăng dần, không chỉ địa phương, mà lan xa đến các quận huyện kế. Thủy dạy học tại trường trung học tỉnh. Cuộc sống thanh bạch nhưng ăp ắp hạnh phúc.

Nửa năm sau, Thủy có thai.

Tuấn uống nốt phần trà trong chiếc chung nhỏ. Bên ngoài, bình minh đã dần lên, vạt nắng sớm thắp sáng phần trên tán chôm chôm ở góc miếng sân con, Tuấn đến bên cửa sổ phóng tầm mắt nhìn suốt con lộ đất đỏ, xuống tận bến đò vắng, đám dân quê đã qua sông, trả lại sự yên tĩnh thường ngày.

Hôm nay cuối tuần Thủy không đi dạy nên mặc sức ngủ nướng. Tuấn trở vào nhìn Thủy còn say giấc, khuôn mặt với môi trên vểnh, lộ hai chiếc răng cửa hơi lớn. Ánh sáng ban mai tắm trên màu da trắng li ti vài mụn cơm cạnh khóe mắt trái. Chiếc áo ngủ tốc lên cao, sự thư giãn toát ra từ dáng nằm buông thả, ngửa, hai chân dạng rộng, không underwear, hạ thể vun cao mum múp, bụng tựa trái bóng lớn căng tròn, bóng mượt, da mịn trắng hơn khuôn mặt, chiếc rốn cạn lên xuống nhè nhẹ theo hơi thở đều nhịp. Tuấn ngồi xuống cạnh giường đưa tay xoa bụng vợ, cúi hôn và áp tai lắng nghe. Hình như có sự quẫy đạp, Tuấn sung sướng nghĩ, không lâu nữa, hai sinh linh trong bụng này sẽ chào đời, cũng có nghĩa mình sẽ làm cha. Làm cha, hai từ gây cho Tuấn một cảm giác bồi hồi. Tuấn cảm thấy yêu vợ hơn bao giờ hết, chàng áp đôi môi trên vùng bụng no căng hôn thật nồng nàn. Thủy choàng thức, nhìn xuống, mỉm cười,

“Mình làm gì thế?”

“Anh đang hôn vợ, hai con.”

Thủy ôm đầu Tuấn, vùi mười ngón tay vào mái tóc rậm vò xoắn, trách yêu,

“Em đang ngủ ngon, chồng làm em thức giấc.”

“Ngủ lại đi.”

“Ngủ gì được nữa, thôi, em đi làm vệ sinh rồi dọn điểm tâm, pha cà phê. Ăn xong anh chở em đi chợ, hôm nay nghỉ, mình làm món gì ngon nhé?”

“Gượm đã, anh chưa đã thèm.”

Đôi môi Tuấn di chuyển khắp vùng bụng, xuống sâu. Tuấn đắm đuối nhìn, đồi cao phủ kín cỏ mềm, bên dưới được dọn sạch (công việc vài ba ngày Tuấn dành làm với rất nhiều thích thú) phơi rõ hai bờ kinh nở nang, Tuấn đặt môi hít sâu mùi hương ngai ngái quyến rũ. Thủy kêu nhỏ,

“Thôi anh, để em đi tắm.”

Tuy nói thế nhưng một cách vô thức, nàng dạng rộng tối đa hai chân cho đầu chồng thoải mái lọt trọn vào giữa. Thủy ưỡn mông khỏi mặt nệm xoay vòng hối hả, hai tay kéo mạnh đầu Tuấn thật sát, miệng không ngớt rít lớn,

“Anh… anh…. chồng… chồng…”

“Chồng muốn yêu vợ.”

“Mới tối qua.”

“Lâu thế kia à?”

Thủy cười nhẹ, kéo Tuấn lên,

“Chồng thiệt…”

Một hình thức trách yêu thay lời bằng lòng.

Khi Tuấn đi sâu vào người Thủy, vòng ôm của chồng quấn siết, hạ thể không ngừng lên xuống, tiếng nhóp nhép đều nhịp, nhanh dần.

Thủy có cảm tưởng cả hai thân xác, nàng và chồng đã nhập thành một. Rung động điếng ngất từ thỏi thịt cứng cáp ấm nóng vào ra giữa vách thịt mềm sũng ướt của Thủy là cộng hưởng tuyệt vời nhất, phát sinh từ tình chồng vợ thiêng liêng. Thủy ưỡn người, trân mình thắt bóp, một cách hưởng ứng, cộng tác nhiệt tình, Thủy muốn đem lại cho chồng hài mãn tối đa, như chồng đang làm vợ chết lịm triền miên. Thủy khép vòng tay mỗi lúc một chặc,

“Sướng không mình?”

“Sướng, anh sướng quá.”

“Em cũng vậy, mạnh nữa đi mình.”

Tình yêu được cụ thể hóa qua hành động ái ân, cả hai không ngừng khao khát nhau, muốn làm đầy nhau, cũng đồng nghĩa, họ cần nhau và mong mình sẽ là nguồn sinh lực của đối tác. Hiểu cách khác, người này là một phần của người kia, bất khả phân ly.

Tuấn ôm chặc vợ, hôn tới tấp khắp khuôn mặt, động tác nhanh hơn,

“Cưng ơi, anh sắp tới.”

“Tới đi mình.”

Thủy ưởn người, chuẩn bị đón nhận nguồn sinh khí của chồng, nguồi sinh khí đã hình thành trong người Thủy hai mầm sống, không lâu nữa, sẽ mở mắt chào đời.

“Cưng… Cưng… Anh ra…”

Tuấn siết mạnh vòng ôm, trân người bắn từng đợt xối xả vào sâu.Thủy cắn mạnh bả vai Tuấn, ưởn cao mông,

“Em cũng tới.”

Hơi thở dần trở lại bình thường. Tuấn ôm vợ, hôn lên vầng trán tươm ướt mồ hôi, âu yếm,

“Anh yêu vợ lắm.”

Thủy cũng hôn tới tấp trên ngực Tuấn,

“Sao bằng em, yêu chồng nhất trần đời.”

Nắng lên cao, đuổi phần bóng tối còn lại ra khỏi căn phòng. Qua cửa sổ, Tuấn nhìn thấy bầu trời xanh và cao, vài dãi mây trắng trôi chậm, hứa hẹn một ngày đẹp.

Nằm ôm nhau một lúc, Thủy chổi dậy,

“Em đi tắm rồi pha cà phê làm bữa sáng.”

“Hôm nay vợ cho chồng ăn gì?”

“Chồng muốn cơm chiên hột gà hay ốp-la?”

Tuấn cười, nhảy khỏi giường,

“Ốp-la đi, bồi dưỡng chứ, kẻo không có nguy cơ sẽ thành “ngọa triều” nếu ngày nào vợ cũng bắt trả bài hai ba lần thế này..”

“Thôi đi ông, đổ thừa.”

Tuấn ngửa mặt cười ha hả, dìu vợ vào buồng tắm.

Thủy làm bữa sáng khá nhanh. Ăn xong, Tuấn cầm ly cà phê đến cạnh cửa sổ nhìn mông ra goài, đợi vợ trang điểm, thay quần áo. Một con chim cu đậu yên trên nhánh chôm chôm. Dân địa phương gọi giống chim này là “chim cu”. Tuấn không phân biệt được bồ câu và giống chim này. Y chang.

“Mình đi, chồng.”

Tuấn quay lại. Thủy tươi mát trong chiếc váy dài vải hoa, những đóa hồng rực rỡ trên nền màu vàng đất, áo sơ mi trắng lụa bóng, đôi giày thể thao trắng (từ ngày có thai, Tuấn không cho vợ mang guốc, nhỡ ngã, nguy hiểm). Bụng no tròn, ngực cũng tăng trưởng mạnh.Tuấn dẫn xe ra ngoài, đợi Thủy ngồi vững vàng, Tuấn khởi động máy, chạy chậm, rời nhà.

