
Tự thân, tác phẩm Biến Thái (Die Verwandlung) của Kafka, từ khi xuất bản năm 1915 đến nay, hơn 100 năm, nó vẫn không ngừng sự quyến rũ của mình.
Đầu tiên, nó làm người ta ngạc nhiên bởi tính mới mẻ của dòng văn chương đậm tính phi lý, mang vóc dáng của một thứ chủ nghĩa ở tương lai, phôi thai nơi lục địa xa lạ về văn chương với người Âu châu – vùng Mỹ La Tinh, chủ nghĩa Hiện Thực Thần Kỳ[1] (Realismo Mágico / Magical Realism/ Réalisme Magique) trong văn chương. Không có và không đủ cơ sở để nhận định rằng, Biến Thái đã đi trước một trào lưu văn học thế giới hậu bán thế kỷ XX, khơi dòng sáng tạo cho những nhà văn Mỹ La Tinh về một thể văn học mới, văn chương hiện thực thần kỳ, trước khi nó trở thành một chủ nghĩa và suy dần như một phong trào văn chương có sức ảnh hưởng quốc tế từ những nước thứ ba. Nhưng chắc chắn, Biến Thái là thứ văn chương chọn đường đi khác so với trào lưu văn học phương Tây lúc đó, cái khác chưa hẳn dẫn đến chủ nghĩa hiện thực thần kỳ, nó chỉ báo hiệu văn học phương Tây từ thời điểm nó chào đời sẽ thay đổi.
Tiếp đến, công việc của Biến Thái không còn giữ sự ảnh hưởng của mình trong địa hạt văn chương, nó bắt đầu lan dần sang kịch nghệ, điện ảnh và phần nào góp phần thay đổi nhận thức nghệ thuật nói chung. Cho đến giờ, hơn mười bộ phim được chuyển thể từ nó, gần nhất là năm 2017; nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình lấy ý tưởng từ Biến Thái; nhiều tác phẩm văn chương nối tiếp ý tưởng của Biến Thái, như truyện ngắn Samsa in Love (Samsa Đang Yêu) của nhà văn Haruki Murakami; năm 1983, Brian Howard viết vở opera Metamorphosis; năm 1988, Philip Glass mở đầu phong trào sáng tác âm nhạc phi lý gọi tên nó là Metamorphosis; năm 2004, ban nhạc Showbread ở Mỹ trình diễn ca khúc Sampsa Meets Kafka, với ca từ lặp đi lặp lại cơn đói của của Samsa khi trở thành loài vật. Đó là chưa nói đến ảnh hưởng của tác phẩm này trên lĩnh vực văn hoá đại chúng, từ truyện tranh đến phim hoạt hình, ngày nay, không quá khó để nhận thấy sự ảnh hưởng từ Biến Thái. Đến mức, trong loạt phim tài liệu This American Life (Đây! Đời Thường Nước Mỹ!) kể có người đàn ông tên Samsa tự nhận mình đã biến thành con gián và ông tìm đến sự giúp đỡ của tiến sĩ Seuss. Và xem chừng, sức ảnh hưởng của tác phẩm này không dừng lại ở tương lai. Điều đó không có gì quá ngạc nhiên nếu một tác phẩm lỡ rơi vào bàn tay đại chúng, văn hoá đại chúng là thứ văn hoá nghiện nhai lại.
Theo tôi, riêng trong lĩnh vực ngôn ngữ học, tác phẩm Biến Thái mới thể hiện uy quyền của sự quyến rũ. Thường, một tác phẩm nằm ngoài ngôn ngữ có tính phổ biến cao nhất, Anh ngữ, thì việc chuyển ngữ nó không được thực hiện quá nhiều lần. Đặc biệt, là khi đã có bản dịch được xem là tốt nhất xuất hiện. Như trường hợp thiên trường ca sử thi Iliad và Odyssey của Homer, được thi hào Alexander Pope dịch sang tiếng Anh, thì người ta xem nó như bản chuyển ngữ hoàn hảo nhất, mọi việc dịch lại nó về sau không còn được xem trọng. Cũng dễ hiểu, chẳng ai muốn làm công việc mà người khác đã làm và còn làm tốt hơn mình. Nhưng Biến Thái thì khác, nó được viết bởi một nhà văn bên lề ngoài chính thống. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, Kafka: Pour une Littérature Mineure hay Kafka: Hướng Đến Thế Giới Tiểu Văn Học (Nguyễn Thị Từ Huy dịch là Vì Một Nền Văn Học Thiểu Số, NXB Tri Thức), hai triết gia Gilles Deleuze và Félix Guattari nhấn mạnh Kafka và tác phẩm của Kafka ở góc nhìn mới:
Một, không xem Kafka như một nhà văn lớn hay vĩ đại, mà xem ông là một nhà văn hướng đến một thế giới tiểu văn chương. Ở đó, họ nhấn mạnh đó là thế giới phủ định đại chúng. Hiển nhiên. Có sự sáng tạo nào có thể bắt đầu từ đại chúng? Người ta luôn bắt đầu từ sự bỏ quên hay xem thường của đám đông. Có cái mỹ học nào từ đám đông mà thật sự mới mẻ?
Hai, từ tác phẩm của Kafka, giữa cái ngôn ngữ lớn Kafka tìm về tiểu ngôn ngữ. Thứ tiếng Đức mà Kafka sử dụng là thứ ngôn ngữ của một người Do Thái sống tại Tiệp, dùng. Nó như thứ tiếng Anh mà người Việt dùng với nhau trong cộng đồng người gốc Việt tại Mỹ. Không ai tin thứ ngôn ngữ của kẻ dị chủng có thể trở thành văn chương, thậm chí ngày nay ở Anh nhiều người Anh còn xem tiếng Anh của người Mỹ là thứ tiếng Anh quê mùa, ở người Việt, hầu hết nhà văn sẽ bật cười nếu nghe thấy một người Mỹ nào trở thành nhà văn lớn viết bằng tiếng Việt. Vậy mà, tác phẩm Kafka làm được. Rất tiếc, giọng văn Kafka, thứ giọng Đức của tên Do Thái ở Tiệp, không bao giờ hiện lên trên các bản dịch. Dịch giọng văn là bất khả, cùng lắm, người dịch chỉ có thể nhại lại giọng văn khi chuyển ngữ. Nên, dịch văn không đơn thuần là dịch nghĩa, mà còn là nhại giọng văn, kẻ nhại giọng giỏi nhất lại là nhà văn và như vậy, người dịch trong nghĩa sáng tạo chính là sáng tạo ở cách nhại giọng.