Con lộ nhỏ rợp bóng mát nhờ rặng tre chạy dài ven theo, Thủy vòng tay ôm Tuấn đang điều khiển chiếc Dream hướng về chợ Huyện.

Chợ Huyện cách nhà không xa, chỉ non hai cây số. Chợ không lớn nhưng tương đối phong phú, đủ mọi mặt hàng, nhất là thực phẩm, thịt cá rau quả. Tuấn cho xe vào bãi giữ. Hai người cầm tay nhau đi chậm về phía chợ, qua cổng ciment không cửa, cổng bề thế, cao, tên chợ đắp nổi trên mặt phẳng diện tích rộng, Tuấn nói với Thủy,

“Nhìn cái cổng, người ta tưởng chợ lớn lắm.”

“Bệnh hình thức mà anh.”

Tuấn lắc nhẹ đầu,

“Căn bệnh này trầm kha, ở mọi nơi, mọi thời. Khó khá!”.”

Sau cổng là hai dãy dài sạp hàng, mái tôn thấp, bày bán đủ loại, rau củ quả, thit cá tôm cua gà vịt đã xẻ thịt hoặc còn sống nhốt trong rọ tre. Phía sau, cuối hai dãy sạp, song song với cổng, là những cửa hàng xây gạch khang trang hơn, quy cũ hơn, bán vải vóc, quần áo, mền mùng, dù nón, soong chảo, bếp lò điện, gas… , hầu như không thiếu thứ gì, đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Bỗng từ sau có tiếng gọi lớn,

“Cô!”

Thủy quay lại, một thiếu niên khoảng mười bốn mười lăm, gầy, mặt mày sáng sủa tuy hơi đen, cúi đầu thấp, vòng tay chào,

“Thưa cô!”

Người đàn bà, còn trẻ, đi cạnh thiếu niên cũng cúi đầu,

“Chào cô.”

Thiến niên nắm cánh tay người đàn bà, giới thiệu,

“Mẹ em.”

Quay về hướng Thủy,

“Cô con và thầy.”

Thủy vui vẻ,

“Chào em, chào chị.”

Thiếu niên liếng thoắng khoe với mẹ,

“Thầy là họa sĩ đó mẹ, vẽ giống như chụp, mẹ thấy, mê luôn.”

Người đàn bà nhìn Tuấn vẻ ngưỡng mộ,

“Dạ, tui có nghe mọi người nói, thầy vẽ đẹp và giống lắm.”

“Cảm ơn chị.”

Tuấn trả lời, thâm tâm cảm thấy nhột nhạt. Đối với dân quê và giới bình dân, họ không phân biệt được họa sĩ và nghệ nhân, nôm na là thợ vẽ. Nhưng Tuấn hiểu rất rõ, bốn năm miệt mài cùng chì than, giấy vẽ, khung bố, cọ sơn, những bài giảng về phong cách này, trường phái nọ… chỉ để hôm nay, tại một huyện lỵ xa lạ, làm một anh thợ vẽ truyền thần, chép lại những tấm hình cũ mèm trong thẻ chứng minh nhân dân, đáp ứng nhu cầu thờ tự, điều này, dù lạc quan đến mấy, vẫn không thể không chua xót. Ngày thi vào Cao Đẳng Mỹ Thuật, Tuấn không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành như thế này. Những ước mơ thời mới lớn, những giấc mộng đầu đời, bỗng một ngày tan thành tro bụi, khi Tuấn nhận ra nghệ thuật đích thực không dễ gì tiếp cận, nếu không xuất chúng. Cỡ làng nhàng như Tuấn, nếu có tiếng tăm, thì cũng chỉ trong phạm vi thôn ấp, không thể nào vượt khỏi lũy tre làng để trở thành những người ngoại khổ. Từ lúc hiểu ra điều này, Tuấn không còn mơ tưởng viển vông, tuy nhiên, trong thẳm sâu tâm hồn, một nỗi thất vọng, buồn bã đã khiến Tuấn, dù cố gắng thích nghi môi trường chung quanh, vẫn cảm thấy mình như kẻ lạ. Nếu không gặp Thủy, nếu không có tình yêu của Thủy, tựa sức mạnh vô hình vực Tuấn dậy, bảo Tuấn hãy can đảm nhìn vào thực tế và chấp nhận nó. Thủy như cái phao, giúp Tuấn dần trồi lên từ vũng lầy buồn nản, lấy lại thăng bằng cho tâm hồn.

Tuấn và Thủy chào từ giã mẹ con người đàn bà khi bà ta ngồi xuống một sạp hàng cá.

Họ dạo một vòng chợ, tìm mua đầy đủ thực phẩm, vật liệu để thực hiện bữa ăn đặc biệt cuối tuần. Bữa ăn cuối tuần, đó là thói quen đã hình thành từ khi mới đến chỗ ở mới này. Ban đầu, một hai lần thử qua sông, vào phố, họ nhanh chóng nhận thấy chẳng những không có gì đặc biệt lại có phần nhầy nhụa và bẩn, chẳng thể là nơi vui chơi, thư giãn. Phố cũng có một công viên nằm ngay trung tâm, nhiều cây xanh, lẽ ra dành cho cư dân sở tại dạo chơi, hóng mát thì gái giang hồ và bọn ma cô chiếm cứ làm địa bàn hoạt động mãi dâm. Kín đáo thì dẫn nhau vào các nhà trọ gần đấy. Bèo và nhanh thì tiếp ngay tại chỗ, tụt quần tựa gốc cây hay vén váy nửa nằm nửa ngồi trên những ghế đá rải rác trong công viên, bọn ma cô sẽ đứng canh đâu đó, báo động khi có công an. Phố cũng có một rạp chiếu bóng nhưng phim luôn cũ, chất lượng kém, thường đứt, sọc ngang sọc dọc, âm thanh khi léo nhéo như tiếng mèo gào, khi chát chúa nhức tai váng óc. Khách thường là những cặp tình nhân, mang nhau vào đây mượn bóng tối để mặc tình xào khô, có khi xào ướt nếu rạp vắng! Chỗ ngồi chật chội, thiếu thoải mái, và tệ hại nhất, hằng hà sa số… rệp! Bọn du kích tí hon này chui vào người nạn nhân hút máu, tuy khổ nhưng cũng qua đi, song sẽ thành đại nạn nếu chẳng may sau khi no nê, thay vì trở ra, chúng lại an cư lạc nghiệp chỗ cư trú mới. Khổ chủ mang về nhà, chúng nhẩn nha sinh sôi nảy nở con đàn cháu đống, thảm họa khôn lường! Phố cũng có nhiều quán ăn, vài nhà hàng, nhưng đa phần của người Tàu, món nào cũng lềnh dầu mỡ, nhìn, đã phát ớn.

Cho nên cuối tuần vợ chồng thường đưa nhau dã ngoại vào vùng quê hay đi chợ thực hiện những bữa ăn dễ làm nhưng hợp khẩu vị, vừa ấm cúng, thâm tình, vừa rẻ và vệ sinh.