Ba, từ sự sáng tạo trong cách sử dụng tiểu ngôn ngữ, Gilles Deleuze và Félix Guattari ngầm đưa ra cương lĩnh về sáng tạo trong văn học là, kẻ cầm bút phải tự hướng mình đến thế giới tiểu ngôn ngữ, tự tách mình ra khỏi những quy ước và những phạm trù sẵn có, từ đám đông. Kẻ cầm bút, phải xem mình thuộc thiểu số và xây dựng một cộng đồng thiểu số quanh ngòi bút mình. Từ thiểu số, chúng sẽ tranh đấu ảnh hưởng với những giá trị mà đại đa số tin tưởng. Điều đó đặc biệt đúng với sự phát triển mỹ học trong văn chương, là, chống lại mỹ học của đám đông. Như vậy, người cầm bút phải vượt ra khỏi những định chế sẵn có từ niềm tin đám đông, phải vượt biên. Biến ranh giới thành phi ranh giới, xoá bỏ khái niệm hình thành nên lãnh thổ. Gilles Deleuze và Félix Guattari đã đặt nền móng cho giải lãnh thổ hoá (deterritorialization) trong một quyển sách vỏn vẹn chừng 100 trang. Kafka: Pour une Littérature Mineure. Cần nói, giải lãnh thổ hoá cũng như Hậu Hiện Đại, nó là một tiến trình không có đích đến, là sự vận động đến vô cùng trong việc phá huỷ và tái tạo. Xem phá huỷ là tiền tái tạo và xem tái tạo là nguyên nhân để phá huỷ. Rất ít khi ý tưởng cổ đại và hiện đại gặp nhau, nhưng giải lãnh thổ hoá rất gần với tư tưởng Lão Tử khi mô tả quy luật vận động của vũ trụ, hay ý tưởng về phá huỷ và sáng tạo như những vị thần tối thượng trong Ấn giáo.
Và bốn, cũng theo Gilles Deleuze và Félix Guattari, trong cái tiểu nào cũng chứa cái đại thể, nói cách khác, giá trị từ thiểu số bao giờ cũng hàm chứa giá trị từ tập thể. Như người Mỹ gốc Việt dùng tiếng Anh, mặc cho sự què quặt trong cách phát âm và cách sử dụng từ lẫn sự nghèo nàn trong vốn từ so với người Mỹ bản xứ, thì tiếng Anh đó vẫn là tiếng Anh, nó vẫn tuân thủ sự chặt chẽ về ngữ pháp hay cấu trúc câu. Do đó, đi từ nhóm thiểu số bao giờ cũng là những tài năng lớn, giữa vô vàn những thứ tưởng chừng bỏ đi, người ta lại làm nên những điều lớn lao.
Vì vậy, chuyển ngữ tác phẩm của Kafka chưa và không bao giờ tồn tại bản chuyển ngữ hoàn thiện nhất. Đối với Biến Thái, dịch nó ra bất kỳ ngôn ngữ nào cũng là một quá trình thử nghiệm và tranh luận liên tục. Kafka có lẽ không ý thức được việc, lối hành văn lẫn cấu trúc ngữ pháp của kẻ đứng bên lề Đức ngữ, đã trở thành một mê lộ văn chương, một thử thách lớn lao cho bất kỳ kẻ nào có tham vọng tìm kiếm sự chính xác trong dịch thuật. Sự chính xác trong dịch thuật là gì? Với văn chương? Hẳn, người ta tham gia vào quá trình phán đoán ý đồ tác giả dựa trên cấu trúc ngữ pháp, tính liên đới giữ từ vựng và tính văn hoá có trong nó, nhằm minh định một điều: Từ này, ngữ này, câu văn này, đoạn văn này; phải mang ý nghĩa này; ý nghĩa đó đơn hoặc đa; công việc kẻ chuyển ngữ phải truyền tải nhiều nhất ý nghĩa đó đến với người đọc sau khi chuyển ngữ; và người ta tin rằng, ý nghĩa đó là đúng với ý đồ tác giả. Nhưng văn chương Kafka là thứ văn chương bỏ lửng, Kafka chưa bao giờ nói rõ ý đồ của mình cũng như nhân vật hay ngữ cảnh mà nó mang lại, Kafka luôn thu mình lại phía sau tác phẩm và con chữ, như một kẻ kéo màn nhung sân khấu và hô lên “Kịch đã bắt đầu!” và để cho vở kịch tiến hành theo cách thức của riêng nó một-cách-phi-lý. Không ai có thể đoan chắc ý nghĩa của một đoạn văn nào từ Kafka. Kafka viết văn bằng dấu hỏi và sự ngờ vực nơi người đọc. Đọc Kafka là quá trình tham gia vào giải mã chính suy nghĩ của mình thông qua tác phẩm. Trước khi lý thuyết liên văn bản (intertextuality) hình thành vài thập niên sau khi Kafka mất và trước khi lý thuyết đó ảnh hưởng lên lĩnh vực phê bình văn học lẫn thuyết người đọc, thì có lẽ, Kafka là người đầu tiên và duy nhất thế kỷ đầu XX đưa ra thứ văn chương buộc người đọc phải đóng một vai trò quan trọng trong việc đọc. Đọc Kafka, không ai có thể thụ động bởi nó luôn gợi đến một cái gì đó, cái gì đó lại tiếp diễn và triển hạn đến vô cùng. Điều này khiến tác phẩm Kafka trở nên khó dịch mà Biến Thái là một đại diện tiêu biểu. Từ khi tác phẩm này được ra đời, riêng trong phạm vi Anh ngữ, có ít nhất 11 bản dịch được biết đến và xem chừng số lượng bản dịch Anh ngữ chưa có dấu hiệu dừng lại. Lý do chính mà người ta không ngừng dịch nó trong phạm vi một ngôn ngữ nhất định, theo tôi, vì: Một, người ta không đồng tình về một bản dịch nào đó trước họ, họ tin rằng bản dịch đó chưa lột tả hết nội dung tác phẩm và việc dịch lại nó là công việc tìm kiếm bản dịch ‘chính xác’ hơn; hai, chưa xuất hiện một bản dịch đủ để người ta công nhận nó là hoàn hảo và như vậy, nó chừa một chỗ trống quan trọng cho kẻ nào có tham vọng ghi tên mình vào chỗ trống đó.
Hai lý do đó, tựu chung đều thuộc về một niềm tin “vẫn còn một con đường khác,” khi đó, dịch lại một tác phẩm đã được dịch là sự khai phá mới về một tiểu lộ mà người ta tin rằng những nhà thám hiểm trước đó đã bỏ quên. Điều này dễ thấy những tranh luận không ngừng nghỉ về ý nghĩa trong tác phẩm Biến Thái cũng như nội dung dịch từ tác phẩm Kafka. Nhà văn Vladimir Nabokov tranh luận không ngừng nghỉ về tính biểu tượng trong tác phẩm Biến Thái, thậm chí, ông còn đoan chắc sự lý giải của mình là chính xác nhất[2]. Phạm vi tiếng Việt, Xuân Phong cho rằng Lê Huy Bắc đã dịch không chính xác, hoặc ít hoặc nhiều, thậm chí còn sai so với nguyên bản Đức ngữ trong ba truyện ngắn: “Giấc Mơ,” “Một Thầy Thuốc Nông Thôn,” “Người Cưỡi Xô” trong Tuyển Tập Tác Phẩm Franz Kafka (Trung Tâm Văn Hoá Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2003) và nhất là truyện “Giấc mơ”; Xuân Phong liệt kê khá chi tiết những chỗ sai trong bản dịch so với nguyên bản, sau đó, tự dịch luôn tác phẩm “Giấc Mơ”[3]. Phạm Thị Hoài không đồng tình với bản dịch “Nữ Ca Sĩ Giôdêphin” hay là “Truyện Kể Về Dân Chuột” (Kafka) của Nguyễn Văn Qua, nên đã dịch lại tác phẩm này[4].
Từ đó, tác phẩm của Kafka trong phạm vi ngôn ngữ trở thành một thử thách, thử thách chuyển ngữ nó. Tác phẩm của Kafka không quan trọng, mà thử thách từ nó mới là quan trọng. Ý nghĩa từ tác phẩm không quan trọng, cách thức giải thích ý nghĩa từ nó mới là quan trọng. Và như vậy, với tôi, biểu tượng vốn có trong tác phẩm Biến Thái không quan trọng mà viết về biểu tượng đó mới là quan trọng. Biểu tượng trong tác phẩm này, Biến Thái, không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để đạt được cứu cánh là cách thức phân tích biểu tượng. Thật bất hạnh trong lần in đầu tiên này là toàn bộ bản thảo phân tích biểu tượng trước đó của tôi đã thất lạc hoàn toàn, tôi tin phần nhiều là mất và tốt nhất, mất vĩnh viễn. Điều đó tốt, khi tôi viết lại nội dung của mình cách đây một năm là cuộc vật lộn với ký ức lẫn sự ám ảnh mơ hồ về nội dung mình đã viết, chừng mực nào đó, tôi đang diễn dịch lại chính tác phẩm của mình thông qua Biến Thái của Kafka. Số lượng biểu tượng được phân tích so với bản thảo đầu tiên hạn chế hơn hẳn, một phần tôi rất ít niềm tin về sự trung thực của trí nhớ mình và phần khác, tôi cũng không muốn nhớ nó nữa. Tôi chỉ giữ lại vài biểu tượng trong tác phẩm mà tôi cho là quan trọng với mình. Trong lần in sắp tới, nếu may mắn ký ức gợi nên một điều gì đó, biết đâu số lượng biểu tượng sẽ đi tìm kiếm lại vong ảnh bản thảo đầu tiên thì sao? Cảm giác không bao giờ tìm lại bản thảo gốc, vừa khó chịu vừa thách thức, giống như việc chuyển ngữ Kafka, mãi mãi không có điểm dừng.
Ungeziefer
Loài mà Gregor Samsa biến thành là Ungeziefer, một loài sinh vật có hại, tệ hơn còn là sinh vật chưa được thanh tẩy không được dùng cho tế lễ[5]. Ngay từ đầu, Kafka không dùng từ Insekten (sâu bọ, côn trùng) để mô tả loài mà Gregor biến thành, bởi nó cụ thể trong trí óc người đọc, đến mức khi xuất bản, Kafka còn đề nghị không minh hoạ bằng bất kỳ loài côn trùng nào, dù là nhìn từ xa. Mong muốn của Kafka không quan trọng, những nhà xuất bản mong muốn cần cụ thể nó ra bằng loài sâu bọ gớm ghiếc và như vậy đủ ấn tượng cho quyển sách bán chạy, không cần thiết thảo luận nó là loài nào. Theo tôi, có hai điểm chính ở Ungeziefer: Không phải loài người và, loài sinh vật có mức độ thích nghi đa dạng nhất trong tự nhiên.