Hôm nay Tuấn và Thủy định làm hai món tương đối giản dị. Thứ nhất, bánh tráng nhúng cuốn thịt heo ba rọi luộc, thêm tôm chua, bún, khế, chuối chát… chấm mắm nêm. Thứ hai, bánh canh cua gạch. Món này hơi nhiêu khê, phải chọn mua những con cua chắc thịt, nhiều gạch, thêm tôm sú, dùng xương, giò heo hầm với cua non làm súp, thêm những phụ gia như nấm rơm, hành tím, tỏi băm, ớt, tiêu, dầu, mắm muối… . Hai món này rất khoái khẩu, Tuấn và Thủy đều thích. Vợ chồng Tuấn luôn thay món mới. Cũng chẳng phải tài giỏi gì, trên mạng bây giờ, có hàng nghìn món ngon đông tây kim cổ, hướng dẫn chi tiết bằng clip, hình ảnh trung thực, màu mè bắt mắt, có thể làm lần đầu chưa ngon, nhưng lần hai, ba… chắc chắn không tệ. Vợ chồng có dịp cùng “múa”, chia nhau công việc, em xào nấm, anh lặt và rửa rau, em thái thịt, anh pha mắm nêm, em tao thịt cua, anh canh nồi xúp, em cuốn chả giò, anh sắp ra đĩa… . Vừa làm vừa cười đùa, giỡn hớt, âu yếm, vui, ấm cúng, hạnh phúc.

Bữa ăn vừa ý hai người, món gỏi cuốn ngon nhờ mắm nêm pha khéo, không mặn cũng không nhạt, bánh canh ngọt nước, cua tao gia vị thấm và thơm, bữa ăn kéo dài đến gần hai giờ chiều. Nhìn đĩa còn hai gỏi cuốn, Thủy nói,

“Mình chia nhau mỗi người một cuốn.”

“Anh no quá, chở hết nổi.”

“Em cũng no, nhưng ráng, cho hết, dọn dẹp.”

“Thôi bỏ đi em, ăn hết nổi.”

“Bỏ, mang tội chết.”

Tuấn cười,

“Em nói y chang mấy bà già xưa. Không bỏ thì cất tủ lạnh, mai ăn.”

Ba giờ chiều dọn dẹp xong, Thủy vòng nắm tay ra sau đấm lưng, cau mặt,

“Vừa đau lưng, vừa buồn ngủ dễ sợ.”

Tuấn nhìn vợ, âu yếm,

“Vào ngủ đi cưng.”

“Anh đấm lưng cho em ngủ nhé?”

“Tuân lệnh.”

Tuấn dìu vợ vào giường.

“Cởi áo ra đi, ngồi xếp bằng, đưa lưng về phía anh.”

Thủy cởi áo, Tuấn nói tiếp,

“Tẩm quất phải nằm sấp, nhưng vợ mang bầu, bụng lớn, nằm sấp không được, phải ngồi vậy.”

Nhìn tấm lưng trần trắng nõn Tuấn thấy rạo rực, không đừng được, Tuấn nhẹ xoay người vợ. Hai bầu vú lớn với hai núm sưng mọng khiêu khích. Tuấn đưa tay xoa bóp một trái vú và ngậm nút vú còn lại. Thủy ngửa người cười khúc khích,

“Đấm lưng mà thế này à?”

Thủy ngã người nằm xuống, Tuấn cũng nằm theo, miệng vẫn không rời bầu vú. Tay còn lại Tuấn lần cởi quần áo của mình, của vợ, cả hai không còn mảnh vải nào trên thân thể. Tuấn di chuyển bàn tay đang xoa bóp bầu vú xuống dưới, mơn trớn vùng bụng no tròn, xuống sâu hơn,

“Chồng…”

Thủy cảm nghe từng sợi thần kinh cảm giác căng cứng, rung lên, điếng ngất.

Ngoài cửa sổ bóng mát cây chôm chôm phủ gần kín miếng sân con. Ngày đã ngả sang chiều.

Vẫn như mọi ngày, Tuấn dậy nấu nước pha trà, ngồi nhìn bóng đêm dần tan, hừng đông dâng lên, bến vắng, bên kia sông thành phố mờ trong sương, những cao ốc, những rặng cây, những mái nhà thấp hơn nhạt nhòa dưới ánh sáng màu cam đỏ… . Tuấn đã vẽ một vài tranh sơn dầu mô tả bối cảnh này, và đã gửi bán ở một gallery quen trong Nam, giá không cao nhưng có khách mua. Thành phố ấy lớn, đã một thời là thủ đô của miền Nam VN, nơi khách du lịch quốc tế và nội địa thăm viếng đông, khách mua tranh không phải vì giá trị nghệ thuật, mà vì đó là kỷ vật vùng miền họ từng đặt chân đến. Tiền bán tranh cộng với nghề vẽ truyền thần giúp Tuấn tích góp được một số tiền kha khá, thừa sức lo cho Thủy sinh đẻ.

Chỉ còn hai tháng nữa, Tuấn sẽ làm cha. Nghĩ đến điều này lòng Tuấn dâng trào một cảm giác lâng lâng, tựa vừa uống cạn ly rượu vang ngon, vị chát và thơm của rượu mãi phảng phất trong cuống họng. Tuấn nhìn về phía vợ, Thủy vẫn say giấc, do ánh sáng ban mai chưa đủ mạnh soi mọi ngõ ngách nên khuôn mặt như chìm vào vũng tối được tạo thành bởi bức tường giáp với cửa sổ, trở nên hư ảo. Thân thể từ ngực trở xuống phơi trọn trong vùng sáng, nơi mặt trời rọi qua khung cửa mở toang. Thủy vẫn khỏa thân sau trận tình tối qua, nàng nằm thoải mái, chân dạng rộng, duỗi thẳng, ngực lớn chảy bè ra, vòng thịt quanh hai núm sưng mọng, bụng căng cao bóng lưỡng, đổ xuống vùng bình nguyên màu mỡ.

Hôm nay hai vợ chồng sẽ đi dã ngoại, điểm đến là một địa danh cách nhà khoảng bốn lăm cây số, Tuấn bước tới cạnh giường, cúi xuống hôn sâu, ngậm vành môi trên hơi vểnh nút mạnh. Một lối đánh thức vợ Tuấn thường làm, Thủy mở bừng mắt nhìn khuôn mặt Tuấn cận kề, giọng nhừa nhựa,

“Mình…”

“Dậy, sáng rồi.”

“Cho em ngủ thêm chút nữa.”

Tuấn cười âu yếm, hôn lên đỉnh ngực, núm vú nhuận hồng khiêu khích,

“Dậy đi vợ yêu, đã lên kế hoạch sẽ khởi hành đúng bảy giờ, trễ hơn nắng lắm.”

Thủy dang hai tay về phía Tuấn,

“Bế vợ vào phòng tắm đi.”

“Nhõng nhẽo vừa thôi cô.”

Tuy nói thế nhưng Tuấn vẫn khom người luồn hai cánh tay, một dưới cổ, một dưới mông, nâng Thủy rời khỏi giường. Thủy ôm chặt Tuấn cười rúc rich,

“Thích quá, được chồng bế.”

Mùi thơm da thịt vợ đầy khứu giác, Tuấn vừa hôn tới tấp khắp khuôn mặt Thủy vừa đi về phía phòng tắm.

Đặt vợ đứng dưới vòi sen, Tuấn vói tay mở khóa nước trước khi khép cánh cửa kính,

“Tắm nhanh còn chuẩn bị đi, cô nương.”

Tám xong, Thủy tắt nước, kéo chiếc khăn lông lau mình, ra khỏi buồng tắm, đến trước gương nhìn thân thể trần truồng của mình, vú lớn, bụng sưng to đổ xuống phần đồi nở nang mượt cỏ. Thủy mỉm cười vẻ hài lòng, và bắt đầu trang điểm, đầu tiên Thủy thoa nhẹ một lớp phấn mỏng lên mặt, tô son bóng đôi môi, kẻ nhanh viền xanh đen quanh hai mắt. Xong, Thủy mở tủ quần áo chọn chiếc áo hoa màu hồng nhạt và váy đầm cùng màu dài chấm gót chân. Mặc xong bộ quần áo đã chọn, Thủy xoay mình về hướng Tuấn,

“Mình thấy thế nào?”