Ở đây, yếu tố không phải loài người là một hình thức của tín ngưỡng, tín ngưỡng nguyên sơ nhất từ tổ tiên chúng ta khi họ còn bận săn bắt hái lượm, đời sống gắn liền với thiên nhiên cỏ cây, nghĩa là gắn với loài vật nhiều hơn đã thuần hoá chúng: Yếu tố động vật hoá nhân tính. Loài người, khi thuần hoá loài vậy, tự bản chất, chúng ta xem chúng là loài hạ đẳng, dưới loài người và chịu sự khuất phục của loài người; khác với trước đó, kinh nghiệm tổ tiên loài người là xu hướng thiên liêng hoá loài vật. Trong mọi dân tộc và vùng lãnh thổ, không quá khó để thấy huyền tích khai sinh ra một dân tộc phần nào gắn liền với tự nhiên mà trong đó, biểu trưng là loài vật. Chính sự gần gũi với tự nhiên của người săn bắt hái lượm, họ nhìn thấy điểm tương đồng giữa con người với con vật nhiều hơn là khác biệt, ý tưởng loài vật tiến hoá thành loài người hay biến thái thành loài người đã có trong tổ tiên chúng ta chứ không phải từ Darwin. Trong Kinh Thánh, Eve, bà mẹ của loài người có cái tên theo ngữ hệ Semite là bà rắn cái (Eve). Không phải ngẫu nhiên mà con rắn, sinh vật hiếm hoi nỗ lực giao tiếp với con người, lại bắt chuyện với Eve chứ không phải Adam để xui đôi vợ chồng đó ăn trái cấm. Đó là thời đại mà con người và con vật gần gũi đến mức lai tạp được với nhau, trước khi, loài người tự xem mình đứng trên loài vật và đổ mọi phẩm chất xấu xa cho chúng; loài người hướng đến sự khác biệt với loài vật đã đành, mà còn hướng đến cả sự riêng biệt độc đáo trong chính chủng người mình. Cái hướng đến đó, rất khó chấp nhận sự tồn tại nào khác với loài Homo Sapiens, lịch sử cho thấy hàng loạt họ người khác đã tuyệt chủng và nhường sân chơi tiến hoá cho duy nhất một loài người: Homo Sapiens. Người ta bắt đầu hình thành những tiêu chuẩn đạo đức mô phỏng trên tính trạng giống người, cái mà chúng ta vẫn hay gọi là nhân tính nhằm đối lập với nó, thú tính. Từ đó, Kafka đặt một dấu hỏi về chu trình biến tbiêhái thú tính – nhân tính hay, ngược lại? Thông qua biểu tượng Ungeziefer. Người ta nhận diện phẩm chất loài vật qua hình dáng mà loài đó mang hay những gì mà loài đó làm? Chỉ có Gregor, Kafka và người đọc biết anh là người, thông qua những gì anh nghĩ và những gì anh cố gắng làm. Tự nhiên, người đọc đã bị nhốt vào đầu của Gregor, theo dõi từng sự biến thái trong hành vi của anh, càng lúc càng khác người, từ yêu thích thực phẩm ôi thiu cho đến cái thú bò ngang dọc khắp phòng. Không có một điểm nào cho thấy Gregor là con người: Về hình dáng, anh không còn hình dáng loài người; về hành vi: anh dần dần bị động vật hoá hành vi và phần nào, cả suy nghĩ. Nhưng cả anh và người đọc, mở rộng ra cho cả giới chuyên môn, nhà phê bình, sẽ không ai nghĩ rằng anh là loài vật, chỉ ở một điểm nhỏ, nhỏ nhặt như tia sáng trong tâm hồn lẫn thể xác đang động vật hoá: Cảm xúc cho mọi người trong gia đình, cả khi chết. Nhân tính gắn liền với sự đồng cảm giữa người và người thông qua ký ức chung của họ. Còn với con người khác, một ông bố thất bại ăn bám trên sức lao động của duy nhất một người nhưng vẫn chuyên quyền với những quyết định lớn lao đối với vấn đề hệ trọng gia đình đến từng cá nhân, một bà mẹ dễ xúc động nhưng không đủ giàu cảm xúc để chiến thắng nỗ lực nhìn trực tiếp con trai mình, một cô em gái tính cách nhợt nhạt đến mức vô cảm trong nỗ lực đứng giữa sự kinh tởm và lòng thương xót; tất cả họ, là biểu trưng của bề ngoài nhân tính, thích nhân danh phẩm chất con người để thuần hoá con vật. Cứ nhìn cách loài người thuần hoá động vật, chúng ta luôn tin rằng dưới bàn tay che chở của con người, loài vật đã sống tốt hơn đời sống hoang dã với phẩm chất tự nhiên của chúng. Đành rằng, trừ khi vì mục đích tiêu khiển, thoả mãn cảm giác cô đơn của chủng loài hơn 7 tỷ cá thể đang quần tụ với nhau trong những hệ sinh thái nhân tạo mà chúng ta gọi là thành phố, thì phần lớn loài người nuôi con nào thì thịt con đó. Cả khi thịt chúng, con người vẫn tin rằng con bò được chết dưới dao mổ vẫn tốt hơn nanh sư tử, dù ai đồng ý hay bất đồng quan điểm đó thì đành thừa nhận một thực tế ở loài vật trước khi chết (chết bất kỳ hình thức nào cũng là chết, không có cái chết nào là nhân đạo): Chúng đã sống đời sống trước khi chết thế nào. Không một loài vật nào được thuần hoá mà có đời sống tốt hơn tự nhiên mà, cấu tạo cơ thể chúng vốn dĩ giúp chúng thích ứng với môi trường tự nhiên chứ không phải nhân tạo. Một con lợn an toàn trước loài sói khi thuần hoá, chúng không cần sục soạt khắp khu rừng để kiếm ăn, con cái chúng được chăm sóc cẩn thận bởi con người thì chúng phải đối mặt với một loạt những hành vi phi tự nhiên mà con người cần ở chúng, chúng cần tích trữ nhiều mỡ và đạm vượt quá nhu cầu vốn có, chúng phải phối giống nghịch mùa và mất khả năng tìm kiếm bạn tình; một loài vật phải làm những điều trái với cấu tạo tự nhiên của chúng, chưa bao giờ là tốt, nếu không nói là bất hạnh. Khi Gregor biến khái thành loài vật, một nỗ lực khác từ gia đình anh là thuần hoá đời sống anh: Ban cho