Tuấn nhìn vợ tươi mát, trẻ trung, cảm thấy lòng xôn xao,

“Dễ thương lắm, vợ yêu.”

Thủy vuốt phần vải che gò bụng no tròn nói với Tuấn, giọng kém vui,

“Bụng lớn, mặc cái gì cũng xấu.”

“Trái lại, anh thấy đẹp lạ lùng.”

“Xạo quá đi.”

“Thật mà.”

Tuấn quỳ xuống, áp môi trên bụng vợ, hôn khắp,

“Yêu quá.”

Thủy kéo Tuấn đứng lên,

“Đừng xạo em nghe.”

“Không bao giờ, vợ đẹp thật.”

Tuấn kề tai Thủy, nói nhỏ,

“Chẳng những đẹp còn hấp dẫn nữa, mỗi lần nhìn bụng vợ, nghĩ đến phần dưới nở nang, anh muốn… tắt thở, tưởng tượng được vùi mặt vào, được hít sâu cái mùi gây nghiện của vợ, trời, chịu không thấu.”

“Anh ơi.”

“Gì em?”

“Nghe chồng nói em rạo rực quá.”

Tuấn cúi hôn đôi môi mọng. Lại ngậm nút môi trên hơi vểnh, Tuấn ghiền vành môi này, mỗi lần hôn Thủy, Tuấn không thể không ngậm nút. Một lúc, đẩy Thủy ra, nhìn từ cao xuống thấp,

“Anh yêu vợ lắm biết không?”.”

“Em cũng yêu chồng vô cùng.”

Thủy ôm chặt Tuấn, vùi mặt vào lồng ngực vạm vỡ của người đàn ông Thủy đã gặp, đã yêu và chắc chắn sẽ yêu suốt đời.

Tuấn dìu vợ ra xe,

“Mình đi.”

Tuấn khởi động máy, tiếng động cơ nổ nhẹ, giòn. Thủy leo lên yên sau, ngồi dạng chân hai bên như con trai,

“Ngồi thế này hơi kỳ nhưng không sợ té.”

“Kỳ gì, vợ có bầu mà.”

Tuấn cho xe chạy chậm, cẩn thận tránh ổ gà. Đường tương đối tốt, cảnh quang hữu tình, những ruộng lúa ngát xanh ngút mắt, những lũy tre bao các thôn làng, bầu trời cuồn cuộn mây trắng và đàn cò sỏi cánh trôi chậm trên cao. Tuấn thường nghe những người già kể lại, ba mươi năm trước, thuở còn chiến tranh, dưới cái vẻ tưởng như yên bình của ruộng xanh, của khói lam chiều, là trùng trùng tai ương phủ chụp trên số phần dân quê. Súng đạn, bom mìn, khói lửa, chết chóc… Hai mươi năm, hàng triệu sinh linh đã phơi thây, hàng trăm nghìn thảm kịch đã xảy ra. Thế hệ của Tuấn may mắn không vướng phải những bất hạnh mà cha ông đã gánh chịu, dù bây giờ có vô số điều bất ưng, lòng người ly tán, tham ô, nhũng lạm, chênh lệch giàu nghèo mỗi ngày mỗi lớn… nhưng chiến tranh đã không còn, Tuấn mong trên cái nền cơ bản đó, những người đấu tranh sẽ đủ sáng suốt để nhìn thấy đâu là trọng tâm của vấn đề.

Theo tờ rơi của công ty du lịch Tuấn xem hôm qua thì chạy xe ven lộ này, đi thêm sáu cây số nữa, rẽ trái, qua cầu, chạy tiếp chừng ba cây số sẽ đến biển, cũng là nơi có Lầu Ông Hoàng và mộ Hàn Mặc Tử. Những huyền thoại liên quan đến người thi sĩ bất hạnh này Tuấn đã xem nhiều, qua các tài liệu, tiểu sử, phim ảnh, kịch nghệ, âm nhạc. Dĩ nhiên Tuấn hiểu, đâu là hư cấu, cường điệu, lãng mạn hóa, thi vị hóa mà người sau đã có, với thiên tài này. Nhưng bỏ qua tất cả mọi râu ria, những vần thơ của Hàn Mặc Tử khi Tuấn có dịp đọc, nhiều câu đã ở trong tâm hồn Tuấn như những luống cày sâu,

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra

Hoặc:

Trời hỡi làm sao khi khát đói
Gió trăng có đó làm sao ăn
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng

Hoặc nữa:

Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng,
Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương.
Nhưng khốn nổi xác ta đành câm tiếng,
Hồn đi rồi, không nhập xác thê lương.

Hai vợ chồng đến viếng lầu Ông Hoàng, khối kiến trúc bằng gạch hình chữ nhật thẳng đứng, rêu phong, trơ vơ giữa cỏ cây. Theo cô hướng dẫn du lịch, đây là nơi hẹn hò của thi sĩ với người tình Mộng Cầm. Cảnh vật hoang sơ, chả hiểu ngày xưa thế nào? Rời Lầu Ông Hoàng, hai người đến viếng mộ Hàn Mặc Tử gần đó, ngôi mộ nằm lẻ loi giữa bãi đất rộng, dựa lưng bức tường không cao lắm. Xa hơn nữa, phía sau, là chập chùng đồi núi. Mộ bằng đá rửa, trên đầu là tượng Đức Mẹ dang tay, khá lớn, nhìn xuống phần mộ. Trước khi vào khuôn viên mộ, hai người nhìn thấy một tảng đá cao viết hai câu thơ bằng thư họa. Ở góc độ mỹ thuật, Tuấn nghĩ, tảng đá và họa pháp có vẻ quê mùa, dù hai câu thơ là một trong nhiều câu đã trở thành quá quen với nhân gian,

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

Rời khu di tích, Tuấn và vợ chạy ra biển. Nghe nói hồi còn chiến tranh, vùng này là địa bàn sầm uất của các bar Mỹ, tấp nập gái bán phấn buôn hương, phục vụ cho bọn lính viễn chinh. Lịch sử đã sang trang từ lâu, hai người không biết gì những tang hải đó, chỉ thấy hiện tại biển thật đẹp và hiền hòa. Những con sóng trắng xóa vỗ bờ, những thân dừa cao rì rào lộng gió, những mái tranh lác đác khắp triền cát dài, dành cho khách du lịch. Thủy ôm tay Tuấn,

“Em muốn tắm.”

“Ừ nhỉ, thích đấy, em khỏi cần thuê phao, tiết kiệm được ít tì.”

“Tại sao?”

“Giản dị quá mà, em chỉ cần nằm ngửa phơi cái bụng bầu như cái trống là sẽ nổi lình bình, cần gì phao.”

Thủy cắn mạnh bả vai chồng,

“Anh này.”

“Ối đau, anh nói không đúng à?”

Thủy than đói. Hai người vào quán nhỏ giữa bãi tắm. Tuấn gọi vài món ăn biển, mực xào chua ngọt, cá chiên xù, canh chua hải sản. Một chai bia cho Tuấn, ly chanh vắt cho Thủy. Họ vừa dùng bữa vừa quan sát khách tắm, đủ hạng, đủ tuổi tác, những thanh niên, thiếu nữ trẻ trung năng động, những người đứng tuổi chừng mực, từ tốn, những cô bán hàng rong nhanh nhẹn, lém lỉnh. Hai người ra khỏi quán khi bóng nắng bắt đầu ngả về tây. Tản bộ dọc triền cát, Tuấn nói với Thủy,

“Mình ngủ lại đêm nay như dự tính chứ?”

“Dạ.”

“Vậy mình lên đặt phòng đi.”