anh một phạm vi sống như con vật bị thuần hoá nghĩa là bị cách ly khỏi khu vực địa lý con người nhưng gần con người, những bữa ăn đúng giờ, giữ cho anh một trách nhiệm với xã hội là không làm hoảng loạn người lạ, giữ cho anh một trách nhiệm người trong gia đình là không bôi bẩn gia phong. Một mặt, họ không xem anh là con người mà tệ hơn, họ không muốn nhắc đến sự tồn tại của anh; thì mặt khác, họ tạo ra trách nhiệm nơi anh, ít nhất là trách nhiệm không được phép xuất hiện trước bất kỳ ai. Nền đạo đức nhân tính là nền đạo đức mô phỏng lại nhu cầu cảm xúc con người, con người sẽ thấy nền đạo đức đó rất tự nhiên trừ khi họ nhìn thấy căn tính loài người gần với loài vật nhiều hơn họ nghĩ. Ungeziefer vạch trần yếu tính “không phải loài người” trong chúng ta, nhân tính không giúp con người sống giữa tự nhiên, nhân tính chỉ giúp loài người sống với loài người, với xã hội và hệ sinh thái nhân tạo; mà chính thú tính mới là đặc tính tự nhiên để loài người tồn tại với tự nhiên. Trong trường hợp đó, thú tính mới là sức mạnh, thú tính tiến đến chủ nghĩa súc sinh/ chủ nghĩa động vật tính/ duy động vật tính chủ nghĩa (animalism). Phương diện cảm xúc với từ ngữ trong tiếng Việt, thú tính hay chủ nghĩa súc sinh, gợi nên cảm giác tiêu cực và có tính khiêu khích; không riêng gì Việt Nam, phần lớn nhân loại nói chung đều có cảm giác khó chịu khi nhận định đặc tính thú vật trong con người, nhất là khi nền đạo đức nhân tính là trào lưu chủ đạo chiếm trọn lịch sử đạo đức cận và hiện đại; nhưng nghiên cứu về chủ nghĩa súc sinh hay nền đạo đức thú tính đã có từ rất lâu. Từ thời cổ Hy Lạp, Aritippus và Epicurus đều tin rằng tận hưởng những khoái lạc có từ bản năng là hạnh phúc và chỉ ra, nghĩa vụ đạo đức duy nhất của loài người là mưu cầu hạnh phúc và loại bỏ khổ đau trong đời sống, vì dù sao, không ai có kinh nghiệm gì về thế giới sau cái chết nên đời sống thực tại mới là cái hiện hữu cần lưu tâm; riêng Epicurus, ông lưu ý, có những thứ khoái lạc đi đến trạng thái thái quá là khổ đau, tận hưởng nhưng biết tiết chế khoái lạc là hạnh phúc; như vậy, chủ nghĩa khoái lạc (Hedonism) hướng đến sự thoả mãn những như cầu bản năng có từ loài vật trong căn tính loài người. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử hướng loài người trở về đời sống gần với loài vật, xem lý trí là thứ phiền não. Đừng vội kết luận hay xem thường tư tưởng của triết gia cổ đại trên, vì việc đề cao phẩm chất thú tính hay việc xem loài người dựa trên căn tính là loài vật vẫn là trào lưu chủ đạo trong những ngành khoa học về di truyền; chủ nghĩa súc sinh còn tiếp tục phát triển bởi những triết gia hiện đại như Eric T. Olso và David Wiggins; tản mác đâu đó trong tư tưởng Nietzsche về nền đạo đức có giá trị đối nghịch với giá trị từ Ki-tô giáo; Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ nhấn mạnh quyền “mưu cầu hạnh phúc” đã xem sự tìm kiếm cách thức thoả mãn nhu cầu khoái cảm ở con người là một quyền được nhà nước bảo hộ, nó không khác lắm quan điểm của Aritippus và Epicurus; đời sống hiện đại ngày nay, trào lưu chủ đạo vẫn hướng đến thoả mãn vật chất và bản năng tự nhiên trong con người; đến mức, trong tác phẩm Homo Deus, Yuval Noah Harari xem việc thoả mãn khoái cảm là đích đến tương lai loài người, hướng đến sự hạnh phúc vĩnh cửu và xoá sạch nỗi đau. Nói cách khác, nền đạo đức thú tính vẫn còn trong chúng ta, hiện hữu thông qua cách thức chúng ta mưu cầu hạnh phúc mỗi ngày. Đừng quên, từ trong lịch sử, con người đã từng thần thánh hoá loài vật đến việc xem sự lai ghép giữa loài vật – loài người là yếu tố thần linh, cứ nhìn vật tổ (totem) của mọi dân tộc đều có sự hiện diện loài vật; cho đến văn hoá hiện đại, những siêu anh hùng trong văn hoá Mỹ đều gắn liền với sự lai ghép năng lực loài vật với loài người, sức mạnh siêu nhiên của người đột biến phần nhiều là sức mạnh mô phỏng từ loài vật. Tự trong bản chất, Ungeziefer phần nào Kafka thiêng liêng hoá thông qua cảm nhận sức mạnh của Gregor khi anh biến thái thành Ungeziefer, những khả năng mới và những khoái cảm mới thôi thức Gregor; nhưng Ungeziefer hoá hay thú tính hoá đặt giữa không gian quyền lực nhân tính, thì thú tính không được công nhận trong xã hội nhân tính. Kafka không lý giải nguyên nhân Gregor biến thái thành Ungeziefer, điều đó tốt, bởi không một loài nào biết được nguyên nhân mình phải biến đổi từ hình thái này sang một hình thái khác. Cứ xét trạng thái tâm lý con người từ lúc sơ sinh đến khi chết một cách tự nhiên, chúng ta đều thấy sự biến thái trong tâm lý con người là hoạt động tự nhiên mang tính thích ứng với môi trường. Do đó, Kafka thay thế nguyên nhân biến thái thành Ungeziefer của Gregor, thứ nguyên nhân mà trước đó, bao trùm bầu khí quyển văn học dân gian và tôn giáo, là ý nguyện của thần linh và ý nguyện đó được thực hiện bằng quyền năng của thần linh; bằng: Môi trường đã áp chế lên tinh thần Gregor. Biến thái chỉ là phản ứng với thay đổi môi trường, phản ứng đó, rất tự nhiên.