Khu resort không lớn lắm nhưng xinh xắn, sạch sẽ, nằm trong khuôn viên hoa cỏ đủ màu tươi mát. Ba dãy nhà một tầng tạo thành hình chữ U, dãy giữa là khách sạn gồm ba mươi phòng và sảnh, dãy bên trái là restaurant, dãy bên phải là rạp chiếu bóng, sân khấu trình diễn nhạc. Kiến trúc của khu này lấy cảm hứng từ đình chùa Việt Nam với những cột gỗ tròn, lớn, chống đỡ mái hiên dài, những đầu hồi vút cong mềm mại, ngói đỏ âm dương, những cửa sổ tròn, nền nhà cao lát gạch Bát Tràng, nội thất hoàn toàn bằng gỗ chạm trổ cầu kỳ, tường nhà dày dễ chừng ba tấc. Với lối kiến trúc này, nếu không lắp đặt máy điều hòa không khí, Tuấn nghĩ vẫn sẽ mát mẻ, thoáng. Chính giữa, từ mặt tiền khu nhà nhìn ra là một hồ nước lớn thả hoa súng, cá koi luồn lách dưới những lá súng lớn xanh thẫm, những cánh hoa màu hồng đậm, vươn cao khỏi mặt nước trên cuống tròn thẳng đứng. Góc hồ, trên tảng đá lớn, tượng điêu khắc bằng người thật, mô tả nàng tiên cá ngồi chống tay nhìn xuống mặt hồ, chiếc đuôi cá thỏng xuống nước mềm mại. Bức tượng bằng đá xanh, màu đá gần như cùng màu với những đài lá. Phía sau tượng là vòi phun, nước rơi xuống như mưa, phủ kín tượng, tạo cảm giác hư hư thực thực. Nhìn bức tượng, Tuấn đùa,

“Nàng tiên cá nhớt nhợt, tanh rình, ai dám ôm.”

Và cười nhỏ, tiếp,

“Lại láng o, không có cái ấy nữa, giả dụ muốn yêu nhau phải làm sao?”

Thủy có vẻ không bằng lòng,

“Bậy bạ quá đi.”

Tuấn kéo Thủy lại gần, ôm sát, hôn lên vầng trán phẳng,

“Anh đùa, xin lỗi em.”

“Lúc nào anh cũng như trai mới lớn, ba mươi rồi đấy, lại sắp làm cha nữa.”

“Biết rồi mà, mai mốt càm ràm kiểu này chịu sao thấu.”

Biết Tuấn sắp bực mình, Thủy vít mặt Tuấn xuống hôn nhẹ trên môi

“Nói vậy thôi chứ chồng vui tính, dễ thương.”

Họ chọn căn phòng nhìn ra biển.

Buổi tối sau khi dùng bữa trong restaurant, họ về phòng, ra ngồi ngoài hành lang hóng gió. Thủy nằm gọn trong lòng Tuấn, tay luồn vào ngực áo, vân vê mải miết núm vú chồng, hướng mắt theo dõi những đốm lửa chài lung linh soi xuống mặt nước thẫm đen, hỏi Tuấn,

“Họ chài suốt đêm sao anh?”

“Anh nghĩ không đâu, có lẽ nửa khuya họ vào.”

“Họ chài gì vậy anh?”

“Nghe nói câu mực.”

“A, mực, lát nữa mình xuống mua luộc ăn chơi.”

“Phải đấy, mực tươi luộc chấm muối tiêu, hết ý.”

Khách sạn khá chu đáo, mỗi phòng đều có bếp riêng, với đầy đủ soong nồi, chén bát, mắm muối, gia vị. Tuấn đã từng đến Nha Trang và ngủ qua đêm tại một Resort, hầu hết mỗi phòng đều có bếp, hình như đó là nét đặc trưng của những khách sạn ven biển.

Từ ngày đến ngụ cư ở thành phố nhỏ, đây là lần đầu hai vợ chồng thực hiện dã ngoại, ngủ đêm bên ngoài. Khi thảo luận về chuyến đi, Thủy nói,

“Mộ Hàn Mặc Tử gần biển, em nghe nói biển chỗ ấy đẹp, ngày xưa vua Bảo Đại cho xây lầu Ông Hoàng hẳn có lý do.”

Thủy cười, tiếp,

“Vợ chồng mình sẽ lấy phòng ngủ qua đêm ở đó. Lâu lâu phải thay đổi không khí, để hâm nóng, kẻo không chồng chán.”

Tuấn vói tay vặn thấp ánh sáng ngọn đèn ngủ,

“Lúc nào cũng nóng hừng hực, hâm gì nữa?”

Thủy rúc đầu vào nách Tuấn, cười,

“Ừ nhỉ, lúc nào chồng cũng hừng hực.”

“Chỉ anh thôi à?”

Thủy chưa tắt nụ cười,

“Vợ chìu chồng mà.”

Thủy bỗng ngóc đầu hướng về phía biển, lôi Tuấn về thực tại,

“Anh nhìn kìa.”

Tuấn nhìn, chân trời, nơi tiếp giáp với mặt nước bỗng ửng sáng màu cam đỏ, mặt trăng trồi lên sáng rực, Thủy reo,

“Đẹp quá.”

Đẹp thực, ánh sáng chóa lòa, ánh sáng thắp rực đầu những con sóng đuổi nhau vào bờ, ánh sáng tưới trên khuôn mặt Thủy một lớp sữa, ánh sáng nhuộm trắng vùng ngực vun cao hai đỉnh hồng Tuấn vừa giải phóng bằng cách mở hết những khuy áo. Thủy vươn hai tay ôm đầu Tuấn kéo xuống, ưỡn người lên,

“Mình, bú em.”

Tuấn say sưa với hai đỉnh mềm, bên này đổi sang bên kia liên tục, Thủy hít hà không ngừng, và một lúc lâu, cơn hưng phấn lên cao, Thủy vùi mười ngón tay vào tóc Tuấn, vò rối,

“Em muốn yêu mình.”

Thủy leo lên dạng chân ngồi xổm, đưa vào và lên xuống nhịp nhàng. Hai tay Thủy vòng quanh cổ Tuấn kéo rịt đầu chồng vào ngực mình,

“Bú tiếp đi mình.”

Họ làm tình ngay dưới mái hiên, bằng tư thế ngồi trên chiếc ghế nhựa, trong vũng sáng của ánh trăng, những đóa hồng dọc hành lang nhẹ rung, tượng nhân ngư thấp thoáng sau vòi phun lấp lánh ánh sáng giữa hoa viên, và tiếng sóng biển rì rào, tiếng gió chạy trên những ngọn thông, tiếng tán thán mê đắm của Thủy,

“Mình ơi, mình ơi…”.

Thủy quay sang phía chồng, Tuấn đã ngủ từ lâu, khuôn mặt toát ra vẻ bình yên, đôi mắt nhắm, hơi thở đều, miệng ngậm, lồng ngực vạm vỡ phập phồng nhịp đều. Thủy vòng tay ôm chồng, siết nhẹ, yêu quá người đàn ông này, hơn một năm, tình yêu mỗi ngày thêm đậm. Tuấn nam tính, hào sảng, trượng phu, không nhỏ mọn, không xét nét, không bần tiện. Đàn bà, sẽ chẳng thể nào yêu đối tượng nếu không nể phục, kính trọng, Thủy không ngoại lệ. Phái yếu như thân chùm gửi, sẽ chỉ ra hoa, xanh tốt khi bám được vào đại thụ, trời đất đã sắp đặt như thế, đi ngược lại trật tự của trời đất là xuất hiện ngay sự cố, cứ nhìn những đàn bà xuất chúng, sẽ dễ dàng suy ra, những nữ tổng thống, nữ thủ tướng, nữ tổng tư lệnh quốc phòng cầm chắc có những đấng phu quân rất… thục nữ, quy luật bù trừ của thượng đế. Âm thịnh tất dương suy, âm dương cùng thịnh, nguy cơ xảy ra những vụ nổ kiểu big bang sẽ xảy ra thường trực.