Ungeziefer, xét về phương diện sinh học, chúng là loài sinh vật có mức độ thích nghi đa dạng nhất trong tự nhiên. Đó là nhận định dễ chấp nhận, nếu chúng ta chỉ cần nhìn thấy mức độ đa dạng trong cùng một chủng, khả năng phân bố phủ khắp tinh cầu và với số lượng đông đảo nhất trong tất cả loài sinh vật. Người ta có thể ưu tư tê giác châu Phi có thể tuyệt chủng trong thời gian gần, nhưng không ai nghĩ điều đó xảy ra với loài gián. Không chừng, vì một lý do nào đó dẫn đến sự tuyệt chủng loài người thì nhiều nhà côn trùng học tin rằng, lũ côn trùng vẫn còn đâu đó trên tinh cầu vắng bóng nhân loại với hình dáng không khác mấy hiện nay. Gregor Samsa sau giấc đêm nặng nề, không biến thái thành động vật có vú, chim, cá hay bò sát mà biến thái thành Ungeziefer. Kỷ nguyên Kafka sinh ra là kỷ nguyên mà người châu Âu đã đoạn tuyệt với nhiều tín điều từ Công giáo, quyền lực lý giải tự nhiên đã nhường đường cho khoa học, khi ngài tử tước Bacon đặt xuống mảnh đất lý trí hạt giống của những bộ công cụ khoa học thô sơ nhất độc lập với cảm tính ở thế kỷ XVII, thì một thế kỷ sau đó hạt giống nảy mầm nên những phương pháp luận chặt chẽ mang tính khách quan làm nền tảng cho Newton xây dựng thánh đường vật lý cổ điển, phong trào lý tính thế kỷ XVIII như làn gió mới về nhận thức, nó kiêu ngạo và lộng lẫy như tính cách và văn chương Voltaire; khi cảm tính được ủ mầm trong văn chương Rousseau, quật khởi trong cuộc cách mạng Pháp, nương dưới gót giày Napoléon Bonaparte bước lên những viên đá của bậc tam cấp nhà thờ Đức Bà Paris thì người ta mới nhận ra rằng không phải cái gì đã chôn cũng chết, gia tài quý giá của nước Pháp là tư tưởng Rousseau chôn chặt vào mé tả ghế ngồi trong toà Quốc Hội, trước khi Marx đón nhận lấy tinh thần xã hội chủ nghĩa và gieo cho nó những định đề lịch sử có tính khoa học của thế kỷ XIX đủ quyến rũ những đầu óc vĩ đại nhất nước Pháp thế kỷ sau, những kẻ tự nhận mang trong mình dòng máu triết học mới có tên là hiện sinh và thế kỷ kế tiếp nền chính trị khuynh tả đã trở thành đặc trưng Pháp quốc với những vị tổng thống ưa lo chuyện bao đồng mà loay hoay mãi vẫn không thể cải tổ tư duy tập đoàn nông nghiệp đòi hỏi bảo trợ bằng tiền thuế cho những quyết định sai lầm về đầu tư; không, đó vẫn không phải là kỷ nguyên Kafka đã sống vào thế kỷ XX, nếu người ta quên đi ba cái tên đã ảnh hưởng lên tư tưởng châu Âu: Kant, Darwin và Heisenberg; cuối thế kỷ XVIII, ngoại trừ việc giải quyết mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo, lý tính và cảm tính, đặt ra giới hạn của lý tính trong xã hội cơ khí dần lên ngôi Kant đã vội đặt một cỗ máy vào trong tư duy chúng ta có cái tên theo phong cách Đức: Cảm giác học siêu nghiệm (Transcendental aesthetic); nơi mà Kant đặt sự hoài nghi về quyền năng lý tính, cảm xúc và cả giác quan, liệu có thể thụ đắc được chân lý tuyệt đối bên ngoài tự nhiên không? Chúng ta có thể biết gì? Bổ đề đó thật quan trọng và cũng thật thách thức với tư duy triết học đương thời, khi biết giới hạn của con người, Kant gợi ý một chỉ dấu táo bạo về đạo đức học bằng bổ đề: Điều gì là điều nên làm? Đã ngầm đẩy lĩnh vực đạo đức học ra khỏi tôn giáo và đi vào thế tục, từ đó nền đạo đức được nghiên cứu dưới góc nhìn thôi thúc của bản năng một cách rất tự nhiên hơn là chỉ dấu của Chúa; nhưng ông giáo già vùng Königsberg cũng nặng lòng với ký ức như cách mà người già nhìn về hiện tại, chẳng có gì như ngày xưa hết, và chúng ta đừng quên Kant là đoá hoa triết học nở muộn nhất trong vườn hoa tư tưởng nhân loại theo cách ví von của Will Durant[6], nên Kant đã mở một con đường cho tôn giáo phát triển giữa tốc độ phát triển tri thức khoa học dần theo cấp số nhân bằng bổ đề: Tôi có thể hy vọng gì? Kant tin tưởng rằng mình đã giải quyết rốt ráo vấn đề mà thời đại mình đặt ra thì đó cũng là lúc ảnh hưởng của Kant không còn nằm trong những bộ sách thách đố trí thông minh thời đại, như nhiều nhà tư tưởng trước đó, ảnh hưởng của Kant không ở việc tìm kiếm câu trả lời căn bản mang tính triết học ở trên, mà nằm ở những ý tưởng rải rác khắp nơi trong tác phẩm của Kant. Nhân loại có một thú vui khi gặp những nan đề thời đại là tạo ra giải pháp từ ý tưởng tiền nhân. Tác phẩm quan trọng của một tác giả lớn, đôi lúc lại không có sức ảnh hưởng bằng ý tưởng rời rạc có trong nó. Ý tưởng mới là thứ lao mình đến tương lai. Trong vô vàn hình thức của ý tưởng, hình thức ẩn tàng ý tưởng lại là thứ quan trọng có ảnh hưởng lớn, cũng dễ hiểu, ý tưởng trong tác phẩm ở trạng thái ẩn thì nó cần đến kẻ tìm ra nó phải có một trình độ tư duy nhất định, kẻ như vậy khi khám phá ra ý tưởng chúng dễ dàng lan truyền sự ảnh hưởng ý tưởng đó hơn. Mớ hỗn độn đầy tính siêu hình học của Kant để lại một ý tưởng quan trọng, độc đáo: Bên dưới mỗi hình thức tư duy hay cách thức mà tri giác con người tiếp nhận thông tin từ thực tại đều có, một cỗ máy, bên dưới cỗ máy đó là một cấu trúc, tác dụng cấu trúc đó là để… phân loại. Dưới góc nhìn Nhận Thức Luận, Kant tin rằng, chúng ta hiểu hay mô tả được một khái niệm nào đó vì tự thân, bên trong chúng ta có một cấu trúc của khái niệm đó, nên chúng ta hiểu được nó vì chúng ta phân loại được nó thành những thành phần nhỏ hơn. Chẳng hạn, khả năng căn bản nhất của con người là phân biệt vấn đề thành đối cực, ta và địch, đàn ông và đàn bà, ban ngày và ban đêm.
Die Verwandlung
Die Verwandlung hay biến thái, không là ý tưởng mới lạ trong thế giới văn chương và cả triết học.
Đầu tiên, ở phương diện văn hoá, biến thái là một biểu tượng đặc trưng của xã hội loài người. Trong mọi nền văn hoá, người ta không khó tìm thấy những thần thoại, nơi mà những vị thần tự biến mình thành những loài sinh vật khác; riêng trong thần thoại Hy Lạp, học giả P. Grimal dẫn ra trên một trăm thí dụ về biến thái[7]. Hiện tượng biến thái trong thần thoại, gắn liền với quyền năng các vị thần, và phần nào thể hiện một phần thưởng hay một sự trừng phạt, đôi lúc là mục đích theo đuổi[8]. Khác với khái niệm luân hồi, Biến thái là một trạng thái biến đổi không dứt khoát[9]. Nếu luân hồi, người ta không tìm thấy tính tương đồng giữa dạng sống tiền kiếp và hậu kiếp, mạch thời gian của luân hồi cũng không liên tục và quan trọng nhất, luân hồi không xem sự sống giữa tiền kiếp và hậu kiếp là liên tục; thì trái lại, Biến thái luôn thể hiện sự thống nhất giữa trạng thái tiền biến thái và hậu biến thái, mạch thời gian của biến thái gắn liền với thời gian của sự sống một cá thể. Như vậy, tính thống nhất giữ những chu trình biến thái trong thần thoại là, sự thống nhất căn bản trong mỗi cá thể mà những biến đổi bên ngoài không làm thay đổi bản chất bên trong. Dù Zeus hay con thiên nga bên cạnh nàng Léda thì người ta tin rằng, bên trong, sâu thẳm tâm hồn của con thiên nga kia cũng chính là sâu thẳm tâm hồn Zeus. Lịch sử của biểu tượng biến thái, không ai đặt vấn đề ở sự thống nhất căn bản của mọi sinh linh trước và sau khi biến thái; như vậy, biến thái nhấn mạnh đến sự tồn tại của linh hồn đơn nhất trước cái đa dạng của hình thái sự sống. Gregor Samsa hay con bọ, thì bản chất linh hồn Gregor vẫn ở đó, bên trong con bọ, vẫn thiết tha với gia đình trong nỗ lực nghe ngóng lời bàn tán của mọi thành viên trong nhà, vẫn đắm say với tiếng đàn vĩ cầm vụng dại của cô em, vẫn mãi mê với tâm hồn của Gregor dù sở thích ăn uống không còn như một con người. Kafka nhấn mạnh bi kịch của biến thái là linh hồn không biến thái. Khác với Kafka, Trang Tử ngờ vực cái tôi hay linh hồn thống nhất giữa những quá trình biến thái. Trong buổi sớm, Trang Tử mơ thấy mình là con bướm rồi giật mình tỉnh dậy, không biết mình là Trang Tử đã mơ thành bướm hay bướm đang mơ thành Trang Tử. Vì ngờ vực, nên giấc mơ biến đổi trạng thái sự sống của Trang Tử chỉ dừng ở câu hỏi tu từ về linh hồn, Trang Tử tin vào sự tồn tại của linh hồn, nhưng ngờ vực linh hồn nào mới là chủ thể. Kafka không mang tinh thần Á Đông, Kafka chỉ tin rằng, bản ngã của Gregor không mất đi là nguồn cơn nỗi đau khổ của chính anh. Cái biến thái dở người, biến đổi tất cả nhưng linh hồn còn nguyên. Như vậy, phương diện văn hoá của biến thái là xoay quanh hai vấn đề: Linh hồn hay bản ngã bất biến mặc cho hình dạng cơ thể biến đổi thế nào; và, bi hài kịch từ việc linh hồn bất biến. Kafka không khác lắm nhà thơ Ovid trong tác phẩm The Metamorphoses, Gregor và nỗi đau của chàng không hơn gì tấn bi hài kịch của những vị thần và người Hy Lạp – La Mã khi biến thái. Không có một khẳng định nào cho thấy Kafka chịu ảnh hưởng ý tưởng trực tiếp từ Ovid khi viết tác phẩm Biến Thái, mặc cho The Metamorphoses của Ovid là nguồn cảm hứng cho cả đám nghệ sĩ Âu châu thời Phục Hưng, thổi hồn vào vần thơ Dante Alighieri, Giovanni Boccaccio, Geoffrey Chaucer và cả William Shakespeare; mặc cho tác phẩm này của Ovid là một trong những điển phạm văn học quan trọng nhất Âu châu, sức ảnh hưởng vẫn còn kéo dài đến thế kỷ XXI; thì chúng ta cũng phải thừa nhận, Biến Thái của Kafka có đời sống và sức ảnh hưởng khác hoàn toàn với Biến Thái của Ovid. Điều gì làm nên sự khác biệt của hai tác phẩm cùng tên, dù khác thời đại, với bầu khí quyển bao trùm lên nó là linh hồn bất biến cùng bi kịch của sự bất biến đó? Sự khác biệt nằm ở chỗ: Tiến trình tư tưởng nhận thức biến thái ở con người.