Thủy không ngủ được, từ lúc vào giường đến bây giờ, đã quá nửa đêm, Thủy cố đẩy mọi vướng víu ra khỏi đầu óc, hy vọng sẽ chợp mắt được, bụng cứ đau từng cơn, ban đầu còn thưa, nhưng khoảng cách giữa những cơn đau ngắn dần, và cường độ đau cũng tăng, cuối cùng không chịu nỗi nữa, Thủy đành cầu cứu Tuấn,

“Mình nè.”

Thủy lay vai chồng, gọi khẽ, Tuấn xoay nghiêng, ậm ự rồi lại ngủ tiếp, Thủy gọi lần nữa, lớn hơn,

“Mình… mình ơi…”

Tuấn mở choàng mắt,

“Gì thế em?”

“Em đau bụng quá.”

Tuấn ngồi bật dậy, nhanh nhẹn, dù giọng vẫn còn nhừa nhựa,

“Đau làm sao?”

“Từng cơn, hồi đầu đêm thưa, không đau lắm, em nghĩ còn chịu đựng được nên không đánh thức anh, bây giờ nhiều, đau muốn tắt thở.”

Hơn hai tháng nay, Tuấn thường lên mạng tìm những bài viết về chuyện đau đẻ nên khá rành, qua mô tả của Thủy Tuấn biết đây chỉ là giai đoạn đầu, thừa thời gian đưa vợ đến nhà thương. Tuấn cũng đã hợp đồng với chủ đò nửa tháng trước, hứa sẽ trả một số tiền xứng đáng nếu đêm khuya Tuấn gọi chở vợ qua sông.

Tuấn nhảy khỏi giường, bấm điện thoại gọi chủ đò đến chờ ngay bến, rồi vội vã gom ít quần áo của vợ dồn vào túi xách,

“Đi, anh chở vợ vào bệnh viện.”

Thủy nhìn Tuấn, âu yếm,

“Chồng chu đáo quá, vợ thật diễm phúc.”

Qua đò, đoạn đường từ bến đò đến bệnh viện không xa, để an toàn, Tuấn tìm đón một xích lô, nhưng đã già nửa đêm, không còn bóng dáng chiếc xích lô nào. Loay hoay một lúc lâu, Tuấn đành nói,

“Phải đi ngay thôi, em ngồi sau được chứ?”

“Dạ được, anh.”

“Vậy mình đi.”

Tuấn chạy chậm, cẩn thận tránh ổ gà, tránh thắng gấp. Đường phố về khuya vắng lạnh, ngang qua công viên, Tuấn nhìn vào, vài gái ăn sương di chuyển vật vờ như những bóng ma dưới ánh sáng vàng vọt của những trụ đèn rải rác khắp nơi trong khuôn viên, Tuấn nhìn thấy trên băng ghế đá sau hàng râm bụt thấp, một em đang nhấp nhổm trên người một thanh niên, anh ta ngửa mặt nhìn trời, hai tay sục vào áo “em”, bóp nắn cuống cuồng hai bầu vú nhão, Tuấn đoán thế, cũng đoán luôn, hẳn thanh niên đang phê, chẳng còn biết trời trăng. Vài ma cô đang qua lại trước lối vào công viên, canh me các anh bạn dân thích xía vào chuyện cụp lạc của thiên hạ. Tuấn vượt nhanh qua công viên, rẽ trái, chỉ ba phút nữa thôi, bệnh viện ở cuối con đường này.

Tuấn đưa tay bóp nhẹ bàn tay Thủy đang ôm eo,

“Đau lắm không em.”

“Dạ đau, nhưng em chịu được.”

“Gắng lên, đến bệnh viện anh nói bác sĩ chích thuốc giảm đau, êm ngay thôi.”

“Dạ.”

Tuấn giải thích tình trạng hiện tại, để vợ yên tâm,

“Sở dĩ em đau là vì cổ tử cung bắt đầu mở ra, hiện tượng tự nhiên trước khi sinh, ngày nay y khoa hiện đại, có thuốc giảm đau, tình trạng đau “như đau đẻ” của ngày xưa không còn nữa. Em ráng chút nữa, sắp đến rồi.”

Tuấn cho xe vào bãi đậu, dìu vợ tới phòng chờ, đỡ Thủy ngồi xuống băng ghế dài rồi nhanh nhẹn đến quầy tiếp tân làm thủ tục nhập viện. Nửa giờ sau, Thủy được đưa lên băng ca đẩy xuống phòng sinh. Lúc vỡ nước ối, Tuấn được cho vào theo, sau khi đã mặc tươm tất quần áo của bệnh viện đưa.

Ca sinh không dễ, hơn một giờ đứa bé vẫn chưa chịu chường mặt chào đời, nhìn vợ tái xanh, thiêm thiếp vì kiệt sức và mất nhiều máu, lòng Tuấn quặn đau, cuối cùng bác sĩ phải dùng máy hút ra, chỉ được một bé, còn một bé nữa. Bác sĩ nói,

“Chúng tôi sợ sản phụ sẽ không chịu nổi nếu kéo dài quá lâu, phải quyết định, hoặc mổ để cứu cháu bé, trường hợp này khả năng tử vong sẽ rất cao với sản phụ, hoặc cho bé ngủ vĩnh viễn rồi cắc nhỏ, hút ra, mất bé nhưng sản phụ an toàn.”

Thủy kiệt sức nhưng chưa hôn mê, nghe nói thế, mở mắt nhìn, muốn nói, bác sĩ cúi xuống sát miệng Thủy,

“Chị muốn nói gì?”

Thủy thều thào, giọng vo ve như ong.

“Hãy… hãy… cứu… con tôi…”

Bác sĩ ngẩng đầu, nhìn Tuấn,

“Vợ anh muốn cứu cháu bé.”

Tuấn gào lên,

“Không.”

“Xin lỗi, đó là quyết định của sản phụ.”.”

Tuấn lại gào và nhảy bổ về phía Thủy đang nằm, thoi thóp,

“Vợ không được phiêu lưu, em còn trẻ, sẽ có cơ hội sinh chẳng những một mà nhiều, thật nhiều những đứa con, cả trai lẫn gái nếu muốn. Không thể chọn giải pháp may ít rủi nhiều này”

Hai nam y tá kéo Tuấn ra, một người nói,

“Anh không được gây rối chỗ này.”

Tuấn lại nhào tới khi thấy Thủy mở mắt,

“Nói đi, nói em không bằng lòng giải phẫu.”

Thủy ngước nhìn Tuấn, ánh mắt thiết tha, nhẹ lắc đầu. Bác sĩ ra lệnh cho cô y tá,

“Cô ra gọi bảo vệ vào đưa anh này ra.”

Nữ y tá mở cửa bước vội ra ngoài. Tuấn cố thoát khỏi sự khống chế của hai người đàn ông, miệng không ngớt kêu gào vợ hãy từ chối giải phẫu. Căn phòng chỉ yên tĩnh trở lại khi hai bảo vệ xuất hiện và dùng sức mạnh lôi Tuấn ra khỏi phòng. Bác sĩ đến gần Thủy,

“Chị còn tỉnh táo nghe và hiểu những điều tôi sắp nói chứ? Chị chỉ cần gật hoặc lắc đầu.”

Thủy nhẹ gật đầu, bác sĩ hỏi tiếp,

“Chị bằng lòng giải phẫu để cứu cháu bé?”