Nếu biến thái, ở phương diện văn hoá, như là một biểu tượng về sự thống nhất linh hồn mặc cho thể xác biến đổi thế nào, cũng như vấn đề ra khi linh hồn xơ cứng trước quá trình biến đổi thể xác; thì ở phương diện nhận thức, biến thái là một ý niệm có sự vận động. Freud cũng như thuyết phân tâm học mà ông tạo ra, kế thừa bởi Jung, Lacan và nhiều tên tuổi khác; có lẽ cùng cách nhìn về biểu tượng biến thái, họ xem biến thái như một ham muốn bị áp chế, chôn sâu vào thế giới tiềm thức và vô thức, đôi lúc trỗi dậy như một giấc mơ, nấp vào bên dưới vần thơ và con chữ. Dưới góc nhìn phân tâm học, biến thái cho thấy khát khao muốn thay đổi cơ thể sống của con người, xem một cơ thể lý tưởng là cơ thể có khả năng biến đổi theo nhu cầu bản ngã. Phép so sánh hay tỉ dụ là một hình thức sơ khai của ham muốn thay đổi. Hẳn là loài người đã quan sát cẩn thận quá trình biến thái ở nhiều loài sinh vật, đặc biệt là côn trùng, như loài bướm. Quá trình từ sâu bướm thành bướm gợi ý cho loài người một ý tưởng táo bạo, cơ thể thay đổi triệt để khi sinh vật mong muốn đoạn tuyệt với môi trường cũ. Cứ nghĩ nếu chúng ta là sâu bướm, ăn mãi những đọt lá non đến lá già, giao phối và sinh sản trong hình dáng loài sâu với tướng đi chậm chạp, lần mò giữa kẽ lá tàn cây; thì vấn đề sâu bướm gặp phải là, nếu nó mãi là sâu bướm, lá cây sẽ hết đến một lúc nào đó nếu loài sâu sinh sản quá nhiều, trước khi lá cây hết thì sự trơ trọi của cây sẽ giúp cho kẻ thù của sâu là những loài chim ăn sâu phát hiện ra chúng nhanh hơn, việc di chuyển quá chậm và thiếu hợp tác trong cộng đồng sâu trước áp lực nguồn thực phẩm ngày càng nghèo nàn đi, chúng không thể nào thực hiện một hành trình thiên di nhục nhã như loài người; chúng phải tìm đến một môi trường khác, như vậy chúng cần biến đổi triệt để. Giữa sâu bướm và bướm khác biệt triệt để về hình dáng, chậm chạm và nhanh, dưới đất và trên không, giới hạn khu vực địa lý và không còn giới hạn địa lý, lá cây và mật hoa. Sự khác biệt về hình thái không quan trọng bằng năng lực mới lẫn thay đổi môi trường, nó gợi ý đến sự giải phóng về khả năng lẫn tính thích nghi đa dạng môi trường. Đó là lý do vì sao, nhận thức đầu tiên của loài người về biểu tượng biến thái chính là sức mạnh, hơn cả sức mạnh, nó còn gắn liền với quyền năng thần thánh. Theo thời gian, con người tự đặt mình ra khỏi loài vật và tất yếu, biến thái ra khỏi hình thái con người đều là tội lỗi. Những câu truyện cổ, con người biến thành con vật là một lời nguyền rủa. Dù nhận thức thế nào về biến thái, không gian từ thần thoại đến truyện cổ hay dòng văn chương đậm tính thần kỳ, đều xem biến thái là trạng thái phóng tưởng, đặt con người vào một trạng thái khác của con người là đẩy trí tưởng tượng cũng như trải nghiệm tưởng tượng, thế giới của biến thái là thế giới rượt đuổi liên tục cái trải nghiệm không thể kinh nghiệm. Do đó, giai đoạn này, biến thái như là một giả định “Nếu (giả sử) tôi là…” là mệnh đề bao hàm cấu trúc hợp lý của riêng nó, “thì tôi sẽ…” là thứ mệnh đề hệ quả được chấp nhận một cách hiển nhiên. Đọc bất kỳ một thần thoại, truyện cổ hay bất kỳ truyền thuyết nào đó, chúng ta không đặt vấn đề tính bất hợp lý của nó bởi, nó hợp lý theo cách riêng của nó. Đến Kafka, ông đặt lại góc nhìn về biến thái. Kafka không viết truyện cổ thời hiện đại, nơi mà Gregor biến thành con vật mà không có chút bùa chú hay bàn tay thần thánh nào. Kafka đặt người đọc vào sự phi lý ngay từ lúc bắt đầu. Kafka không giả sử, nếu Gregor là cái gì đó, mà ông thay mệnh đề bao hàm cấu trúc hợp lý “Giả sử A là…” thành “A là…” một cấu trúc bỏ lửng. Cái bỏ lửng đó, tự thân, là một dấu hỏi không ngừng thôi thúc óc tưởng tượng người đọc. Nếu trước đó, biến thái là một biểu tượng đẩy con người đến những trải nghiệm mang tính tưởng tượng thì, Kafka đưa biến thái thành một biểu tượng ngờ vực bằng chỗ trống tu từ. Cấu trúc ngữ pháp trong văn chương Kafka thường trực, vẫn là chỗ trống, Kafka không nói đến tường tận vấn đề, ở đâu ông cũng để lại sự ngờ vực lôi kéo người ta phải tưởng tượng. Nên cấu trúc mà Kafka tạo ra không phải là cấu trúc hợp lý hoá những gì được viết, mà cốt, Kafka muốn tạo ra cấu trúc ngờ vực mọi điều. Biến thái là một điểm ngờ vực trước khi nó tạo cảm giác phi lý.
[1] Thuật ngữ này, có lẽ được dùng lần đầu trong thập niên 60 tại miền Nam, khi nhà văn Lê Huy Oanh dịch các truyện ngắn, thơ và tuỳ bút của Asturias cùng các bài phỏng vấn ông do Gunter W. Lorens và Jean Chalon thực hiện. Thuật ngữ Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ theo thiển ý cá nhân, nó tương đối chính xác hơn Chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo hay Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.
[2] Vladimir Nabokov, V. Die Kunst des Lesens: Meisterwerke der europäischen Literatur. Austen – Dickens – Flaubert – Stevenson – Proust – Kafka – Joyce. FISCHER Taschenbuch, 1991, trang 313–352.
[3] Về bản dịch “Một Giấc Mơ” của Franz Kafka. Đăng trên Talawas ngày 13.09.2004.
[4] Lời người dịch, “Josephine, Nữ Ca Sĩ Hay Dân Chuột,” Phạm Thị Hoài, đăng trên Talawas ngày 3.7.2003.
[5] ‘Etymologisches Wörterbuch des Deutschen’. Munich: Deutscher Taschenbuch Verlag. 1993. tr. 1486.
[6] Câu Chuyện Triết Học, Will Durant, NXB Hồng Đức, 2015
[7] Từ Điển Biểu Tượng Văn Hoá Thế Giới, Jean Chevalier – Alain Gheerbrant, NXB Đà Nẵng, trang 81.
[8] Sđd, trang 81.
[9] Leroux Françoise: Les Druides, Paris, 1961, trang 126 – 134.