Thủy lại gật.

“Chúng tôi sẽ cố nhưng khả năng mẹ tròn con vuông rất thấp. Nếu chuyện không may xảy ra cho chị, chị chấp nhận không?”

Thủy tiếp tục gật.

“Tôi nhắc lại, chị chấp nhận mọi rủi ro sẽ đến với chị?”

Thủy lặp lại động tác bằng lòng.

Bác sĩ vỗ vỗ bàn tay chường ra ngoài lớp vải trắng đắp kín người Thủy,

“Cảm ơn chị, để làm bằng, cuộc đối thoại giữa chúng ta đã được ghi hình lại. Bây giờ chuyên viên gây mê sẽ giúp chị ngủ. Chúng tôi mong mọi tốt lành.”

Bên ngoài phòng chờ rất đông con bệnh và thân nhân ngồi vật vờ chờ khám, Tuấn bị hai bảo vệ xốc nách lôi ra, ấn xuống băng ghế dài. Một bảo vệ răn đe,

“Anh hãy ngồi yên tại đây chờ kết quả nhưng tuyệt đối không gây mất trật tự, nếu không, chúng tôi phải buộc phải dùng biện pháp mạnh”.

Hai bảo vệ bỏ đi. Lòng Tuấn tựa lửa đốt, chàng hiểu chẳng thể làm gì khác ngoài chờ đợi, mọi phản ứng có tính đối kháng không giúp tình hình khá ra, trái lại nhiều nguy cơ sẽ bị họ nhờ công an can thiệp. Tuấn nhớ đến khuôn mặt, nụ cười rạng rỡ của vợ khi nghe bác sĩ siêu âm cho biết Thủy sẽ sinh đôi, hai cháu trai, bốn tháng trước lúc đi khám thai định kỳ. Trên đường về Thủy áp sát má vào lưng Tuấn,

“Mình sẽ đặt tên cho chúng là Tú, Tú Anh và Tú Em, được không chồng?”

“Anh tên Tuấn, con tên Tú, Tuấn Tú, hay đấy.”

Thủy hào hứng,

“Vài năm nữa mình sinh thêm một bé gái, tuyệt chồng nhỉ.”

“Anh có đọc môt tài liệu y khoa trên mạng đề cập đến phương pháp thụ thai trai hay gái theo ý muốn, để anh tìm đọc lại.”

“Thư thả, chẳng gấp gáp gì.”

Bốn tháng nay hai vợ chồng luôn nói đến những đứa con, vẽ ra bao nhiêu viễn cảnh đẹp, một mái ấm tràn ngập tiếng cười trẻ thơ, hai đứa trai sinh đôi giống nhau như tạc, đỉnh ngộ, thông minh, mang một ít tố chất nghệ sĩ của cha, sự năng động, hồn nhiên và giàu từ tâm của mẹ, không chút nghi ngờ gì về những không may. Lạy trời cho Thủy bình an, lạy trời mẹ tròn con vuông, lạy trời những ước mơ nhỏ nhoi bao lâu nay mà hai vợ chồng luôn nói đến sẽ trở thành hiện thực. Tuấn không theo tôn giáo nào, nhưng luôn tin có một quyền năng nắm giữ sinh mệnh, hướng đời mỗi con người. Quyền năng này, theo tín ngưỡng dân gian, là ông trời. Lạy trời.

Cửa phòng mổ xịch mở, một nữ y tá bế một thai nhi cuộn tròn trong khăn lông bước ra, Tuấn đứng bật dậy, nhào đến,

“Con tôi.”

Y tá nói nhanh,

“Cháu nằm trong bụng mẹ khá lâu, ngộp thở, chúng tôi phải đưa cháu xuống lồng ấp ngay.”

“Thế còn mẹ nó?”

Nhưng y tá đã khuất phía cuối hành lang. Tuấn hoảng loạn tới lui tựa con thoi trước cửa phòng mổ. Chừng mười lăm phút sau cửa lại xịch mở, y tá đẩy ra một băng ca, trên là hình nhân phủ kín ra trắng. Tuấn nhào lại, một y tá thứ hai đi bên cạnh băng ca la lớn,

“Anh làm gì thế?”

Và ôm Tuấn lại. Chiếc băng ca di chuyển nhanh về hướng nhà xác cách đó một dãy hành lang, biệt lập phía sau, dựa lưng bức tường cuối bệnh viện.

Y tá đẩy băng ca vào trong, nhanh nhẹn kéo một hộc tủ, khiêng xác đặt vào, mở tấm ra vất vào giỏ nhựa đặt ở góc phòng, Thủy, bây giờ đã là một xác chết, nằm duỗi dài bất động, người dán vào băng ca, tóc bết trán, khuôn mặt trắng bệch, mắt nhắm, vành môi trên vênh vểnh, thấp thoáng hai răng cửa hơi lớn. Thiếu phụ cách đây không lâu, trước khi vào phòng sinh đã vui vẻ dặn chồng khi về nhớ đưa nồi thịt kho vào tủ lạnh mà hồi tối Thủy đã quên, giờ đã là cái xác không hồn. Tuấn dùng hết sức lực vùng thoát khỏi tay của y tá, chạy bổ theo chiếc băng ca. Khi tấm ra bị kéo khỏi hình nhân, Tuấn hét lớn,

“Vợ…”

Và ngã vật, những hộc đựng xác quay tròn.

*

Mọi chuyện rồi cũng qua, những biến cố dù kinh thiên động địa đến đâu rốt cục cũng sẽ nhạt nhòa theo thời gian. Những tưởng sẽ không bao giờ nữa, Tuấn đứng lên nổi sau cái chết của Thủy, nhưng rồi tháng ngày vẫn cần mẫn làm công việc của nó, lấp đầy dần những nỗi đau, xóa quên dần những ký ức hằn sâu bao đường cày mưng mủ, Tuấn dần hiểu ra mình đang sống, sẽ tiếp tục sống, chưa đến ba mươi, đoạn đường về chung cuộc còn quá đỗi dài, Tuấn không thể vật vờ mãi như một bóng ma. Tương lai của chính mình, nhất là của hai đứa bé, sợi dây kết nối Tuấn với người đàn bà một thời cùng Tuấn như chim liền cánh, cây liền cành, người đàn bà sẵn sàng hủy diệt sinh mạng mình không chút đắn đo, cho sự ra đời và tồn tại của một sinh linh. Nghĩ đến sự hy sinh của vợ, Tuấn nhận ra cái nhỏ nhoi của mình, Tuấn tự bỉ thử, để rồi cố đứng lên, và đứng lên được.

Một hàng xóm nhận nuôi hai đứa bé giai đoạn đầu, công việc mà Tuấn hoàn toàn mù tịt. Người hàng xóm này lớn hơn Tuấn trên dưới mười tuổi, ở cách nhà Tuấn khoảng mươi căn. Họ có một cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng bên kia sông, người chồng trực tiếp trông coi, công việc kinh doanh thuận lợi, giúp họ có một đời sống vật chất khá sung túc. Gia đình này gồm ba thành viên, hai vợ chồng và một bé gái trạc sáu tuổi. Người vợ vừa sẩy thai từ một tai nạn giao thông. Cái thai đã được năm tháng, con trai. Bác sĩ chẩn đoán, do ảnh hưởng tai nạn, người đàn bà sẽ không thể có con được nữa. Hai vợ chồng đau buồn đến kiệt quệ, đứa con trai, hạt giống nối dõi tông đường, thế mà thảm kịch oan nghiệt đã đưa đứa bé trở lại hư vô. Cùng lúc đó, biến cố của gia đình Tuấn xảy ra. Với hai bầu sữa còn đầy, người đàn bà đến đề nghị Tuấn để bà giúp nhận nuôi đôi song sinh, vừa là làm phước, vừa để phần nào vơi đi nỗi đau mất đứa con trai chưa chào đời. Dĩ nhiên, Tuấn vui mừng. Đang rối bời vì cái tang của vợ, lại không biết phải làm cách nào lo cho hai con, Tuấn không khỏi không nghĩ một cách đượm màu tâm linh, có lẽ từ thế giới bên kia, Thủy đã tạo điều kiện giúp chồng.

Người đàn bà đưa hai đứa bé về và lo cho chúng không khác gì ruột thịt. Cả nhà đều vui, nhất là cô con gái lên sáu, bắt đầu đi học năm nay, ngày nào cũng vừa về đến nhà, cất vội cái ba lô học trò là sà ngay đến hai chiếc nôi đặt song song ở góc phòng chơi với hai bé. Cặp sinh đôi quá dễ thương, giống nhau như đúc. Mái tóc mịn lơ thơ trên đài trán cao, hai mắt to long lanh, chiếc mũi thon với hai lỗ mũi nhỏ xíu e ấp, môi hồng mũm mĩm, đôi gò má nõn. Tuấn đã cho Thoa, tên người đàn bà, biết một khác biệt duy nhất để nhận diện đứa nào là anh, đứa nào là em, đó là trên khóe môi của Tú Em có một nốt ruồi nhỏ. Chỉ vậy thôi. Loan, tên cô bé, và người chồng cũng biết đặc điểm này.

Tuấn làm nghề tự do, không bị thì giờ hành chánh bó buộc nên thường xuyên ghé thăm con nhiều lần trong ngày. Đến tháng thứ ba, hai vợ chồng người hàng xóm đề nghị Tuấn trả nhà đến ở chung với họ hầu có điều kiện gần gũi con nhiều hơn. Nhà có vườn rộng, gia chủ cất thêm một căn, tuy nhỏ nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi, bên cạnh căn chính, dành riêng cho cha con Tuấn. Căn nhà được cho Tuấn thuê rẻ hơn so với thời giá. Gia chủ thì có thêm thu nhập, phần Tuấn, cũng sẽ tự nhiên. Tuấn rất mừng, với cách giải quyết đó, cả hai bên đều thoải mái. Về lâu về dài, người gia ơn không cảm thấy bị áp lực, kẻ mang ơn tránh được phần nào mặc cảm nhờ vả.

Với bà chủ nhà, hai đứa bé tuy không cùng huyết thống nhưng tình cảm chẳng khác gì mẹ con ruột thịt, Thoa thương hai đứa bé cuồng nhiệt, thậm chí có vẻ không giữ được công bằng với cô con ruột, và ngay cả với chồng. Thoa thỉnh thoảng vẫn “đuổi” chồng ra ngủ ngoài phòng khách, nhường chỗ cho hai “cục cưng” nếu chúng đòi ngủ với “vú”. Nỗi đau mất đứa con trai đã vơi hẳn trong tâm trí người thiếu phụ. Thoa luôn thầm nghĩ, thượng đế đã ưu ái bù đắp một cách hào phóng cho gia đình mình. Thoa cũng tự hứa với lòng sẽ mãi yêu thương và chu toàn trách nhiệm làm “mẹ”. Lời tự hứa có vẻ thừa khi Thoa thật lòng yêu thương hai bé, giản dị vì, đó là tình yêu xuất phát từ trái tim, một trái tim luôn bồi hồi đập nhịp khát khao làm mẹ.

Sáng nay, Tuấn qua phố mang về một đống áo quần trẻ con, hí hửng khoe với Thoa,

“Tôi đã nhờ bà chủ tiệm chọn đấy, toàn hàng xịn, chị thấy thế nào?”

Thoa cầm từng món hàng lên xem, cười,

“Tốt và đẹp lắm, nhưng giá chú hỏi tôi trước khi đi thì đỡ phí một khoảng tiền không nhỏ. Tôi có cả một tủ quần áo em bé. Chả là lúc trước, vợ chồng tôi sắm cho đứa con trai xấu số. Trẻ con mau lớn lắm, tôi e hai bé mặc chưa giáp vòng, tủ quần áo này đã chật, phải bỏ mua loạt mới.”

Thoa bước đến chiếc tủ thấp trong góc phòng, mở cửa mang ra từng chồng quần áo trẻ em, đủ màu, đủ kiểu dáng, Thoa nói với Tuấn,

“Chú thấy chưa, mặc làm sao hết?”

Tuấn nhìn, quả thực, giá Tuấn biết trước thì đã không nhẹ hầu bao. Nhưng chẳng sao, cái thú bận rộn tìm mua quần áo cho con khiến Tuấn như say vẫn còn lâng lâng trong người. Không có hai bé, làm sao Tuấn có được trải nghiệm này?

Tuấn bước đến hai chiếc nôi, cúi nhìn hai sinh linh bé nhỏ, kết tinh của một tình yêu lớn, đã và sẽ không thể có được, mãi mãi về sau, lòng Tuấn rưng rưng xúc cảm. Hai sinh linh mang một nửa huyết thống Thủy, hai sinh linh đã khiến Thủy không chút đắn đo, chọn cái chết để chúng được sống. Sự hy sinh vô điều kiện ấy sẽ không bao giờ phai. Tuấn hôn nhẹ trên hai gò má phúng phính thơm mùi sữa.

Bên ngoài, buổi trưa đang ngả sang chiều. Tiếng máy của chiếc đò trên sông nện vào không gian yên bình một nhịp đều. Tán lá xanh dày của cây chôm chôm góc nhà, phủ bóng mát gần kín miếng sân.

Bỗng từ ngoài, bé Loan chạy ập vào, chiếc ba lô học trò sau lưng, hai bím tóc trên đầu tung tăng theo bước chân, đôi má ửng hồng, tiếng thở gấp. Tuấn hỏi,

“Có chuyện gì mà chạy dữ thế bé Loan?”

Cô bé nhào ngay đến hai chiếc nôi,

“Con nhớ hai em.”

Bé Loan sà ngay xuống nôi Tú Em,

“Nhớ nhất Tú Em.”

Tuấn xoa đầu bé Loan, cười,

“Thế Tú Anh không dễ thương à?”

“Có chứ, nhưng không bằng Tú Em.”

Bé Loan cúi mi lên trán Tú Anh, chuyển sang nốt ruồi cạnh khóe môi mủm mỉm hồng thắm của Tú Em,

“Dễ thương lắm luôn. Nhớ cái nốt ruồi này muốn chết.”

Thoa trách yêu con,

“Ra sau rửa mặt rửa tay cái đã, gớm, mồ hôi mồ kê.”

Bé Loan cởi chiếc ba lô móc vào cây đinh thấp trên tường rồi chạy ra sàn nước phía sau. Tuấn nhìn theo,

“Con bé mê em dữ.”

“Bữa trước biết tôi sảy thai, nó khóc cả buổi chiều.”

Tuấn thở dài,

“Chúng tôi đã lên kế hoạch vài năm nữa sẽ sinh thêm một bé gái, nào ngờ!”

Thoa cũng thở dài, nói, một cách an ủi Tuấn và cả mình,

“Số mệnh cả chú ạ, cái gì cũng do ông trời sắp đặt, chú hẳn chả còn lạ gì câu “nhất thực nhất ẩm giai do tiền định.”

Tuấn im lặng nhìn ra ngoài, thầm nghĩ, ông trời sao bất công thế, Thủy hiền lành chơn chất lại bị ông tướt đi mạng sống, trong lúc chán vạn kẻ bất lương thì phây phây sống đời!”

Bóng mát của cây chôm chôm đã phủ kín miếng sân. Chiều.